DỰ ÁN SỬA ĐỔI LUẬT THỐNG KÊ
Đại biểu Quốc hội: Việc nâng dù chỉ một chỉ tiêu thống kê cũng tiêu tốn nhiều tỷ đồng

Phát biểu tại phiên họp chiều 25-10 của Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng, việc nâng dù chỉ một chỉ tiêu cũng tiêu tốn nhiều tỷ đồng, cần nâng cấp việc kê khai, thống kê bằng công nghệ số.

 

Chiều nay, 25-10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh số liệu thống kê là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay càng quan trọng hơn vì trong tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển kinh tế, hay trong các công tác xã hội, phòng, chống dịch bệnh, các quyết sách có kịp thời của nhà nước, của các nhà kinh doanh đều cần có những dữ liệu, số liệu thống kê.

“Bối cảnh phòng, chống dịch thời gian qua cho thấy rất rõ, không thể dùng số liệu thống kê trong báo cáo trước đó một quý để đưa ra các quyết định, mà đó phải là những con số nóng, kịp thời, được cập nhật từng ngày, từng giờ” – đại biểu TP Hà Nội phân tích.

Từ ví dụ trên, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Số liệu thống kê hiện nay không chỉ còn là những con số khô khan mà thực sự là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.

 

 

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội): Đợt sửa đổi Luật Thống kê lần này sẽ là lần sửa đổi căn bản, sẽ luật hóa, nâng cấp việc kê khai, thống kê bằng công nghệ số để hình thành lên kho dữ liệu quốc gia.

 

 

Đại biểu bày tỏ kỳ vọng đợt sửa đổi Luật Thống kê lần này sẽ là lần sửa đổi căn bản, sẽ luật hóa, nâng cấp việc kê khai, thống kê bằng công nghệ số để hình thành lên kho dữ liệu quốc gia, thống kê về tất cả những thông tin kinh tế – xã hội.

“Nếu làm việc đó sẽ là tiền đề của việc chuyển đổi số quốc gia, là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số”, đại biểu nhấn mạnh.

“Nếu chuyển được từ phương thức thống kê truyền thống trước đây sang phương thức thống kê công nghệ số thì bất kể sự biến động, thay đổi nào của kinh tế – xã hội sẽ được cập nhật trên hệ thống thông tin quốc gia, hình thành lên bộ dữ liệu số quốc gia”, đại biểu lý giải.

Khi đó, theo đại biểu, các cuộc điều tra quốc gia theo phương thức thống kê truyền thống trước đây sẽ bớt rất nhiều công sức, giấy mực không còn cần thiết nữa mà còn bảo đảm độ chính xác cao.

Đặc biệt, với kho dữ liệu số như thế, bất kỳ thời điểm nào cơ quan thống kê cũng trích xuất được các chỉ tiêu thống kê khi nhà nước cần. Thậm chí bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào yêu cầu thì cơ quan thống kê cũng cung cấp được ngay, và cũng không chỉ giới hạn trong 222 chỉ tiêu thống kê như trong dự thảo luật.

“Nếu các cơ quan thống kê làm được sẽ như đang nắm giữ một kho dữ liệu tài nguyên số, một nguồn tài nguyên quý giá, một “mỏ vàng lộ thiên”, không mất công đào bới mà chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm thấy số liệu, biểu mẫu thống kê, đáp ứng được nhu cầu của người dùng”, đại biểu nhấn mạnh.

Với mong muốn như trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng điều này chưa được thể hiện trong dự thảo luật, mà dự thảo luật mới chỉ tập trung vào thay đổi chỉ tiêu thống kê mà thôi, nâng từ 186 chỉ tiêu lên 222 chỉ tiêu quốc gia.

“Việc nâng dù chỉ một chỉ tiêu cũng tiêu tốn nhiều tỷ đồng. Nếu duy trì phương thức thống kê như cũ thì với đòi hỏi của các cơ quan, bộ ngành thì cơ quan thống kê không thể thực hiện được”, đại biểu nói.

Nhân dịp sửa Luật Thống kê lần này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị nên sửa đổi ngay từ phương thức thu thập các thông tin thống kê, áp dụng các phương thức số hóa để từ đó hình thành các kho dữ liệu thống kê, là khởi đầu của chuyển đổi số quốc gia.

 

“Ngành thống kê mà không đi đầu trong chuyển đổi số thì không thúc đẩy các ngành khác chuyển đổi số được, không có cơ sở để thực hiện tiên quyết nền kinh tế số như nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra”, đại biểu nhấn mạnh.

 

 

Quang cảnh phiên họp Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

 

 

Trước đó, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh đến các chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số, vùng và liên kết vùng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, dù số chỉ tiêu khá nhiều vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp.

Cụ thể, có 23 chỉ tiêu kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số nhưng chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số; hay chưa có giải trình cụ thể và thuyết phục về việc không đưa chỉ tiêu “Tỷ lệ các nền tảng số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam” hay thay đổi chỉ tiêu “Tỷ lệ chi cho chuyển đổi số”.

Hoặc có tới 130 chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất…

 

Nguồn: Nguyên Thảo




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/