CÁC TIN LIÊN QUAN
Tại sao tăng trưởng thường không đảm bảo sự bền vững của môi trường?

Bước đầu tiên trong xanh hóa tăng trưởng là hiểu được lý do tại sao tăng trưởng kinh tế truyền thống thường “không sạch”. Cụ thể là tại sao con người không sử dụng của cải tự nhiên một cách hiệu quả và bền vững mà trên thực tế họ đang làm tổn hại tới môi trường và do đó ảnh hưởng tới quá trình phát triển bền vững.

Đối với các nhà kinh tế học, để đạt được tăng trưởng xanh về cơ bản là thay đổi các biện pháp khuyến khích kinh tế trước kia đã làm suy kiệt và suy thoái môi trường, đó là công cụ “định giá hợp lý”. Có rất nhiều lý do dẫn tới việc các thị trường thất bại trong việc định giá hợp lý môi trường để từ đó đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng xanh. Các lý do đó bao gồm thất bại về thể chế và chính sách, thất bại của thị trường.

Thất bại về thể chế và sự bền vững của môi trường

 Tăng trưởng không đảm bảo sự bền vững của môi trường có thể là do thất bại về thể chế và chính sách. Bản thân các tổ chức và Chính phủ có thể phải đối mặt với các biện pháp khuyến khích kinh tế gây phản tác dụng do các chính sách này bỏ qua việc tính toán các tác động đến môi trường. Hoặc là họ thiếu thông tin về tác động toàn diện của các chính sách mà họ ủng hộ, trong đó bao gồm khía cạnh môi trường. Trợ cấp năng lượng “vì lợi ích của người nghèo” do Nhà nước ban hành là một ví dụ điển hình, bởi hành động trợ cấp này sẽ khuyến khích việc tiêu thụ năng lượng và từ đó làm tăng lượng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí tại địa phương và gây ảnh hưởng không đáng có đến người nghèo. Hơn nữa, nhìn chung những người không thuộc diện nghèo mới là những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình trợ cấp năng lượng vì họ đủ khả năng chi trả cho nhu cầu tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với những người nghèo thực sự.

 Bên cạnh đó, các chính sách được thực hiện ở một số nước đang phát triển thiên về đại diện cho tầng lớp trên của xã hội với đại đa số người dân hơn là cho người nghèo, mặc dù các cộng đồng người nghèo có sự quan tâm đến môi trường, nhưng họ lại có thể không có “tiếng nói” để thu hút sự chú ý đến mối quan tâm của mình trong việc gìn giữ chất lượng môi trường. Đây chính là sự phản ánh hạn chế của thể chế trong việc xây dựng chính sách phát triển đất nước mà bỏ qua ít nhất một bộ phận có thể góp phần xây dựng môi trường bền vững.

 Thất bại của thị trường và sự bền vững của môi trường

 Theo lý thuyết, thị trường cạnh tranh là thị trường mà ở đó hàng hóa được phân bổ một cách hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường trong thực tế lại khác xa với thị trường lý thuyết theo nhiều cách khác nhau mà nó có thể gây bất lợi đối với phúc lợi xã hội và môi trường. 

 Thứ nhất, tác động ngoại biên. Đây là những thiệt hại (tác động) không được đền bù do một tác nhân kinh tế này gây ra cho một tác nhân kinh tế khác. Ví dụ, chủ một nhà máy tối đa hóa lợi nhuận sản xuất bằng cách xả các chất thải chưa qua xử lý ra sông thay vì chịu phát sinh chi phí xử lý chất thải. Hậu quả là, nguồn nước sẽ bị ô nhiễm và có thể gây tổn hại tới sức khỏe của người dùng ở phía hạ lưu. Như vậy, tổn hại về sức khỏe chính là tác động ngoại biên của quyết định tối đa hóa lợi nhuận của chủ doanh nghiệp nói trên và do đó dẫn tới lợi ích xã hội mà hoạt động sản xuất này mang lại thấp hơn lợi ích cá nhân.

 Thứ hai, hàng hóa công cộng. Trong xã hội của chúng ta có nhiều loại tài sản tự nhiên có tính chất của hàng hóa côngcộng. Đó là các hàng hóa mà: (1) việc hưởng thụ của cá nhân này không làm ảnh hưởng/làm giảm mức độ hưởng thụ của cá nhân khác; và (2) không có tính loại trừ (không có cách này ngăn cản bất kỳ một cá nhân nào hưởng thụ giá trị của hàng hóa đó), chẳng hạn như “một tầm nhìn đẹp”. Chính vì vậy, không nhiều doanh nghiệp, tổ chức cung cấp hàng hóa công cộng kiểu này, nhất là các hàng hóa có giá trị đối với bền vững môi trường (công viên xanh) vì họ không có cách nào thu lợi toàn bộ từ việc cung cấp hàng hóa công đó.

 Thứ ba, thông tin bất đối xứng và các vấn đề liên quan đến người đại diện. Nếu những người đại diện khác nhau có thông tin khác nhau thì họ sẽ có tác động nhất định tới môi trường. Cụ thể, các chủ nhà máy thường biết nhiều thông tin về các chất gây ô nhiễm mà họ gây ra, các biện pháp xử lý cũng như mức chi phí xử lý của doanh nghiệp mình hơn các nhà quản lý môi trường. Do đó, việc đầu tư công nghệ môi trường để xử lý các chất ô nhiễm của doanh nghiệp có thể đem lại kết quả tốt hơn so với cơ quan quản lý môi trường. Ngoài ra, mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà cũng là một loại vấn đề liên quan đến người đại diện về mặt hiệu quả sử dụng năng lượng: vì nếu chủ nhà trả tiền sử dụng năng lượng thì người thuê nhà sẽ không có động lực để tiết kiệm năng lượng; hoặc nếu chủ nhà có lò sưởi nhưng người thuê nhà phải trả tiền năng lượng thì chủ nhà sẽ không có động lực để đầu tư một chiếc lò sưởi mới tiêu thụ ít năng lượng hơn. Do vậy, về mặt cá nhân thì mức độ nắm giữ thông tin và quyết định của người đại diện sẽ có ảnh hưởng phần nào tới sự đóng góp cho sự bền vững của môi trường.

 Thứ tư, thiếu quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu không đầy đủ. Đối với tài nguyên là nguồn nước (ví dụ như ngư trường hoặc nước ngầm), việc không quy định quyền sở hữu (tức là không áp dụng hạn mức cho từng cá nhân) sẽ dẫn tới việc khai thác quá mức và cuối cùng dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên. Bởi vậy, từ góc độ kinh tế, khai thác quá mức là biểu hiện của sự lãng phí tài nguyên; khi không áp dụng hạn mức khai thác, nỗ lực tận thu của những người cùng sử dụng nguồn nước sẽ đẩy chi phí lên tới mức lợi ích kinh tế giảm xuống bằng không. Vì vậy, quyền sở hữu không đầy đủ đối với các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên không thể tái tạo, sẽ gây ra tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững môi trường của xã hội nói chung.

Trích nguồn: NCIF

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/