LUẬT THỐNG KÊ
Thông qua Luật Thống kê sửa đổi, điều chỉnh cả thống kê ngoài nhà nước

Sáng 23-11, 416/420 đại biểu Quốc hội có mặt (85.02% tổng số đại biểu), chiếm tỷ lệ 84,21%, đã tán thành thông qua Luật thống kê (sửa đổi). Theo đó, luật mới bổ sung một chương quy định về thống kê ngoài nhà nước.

Luật thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều và 1 phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (tăng 1 chương, 30 điều so với Luật năm 2003 gồm 8 chương, 42 điều).

Hiện nay, do nhu cầu của thực tiễn đời sống xã hội trong sản xuất, kinh doanh, trong xã hội đã xuất hiện nhiều tổ chức thống kê, cơ sở nằm ngoài khu vực nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung ứng dịch vụ thống kê.

Vì thế, luật mới đã mở rộng phạm vi để điều chỉnh cả hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước, thay vì trước đây, Luật Thống kê 2003 chỉ điều chỉnh thống kê nhà nước và 1 khoản quy định về điều tra thống kê ngoài nhà nước. Mặt khác, luật sửa đổi cũng bổ sung thêm chương VIII hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước quy định về phạm vi, yêu cầu và giá trị của thống kê ngoài nhà nước.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, có ý kiến đề nghị thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước sau khi được thẩm định và chấp thuận của cơ quan thống kê trung ương thì có giá trị như thông tin thống kê của hoạt động thống kê nhà nước; quy định tiêu chuẩn đối với người làm công tác thống kê ngoài thống kê nhà nước; quy định điều kiện hoạt động đối với tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thống kê.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng thống kê không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước tự làm và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu thống kê do mình tạo ra, nên không bổ sung vào dự thảo luật.

Ngoài điểm mới trên, Luật thống kê (sửa đổi) quy định một số nội dung mới trong công tác thống kê như: Quy định rõ các hệ thống thông tin thống kê, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê. Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.

Luật cũng khắc phục chênh lệch số liệu giữa cơ quan thống kê Trung ương với địa phương và bộ, ngành, và quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất thông tin, minh bạch hóa việc công bố, phổ biến và tạo điều kiện cho người sử dụng tin tiện khai thác thông tin thống kê, Luật thống kê (sửa đổi) lần này cũng bổ sung quy định về lịch công bố thông tin thống kê…

Luật thống kê (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/