LUẬT THỐNG KÊ
Mở rộng phạm vi Thống kê ngoài Nhà nước

Thực tế hiện nay, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo ra sản phẩm thống kê được chia thành 2 nhóm: Nhóm hệ thống thống kê nhà nước và nhóm ngoài hệ thống thống kê nhà nước. Sản phẩm của hoạt động thống kê suy cho cùng là thông tin, số liệu thống kê. Số liệu thống kê do mỗi nhóm tạo ra sẽ có phạm vi sử dụng và tính pháp lý như thế nào? Lý giải điều này trước hết phải hiểu được đặc thù của hoạt động thống kê.

Sự khác biệt giữa thống kê nhà nước và ngoài nhà nước

Hiện nay, các chỉ tiêu thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thường được để tính toán ở phạm vi cả nước và phân tổ đến cấp tỉnh, có một số trường hợp đòi hỏi phân tổ đến cấp huyện, cấp xã. Điều này có nghĩa các cuộc điều tra thống kê thường có quy mô số đơn vị điều tra lớn, phạm vi trải rộng trên cả nước. Tổ chức một cuộc điều tra thống kê như vậy đòi hỏi phải có tính chuyên môn nghiệp vụ cao và theo một quy trình khoa học, chặt chẽ. Những công đoạn này phải được thực hiện và giám sát bởi những người được đào tạo, tập huấn tốt về chuyên môn, nghiệp vụ. Một khía cạnh khác cần đề cập là số liệu thống kê được tạo ra từ các cuộc điều tra thống kê thường đắt đỏ, chỉ Nhà nước mới làm việc này do yêu cầu của hoạt động quản lý, điều hành. Các doanh nghiệp, trên nguyên tắc hoạt động có lợi nhuận khi xét về hiệu quả giữa kinh phí để tạo ra sản phẩm thống kê và doanh thu từ bán sản phẩm đó, sẽ không làm điều này.

Có thể phân biệt rõ sự khác nhau cơ bản giữa số liệu thống kê do hệ thống thống kê nhà nước tạo ra với số liệu thống kê do thống kê ngoài nhà nước như sau: Số liệu thống kê do hệ thống thống kê nhà nước tạo ra có tính pháp lý, có tầm vĩ mô, phục vụ trước hết cho hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương; Số liệu thống kê do thống kê ngoài nhà nước tạo ra thường có tính tác nghiệp, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp cùng có các nguồn thông tin của thống kê nhà nước và ngoài nhà nước, người dùng thông tin cần lưu ý trong quá trình lựa chọn sử dụng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến khái niệm, phạm vi, đối tượng, quy mô mẫu của số liệu thống kê nhằm sử dụng thông tin thống kê đúng mục đích và phù hợp nhất.

Chịu trách nhiệm về thông tin thống kê

So với Luật Thống kê năm 2003, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã có những quy định mới về khu vực thống kê ngoài nhà nước. Cụ thể: Hoạt động thống kê ngoài nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân và nhu cầu hợp pháp khác. Hoạt động thống kê ngoài nhà nước phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp, về thông tin thống kê do mình tạo ra và về sử dụng thông tin thống kê ngoài nhà nước; thực hiện các nguyên tắc hoạt động thống kê; tuân thủ các hành vi nghiêm cấm và được tiến hành thu thập thông tin thống kê trên cơ sở tự nguyện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.

Hoạt động thống kê ngoài nhà nước bao gồm: Thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của bản thân tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động dịch vụ liên quan đến hoạt động thống kê, gồm: đào tạo nghiệp vụ thống kê, tin học trong thống kê và tư vấn nghiệp vụ thống kê. Thống kê ngoài nhà nước phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp, về thông tin thống kê do mình tạo ra và về sử dụng thông tin thống kê ngoài nhà nước; Đồng thời thực hiện các nguyên tắc hoạt động thống kê quy định tại Dự thảo Luật này. Hoạt động thống kê ngoài nhà nước tiến hành thu thập thông tin thống kê trên cơ sở tự nguyện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê - Thông tin thống kê ngoài nhà nước không có giá trị sử dụng thay thế thông tin thống kê nhà nước.

Có thể thấy, Dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới, điểm tiến bộ hơn. Các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước được hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ thống kê phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

 Để có dữ liệu, thông tin đầu vào cho việc tổng hợp, biên soạn thông tin, số liệu thống kê đầu ra, ở nước ta hiện nay có 3 hình thức thu thập thông tin là: Thực hiện chế độ báo cáo thống kê; Sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê; và điều tra thống kê. Hình thức đầu tiên mang tính riêng biệt của hệ thống thống kê nhà nước do chế độ báo cáo thống kê phải do một cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đối với hình thức thứ hai thì các quy định về pháp lý trong quản lý, chia sẻ, bảo mật nguồn dữ liệu cho đến nay không cho phép thống kê ngoài nhà nước tiếp cận được các cơ sở dữ liệu do các bộ, ngành, địa phương quản lý để có được thông tin cho việc tổng hợp các chỉ tiêu thống kê có liên quan. Do đó, về mặt lý thuyết, chỉ có hình thức điều tra thống kê có điểm chung của thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước. Và như vậy, nguồn thông tin thống kê do khu vực thống kê ngoài nhà nước tạo ra vẫn chủ yếu thông qua hoạt động điều tra thống kê.

_______________________

Quan điểm chung của nhiều nước là Luật Thống kê chỉ điều chỉnh hoạt động thống kê nhà nước, còn hoạt động thống kê ngoài nhà nước được điều chỉnh theo các pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh.

 

Nguyễn Văn Liệu
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Nguồn: daibieunhandan.vn

 




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/