TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 9 năm 2014

I. Nông Lâm Thuỷ sản,II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển,III. Thương mại, Giá cả; Du lịch; Xuất nhập khẩu; Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông...

I. Nông Lâm Thuỷ sản :

 

 

1. Nông nghiệp:

 

1.1 Trồng trọt:

 

Vụ đông xuân 2014 thời tiết khá thuận lợi, các công trình thuỷ lợi đảm bảo được nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, tạo điều kiện cho các loại cây trồng phát triển. Diện tích thu hoạch toàn tỉnh được 46.749 ha, đạt 114,0% kế hoạch vụ, tăng 8,9% so với vụ cùng kỳ; trong đó nhóm cây lương thực có hạt 39.956 ha đạt 117,8% kế hoạch vụ, và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, diện tích cây lúa đạt 35.903 ha đạt 119,2% kế hoạch vụ, và tăng 4,21% so với vụ cùng kỳ); diện tích cây bắp đạt 4.053 ha đạt 117,2% kế hoạch vụ, tăng 15,2% so cùng kỳ năm trước. Cùng với cây lúa nước, cây bắp lai được xem là một trong hai loại cây lương thực chủ lực của tỉnh, trong vụ đông xuân này, nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các trạm bơm, các công trình thuỷ lợi nên cây bắp lai sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhờ chủ động được nguồn nước, các công trình thủy lợi điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất; công tác bảo vệ thực vật thường xuyên được chú trọng; ứng dụng các giống lúa phù hợp với địa phương (như ML48, ML214, ML202, TH6, IR59606, IR59656, IR56279, IR62032, OM4900, OM2514, OM2717, OM4218, OM1490, OM 3536, OM 5936) và các giống bắp lai đã từng cho năng suất khá cao (như: SSC586, C919, CP33, NK66, DK8868) nên năng suất thu hoạch đạt khá. Năng suất lúa bình quân đạt 61,55 tạ/ha (tăng 1,75 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước); năng suất bắp đạt 77,56 tạ/ha (tăng 2,14 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước)

Tính chung, sản lượng lương thực vụ đông xuân 2014 đạt 252.413 tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 24.773 tấn); trong đó lúa 220.973 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ (tăng 19.862 tấn); bắp 31.440 tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ (tăng 4.911 tấn)

Sản xuất vụ hè thu 2014 thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, lượng mưa khá đều, tạo thuận lợi cho việc gieo trồng và phát triển sinh trưởng cây trồng. Sơ bộ diện tích sản xuất vụ Hè thu đạt 68.331 ha, đạt 102,3% so kế hoạch vụ, tăng 100,7% so với vụ cùng kỳ (không kể cây mỳ và cây mía trồng trái vụ vì diện tích, năng suất, sản lượng của các loại cây này được tính vào vụ mùa), trong đó:

Cây lúa đạt 42.223 ha, đạt 108,78% kế hoạch vụ, tăng 3,4% so với vụ cùng kỳ; cây bắp đạt 10.995 ha, đạt 90,2% kế hoạch vụ, giảm 7,3% so với vụ cùng kỳ. Diện tích lúa tăng do chủ động được nguồn nước; hệ thống kênh mương, thuỷ lợi đáp ứng được nguồn nước tưới. Các huyện có diện tích lúa tăng so với cùng kỳ là: Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân. Thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Bắc do nắng hạn, lượng nước các công trình không đủ phục vụ cho cây lúa nên diện tích gieo trồng giảm. Sơ bộ năng suất lúa gieo trồng đạt 55,23 tạ/ha (tăng 0,29 tạ/ha) so cùng kỳ năm trước; năng suất bắp đạt 57,12 tạ/ha (giảm 0,97 tạ/ha). Dự ước sản lượng lương thực vụ hè thu 2014 đạt 295.789 tấn (tăng 1,3% so với hè thu năm trước), trong đó lúa 233.214 tấn; bắp 62.575 tấn.

 Trong vụ hè thu, ngành nông nghiệp đã thực hiện Chương trình xã hội hóa giống lúa tại các huyện trọng điểm lúa với 355 ha giống lúa xác nhận và triển khai  sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng chất lượng cao” tại huyện Đức Linh 5 ha, Tuy Phong 150 ha, Bắc Bình 135 ha, Hàm Thuận Bắc 40 ha, Hàm Thuận Nam 25 ha. Để sản xuất lúa gạo bền vững, phát động mô hình cánh đồng mẫu lớn trên toàn tỉnh sẽ mở rộng thêm 3.000 ha gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó Đức Linh là 1.500 ha và Tánh Linh là 1.000 ha. Mô hình này giải quyết được vấn đề cơ bản là vốn đầu tư vào và việc tiêu thụ sản phẩm để nông dân an tâm sản xuất.

           Diện tích gieo trồng cây chất bột và cây thực phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước do không chủ động được nguồn nước, chỉ sản xuất nhờ vào trời có mưa mới sản xuất là chủ yếu dẫn đến diện tích canh tác không cao. Diện tích cây có bột đạt 366 ha (giảm 16%); cây thực phẩm đạt 7.270 ha (giảm 9,5%)

           Ở nhóm cây công nghiệp ngắn ngày, diện tích trồng tăng hơn năm trước; cây mè đạt 5.325 ha (tăng 11,5% so với cùng kỳ),  cây đậu phụng 1.949 ha (tăng 8,0% so với cùng kỳ) do từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6/2014 lượng mưa trãi đều trên diện rộng ở tất các huyện trong tỉnh, đảm bảo đủ nguồn nguồn nước tưới và độ ẩm của đất.

Tính chung cả 2 vụ (đông xuân và hè thu năm 2014) sản lượng lương thực đạt 548.202 tấn (tăng 5,5% so với 2 vụ năm trước), trong đó lúa 454.187 tấn; bắp 94.045 tấn

Sản xuất vụ mùa 2014: Tính đến ngày 10/9/2014, toàn tỉnh gieo trồng cây ngắn ngày đạt 31.328 ha; đạt 69,61% so với kế hoạch vụ. Riêng cây lúa 22.672 ha (bằng 55,6% so với cùng kỳ), bắp 3.595 ha (bằng 86% so với cùng kỳ).

Các loại cây trồng khác như rau các loại 2.604 ha (bằng 131,2% so với cùng kỳ); đậu các loại 1.442 ha (bằng 28,94% so với cùng kỳ); cây công nghiệp hàng năm 5.174 ha (bằng 22,13% so với cùng kỳ).

Tình hình sâu bệnh: Trong tháng, sâu bệnh trên các loại cây trồng xảy ra dưới dạng cục bộ, mật độ thấp, ảnh hưởng không đáng kể.

+ Trên cây lúa: rầy nâu nhiễm 100 ha, mật số rầy thấp 1.000 -1.500 con/m2, diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá, cỏ bông gây hại trên trà lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng là 529 ha, trong đó bệnh đạo ôn lá nhiễm bệnh 144 ha, đạo ôn cổ bông nhiễm bệnh 415 ha, phân bổ rác ở một số xã các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh. Sâu cuốn lá, đục thân diện tích nhiễm bệnh trong giai đoạn đẻ nhánh 130 ha ở các huyện Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Bắc Bình, bệnh lem lép hạt  667 ha trong giai đoạn trổ chín phân bổ toàn vùng trong tỉnh.

+ Trên cây Thanh long nhiễm bệnh thán thư 1.508 ha, bệnh đốm trắng diện tích bị nhiễm là 12.764 ha phân bố ở các huyện Tuy phong, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Hàn Thuận Nam, Phan Thiết, Hàm Tân

 

Phát triển cây lâu năm:

         Diện tích cây công nghiệp lâu năm hiện có 64.452 ha (tăng 3,9% so với cùng kỳ); cây ăn quả lâu năm hiện có 32.531 ha (tăng 3,9% so với cùng kỳ). Diện tích lớn, phát triển nhanh nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là thanh long và cao su.

        - Cây Thanh long: Các nhà vườn đang tập trung chăm sóc,  chuẩn bị chong đèn cho ra hoa trái vụ. Do sắp kết thúc vụ chính, sản lượng thu hoạch còn lại thấp nên giá bán trong tháng 9/2014 đã tăng trở lại (giá bán bình quân loại xuất khẩu từ 15 – 16 ngàn đồng/kg, tăng 10 ngàn đồng/kg so với tháng trước). Diện tích hiện có 22.910 ha (tăng 10,9% so với cùng kỳ).

      - Cây Cao su: trong tháng 9 đang là thời điểm thu hoạch mủ. Do giá bán thấp một số nhà vườn không tổ chức thu hoạch mà dự trữ lượng mủ trên cây chờ tăng giá. Diện tích hiện có 42.783 ha (tăng 7,6% so với cùng kỳ).

    - Cây Điều: Diện tích hiện có 17.918 ha (giảm 4,1% so với cùng kỳ). Nguyên nhân giảm do phần lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng trên vùng đất bạc màu, năng suất thấp, gặp thời tiết không thuận lợi dễ bị mất mùa, giá bán đầu ra không ổn định, một số địa phương trong tỉnh nhà vườn chặt bỏ điều thay thế các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Cây Trôm: Chủ yếu tập trung trồng ở vùng đất cát Vĩnh Hảo huyện Tuy Phong và rải rác ở các địa phương khác. Diện tích hiện có 780 ha (tăng 15,9% so với cùng kỳ). Giá đầu ra ổn định (từ 180 – 220 ngàn đồng/kg mủ).

- Cây Ca cao: Diện tích hiện có 253 ha (giảm 26% so với cùng kỳ). Những năm gần đây, cây ca cao được người dân huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc trồng xen dưới tán điều, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho không ít gia đình. Tuy nhiên từ năm 2013 trở lại đây giá ca cao liên tục xuống thấp, ảnh hưởng một số loại sâu bệnh làm năng suất giảm, vì vậy nhà vườn chặt bỏ dần diện tích.

- Các loại cây lâu năm khác được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể…

*Công tác thuỷ lợi: Đến nay đã tưới vụ Hè thu năm 2014 thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi đạt 31.876 ha (đạt 91,57% kế hoạch); trong đó cho cây Thanh long và các loại cây trồng khác là 11.994 ha; cây lúa, hoa màu vụ Mùa năm 2014 thuộc hệ thống công trình thuỷ lợi đạt 10.917 ha.

1.2 Chăn nuôi:

Đàn gia súc, gia cẩm phát triển ổn định. Những giống bò truyền thống trọng lượng nhỏ, có năng suất, chất lượng thịt thấp được thay thế bằng những giống lai trọng lượng lớn, có năng suất, chất lượng thịt cao hơn. Giá heo hơi và chi phí thức ăn không tăng. Đàn gia cầm được kiểm soát tốt dịch bệnh, người chăn nuôi đang đầu tư chuồng trại chăn nuôi trở lại nên tổng đàn đang phát triển ổn định.

Công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên , trong tháng không phát sinh các bệnh nguy hiểm như: lở mồn long móng trên gia súc, bệnh tai xanh trên đàn heo, bệnh cúm H5N1 trên gia cầm… Một số bệnh thông thường có xảy ra ở mức độ nhỏ, rải rác, không có dấu hiệu lây lan thành dịch, phần lớn được điều trị khỏi.

Trong 9 tháng đã tổ chức tiêm phòng 5,5 triệu liều vắc xin; trong đó: đàn trâu, bò 40 ngàn liều; đàn heo 497 ngàn liều; đàn gia cầm 4,9 ngàn liều. Đã kiểm dịch: Heo 765 ngàn con; Trâu bò: 3,4 ngàn con; Gia cầm 525 ngàn con. Kiểm soát giết mổ: Trâu, bò 512 con; Heo: 20,9 ngàn con; Gia cầm 102 ngàn con. Phúc kiểm: 26 tấn thịt bò; 79 tấn thịt heo; 408 tấn thịt gia cầm; 1,6 triệu quả trứng gia cầm

 

2. Lâm nghiệp:

Đến nay đã gieo tạo được 4.546 ngàn cây giống. Cơ cấu cây giống chủ yếu là Keo lai, Keo lá liềm, Keo lá tram, Bạch đàn, Trôm và Xoan chịu hạn

Trong 9 tháng đã trồng được 1.784 ha rừng (đạt 74,3% kế hoạch năm), trong đó: 1.570 ha rừng sản xuất và 214 ha rừng phòng hộ. Trồng cây phân tán 65 ngàn cây (đạt 109% kế hoạch năm); chủng loài cây giống hỗ trợ trồng phân tán chủ yếu là Keo lai, Keo lá tràm, Bạch đàn. Chăm sóc rừng đạt 7.630 ha (đạt 100% kế hoạch năm); biện pháp kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là rong cành, phát thực bì, bón phấn, dãy cỏ … Giao khoán bảo vệ rừng đến nay được 94.073 ha (đạt 81,31% kế hoạch năm). Phần lớn diện tích rừng đang được các hộ dân bảo vệ tốt, không có tình trạng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy xảy ra trong khu vực nhận khoán.

Khai thác rừng: Trong 9 tháng các đơn vị khai thác đã khai thác 2.500 m3 gỗ rừng tự nhiên, 2.020 m3 gỗ rừng trồng, 12.114 Ster củi.

Trong 9 tháng đã phát hiện 464 vụ vi phạm lâm luật (cùng kỳ năm trước 623 vụ); trong đó: phá rừng trái phép 26 vụ; khai thác gỗ và lâm sản khác 79 vụ; vi phạm về phòng chống cháy rừng 2 vụ; mua bán động vật hoang dã 01 vụ; mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 238 vụ; chế biến gỗ và lâm sản khác 17 vụ; vi phạm khác 283 vụ. Tổng số vụ vi phạm xử lý trong 9 tháng là 605 vụ (600 vụ vi phạm hành chính; 5 vụ vi phạm hình sự), tịch thu: 4 xe bò, 183 xe máy, 77 phương tiện khác; 363,82  m3 gỗ tròn, 296,7 m3 gỗ xẻ. Tổng số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách trong 9 tháng là 4.256 triệu đồng.

 

3. Thuỷ sản:

Diện tích nuôi ước đạt 2.483,9 ha, tăng 137 ha so cùng kỳ năm trước (trong đó nuôi nước mặn, lợ tăng 64 ha; nuôi nước ngọt tăng 73 ha).

Nhìn chung thời tiết khá thuận lợi cho việc thả giống; tuy nhiên tình hình tôm nuôi trong các ao hồ vẫn còn hiện tượng tôm chết rải rác nhưng chưa xuất hiện thành dịch. So với cùng kỳ năm trước, diện tích tôm bị ảnh hưởng giảm đáng kể, tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 26,8 ha diện tích phải thu hoạch sớm và 5,7 ha phải xả bỏ. Các cơ quan chức năng lấy mẫu phân tích hầu hết tôm đang nuôi bị nhiễm virus Taura (TSV) gây ra hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu; thời gian tôm nhiễm từ 20 ngày đến 2 tháng sau khi nuôi.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng ước đạt 10.923 tấn, (tăng 12,8% so cùng kỳ); trong đó sản lượng nuôi nước mặn, lợ đạt 7.396,2 tấn (tăng 14,97%).

Sản xuất giống thuỷ sản: Do tình hình dịch bệnh tôm ở một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp nên lượng tiêu thụ tôm giống trong 2 tháng qua ít. Ước 9 tháng sản lượng thu hoạch và tiêu thụ đạt 12.467 triệu post (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước).

Hoạt động khai thác thủy sản thuận lợi. Sản lượng khai thác 9 tháng ước đạt 147.750 tấn, đạt 78,4% kế hoạch năm, tăng 4,4% so cùng kỳ, trong đó sản lượng cá tăng 1,3%, sản lượng mực tăng 0,16%, hải sản khác tăng 17,48%.

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được chú trọng. Các ngành chức năng của tỉnh đã thường xuyên phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các tàu thuyền hành nghề giã cào bay sai tuyến, dùng chất nổ, xung điện hoá chất độc hại để đánh bắt hải sản, sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ hơn quy định. Trong gần 9 tháng đã phát hiện và xử lý 388 vụ vi phạm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (giảm 76 vụ so cùng kỳ năm trước); thu phạt, nộp ngân sách nhà nước 1,77 tỷ đồng.

II. Công nghiệp; Đầu tư phát triển :

 

1. Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước ước đạt 105,2% (tăng 5,2% so với 9 tháng năm trước).

Tính theo giá so sánh 2010, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đạt 13.575,1 tỷ đồng (tăng 6,8% so với 9 tháng năm trước); trong đó công nghiệp khai khoáng 658,6 tỷ đồng (tăng 18,5%); công nghiệp chế biến chế tạo 9.021 tỷ đồng (tăng 6,8%); sản xuất và phân phối điện đạt 3.781,6 tỷ đồng (tăng 5,0%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 113,9 tỷ đồng (tăng 6,7%).

Trong các sản phẩm sản xuất, các sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước là: khai thác cát xây dựng tăng 1,5% (so với 9 tháng năm trước), đá xây dựng (tăng 10,5%), thủy sản đông lạnh (tăng 2,8%),  nước uống đóng chai (tăng 0,6%), nước đá (tăng 4,1%), nước máy sản xuất (tăng 4,7%), hàng may mặc (tăng 15,0%), điện sản xuất (tăng 3,7%). Các sản phẩm giảm là: muối hạt (giảm 0,2%), gạch nung (giảm 10,5%), nước mắm (giảm 0,8%), hạt điều nhân (giảm 7,2%), đường (giảm 5,0%).

Nhìn chung sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Thị trường xuất khẩu hàng may mặc, thuỷ sản giữ ổn định; đá xây dựng sản xuất tăng khá do nhu cầu xây dựng mở rộng Quốc lộ 1A; sản lượng điện phát ra tăng hơn năm trước; sản xuất chế biến các mặt hàng lương thực, thực phẩm giữ ổn định do thị trường tiêu thụ trong tỉnh được giữ vững.

Về xây dựng phát triển điện:  Trong 9 tháng qua đã tiếp tục thi công thuỷ điện Sông Luỹ, thuỷ điện Đan Sách 2,3; khởi công điện gió Phú Lạc; lập thủ tục chuẩn bị đầu tư điện gió Phước Thể, Phong điện 1-Bình Thuận (giai đoạn 2); đưa vào vận hành phát điện tổ máy số 1 (622 MW), đang lắp đặt tổ máy số 2 – Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2; khởi công Nhiệt điện Vĩnh Tân 4; thi công các tuyến đường dây 220KV Vĩnh Tân - Phan Thiết, Vĩnh Tân – Tháp Chàm.

 

Vừa qua Thủ tướng đã phê duyệt dự án xây dựng "quy hoạch phát triển điện gió Việt Nam" trong đó với kinh phí 3,7 triệu euro, trong đó Chính phủ Đức viện trợ không hoàn lại 3,6 triệu euro. Dự án được triển khai trong 4 năm (2014 - 2018) nhằm xác lập và quy hoạch các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ điện gió và khai thác tiềm năng năng lượng gió như xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch nguồn năng lượng gió cấp địa phương và quốc gia, nâng cao năng lực các cấp, các ngành trong xây dựng, quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển điện gió. Trên địa bàn Bình Thuận, có 2 dự án điện gió đang vận hành gồm dự án điện gió Bình Thạnh giai đoạn 1 do Công ty REVN đầu tư, công suất 30 MW (tại huyện Tuy Phong); dự án điện gió trên đảo Phú Quý, công suất 6 MW do Tổng công ty Điện lực Dầu khí làm chủ đầu tư vận hành từ năm 2012.

2. Đầu tư phát triển:

Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước 9 tháng ước đạt 873,5 tỷ đồng (đạt 61,8% so với kế hoạch năm); trong đó: Vốn ngân sách cấp tỉnh 615,2 tỷ đồng (đạt 61,7% KH năm); Vốn ngân sách cấp huyện 206,5 tỷ đồng (đạt 63% KH năm); Vốn ngân sách cấp xã 51,8 tỷ đồng (đạt 58,4% KH năm).

            Tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm đến cuối tháng 8/2014 như sau:

* Dự án đường Hùng Vương (Phan Thiết): (đoạn từ vòng xoay đường Tôn Đức Thắng đến giáp đường 706B): Dự án có tổng mức đầu tư 288,2 tỷ đồng, trong đó:

+ Đoạn 1: (Qua khu dân cư Hùng Vương II): Dự án có tổng mức đầu tư 62,2 tỷ đồng (trong đó: xây lắp 46,1 tỷ đồng). Đã thi công được 600m/889m. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 16,2 t đồng, giải ngân 9,1 t đồng. Đoạn còn lại 219m (vướng 20 hộ), đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, giải trả mặt bằng.

+ Đoạn 2  (Qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2A): Đã cơ bản xong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay đã thi công được  270m/420m nền đường hạ, chuẩn bị thảm bê tông nhựa, hiện đang triển khai thi công 150m còn lại.

+ Đoạn 3 (Qua khu dân cư Hùng Vương II, giai đoạn 2B): Dự án có tổng mức đầu tư 34,1 tỷ đồng (trong đó: xây lắp 21,8 tỷ đồng). Đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

+ Cầu Hùng Vương: Dự án có tổng mức đầu tư 88,6 t đồng (trong đó: xây dựng 52,7 t); Đã thi công xong toàn bộ hệ cọc đóng mố MA; trụ T1, T2 và T3; Lao lắp 48 dầm/64 dầm; Sản xuất dầm bê tông DUL 24,54m: 64/64 dầm; Đổ bê tông dầm ngang xong được 3 nhịp 1, 2, 3 (hai bên); đổ xong bê tông bản mặt cầu nhịp 1,2,3 (hai bên ). Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 35,4 tỷ đồng. Hiện nay đang tạm dừng thi công do vướng đền bù giải tỏa.

* Dự án đường quốc lộ 55:

Dự án có tổng mức đầu tư 1.511,5 tỷ đồng, gồm có 11 gói thầu xây lắp, đến nay đã thi công hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng xong gói thầu số 1, 2; đang triển khai thi công 05 gói thầu. Lũy kế giá trị thực hiện đến nay 876 tỷ đồng, giải ngân 785 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là còn vướng đền bù giải tỏa đoạn tuyến qua khu vực Hàm Tân, Tánh Linh.

* Dự án kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý (Kè giai đoạn 2):

Dự án có tổng mức đầu tư 598,4 tỷ đồng, hiện đang triển khai thi công gói thầu số 4 và gói thầu số 12; lũy kế giá trị thực hiện đến nay 166,3 tỷ đồng, giải ngân 198 tỷ đồng.  Tiến độ thi công thực hiện công trình chậm so với vốn đã bố trí.

* Dự án cấp nước Trung tâm điện lực Vĩnh Tân:

Dự án có tổng mức đầu tư 230,9 tỷ đồng, lũy kế giá trị thực hiện đến nay khoảng 80,0 tỷ đồng, giải ngân 52,4 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là công trình chưa được trung ương bố trí vốn năm 2014.

* Dự án kênh tiếp nước Biển Lạc- Hàm Tân:

Dự án có tổng mức đầu tư 376,9 tỷ đồng, đang triển khai thi công; lũy kế giá trị thực hiện đến nay khoảng 190,4 tỷ đồng, giải ngân 164,1 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là công trình bố trí vốn năm 2014 còn thấp so với nhu cầu đầu tư của dự án.

* Dự án Khu công nghiệp Sông Bình:

Đến nay đã hoàn thành san lấp mặt bằng được 300ha/300ha và đang thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.

 

Đăng ký  kinh doanh và đăng ký đầu tư:

Trong 9 tháng đầu năm 2014 đã cấp thành lập mới cho 308 Doanh nghiệp, vốn đăng ký: 1.332,34 tỷ đồng (70 DNTN, 64 công ty TNHH 2 TV, 159 công ty TNHH 1 TV, 15 công ty cổ phần và 45 Chi nhánh, 09 VPĐD). Cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh cho 615 doanh nghiệp. Đã thông báo giải thể 70 doanh nghiệp, xoá tên 20 chi nhánh và VPĐD; thông báo tạm ngừng kinh doanh 48 doanh nghiệp. Đã ban hành quyết định thu hồi 97 doanh nghiệp do vi phạm Luật Doanh nghiệp. Thông báo vi phạm 153 doanh nghiệp do không báo cáo theo yêu cầu. Thông báo yêu cầu 54 doanh nghiệp báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh theo thông báo của Cục Thuế Tỉnh về các doanh nghiệp bỏ nghỉ.

Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án và cấp điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 36 dự án với tổng vốn đăng ký thực hiện tăng 1.913 tỷ đồng, diện tích 525 ha; thu hồi 18 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không triển khai đầu tư (10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, 02 dự án du lịch, 04 dự án Công nghiệp, 02 dự án dịch vụ).

 

III. Thương mại, Giá cả; Du lịch; Xuất nhập khẩu; Giao thông vận tải, Thông tin truyền thông

 

1.     Thương mại, Giá cả :

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 15.892 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,4%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2014 100,02% (tăng 0,02% so với tháng trước). So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng là 102,72% (sau 9 tháng tăng 2,72%). Nhìn chung so với đầu năm, hầu hết các nhóm hàng đều tăng ở mức thấp trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; thiết bị đồ dùng gia đình; văn hoá, giải trí và du lịch tăng cao hơn so với mức tăng chung (tăng trên 2,72% so với tháng 12/2013). Nếu so với bình quân cùng kỳ năm trước thì chỉ số giá tiêu dùng là 105,82% (tăng 5,82%); trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón, giầy dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế tăng cao hơn mức tăng chung. Nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép là nhóm tăng cao nhất (tăng 8,65%).

Công tác Quản lý thị trường được duy trì thường xuyên.Trong 8 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.895 vụ, phát hiện và xử lý 869 vụ vi phạm; đã xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách Nhà nước 4,4 tỷ đồng.

 

2. Du lịch :  

Hoạt động du lịch giữ ổn định. Năm nay, lượt khách quốc tế đến không nhiều, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch chậm lại do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là sự sụt giảm mạnh khách Trung Quốc và khách đến từ các nước nói tiếng Hoa. Trong 9 tháng, có 2.772 ngàn lượt khách đến (trong đó có 2.724 ngàn lượt khách lưu trú), tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước với 4.022 ngàn ngày khách (tăng 8,6%); riêng khách quốc tế có 313 ngàn lượt khách với 806 ngàn ngày khách

Khách du lịch quốc tế hàng tháng đến Bình Thuận có gần 100 nước, khu vực; trong đó du khách Nga chiếm tỷ trọng đông nhất (25-30%), kế đến là Mỹ (7-9%), Hàn Quốc (8-10%).

Doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 4.536 tỷ đồng (tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước).

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch ngày càng gia tăng, song phát triển du lịch ở Bình Thuận còn một số khá khăn tồn tại nhất định . So với các trung tâm du lịch khác trong cả nước, tỉnh Bình Thuận có hạn chế về giao thông đối ngoại (không có sân bay, không có cảng du lịch biển, đường bộ từ TP HCM đến Bình Thuận mất quá nhiều thời gian); cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, hệ thống giao thông một số nơi xuống cấp chưa được nâng cấp kịp thời; nhiều resort chưa thực sự chuyên nghiệp, mới dừng lại ở việc trang trí phòng ốc, phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách; chưa có khu vui chơi giải trí qui mô lớn xứng tầm du lịch Bình Thuận. Ý thức chấp hành các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch của một số doanh nghiệp chưa cao, gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về du lịch. Hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng quy định, không đủ điều kiện và không khai báo cho cơ quan quản lý nhà nước. 

 

3. Xuất nhập khẩu:

            Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 197,5 triệu USD, đạt 75,9% KH, tăng 4,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 83,7 triệu USD (đạt 92,7% KH, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước), hàng nông sản đạt 14,5 triệu USD (đạt 30,7% KH, giảm 51% so cùng kỳ năm trước), hàng hoá khác 99,2 triệu USD (đạt 81% KH, tăng 20,9% so cùng kỳ năm trước); với một số mặt hàng chủ yếu: hải sản đông 11.437 tấn; hải sản khô 943 tấn; nhân hạt điều 310 tấn; quả thanh long 10.076 tấn; cao su 1.236 tấn; hàng may mặc 76,5 triệu USD.

          Xuất khẩu trực tiếp 9 tháng ước đạt 178,9 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó:

          - Xuất sang thị trường Châu Á ước đạt 124,5 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 69,6% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp trong đó: Thị trường Đông Á đạt 111,7 triệu USD (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước); riêng thị trường Nhật Bản đạt 70,7 triệu USD (tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Đông Nam Á đạt 7,3 triệu USD (giảm 33,2% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Tây Á đạt 5,2 triệu USD (giảm 24,4% so với cùng kỳ năm trước).

          - Xuất sang thị trường Châu Âu ước đạt 35,9 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp; trong đó: Thị trường Tây Âu đạt 18,0 triệu USD (giảm 15,2% so cùng kỳ năm trước); trong đó thị trường Đức đạt 7,1 triệu USD (giảm 32,5%). Thị trường Nam Âu đạt 10,9 triệu USD (giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường Bắc Âu đạt 7,0 triệu USD (giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu ở thị trường Anh.

          - Xuất sang thị trường Châu Mỹ ước đạt 15,1 triệu USD (tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước), chiếm tỷ trọng 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp; trong đó thị trường Bắc Mỹ đạt 14,9 triệu USD (tăng 30,9% so với cùng kỳ).

          Ủy thác xuất khẩu đạt 18,6 triệu USD (tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước); tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc và gạo.

 

          Kết quả trên cho thấy kim ngạch xuất sang thị trường Châu Á, Châu Mỹ khá ổn định. Xuất khẩu hàng thủy sản và các hàng hoá khác (sản phẩm may mặc, đồ gỗ...) tăng khá so với cùng kỳ năm trước và đến cuối năm nay có thể vượt kế hoạch đề ra. Song kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản giảm khá lớn so với cùng kỳ do các mặt hàng nhân hạt điều, quả thanh long, cao su xuất khẩu giảm. Những khó khăn xuất các mặt hàng nông sản trên khả năng còn kéo dài (nhất là những mặt hàng xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc); dự ước đến cuối năm nhóm hàng nông sản xuất khẩu chỉ đạt 45-50% KH năm.

 

          Xuất khẩu dịch vụ du lịch 9 tháng ước đạt 92,2 triệu USD; tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. 

 

          Nhập khẩu 9 tháng ước đạt 90,5 triệu USD, giảm 20% so cùng kỳ năm trước, trong đó máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đạt 73,3 triệu USD (giảm 1,29% so với cùng kỳ năm trước).

 

4. Giao thông vận tải:

Vận tải hàng hoá, hành khách ổn định và phát triển. Ước tính 9 tháng, khối lượng luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 257 triệu tấnkm (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước); luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 769 ngàn tấnkm (tăng 8,2%); luân chuyển hành khách đường bộ đạt 586,4 triệu lượt ngườikm (tăng 9,0%); luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 2.546 ngàn lượt ngườikm (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước).

Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên. Đã xử lý nghiêm các lỗi vi phạm và các phương tiện chở quá khổ, quá tải. Trong 8 tháng, số vụ tai nạn và va chạm giao thông xảy ra 486 vụ (cùng kỳ năm trước xảy ra 693 vụ); gây thương tích 409 người (cùng kỳ năm trước 617 người); gây chết 157 người (cùng kỳ năm trước 197 người).

 

IV. Thu, chi ngân sách; Hoạt động tín dụng:

 

1. Thu, chi ngân sách:

Thu ngân sách trên địa bàn 9 tháng ước đạt 4.941,1 tỷ đồng, đạt 76,4% dự toán năm, (giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước). Nếu loại trừ thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu thì kết quả thu nội địa đạt 2.788,9 tỷ đồng, đạt 72,7% dự toán năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu thuế phí 2.548,1 tỷ đồng (đạt 74,8% DT năm; tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước).

Trong thu ngân sách, dự ước các khoản thu 9 tháng đạt và tăng (giảm) so với cùng kỳ năm trước như sau: thu từ doanh nghiệp nhà nước 505 tỷ đồng (đạt 94,4% KH, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước); thu ngoài quốc doanh 613,4 tỷ đồng (đạt 57,1% KH, giảm 7,9% so cùng kỳ); thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 357,2 tỷ đồng (đạt 83,7% KH, tăng 59,2% so cùng kỳ), thu thuế thu nhập cá nhân 142,9 tỷ đồng (đạt 89,3% KH, tăng 6,2% so cùng kỳ); thu xổ số kiến thiết 379,6 tỷ đồng (vượt 2,1 lần so KH, tăng 36,6% so cùng kỳ); các loại phí, lệ phí 120,7 tỷ đồng (đạt 34,8% KH, giảm 46,1% so cùng kỳ); thu tiền sử dụng đất 240,8 tỷ đồng (đạt 56% KH, tăng 50,3% so cùng kỳ), thuế xuất nhập khẩu 276,8 tỷ đồng (vượt gấp 9,2 lần so với KH, giảm 66,6% so cùng kỳ), thu từ dầu thô 1.875,4 tỷ đồng (đạt 72,1% KH, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả trên cho thấy thu thuế, phí và thu từ dầu thô đạt khá, dự ước đến cuối năm sẽ đạt được kế hoạch đề ra; trong đó các khoản thu: thu từ DNNN, thu từ DN có vốn ĐTNN, thu thuế thu nhập cá nhân có khả năng vượt xa kế hoạch. Thu thuế nhập khẩu thấp so với năm trước do năm nay Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nhập thiết bị về rất ít, song cũng đã vượt xa so kế hoạch. Thu xổ số kiến thiết tăng khá so với cùng kỳ và đã vượt kế hoạch khá sớm.

Ngành Thuế đã phối hợp với các ngành, các địa phương tiếp tục khai thác nguồn thu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ đất, quản lý kê khai thuế qua mạng Internet, hạn chế tình trạng nợ đọng thuế. Thu ngoài quốc doanh, các loại phí, lệ phí đạt thấp do ảnh hưởng cơ chế chính sách miễn giảm, giá khoáng sản (titan) giảm mạnh, nhiều mặt hàng nông sản năm nay giảm giá.

Ước chi ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 4.220 tỷ đồng, đạt 68,6% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 1.231 tỷ đồng; chi thường xuyên 2.986 tỷ đồng (đạt 71,6% dự toán năm). Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Nghị quyết HĐND Tỉnh, ưu tiên chi đầu tư phát triển; đảm bảo thanh toán khối lượng công trình trọng điểm, các khoản chi lương, phụ cấp lương, kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy hành chính, các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh và đảm bảo kinh phí nhiệm vụ an ninh- quốc phòng của địa phương.

 

2. Hoạt động tín dụng:

Hoạt động tín dụng ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay giảm dần; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến 31/8/2014, vốn huy động đạt 17.642 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm (cả nước tăng 8,53%), trong đó: tiền gửi tiết kiệm chiếm 84,4% nguồn vốn huy động toàn địa bàn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành nghiêm túc quy định trần lãi suất huy động ngắn hạn theo quy định. Dư nợ cho vay đạt 20.384 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm (cả nước tăng 5,82%). Tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) chiếm 1,83% tổng dư nợ.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 5.328 tỷ đồng (chiếm 26,1% tổng dư nợ toàn địa bàn); dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 638 tỷ đồng (chiếm 3,1%); dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 5.028 tỷ đồng (chiếm 24,7%). Đối tượng vay tập trung chủ yếu là doanh nghiệp ngoài nhà nước (dư nợ chiếm 34,9% trong tổng dư nợ toàn tỉnh), kinh tế cá thể và hộ gia đình (chiếm 50,9%).

 

Trong dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng đã cho vay xây dựng nông thôn mới 21 xã điểm với dư nợ 1.784,3 tỷ đồng (tăng 14,8% so với đầu năm). Triển khai phục vụ Đề án Nghiên cứu phát triển thị trường Thanh Long Bình Thuận, đã cho vay 1.646 tỷ đồng/17.696 khách hàng, trong đó cho vay theo tiêu chuẩn VietGap đạt 455 tỷ đồng/4.300 khách hàng  

 

Trong 8 tháng, các tổ chức tín dụng đã gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 412 khách hàng với dư nợ đạt 182 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất các hợp đồng tín dụng cũ về mức lãi suất hiện hành của đơn vị đạt 5.401 tỷ đồng/17.251 khách hàng.

Ước đến 30/9/2014, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 17.929 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 20.692 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.

Nhìn chung trong 9 tháng qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động khá ổn định, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đã triển khai thực hiện kịp thời chính sách tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tiếp tục mở rộng tín dụng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận vay vốn ngân hàng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Công tác thanh toán không dùng tiền mặt với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ngày càng phát triển sâu rộng, hỗ trợ tích cực cho việc trả lương qua tài khoản. Tuy vậy, mạng lưới hoạt động các tổ chức tín dụng phân bổ chưa đều, tập trung chủ yếu ở địa bàn thành thị; doanh nghiệp và người dân trên các địa bàn nông thôn còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn dịch vụ ngân hàng, trong quan hệ tín dụng; công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng một số nơi làm chưa tốt; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội triển khai chậm; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng…

 

V. Một số vấn đề xã hội:

 

1. Văn hóa, Thể thao :

 

Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị đã triển khai  kịp thời, nhất là kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, ngày Tết. Đã tổ chức Chương trình "Tiếng hát Tuyền hình Bình Thuận lần thứ I - 2014"; cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam năm 2014; Giờ trái đất; Tuần lễ quốc gia vệ sinh an toàn lao động và phòng, chống cháy nổ; Lễ hội Trung thu 2014 chủ đề biển đảo. Kết quả 9 tháng đã thực hiện 19.770 giờ phát thanh xe loa, phóng thanh, cắt dán 19.337 m băng rôn khẩu hiệu, kẻ vẽ 17.628 m2 panô, 9.500 pa nô dọc, treo 15.378 lượt cờ các loại; phát hành 150 đĩa CD mừng Đảng, mừng Xuân, 1.800 tập san Thông tin. Đã trưng bày, triển lãm ảnh: “Biển, đảo Việt Nam”, "Biên giới và biển đảo Việt Nam", “Bình Thuận 21 năm đổi mới và phát triển”; ảnh nghệ thuật “Bình Thuận Xanh”; "Sắc Xuân quê hương" và tranh cổ động “Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và tổ chức 09 cuộc Hội chợ, triển lãm. Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh thực hiện 74 buổi văn nghệ tuyên truyền về an toàn giao thông với kịch bản “Cho đường phố bình yên” và chương trình ca múa nhạc mừng Đảng, mừng Xuân tại huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi.

 

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật tiếp tục chuyển mạnh về cơ sở. Đã thực hiện 07 chương trình văn nghệ quần chúng, các chương trình ca múa nhạc phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, các ngày lễ, sự kiện, ngày kỷ niệm quê hương đất nước. Tham gia 02 Hội thi, hội diễn: Lễ hội Văn hóa miền Đông - Đà Lạt năm 2014 (đạt HCV toàn Đoàn); Liên hoan Đờn ca tài tử cấp Quốc gia lần thứ I tại Bạc Liêu năm 2014 (đạt 02 HCV, 01 HCB tiết mục và 01 HCV toàn Đoàn). Tổ chức chương trình nghệ thuật “Âm vang Điện Biên” kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí nhân kỷ niệm các ngày lễ, tết, như: Huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Hội thi “Tuyển giọng hát hay” lần thứ XI/2014; TP Phan Thiết tổ chức Hội thi “Giọng hát vàng”, ca nhạc “Mừng Đảng, mừng Xuân”; huyện Tuy Phong tổ chức Liên hoan “Hát ru và hát dân ca” lần I/2014; huyện Đức Linh với “Tiếng hát xuân Giáp Ngọ 2014”; thị xã La Gi với Liên hoan Hát ru và hát dân ca; huyện đảo Phú Quý đăng cai tổ chức “Tiếng hát về nguồn” lần thứ XVIII/2014...

Thư viện tỉnh đã cấp mới 1.500 thẻ (thiếu nhi 647 thẻ), phục vụ 65.948 lượt (11.201 lượt thiếu nhi), luân chuyển 322.876 lượt (thiếu nhi 67.576 lượt). Tuyên truyền, giới thiệu sách mới, sách chuyên đề tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, tết, sự kiện, ngày kỷ niệm quê hương đất nước... với 2.311 bản sách và 284 tài liệu, 886 tin, bài; phát hành 100 tập Thông tin tư liệu Bình Thuận và 100 tập Thông tin mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ, bổ sung 4.879 bản sách mới. Luân chuyển 8.405 bản sách và 11.665 lượt tài liệu phục vụ cơ sở.

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận: Trong 9 tháng đã đón và phục vụ 2.090 Đoàn, với 148.328 lượt người, trong đó có 763 lượt khách nước ngoài. Đã sưu tầm, khai quật và tiếp nhận 91 hiện vật; khai quật nhóm đền tháp Chăm Pô Đam thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (đợt 2). Hoàn chỉnh hồ sơ khoa học di tích Đền thờ công chúa Bàn Tranh và miếu Cây Da (Long Hải, Phú Quý) đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Ban Quản lý Di tích tháp Pô Sah Inư đã đón 85.536 lượt khách, (trong đó có 4.846 lượt khách nước ngoài). Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận đã đón 4.261 lượt khách tham quan (trong đó có 25 lượt khách nước ngoài); sưu tầm trao đổi 09 hiện vật; tổ chức trưng bày hiện vật, Hội thi "Tay nghề Gốm và Dệt lần thứ IV/2014", Hội hóa trang, trình diễn tay nghề Gốm, Dệt và chương trình văn nghệ dân gian, kết nối tour tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa Chăm ở Bắc Bình.

 

          Hoạt động thể thao: Đã tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Bình Thuận lần thứ VII/2014; các giải thể thao, Hội thao chào mừng ngày lễ, tết, kỷ niệm của quê hương, đất nước, tiêu biểu: Hội thi leo núi Tà Cú; ngày Hội Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, Hội thi “Chạy vượt đồi cát Mũi Né”; “Ngày Chạy vì sức khỏe - chào năm mới 2014; giải Lướt ván buồm Quốc tế Mũi Né - Fun Cup lần thứ XV/2014; giải Bida Carom 3 băng tỉnh Bình Thuận mở rộng - Cup Duy Sơn ...  Các Câu lạc bộ, hội, liên đoàn thể thao được củng cố và phát triển, phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động, các giải thể thao thu hút hàng ngàn hội viên và vận động viên tham gia; đăng cai tổ chức các giải thể thao do Liên đoàn Quốc gia ủy nhiệm và xây dựng lực lượng tham gia các giải thể thao quốc gia, khu vực và đăng cai tổ chức các trận vòng loại bảng B giải bóng đá hạng nhì Quốc gia năm 2014. Đã cử các đội thể thao tỉnh tham gia 36 giải thể thao cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, giành được 121 huy chương, trong đó có: 38 HCV, 28 HCB, 55 HCĐ.

Nhìn chung những hoạt động thể thao duy trì tổ chức tốt, an toàn. Các giải thường niên ở các địa phương trong tỉnh đã trở thành truyền thống thu hút đông đảo du khách tham gia.

 

2. Y tế :

Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh có 101/127 trạm y tế xã có bác sỹ công tác, bình quân 5,54 bác sỹ/vạn dân. Các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết 9 tháng tăng hơn so với cùng kỳ (năm nay 1,2%o; năm trước 0,94%o); ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng có 02 vụ xảy ra (tại Phan Thiết và Bắc Bình), có 07 người mắc, 01 trường hợp tử vong.

Công tác phòng chống bệnh suy dinh dưỡng tiếp tục duy trì và triển khai có kết quả. Các hoạt động: cân trẻ, thực hành dinh dưỡng, tập huấn mạng lưới cộng tác viên kỹ năng phòng chống suy dinh dưỡng được triển khai đều đặn. Tỷ lệ trẻ sinh ra dưới 2.500g là 3% (tương đương 9 tháng năm trước). Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai ngay từ đầu năm, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ 8 loại vacxin trong 9 tháng đạt 84,0%.

Công tác phòng chống phong, lao, mắt được duy trì thường xuyên. Số lượt người được khám để phát hiện bệnh phong: 184.329 cas (giảm 45,8% so với cùng kỳ). Số bệnh nhân phong được phát hiện mới: 03 cas (cùng kỳ năm trước 12 ca); có 1.066 bệnh nhân lao được thu dung điều trị (giảm 14% so với cùng kỳ), phát hiện mới 600 bệnh nhân lao AFB (+) (tăng 22,9% so với cùng kỳ).

Các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến điều trị đạt yêu cầu.

Công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được duy trì thường xuyên. Trong 8 tháng đã tiến hành kiểm tra 2.547 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm (đạt 39% so với số cơ sở hiện có). Đã tiến hành kiểm tra 185 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.

2.     Giáo dục :

Theo báo cáo sơ bộ, đầu năm học 2014-2015 toàn tỉnh có 630 trường (182 trường Mầm non, 280 trường Tiểu học, 3 trường Tiểu học và THCS, 125 trường THCS, 26 trường THPT, 1 trường THCS và THPT, 2 trường Phổ thông (C1-2-3), 1 trường Năng khiếu, 1 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 2 trường TCCN, 4 Trung tâm GDTX-HN). So với năm học trước, tăng 8 trường (04 trường Mầm non; 02 trường Tiểu học; 01 trường Tiểu học và THCS; 01 trường THPT).

Số học sinh và lớp học ở các cấp học đầu năm học 2014-2015 như sau:

* Mầm non: 47.046 cháu. So với năm trước giảm 4.124 cháu

 

                                      T.Số                                 Công Lập            Ngoài CL

- Nhà trẻ:                4.646 cháu/ 273 lớp              1.278/ 53              3.368/ 220

 

- Mẫu giáo:           42.400 cháu/ 1.462 lớp          36.040/ 1.201                  8.565/ 261  

 

Trong đó Mẫu giáo 5 tuổi:      19.920 cháu

* Phổ thông: 223.882 học sinh. So với năm trước giảm 3.146 học sinh (Tiểu học giảm 2.945, Trung học cơ sở tăng 1.139, Trung học phổ thông giảm 1.331)

 

                                       T.Số                      Công Lập                       Ngoài CL

- Tiểu học             108.502 hs/ 4.173 lớp    108.285/ 4.165              217/ 8

- THCS                   77.637 hs/ 2.426 lớp      77.559/ 2.424                78/ 2

- THPT                   37.743 hs/ 1.063 lớp      36.988/ 1.043              755/ 20

          * Giáo dục thường xuyên: 6.096 học viên bổ túc văn hóa. So với năm trước giảm 48 học viên

* Đại học, cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp: 15.079 học sinh - sinh viên. So với năm trước tăng 2.502 học sinh, sinh viên.

- Đại học              5.737 sinh viên

- Cao đẳng            5.079 sinh viên

- TCCN                4.263 học viên

 

* Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học

 

                                      T.Số                      Công Lập             Ngoài CL

- Nhà trẻ                        10,0%                   2,75%                   7,25%

- Mẫu giáo                     82,0%                   69,7%                   12,3%

- Tiểu học ĐĐT              99,9%                   87,02%                 0,2%

- THCS                          87,2%                   87,11%                 0,09%

- THPT                          50,0%                   48,99%                 1,01%

 

* Tỷ lệ tuyển sinh đầu cấp học

 

                                      T.Số                      Công Lập             Ngoài CL

- Lớp 1                           100%                    100%

- Lớp 6                           100%                    100%

- Lớp 10                         80%                      76,0%                   4,0%

Toàn tỉnh có là 15.884 giáo viên (tăng 58 giáo viên so với năm học trước); trong đó: 2.460 giáo viên Mầm non;  5.716 giáo viên Tiểu học; 4.813 giáo viên THCS; 2.526 giáo viên THPT; 52 giáo viên GDTX; 315 giảng viên đại học, cao đẳng, TCCN.

 

4. Lao động  Xã hội, Chính sách :

Trong 9 tháng đã giải quyết việc làm cho 17.425 lao động, trong đó: cho vay vốn giải quyết việc làm 1.034 lao động. Đưa 32 lao động đi làm việc nước ngoài, 06 ứng viên tham gia khóa đào tạo tại Hà Nội Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (dự kiến xuất cảnh trong tháng 3/2015). Đào tạo nghề cho 8.601 người (đạt 66,16% KH năm); trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 6.585 người (đạt 65,85% KH năm).

Đã tiếp nhận đăng ký thất nghiệp của 4.103 lao động; tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp 4.082 lao động; ban hành Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 4.103 lao động; cấp 64.988 thẻ BHYT cho người nghèo; 7.644 thẻ BHYT cho người cận nghèo; 9.207 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo và 10.475 người thoát nghèo trước năm 2013. Đã vận động tài trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 2,498 tỉ (đạt 124,9 % kế hoạch năm); vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 6,014 tỷ đồng (đạt 100,23% KH); xây dựng mới 44 nhà tình thương với tổng giá trị 1.015 triệu đồng. Vận động kinh phí hỗ trợ cho trẻ em được 1,76 tỷ đồng (đạt 88% KH năm). Đang nuôi dưỡng 199 người (76 nữ) thuộc diện người có công, bảo trợ xã hội.

Đang quản lý 87 người (05 nữ) thuộc đối tượng cai nghiện ma túy; 20 người (08 nữ) thuộc đối tượng lang thang cơ nhỡ.

Nhìn chung công tác giải quyết việc làm trong 9 tháng đầu năm đạt được một số kết quả nhất định. Hoạt động dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm tiếp tục hoạt động có hiệu quả, tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm được việc làm, nâng cao thu nhập. Công tác giải quyết nhà ở cho người có công và người nghèo tiếp tục được triển khai. Các chính sách an sinh xã hội đảm bảo tốt

 

5. Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

Trong 9 tháng đã giao 105,2 ha đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (135 hộ), trong đó xã Phan Dũng (Tuy Phong) 15 ha/25 hộ; xã Mỹ Thạnh (Hàm Thuận Nam) 86,2 ha/103 hộ; huyện Tánh Linh 04 ha/07 hộ.

Đầu tư ứng trước cây bắp lai: Đã tổ chức thu mua bắp lai vụ 3 ở địa bàn xã La Ngâu (Tánh Linh), Phan Tiến (Bắc Bình) được 163 tấn với giá trị 700 triệu đồng; triển khai hướng dẫn, tổ chức cho 2.069 hộ đăng ký đầu tư ứng trước trồng 4.024,9 ha bắp lai, trong đó có 1.542 hộ/2.880 ha đủ điều kiện thực hiện ký hợp đồng đầu tư ứng trước. Đã tìm kiếm phương tiện làm đất và ký hợp đồng cày đất cho các hộ đã ký kết hợp đồng nhận đầu tư ứng trước ở các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần (Hàm Thuận Nam), Đông Giang, La Dạ (Hàm Thuận Bắc), Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến (Bắc Bình) với giá cày đất từ 1,1 triệu đồng – 1,3 triệu đồng/ha.

Đã tổ chức ký hợp đồng đầu tư ứng trước cây lúa  với 73 hộ/47,9 ha ở xã Thuận Hoà (Hàm Thuận Bắc), Phan Dũng (Tuy Phong). Thường xuyên hướng dẫn các hộ 02 xã Đông Giang và La Dạ triển khai phòng ngừa sâu bệnh trên diện tích cao su hiện có; tổ chức tập huấn kỹ thuật khai thác mủ; thu mua 63 tấn mủ cao su với giá trị 640 triệu đồng.

Trong 9 tháng đã cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào DTTS gồm: 1.167 tấn phân bón các loại; 31,3 tấn thuốc bảo vệ thực vật; 14,7 tấn lúa giống; 45 tấn bắp giống; 32,8 tấn gạo các loại… Đồng thời điều chuyển vật tư, hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu, không để xảy ra tình trạng hàng hóa vật tư bị quá hạn sử dụng.

Triển khai thực hiện công tác tuyên truyền đồng bào các dân tộc hưởng ứng phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng ở 17 xã thuần đồng bào DTTS bước đầu đạt một số kết quả nhất định. Đến nay có 01 xã đạt 15/19 tiêu chí (xã Hải Ninh huyện Bắc Bình); 01 xã đạt 11/19 tiêu chí (xã Phan Hiệp huyện Bắc Bình); 05 xã đạt 10/19 tiêu chí (xã Phan Dũng, Phú Lạc huyện Tuy Phong; xã Phan Sơn, Phan Hoà, Phan Điền huyện Bắc Bình); 02 xã đạt 9/19 tiêu chí (xã Phan Thanh, Phan Lâm huyện Bắc Bình); 02 xã đạt 7/19 tiêu chí (xã Đông Tiến huyện Hàm Thuận Bắc; xã Mỹ Thạnh huyện Hàm Thuận Nam); 02 xã đạt 6/19 tiêu chí (xã Sông Luỹ huyện Bắc Bình; xã La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc); 01 xã đạt 5/19 tiêu chí (xã La Ngâu huyện Tánh Linh); 01 xã đạt 3/19 tiêu chí (xã Hàm Cần huyện Hàm Thuận Nam)

Tóm lại, với kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2014 cho thấy tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bình Thuận có những thuận lợi và khó khăn như sau:

 

Những thuận lợi:

- Sản xuất nông nghiệp khá thuận lợi. Sản lượng lương thực 2 vụ (đông xuân và hè thu) đạt 548,2 ngàn tấn, tăng 5,5% so với 2 vụ năm trước. Khai thác hải sản ổn định, 9 tháng đạt 147,7 ngàn tấn (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước). Nuôi trồng thuỷ sản tuy gặp khó khăn nhất định, song sản lượng tăng hơn năm trước. Sản xuất tôm giống tăng khá (9 tháng đạt 12,4 tỷ Post, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước).

- Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Thị trường xuất khẩu hàng may mặc, thuỷ sản giữ ổn định; đá xây dựng sản xuất tăng khá do nhu cầu xây dựng mở rộng Quốc lộ 1A; sản lượng điện phát ra tăng hơn năm trước; sản xuất chế biến các mặt hàng lương thực, thực phẩm giữ ổn định do thị trường tiêu thụ trong tỉnh được giữ vững

- Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,4%).

- Xuất khẩu hàng thủy sản và may mặc tăng khá. Trong 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đạt 92,7% KH, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; hàng may mặc đạt 91,1%KH, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước

- Hoạt động du lịch tăng trưởng không cao như những năm trước, song lượt khách đến giữ ổn định; số lượt khách đến 9 tháng tăng 7,4%; ngày khách tăng 8,6%; doanh thu du lịch tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước).

- Giá hàng hóa, dịch vụ biến động tăng ở mức thấp , Sau 9 tháng giá tiêu dùng chỉ tăng 2,72% (9 tháng năm trước tăng 4,13%). Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

 

- Vận tải hàng hoá ổn định. Công tác tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông, bảo vệ công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ luôn được duy trì thường xuyên.

 

- Thu ngân sách có nhiều cố gắng. Năm nay giá khoáng sản và nhiều mặt hàng nông sản bị giảm; song kết quả thu nội địa vẫn giữ ổn định, 9 tháng đạt 72,7% dự toán năm (tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước); thu thuế phí đạt 74,8% DT năm (tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước).

- Hoạt động tín dụng ổn định và tiếp tục phát triển theo hướng tập trung phục vụ phát triển sản xuất – kinh doanh. Vốn huy động tăng 12,2% so với đầu năm (cả nước tăng 8,53%); dư nợ cho vay tăng 10,3% so với đầu năm (cả nước tăng 5,82%).

- Các vấn đề xã hội tiếp tục có nhiều mặt chuyển biến. Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm; các bệnh xã hội được tiếp tục chú trọng, quan tâm điều trị kịp thời. Chương trình y tế quốc gia được triển khai đều ở các tuyến. Chất lượng dạy và học ở các cấp phổ thông được tiếp tục chú trọng, từng bước nâng lên; tỷ lệ bỏ học giảm; các kỳ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT diễn ra an toàn, nghiêm túc; đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho năm học mới. Giải quyết việc làm cho người lao động có nhiều cố gắng. Công tác xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm trước.

 

Những khó khăn:

 

- Tiến độ triển khai đầu tư xây dựng các khu công nghiệp chậm.

 

- Xuất khẩu hàng nông sản gặp nhiều khó khăn; 9 tháng chỉ đạt 30,7% KH, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước do mặt hàng nhân hạt điều, thanh long, cao su đạt quá thấp so với kế hoạch (dưới 40%).

- Trong thu nội địa, các nguồn thu chiếm tỷ trọng khá trong dự toán như: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các loại phí, lệ phí đạt dự toán thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước đã làm ảnh hưởng đến kết quả thu.

- Mạng lưới hoạt động các tổ chức tín dụng phân bổ chưa đều; doanh nghiệp và người dân trên các địa bàn nông thôn còn gặp khó khăn trong việc lựa chọn dịch vụ ngân hàng, trong quan hệ tín dụng; chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội triển khai chậm; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng

- Công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp.

CTK

 

 

 

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/