TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Tình hình biến động giá tiêu dùng tỉnh Bình Thuận tháng 01 năm 2024

Tháng 01/2024 là tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, đi lại của người dân đều tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ giao thông công cộng tăng nhẹ; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp cận Tết; giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới, đây là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2024 của tỉnh tăng 0,52% so với tháng trước.

 

I. TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 01 NĂM 2024

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,52% so với tháng trước, tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,92%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,91%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,62%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,60%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,54%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; Giao thông tăng 0,39%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,20%; Bưu chính viễn thông tăng 0,08%; Giáo dục tăng 0,05%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.

1. Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 01 năm 2024

(1) Giá gas trong tháng 01/2024 tăng 1,38% so với tháng trước, do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg theo giá gas thế giới. Giá gas thế giới bình quân tháng 01/2024 công bố ở mức 625 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tháng trước.

(2) Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng cao hơn tháng trước, trong đó nhóm may mặc tăng cao nhất ở mức 0,92% so tháng trước.

(3) Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng so với tháng trước.

(4) Vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,36%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,63%.

2. Các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 01 năm 2024

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI tháng 01/2024 như:

(1) Giá xăng, dầu được điều chỉnh biến động liên tục trong các ngày 04/01/2024, 11/01/2024 và 18/01/2024; tính bình quân tháng 01/2024 nhóm mặt hàng nhiên liệu giảm 0,01% so với tháng trước, cụ thể: Giá xăng A95 giảm 22 đồng/lít, xăng E5 tăng 09 đồng/lít, giá dầu diezel tăng 238 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 263 đồng/lít.

(2) Một số loại rau tươi đang vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm như: Rau muống giảm 1,45%, củ cải trắng giảm 2,50%, rau cải xanh giảm 3,25%, hành lá tươi giảm 5,00%, ...

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01 giai đoạn 2019 - 2023

                                                                                                                  Đơn vị tính: %

 

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

CPI tháng 1 năm báo cáo so với tháng trước

1,51

-0,09

0,36

0,78

0,52

CPI tháng 1 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

6,90

-1,42

4,17

4,62

2,86

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 01/2024 so với tháng trước (%)

 
   

  

 

II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 01 NĂM 2024 SO VỚI THÁNG TRƯỚC CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,62%)

a) Lương thực (tăng 0,75%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 01/2024 tăng 0,75% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,72% (khu vực thành thị tăng 0,84%; khu vực nông thôn tăng 0,67%). Giá gạo tăng do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán; trong đó, gạo nếp tăng 0,94%, gạo tẻ ngon tăng 0,76%.

Tại địa phương giá gạo tẻ thường tùy loại giá dao động bình quân ở mức 16.200đ/kg - 17.800đ/kg, gạo tẻ ngon tùy loại giá dao động bình quân ở mức 19.200 đ/kg - 24.800 đ/kg, gạo nếp tùy loại giá dao động bình quân ở mức từ 26.300đ/kg - 31.800đ/kg. Bình quân giá gạo tùy loại tăng từ 300 đồng/kg - 500 đồng/kg so tháng trước.

Các mặt hàng lương thực chế biến khác cũng tăng do nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng như: Giá miến tăng 0,71% so với tháng trước; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 1,54%, ...

b) Thực phẩm (tăng 0,70%)

Giá thực phẩm tháng 01/2024 tăng 0,70% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu tập trung ở một số mặt hàng sau:

- Giá thịt lợn tăng 0,75% so với tháng trước, giá thịt lợn tăng do nhu cầu sử dụng để sản xuất các loại thực phẩm chế biến phục vụ Tết của người dân tăng. Giá lợn hơi hiện dao động ở mức 52.000 - 55.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các chợ ở mức từ 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi áp dụng các chương trình khuyến mại giảm giá góp phần bình ổn giá đối với mặt hàng thịt lợn, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt quay, giò, chả tháng 01 tăng 1,17% so với tháng trước; thịt hộp tăng 2,77%; thịt chế biến khác tăng 1,67%.

- Giá thịt gia cầm tăng 1,12% so với tháng trước, trong đó giá thịt gà tăng 0,87%; thịt gia cầm khác tăng 1,76%; thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,53%. Nguyên nhân, nguồn cung tại các chợ ít do người dân hạn chế xuất chuồng, chuẩn bị hàng bán vào dịp cuối năm nên giá bán thị trường tăng so tháng trước.

- Giá thủy sản tươi sống tăng 1,63% so với tháng trước, do hoạt động đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng bởi gió bấc nên sản lượng đánh bắt không cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị Tết Nguyên đán tăng.

- Giá quả tươi tăng 0,66% so tháng trước, trong đó có một số loại quả có mức giá tăng cao như: Giá quýt tăng 0,02%, táo tăng 0,62%, xoài tăng 1,01%, đặc biệt thanh long tăng 5,64% do không phải mùa vụ thu hoạch nguồn cung ít, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao.

- Giá bánh kẹo, cà phê bột, chè búp khô, mứt tết có mức tăng từ 0,14% đến 1,42% do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị Tết tăng.

c) Ăn uống ngoài gia đình (tăng 0,39%)

Giá ăn uống ngoài gia đình tháng 01/2024 tăng 0,39% so với tháng trước, do giá lương thực, thực phẩm trong tháng có phần tăng làm ảnh hưởng giá nguyên liệu chế biến và nhu cầu ăn uống bên ngoài tăng; trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,18%; uống ngoài gia đình tăng 1,50%; đồ ăn nhanh mang đi 0,75%.

2. Đồ uống và thuốc lá (tăng 0,91%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 01/2024 tăng 0,91% so với tháng
trước, do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp cận Tết khiến giá rượu bia tăng 2,22%; đồ uống không cồn tăng 0,47%.

3. May mặc, mũ nón và giầy dép (tăng 0,92%)

Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 01/2024 tăng 0,92% so với tháng trước, do nhu cầu mua sắm quần áo chuẩn bị Tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng; trong đó, quần áo may sẵn tăng 0,63% so với tháng trước; may mặc khác tăng 0,79%; mũ nón tăng 0,39%; giày dép tăng 1,85%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,60%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 01/204 tăng 0,60% so với tháng trước chủ yếu ở các mặt hàng sau:

- Nhu cầu sửa chữa nhà cửa cuối năm tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,36%; giá dịch vụ sửa chữa nhà tăng 0,63%.

- Nhà ở thuê tăng 0,78% do nhiều hộ gia đình điều chỉnh mức giá thuê nhà vào dịp đầu năm mới dương lịch.

- Giá gas trong tháng 01/2024 tăng 1,38% so với tháng trước, do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 6.000 đồng/bình 12 kg theo giá gas thế giới.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,48%)

Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 01/2024 tăng 0,48% so với tháng trước, giá một số mặt hàng đồ dùng trong nhà tăng do nhu cầu người dân mua sắm chuẩn bị Tết tăng như: Đồ dùng nấu ăn tăng 0,14%; bát, đĩa, ly, cốc, lọ hoa tăng giá từ 1,05% - 1,74%, dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,68%. Ngoài ra, nhu cầu thuê người giúp việc cuối năm tăng cao nên giá cũng tăng 4,37% so tháng trước.

6. Giao thông (tăng 0,39%)

Chỉ số giá nhóm giao thôngtháng 01/2024 tăng 0,39% so với tháng trước, do giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,93% so tháng trước; dịch vụ rửa xe, bơm xe tăng 0,71% do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng.

7. Hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,54%)

Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 01/2024 tăng 0,54% so với tháng trước, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 1,50% tăng theo giá vàng trong nước; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 1,99%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,39%; nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,16% so với tháng trước.

8. Chỉ số giá vàng (tăng 1,68%)

Giá vàng trong nước tháng 01/2024 biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 22/01/2024 giá vàng nhẫn xoay quanh mốc 6.355 ngàn đồng/chỉ vàng 9999, bình quân tăng 1,68% so với tháng trước.

9. Chỉ số giá đô la Mỹ (tăng 0,78%)

Giá đô la cũng là mặt hàng biến động liên tục thị trường trong nước. Tại thị trường trong nước giá đồng USD tăng 0,78% so với tháng trước, giá bình quân ở thị trường tự do tháng 01/2024 ở mức 24.700 VND/USD./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/