HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

Cuộc đời hoạt động của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng Người đã trở thành một nhà báo. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo - phong cách báo chí Hồ Chí Minh.Theo Người, báo chí chúng ta chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (1). Để thực hiện được nội dung đó, báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu với tính cách là biểu hiện cao nhất của tính đảng, là bản chất, là tiêu chí cao nhất của báo chí cách mạng. Điều đó trước hết thể hiện ở đường lối chính trị của tờ báo. Báo chí thực chất là hoạt động chính trị, thông tin trên báo chí quan trọng nhất là thông tin chính trị. Theo Người, báo chí là công cụ đấu tranh giai cấp, là vũ khí đấu tranh cách mạng. Tính tư tưởng cách mạng của báo chí quyết định chất lượng, tác dụng của báo chí. Để bảo đảm tính tư tưởng, tính đảng của báo chí thì trong đó phải thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục và tính quần chúng của báo chí. Người nói: “Đối với bản thân báo chí, bản thân người làm báo cũng phải có tính chiến đấu mới làm báo tốt được. Viết một bài báo mà loại được những yếu tố cá nhân cũng là một cuộc đấu tranh” (2).

Báo chí phải biểu thị rõ ràng sự nhiệt tình ủng hộ hay phản đối một quan điểm, một vấn đề, một sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nào đó khi trong xã hội còn đấu tranh giai cấp. Người khẳng định: '”Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén - bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” (3).

Tất nhiên yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng là một cơ sở khác đương nhiên để Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ, chức năng của báo chí. Xã hội và cùng với nó là so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng luôn thay đổi, đòi hỏi Đảng phải tùy thuộc hoàn cảnh, điều kiện cụ thể để đưa ra các nhiệm vụ cho báo chí cách mạng. Muốn hoàn thành những nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng phải có những nguyên tắc chỉ đạo nhất quán của nó. Nguyên tắc đó là gì? Bác Hồ khẳng định: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì?; “Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì?” (4). Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo.

Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” (5). Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài ... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. “Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (6). Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.

Thực hiện lời dạy của Người, 85 năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên và giành được những thành tựu to lớn. Lớp lớp đội ngũ nhà báo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định vững vàng trong những biến động của lịch sử; có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không ngừng ra sức phấn đấu rèn luyện “trí sáng, tâm trong, bút sắc”, thực hiện sứ mệnh cao quý của người cầm bút, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao hơn.

Vấn đề đặt ra cho nhà báo cách mạng là sự ý thức tự giác đầy đủ vai trò trách nhiệm của mình trên cơ sở nhận thức rõ ràng về bản chất chế độ, bản chất nền báo chí cách mạng. Chỉ có một niềm tin vững chắc trên cơ sở đó mới giúp các nhà báo hành nghề một cách tự do. Mà tự do theo Bác Hồ thì cũng chính là quyền phục tùng chân lý. Và chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân... Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tức là phục tùng chân lý. Chân lý đó là rất cụ thể. Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là một yêu cầu rất rõ ràng, một điều kiện nhân văn không thể chối cãi để đạt đến tự do.

Thực hiện tư tưởng của Người về báo chí, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, lãnh đạo báo chí, do đó, báo chí đã phát triển khá nhanh về số lượng, đến nay cả nước có 706 cơ quan báo chí in; 528 tạp chí; trên 500 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, 05 báo điện tử lớn, hàng chục trang báo điện tử là cánh tay nối dài của báo in, hàng trăm trang thông tin điện tử, hàng ngàn website, với hơn 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ nhà báo. Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng chính trị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, báo chí có bước phát triển về số lượng, trình độ, tham gia ngày càng tích cực vào quá trình truyền thông. Các cơ quan báo chí từng bước nâng cao về chất lượng; đã thực hiện tốt chức năng là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào những thành quả quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới ở nước ta. Những thành công cũng như hạn chế trong hoạt động của mỗi cơ quan báo chí gắn liền với những ưu khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của từng tổ chức đảng.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cũng chính là quán triệt ý thức trách nhiệm chính trị xã hội của báo chí. Làm báo thực chất là làm chính trị. Ý thức nghề nghiệp của người làm báo trước hết là ý thức chính trị. Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ chế độ, bảo vệ dân tộc, bảo vệ giai cấp, kiên quyết chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Đó là các cơ sở gốc rễ để mỗi nhà báo tự vượt lên trên những tính toán vụ lợi, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng.

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, mỗi nhà báo cần nắm vững, thấm nhuần tư tưởng báo chí cách mạng của Người, vận dụng sáng tạo vào hoạt động tác nghiệp của mình. Trong điều kiện hiện nay, để xứng đáng là chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, những người làm báo phải xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp.

 

 

-----

1. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

 

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

 




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/