TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Giá xăng tăng tác động đến CPI 2 “đầu tàu” trong tháng 7

Trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tăng 0,18% so tháng trước. Trong khi đó, CPI của TP. Hồ Chí Minh tăng 0,12% so với tháng 6. Mức tăng này được ghi nhận là có sự tác động đáng kể của 2 lần tăng giá xăng gần đây.

 

Giá xăng lên cao kỷ lục đẩy CPI Hà Nội tăng mạnh

Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong tháng 7, CPI trên địa bàn tăng 0,18% so tháng trước. Trong đó, có 3 nhóm hàng chính làm chỉ số giá tháng này tăng là nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,55%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt, vật liệu xây dựng (tăng 0,53%); nhóm giao thông (tăng 0,51%). 

Theo cơ quan thống kê, nguyên nhân chính do giá xăng dầu điều chỉnh tăng 2 lần vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Giá xăng tăng lên mức cao kỷ lục 25.640 đồng một lít RON 92 đã làm chi phí vận tải tăng. Ngoài ra, việc siết chặt xe chở quá tải khiến các chủ xe đẩy giá vận chuyển vật liệu lên cao và đã kéo theo một số mặt hàng tăng theo do chi phí vận chuyển tăng. 

Bên cạnh đó lượng người tăng đột biến vào kỳ thi đại học, cao đẳng nên nhu cầu chỗ ở và ăn uống tăng, giá phòng cho thuê và một số dịch vụ khác cũng tăng trong thời điểm này.

Nằm ngoài rổ tính CPI, chỉ số giá vàng trên địa bàn Hà Nội vào tháng 7 cũng đã tăng 1,97% so tháng trước và giảm 2,51% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,56% so tháng trước và tăng 0,76% so cùng kỳ.

Giá thuốc và dịch vụ y tế dẫn đầu trong rổ CPI TP. Hồ Chí Minh

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, CPI tháng 7 chỉ tăng 0,12% so với tháng 6, giảm 0,46 điểm phần trăm so mức tăng tháng 6 (tháng 6 tăng 0,58%).

Như vậy, tuy tháng này tăng giá nhưng lại là tháng có mức tăng thấp nhất trong các tháng có giá tăng từ đầu năm đến nay: tháng 1 tăng 0,40%; tháng 2 tăng 0,24%; tháng 5 tăng 0,36%, tháng 6 tăng 0,58% (tháng 3 và tháng 4 giá giảm). 

Trong 11 nhóm hàng có 6 nhóm hàng tăng giá: ăn uống (tăng 0,25%), may mặc (tăng 0,05%),  thiết bị đồ dùng gia đình (0,03%), giao thông (0,4%), bưu chính viễn thông (0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác (0,29%).

Có 4 nhóm hàng giảm giá bao gồm đồ uống thuốc lá (giảm 0,06%); nhà ở điện nước chất đốt (giảm 0,07%); giáo dục (giảm 0,12%) và văn hóa giải trí (giảm 0,34%), nhóm dược phẩm và y tế không có biến động.

Theo nhận định của cơ quan thống kê, có một số nhân tố tác động lên giá cả tháng 7, có thể kể đến ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng qua 2 lần điều chỉnh vào ngày 23/6 và 7/7 dẫn đến giá xăng lập kỷ lục với mức 25.640 đồng/lít. Ngoài ra, giá thịt gia cầm tăng khá, trứng và rau tăng cao; quần áo may sẵn tăng nhẹ cũng là những nhân tố tác động lên chỉ số giá chung.

Riêng giá lương thực tiếp tục giảm (0,18%) được lý giải do ảnh hưởng giá xuất khẩu gạo giảm và  tồn kho đang cao, giá vật liệu xây dựng, điện nước giảm do nhu cầu giảm trong mùa mưa; giá sách giáo khoa giảm do đang có chương trình khuyến mãi.

Mặc dù giá xăng tăng lên kỷ lục sau hai lần điều chỉnh, song nhờ giá lương thực giảm mạnh nên chỉ số CPI tại TP. Hồ Chí Minh bị kìm hãm ở mức 0,12% so với tháng trước.

Chỉ số giá bình quân 7 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ tăng 4,89% (7 tháng năm 2013 tăng 2,96%)./.

Lê Vân

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/