TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 tỉnh Bình Thuận

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng diễn ra tương đối thuận lợi, người dân tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa vụ đông xuân và gieo trồng các loại cây hoa màu khác. Ngành chăn nuôi tiếp tục giữ ổn định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường sản xuất nhằm phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn. Lượng hàng hoá lưu thông đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng. Sức mua của người dân tăng, tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu như lương thực thực phẩm, quần áo, giầy dép và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhu cầu ngày Tết

 I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng diễn ra tương đối thuận lợi, người dân tập trung vào gieo cấy, chăm sóc lúa vụ đông xuân và gieo trồng các loại cây hoa màu khác. Ngành chăn nuôi tiếp tục giữ ổn định. Hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào khâu chăm sóc rừng, ươm cây giống; tăng cường công tác bảo vệ rừng, chống cháy rừng trong mùa khô. Hoạt động khai thác thủy sản tăng trưởng khá. Trên các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là đàn lợn và gia cầm dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Dự ước các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/01/2024, diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 33.079,3 ha, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích cây lúa đạt 27.373,3 ha, giảm 11,1%; cây bắp đạt 1.739 ha, giảm 18,2%; cây rau các loại đạt 1.890,9 ha, giảm 11,8%; cây đậu các loại đạt 1.054,5 ha, giảm 35,6%; cây hàng năm khác đạt 328 ha, tăng 15,2%. Tiến độ diện tích gieo trồng vụ đông xuân giảm, do vụ mùa năm 2023 của huyện Tánh Linh kết thúc muộn làm cho tiến độ xuống giống chậm so với cùng kỳ năm trước.

Các giống lúa sản xuất đại trà trong vụ: ML 48, ML 202, Đài thơm 8, OM 4900, OM 5451...; các giống bắp gồm các giống phù hợp với vùng sinh thái của tỉnh như: PAC 669, PAC 999 super, CP512, CP 811, NK 67, SSC 131...; các giống khoai mì KM 94, KM 98-5, KM 98 - 1, SM937-26...

 

 

* Cây lâu năm: Trong tháng chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch trên diện tích các loại cây lâu năm hiện có, tình hình cụ thể như sau:

- Cây thanh long đang thu hoạch vụ chong đèn bán Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thanh long xuất khẩu và trong nước ổn định. Dự tính trong những ngày cuối tháng sản lượng thu hoạch tăng do nhiều diện tích người trồng chong điện trước đó để phục vụ Tết Nguyên đán. Tính đến thời điểm 15/01/2024, toàn tỉnh có 8.603,8 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

- Cây cao su hiện đang ở cuối thời điểm thu hoạch, nhu cầu nhập khẩu cao su của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi, giá bán mủ cao su so với cùng kỳ năm trước tăng nhẹ.

- Cây điều hiện đang là thời điểm ra hoa, trong tháng do ảnh hưởng thời tiết lạnh, khô hanh, nhiều sương muối khả năng đậu quả thấp, một số diện tích già người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác hiệu quả hơn.

- Cây tiêu ở thời điểm bắt đầu thu hoạch, do giá tiêu thấp trong thời gian dài nên người trồng tiêu chặt bỏ một số diện tích già; hiện nay giá tiêu tăng trở lại nhưng chưa cao, trong khi chi phí sản xuất lớn, cây tiêu lại thường xuyên xuất hiện nhiều sâu bệnh không thuốc đặc trị (bệnh chết nhanh chết chậm), không có lãi, nhiều rủi ro nên người trồng ngại đầu tư.

* Tình hình dịch bệnh: Trong tháng dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ.

- Cây lúa: bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 525 ha; bệnh đen lép hạt (lem lép) diện tích nhiễm 398 ha; bệnh rầy nâu diện tích nhiễm 258 ha, tăng 215 ha.

- Cây thanh long: bệnh đốm nâu diện tích nhiễm 2.875 ha; bệnh nám vàng cành diện tích nhiễm 955 ha; bệnh thối rễ tóp cành diện tích nhiễm 880 ha; diện tích ốc sên phá hoại 761 ha.

 - Cây khoai mì: bệnh khảm lá virus diện tích nhiễm 874 ha.

- Cây điều: bệnh thán thư diện tích nhiễm 190 ha; bọ xít muỗi diện tích nhiễm 176 ha.

* Tình hình tưới vụ đông xuân 2023-2024: Tiếp tục theo dõi nguồn nước hiện có tại các công trình thủy lợi và lịch chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của Nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận - Đa Mi để cấp nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho các địa phương. Diện tích cấp nước sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh như sau: 19.218 ha/33.016 ha diện tích cung cấp cho cây lúa, cây màu (đạt 58% so với kế hoạch vụ); 19.663 ha/19.663 ha diện tích cung cấp cho cây thanh long, cây ăn quả (đạt 100% so với kế hoạch). Diện tích cung cấp cho nuôi trồng thủy sản: 411 ha/411 ha (đạt 100% so với kế hoạch).

2. Chăn nuôi

Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn giá súc, gia cầm được kiểm soát tốt; tuy nhiên vẫn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn thấp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao; đàn bò ổn định và có xu hướng tăng; chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển khá. So với cùng kỳ năm trước toàn tỉnh có 8,35 ngàn con trâu, giảm 1,8%; có 183,95 ngàn con bò, tăng 2,6%; có 387 ngàn con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 8,9%; có 6.810,5 ngàn con gia cầm, tăng 4,2% (trong đó đàn gà 5.310,5 ngàn con, tăng 3,9%). Với số lượng đàn gia súc, gia cầm dự ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng đủ cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và xuất bán sang các tỉnh.

 

 

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như: cúm gia cầm; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; lở mồm long móng; bệnh heo tai xanh. Một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch. Công tác tiêm phòng vắc xin 1.422,1 ngàn liều (trong đó trâu bò 23,3 ngàn liều; lợn 64,1 ngàn liều; gia cầm 1.332,1 ngàn liều). Đã kiểm dịch 114 ngàn con lợn, 1 ngàn con trâu bò, 45 ngàn con gia cầm, 185,5 tấn thịt các loại, 33,8 tấn thịt sơ chế và 4,2 triệu quả trứng gia cầm. Kiểm soát giết mổ 268 con trâu bò, 4,1 ngàn con lợn, 1 ngàn con gia cầm và 100 con dê.

3. Sản xuất lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong tháng hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng chưa được triển khai. Các đơn vị, hộ chủ yếu tập trung chăm sóc rừng, chuẩn bị mặt bằng, ươm cây giống.

- Công tác phòng, chống cháy rừng: Ngành nông nghiệp tích cực triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024, tập trung theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Trong tháng đã xảy ra 01 vụ cháy 2,4 ha rừng trồng tại huyện Hàm Thuận Nam.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Việc ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh trong công tác quản lý bảo vệ rừng luôn được thực hiện thường xuyên. Trong tháng, lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng toàn tỉnh đã phát hiện và xác lập hồ sơ 24 vụ vi phạm luật lâm nghiệp (cụ thể các hành vi: phá rừng: 02 vụ/0,2 ha; khai thác rừng trái pháp luật 09 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 04 vụ; tàng trữ mua bán trái pháp luật 05 vụ; vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng 01 vụ; vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản 03 vụ). Đã xử lý hành chính 18 vụ; số lâm sản tịch thu 17m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách 10,2 tỷ đồng.

4. Thuỷ sản        

- Nuôi trồng thủy sản: Trong tháng, tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, thời tiết thuận lợi cho hộ nuôi trồng thủy sản, không có dịch bệnh xảy ra. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tháng đạt 213,2 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá ước đạt 153 ha, tăng 2%; diện tích nuôi tôm đạt 52 ha, tăng 2%, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng). Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 634 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá các loại ước đạt 348 tấn, tăng 2,4%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 275 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước).

- Sản lượng khai thác: Khai thác biển ổn định, hoạt động đánh bắt đều trên các tuyến. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 18.211 tấn tăng 2,3% so cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 18.160 tấn, tăng 2,3%).

- Sản xuất giống thuỷ sản: Tình hình thời tiết thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nên sản xuất tôm giống sản xuất ổn định trong tháng đầu năm. Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống. Ước tháng 01/2024 sản xuất 1,72 tỷ con, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất tiếp tục ổn định, duy trì; công tác kiểm tra điều kiện và cấp mới giấy chứng nhận cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống thực hiện thường xuyên.

 

 

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Trên biển, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tại cảng cá lực lượng của Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng của các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá. Kết quả từ ngày 01-12/01/2024 không có tàu cá trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; phát hiện 02 vụ việc vi phạm nguồn lợi thủy sản với tổng số tiền phạt 20 triệu đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác đăng kiểm theo kế hoạch; trang bị an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển.

II. Công nghiệp; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Trong tháng 01/2024, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tăng cường sản xuất nhằm phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá (một phần do cùng kỳ năm trước là dịp Tết, nên số ngày hoạt động ít hơn). Ngành sản xuất và phân phối điện hoạt động ổn định và tăng cao do tháng cùng kỳ sản xuất thấp góp phần lớn cho tăng trưởng toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01/2024 ước tăng 1,96% so với tháng trước và tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 24,2%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%.

 

 

Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010), dự ước tháng 01/2024 đạt 3.403,3 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp khai khoáng 64,9 tỷ đồng, giảm 24,1%; công nghiệp chế biến chế tạo 1.395,3 tỷ đồng, tăng 11,8%; sản xuất và phân phối điện 1.919,4 tỷ đồng, tăng 20,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 23,8 tỷ đồng, tăng 2,8%.

* Một số sản phẩm chủ yếu

Các sản phẩm sản xuất tháng 01/2024 tăng so với cùng kỳ gồm: Thủy sản đông lạnh tăng 62,5%; thủy sản khô tăng 29,1%; nước mắm tăng 29,0%; nhân hạt điều tăng 1,7%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) tăng 64,4%; quần áo may sẵn tăng 40,4%; gạch các loại tăng 25,8%; nước máy sản xuất tăng 0,3%; điện sản xuất tăng 21,8%; sơ chế mủ cao su tăng 20,5%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 60,5%; giày, dép các loại tăng 54,4%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 25,1%; đá khai thác giảm 25,2%; muối hạt giảm 41,7%; thức ăn gia súc giảm 39,8%.

* Chỉ số sử dụng lao động: Ước tháng 01/2024 tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,4%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,64%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,3%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%. Theo loại hình doanh nghiệp, chỉ số sử dụng lao động của khối doanh nghiệp nhà nước giảm 4,5% so với cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 4,46%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,2%.

* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN): Đến nay, các KCN thu hút được 88 dự án đầu tư, trong đó có 26 dự án nước ngoài và 62 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.910,2 tỷ đồng và 230,8 triệu USD, diện tích 290,1 ha; trong 88 dự án đầu tư có 66 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 44 dự án có vốn trong nước và 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài). Có 27 cụm công nghiệp được thành lập, đã thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,3 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm, giải quyết việc làm cho khoảng 9.000 lao động tại địa phương; trong 27 cụm công nghiệp có 15 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng đáng kể như: Cụm công nghiệp Đông Hà: gồm: (1) Dự án FDI Hàn Quốc đầu tư sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ khác cho xe ô tô và xe có động cơ khác với công suất 1.200 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 25,5 tỷ đồng, diện tích 0,5 ha; (2) Dự án đầu tư nhà máy sản xuất nội thất, công suất 108.000 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 27 tỷ đồng, diện tích 1,0 ha. Dự án Nhà máy sản xuất giày dép các loại của Công ty TNHH Giày Nam Hà Việt Nam vốn đăng ký là 1.345,6 tỷ đồng, đã khánh thành đi vào hoạt động ngày 20 tháng 12 năm 2023.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 01/2024 đạt 176,8 tỷ đồng, đạt 3,5% so với kế hoạch năm, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân đầu năm nay một số dự án được chủ động phân bổ vốn kịp thời và tháng 01 năm nay không nằm trong tháng nghỉ Tết Nguyên đán (cùng kỳ tháng 01 là tháng Tết) nên khối lượng thi công đạt khá, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 156,1 tỷ đồng, đạt 3,5% kế hoạch năm, tăng 8,1% so với tháng cùng kỳ, chiếm 88,3% trong tổng số vốn nhà nước trên địa bàn; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 19,1 tỷ đồng, đạt 3,7% kế hoạch năm, tăng 3,2% so với tháng cùng kỳ, chiếm 10,8% trong tổng số vốn nhà nước trên địa bàn; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1,6 tỷ đồng, đạt 2,7% kế hoạch năm, tăng 1,9% so với tháng cùng kỳ, chiếm 0,9% trong tổng số vốn Nhà nước trên địa bàn.

 

 

 

3. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng 01 (từ ngày 15/12/2023 - 14/01/2024), có 94 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 31 đơn vị trực thuộc), giảm 42,0% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 476,1 tỷ đồng, giảm 60,4%; số doanh nghiệp đã giải thể 138 doanh nghiệp (trong đó có 124 đơn vị trực thuộc), giảm 3,5%; tạm ngừng hoạt động 294 doanh nghiệp (trong đó có 53 đơn vị trực thuộc), tăng 29,5%; quay trở lại hoạt động 108 doanh nghiệp (trong đó có 22 đơn vị trực thuộc), tăng 14,9%; đăng ký thay đổi loại hình 186 doanh nghiệp (trong đó 43 đơn vị trực thuộc), tăng 33,8%.

Đã xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 01 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận và doanh nghiệp có báo cáo giải trình, cảnh báo 02 doanh nghiệp. Xử lý giải thể 138 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

4. Đăng ký đầu tư

Trong tháng 01/2024 trên địa bàn tỉnh có 02 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 61 tỷ đồng; 01 dự án chấm dứt hoạt động; không có dự án điều chỉnh, khởi công và đi vào hoạt động kinh doanh. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1.Thương mại, giá cả

Tình hình thị trường trong tháng 01/2024 lượng hàng hoá lưu thông đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng. Sức mua của người dân tăng, tập trung vào một số mặt hàng chủ yếu như lương thực thực phẩm, quần áo, giầy dép và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhu cầu ngày Tết. Để phục vụ kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn, các cửa hàng tạp hóa đến các kios chợ Phan Thiết, Siêu thị Co.op Mart, Lotte mart, Vinmart, Bách hoá xanh…đã bày bán đủ các loại mặt hàng với nhiều mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng để người mua có thể lựa chọn. Công tác kích cầu tiêu dùng được tăng cường thực hiện, các siêu thị giảm giá nhiều mặt hàng như các mặt hàng thực phẩm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng..., các cửa hàng điện máy, trung tâm mua sắm tăng cường khuyến mãi. Các ngành dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, cơ sở lưu trú và dịch vụ khác tiếp tục hoạt động và chuẩn bị phục vụ cho người dân địa phương và du khách trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

 

 

Dự ước doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tháng 01/2024 đạt 8.471,9 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 5.782,5 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước (nhóm lương thực, thực phẩm dự ước đạt 2.889,8 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng may mặc dự ước đạt 242,6 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình dự ước 488,2 tỷ đồng tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và nhóm hàng hoá khác dự ước đạt 280,3 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 01/2024 ước đạt 2.689,4 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động dịch vụ tổ chức sự kiện, dịch vụ cá nhân và gia đình, dịch vụ spa, làm đẹp… hoạt động ổn định phục vụ cho người dân địa phương và du khách.

* Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và nhằm bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tỉnh đã ban hành Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (kế hoạch số 5024/KH-UBND ngày 21/12/2023). Ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố định, các đơn vị tổ chức thêm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình ổn định, thấp hơn từ 05-10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm của sản phẩm có cùng quy cách, chất lượng. Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 khoảng 391,2 tỷ đồng với nhiều mặt hàng bình ổn tại các đơn vị. Bao gồm: Chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận: 253,9 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Thiết: 51,4 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart La Gi: 31,5 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa: 13 tỷ đồng; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận: 30 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ: 01 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan: 10 tỷ đồng; Trung tâm Dịch vụ miền núi: trên 400 triệu đồng.

Mặt hàng bán bình ổn gồm: Gạo tẻ, gạo nếp: 7,8 tỷ đồng; sản phẩm ăn liền (mì gói, phở gói, cháo gói,…): 31,2 tỷ đồng; đường ăn các loại: 4,7 tỷ đồng; dầu ăn: 8,8 tỷ đồng; thịt gia súc, gia cầm: 24,02 tỷ đồng; sữa hộp các loại: 16,8 tỷ đồng; rau củ quả: 6,6 tỷ đồng; thực phẩm chế biến: 63,3 tỷ đồng; bánh, mứt, kẹo… gói quà chưng Tết: 139,2 tỷ đồng; nước mắm, nước tương: 7,8 tỷ đồng; bột ngọt, hạt nêm: 9,9 tỷ đồng; bia, nước ngọt, nước giải khát, nước uống đóng chai: 66,4 tỷ đồng và một số mặt hàng khác như: Trứng gia cầm, gia vị, muối ăn,... khoảng 05 tỷ đồng.

 

 

 

Tháng 01/2024 là tháng cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, đi lại của người dân đều tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ giao thông công cộng tăng nhẹ; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp cận Tết; giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá thị trường thế giới, đây là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2024 tăng 0,52% so với tháng trước, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,9%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,9%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,6%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,5%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,5%; Giao thông tăng 0,4%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,2%; Bưu chính viễn thông tăng 0,1%; Giáo dục tăng 0,1%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%

* Công tác quản lý thị trường

Tình hình lưu thông, giá cả thị trường thị trường diễn ra bình thường, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng mạnh, chủ yếu vẫn là hàng hóa trong nước sản xuất, có mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh trong dịp cuối năm 2023 và dịp trước Tết Nguyên đán. Hầu hết giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ngày Tết không tăng, thị trường không có hiện tượng đầu cơ, gìm hàng để nâng giá trục lợi đối với mặt hàng hàng thiết yếu. Trong tháng 01/2024, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 27 vụ, phát hiện 16 vụ vi phạm (trong đó: 09 vụ đã xử lý, 17 vụ đang xử lý); tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách nhà nước 121 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 261,2 triệu đồng.

2. Hoạt động du lịch

Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã tích cực chuẩn bị chu đáo để phục vụ du khách. Các chương trình mừng Tết Dương lịch, phục vụ du khách, nhất là khách nước ngoài trong dịp Tết năm nay được các cơ sở lưu trú tích cực duy trì tổ chức đã tạo được sự phong phú, hấp dẫn, sinh động. Nhìn chung, tình hình hoạt động du lịch trong tháng 01 diễn ra ổn định; đáng chú ý lượng khách nước ngoài tăng mạnh so với tháng trước. Hoạt động lữ hành đã có kế hoạch các tour du lịch phục vụ cho du khách trong đầu năm mới. Các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động tăng so với tháng trước; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống luôn mở cửa phục vụ cho người dân địa phương và du khách, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá bán, tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý.

Lượng khách du lịch tháng 01/2024 ước đạt 568,7 ngàn lượt khách, tăng 1,4% so tháng trước và giảm 16,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 1.114,5 ngàn ngày khách, tăng 1,52% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch trong tháng tuy có tăng hơn so với tháng trước nhưng giảm nhiều so với cùng kỳ chủ yếu là do Tết dương lịch và Tết âm lịch của năm trước đều rơi vào tháng 01 nên lượng khách du lịch tăng.

Lượng khách quốc tế trong tháng có sự tăng trưởng trở lại, lượng du khách Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượt khách quốc tế đến du lịch tại địa phương. Dự ước khách quốc tế tháng 01/2024 đạt 42,5 ngàn lượt khách, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ dự ước đạt 170,1 ngàn ngày khách, tăng 1,79% so với tháng trước và tăng gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 01/2024 ước đạt 364,4 tỷ đồng, tăng 1,2% với tháng trước và giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.255,9 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 01/2024 ước đạt 1.626,7 tỷ đồng tăng 0,4% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất nhập khẩu

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 01/2024 ước đạt 71,5 triệu USD, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 18,0 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng trước, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 0,8 triệu USD, tăng 1,7% so với tháng trước và giảm 12,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 52,7 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 90,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu trực tiếp tháng 01/2024 ước đạt gần 70,2 triệu USD, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản (mặt hàng thủy sản, hàng dệt may), Đài Loan (mặt hàng bộ quần áo, mực tươi), Hàn Quốc (mặt hàng mực khô, mực tươi, cá tươi), Italia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Mỹ (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy, hàng thủy sản), Canada (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy). Giày dép và hàng dệt may là 2 mặt hàng góp phần tăng cao nhóm hàng hóa khác trong tháng này (có năng lực tăng thêm Công ty giày Nam Hà).

- Kim ngạch nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 137,3 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 88,3% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản…

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải tháng 01/2024 trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp, các đơn vị hoạt động trong ngành vận tải xây dựng kế hoạch nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Hoạt động vận chuyển hàng hóa dự ước tăng cao so cùng kỳ vì tháng cuối năm Âm lịch nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhiều để phục vụ cho sản xuất và dự trữ hàng phục vụ Tết Giáp Thìn, không để xảy ra tình trạng thiếu và khan hiếm hàng hóa.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 01/2024 đạt 1.033,8 nghìn Hk, tăng 5,0% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 122.321,4 nghìn Hk.km, tăng 5,6% so với tháng trước và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.018,0 nghìn Hk, tăng 4,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách đường thủy đạt 15,8 nghìn Hk, tăng 7,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 120.850,0 nghìn Hk.km, tăng 5,5% so với tháng trước và giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1.471,4 nghìn Hk.Km, tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa:

+ Ước tháng 01/2024 đạt 607,9 nghìn tấn, tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 55.492,1 nghìn tấn.Km, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 606,5 nghìn tấn, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 23m5% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 55.333,5 nghìn tấn.Km, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 158,6 nghìn tấn.Km, tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 21,3% so cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi tháng 01/2024 ước đạt 265,6 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 20,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 103,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 132,0 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 32,4%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 29,0 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 2,1 lần; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 0,6 tỷ đồng, tăng 9,0% so với tháng trước và tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

 

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân tháng 01/2024 ước đạt 125 ngàn tấn. Trong đó: xuất cảng 75 ngàn tấn (muối xá, tro bay, quặng ilmenite, xỉ than, cát…); nhập cảng 50 ngàn tấn (muối xá, xi măng túi, cao lanh, bột đá, thiết bị máy móc).

IV. Thu ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 01/2024 đạt 700 tỷ đồng, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt 650 tỷ đồng, giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng thu ngân sách: Thu thuế, phí 597,5 tỷ đồng, giảm 33,1%; thu tiền nhà, đất 52,5 tỷ đồng, tăng 88,5% (trong đó thu tiền sử dụng đất 48 tỷ đồng, tăng 2,1 lần); thu thuế xuất nhập khẩu 50 tỷ đồng, giảm 44,2% so cùng kỳ năm trước.

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu tháng 01/2024 ước đạt 237,0 tỷ đồng, đạt 6,9% dự toán năm, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Phan Thiết 100,0 tỷ đồng (đạt 7,3% dự toán, giảm 19,8%); La Gi 16,0 tỷ đồng (đạt 8,4% dự toán, giảm 4,2%); Tuy Phong 20,0 tỷ đồng (đạt 5,9% dự toán, giảm 11,2%); Bắc Bình 25,0 tỷ đồng (đạt 6,3% dự toán, giảm 7,9%); Hàm Thuận Bắc 20,0 tỷ đồng (đạt 5,4% dự toán, giảm 13,0%); Hàm Thuận Nam 15,0 tỷ đồng (đạt 4,9% dự toán, tăng 13,0%); Tánh Linh 9,0 tỷ đồng (đạt 8,7% dự toán, tăng 14,0%); Đức Linh 10,0 tỷ đồng (đạt 7,9% dự toán, giảm 6,9%); Hàm Tân 20,0 tỷ đồng (đạt 10,5% dự toán, giảm 30,7%) và Phú Quý thu 2,0 tỷ đồng (đạt 8,7% dự toán, giảm 13,6%).

 

 

 

2. Hoạt động tín dụng

Đến 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 87.850 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%). Trong đó dư nợ cho vay bằng VND đạt 86.374 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 54.745 tỷ đồng, chiếm 62,3% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 2,9% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7- 9%/năm chiếm 27,4% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 48,5% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 17,4% tổng dư nợ. Ước đến 31/01/2024, tổng dư nợ đạt 88.728,5 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2023.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 2,7-4,2%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 4,0-5,4%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,6-5,3%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 5%/năm), các lĩnh vực khác từ 8,5-13%/năm.

Vốn huy động ước đến 31/12/2023 đạt 57.976 tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,8%). Ước đến 31/01/2024, nguồn vốn huy động đạt 58.556 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối năm 2023. Đến 31/12/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 1.967 tỷ đồng, chiếm 2,2% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,1% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 49.613,3 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 264 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 678 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.529,5 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Tổng số tiền cho vay từ đầu chương trình là 1.075,49 tỷ/120 tàu. Doanh số thu nợ từ đầu chương trình là 182,37 tỷ. Dư nợ (nội bảng) là 61,1 tỷ đồng/22 tàu (trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 12,74 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 47,63 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 0,7 tỷ đồng). Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 15,1 tỷ đồng/16 tàu, nợ ngoại bảng là 832 tỷ đồng/87 tàu, số tàu đã trả hết nợ là 11 tàu.

Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 4.669,1 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 214 tỷ đồng cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 1.064 tỷ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 723,6 tỷ; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 246 tỷ.

Về Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP (giá trị 120 nghìn tỷ đồng) và Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (khoảng 15 nghìn tỷ đồng): đối với gói cho vay 120.000 tỷ đồng, đã triển khai thực hiện nhưng trên địa bàn chưa có phát sinh số liệu cho vay; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản: chương trình tín dụng này mới được triển khai và hướng dẫn thực hiện nên đến nay chưa có dư nợ phát sinh.

Đến 31/12/2023, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.784 tỷ đồng/50 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (trong đó: gốc 1.670 tỷ đồng, lãi 114 tỷ đồng); lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.870 tỷ đồng/63 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (trong đó gốc 1.739 tỷ đồng, lãi 130 tỷ đồng).

Doanh số mua bán ngoại tệ trong năm 2023 đạt 480 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 160 triệu USD. Đến 31/12/2023, trên địa bàn có 207 máy ATM, tăng 11 máy so với đầu năm và 1.848 máy POS, tăng 189 máy so với đầu năm. Các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn khoảng trên 92% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 67%.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

1.1 Hoạt động văn hóa:

* Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Đẩy mạnh tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm, các hoạt động đón chào năm mới 2024; tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo; tuyên truyền việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và công tác đảm bảo an toàn giao thông; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa kém chất lượng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…

* Hoạt động văn nghệ: Phối hợp thực hiện chương trình nghệ thuật Countdown “Chào năm mới 2024”; triển lãm ảnh “Bình Thuận - Điểm đến xanh” phục vụ Lễ Tổng kết (80 ảnh); “Việt Nam qua ống kính nhiếp ảnh gia Quốc tế” phục vụ Lễ Bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 (150 ảnh). Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn phục vụ chính trị 06 suất, biểu diễn âm nhạc đường phố 04 suất và Chương trình Chào năm mới 2024; Chương trình đón tiếp đoàn Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ; Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận năm 2023; kỷ niệm 20 năm thành lập xã Tân Đức, huyện Hàm Tân.

* Hoạt động Thư viện: Trong tháng 01/2024 đã cấp mới 135 thẻ (thiếu nhi 13 thẻ), 259.164 lượt bạn đọc (tại thư viện 2.250 lượt (thiếu nhi 368 lượt), truy cập website 246.148 lượt, qua youtube 3.000 lượt, khai thác sách trực tuyến 695 lượt, truy cập Fanpage 4.227 lượt, phục vụ xe lưu động 2.844 lượt), luân chuyển 17.505 lượt sách, tài liệu (thư viện 2.105 lượt (thiếu nhi 112 lượt), phục vụ xe lưu động 15.400 lượt). Sưu tầm 105 tin, bài thông tin tư liệu Bình Thuận; biên soạn 01 tập thông tin chuyên đề, 01 tập thông tin tư liệu Bình Thuận; giới thiệu 26 bản sách mới trên website, 161 tài liệu tuyên truyền, 01 tập video sách nói; bổ sung 214 bản sách; tiếp nhận 150 bản sách tài trợ, biếu tặng; thu hồi 989 bản sách; số hóa 30.171 trang/90 tài liệu; đóng 10 tập báo, tạp chí

* Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng 01/2024 đã đón 21.823 lượt khách đến tham quan (trong đó có 841 lượt khách quốc tế), phục vụ 06 lễ dâng hương viếng Bác, lễ báo công, kết nạp đảng, kết nạp đoàn, chiếu phim, sinh hoạt chuyên đề. Phục vụ lễ viếng của đoàn lãnh đạo tỉnh, thành phố Phan Thiết và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đến dâng hương viếng Bác nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023). Sưu tầm, tiếp nhận 04 hiện vật; tổ chức trưng bày các ảnh chuyên đề về di tích, lễ hội, di sản văn hóa Chăm, du lịch, thắng cảnh và con người Bình Thuận; biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm tại Di tích Tháp Pô Sah Inư phục vụ du khách nhân dịp tết Dương lịch. Phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh phục vụ biên soạn, xuất bản ấn phẩm về quá trình phát hiện các di tích Tiền sử tại Bình Thuận; phối hợp tổ chức Lễ trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích lịch sử - văn hóa Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn”

1.2. Hoạt động thể thao:

* Thể dục thể thao quần chúng: Trong tháng 01/2024 đang chuẩn bị các công tác tổ chức Hội thi Leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận mở rộng lần thứ XXVI năm 2024.

* Thể thao thành tích cao: Đội tuyển Điền kinh tham dự Giải vô địch Việt dã leo núi Bà Rá năm 2024 tại tỉnh Bình Phước đạt 02 huy chương vàng, 01 huy chương đồng.

2. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng 01/2024 đã tuyển chọn đội tuyển tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024; tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cho Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ XVI và triển khai Điều lệ Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp tỉnh năm học 2023-2024. Triển khai bộ tài liệu ôn tập tiếng Anh lớp 6 do nhóm tác giả tỉnh Bình Thuận thực hiện; tổ chức tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên dạy học các môn tích hợp; tổ chức các Hội nghị chuyên đề môn Khoa học tự nhiên cấp THCS; Tin học cấp THPT; Giáo dục thể chất cấp THCS, THPT; GDCD cấp THCS; Lịch sử và Địa lí cấp THCS; môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp THPT; môn Công nghệ cấp THCS.

Đã tổ chức tốt Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2023 - 2024 tại tỉnh Bình Thuận, vào các ngày 05, 06/01/2024 theo đúng quy định.

3. Y tế

Công tác khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tiếp tục thực hiện việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,... Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

Trong tháng 01/2024, toàn tỉnh có 108 ca mắc sốt xuất huyết, 01 ca sốt huyết nặng, không có ca tử vong do sốt xuất huyết Dengue; bệnh tay chân miệng có 29 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong; bệnh sốt rét không ghi nhận ca mắc, không có trường hợp mắc sốt rét ác tính và trường hợp tử vong; bệnh dại trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại.

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; bệnh đau mắt đỏ; tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Tình hình dịch cúm A (H5N1), bạch hầu, Ebola, Zika, dịch tả... không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác phòng chống phong tháng 01/2024, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh phong mới và có 352 số bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh. Công tác phòng chống lao ghi nhận 717 lượt khám; có 600 bệnh nhân lao thu dung điều trị; 129 bệnh nhân lao AFB(+) phát hiện mới.

Công tác phòng chống HIV/AIDS: ghi nhận 07 ca nhiễm HIV mới; có 03 ca chuyển AIDS mới và không có ca tử vong do AIDS mới. Lũy kế từ trước đến nay ghi nhận 1.792 ca nhiễm HIV; 1.116 ca nhiễm HIV chuyển AIDS; 549 ca tử vong do AIDS.

Công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: trong tháng 01/2024 không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, còn hoạt động tuyên truyền các thông điệp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024.

Công tác khám chữa bệnh: trong tháng 01/2024, đã khám bệnh, chữa bệnh 72.770 lượt, 10.338 bệnh nhân điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 89,8%.

4. Thông tin, truyền thông

Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, thể hiện đầy đủ diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tuyên truyền về cung cấp chữ ký số cá nhân cho công dân; tuyên truyền các hoạt động du kinh doanh - thương mại - lịch vụ cuối năm và đầu năm mới,...

Đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, chất lượng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; triển khai các giải pháp khắc phục vùng lõm sóng, không có sóng trên tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.

5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội

Trong tháng 01/2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 2.104 lao động, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; cho vay vốn giải quyết việc làm cho 250 lao động. Đã tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 150 người, bằng 27,73% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác chính sách người có công: Phân bổ 300 phần quà Tết Giáp Thìn của UBND tỉnh cho các huyện, thị xã, thành phố; hướng dẫn việc chi quà Tết của Chủ tịch nước. Nghiệm thu bàn giao 16 căn nhà xây dựng cho người có công thuộc Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh năm 2023.

Công tác quản lý người nghiện: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.110 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trong đó: quản lý, giáo dục, lao động trị liệu và chăm sóc sức khỏe tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 384/1 nữ; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 563 người; 1.064 đang được các ban, ngành, đoàn thể ở nơi cư trú quản lý giáo dục; quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 98 người, Trường giáo dưỡng: 01 người ). Có 111/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng trái phép chất ma tuý, chiếm 89,52% số xã, phường, thị trấn.

Công tác dân tộc: đã cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư - hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất lúa nước vụ đông xuân; tiếp tục thu mua, tiêu thụ nông sản do đồng bào sản xuất bảo đảm giá có lợi nhất (thu mua được gần 500 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 03 tỷ đồng); thu mua được trên 03 tấn mủ cao su trị giá trên 20 triệu đồng.

6. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng.

Năm 2023, toàn tỉnh có 100.767 người tham gia BHXH bắt buộc; có 92.285 người tham gia BHTN; số người tham gia BHXH tự nguyện 15.806 người; số người tham gia BHYT 1.141.761 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.405 người); tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,28% dân số (bao gồm người dân làm việc, học tập ngoài tỉnh).

Tính đến 31/12/2023, đã có 26.258 người thuộc hộ nghèo và 53.018 người thuộc hộ cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT, đạt tỷ lệ 100%; có 249.689/249.815 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 99,9%, trong đó: 213.347 em tham gia tại trường học, 36.342 em tham gia theo nhóm khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo, ...); có 23.236 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, còn 10.617 người chưa tham gia; dân tộc thiểu số tham gia BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP có 7.704/7.704 người, trong đó: 6.697 người tham gia BHYT theo diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, 1.007 người tham gia theo diện khác.

Đã xét duyệt, giải quyết cho 68.572 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hưởng các chế độ BHXH dài hạn 900 lượt người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 14.850 người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 41.594 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 11.228 người.

Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tính đến hết tháng 12/2023 là 18.280 người (tăng 5,3%). Tính đến ngày 31/12/2023, tổng số thu 2.994,8 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 134,7 tỷ đồng, số tiền chậm đóng phải tính lãi 84,1 tỷ đồng; số tiền chậm đóng phải thu tăng 16,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tăng 13,6%).

7. Tai nạn giao thông (từ 15/12/2023 - 14/01/2024)

Số vụ tai nạn giao thông 55 vụ (trong đó có 01 vụ đường sắt), so với tháng trước giảm 05 vụ và so với cùng kỳ năm trước tăng 41 vụ.

Số người bị thương 50 người, giảm 04 người so với tháng trước và tăng 41 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người chết 19 người (trong đó đường sắt 01 người), bằng so với tháng trước và tăng 09 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng; 21 vụ nghiêm trọng, 04 vụ ít nghiêm trọng và 30 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

Chia theo các huyện, thị xã, thành phố: Phan Thiết xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, 13 người bị thương, 01 người chết; La Gi xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, không có người bị thương, 01 người chết; Tuy Phong xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 03 người bị thương, 04 người chết; Bắc Bình xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, 02 người bị thương, 03 người chết; Hàm Thuận Bắc xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 02 người bị thương, 04 người chết; Hàm Thuận Nam xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 06 người bị thương, 01 người chết; Tánh Linh xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, 07 người bị thương, 02 người chết; Đức Linh xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, 07 người bị thương, không có người chết; Hàm Tân xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, 07 người bị thương, 03 người chết; Phú Quý xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông, 03 người bị thương và không có người chết.

8. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

Trong tháng 01/2024, không xảy ra vụ thiên tai; xảy ra 05 vụ cháy (tăng 02 vụ so với tháng trước và tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm trước), không có người bị thương, ước thiệt hại 24,6 triệu đồng, không xảy ra nổ; phát hiện 01 vụ vi phạm môi trường, giảm 05 vụ so với tháng trước và giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 25,0 triệu đồng.

CTK Bình Thuận

 

 

 

Kèm file: So lieu KTXH thang 01 nam 2024.pdf

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/