DỰ ÁN SỬA ĐỔI LUẬT THỐNG KÊ
Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới: Phản ánh sát thực hơn tình hình đất nước

EFR _ Danh mục chỉ tiêu thống kê cũ chưa cập nhật, phản ánh kịp thời một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây…

 

Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, ngày 09/11/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự án này dưới sự chủ trì Thứ trưởng Trần Quốc Phương.

 

 

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định: Việc thông qua dự án Luật Thống kê tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030

 

 

Thời điểm phù hợp để sửa đổi Luật Thống kê

Luật Thống kê 2015 gồm 9 chương, 72 điều và 1 phụ lục là danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.

Theo đó, Luật Thống kê đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường.

Cùng với đó, chất lượng thông tin thống kê ngày càng được cải thiện; thông tin thống kê ngày càng đầy đủ, sát với thực tế diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đã và đang đóng góp tích cực vào việc giúp Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Luật Thống kê còn tồn tại một số bất cập như: danh mục chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo Luật chưa cập nhật, phản ánh kịp thời các hiện tượng, kinh tế - xã hội đã phát sinh và phổ biến trong đời sống xã hội; một số chính sách pháp luật, định hướng phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ mới được ban hành trong thời gian gần đây…

Vì vậy, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia xin ý kiến Quốc hội và dự kiến thông qua ngày 13/11/2021.

Thông qua dự án Luật này tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả, tăng trưởng, phản án các nhóm yếu thế…

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Quỳnh Trang, đại diện UNICEF nhấn mạnh, thời điểm sửa Luật rất phù hợp vì để kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu để thực hiện các nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; chính sách về phát triển bền vững.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia: Bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu

Trình bày về quá trình xây dựng, nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Cơ quan soạn thảo đã sửa tên dự án Luật thành “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê”.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm, sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 như sau: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Định kỳ 05 năm rà soát quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước”.

Theo Dự thảo, người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố”.

Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu, trong đó, về nhóm chỉ tiêu, tăng 01 nhóm chỉ tiêu (nhóm “Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” tách thành 2 nhóm: “Trật tự, an toàn xã hội” và “Tư pháp”. Sửa tên 03 nhóm chỉ tiêu, cụ thể: Nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”; Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.

Về chỉ tiêu, giữ nguyên: 128 chỉ tiêu; Sửa tên 44 chỉ tiêu; Bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu.

Cập nhật nhiều chỉ tiêu mới, bám sát thực tiễn

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Theo đó, 19 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; 52 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 22 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới. 

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, cụ thể: 10 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê giới ở cấp độ toàn cầu; 33 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu (SDG); 29 chỉ tiêu thống kê tương ứng với các chỉ tiêu thống kê cấp độ ASEAN; 05 chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu phát triển công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu (IDI); 03 chỉ tiêu thống kê thuộc bộ chỉ tiêu đánh giá Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

 

 

Bà Nguyễn Quỳnh Trang - Đại diện của UNICEF nhấn mạnh: “Đây là lúc tăng tốc cho mục tiêu phát triển bền vững với mục đích không ai bị bỏ lại phía sau và cần có bằng chứng, dữ liệu thích hợp, công cụ xác thực nhất để thực hiện”.

 

 

Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã cập nhật các chỉ tiêu thống kê phản ánh, dự báo, đo lường sự phát triển của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế bao trùm, gồm 24 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; 05 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế tuần hoàn; 07 chỉ tiêu thống kê phản ánh kinh tế bao trùm.

Danh mục cũng đã cập nhật, quy định các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế, trong đó có 11 chỉ tiêu thống kê về môi trường và biến đổi khí hậu; 132 chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng (chỉ tiêu có phân tổ theo vùng); 14 chỉ tiêu thống kê liên quan đến trẻ em.

Đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc lấy mục tiêu phát triển bền vững làm mục đích, nền tảng, định hướng xây dựng Luật với các nội dung nhất quán với chương trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Trang, Đại diện của UNICEF nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn tăng tốc cho giai đoạn bền vững với mục đích không ai bị bỏ lại phía sau, cần có bằng chứng, dữ liệu thích hợp, công cụ xác thực nhất để thực hiện”.

Đại diện của UNICEF nhận định, các chỉ tiêu bổ sung rất phù hợp với giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến trẻ em.

Bà Lê Phương Lan, Đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc chỉ rõ, thực tế, chúng ta có nhiều hệ thống chỉ tiêu khác nhau, nhưng khi đưa vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia thì cần có sự lựa chọn và đảm bảo cân đối hài hòa.

Đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc chúc mừng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gần như hoàn thành Dự án sửa đổi Luật Thống kê và nhận định, 230 chỉ tiêu trong Danh mục lần này là “hoàn hảo” và sẽ phản ánh đầy đủ sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Làm rõ hơn về quá trình xây dựng Dự thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quá trình đề xuất 230 chỉ tiêu đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng. Nhiều chỉ tiêu trong danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cũ đã bị loại bỏ, vì không còn ý nghĩa với thực tiễn, một số trường hợp không tính toán được, dù đã có trong hệ thống chỉ tiêu.

“Có chỉ tiêu mong muốn đề xuất, nhưng do chưa có khẳng định thực tiễn, khoa học, nên chưa thể đưa vào. Cũng có chỉ tiêu sau khi nghiên cứu, rà soát thì phân cấp vào hệ thống chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương”, Thứ trưởng chia sẻ thêm thông tin.

 

Tính đến bước quan trọng tiếp theo là biến các chỉ tiêu thành hiện thực

Ở góc nhìn xa hơn, vị đại diện của Quỹ dân số Liên hiệp quốc kỳ vọng, sau khi Quốc hội thông qua, thì việc quan trọng hơn nữa đó là biến các chỉ tiêu thành hiện thực.

“Việc có nhiều chỉ tiêu mới là một thách thức, bởi trong bối cảnh tài chính còn hạn chế thì nguồn lực để thực hiện các cuộc điều tra là hạn chế”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng, sau khi Luật sửa đổi được thông qua, việc thực hiện các chỉ tiêu trong danh mục mới rất quan trọng, giúp cho việc xây dựng cũng như thực thi chính sách.

Ông Thạch cũng khẳng định, với việc bổ sung các chỉ tiêu mới, như: xanh bền vững hay kinh tế số là rất quan trọng. Bởi, dữ liệu thống kê quốc gia không chỉ phục vụ cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu để xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà sâu xa là phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, việc thu thập số liệu cần đơn giản, dễ thực hiện.

 “Trong nhóm thống kê về doanh nghiệp có các chỉ tiêu số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu, thu nhập, lợi nhuận; trang bị tài sản cố định bình quân một lao động của doanh nghiệp; tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là các chỉ tiêu cơ bản phản ánh hoạt động của doanh nghiệp, nhưng việc thu thập thông tin làm sao phải bảo đảm giảm thiểu thời gian, chi phí trong việc khai báo, cập nhật dữ liệu của doanh nghiệp”, ông Thạch kiến nghị.

 

 

Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, đây là cơ hội tốt để sửa đổi danh mục các chỉ tiêu thống kê. Cũng theo ông Tú Anh, dữ liệu số đang nằm ở khắp nơi, khi tản mát như vậy nó chưa thành tài nguyên.

 

 

Để giảm thiểu thời gian, công sức cho doanh nghiệp trong việc khai báo các thông tin liên quan đến tính hình hoạt động, theo ông Thạch, cơ quan thống kê phải triệt để khai thác nguồn thông tin dữ liệu của các quan quản lý nhà nước khác, đặc biệt là cơ quan thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh…, đồng thời phải áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào hoạt động khai báo, cập nhật, lưu trữ dữ liệu thống kê.

Ở góc độ khác, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Tú Anh cho rằng, đây là cơ hội tốt để sửa đổi danh mục các chỉ tiêu thống kê.

Ông Tú Anh lưu ý, dữ liệu số là tài nguyên vô cùng quan trọng của đất nước, nhưng chưa thấy được trong dự thảo Luật.

“Dữ liệu số đang nằm ở khắp nơi, khi tản mát như vậy nó chưa thành tài nguyên. Những số liệu của dữ liệu lớn có thể tích hợp, có thể pháp lý hóa cách thức tích hợp dữ liệu không? Ai có quyền thu thập, chia sẻ và khai thác? Dữ liệu nào có thể khai thác công khai, dữ liệu nào hạn chế?” ông Tú Anh băn khoăn những vấn đề này khi dự thảo Luật chưa đề cập tới.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn và đánh giá cao các cơ quan, đơn vị đồng hành, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo, hoàn thành nội dung dự án để kịp thời trình cấp có thẩm quyền.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các cơ quan trong nước, cập nhật bổ sung khi có điều kiện và khi có yêu cầu từ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Trong quá trình đó, cần nghiên cứu hoàn thiện thêm về mặt phương pháp luận, tính toán, thực tiễn”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh./.

 

Nguồn: Phương Anh




CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/