TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Tình hình giá cả quý III và 9 tháng đầu năm 2016

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân chín tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%.

 

PHẦN I: TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ TIÊU DÙNG

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 9 NĂM 2016

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm tăng với mức tăng như sau: Giáo dục tăng 7,19%; Giao thông tăng 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09 %; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

1. Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 9 năm 2016

(1). Cuối tháng 8 Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine nên giá lúa gạo trong nước hồi phục sau 3 tháng (tháng 6,7,8) giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.

(2). Trong tháng, mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10% - 15% do nguồn cung hạn chế nên đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so tháng trước.

 (3). Giá dịch vụ giáo dục tăng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ (có bảng chi tiết gửi kèm) làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so tháng trước đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9.

(4). Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 5/9/2016 (giá xăng tăng 1.380 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 720 đồng/lít); Giá xăng dầu tăng làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI.

(5). Từ ngày 1/9/2016 giá gas điều chỉnh tăng 6.000đ/bình 12 kg (Giá gas trong nước điều chỉnh tăng do giá gas nhập khẩu trong tháng 9 tăng 20USD/tấn chốt giá ở mức 307,5 USD/tấn) làm cho chỉ số giá gas tăng 0,31% so với tháng trước.

(6). Chuẩn bị khai giảng năm học 2016 - 2017 nên nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón và giầy dép tăng làm cho chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14% so với tháng trước.

2. Các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 9 năm 2016

(1). Một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch lợn tai xanh, cùng với việc Trung Quốc ngừng thu mua thịt lợn nên giá thịt lợn giảm 0,38% so với tháng trước.

(2). Vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt giảm nên giá điện sinh hoạt giảm 0,06% so với tháng trước.

 (3). Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,11% so với tháng trước do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm.

(4). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa do vào cuối mùa hè, nên chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,1% so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 trong 10 năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI tháng 9 năm báo cáo so với tháng trước

0,51

0,18

0,62

1,31

0,82

2,2

1,06

0,4

-0,21

0,54

CPI tháng 9 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

8,8

27,9

2,42

8,92

22,42

6,48

6,30

3,62

0

3,34

CPI bình quân năm so với năm trước

8,3

22,97

6,88

9,19

18,58

9,21

6,6

4,09

0,63

2,07*

(*) CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015

II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 9 NĂM 2016 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,09%)

(1). Lương thực (+0,16%)

Chỉ số giá lương thực tháng 9 năm 2016 tăng 0,16% so với tháng 8 năm 2015 do Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine vào cuối tháng 8.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 10.200đ/kg - 12.000đ/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến 9.500đ/kg - 10.800đ/kg, gạo tẻ thường IR64 giá 11.000đ/kg - 11.500đ/kg, tăng 0,19% so với tháng trước; gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 16.8000đ/kg - 18.700đ/kg, tăng 0,2% so với tháng trước; giá gạo nếp dao động từ 22.300đ/kg - 27.000đ/kg, tăng 0,1% so với tháng trước.

 (2). Thực phẩm (+0,1%)

Chỉ số giá nhóm này tăng nhẹ do một số mặt hàng sau:

- Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và nhu cầu nguyên liệu làm bánh Trung thu tăng nên giá trứng tăng 0,69%; giá thịt gà tăng 0,02%; giá đường tăng 0,21% so với tháng trước;

- Giá rau tươi tăng mạnh từ 10%-15% do nguồn cung hạn chế ảnh hưởng bởi mùa mưa;

Tuy nhiên trong tháng có một số mặt hàng thực phẩm giảm giá như: giá thịt lợn giảm 0,38%% do một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng dịch lợn tai xanh, cùng với việc Trung Quốc ngừng thu mua thịt lợn; giá thủy sản giảm 0,07% do sản lượng dồi dào vào mùa mưa.

 (3). Ăn uống ngoài gia đình (+0,04%)

Giá lương thực, thực phẩm tăng nhẹ nên giá suất ăn ở quán bình dân tăng nhẹ ở một số tỉnh, thành phố.

2. Đồ uống, thuốc lá (+0,04%)

Chỉ số giá nhóm này khá ổn định, chỉ có mặt hàng rượu bia và thuốc lào tăng nhẹ ở mức lần lượt là 0,05% và 0,07%.

3. May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,14%)

Chuẩn bị bước vào năm học mới 2016 - 2017 nên nhu cầu mua sắm quần áo, giầy dép, mũ nón tăng cao: quần áo may sẵn tăng 0,15%, mũ nón tăng 0,15%, giầy dép tăng 0,10% và dịch vụ may mặc tăng 0,07%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,09%)

Chỉ số giá nhóm này tăng do các yếu tố sau:

- Ngày 01 tháng 9 năm 2016, giá gas điều chỉnh tăng 6.000đ/bình 12 kg (do giá gas thế giới bình quân tháng 9 năm 2016 công bố ở mức 307,5 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với tháng trước) nên chỉ số giá gas tăng 0,31% so với tháng 8 năm 2016;

- Giá dầu hỏa bình quân tháng 9 năm 2016 tăng 0,89% so với tháng trước do điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 05/9/2016;

Riêng giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,11% do vào mùa mưa nhu cầu xây dựng giảm.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,11%)

Chỉ số giá tiêu dùng của nhóm này tăng do nhu cầu mua sắm đồ dùng của các sinh viên học sinh tăng nên các chợ bán lẻ tăng giá theo, như: đồ dùng nấu ăn tăng 0,14%; đồ dùng bằng kim loại tăng 0,18%; đồ dùng khác tăng 0,17%.

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02%)

Chỉ số giá nhóm này tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ ở mặt hàng thuốc kháng sinh 0,17%; thuốc cảm tăng 0,18%, giá dịch vụ y tế ổn định.

7. Giao thông (+0,55%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 9 tăng chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 05/9/2016 nên chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,2%; theo đó, giá vé ô tô khách tăng 0,16% và giá vé taxi tăng 0,02%.

8. Giáo dục (+7,19%)

       Đây là nhóm có chỉ số tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng chính. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ giáo dục do cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ. Bên cạnh đó, chuẩn bị vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng: sách giáo khoa tăng 0,06%, vở giấy viết tăng 0,31% và bút viết các loại tăng 0,3%.

9. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,18%)

       Trong tháng 9 có ngày Tết Trung thu nên nhu cầu một số dịch vụ, vật phẩm văn hóa, giải trí tăng so với tháng trước.

10. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,05%)

       Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở một số mặt hàng sau: máy chăm sóc cá nhân tăng 0,06%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,14%; vật dụng về hỷ tăng 0,15% và dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,07%.

11. Chỉ số giá vàng (-0,36%)

Sau khi tăng mạnh ở tháng 7 và tháng 8 do sự kiện Brexit của nước Anh, giá vàng trong nước tháng này đã giảm trở lại cùng với diễn biến của giá vàng thế giới, bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.600.000đ- 3.620.000/chỉ vàng SJC giảm 0,34% so với tháng trước.

12. Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,07%)

Diễn biến tỷ giá trong nước khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ cho nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm. Do đó, tỷ giá VND/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh 22.330VND/USD.

II. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2016 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Lạm phát cơ bản tháng 9 trong các năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Lạm phát cơ bản tháng 9 năm báo cáo so với tháng trước

0,49

0,71

0,28

0,30

0,16

0,06

0,07

Lạm phát cơ bản bình quân năm so với năm trước

7,78

 

13,62

8,19

4,77

3,31

2,32

1,81*

CPI tháng 9 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

7,10

16,14

5,97

4,54

3,11

1,87

1,85

(*) Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015

Bình quân 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau, lạm phát cơ bản từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

III. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2016

CPI 9 tháng đầu năm nay tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước, bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,34%; tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu, chi tiêu dùng cuối năm...Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường. Chính phủ và một số Bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

So sánh CPI bình quân 1 tháng trong 9 tháng đầu năm

Trong 10 năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI

 

0,79

 

 

2,23

 

0,45

 

0,70

 

1,73

 

0,56

 

0,51

 

0,25

 

0,04

 

0,34

So sánh CPI 9 tháng đầu năm hàng năm so với cùng kỳ năm trước

Trong 10 năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

CPI 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước

7,53

20,76

7,64

8,65

18,16

9,97

6,83

4,61

0,74

2,07

1. Một số nguyên nhân gây tăng CPI trong 9 tháng đầu năm 2016

(1). Do điều hành của Chính phủ

Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, theo đó, giá các mặt hàng dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng bước 1 - mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực hiện kể từ ngày 1/3/2016; bước 2- mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 và chi phí tiền lương được thực hiện trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ dân số tham giá bảo hiểm y tế trên 85%, nên giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 29,09% làm cho CPI 9 tháng đầu năm tăng khoảng 1,09% so cùng kỳ năm trước.

Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính Phủ, cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục 9 tháng đầu năm tăng 4,83% so cùng kỳ năm trước làm cho CPI 9 tháng đầu năm tăng khoảng 0,28% so cùng kỳ năm trước.

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2016 (Tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng) và lương cơ sở tăng từ ngày 1/5/2016 (tăng 60.000đ) nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 1%-2,5% so với  cùng kỳ năm trước.

(2). Do yếu tố thị trường

Trong 9 tháng đầu năm, vào các dịp Tết Nguyên đán, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, kỳ lễ 30/4-1/5 và 2/9 đều được nghỉ kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng. Theo đó, bình quân 9 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,77%; chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,29% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,08%; chỉ số giá nhóm may mặc tăng 2,26% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 014%; chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 2,37% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 15/9/2016 giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 7 đợt tăng (vào các tháng 3, 4, 5, 6, 9), theo đó, giá xăng dầu trong quý II tăng 1,1% và quý III tăng 6,5% so với quý trước.

 (3). Do thiên tai và thời tiết bất lợi

Thời tiết 9 tháng đầu năm nay khắc nghiệt hơn năm trước, rét hại, rét đậm vào tháng 2 năm 2016 trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến giá rau xanh rau tươi tại các tỉnh miền Bắc, giá rau xanh tăng từ 15%-20%.

Trong tháng 4, tháng 5, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng. Tuy nhiên, do đơn hàng xuất khẩu gạo vào cuối tháng 5 không còn nhiều, cùng với Thái Lan xả kho gạo với số lượng 11,4 triệu tấn trong tháng 5 đã gây sức ép đến giá lúa gạo trong nước giảm vào tháng 6, 7 và tháng 8, cuối tháng 8, Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philipine nên giá lúa gạo trong nước hồi phục với mức tăng khá nhẹ (tháng 9 chỉ tăng 0,16% so với tháng 8). Bình quân 9 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm lương thực vẫn tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước.

Do thời tiết nóng lạnh thất thường nên nhu cầu dùng điện sinh hoạt tăng cao, theo đó chỉ số giá điện sinh hoạt bình quân 9 tháng đầu năm tăng 4,8% so cùng kỳ năm trước.

2. Các yếu tố kiềm chế CPI

Bên cạnh những nguyên nhân tăng giá kể trên, cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI 9 tháng đầu năm nay vẫn đang nằm trong giới hạn của mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra, đó là:

(1). Mặc dù trong dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu của các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 9 tháng đầu năm 2016 (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4,3% của năm 2014 hay mức 10,49% của năm 2012.

(2). Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý I và quý III như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép nên chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng đầu năm so cùng kỳ đã giảm 7,13%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,14%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng giảm 0,93%.

(3). Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 8 đợt (vào các tháng 1,2,7,8). Giá dầu Brent bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 3 năm 2016, bình quân từ thời điểm 1/1/2016 đến thời điểm 20/9/2016 ở mức 43$/thùng tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 56,96$/thùng của bình quân 9 tháng cùng kỳ năm 2015. Trong nước, giá xăng dầu bình quân 9 tháng đầu năm giảm 19,7% so cùng kỳ năm trước và giảm 9,04% so tháng 12 năm trước, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng “Giao thông” 9 tháng đầu năm 2016 giảm 8,95% so với cùng kỳ năm trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,81%.

Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, 9 tháng đầu năm 2016 giá gas giảm 12,27% so với cuối năm trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

(4). Năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%. Theo đó, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện:

- Ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

- Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 4/1/2016 về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/-3%, theo đó tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm. Với cách thức điều hành tỷ giá mới, sau 9 tháng, tỷ giá VND/USD trên thị trường thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015 và khá ổn định. Theo đó, đã giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua, vì vậy dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tăng lên góp phần nâng cao niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Giá vàng trong nước đã tiệm cận và biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội, hiện nay giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới gần 200.000đồng/lượng. Chỉ số lạm phát cơ bản ổn định, 9 tháng lạm phát cơ bản tăng 1,81% so cùng kỳ.

(5). Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán những năm gần đây thay đổi so với những năm trước, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mùng 1 Tết đã có chợ, do đó không tạo áp lực lên giá cả vào tháng Tết.

Tổng cục Thống kê




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/