Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tỉnh Bình Thuận
Năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2022; tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào hoạt động, cùng với việc Bình Thuận tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” tạo hiệu ứng tích cực quảng bá du lịch, thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên cũng có những khó khăn, thách thức, đặc biệt còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ tình hình lạm phát trong nước cũng như thế giới tăng, dẫn đến sức mua của các nước trên thế giới giảm, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các đơn vị sản xuất trong tỉnh.
I. Tăng trưởng kinh tế
Dự ước tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022; trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,55% (trong đó công nghiệp tăng 5,81%); khu vực dịch vụ tăng 14,37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,22%.
Tốc độ tăng GRDP của vùng Bắc Trung bộ
và Duyên hải Miền trung năm 2023 (%)
Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 26,2% (năm 2022 chiếm 27,12%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,53% (năm 2022 chiếm 34,75%); khu vực dịch vụ chiếm 34,62% (năm 2022 chiếm 32,10%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,65% (năm 2022 chiếm 6,03%).
Cơ cấu kinh tế trong GRDP (ĐVT: %)
Năng suất lao động xã hội tiếp tục có sự cải thiện, dự ước năm 2023 đạt 160,01 triệu đồng/lao động. GRDP bình quân đầu người ước đạt 86,66 triệu đồng/người/năm, tăng 12,53% so với năm 2022; tương đương 3.703,44 USD, tăng 12,05% so với năm 2022.
II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 duy trì mức tăng trưởng ổn định; dự ước GRDP ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,31%() (trong đó: nông nghiệp tăng 3,87%, đóng góp 2,6 điểm phần trăm; lâm nghiệp tăng 3,04%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 2,04%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản). Tình hình thời tiết năm 2023 thuận lợi, nguồn nước tưới các công trình hồ chứa, đập thủy lợi đảm bảo cho hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tình hình sản xuất có những chuyển biến tích cực, trồng trọt giữ ổn định, chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng, thủy sản khai thác ổn định. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn khó khăn do biến đổi khí hậu, thị trường, giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn ít; chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp còn thấp;...
1. Trồng trọt
- Cây hàng năm: diện tích gieo trồng sơ bộ năm 2023 đạt 200.454 ha, tăng 1,4% so với năm 2022 (tăng 2.830,9 ha). Cây lương thực có hạt diện tích sơ bộ đạt 138.474 ha, tăng 2,5% (tăng 3.344,6 ha) so với năm 2022, trong đó: cây lúa diện tích sơ bộ đạt 123.299,8 ha, tăng 2,4% (tăng 2.834,5 ha); năng suất bình quân đạt 60,3 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha; sản lượng đạt 744.048,3 tấn, tăng 1,1%.
Đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa chất lượng cao, gắn với chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc vùng trồng lúa chất lượng cao đạt 7.286 ha; duy trì ổn định 50 ha rau an toàn ven đô thị. Năm 2023 toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 4.108 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn. Toàn tỉnh có 7.286 ha lúa chất lượng cao().
- Cây lâu năm: năm 2023 thời tiết thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển các loại cây lâu năm. Các địa phương trong tỉnh tập trung phát triển và chăm sóc, đồng thời chuyển diện tích một số cây kém hiệu quả sang trồng mới các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng địa phương. Từ cuối năm 2022 đến nay, giá bán và thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các loại cây lâu năm chủ lực của tỉnh có nhiều khả quan. Tổng diện tích cây lâu năm sơ bộ đạt 108.346,1 ha, tăng 0,3% so với năm 2022 (tăng 296,5 ha), trong đó diện tích cây công nghiệp lâu năm 67.042,8 ha, giảm 1% (giảm 699,6 ha); cây ăn quả lâu năm đạt 40.680,0 ha, tăng 2,7% (tăng 1.057,3 ha); các loại cây lâu năm còn lại 623,3 ha, giảm 8,9 % (giảm 61,2 ha):
+ Thanh long diện tích đạt 26.498,5 ha, giảm 4,6% (giảm 1.289,2 ha) so với năm 2022; năng suất đạt 216 tạ/ha, tăng 0,5% (tăng 1 tạ/ha); sản lượng đạt 570.560 tấn, giảm 3,9% (giảm 23.445,2 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 15/12/2023, toàn tỉnh có 7.344,9 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap;
+ Cao su diện tích đạt 45.278,8 ha, tăng 0,6% (tăng 274,8 ha) so với năm 2022; năng suất đạt 15,6 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 67.950 tấn, tăng 5,2% (tăng 3.372,3 tấn);
+ Cây điều diện tích đạt 17.588,6 ha, giảm 4% (giảm 740,4 ha) so với năm 2022; năng suất đạt 7,6 tạ/ha (tăng 0,1 tạ/ha); sản lượng đạt 12.900 tấn, giảm 3,9% (giảm 521,8 tấn);
+ Cây tiêu diện tích đạt 871,1 ha, giảm 15,3% (giảm 157,1 ha) so với năm 2022; sản lượng đạt 1.230 tấn giảm 15,5% so với cùng kỳ (giảm 225,9 tấn);
+ Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể,...
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn giá súc, gia cầm được kiểm soát tốt; tuy nhiên vẫn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi những tháng đầu năm cao (từ tháng 8 trở đi có phần hạ nhiệt nhưng vẫn chưa ở mức có lợi cho người chăn nuôi); đàn bò ổn định và có xu hướng tăng; chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển khá. Ước đến cuối năm 2023, so với cùng kỳ năm trước đàn trâu có 8.400 con, giảm 1,5%; đàn bò có 184.000 con, tăng 2.6%; đàn lợn có 379.500 con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 8,8%; đà gia cầm có 6.810 ngàn con gia cầm, tăng 4,5%.
Số lượng đàn gia súc, gia cầm qua các năm
(ĐVT: 1000 con)
3. Lâm nghiệp
Tập trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những khu vực nhạy cảm về môi trường; triển khai phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở; bảo tồn, phát triển những khu vực có rừng, cây tái sinh ven sông, ven biển. Diện tích rừng trồng mới tập trung năm 2023 đạt 4.057 ha, tăng 1,5% so với năm 2022. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng 43%. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ năm 2023 sơ bộ 134.000 ha, tăng 9,2% so với năm 2022.
4. Thuỷ sản
Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt 11.528,3 tấn, giảm 8,5% so với năm 2022. Khai thác thủy sản biển trong năm tương đối thuận lợi; phát triển khai thác thủy sản vùng khơi hiệu quả, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; sản lượng khai thác năm 2023 ước đạt 235.277,9 tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, trong đó sản lượng khai thác biển đạt 234.661,5 tấn, tăng 1,7%. Năm 2023 sản lượng tôm giống của tỉnh ước đạt 24,8 tỷ post, giảm 2,1% so với năm 2022; giảm do ảnh hưởng giá tôm thịt trên thế giới và thị trường trong nước trong năm giảm, mức tiêu thụ và xuất khẩu giảm.
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, đến nay đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá đang hoạt động, phát huy hiệu quả hệ thống giám sát hành trình, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, thực hiện giám sát tàu cá ra/vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản và thực thi pháp luật về khai thác IUU theo đúng quy định.
Sản lượng thủy sản và nuôi trồng thủy sản các năm
5. Xây dựng nông thôn
Tập trung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 74/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 79,57%, trong đó có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh).
III. Công nghiệp - xây dựng; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư
1. Công nghiệp
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2023, với tác động của xung đột giữa Nga - Ucraina kéo dài; xung đột giữa Israel - Hamas ảnh hưởng đến ngành chế biến, chế tạo giảm. Ngành khai khoáng giảm sâu do nhu cầu khai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng tuyến đường cao tốc đã hoàn thành. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với mức tăng trưởng khá là động lực chính cho sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cả năm 2023 ước tăng 3,11% so với năm 2022, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 17,04%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7,29%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 8,03%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,56%.
- Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010), dự ước năm 2023 đạt 40.610,9 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2022, trong đó: công nghiệp khai khoáng 2.933,1 tỷ đồng, giảm 6,53%; công nghiệp chế biến chế tạo 20.598,3 tỷ đồng, giảm 0,37%; sản xuất và phân phối điện 16.822,7 tỷ đồng, tăng 11,66%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 256,8 tỷ đồng, tăng 4,46%.
- Chỉ số sử dụng lao động năm 2023 giảm 3,48% so năm 2022; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 giảm 17,11% so với năm 2022. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 ước tăng 5,51% so với tháng trước và giảm 7,98% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 37,03%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 82,30%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 86,03%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 24,22%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 32,94%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 36,43%. Ngược lại cũng có ngành tăng như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 94,88%; Sản xuất đồ uống tăng 57,47%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 238,58%.
* Xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy, có 37,88% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước (quý III/2023 so với quý II/2023: 26,15%); 34,85% đánh giá khó khăn hơn (quý III/2023 so với quý II/2023: 40,00%) và 27,27% số doanh nghiệp cho rằng ổn định (quý III/2023 so với quý II/2023: 33,85%).
Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 so với quý IV năm 2023: Có 75,75% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó có 39,39% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 36,33% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,24% dự báo khó khăn hơn.
2. Xây dựng
Hoạt động xây dựng năm 2023 diễn ra trong điều kiện nền kinh tế trong nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; trình độ phát triển kinh tế của tỉnh còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, việc huy động các nguồn lực, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nội lực của khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành ước năm 2023 đạt 18.861,8 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2022, trong đó: khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 243,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,3%), tăng hơn gấp 3,6 lần so với năm 2022; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 13.380,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 70,9%), tăng 11%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 340,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,8%), tăng 4,7%; loại hình kinh tế khác ước đạt 4.896,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26%), tăng 5,3%. Theo giá so sánh ước năm 2023 đạt 10.864,0 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022, trong đó công trình nhà ở đạt 3.094,4 tỷ đồng, giảm 2,5% so với năm 2022; công trình nhà không để ở đạt 1.728,8 tỷ đồng, tăng 14,3%; công trình kỹ thuật dân dụng 5.310,9 tỷ đồng, tăng 19,1%; hoạt động xây dựng chuyên dụng 729,9 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Giá trị sản xuất xây dựng chia theo loại công trình
3. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện năm 2023 ước đạt 4.709,6 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022, đạt 96,7% so với kế hoạch, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 4.107,0 tỷ đồng, tăng 3,0% so với năm 2022, đạt 96,5% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 533,6 tỷ đồng, đạt 97,9% so với kế hoạch và giảm 13,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 68,9 tỷ đồng, đạt 98,5% so với kế hoạch và giảm 14,4%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2023 ước đạt 45.410,1 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022, trong đó vốn nhà nước trên địa bàn đạt 9.481,5 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2022 và chiếm 20,9% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 33.250,4 tỷ đồng, tăng 11,2% và chiếm 73,2% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.678,1 tỷ đồng tăng 12,5% và chiếm 5,9% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn
4. Đăng ký kinh doanh
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới từ đầu năm đến ngày 14/12/2023 có 1.345 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 574 đơn vị trực thuộc), giảm 10,57% so với năm 2022; vốn đăng ký 7.661,9 tỷ đồng, giảm 16,19%; có 219 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 53 đơn vị trực thuộc), giảm 9,13%; tạm ngừng hoạt động 508 doanh nghiệp (trong đó có 114 đơn vị trực thuộc), tăng 33,33%; số doanh nghiệp đăng ký thay đổi 1.895 doanh nghiệp (trong đó có 504 đơn vị trực thuộc), tăng 24,75%; số doanh nghiệp đã giải thể 450 doanh nghiệp (trong đó có 310 đơn vị trực thuộc), tăng 36,36%. Thông báo cảnh báo 27 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
5. Đăng ký đầu tư
Trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 31 dự án mới được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.681,4 tỷ đồng; có 44 dự án đăng ký điều chỉnh, 13 dự án khởi công xây dựng và 11 dự án đi vào hoạt động kinh doanh. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp 22 được quan tâm và chú trọng.
IV. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải
1. Thương mại, giá cả
Năm 2023 hoạt động thương mại duy trì ổn định, lưu thông hàng hóa thông suốt. Tình hình thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đã tạo diện mạo mới về thương mại, nhất là vùng nông thôn. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm. Dự ước năm 2023 doanh thu bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ đạt 95.486,9 tỷ đồng, tăng 28,58% so với năm 2022, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 61.492,6 tỷ đồng, tăng 18,25%; doanh thu các ngành dịch vụ đạt 33.994,3 tỷ đồng tăng 52,71%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ qua các năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2023 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 12 tháng năm 2023 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính so với cùng kỳ năm 2022 có 10 nhóm hàng tăng giá: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,84%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,5%; may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 2,43%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,31%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,46%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,44%; giao thông tăng 4,62%; bưu chính viễn thông tăng 1,42%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,61%. Chỉ riêng nhóm giáo dục giảm 22,75%.
Chì số giá tiêu dùng (CPI) 12 tháng các năm so với bình quân cùng kỳ năm trước (%)
2. Hoạt động du lịch
Năm 2023, Bình Thuận vinh dự được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, kinh tế và du lịch tiêu biểu quy mô cấp quốc gia và quốc tế, diễn ra xuyên suốt trong năm thu hút đông đảo người dân và khách du lịch từ các nơi đến tham quan và nghĩ dưỡng. Bên cạnh đó năm 2023 điểm du lịch đảo Phú Quý cũng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Dự ước năm 2023 lượt khách du lịch ước đạt 8.350,9 ngàn lượt khách, tăng 45,99% so với năm 2022, ngày khách du lịch ước đạt 15.620,1 ngàn ngày khách, tăng 52,01%. Khách quốc tế ước đạt 274,3 ngàn lượt khách, tăng 3,13 lần so với năm 2022; ngày khách phục vụ ước đạt 1.105,3 ngàn ngày khách tăng 3,19 lần. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2023 đạt 22.309,1 tỷ đồng, tăng 63,07% so với năm 2022.
Lượt khách du lịch qua các năm
(ĐVT: 1000 lượt khách)
3. Xuất nhập khẩu
Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, tổng cầu suy giảm, các hợp đồng xuất khẩu giảm mạnh đã tác động đến xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 714,4 triệu USD, giảm 8,59% so với năm 2022, trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 214,8 triệu USD, giảm 14,13% so với năm 2022; nhóm hàng nông sản ước đạt 14,3 triệu USD, tăng 9,86%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 485,4 triệu USD và giảm 6,37%.
Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 ước đạt 1.227,6 triệu USD, giảm 10,11% so với năm 2022; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất như hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, giấy các loại; mặt hàng thức ăn gia súc được nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động mua bán.
4. Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải năm 2023 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022 trên tất cả các ngành đường. Nhu cầu đi lại vui chơi, du lịch, nghỉ ngơi của người dân và khách du lịch tăng khá, đặc biệt là những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa trên tuyến đường biển Phan Thiết - Phú Quý hoạt động ổn định, bình thường. Tuy nhiên, trong năm giá xăng dầu biến động tăng giảm nhiều lần cũng đã tạo áp lực không nhỏ cho ngành vận tải.
Vận tải hành khách: số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 13,1 triệu Hk, tăng 36,67% so với năm 2022; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.299,2 triệu Hk.km, tăng 65,61%.
Vận tải hàng hóa: khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 6,7 triệu tấn, tăng 24,83% so với năm 2022; khối lượng luân hàng hóa chuyển ước đạt 551,5 triệu tấn.Km, tăng 27,38%.
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi năm 2023 ước đạt 3.128,8 tỷ đồng, tăng 39,42% so với năm 2022, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.315,9 tỷ đồng, tăng 37,52% so với năm 2022; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.391,8 tỷ đồng, tăng 20,55%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 413,5 tỷ đồng, tăng 3,23 lần; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 51,83%.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân năm 2023 ước đạt 1.291,3 ngàn tấn, giảm 2,3% so với năm 2022, trong đó xuất cảng 976,6 ngàn tấn (giảm 5,38%) và nhập cảng 314,7 ngàn tấn (tăng 8,7%).
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi qua các năm
V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng
1. Thu, chi ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 10.081,52 tỷ đồng, đạt 100,75% dự toán năm và giảm 9,06% so với năm 2022; trong đó: thu nội địa 9.020,06 tỷ đồng, đạt 104,81% dự toán năm, giảm 10,19%. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 8.208,66 tỷ đồng, đạt 110,85% dự toán năm, giảm 6,50%; thu tiền nhà, đất 811,40 tỷ đồng, đạt 67,56% dự toán năm, giảm 38,10% (trong đó thu tiền sử dụng đất 596,23 tỷ đồng, đạt 59,62% dự toán năm, giảm 38,87%); thu thuế xuất nhập khẩu 1.061,46 tỷ đồng, đạt 75,82% dự toán toán năm và tăng 6,62% so với năm 2022. Có 09/18 loại thu đạt trên mức bình quân chung (98,32%), trong đó có 06/09 loại thu tăng so với năm 2022 và 03/09 loại thu giảm so với năm 2022.
Thu ngân sách nhà nước qua các năm
Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu năm 2023 ước đạt 3.984,42 tỷ đồng, đạt 118,94% dự toán năm, giảm 11,15% so với năm 2022, trong đó: Phan Thiết 1.490,52 tỷ đồng (đạt 100,03% dự toán, giảm 12,97%); La Gi 305,54 tỷ đồng (đạt 135,80% dự toán, giảm 22,05%); Tuy Phong 330,35 tỷ đồng (đạt 122,35% dự toán, giảm 9,75%); Bắc Bình 450,03 tỷ đồng (đạt 152,55% dự toán, tăng 1,12%); Hàm Thuận Bắc 443,32 tỷ đồng (đạt 145,35% dự toán, giảm 12,32%); Hàm Thuận Nam 328,72 tỷ đồng (đạt 131,49% dự toán, giảm 5,67%); Tánh Linh 129,85 tỷ đồng (đạt 133,86% dự toán, giảm 7,14%); Đức Linh 190,99 tỷ đồng (đạt 166,08% dự toán, giảm 1,48%); Hàm Tân 280,40 tỷ đồng (đạt 100,14% dự toán, giảm 13,70%) và Phú Quý thu 34,69 tỷ đồng (đạt 150,83% dự toán, giảm 37,92%).
Chi ngân sách đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu chi lương và hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, chi đầu tư phát triển; chi cho các nhiệm vụ trọng tâm; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 12.862,71 tỷ đồng, đạt 101,99% dự toán. Trong đó: chi ngân sách địa phương 10.317,18 tỷ đồng, đạt 98,1% dự toán (Chi đầu tư phát triển 2.530,49 tỷ đồng, đạt 83,4% dự toán; chi thường xuyên 7.590,26 tỷ đồng đạt 104,37% dự toán).
2. Hoạt động tín dụng
Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để mở rộng cho vay đi đôi với đảm bảo an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương. Đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 85.611,6 tỷ đồng, tăng 7,19% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 5,8%). Vốn huy động đến ngày 30/11/2023 đạt 56.603,5 tỷ đồng, tăng 7,32% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,79%); dự ước đến ngày 31/12/2023, nguồn vốn huy động đạt 57.226 tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm. Đến ngày 30/11/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 2.000,4 tỷ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,15% so với đầu năm.
Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 47.047 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 266 tỷ đồng, chiếm 0,31% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 708,6 tỷ đồng, chiếm 0,83% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.603,5 tỷ đồng, chiếm 18,23% tổng dư nợ.
VI. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội
1. Hoạt động Văn hóa - Thể dục thể thao
Trong năm 2023 tỉnh đã tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước năm 2023 nổi bật như: sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023 gắn với Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và chào năm mới 2023; tổ chức các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ “Tuần lễ văn hóa”; Hội thi tiếng hát đoàn viên, viên chức, lao động, công nhân tỉnh Bình Thuận lần thứ II năm 2023; Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Ngôi sao biển lần thứ IV năm 2023. Tổ chức biểu diễn văn nghệ tuyên truyền và chiếu phim lưu động với 800 buổi phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, miền núi, thiếu nhi các huyện với kịch bản tuyên truyền “Cạm bẫy đồng tiền”,...
Trong năm 2023, thể thao quần chúng đã tổ chức sôi nổi đều khắp ở các địa phương, nhiều loại hình thể thao được tổ chức thường xuyên với 25 giải và tổ chức các hoạt động cộng đồng quy mô quốc tế, quốc gia lần đầu được tổ chức và xác lập các kỷ lục Guinness tại Phan Thiết, Bình Thuận: Lễ hội Mô tô Việt Nam - Bình Thuận 2023 (khoảng 2500 chiếc Mô tô) xác lập kỷ lục Guinness về đoàn mô tô diễu hành đông nhất, dài nhất Việt Nam; tổ chức trình diễn bay treo 30 quả khinh khí cầu và 07 chiếc dù lượn tại bãi biển Đồi Dương; Giải Stop and Run Marathon - BTV Bình Thuận 2023 với sự tham gia tranh tài của gần 2000 vận động viên trong và ngoài nước; Giải Aquaman Viet Nam - Phan Thiết quy tụ hơn 1500 vận động viên; Giải trẻ và vô địch Vovinam tỉnh Bình Thuận năm 2023 (20 đơn vị, 289 vận động viên tham gia);...
2. Giáo dục và đào tạo
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có giá trị 05 năm (kể từ ngày ký Quyết định công nhận). Tổng số trường đạt chuẩn của tỉnh là 226/536 trường (đạt tỷ lệ 42,16%), cụ thể: mầm non có 59/142 trường công lập (41,54%); tiểu học có 100/238 trường (42,02%)t THCS có 66/130 trường (50,76%)t THPT có 01/26 trường (3,85%), trong đó số trường chuẩn quốc gia công nhận mới năm 2023 của cấp Mầm non là 06 trường, cấp Tiểu học là 05 trường, cấp THCS là 07 trường; vượt chỉ tiêu tỉnh giao 08 trường ở cả 03 cấp học.
3. Y tế
Công tác khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh được duy trì và từng bước được nâng lên ở các tuyến. Triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo kết nối liên thông về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Tiếp tục thực hiện việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,... Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh().
Các cơ sở điều trị thực hiện tốt công tác trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, không có xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cơ bản đạt chỉ tiêu và tiến độ thực hiện các hoạt động Y tế dự phòng - Dân số và phát triển.
4. Khoa học và công nghệ; Thông tin, Truyền thông
Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Tập trung hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương và các hoạt động thúc đẩy sáng kiến. Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa và triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện kịp thời, thể hiện đầy đủ diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh, tuyên truyền về các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII, các Hội nghị Tỉnh ủy và các kỳ họp HĐND tỉnh, kịp thời phát hiện và biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động và sản xuất; tăng cường thông tin, tuyên truyền các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Cấp 43 Giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh.
Hạ tầng viễn thông đáp ứng như cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông cũng như băng rộng cố định, dịch vụ di động 3G, 4G, truyền hình. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang đảm bảo cung cấp dịch vụ đến 100% xã, phường trong tỉnh; đáp ứng nhu cầu khoảng 98% dân số với 1.744 vị trí đặt trạm BTS (gồm 3.870 trạm BTS, trong đó có 07 vị trí trạm 5G của Viettel phát thử nghiệm tại Novaworld, Novahill, toà nhà Viettel và BCH Quân sự tỉnh), đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Chất lượng dịch vụ internet ngày càng nâng cao với các gói cước thấp nhất trước đây tốc độ từ 40Mbps nay nâng lên 80Mbps, gói cước cung cấp đến hộ gia đình cao nhất đáp ứng nhu cầu với tốc độ lên đến 300Mbps, đường truyền cung cấp cho các doanh nghiệp có tốc độ đạt trên 1.000Mbps đảm bảo hoạt động phát triển thương mại, quảng bá phát triển dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội
Năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 24.000 lao động, tăng 7,99% so với năm 2022 và đạt 120% so với kế hoạch năm; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 14.060 người, đạt 140,6% so với kế hoạch năm (trong đó: đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật,... là 3.308 người, đạt 110,27% kế hoạch năm). Vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa 9.909 triệu đồng, đạt 165,2%; quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh 3.220 triệu đồng, đạt 161% so kế hoạch năm.
Năm 2023 đã tổ chức thăm, tặng quà dịp lễ, Tết, các ngày kỉ niệm cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 0,52% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đạt kế hoạch đề ra. Duy trì 83 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn mại dâm. Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, toàn tỉnh có 43.708 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 952 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập. Việc chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, đảm bảo chế độ theo quy định, đã giải quyết cho 630 hộ nghèo vay 35.025 triệu đồng; cho 1.573 hộ cận nghèo vay 89.417 triệu đồng, 2.755 hộ mới thoát nghèo vay 135.803 triệu đồng để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cấp 18.125 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo và 38.270 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo để khám, chữa bệnh; thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ nguồn vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 14,4 tỷ đồng, đạt 151,3%; hỗ trợ xây dựng mới 101 căn nhà ở và sửa chữa 02 căn nhà ở cho hộ nghèo. Từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ cho 194 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 200 triệu đồng; hỗ trợ xe đạp cho 30 trẻ số tiền 52,5 triệu đồng; hỗ trợ vở học cho 550 trẻ số tiền 66 triệu đồng; mổ tim cho 08 trẻ với số tiền 495,94 triệu đồng và hỗ trợ đột xuất khác.
6. Hoạt động bảo hiểm
Ước thực hiện năm 2023, số người tham gia BHXH bắt buộc 103.547 người; tham gia BHXH tự nguyện 15.014 người; tham gia BHTN là 94.889 người; tham gia BHYT là 1.137.149 người. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 92,25% dân số (đã bao gồm người Bình Thuận làm việc, học tập ngoài tỉnh có tham gia BHYT).
Tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn do BHXH tỉnh xét duyệt, quản lý đến đầu tháng 12/2023 là 18.241 người. Tổng số thu 2.588,39 tỷ đồng, đạt 86,4% kế hoạch, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu 208,41 tỷ đồng, tăng 17,7%; Tổng số đã chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN 2.719,63 tỷ đồng, tăng 22,3% (trong đó: có 1.841,71 tỷ đồng chi trả chế độ BHXH; 172 tỷ đồng chi BHTN; 705,93 tỷ đồng chi KCB BHYT).
Ước cuối năm 2023: tổng số thu được 2.995,83 tỷ đồng (trong đó: Thu BHXH bắt buộc 1.660,83 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện 50,78 tỷ đồng; thu BHTN 117,23 tỷ đồng; thu BHYT 1.167 tỷ đồng), phấn đấu giảm nợ xuống dưới 3,87% trên tổng dự toán thu, tương ứng 115,94 tỷ đồng. Tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN 3.140,44 tỷ đồng (trong đó, chi trả chế độ BHXH 2.125,8 tỷ đồng; chi BHTN 189,6 tỷ đồng; chi KCB BHYT 825 tỷ đồng).
7. Tai nạn giao thông
Số vụ tai nạn giao thông năm 2023 xảy ra 314 vụ (trong đó đường sắt 03 vụ), tăng 63 vụ so với năm 2022. Số người bị thương năm 2023 có 246 người bị thương, tăng 113 người so với năm 2022. Số người chết năm 2023 có 159 người chết (trong đó đường sắt 02 người) giảm 17 người so với năm 2022.