TIN HOẠT ĐỘNG NGÀNH
Tổng quan thị trường và giá cả tháng 11 năm 2017

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2017 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,61%...

I. TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀ GIÁ CẢ THÁNG 11 NĂM 2017

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2017 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,38% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,61%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 8 nhóm hàng tăng giá: Nhóm Giao thông tăng 0,68%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,15%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,03%; Có 3 nhóm giảm: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,04%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01%.

1. Các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 11 năm 2017

(1). Trong những ngày đầu tháng 11 năm 2017, mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và vật chất tại các tỉnh miền Trung làm cho chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm tại các tỉnh này có mức tăng cao hơn các tỉnh khác. Trong đó: Tỉnh Phú Yên tăng 1,62%, Ninh Thuận tăng 1,51%, Khánh Hòa tăng 1,05%, Quảng Ngãi tăng 0,98%, Bình Định tăng 0,74%, Quảng Nam tăng 0,72%, Thừa Thiên Huế tăng 0,7%, Đà Nẵng tăng 0,48%.

(2). Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/11/2017 và ngày 20/11/2017, giá xăng tăng 710 đ/lít, giá dầu diezen tăng 600đ/lít làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng 0,68% góp phần tăng CPI tháng 11 khoảng 0,07%.

(3). Tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Quảng Trị được quy định theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế làm cho giá dịch vụ y tế tăng 0,23%.

(4). Tỉnh Quảng Ninh và Bạc Liêu thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/11/2015 của Chính Phủ làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,04%.

2. Các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 11 năm 2017

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng 11 năm 2017, có một số nguyên nhân kiềm chế CPI như sau:

(1). Giá thịt lợn giảm 1,78%, do sau sự cố tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á vào tháng 10/2017, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường siết chặt quản lý thịt lợn không có truy xuất nguồn gốc về các chợ đầu mối, nhu cầu tiêu thụ của người dân còn dè dặt, trong khi đó số lượng lợn đến kỳ xuất chuồng tồn nhiều. Ngoài ra, việc đàm phán mở rộng thị trường ra các nước khác còn nhiều khó khăn.

(2). Trong tháng 11, mưa trên nhiều vùng, thời tiết chuyển lạnh ở các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm làm cho giá điện giảm 0,69%

(3). Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,05% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép do giá phôi thép, thép phế liệu trên thế giới giảm nên giá sắt thép tại các nhà máy trong nước điều chỉnh giảm từ 300 - 700 đồng/kg tùy từng chủng loại. Bên cạnh đó vào mùa mưa nên nhu cầu xây dựng giảm.

(4). Nhu cầu du lịch giảm nên giá tua du lịch trong nước giảm 0,13%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giai đoạn 2008 - 2017


            II. DIỄN BIẾN GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 11 NĂM 2017 CỦA MỘT SỐ NHÓM HÀNG CHÍNH

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,11%)

a) Lương thực (+1,12%)

Chỉ số giá lương thực tháng 11/2017 tăng 1,12% so với tháng 10/2017 do ảnh hưởng của mưa bão và dịch bệnh trong vụ mùa vừa qua nên năng suất lúa ở các tỉnh phía Bắc giảm, tại các tỉnh phía Nam nhu cầu thu mua lúa gạo cho xuất khẩu tăng nên giá gạo trong nước tăng.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 11.500đ/kg - 12.500đ/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến 11.200đ/kg - 11.700đ/kg; gạo tẻ thường IR74 giá 11.500đ/kg - 12.500đ/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 13.500 đồng/kg - 15.000 đồng/kg, giá gạo nếp dao động từ 23.300đ/kg - 25.000đ/kg.

b) Thực phẩm (-0,06%)

Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,06% do các nguyên nhân:

- Nguyên nhân chính làm nhóm thực phẩm giảm là do giá thịt lợn giảm 1,78%, với sự cố lò mổ Xuyên Á vào tháng trước, thành phố Hồ Chí Minh tăng cường siết chặt quản lý thịt lợn không có truy xuất nguồn gốc về các chợ đầu mối; nhu cầu tiêu thụ của người dân còn dè dặt, trong khi đó số lượng lợn đến kỳ xuất chuồng tồn nhiều; việc đàm phán mở rộng thị trường ra các nước khác còn nhiều khó khăn;

- Giá đường giảm 0,5% do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu thụ đường của người dân giảm;

- Giá quả tươi giảm 0,75%, giảm ở mặt hàng quả cam, bưởi, chuối do vào vụ mùa thu hoạch.

Bên cạnh các yếu tố giảm giá nêu trên trong tháng 11/2017 có các yếu tố làm tăng chỉ số giá nhóm thực phẩm:

- Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,83%, trong đó giá mặt hàng cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,5% - 1,5%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 0,73%. Nguyên nhân là do vào mùa mưa bão trên diện rộng tàu thuyền ở Phú Yên và Khánh Hòa bị hư hỏng do cơn bão số 12 chưa được sửa chữa, tàu đánh bắt xa bờ hạn chế hoạt động dẫn đến nguồn cung bị giảm;

- Giá nhóm rau tươi và rau chế biến tăng 1,96% do ảnh hưởng của mưa bão ở các tỉnh miền Trung từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Lâm Đồng, dẫn đến sản lượng rau xanh, củ quả tại các tỉnh này khan hiếm làm cho giá bán lẻ tăng cao;

- Trứng gia cầm các loại tăng 0,66% do nhu cầu tiêu dùng chế biến thực phẩm cuối năm tăng.

c) Ăn uống ngoài gia đình (+0,05%)

Giá các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình chỉ tăng ở các tỉnh có giá lương thực, thực phẩm tăng cao, các tỉnh khác giá tương đối ổn định nên giá mặt hàng cơm bình dân bình quân cả nước tăng nhẹ  ở mức 0,06% và uống ngoài gia đình tăng 0,01%.

2. Đồ uống, thuốc lá (+0,05%)

Chỉ số giá nhóm này khá ổn định, chỉ có mặt hàng rượu địa phương tự nấu tăng 0,28% do giá gạo tăng.

3. May mặc, mũ nón, giầy dép (+0,15%)

Thời tiết các tỉnh miền Bắc chuyển mùa se lạnh nên nhu cầu mua sắm quần áo thu đông tăng nhẹ: giá vải các loại tăng 0,08%, giá quần áo may sẵn tăng 0,17%, giá các mặt hàng khăn mặt, khăn quàng, găng tay, bít tất và giá các dịch vụ may mặc tăng từ 0,09% đến 0,64%.

4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,04%)

Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này giảm 0,04% chủ yếu ở các mặt hàng sau:

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,05% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép do giá phôi thép, thép phế liệu trên thế giới giảm nên giá sắt thép tại các nhà máy trong nước điều chỉnh giảm từ 300 - 700 đồng/kg tùy từng chủng loại, bên cạnh đó vào mùa mưa nên nhu cầu xây dựng giảm;

- Giá điện giảm 0,69% do mưa trên nhiều vùng, thời tiết chuyển lạnh ở các tỉnh phía Bắc nên nhu cầu tiêu dùng điện giảm;

- Giá gas tháng này ổn định so với tháng trước do giá gas thế giới không đổi.

Riêng giá dầu hỏa tháng 11/2017 tăng 0,68% so với tháng trước do ảnh hưởng bởi các đợt điều chỉnh tăng vào ngày 04/11/2017 và ngày 20/11/2017.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,09%)

Thời tiết chuyển lạnh nên nhu cầu về các thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa đông tăng lên, bình nước nóng nhà tắm tăng 0,24%; chiếu, ga trải giường tăng 0,19%; chăn, màn, gối tăng 0,23%.

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,20%)

Giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế tăng theo các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị và Bạc Liêu được quy định trong Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế.

Giá thuốc y tế các loại ổn định.

7. Giao thông (+0,68%)

Đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính chủ yếu do giá xăng dầu trong tháng tăng theo các đợt điều chỉnh vào ngày 04/11/2017 và ngày 20/11/2016, giá xăng tăng 710đ/lít, giá dầu Diezel tăng 600đ/lít, bình quân giá xăng dầu tháng 11 tăng 1,53% so với tháng trước góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,07%.

Riêng giá ô tô giảm 0,19% do hãng Toyota áp dụng mức giá mới từ ngày 01/11/2017 nhằm đón đầu chính sách thuế năm 2018, khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm của hãng.

8. Giáo dục (+0,03%)

Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng chủ yếu ở nhóm dịch vụ giáo dục do hai tỉnh Quảng Ninh và Bạc Liêu tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/11/2015 của Chính Phủ làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,04%.

9. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,14%)

Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu, uốn tóc tăng 0,32% so với tháng trước. Vào thời điểm này cho đến Tết Nguyên đán nhu cầu về các dịch vụ này tăng cao; vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,36% so với tháng trước.

10. Chỉ số giá vàng (-0,3%)

Giá vàng trong nước tháng 11/2017 giảm theo giá vàng thế giới. Đến ngày 25/11/2017 bình quân giá vàng thế giới ở mức 1282,6 USD/ounce giảm 0,19% so với tháng trước, giá vàng thế giới suy yếu do đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng (chỉ số USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác bình quân đến ngày 25/11/2017 đạt 94% cao hơn mức 93,57% của tháng 10 năm 2017), chỉ số “niềm tin người tiêu dùng” ở Mỹ đã tăng lên mức 125,9 điểm vào tháng 10/2017, mức cao nhất trong năm 17 năm qua và nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp vào tháng 12/2017. Giá vàng tại thị trường trong nước bình quân tháng 11 giảm 0,3% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3.639.000đồng/chỉ vàng SJC.

11. Chỉ số giá đô la Mỹ (-0,01%)

Mặc dù chỉ số USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng giá nhưng từ giữa tháng 11 đến nay đồng USD giảm giá so với đồng EURO do các nước Đức, Ý công bố các số liệu tăng trưởng kinh tế ấn tượng (tỷ giá EUR/USD ngày 25/11/2017 giao dịch ở mức 1,193 cao hơn nhiều so với mức 1,1753 của bình quân tháng 10 năm 2017 tăng 1,5%). Trong nước, với cách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, cùng với dự trữ ngoại hối dồi dào đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nên giá đồng đô la Mỹ trong nước khá ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.680 VND/USD.

III. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11 năm 2017 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,28% so với cùng kỳ; 11 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,42%.

Lạm phát cơ bản tháng 11 trong các năm gần đây


            Bình quân 11 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng lạm phát cơ bản từ tháng 01 đến tháng 11 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,3% đến 1,88%, bình quân 11 tháng lạm phát cơ bản là 1,42% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% - 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định./.




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/