HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Những ngày tháng năm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh(Giai đoạn 1890--1945)

Tháng này-năm xưa: Những ngày Tháng Một của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 1890-1945) * Mùa xuân 1903 Nguyễn Tất Thành theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tiếp tục học chữ Hán. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy chữ Hán tại nhà ông Nguyễn Thế Văn.

 

Tháng này-năm xưa: Những ngày Tháng Một của Chủ tịch Hồ Chí Minh (giai đoạn 1890-1945)

* Mùa xuân 1903

Nguyễn Tất Thành theo cha đến ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và tiếp tục học chữ Hán. Thời gian này, ông Nguyễn Sinh Sắc dạy chữ Hán tại nhà ông Nguyễn Thế Văn.

Xã Võ Liệt là một xã có truyền thống yêu nước. Đó là quê hương của Phan Đà, người thanh niên mới 17 tuổi đã đứng ra chiêu tập nghĩa binh, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Đó cũng là quê hương của Trần Tấn, người khởi xướng cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (1874) của văn thân Nghệ - Tĩnh.

Trong thời gian theo cha đến học ở Võ Liệt, Nguyễn Tất Thành lại có dịp nghe chuyện thời cuộc của các sĩ phu đến đàm đạo với cha mình.

* Sau ngày 17- 1-1910: Nguyễn Tất Thành được tin cha bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế.

* Khoảng quý I- 1913

Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Lơ Havơrơ, sau đó sang Anh.

Sau khi đến nước Anh, để sinh sống, anh nhận cào tuyết cho một trường học. Công việc quá vất vả mệt nhọc, anh đành phải bỏ việc. Anh tìm được một việc khác là đốt lò. Từ 5 giờ sáng, anh đã phải chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò, sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, ngột ngạt đáng sợ. Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu tiên đến nước Anh, Nguyễn Tất Thành bắt tay ngay vào việc học tiếng Anh. Hằng ngày, sáng sớm và buổi chiều, nghĩa là trước và sau giờ lao động để kiếm tiền sống, anh miệt mài tự học. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, anh học tiếng Anh với một giáo sư Italia.

* Khoảng đầu năm 1919: Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp.

Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI”.

Vào Đảng Xã hội, Nguyễn Ái Quốc có dịp gần gũi và hoạt động với các nhà hoạt động chính trị và văn hoá nổi tiếng của Pháp như Mácxen Casanh (Marcel Cachin), Pôn Vayăng Cutuyriê (Paul Vaillant Couturier), Lêông Bơlum (Léon Blum), Raymông Lơphevrơ (Raymond Lefèbvre), Giăng Lôngghê (Jean Longuet), Gaxtông Môngmútxô (Gaston Monmousseau), v.v..

* Tháng 1- 1920

- Ngày 8: Nguyễn Ái Quốc cùng với một số trí thức Việt Nam dự cuộc họp của Hội địa dư Pháp thảo luận về quyền tự quyết của người Triều Tiên, có đề cập đến vấn đề Đông Dương.

- Ngày 14: Hồi 20 giờ 30, Nguyễn Ái Quốc nói chuyện với các đồng chí thanh niên nhóm 14 (Camarades de la 14c jeunesse) về đề tài Sự tiến triển trong xã hội của những dân tộc vùng châu Á và những lời yêu cầu của xứ An Nam, tại số 3 đường Satô (Château), có khoảng 70 người tham dự.

- Sau ngày 16, trước ngày 30: Nguyễn Ái Quốc cho in một số truyền đơn để trả lời những bài báo của Anbe đơ Puốcvin (Albert de Pourville), đăng trên báo La Dépêche coloniale viết về Đông Dương. Nội dung truyền đơn vạch rõ những luận điệu xuyên tạc của các bài báo đó.

- Ngày 19: 20 giờ, Nguyễn Ái Quốc đi xem hát ở rạp Nuvô Liricơ (Nouveau Lyrique). Trong khi trò chuyện với một người Việt Nam quen biết cùng đi, Nguyễn Ái Quốc cho biết đang chuẩn bị tài liệu để viết một quyển sách về tình hình Đông Dương, dự định đặt tên là Những người bị áp bức (Les opprimés).

- Trước ngày 29 : Nguyễn Ái Quốc nhờ một người Việt Nam quen thân đánh máy một số đoạn cắt trong nhiều sách đã in để làm tài liệu cho cuốn sách đang viết Những người bị áp bức và tỏ ý muốn nhờ mua một số ảnh chiếu để minh hoạ những buổi nói chuyện về tình hình Đông Dương.

- Ngày 30 : Nguyễn Ái Quốc gặp một sinh viên Trung Quốc tên là Tjo So Wang ở nhà số 6, phố Gây Luyxắc. Người này đến Pari vào tháng 8-1919, ở nhà số 159 đại lộ Môngpácnaxơ.

- Trong tháng 1 : Nguyễn Ái Quốc liên hệ với Văn phòng Thông tin của Cộng hoà Triều Tiên đặt tại Pari và được Văn phòng này đồng ý dành mọi điều kiện dễ dàng trong việc sử dụng tất cả những tài liệu, thông tin, tạp chí, đặc biệt là những sách báo tiếng Anh viết về vấn đề thuộc địa, trong đó có tờ Korea Review phát hành ở bang Philađenphia (Mỹ), do nhóm sinh viên người Triều Tiên phụ trách.

* Tháng 1- 1921

- Ngày 9 : Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh đi dự một buổi họp do Chi bộ Xã hội cách mạng tổ chức. Chi bộ này đã gia nhập Phân bộ Xã hội Cách mạng Quốc tế III. Buổi họp này diễn ra tại phòng Vagơram. Trong cuộc họp, Nguyễn Ái Quốc không phát biểu gì.

- Từ ngày 14 : Nguyễn Ái Quốc vào nằm tại Bệnh viện Côsanh để mổ một áp xe ở vai. Ca mổ được tiến hành ngày 19-1.

Ngày 20-1, đã có nhiều người vào thăm, trong đó có cả ông Vinhê Đốctông (Vigné d’Octon). Ngày 25-1, Nguyễn Ái Quốc nhờ một y tá mang một thư đi trao tận tay cho Võ Văn Toàn. Ngày 31-1, Phan Châu Trinh, Trần Tiến Nam, Võ Văn Toàn và Ba Sóc đã vào thăm Nguyễn Ái Quốc.

* Tháng 1- 1922

- Ngày 4 : Nguyễn Ái Quốc đã dự một buổi họp của Đảng Xã hội tổ chức tại số 99 đường Đờ la Giôngkie (De la Jonquière). Trong buổi họp này, Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo vắn tắt về đại hội tại Mácxây.

Trong ngày Nguyễn Ái Quốc đã tiếp Ba Sóc, một đồng bào của ông, ngụ tại số 14 đường Luynivécxitê.

Tại nơi ở của mình số 9 ngõ Côngpoanh, Nguyễn Ái Quốc đã nhận nhiều Bản điều lệ về việc mở một hợp tác xã trực thuộc Hội liên hiệp thuộc địa để thành lập một cơ quan tuyên truyền lấy tên là "Le Paria".

Nguyễn Ái Quốc còn nhận được một lá thư mời đến nhà Babuýt ở số 41 đường Mađờmoaden (Mademoiselle).

 - Ngày 17 : Nguyễn Ái Quốc dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phôbua có khoảng 180 người tới dự để nghe Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lêô Pônđét giới thiệu đề tài sẽ được tranh luận: "Những người thầy thuốc là một lũ lang băm hay những ân nhân của loài người?".

Sau khi nghe ý kiến của một số học giả, bác học đánh giá những đóng góp của thầy thuốc đối với nền y học và những điều còn đáng chê trách ở các thầy thuốc ngày nay, Nguyễn Ái Quốc xin phát biểu. Anh nói đại ý: Các thầy thuốc đã gây ra một ít điều ác thật, nhưng không thấm gì với tội ác của bọn tư bản. Chúng ta nên thể tình cho họ. Còn bọn tư bản thì không thể nào tha thứ được.

Hội trường rộn lên những tiếng xì xào, bình luận.

* Tháng 1- 1923

- Đầu năm

Nguyễn Ái Quốc viết bài cổ động cho báo Việt Nam hồn mà Người có ý định xuất bản và lưu hành trong những người Việt Nam sinh sống ở Pháp.

Bài cổ động được viết theo kiểu văn vần, toàn văn như sau: “Ở trong thế giới, ống nói, tàu bay. Việc lạ tin hay, ngày ngày thường có. Nào ai muốn rõ, phải có nhật trình. Mình ở gia đình, mắt soi vạn lý. Á, Âu, Úc, Mỹ, rút lại một tờ. Con trẻ đàn bà, ai ai cũng biết.

Một người nước Việt, khách địa làm ăn. Chẳng đọc Hán văn, không xem Pháp tự. Việc đời hay dở, lành dữ mặc ai. Tuy có mắt tai, cũng không nghe thấy. Phận mình đã vậy, phận nước thế nào. Anh chị đồng bào, có hay chăng nhẽ! Cũng vì nghĩ thế, tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc. Chẳng nói khó nhọc, dám kể công trình. Mong mỏi người mình, mở mày mở mặt.

Báo này sẽ đặt, tên Việt Nam hồn. Mỗi tháng hai lần, một lần trăm bản . Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chỉ.

            Mấy lời chung thuỷ, như bất tận ngôn

            Chúc Việt Nam hồn

            Vạn tuế, vạn vạn tuế.

Cắt gửi toa này cho ông Nguyễn Ái Quốc, nhà số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ, Pari, Quận 5. 

Tên tôi là …

Ở số nhà …

Tỉnh …

Gửi lại 12 quan để mua báo Việt Nam hồn 6 tháng. 

 

- Đầu tháng

+ Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Ban biên tập báo Le Paria về tình hình tài chính của báo. Người đã thống kê các nguồn thu từ ngày 1-4-1922 đến ngày 31-12-1922 bao gồm tiền quyên góp của các thành viên trong Ban biên tập, tiền ủng hộ báo, tiền bán báo dài hạn và bán lẻ, tổng cộng được 1.171 phrăng. Trong khi đó mọi khoản đã phải chi tới 2.845,40 phrăng. Người đề nghị các đồng chí đã hứa quyên góp phải giữ đúng lời hứa. Ngoài ra cần tăng số trang, dành một trang “đăng quảng cáo để tờ báo có thể sống được”, “Xtêphani hứa rằng từ số 13 sẽ không yêu cầu các đồng chí đóng góp nữa”.

Cuối báo cáo Người kêu gọi: “Hãy dũng cảm, có nghị lực và bắt tay vào việc”.

+ Nguyễn Ái Quốc đã viết truyền đơn cổ động, hô hào mọi người mua báo Le Paria. Sau khi nêu rõ mục đích của tờ báo, truyền đơn viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”.

Truyền đơn kêu gọi “Tất cả mọi người hãy đứng lên quanh lá cờ đỏ để chinh phục thế giới” và kết thúc bằng khẩu hiệu: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”.

- Ngày 3 : Nguyễn Ái Quốc nhận thư của Chi bộ Cộng sản số 12 vùng Xen mời họp tại Nhà Công đoàn, số 33 đường La Grănggiơ Ô Benlơ. Trong buổi họp, Mácxen Casanh và Môngmútxô đã phát biểu ý kiến.

- Ngày 8 : Nguyễn Ái Quốc đến gặp Phan Văn Trường tại một quán rượu trong ngõ Côngpoanh từ 16 giờ đến 17 giờ.

Nguyễn Ái Quốc đã lên án Chính phủ Poăngcarê chiếm cứ vùng Rua (Rhur), một việc làm mà “nhân dân vô sản trên thế giới không cho phép”.

Nguyễn còn nói thêm là cách thức phản động và đe doạ của Chủ tịch Hội đồng Pháp chỉ đem lại kết quả là gây phản ứng trong quần chúng thợ thuyền và có thể gây ra những hậu quả tai hại bất ngờ.

- Ngày 9 : Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Vực thẳm thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité. Bằng những số liệu cụ thể, tác giả tố cáo tội ác của thực dân Pháp ở các nước thuộc địa đã phung phí những số tiền lớn mà người dân thuộc địa “đã phải đổ mồ hôi, nước mắt mới kiếm ra được” đem chi cho “hết những điên rồ này đến những sự điên rồ khác” của chúng, như vậy việc cho Khải Định sang du ngoạn bên Pháp, cho cuộc triển lãm thuộc địa ở Mácxây, cho việc đi lại của các “quan toàn quyền”, v.v.. Mà tất cả những khoản tiền lớn đó, bọn chúng đều “gõ vào dân bản xứ”.

- Ngày 12 : Sau cuộc họp của Hội liên hiệp thuộc địa tại trụ sở báo Le Paria (số 3 phố Mácsê đê Patơriácsơ), Nguyễn Ái Quốc giữ Nguyễn Văn Ái và Trần Tiến Nam ở lại để bàn việc tổ chức Tết Nguyên đán Quý Hợi. Người giao nhiệm vụ chuẩn bị Tết cho hai người, với điều kiện là chi phí mỗi suất không quá 10 phrăng.

- Ngày 15 : Hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc: Những người bản xứ được ưa chuộng và Thư ngỏ gửi ông Lêông Ácsimbô (Léon Archimbaud) , đăng trên báo Le Paria, số 10.

Trong bài Những người bản xứ được ưa chuộng, tác giả giễu cợt: Những người dân bản xứ nếu còn sống sót sau Đại chiến thế giới thứ nhất, đều “có thể tự hào rằng vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm  tin của mình nữa”, thì bây giờ đây họ lại đang “hoặc là được thích ứng hoặc là được thích thú” cho những thị hiếu của các “cô nàng da trắng” hay “các bà đầm xinh đẹp” và “các cửa hàng thời trang lớn ở Pari… sẽ tung ra những kiểu vải thuộc địa và kiểu quần áo thuộc địa”, với đủ thứ tên như Thị Ba, v.v..

Bài báo nhại theo câu mở đầu bài Quốc ca Pháp: (“Hỡi những người con của Tổ quốc! Ngày vinh quang đã tới rồi!”) để kết thúc bài viết bằng lời kêu gọi mỉa mai: “Hỡi những người con của thuộc địa! Ngày vinh quang đã tới rồi”.

Trong Thư ngỏ gửi ông Lêông Ácsimbô, tác giả đã vạch trần và lên án những hành vi bất công, những chuyện xấu xa bỉ ổi, những việc làm khinh rẻ coi thường dân thuộc địa của bọn thực dân Pháp; và chất vấn Lêông Ácsimbô về những điều đã biện bạch cho những tội ác ấy khi ông ta đọc diễn văn tại Hạ nghị viện và khi viết bài đăng trên báo Le Rappel .

- Ngày 18 : Nguyễn Ái Quốc dự kỳ họp hằng tháng của tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa. Dự họp có Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Trần Tiến Nam, Toàn Hải (con trai của Nguyễn Văn Vĩnh). Ngoài ra còn có 10 người da đen, 2 người da trắng và 2 phụ nữ.

- Ngày 19 : Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Sự liêm khiết thực dân, đăng trên báo La Vie Ouvriève. Tác giả trích dẫn những tin tức đăng trên tờ Journal Officiel 5) chung quanh vụ ngành bưu điện Pháp đã gian lận, biển thủ những ngân phiếu của nhiều lính châu Phi gửi cho gia đình trong thời kỳ chiến tranh, để minh chứng cho sự “liêm khiết” thực dân.

Mượn lời của bản tin và cũng là câu hỏi của tác giả bài viết “ở trong một ngành nào đó, đôi khi có thể có một vài viên chức gian tham, song rất ít khi lại có cả một ngành suốt từ trên xuống dưới nhiễm phải bệnh ăn cắp đến như vậy; điều kỳ lạ hơn nữa là tại sao tất cả bọn ăn cắp ấy lại có thể hoành hành được trong khi mấy năm ròng mà vẫn được bình yên vô sự".

* Tháng 1- 1924

- Ngày 1 : Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, đăng trên báo L'Humanité. Bài báo nêu lên kết quả của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ là đã giành lại được nền độc lập, đã dựng lên một nước cộng hoà thống nhất và mạnh mẽ, nhưng giai cấp tư sản nước này đã đoạt lấy mọi thành quả. "Giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ, người đã đóng góp rất nhiều vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì từ bây giờ đã thấy bắt buộc phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác: cuộc đấu tranh giai cấp".

Trong cuộc đấu tranh này, như tác giả bài báo viết, "Giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến được một bước đầu tiên. Nhất định họ sẽ còn tiến nữa".

- Ngày 4 : Bài Tình cảnh nông dân Trung Quốc, ký tên Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo La Vie Ouvrière, trình bày những kiến giải của tác giả về kết cấu giai cấp ở nông thôn Trung Quốc, hình thức bóc lột ruộng đất, tác động phân hoá do sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài, đặc biệt là nỗi khổ cực của bộ phận nông dân nghèo chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nông dân Trung Quốc.

Kết luận bài báo, Nguyễn Ái Quốc nêu trách nhiệm của những người cộng sản Trung Quốc: "Muốn xoá bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu Tất cả ruộng đất về tay nông dân ».

- Sau ngày 21 : Tin Vlađimia Ilích Lênin từ trần làm cho những người cộng sản và nhân dân lao động toàn thế giới tiếc thương vô hạn.

Điều mong ước của Nguyễn Ái Quốc muốn gặp Lênin không thực hiện được. Sau này, có lần Người đã kể lại sự kiện đau buồn đó: "Vào một ngày tháng 1-1924, chúng tôi đang ăn bữa sáng tại quán cơm ở tầng dưới khách sạn thì được tin Lênin mất. Không ai muốn tin điều đó, nhưng khi ngoảnh lại, chúng tôi thấy lá cờ của Xôviết Mátxcơva đã bỏ rủ. Một sự xúc động lớn xâm chiếm tâm hồn chúng tôi, bữa ăn bị bỏ dở, vì không ai thấy đói nữa: Lênin đã mất. Thế là tôi chưa được gặp Lênin và đó là một điều ân hận lớn trong đời tôi. Khi tôi đến nước Nga, Người đã ốm nặng và đang chữa bệnh ở Goócki, cho nên không đến thăm được".

- Ngày 23 : Nguyễn Ái Quốc cùng một số học sinh Trường đại học Phương Đông tham dự lễ tang Lênin do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức.

- Ngày 25 : Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Phong trào công nhân ở Viễn Đông, đăng trên báo La Vie Ouvrière. Bài báo đề cập đến cuộc đấu tranh của công nhân Ôxaca, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Nhật. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp công nhân Nhật đã có thái độ ủng hộ tích cực, tuyên bố sẽ đình công hưởng ứng và sẽ dùng mọi cách giúp đỡ các đồng chí của họ đang đấu tranh. Cuộc đấu tranh của công nhân Nhật đã thu được những kết quả bước đầu và thực sự khiến bọn chủ hoảng sợ. Chúng buộc phải đối phó bằng nhiều thủ đoạn. Song tất cả những âm mưu đó đều không mang lại kết quả.

Tình hình đó, như tác giả bài báo nhận xét, chứng tỏ những nét mới trong phong trào công nhân ở Viễn Đông.

- Ngày 27 : Bài viết của Nguyễn Ái Quốc nhan đề Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên báo Pravđa của Liên Xô.

Với tình cảm chân thành và niềm xúc động mạnh mẽ, Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ ý nghĩa vĩ đại của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Lênin đối với vấn đề dân tộc thuộc địa. Thể hiện sâu sắc tình cảm của nhân dân bị áp bức ở phương Đông và ở các thuộc địa đối với Lênin, bài báo có đoạn viết: "... Từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó gọi là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin...".

"Họ còn được biết rằng người lãnh tụ vĩ đại này sau khi giải phóng nhân dân mình, còn muốn giải phóng các dân tộc khác nữa. Người đã kêu gọi các dân tộc da trắng giúp đỡ các dân tộc da vàng và da đen thoát khỏi ách áp bức của bọn rumi, của tất cả bọn rumi: toàn quyền, công sứ, v.v.. Và để thực hiện mục đích ấy, Người đã vạch ra một cương lĩnh cụ thể".

"Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội".

"Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".

- Trong tháng 1 : Hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria, số 22.

Bài thứ nhất: Ông Anbe Xarô và Bản tuyên ngôn nhân quyền, ký tên N.

Bài viết vạch trần luận điệu xảo trá trong diễn văn của Anbe Xarô đọc tại Trường Thuộc địa khi nói đến "nhân quyền". "Nhà ảo thuật tu từ học" ấy trơ trẽn tuyệt vời, lại dám nói đến văn bản thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp. Theo tác giả, đây "không còn là một sự giả nhân giả nghĩa nữa. Đây là một tội "đại bất kính"".

Bài thứ hai: Châu Phi phải được tự trị, dưới ghi: Nguyễn Ái Quốc dịch từ The Manchester guardian. Bài viết giới thiệu về Đại hội III Ban Chấp hành Liên Phi họp ở Luân Đôn (London) và ở Lixbon (Lisbone). Sau khi nêu rõ những yêu sách chính đáng, cấp bách và không thể nhượng bộ được của nhân dân châu Phi, bài báo kết luận: "Sau hết, chúng tôi yêu cầu toàn nhân loại hãy coi người da đen như những con người. Chúng tôi cho rằng không có con đường nào khác để tiến tới hoà bình và tiến bộ. Còn gì ngược đời cho bằng trong thế giới ngày nay, vị quốc trưởng một nước lớn châu Phi đang mù quáng ra sức thiết lập hoà bình và hoà hợp ở châu Âu, lại chà đạp không thương xót dưới gót giày mình hàng triệu người da đen ở lục địa Phi châu!".

* Tháng 1 - 1925

- Đầu năm

Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị, tổ chức tại nhà số 13 và 13/1 đường Văn Minh, nay là số 248 và 250 đường Văn Minh (Quảng Châu, Trung Quốc). Phần lớn học viên là những thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, cũng có một vài người là tú tài nho học.

Chương trình học rất phong phú, có thể chia làm ba loại vấn đề: cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam và phương pháp vận động cách mạng. Các bài giảng về cách mạng thế giới, đã so sánh cách mạng Nga với các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp. Về cách mạng Việt Nam, các bài giảng đã phân tích sự áp bức bóc lột của đế quốc Pháp đối với nhân dân Việt Nam, chỉ ra lực lượng đấu tranh chủ yếu để đánh đổ đế quốc thực dân và phong kiến là công nông. Có nhiều đoạn phê phán các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hồi đầu thế kỷ do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo. Về phương pháp vận động cách mạng, có các bài về tuyên truyền, tổ chức, vận động các giới đồng bào như công nông, trí thức, phụ lão, phụ nữ...

Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khoá học. Người lấy tên là Vương. Các giảng viên ngoài "đồng chí Vương" và Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn,... còn có một số cán bộ trong đoàn cố vấn của Liên Xô lúc đó công tác ở Trung Quốc và một số cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc như Bành Bái (giảng về công tác nông vận),... Sau mỗi lần giảng, học viên chia tổ thảo luận. Mỗi người nhắc lại điều mình hiểu, các đồng chí khác bổ sung, cho đến lúc nắm vững toàn bài mới thôi.

Lớp học còn ra một tờ "bích báo" đăng bài của học viên. Có khi còn tổ chức diễn các vở "kịch cương", sinh hoạt văn nghệ hoặc tham quan Trường quân sự Hoàng Phố, thăm mộ 72 liệt sĩ ở đồi Hoàng Hoa Cương, những người đã hy sinh trong các cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc.

- Ngày 5 : Nguyễn Ái Quốc gửi cho một cán bộ trong Quốc tế Cộng sản bức thư sau đây:

Đồng chí thân mến,

Quốc dân Đảng Đông Dương vừa được thành lập vào ngày 3 tháng này với 3 đảng viên lúc bắt đầu.

Một người sẽ được phái đi Trung Kỳ và Lào. Một người khác (chưa phải là đảng viên) sẽ được phái đến Bắc Kỳ để lấy 5 người đi Quảng Châu học cách làm công tác tổ chức.

Tôi nghĩ có thể tìm nam thanh niên để gửi đi học ở Trường đại học Mátxcơva. Xin đồng chí vui lòng cho biết có thể cho tôi gửi bao nhiêu sinh viên.

Đồng thời, tôi xin đồng chí chỉ thị cho các đồng chí Nga ở đây cũng nhận trách nhiệm về các công việc của Đông Dương bởi vì có một mình, tôi không thể làm quá nhiều việc được.

Quảng Châu ngày 5-1-1925

Chào cộng sản

N.A.Q. 

- Sau ngày 5 : Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi một đồng chí làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Mở đầu, bức thư đặt vấn đề "nếu đồng chí đồng ý cho tôi gửi ngay một hoặc hai sinh viên thì điều đó sẽ cho phép tôi tuyên truyền tốt, và nói rằng cách mạng Nga đang và sẽ có thể làm gì cho dân chúng thuộc địa".

Nguyễn Ái Quốc trách rằng: "đồng chí ngần ngại cho tôi vay tiền" để: có được một cơ sở trong nước, có người sẵn sàng làm tuyên truyền viên, thực hiện việc tuyên truyền đến nơi đến chốn và bắt đầu ngay công tác tổ chức và làm những công tác khác nữa...

Người viết: "Không có tiền, tất cả những điều đó đều không thể làm được. Vì thế tôi muốn đề nghị đồng chí cấp cho một quỹ nào đó". Người nêu rõ hiện đang mắc nợ trên 350 đôla cho công tác đầu tiên, nên phải làm việc ít ra là 5 tháng để trả nợ. "Ở điều kiện đó, tôi sẽ không có thời giờ, không có tiền để làm công tác khác".

Cuối thư viết: "Tôi rất hy vọng đồng chí sẽ ủng hộ yêu cầu của tôi".

- Ngày 10: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản nhắc lại những vấn đề đã nêu trong thư gửi ngày 5-1-1925 về Quốc dân Đảng Đông Dương và hỏi có thể nhận bao nhiêu sinh viên An Nam vào Trường đại học Cộng sản ở Mátxcơva.

- Trước ngày 21: Nhân kỷ niệm một năm ngày V.I.Lênin qua đời, Nguyễn Ái Quốc đã viết bài Lênin và các dân tộc thuộc địa, đăng trên Tạp chí Đỏ (Liên Xô) số 2 năm 1925.

Bài viết nêu bật những cống hiến lớn lao của Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc thuộc địa. Kết luận bài báo, tác giả viết: "Trong lịch sử cuộc đời khổ đau và bị mất quyền của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức". 

* Tháng 1- 1926

- Ngày 6: Nhân Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Quốc họp tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã gửi một bức thư đến đại hội. Bức thư ký tên Lý Thuỵ, toàn văn như sau:

"Kính gửi Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Xin thưa, tệ nhân là một người An Nam mất nước phải lưu vong bôn ba đến chốn này. May thay gặp lúc quý hội họp đại hội, tuyên bố viện trợ cho công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới, không nén nổi sự vui mừng. Song "muốn bốc thuốc, trước hết phải biết bệnh". Cho nên, tệ nhân yêu cầu quý hội cho phép đến hội nghị để bộc bạch tình cảnh đau khổ của đất nước kém cỏi chúng tôi, mong những người muốn giúp chúng tôi tiện nghiên cứu để tìm phương châm. Nước tôi sẽ may mắn biết bao! Cách mạng sẽ may mắn biết bao! Trước khi ngừng lời, xin kính chúc:

Cách mạng Trung Quốc muôn năm!

Quốc dân Đảng Trung Quốc muôn năm! .

Lý Thuỵ

Ngày 6 tháng 1 Trung Hoa dân quốc năm thứ 15

Địa chỉ liên lạc: Sứ quán Bôrôđin, ngài Trương Xuân Mộc  chuyển".

- Ngày 13: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, cho biết Người đã nhiều lần viết thư cho các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch đề nghị gửi cho các tài liệu về nông dân viết bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh để phục vụ tập san Nông dân sắp xuất bản, nhưng cho đến nay vẫn không nhận được gì cả. Bức thư có đoạn viết: "Tôi sẽ rất cảm ơn các đồng chí nếu gửi cho tôi nhật báo của Quốc tế Nông dân từ số 1 cho tới số hiện nay bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh, để tôi có thể dịch sang tiếng Trung Quốc dùng cho việc tuyên truyền của chúng tôi".

Cuối thư ký tên: Nilốpxki (N.A.Q) 

- Ngày 14: Nguyễn Ái Quốc với bí danh Vương Đạt Nhân được Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân Đảng Trung Quốc mời đến dự và phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 9 của đại hội.

Chủ tịch phiên họp là Uông Tinh Vệ - Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Trung ương Quốc dân Đảng Trung Quốc, đã mời Nguyễn Ái Quốc lên phát biểu và mời Lý Phú Xuân làm phiên dịch (vì Người phát biểu bằng tiếng Pháp).

Sau lời chào mừng và cảm ơn sự hoan nghênh của đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra rất nhiều sự thật để tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam trong hơn 60 năm qua, đối với Hoa kiều ở Việt Nam. Chúng đàn áp dã man cách mạng Việt Nam và cũng sợ cả cách mạng Trung Quốc nên đã tìm mọi cách công kích phá hoại Chính phủ cách mạng Quảng Châu.

Cuối cùng, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: "Tất cả các dân tộc bị áp bức đều cùng chịu sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc, chúng ta cần phải cùng nhau liên hiệp lại, đánh đổ đế quốc Pháp, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc trên thế giới... Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta".

Bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc đã được đại hội hoan nghênh nhiệt liệt.

- Ngày 17: Nguyễn Ái Quốc viết bài Báo chí bình dân để trả lời những lời phàn nàn nhiều lần rằng "các bài báo của ta quá thiếu trau chuốt để có thể gây ảnh hưởng đến tâm trí dân chúng". Bài viết có đoạn:

"Chúng tôi xin báo với các độc giả của mình rằng chúng tôi bất chấp (xem thường) việc sử dụng những từ mỹ miều, văn phong lịch lãm, câu chữ đong đưa, nhịp câu đăng đối song hành, những sự tô vẽ văn chương mà các nhà nho ham chuộng. Nhưng ngược lại chúng tôi gắng sức, vì lợi ích của tất cả mọi người, dùng một văn phong sáng sủa, chính xác và dễ hiểu.

Vì mục đích của chúng tôi là: 1. Đánh trả sự tàn bạo của người Pháp; 2. Khích lệ dân tộc An Nam kết liên lại; 3. Làm cho họ thấy được nguyên nhân những đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu.

Tiếng đàn cầm chắc chắn hay hơn tiếng kẻng; nhưng trước mối hoạ đang đe doạ chúng ta, tốt nhất là đánh kẻng còn hơn gẩy đàn".

- Ngày 21 : Nhân kỷ niệm ngày mất của Lênin, Nguyễn Ái Quốc viết bài nhan đề Lênin và phương Đông, đăng trên báo Gudok, Cơ quan ngôn luận của ngành giao thông vận tải Liên Xô, xuất bản ở Mátxcơva.

Bài báo phê phán các lãnh tụ Quốc tế thứ II đã không đồng tình với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa. Họ luôn luôn nhất trí với chính sách đế quốc mà bọn tư bản thực hiện ở các thuộc địa. Ngược lại, "Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa".

Một lần nữa, Nguyễn Ái Quốc khẳng định những đóng góp lớn lao của Lênin đối với phong trào giải phóng dân tộc, và kết luận: "Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch, Lênin đã thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử cuộc đời đau khổ và bị mất quyền của họ, là tượng trưng cho một tương lai mới, xán lạn".

* Tháng 1- 1928

- Sau ngày 5 : Nguyễn Ái Quốc nhận được thư trả lời của Đômban, Phó Tổng thư ký Quốc tế Nông dân. Trong thư, Đômban cho biết không thể cung cấp cho Nguyễn Ái Quốc một kế hoạch cụ thể về công tác vận động nông dân vì không biết rõ lắm tình hình nông dân và vấn đề ruộng đất ở Đông Dương.

Đômban lưu ý Nguyễn Ái Quốc, trong thời gian đầu phải chú ý đặc biệt vào công tác vận động nông dân ở các tỉnh giáp với Quảng Đông, việc tổ chức những hội nông dân bằng nhiều hình thức như viết sách, in truyền đơn, thành lập những nhóm tuyên truyền.

Đômban đề nghị Nguyễn Ái Quốc gửi cho tất cả những tư liệu thu thập được về vấn đề ruộng đất ở Đông Dương từ các nguồn sách vở, từ những quan sát cá nhân hoặc từ những cuộc điều tra nông thôn. Các tài liệu gửi cho Đômban theo địa chỉ:

“Noi Đoócphơ, Béclin W.10, Lútsô Uphe N.1.

(Neues Dorf, Berlin W10, Lutzowufer N.1)

* Khoảng đầu năm 1929

Từ Uđon, Nguyễn Ái Quốc đến Sacôn, nơi có đông Việt kiều hơn ở Uđon và các tổ chức cách mạng cũng ra đời từ lâu.

Ở Sacôn, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng để mở rộng phong trào. Ngoài việc dịch sách và huấn luyện thanh niên, hằng ngày Người tổ chức cho cán bộ học tập và nghiên cứu về tình hình thế giới, tình hình trong nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin, chú ý nhiều hơn việc giáo dục cán bộ về công tác quần chúng và công tác bí mật.

Kiều bào ở đây, một số theo đạo Thiên Chúa, một số theo đạo Phật, một số thờ Đức thánh Trần, nói chung còn chậm tiến và mê tín. Thấy bà con đau ốm lại chữa bệnh bằng cúng bái, Nguyễn Ái Quốc vận động lập tủ thuốc chung và mời thầy thuốc đến khám bệnh. Người viết bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát, kể rõ sự tích đánh giặc cứu nước của vị anh hùng dân tộc để giáo dục lòng yêu nước cho kiều bào. Bài ca có đoạn:

Diên Hồng thề trước thánh minh

Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành

Nếu ai muốn đến giành đất Việt,

Đưa dân ta ra giết sạch trơn,

Một người dân Việt hãy đương còn,

Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.

Người còn viết nhiều vở kịch thường lấy đề tài lịch sử, bày cho bà con cách diễn kịch và đôi khi cũng tham gia diễn.

Một thời gian dài Nguyễn Ái Quốc ở ngay tại hiệu thuốc của Đặng Văn Cáp và đã tranh thủ học nghề thuốc, nắm được những hiểu biết cơ bản về thuốc và chữa bệnh. Có lần đã bốc thuốc cho một cán bộ bị ốm và người này đã khỏi bệnh. Người còn tìm ra cây hy thiêm mọc trong vùng, chữa được chứng bệnh phong thấp.

Thỉnh thoảng, Người cùng với một số cán bộ, cũng khăn gói tay đẫy đi buôn để gây quỹ cho tổ chức.

* Tháng 1- 1930

- Một buổi chiều ngày đầu tháng: Nguyễn Ái Quốc đến Thượng Hải (Trung Quốc) hẹn gặp Nguyễn Lương Bằng. Người dẫn đồng chí Bằng đi dạo quanh mấy phố, hỏi han về tình hình công nhân, binh lính, về chỗ ở và tình hình hoạt động của đồng chí Bằng, đã bị lộ chưa. Người căn dặn đồng chí Bằng: "Tôi ở đây chỉ vài ngày... Hôm nay chỉ cốt gặp nhau thôi, hẹn hôm sau nói chuyện lâu. Đồng chí công tác cố gắng đấy, nhưng phải cẩn thận. Nó đang khủng bố riết". Buổi sáng hôm sau, yheo lời hẹn, Nguyễn Ái Quốc gặp Nguyễn Lương Bằng tại một căn buồng thuê vào hạng rẻ tiền trong một khách sạn ở Thượng Hải. Người mời đồng chí Bằng ở lại ăn cơm để có thời gian trò chuyện. Người dặn đồng chí Bằng: "Hoạt động trong binh lính phải rất thận trọng. Anh em hăng nhưng trong tay sẵn có vũ khí thì dễ manh động".

- Đầu tháng:

+ Nguyễn Ái Quốc viết thư cho Nguyễn Lương Bằng, hẹn đến thư viện ở đường Nam Kinh. Cuối thư có câu: "Đến thư viện phải ăn mặc tươm tất, đi vào phải cho êm". Khi đến thư viện, đồng chí Bằng mới hiểu hết ý nghĩa dặn dò trong thư của Nguyễn Ái Quốc và được chỉ dẫn thêm: "Phong trào bây giờ lên khá cao, công việc của đồng chí thì nhiều, một mình làm không xuể. Phương tiện cũng ít ỏi. Muốn đẩy mạnh công tác, phải có sự giúp đỡ của Đảng anh em. Người cộng sản bất kỳ hoạt động ở nước nào cũng phải chịu sự lãnh đạo của Đảng ở đấy" .

+ Nguyễn Ái Quốc liên lạc được với cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Hồng Kông và được sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc.

- Khoảng giữa tháng: Tại cơ quan bí mật của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc tiếp Nhiêu Vệ Hoa. Người thông báo về mục đích chuyến công tác là để thống nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản.

- Cuối tháng: Tại nơi ở của mình, Nguyễn Ái Quốc tiếp Lý Phú Xuân và Thái Sướng đến thăm.

* Tháng 1-1931

- Ngày 24: Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu Phong trào cách mạng ở Đông Dương (bằng tiếng Anh), ký tên Vícto. Bài viết tổng kết tình hình năm 1930 bằng những số liệu cụ thể, trong đó Người thống kê, phân tích, phân loại các cuộc đấu tranh liên tiếp của các tầng lớp nông dân, công nhân, học sinh, phụ nữ... Đông Dương.

Người tố cáo những tội ác của đế quốc Pháp trong "Khủng bố trắng" như: bắt giết hàng loạt người, đốt phá, huỷ diệt nhiều làng mạc và cả những thủ đoạn gây hỏa hoạn, bỏ thuốc độc xuống giếng nước để khủng bố những địa phương có phong trào cách mạng.

Người kết luận: “Tình hình Đông Dương là như thế. Nhiệm vụ cấp thiết của giai cấp vô sản thế giới - đặc biệt là giai cấp vô sản Pháp - là chìa bàn tay hữu nghị anh em và giúp đỡ tới Đông Dương, để chứng tỏ tình đoàn kết thực sự và tích cực của họ, Đông Dương bị áp bức và cách mạng cần điều ấy!”.

- Ngày 27: Nguyễn Ái Quốc gửi thư báo cáo Quốc tế Cộng sản về việc đón nhận 11 đồng chí bị Chính phủ Xiêm trục xuất về Sơn Đầu (Trung Quốc), việc bồi dưỡng sức khoẻ, huấn luyện thêm về chính trị và giao công tác cho họ. Người viết:“Tôi là người chịu trách nhiệm ở đây, nên không thể để mặc họ chết đói hoặc chết rét...”.

* Ngày 26- 1- 1932

 - : Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc do Toà án tối cao Hồng Kông chuyển lên, Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh ở Luân Đôn đã nhận được.

* Tháng 1- 1933

- Ngày 12: Nguyễn Ái Quốc quyết định đi Anh, không chờ chính quyền Anh trả lời, nhưng đến Xinhgapo thì cảnh sát tại đây được nhà cầm quyền Hồng Kông báo trước, không cho Nguyễn Ái Quốc lên bờ, bắt quay trở lại Hồng Kông.

- Ngày 15: Nguyễn Ái Quốc trên đường từ Xinhgapo trở lại Hồng Kông.

- Ngày 19: Nguyễn Ái Quốc cập bến Hồng Kông và bị cảnh sát Hồng Kông bắt lại.

Cùng ngày, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi luật sư Lôdơbi báo tin mình lại bị giam giữ và yêu cầu luật sư can thiệp. Thống đốc Hồng Kông chỉ thị cho cảnh sát ngay đêm 19 tháng 1 phải trả lại tự do cho Người.

- Ngày 22: lúc 17h 00 Nguyễn Ái Quốc cải trang như một thương gia giàu có, bí mật cùng người thư ký riêng của luật sư Lôdơbi rời khỏi Hồng Kông trên một chiếc xuồng không phải của chính quyền, đưa Người ra khơi để lên tàu Anhui như một hành khách đến muộn. Kế hoạch này được Thống đốc Hồng Kông giao cho một trợ lý giám thị cảnh sát thực hiện theo cam kết mà chính quyền Hồng Kông đã thoả thuận.

- Ngày 25 : Nguyễn Ái Quốc đến Hạ Môn.

- Từ ngày 25: Nhận lời mời của một số người bạn, Nguyễn Ái Quốc lưu lại ở Hạ Môn qua Tết âm lịch để vừa tìm cách bắt liên lạc với tổ chức, vừa tránh sự theo dõi của mật thám.

*  Tháng 1- 1935

- Ngày 16: Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông, ký tên Lin, nêu lên tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đại đa số cán bộ Đảng Cộng sản ở Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia... và những vấp váp, sai lầm, bế tắc của họ do “trình độ lý luận và chính trị rất thấp” gây nên.

Người yêu cầu Ban Phương Đông “phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có” và nêu tên 30 loại sách, tài liệu cần xuất bản viết về các vấn đề sau đây: Tuyên ngôn Cộng sản, Đảng Cộng sản và tổ chức của Đảng, Lịch sử Quốc tế Cộng sản, Luận cương và Nghị quyết về vấn đề thuộc địa của Quốc tế Cộng sản... Theo Người, đó là “biện pháp duy nhất có hiệu quả” để nhanh chóng chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận cách mạng nói trên. Kết luận, Người nhấn mạnh, đối với những đồng chí ở các nước thuộc địa như Đông Dương, mà ở đây Đảng hoạt động bất hợp pháp và trình độ văn hoá của những người lao động còn thấp, thì những quyển sách nhỏ này rất có ích.

* Tháng 1- 1937

- Sau ngày 17: Nguyễn Ái Quốc (Lin) là một trong 21 người được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa mở cho một số cán bộ, giảng viên, phiên dịch viên của Viện, nhằm đào tạo các giảng viên có trình độ cao cho các khoa kinh tế, lịch sử...

- Sau ngày 17: Nguyễn Ái Quốc lập Kế hoạch cá nhân của nghiên cứu sinh  trong biên chế Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản) với một số chỉ tiêu, thời hạn:

1. Họ và tên nghiên cứu sinh: LIN.

2. Thời gian thực hiện kế hoạch này: từ 1-I-1937 đến 31-XII-1937.

3. Công trình nghiên cứu sinh phải hoàn thành, nộp trong thời hạn trên.

I - Kế hoạch học tập năm thứ nhất

1. Triết học hoàn thành:

31-XII

2. Lịch sử cổ đại và trung đại:

1-VII

3. Lịch sử cận đại:

1-I / 31-XII

4. Tiếng Nga:

31-XII

II - Công việc tại phòng (Đông Dương)

1. Tình cảnh của nông dân Đông Dương: 1-IV / 1-VI

2. Lập hồ sơ báo chí: Theo quá trình tích luỹ tư liệu.

Ngoài định mức

Dịch: a/ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

         b/ Lênin “Bệnh ấu trĩ tả khuynh”

 

4. Địa chỉ và điện thoại của nghiên cứu sinh:

Phố Bansaia Brônnaia, nhà số 6a, phòng 417.

* Đầu năm 1939: Với bí danh Hồ Quang, Nguyễn Ái Quốc đến Trùng Khánh. Người ở tại Văn phòng Bát lộ quân Trùng Khánh đặt tại thôn Hồng Nham. Người thường đến thăm Chu Ân Lai, một đôi lần gặp cả Franklin Lien Ho ở đó.

* Tháng 1- 1941

- Ngày 1: Nguyễn Ái Quốc ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc).

- Khoảng ngày 5: Đồng chí Lôi (Hoàng Văn Thụ) được Thường vụ Trung ương cử sang Tĩnh Tây gặp Nguyễn Ái Quốc để báo cáo tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện, việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương lần thứ tám và đề nghị Người nên về nước theo hướng Cao Bằng vì trình độ giác ngộ của nhân dân vùng biên giới này cao, cán bộ lãnh đạo ở đây khá vững vàng.

- Khoảng ngày 6: Nguyễn Ái Quốc cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm đưa đi dọc theo đường Long Lâm qua Nậm Bo xuống Nậm Quang, một làng ở sát biên giới Việt - Trung.

- Đầu tháng:

+ Tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Cộng sự của Người có Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính, nhằm chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc rộng rãi ở nước ta:

+ Tình hình thế giới và trong nước.

+ Tổ chức đoàn thể quần chúng.

+ Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng.

(Các tài liệu huấn luyện do Người tổ chức biên soạn, sau in litô thành sách nhan đề Con đường giải phóng).

+ Sau hôm khai giảng lớp chính trị, Nguyễn Ái Quốc cùng tất cả các học viên đi lấy củi giúp dân. Ngay từ những ngày đầu của lớp học, Người căn dặn học viên kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân:

Năm điều nên làm là:

1. Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày.

2. Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng.

3. Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân.

4. Tuỳ nơi, tuỳ lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp.

5. Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật; do đó dân càng tin và giúp ta.

Năm điều nên tránh là:

1. Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân.

2. Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được.

3. Tránh sai lời hứa.

4. Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân.

5. Tránh lộ bí mật.

- Ngày 26 (29 Tết âm lịch, tháng Chạp (thiếu), năm Canh Thìn) : Kết thúc lớp huấn luyện chính trị gần một tháng, Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị về nước.

- Ngày 27 (mồng 1 tháng Giêng năm Tân Tỵ) : Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong cơ quan đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Người mặc bộ quần áo Nùng mầu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Người đi thăm hỏi từng gia đình. Theo phong tục người Nùng ở đây, Nguyễn Ái Quốc tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều, trên đó Người viết dòng chữ Hán “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ nhận được tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng.

- Ngày 28 : Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.

* Tháng 1 - 1942

- Ngày 1 : Bài thơ Chúc năm mới của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập:

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,

Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:

Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!

Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!

Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!

Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!

Chúc toàn quốc ta trong năm này,

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!

Năm này là năm rất vẻ vang,

Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Cùng trong số báo trên, qua bài Năm mới, công việc mới, Người nêu tình hình thế giới và nước ta trong năm qua (1941), dự đoán tình hình thế giới năm nay (1942) và khẳng định rằng: “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua”. Đó là thời cơ nước ta giành được độc lập, tự do. Vì vậy, mọi người phải chuẩn bị và “mau đoàn kết lại!”.

+ Nguyễn Ái Quốc với bí danh Thu Sơn trong bộ quần áo Nùng bạc màu, đầu đội mũ vải, lưng đeo túi vải, chân đi đôi hài bằng rơm, tay chống gậy, chuyển đến ở nhà đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) tại châu Nguyên Bình trong một số ngày.

- Khoảng đầu năm : Nguyễn Ái Quốc mở lớp chính trị tại hang Kéo Quảng (xã Gia Bằng) thuộc châu Nguyên Bình (Cao Bằng) là châu “Việt minh hoàn toàn”. Sau mỗi bài giảng, Nguyễn Ái Quốc thường giải đáp những thắc mắc do học viên nêu ra. Người nói: “...Đánh giặc phải có căn cứ địa... Sau này khởi nghĩa đánh đế quốc Pháp - Nhật, ta cũng phải lấy núi rừng làm căn cứ địa. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Toàn dân đoàn kết, cả miền xuôi, miền núi đoàn kết, thì ta nhất định thắng”.

- Ngày 21 : Bài 10 điều nên của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập, Người yêu cầu mỗi một hội viên Việt Minh cần thực hiện:

1. Nên giữ bí mật cho Hội.

2. Nên hết sức trung thành với Hội.

3. Nên tuyên truyền mục đích của Hội.

4. Nên ra sức tìm hội viên mới.

5. Nên ra sức làm việc cho Hội.

6. Nên nộp hội phí cho đúng kỳ.

7. Nên giúp đỡ lẫn nhau.

8. Nên gắng sức học hành.

9. Nên đọc sách báo của Hội.

10. Nên ủng hộ báo của Hội.

- Ngày 1 : Bài Ca đội tự vệ của Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Việt Nam độc lập, kèm theo lời hướng dẫn “cách hát” của Người. Bài ca gồm hai đoạn:

          I

          II

Gươm dao ta

Sắp hàng ra

Đem mài đi

Xung phong lên!

Mài cho bén

Người ta đông.

Mài cho sắc

Chí ta bền

Nhật ta đâm

Việc giải phóng

Tây ta chặt.

Nhất định nên.

 

Cách hát:

+ Chia người làm hai tổ: bốn câu trên, tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ thì phụ nữ là tổ A); tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN, phải hát dài như BE-ÉN, SA-ẮC, ĐÔ-ÔNG, BÊ-ỀN.

+ Hai câu sau cùng thì cả hai tổ đều hát với nhau, chữ CHẶT và chữ NÊN thì phải hát rất mạnh.

Ví dụ: Tổ A hát: Gươm dao ta

           Tổ B hát: Gườm dào tà.

Cùng số báo trên còn đăng bài viết của Người nhan đề Nên học sử ta. Mở đầu bài viết, Người chỉ rõ:

“Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Bài viết còn khái quát trang sử vẻ vang của dân tộc đối với những chiến công và gương các anh hùng dân tộc. Phần kết của bài viết, Người nêu bài học: “Sử ta dạy cho ta bài học này:Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

* Tháng 1-1943: Hồ Chí Minh bị giải đến nhà ngục Quế Lâm, Người viết các bài thơ: bài 105: Đáo Quế Lâm (Đến Quế Lâm); bài 106: Nhập lung tiền (Tiền vào nhà giam).

* Đầu năm 1944

- Bài Chào xuân, đăng trên báo Đồng minh, số Xuân Giáp Thân nhìn lại tình hình thế giới trong năm qua để đoán định triển vọng năm mới: Từ xuân năm ngoái, quân các nước Đồng minh đã đứng vào chủ động. Quân các nước Trục - Tâm đứng về bị động. Tình hình trên diễn ra ở khắp mặt trận, đặc biệt ở Mặt trận Đức - Nga. Quân Nga thắng khắp nơi, đặc biệt trong trận giải vây thành Xtalingrát “đuổi quân Đức chẳng những ra khỏi đất Nga, mà lại vào sâu gần 60 cây số trong nước Ba Lan”. Ở mặt trận Địa Trung Hải, châu Phi, Thái Bình Dương, quân Đồng minh cũng thắng trận.

“Đoán trước để xét sau, xem sự chuyển biến nói trên, thì chúng ta có thể nói rằng: Xuân này sẽ là một Xuân thắng lợi cho mặt trận phản xâm lược”. Muốn thế “chúng ta phải gắng sức công tác”.

Kết luận: “Rót cốc rượu Xuân, mừng cách mạng.

  Viết bài chào Tết, chúc thành công!”.

- Cũng trong báo Đồng minh, số Xuân Giáp Thân, có bài Trả lời cho bọn De Gaulle, Nguyễn Ái Quốc trả lời ý định của “Pháp quốc giải phóng uỷ hội ở Alger, tuyên bố rằng sau cuộc chiến tranh này, nước Pháp sẽ sẵn lòng ban cho dân Việt Nam vài sự cải thiện”. Người chỉ rõ, Pháp đang bị Đức thống trị “xin Ngài lo cứu nước và dân tộc của Ngài đã”, còn nhân dân Việt Nam “quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ ơn huệ ấy và giành lại độc lập tự do cho Việt Nam”.

- Trước Tết âm lịch: Hồ Chí Minh dự bữa tiệc rượu do Đàm Liên Phương, Quân đoàn trưởng Quân đoàn 84 Quốc dân Đảng đóng ở Liễu Châu, tổ chức tại Hương Viên, nhà riêng của ông ta. Cùng dự có Dương Đông Thuần (Trưởng ban Giáo dục Trường Cán bộ kiến thiết địa phương Quảng Tây), Sái Đình Khải (Tổng tư lệnh du kích vượt biên), Việt Quế, Nguyễn Hải Thần, Diệp Thuỵ Đình, v.v..

Trong bữa tiệc, nhân Đàm Liên Phương nói nhiều đến quan niệm của ông ta về quốc thể và quốc sách của Việt Nam sau khi độc lập, Hồ Chí Minh nói đại ý: “Bất kỳ ý kiến nào về các vấn đề quốc sách, quốc thể của Việt Nam sau độc lập, đều phải do sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam sau khi được độc lập quyết định, đều phải giải quyết thông qua việc bỏ phiếu rộng rãi của công dân”...

Ở châu Âu, Đồng minh trì hoãn chưa mở mặt trận thứ hai, nhưng Hồng quân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của nguyên soái Xtalin, một mình đương đầu một phía, đã từ thế yếu chuyển sang thế mạnh. Tín hiệu tổng tiến công hướng tới Béclin chẳng bao lâu nữa sẽ phát. Ở châu Á, sau trận tập kích Trân Châu Cảng của Nhật ngày 2-12-1941, Mỹ mới thấy rõ bộ mặt của Nhật. Từ đó, Mỹ không thể không liên minh với Trung Quốc để đánh bại Nhật. Có thể dự đoán rằng, vấn đề Liên Xô đánh bại Đức chỉ khoảng nửa năm nữa có thể giải quyết được. Với sự hiệp đồng của các nước Đồng minh, trên dưới một năm nữa, Trung Quốc có thể đánh bại Nhật Bản. Chiến tranh thế giới như vậy có thể kết thúc. Việt Nam chắc chắn trong một thời gian không xa lắm sẽ hoàn toàn đánh bại thực dân Pháp mà giành được độc lập hoàn toàn. Đó là điều không một lực lượng nào có thể ngăn trở được. Hai nước Trung - Việt có quan hệ hết sức mật thiết. Trung Quốc là một lực lượng hoà bình to lớn, là bảo đảm chắc chắn cho Việt Nam chúng tôi hoà bình kiến quốc. Từ nay về sau chúng tôi sẽ được sự giúp đỡ huynh đệ của Trung Quốc sau chiến tranh, đó là điều chắc chắn...

* Đầu năm 1945 : Cuối năm 1944, một chiếc máy bay Mỹ lượn trên bầu trời Cao Bằng, bị hỏng máy. Viên trung uý phi công nhảy dù xuống một hòn núi gần tỉnh lỵ. Được tin, thực dân Pháp liền cho bao vây khu rừng, tháo máy và tìm viên phi công. Quân Nhật cũng đến ngay, chiếm lấy chiếc máy bay, buộc tội Pháp để viên phi công trốn thoát và buộc phải tìm giao nộp.

Trung uý Sao đã được Việt Minh cứu thoát, dẫn đường trốn trong một cái hang và hôm sau vượt qua những trạm gác nghiêm ngặt của Pháp. Sao đã vượt qua một quãng đường dài 60 km trong ngót một tháng trời để đến biên giới Việt - Trung.

Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh đã tiếp Sao (Shaw) - viên trung uý phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát.

(Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Tập 1,2,3 -  NxbCTQG,  năm 2006)

                                                              

 




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/