HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khoa giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức thực tiễn kiệt xuất, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà lý luận lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của cách mạng nước ta. Những tư tưởng của người mãi mãi là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh- lãnh tụ vĩ đại, nhà chiến lược thiên tài, nhà tổ chức thực tiễn kiệt xuất, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà lý luận lỗi lạc của cách mạng Việt Nam. Cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của cách mạng nước ta. Những tư tưởng của người mãi mãi là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trên cương vị tối cao của Đảng, của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, giành độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Trên lĩnh vực khoa giáo, người đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm lớn và còn nguyên giá trị. Bởi vậy, việc nghiên cứu, vận dụng những tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Sinh thời, Người rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, với quan điểm “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Người đã đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giáo dục, đào tạo. Trong thời kỳ chưa giành được chính quyền, Người mở lớp huấn luyện cho từng tốp nhỏ học trò, có lớp chỉ có vài ba người. Kiên trì, nhẫn nại, một thành hai, hai thành bốn, dần dần thành những lớp đông người, và cứ thế, những hạt giống đầu tiên mà người ươm trên mãnh đất có truyền thống văn hóa ngàn năm và truyền thống chống giặc ngoại xâm oanh liệt, đã tự hoàn thiện, tự nhân lên thành lớp lớp anh hùng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước đứng trước biết bao thử thách, các thế lực phản động trong và ngoài nước điên cuồng phá hoại cách mạng nước ta; kinh tế, tài chính kiệt quệ, nạn đói khủng khiếp hoàn hành. Trong cơn sóng gió như vậy, Người bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng thật sáng suốt và đặt công việc giáo dục, nâng cao dân trí là một trong những công việc cấp bách của chính quyền cách mạng. Ngay trong phiên họp đầu tiên, ngày 3/9/1945 của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã nói với các Bộ trưởng rằng “Nạn dốt- Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ”.

Nhưng chỉ cần 3 tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Trên tinh thần đó, Người đã xác định việc chống giặc dốt là nhiệm vụ thứ hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách của đất nước thời bấy giờ. Việc giành được chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn, nhưng muốn giữ được chính quyền phải có kiến thức, phải nâng cao dân trí, nhất là một nước nông nghiệp lạc hậu có hơn 90% dân số mù chữ, Người nói “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí...Muốn giữ vững độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình... phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”, chính vì vậy, Người đã nêu mục tiêu cho ngành giáo dục trong kháng chiến, kiến quốc. “Chống giặc dốt” là bước khởi đầu, cũng là nhiệm vụ thường xuyên của sự nghiệp mở mang dân trí. Chính sách ngu dân mà chủ nghĩa thực dân đã thi hành đã đẩy hơn 90% dân số nước ta vào đêm đen của nạn mù chữ, vì vậy, việc “chống dốt” phải và đã được bắt đầu bằng việc xóa nạn mù chữ cho đông đảo nhân dân. Thực hiện lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã dấy lên phong trào diệt dốt rất sôi nổi. Với khẩu hiệu “đi học là yêu nước”, nên đi dâu cũng có lớp bình dân học vụ. Phong trào này phát triển ngay sau Cách mạng tháng Tám, qua suốt cuộc kháng chiến chống Pháp đến những năm đầu miền Bắc hoàn bình. Kết quả to lớn của phong trào này là hàng triệu người biết chữ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Cũng trong tháng 9/1945, trong Thư gửi các học sinh, Người Viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thấm nhuần lợi dạy đó, hàng triệu con người Việt Nam đã ra sức học tập và đã trưởng thành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật và đội ngũ những nhân tài trong các lĩnh vực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Người, khoa học, kỹ thuật không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp, mà còn là động lực tiến bộ xã hội, do vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức, cần phải học cả văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Người nói “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”. Cách diễn đạt đó của Người vừa mang tính lý luận cao, đồng thời cũng mang tính phổ cập, bởi vì khoa học, kỹ thuật không những giải phóng con người về mặt cơ bắp, mà còn nâng con người lên về mặt trí tuệ, thúc đẩy văn hóa, văn minh của nhân loại phát triển.

Khi hòa bình lặp lại ở miền Bắc, hậu quả chiến tranh để lại cho nhân dân ta vô cùng nặng nề, nền kinh tế lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, trình độ kỹ thuật sản xuất thấp kém, công cụ lao động mang tính phổ thông là chủ yếu, lại chưa được tổ chức, phân công một cách hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ vai trò của khoa học và kỹ thuật là hết sức cần thiết đối với tình hình đất nước trong thời kỳ đó. Người viết “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém... nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó... Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Chính vì lẽ đó, mà Người coi vấn đề cải tiến kỹ thuật là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, muốn cải tiến được kỹ thuật, ứng dụng được nó vào sản xuất thì cần phải có trí thức, phải có sự hiểu biết về khoa học, vì khoa học và kỹ thuật là một thể thống nhất, không tách rời. Cho nên, Người đã khẳng định “Muốn cải tiến kỹ thuật, phải biết kỹ thuật. Muốn cải tiến tổ chức lao động cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức...” cho nên phải học, học nữa, học học mãi như Lênin đã dạy. Câu nói này của Người không chỉ là trách nhiệm của mỗi một con người đối với vận mệnh và tương lai của đất nước, mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn, đó là chủ trương phát triển khoa học kỹ thuật đi đôi với giáo dục- đào tạo.

Ở mọi thời đại, động lực thúc đẩy những bước đi lên của nhân loại không gì khác là trí tuệ, là tri thức. Muốn khoa học và kỹ thuật phát triển thì đòi hỏi con người phải có trí tuệ, có trình độ văn hóa và trí thức nhất định để có thể làm chủ được các phương tiện, máy móc cũng như các quy trình kỹ thuật của nó, đồng thời có khả năng sáng tạo để có những phát minh mới hay hơn, tiến bộ hơn, phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng. Dù nhiều cách biểu đạt khác nhau, song Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của trí thức. Nhờ sản phẩm và trí tuệ của họ- tri thức, mà xã hội, giai cấp mới phát triển. Theo Người thì “không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”. Năm 1946, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi trả lời một nhà báo nước ngoài về vấn đề trí thức, Người đã khẳng định “trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Đất nước ta bị nền thống trị thực dân cùng chính sách ngu dân đã đẩy nhân dân ta vào vòng lạc hậu, u tối suốt gần một thế kỷ. Sự nhìn nhận, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với trí thức không phải phiến diện mà là toàn diện. Theo Người trí thức của Cách mạng Việt Nam phải có tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, Người nói “Cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo là kế thừa những tư tưởng “tôn sư trọng đạo”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “tiên học lễ, hậu học văn”... của lịch sử dân tộc ta. Những tư tưởng và tình cảm ấy đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng đến một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó trở thành hoài bảo, mục tiêu, động lực của Người. Mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và đi đến giải phóng triệt để con người, vì con người là gốc của mọi công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách tiếp cận tinh thần mátxít đã xem xét con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội, trong môi trường thống nhất các yếu tố tự nhiên và xã hội, trong môi trường thống nhất các yếu tố tự nhiên và xã hội. Vì vậy, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người phải bằng những biện pháp tổng hợp cả vật chất lẫn tinh thần. Điều này cắt nghĩa vì sao trong quá trình hoạt động cách mạng vô cùng phức tạp và khó khăn, cùng với việc hình thành hệ thống những nội dung tư tưởng phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, về xây dựng và phát triển ngành y tế Việt Nam.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, mặc dù rất bận rộn trong việc lãnh đạo kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn rất quan tâm đến công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà hai ngành chịu trách nhiệm trực tiếp đó là ngành thể dục thể thao và y tế. Khi ở cương vị đứng đầu chính phủ, Người đã chủ tọa nhiều phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về nhiều vấn đề, trong đó vấn đề y tế. Trong bức thư gửi Hội nghị Quân y vào tháng 3/1948, Người đã đề cao vai trò của công tác y tế trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bộ đội “người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng cao tinh thần những người ốm yếu”. Người khẳng định “ngành thuốc sẽ được đặc biệt trọng đãi” và để xứng đáng với sự “trọng đãi” đó “ngành thuốc phải cố gắng làm thỏa mãn nhu cầu của đồng bào”. Điều đó có nghĩa là, ngành thuốc phải cố gắng tìm ra những thứ thuốc sẵn có trong thiên nhiên của nước ta làm nguyên liệu; tìm ra cách chữa chóng khỏi mà tốn ít thuốc; tìm ra những thứ thuốc đễ mua nhất và hiệu nghiệm nhất để chữa các bệnh phổ thông cho đồng bào. Dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, của Chính phủ kháng chiến, ngành y tế non trẻ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần “tận tâm tận lực phục vụ nhân dân”, “lương y như từ mẫu”, đội ngũ những người làm công tác y tế (gồm bác sĩ, y sĩ, dược sĩ, y tá, cứu thương...) đã làm tốt công tác phục vụ cả trong sản xuất và chiến đấu, cả ở hậu phương và ngoài mặt trận, đóng góp xứng đáng và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Để  chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, người thầy thuốc phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên khích người thầy thuốc tích cực học tập và vận dụng kiến thức học tập vào công tác thực tế ở các cơ sở y tế để nâng cao tay nghề. Trên cơ sở khám và chữa bệnh cho cộng đồng chú trọng nghiên cứu khoa học để tổng kết các phương pháp chữa bệnh, các phương pháp thích hợp với từng loại bệnh để rút ngắn thời gian điều trị, trả lại sức khỏe cho người bệnh. Người đặc biệt lưu ý các thầy thuốc Việt Nam cần phải kết hợp chữa bệnh Đông y và Tây y, tìm ra các phương thức chữa bệnh cũng như ứng dụng những thành tựu y học của nhân loại. Người cũng nhắc nhở “học” phải đi đôi với “hành” mới có thể thành thạo công việc, mới có thể đưa kiến thức y học vào thực tiễn. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, Người nhắc nhở luôn học tập để tiến bộ nhưng phải chú trọng cái gì thích hợp với hoàn cảnh tức là gắn lý luận với thực tiễn, hiệu quả là thước đo sự tiến bộ trình độ chuyên môn.

Một phương pháp rèn luyện sức khỏe mà Người rất quan tâm nữa là tham gia những hoạt động thể thao, giải trí, lao động chân tay, sống hòa đồng với thiên nhiên. Quan niệm về sức khỏe của Người bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần “Ngày nào cũng tập thì khí huyết mới lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Trên tinh thần đó, người kêu gọi tất cả mọi người, dù là gái trai, già trẻ phải thường xuyên rèn luyện thân thể, coi việc luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Cũng chính vì coi sức khỏe nhân dân là vấn đề lớn của quốc gia nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt vấn đề thành lập những bộ phận thuộc chính quyền các cấp theo dõi, quản lý vấn đề này. Người đã đề xuất cách tổ chức các Ủy ban nhân dân, trong đó có việc cử một ủy viên phụ trách xã hội, có nhiệm vụ “tổ chức và giám đốc các cơ quan y tế, vệ sinh, cứu tế...”

Xuất phát từ tư tưởng coi dân là “gốc cách mệnh”, là “chủ cách mệnh”, Người luôn xác định một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng là không ngừng chăm lo mọi mặt của đời sống nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Người rất quan tâm tới việc gắn bó, gần gũi với thiên nhiên.

Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói nhiều đến vấn đề môi trường. Năm 1947, với bút danh Tân Sinh, Người viết tác phẩm “Đời sống mới” trong đó đề cập toàn diện tới vấn đề thuộc phạm vi đời sống, vấn đề môi trường. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “Chớ tắm nước lã nhiều quá; chớ uống nước lã; chớ ăn quá no..., phải đào giếng, tổ chức vệ sinh chung để sửa sang, quét dọn đường sá trong làng”. Hòa bình lặp lại ở Miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức đặt vấn đề xây dựng môi trường sạch đẹp, bảo vệ đời sống nhân dân thành một nhiệm vụ công tác. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bỏ qua những khía cạnh tưởng chừng như nhỏ nhất trong đời sống nhân dân, từ ăn ở, vệ sinh, đến cách thức xây dựng môi trường trong sạch.

Cuộc sống của mỗi con người không thể tách khỏi thiên nhiên, không thể thiếu trời, mây, cây, cỏ. Chính vì vậy, Người đặt vấn đề đấu tranh chống những tai họa của thiên nhiên..., quan tâm đến việc trồng cây và bảo vệ rừng, cấm phá rừng.

Một việc tưởng như rất đơn giản mà rất lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi “người người trồng cây, nhà nhà trồng cây”. Ở đây bản lĩnh của Người thể hiện không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là một nhà văn hóa lớn, mẫu mực trong quan hệ giữa người với thiên nhiên. Người xây dựng một phong tục tập quán mới cho dân tộc “Tết trồng cây” để làm giàu cho mỗi người dân, cho đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho cuộc sống của con người và thiên nhiên hòa lẫn vào nhau. Từ khi phát động “Tết trồng cây” cho đến lúc đi xa năm nào Người cũng nhắc nhở đồng bào thường xuyên trồng cây, gây rừng, xây dựng môi trường trong sạch, đó là điều mong mỏi lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh công tác “trồng cây, gây rừng” để tạo môi trường sống tốt cho con người, Người cũng rất quan tâm tới vấn đề chống ô nhiễm môi trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và lên án gay gắt những kẻ đã phá hoại môi trường sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả không lường hết cho con người. Người đã tố cáo bọn đế quốc đã biến nhiều khu vực trên trái đất thành những nơi thí nghiệm vũ khí giết người hàng loạt, phá hủy môi trường sống. Người lên án đế quốc Mỹ đã giở những thủ đoạn tàn ác nhất, như dùng bom napan và hơi độc để giết hại đồng bào ta ở Miền Nam, phá hoại môi trường của nhân dân Miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết triệt để cấm dùng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học để hủy diệt môi trường, gây thảm họa cho người lao động.

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về các lĩnh vực khoa giáo nói riêng là một thành tố quan trọng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, là chuẩn mực bổ sung cho nền luân lý truyền thống của dân tộc ta nói chung và lĩnh vực khoa giáo nói riêng. Những quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác khoa giáo nói trên đã được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa bằng nhiều chính sách và biện pháp cụ thể, thiết thực trong giai đoạn lịch sử, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hơn lúc nào hết, mỗi con người chúng ta cần phải có một sự cảm nhận một cách sâu sắc hơn về sự quan tâm và những lời dạy của Người.

 

Ngọc Huyền 

 




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/