TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Bình Thuận

Sáu tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước; tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào hoạt động, cùng với việc Bình Thuận tổ chức đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” là cơ hội để tỉnh quảng bá du lịch, thu hút các nhà đầu tư lớn trên các lĩnh vực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng không ít, đặc biệt còn nhiều yếu tố rủi ro khó lường từ tình hình lạm phát trong nước cũng như thế giới tăng, dẫn đến sức mua của các nước trên thế giới giảm, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các đơn vị sản xuất trong tỉnh. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt một số kết quả tích cực.

 

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 dự ước tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước (đứng vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố, thứ 3/14 các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ) trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,69%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,03% (công nghiệp tăng 5,33%); khu vực dịch vụ tăng 13,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,04%.

         II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2023, nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng trên cây trồng, vật nuôi không xảy ra. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá; các doanh nghiệp, trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phòng, chống dịch bệnh. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên sản xuất tôm giống gặp khó khăn do ảnh hưởng sản lượng xuất khẩu tôm thịt giảm; giá vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, nên chi phí sản xuất tăng, tạo áp lực đối với người sản xuất nông nghiệp; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp còn hạn chế.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,69% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: nông nghiệp tăng 4,3%; lâm nghiệp tăng 3,17% và thuỷ sản tăng 2,71%.

            1. Trồng trọt

* Cây hàng năm

             - Kết thúc gieo trồng vụ đông xuân năm 2022 - 2023, sơ bộ diện tích đạt 50.641,7 ha, giảm 0,8% so với vụ cùng kỳ, trong đó cây lương thực đạt 42.762,6 ha, tăng 0,7%; sản lượng lương thực đạt 290.800 tấn, tăng 0,91% (trong đó sản lượng lúa đạt 263.400 tấn, giảm 0,1%).

Để phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh, vụ đông xuân 2022-2023 đã chuyển đổi 3.642 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác; diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh 1.825 ha, huyện Đức Linh 1.510 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 246 hahuyện Bắc Bình 61 ha.

- Tiến độ sản xuất vụ hè thu năm 2023, ứớc tính đến ngày 15/6/2023 xuống giống vụ hè thu đạt 57.905,8 ha, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó: cây lúa diện tích đạt 40.433,6 ha, tăng 12,7%; cây bắp đạt 5.445,2 ha, giảm 9,2%.

* Cây lâu năm: Sáu tháng đầu năm 2023 chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch diện tích cây lâu năm hiện có. Sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa thông thương trở lại, từ đầu năm đến nay giá đầu ra và thị trường tiêu thụ sản phẩm các loại cây lâu năm tương đối thuận lợi. Tổng diện tích ước đạt 108.065,8 ha, giảm 1,2% so với cùng kỳ, trong đó: diện tích cây công nghiệp đạt 67.836,1 ha, tăng 1,6%; cây ăn quả 39.593 ha, giảm 5%; các loại cây lâu năm khác 636,7 ha, giảm 26,5%.

 

2. Chăn nuôi (thời điểm 15/6/2023)

Tình hình chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định; dịch bệnh trên đàn giá súc, gia cầm được kiểm soát tốt; tuy nhiên chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá bán thịt hơi vẫn ở mức thấp trong khi giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi có giảm nhưng vẫn ở mức cao; đàn bò ổn định và có xu hướng tăng nhẹ; chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển khá.

- Chăn nuôi trâu, bò, toàn tỉnh có 8.400 con trâu, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Chăn nuôi bò phát triển khá thuận lợi, việc chủ động trồng cỏ làm thức ăn đang được nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, toàn tỉnh có 179.200 con, tăng 3% so với cùng kỳ.

- Chăn nuôi lợn, toàn tỉnh 373.130 con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 9,1% so với cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp 163.500 con, chiếm 43,8%; trang trại CP 108.000 con, chiếm 28,9%; nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 161.630 con, chiếm 27,2%.

- Chăn nuôi gia cầm, phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định, nhiều cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô đàn. Toàn tỉnh có 6.498,6 ngàn con, tăng 21,8% so với cùng kỳ, trong đó: đàn gà 5.208 ngàn con, tăng 26,1%, đàn gà tăng mạnh do từ thời điểm tháng 10 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023 có thêm trang trại thành lập mới ở huyện Hàm Tân với quy mô 250 ngàn con, 01 Chi nhánh công ty LinkFram ở huyện Hàm Thuận Bắc với quy mô 850 ngàn con, HTX chăn nuôi Minh Phát với quy mô 10 ngàn con ở huyện Hàm Thuận Nam.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng, 6 tháng đầu năm 2023 diện tích rừng trồng mới đạt 780 ha. Đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 132.594,56 ha. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán theo kế hoạch; đến nay gieo ươm được 1,4 triệu cây giống các loại.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2023 được ngành chức năng tăng cường; các đơn vị chủ rừng và các địa phương tăng cường triển khai hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng trọng điểm phá rừng. Sáu tháng đầu năm 2023 (đến ngày 15/6/2023) đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 108 vụ vi phạm, trong đó có 11 vụ lấn chiếm đất rừng với diện tích 4,5 ha. Ra quyết định khởi tố hình sự 04 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 66 vụ, tịch thu 50,5 m3 gỗ các loại.

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản, 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.771,2 ha, tăng 2% so với cùng kỳ (trong đó diện tích nuôi cá ước đạt 1.423 ha, tăng 1,7%; diện tích nuôi tôm đạt 336 ha, tăng 3%). Sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5.285 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ (trong đó cá các loại đạt 2.745 tấn, tăng 2,7%; tôm nuôi nước lợ 2.485 tấn, tăng 1,6%).

- Sản lượng khai thác, tình hình khai thác thủy sản ổn định trong 6 tháng đầu năm 2023, từ giữa tháng 3 đến nay thời tiết và ngư trường thuận lợi, hầu hết tàu thuyền đều tham gia khai thác; một số nghề như lưới kéo, vây rút chì, lưới rê, mành sản lượng đánh bắt cao; nhóm tàu hoạt động ở vùng gần bờ (lưới rê nổi ven bờ, lặn hải đặc sản, lồng bẫy) sản lượng khai thác khá. Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 109.237,9 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ (trong đó khai thác biển ước đạt 108.987,6 tấn, tăng 2,1%).

 

- Sản xuất giống thuỷ sản, 6 tháng đầu năm ước đạt 11,1 tỷ post, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiếp tục triển khai thực hiện công tác đăng kiểm tại địa bàn huyện; trang bị an toàn cho tàu cá khi hoạt động trên biển. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 01 vụ/01 tàu/07 lao động vi phạm bị nước ngoài bắt giữ; về vi phạm nguồn lợi thủy sản đã phát hiện và xử phạt 64 trường hợp vi phạm. Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá (có 1.941 tàu cá có chiều dài tàu từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 99,7%). Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên, tính đến ngày 12/5/2023 đã thực hiện đăng kiểm 926 chiếc (đạt 23,7%) so với kế hoạch.

5. Phát triển nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 160 HTX nông nghiệp, tăng 11 HTX so với cùng kỳ. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội chợ; phối hợp tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối tại thành phố Hồ Chí Minh; tính đến ngày 15/6/2023 có 70 sản phẩm OCOP đã được công nhận, xếp loại, trong đó: có 34 sản phẩm xếp loại 3 sao; 34 sản phẩm xếp loại 4 sao và 02 sản phẩm xếp loại 5 sao.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, đến nay đã công nhận 72 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

III. Công nghiệp; đầu tư; đăng ký kinh doanh

1. Công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 có tăng nhưng ở mức thấp; các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong khâu tìm kiếm đơn hàng, nguồn nguyên liệu sản xuất do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cần tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn.

Sáu tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 3,54% so với cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,35%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 5,92%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,73%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,33%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 20.435,33 tỷ đồng, tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng đạt 1.488,13 tỷ đồng, tăng 8,23%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 10.256,83 tỷ đồng, tăng 0,58%; sản xuất và phân phối điện đạt 8.569,71 tỷ đồng, tăng 6,46%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 120,67 tỷ đồng, tăng 0,28%.

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự ước sáu tháng đầu năm 2023

- Sản phẩm điện sản xuất ước đạt 14.429 triệu kwh, tăng 6,71% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm thủy sản: Thịt cá đông lạnh ước đạt 4.561,1 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ; tôm đông lạnh ước đạt 801,4 tấn, tăng 45,94% so với cùng kỳ; mực đông lạnh ước đạt 3.174,1 tấn, giảm 42,06% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm nước khoáng: Nước khoáng có ga ước đạt 9,18 triệu lít, giảm 6,94% so với cùng kỳ; nước khoáng không có ga ước đạt 37,33 triệu lít, giảm 3,53% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi ước đạt 10.701 ngàn cái, tăng 2,1% so với cùng kỳ; bộ Com-lê (Jacket) ước đạt 4.060 ngàn cái, giảm 1,9% so với cùng kỳ.

* Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

- Sản xuất kinh doanh quý II/2023 khó khăn hơn so với quý trước: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy, có 21,54% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước (quý I/2023 so với quý IV/2022: 35,38%); 35,38% đánh giá khó khăn hơn (quý I/2023 so với quý IV/2022: 33,85%) và 43,08% số doanh nghiệp cho rằng ổn định (quý I/2023 so với quý IV/2022: 30,77%). Có 35,71% doanh nghiệp ngoài quốc doanh đánh giá có chiều hướng tốt lên; 44,64% có chiều hướng giữ nguyên và 19,64% có chiều hướng khó khăn hơn; 37,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đánh giá có chiều hướng tốt lên; 37,5% có chiều hướng giữ nguyên và 25,0% có chiều hướng khó khăn hơn; doanh nghiệp nhà nước đánh giá 100% giữ nguyên.

- Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II năm 2023: Có 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó: có 35,38% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 44,62% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 20% dự báo khó khăn hơn.

2. Đầu tư phát triển

Sáu tháng đầu năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông vận tải; nhiều dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện bộ mặt đô thị, nông thôn trong tỉnh.

- Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.681,74 tỷ đồng, tăng 3,52% so với cùng kỳ, đạt 34,54% kế hoạch, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.467,50 tỷ đồng, tăng 6,83% so với cùng kỳ, đạt 34,5% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 192,61 tỷ đồng, giảm 13,79% so với cùng kỳ, đạt 35,34% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 21,63 tỷ đồng, giảm 21,42% so với cùng kỳ, đạt 30,89% kế hoạch.

- Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18.504,3 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.545,6 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ, chiếm 19,2% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 13.774,5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.184,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, chiếm 6,4% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.

3. Đăng ký kinh doanh

Sáu tháng đầu năm 2023 có 334 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 20,29% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 3.929,48 tỷ đồng, giảm 14,74% so với cùng kỳ năm trước; quay trở lại hoạt động 111 doanh nghiệp, giảm 20,71%; tạm ngừng hoạt động 266 doanh nghiệp, tăng 13,68%; đăng ký thay đổi loại hình 668 doanh nghiệp, tăng 28,96%; số doanh nghiệp đã giải thể 51 doanh nghiệp, giảm 10,53%.

4. Đăng ký đầu tư

Sáu tháng đầu năm 2023 có 14 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 644,13 tỷ đồng; có 13 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng là 8.803,04 tỷ đồng; có 03 dự án khởi công; 02 dự án đưa vào hoạt động. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

IV. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Tình hình thương mại của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động tương đối ổn định. Sức mua của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước; hàng hoá dồi dào luôn đáp ứng nhu cầu người dân, giá bán trên thị trường bình ổn, không xảy ra biến động khan hiếm thị trường làm tăng giá đột biến. Thị trường hàng hoá tiếp tục tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình bán hàng bình ổn giá trên địa bàn. Các siêu thị Coop mart, Lotte mart thường xuyên có các chương trình giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu mua sắm của người dân. Các siêu thị điện máy cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá, mặt hàng điện tử, điện máy; bên cạnh đó còn áp dụng nhiều chương trình hậu mãi, kéo dài thêm thời gian chăm sóc khách hàng; đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho  nhu cầu người dân.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 13,64% so với cùng kỳ, trong đó: bán buôn và bán lẻ tăng 14,72%; ngành vận tải, kho bãi tăng 13,84%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 32,22%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 44.681,5 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 28.634,1 tỷ đồng, tăng 19,74%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 16.047,4 tỷ đồng, tăng 65,52%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 1,16% so với cùng kỳ và giảm 0,51% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm 2022.

2. Hoạt động du lịch

Trong 6 tháng đầu năm 2023 hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp, dịch vụ lữ hành hoạt động ổn định và tiếp tục tăng cường; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá bán, tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý; tuyến du lịch đảo Phú Quý, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi vào hoạt động thu hút khá nhiều du khách đến tham quan nghỉ dưỡng. Tiếp tục hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, tại địa phương diễn ra một số hoạt động văn hoá, thể thao mang tầm quốc gia như giải chạy Stop And Run Marathon Bình Thuận 2023, lễ hội thả diều trên bãi biển thành phố Phan Thiết, cuộc thi Hoa hậu và Nam vương Siêu mẫu Thể hình Thế giới - Miss & Mister Fitness Super Model World 2023, chung kết Giải billiards & snooker vô địch quốc gia năm 2023, giải Đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2023,… đã thu hút rất đông du khách đến tham dự nên doanh thu và lượng khách tăng so với cùng kỳ năm trước.

- Lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023 dự ước đạt 4.460,5 ngàn lượt khách, tăng 86,36% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ ước đạt 8.355,6 ngàn ngày khách, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 133,9 ngàn lượt khách, tăng 5,41 lần so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ ước đạt 540,9 ngàn ngày khách, tăng 5,66 lần so với cùng kỳ.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.547,8 tỷ đồng, tăng 76,29% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống đạt 7.816,5 tỷ đồng, tăng 62,24% so với cùng kỳ; hoạt động lữ hành ước đạt 79,4 tỷ đồng, tăng 70,68% so với cùng kỳ.

- Doanh thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.348,35 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ.

3. Xuất nhập khẩu

Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình lạm phát và suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh; đơn hàng xuất khẩu giảm làm cho nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Một số mặt hàng như thủy sản, sản phẩm gỗ, giày dép kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 330,7 triệu USD, giảm 16,92% so với cùng kỳ, trong đó: hàng thủy sản ước đạt 106,5 triệu USD, giảm 21,8%; hàng nông sản ước đạt 7,2 triệu USD, tăng 25,78%; hàng hóa khác ước đạt 217 triệu USD, giảm 15,28%.

+ Xuất khẩu trực tiếp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 328,21 triệu USD, giảm 17,11% so với cùng kỳ.

+ Ủy thác xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2,5 triệu USD, tăng 18,79% so với cùng kỳ.

- Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 530,7 triệu USD, giảm 18,12% so với cùng kỳ. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản.

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải đường bộ và đường biển 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra khá nhộn nhịp. Thời tiết thuận lợi, hoạt động vận tải đường biển tuyến Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại đã thu hút nhiều du khách tham quan du lịch và trãi nghiệm, không để xảy ra tình trạng hành khách ứ động tại các bến tàu. Bên cạnh đó tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan ThiếtPhan Thiết - Vĩnh Hảo đưa vào hoạt động rút ngắn được thời gian di chuyển của người dân và du khách, cùng với các ngày nghỉ lễ kéo dài thu hút nhiều người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh đi lại; nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách phục vụ người dân cũng tăng theo.

- Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2023, hành khách vận chuyển ước đạt 6.314,26 nghìn HK, tăng 40,46% so với cùng kỳ; lượt khách luân chuyển ước đạt 618.907,83 nghìn HK.Km, tăng 66,65% so với cùng kỳ.

- Vận tải hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023, hàng hóa vận chuyển ước đạt 3.423,00 nghìn tấn, tăng 14,04% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển ước đạt 250.678,36 nghìn tấn.Km, tăng 16,14% so với cùng kỳ.

- Doanh thu hoạt động giao thông vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.424,11 tỷ đồng, tăng 37,08% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 625,96 tỷ đồng, tăng 49,34%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 663,72 tỷ đồng, tăng 17,78%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 130,84 tỷ đồng, tăng 2,43 lần; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 3,58 tỷ đồng, tăng 47,85%.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 683,13 ngàn tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất cảng 492,63 ngàn tấn (giảm 3,76%) và nhập cảng 190,50 ngàn tấn (tăng 91%).

V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

- Ước thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 ước 5.154,85 tỷ đồng, đạt 51,52% dự toán năm và giảm 21,78% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 4.671,34 tỷ đồng, đạt 54,28% dự toán năm, giảm 19,38%. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 4.401,54 tỷ đồng, đạt 59,44% dự toán năm, giảm 10,41%; thu tiền nhà, đất 269,81 tỷ đồng, đạt 22,47% dự toán năm, giảm 69,38% (trong đó thu tiền sử dụng đất 199,87 tỷ đồng, đạt 19,99% dự toán năm, giảm 72,17%); thu thuế xuất nhập khẩu 483,51 tỷ đồng, đạt 34,54% dự toán toán năm và giảm 39,27% so với cùng kỳ.

- Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6.401,80 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước ước đạt 4.642,30 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.424,08 tỷ đồng; chi thường xuyên 3.218,09 tỷ đồng. Chi chuyển giao ngân sách 1.758,94 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

- Đến ngày 31/5/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 81.909,6 tỷ đồng, tăng 2,55% so với đầu năm và giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dư nợ cho vay bằng VND đạt 80.617,2 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 49.685,6 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng dư nợ. Ước đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ đạt 82.266 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2022.

- Vốn huy động đến ngày 31/5/2023 đạt 54.401,2 tỷ đồng, tăng 3,14% so với đầu nămtăng 14,29% so với cùng kỳ năm trước. Ước đến ngày 30/6/2023, nguồn vốn huy động đạt 54.852 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Đến ngày 31/5/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 2.147,4 tỷ đồng, chiếm 2,62% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,43% so với đầu năm.

- Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 44.098,3 tỷ đồng, chiếm 53,83% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 281,2 tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 647,3 tỷ đồng, chiếm 0,79% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.856,8 tỷ đồng, chiếm 20,58% tổng dư nợ.

- Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nội bảng) 73,51 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 17,66 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 55,5 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 0,73 tỷ đồng). Nợ xấu (nội bảng) là 0 đồng, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 14,37 tỷ đồng/21 tàu, nợ ngoại bảng là 837,2 tỷ đồng/85 tàu. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 4.181 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 164,3 tỷ đồng/438 hộ; dư nợ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 4,58 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 15,5 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động Văn hóa - Thể dục thể thao

- Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm gắn với Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh; công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan trong dịp Tết, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc… Hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục hướng về cơ sở phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng bãi ngang.

- Hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi đều khắp ở các địa phương, nhiều loại hình thể thao được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã cử các đội tuyển tham gia 23 giải thể thao, kết quả đạt 17 huy chương vàng, 19 huy chương bạc, 28 huy chương đồng. Đặc biệt, cử 14 vận động viên tập trung đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia (01 Jujitsu, 05 Judo, 04 Canoeing, 02 Taekwondo, 01 Điền kinh, 01 Karate), trong đó có 05 vận động viên tham gia thi đấu SEA Games 32, đạt 3 huy chương (01 huy chương vàng môn Judo, 01 huy chương bạc môn Đua thuyền truyền thống, 01 huy chương đồng môn Taekwondo).

2. Giáo dục và đào tạo

- Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được duy trì. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 diễn ra từ ngày 5-7/6/2023, trên địa bàn toàn tỉnh bố trí 31 hội đồng thi đặt tại các Trường trung học phổ thông và một số Trường trung học cơ sở trong tỉnh. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập không chuyên và chuyên năm học 2023-2024 có 16.223 thí sinh đăng ký dự thi. Công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đượ chuẩn bị chu đao, an toàn.

- Sáu tháng đầu năm 2023, có thêm 08 trường đạt chuẩn quốc gia gồm 02 trường mầm non, 01 trường tiểu học và 05 trường trung học cơ sở. Nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 288/536 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 53,73%, trong đó: bậc mầm non có 55 trường (38,73%), cấp tiểu học có 134 trường (56,3%), cấp trung học cơ sở có 85 trường (65,38%), cấp trung học phổ thông có 14 trường (53,85%).

3. Y tế

- Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,… Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.

- Trong 6 tháng đầu năm 2023 2.009 cas mắc sốt xuất huyết, 56 cas nặng, không có cas tử vong; ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh dại và tử vong; không ghi nhận trường hợp mắc, tử vong do sốt rét; chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

- Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 29 người mắc do nấm và bồ câu có chứa hóa chất bảo vệ thực vật carbofuran tại xã Mương Mán, huyện hàm Thuận Nam, không có trường hợp tử vong. Đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp nghỉ lễ, tết.

* Công tác tiêm phòng dịch bệnh Covid-19

- Tiếp tục tập trung, triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

- Tính đến ngày 09/6/2023, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hoàn thành 100% liều cơ bản, 544.394/762.532 tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), đạt tỷ lệ 71,4%, 124.519/125.200 tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2), đạt tỷ lệ 99,5% (125.200 là số đối tượng đăng ký tiêm mũi nhắc lần 2 do các địa phương báo cáo về điều chỉnh). Hiện nay công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% liều cơ bản, 57.692/121.499 tiêm nhắc lần 1, đạt tỷ lệ 47,5%. Tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi 113.029/128.460 mũi 1, đạt tỷ lệ 88%; 86.332/128.460 tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 67,2%.

4. Khoa học và công nghệ;  Bưu chính, viễn thông

- Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tiếp tục triển khai thực hiện Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tổ chức, doanh nghiệp.

- Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng phủ đến 98% dân số; băng rộng di động, băng rộng cố định (cáp quang) đã được phủ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt. Các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc và wifi miễn phí tại các địa điểm diễn ra các hoạt động của Năm du lịch Quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh”.

5. Lao động - xã hội

- Sáu tháng đầu năm 2023 giải quyết việc làm 11.559 lao động, đạt 57,8% so kế hoạch, tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề 6 tháng năm 2023 2.525 người, đạt 25,25% so với kế hoạch và bằng 38,5% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác chính sách người có công 6 tháng đầu năm 2023, đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ thăm, tặng quà dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ.

6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số

- Sáu tháng đầu năm 2023, tình hình đời sống và sản xuất, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh cơ bản ổn định. Nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bào trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Ramưwan của đồng bào chăm theo đạo Hồi giáo Bàni được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện theo phong tục truyền thống. Hiện nay các cấp ủy, chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đồng bào phòng, chống các dịch bệnh trên trây trồng, vật nuôi…; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tâp trung sản xuất vụ hè thu với các cây trồng chủ lực như: bắp lai, lúa nước, cao su, cây điều…

- Thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư phục vụ nhu cầu sản xuất lúa nước tại địa bàn các xã; tổ chức thu mua bắp lai thương phẩm, mủ cao su gắn với thu hồi nợ đầu tư ứng trước; hoàn thành việc đăng ký nhu cầu nhận đầu tư ứng trước năm 2023 (1.353 hộ đăng ký đầu tư bắp lai, lúa nước với diện tích 2.385 ha, trong đó: có 1.043 hộ/2.170 ha bắp lai và 310 lượt hộ/215 ha lúa nước).

7. Hoạt động bảo hiểm

- Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

- Ước 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 99.339 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước; có 92.000 người tham gia BHTN, tăng 7,13%; số người tham gia BHXH tự nguyện 12.075 người, tăng 6,41%; số người tham gia BHYT 1.052.820 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.405 người), tăng 3,18%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 90,40% dân số.

8. Tai nạn giao thông (đến 14/6/2023)

- Số vụ tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 111 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), giảm 14 vụ so với cùng kỳ; số người bị thương 70 người, giảm 05 người so với cùng kỳ; số người chết 80 người (trong đó đường sắt 01 người) giảm 08 người so với cùng kỳ.

- Sáu tháng đầu năm 2023 xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 07 vụ rất nghiêm trọng, 54 vụ nghiêm trọng, 02 vụ ít nghiêm trọng và 37 vụ va chạm.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 21 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ), ước tổng giá trị thiệt ban đầu 66,55 tỷ đồng.

- Cháy nổ: 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 07 vụ (giảm 07 vụ so với cùng kỳ), ước thiệt hại 393 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: 6 tháng đầu năm 2023 xảy ra 15 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ), xử phạt 1.574,14 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, cụ thể:

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 dự ước tăng 7,76%, động lực chính trong tăng trưởng 6 tháng đầu năm là khu vực dịch vụ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản.

Sản xuất nông nghiệp về cơ bản ổn định; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm. Sản lượng lương thực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch tích cực và tăng trưởng khá; sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực; quản lý bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt.

Khu vực công nghiệp, giá trị tăng thêm tăng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng so cùng kỳ. Công tác đầu tư công được tăng cường chỉ đạo; thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng; đặc biệt ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ vận tải tăng trưởng mạnh đã làm tăng sức mua của người dân trong tỉnh cũng như du khách; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng nhanh, toàn tỉnh đón hơn 4,46 triệu lượt du khách, tăng 86,36% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,52 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh; tuyến vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý, cùng với tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã góp phần làm cho lĩnh vực vận tải tăng cao.

Thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện tốt. Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng chống COVID-19, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thể dục thể thao diễn ra khá sôi động, thể thao thành tích cao đạt được những kết quả tốt trên đấu trường quốc gia, khu vực và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đó là:

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường; số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn còn trường hợp tàu cá, ngư dân đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, làm ảnh hưởng đến nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh.

Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là một số công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp. Đội ngũ bác sỹ chuyên môn còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khó khăn, thiếu đồng bộ, điều kiện làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ.

Kết quả xếp hạng của năm 2022, các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, mức độ cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước xếp thứ hạng rất thấp, có chỉ số nhiều năm liền xếp ở vị trí cuối./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/