Cần quy định nội dung thống kê ngoài nhà nước
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế và phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, một số cá nhân, tổ chức ngoài tổ chức thống kê nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp dịch vụ thống kê...
Cần quy định nội dung thống kê ngoài nhà nước
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế và phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, một số cá nhân, tổ chức ngoài tổ chức thống kê nhà nước thực hiện hoạt động thống kê và cung cấp dịch vụ thống kê. Hoạt động thống kê này cơ bản phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nội bộ của các tổ chức đó như phục vụ các chiến lược phát triển ngành, nghề sản xuất kinh doanh; thu thập số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học để phục vụ cho một dự án, đề án hoặc một mục đích nhất định và mang tính chất thị trường. Bên cạnh đó, một số tổ chức trong nước và quốc tế đưa ra số liệu thống kê mang tính dự báo của một số chỉ tiêu như GDP, CPI tại một số thời điểm trong năm.
Để thực hiện quản lý nhà nước về thống kê theo định hướng đề ra và bảo đảm tôn trọng quyền của tổ chức và cá nhân trong kinh doanh được quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, Luật Thống kê (sửa đổi) cần bổ sung quy định về nội dung này.
Tuy nhiên, thống kê là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi độ chính xác và tính chuyên môn sâu. Đơn cử, trong một cuộc điều tra chọn mẫu, để có số liệu thống kê tốt thì một trong những yếu tố cơ bản là cần có phương pháp thu thập thông tin đúng, chọn cỡ mẫu phù hợp sao cho đủ để bảo đảm cho tính đại diện chung... Do đó, nếu xác định địa bàn chọn mẫu không chuẩn, phương pháp tiến hành không phù hợp, cỡ mẫu không đủ lớn thì thông tin thu thập sẽ không bảo đảm chất lượng để tính và suy rộng cho toàn bộ tổng thể chung, dẫn đến số liệu không tin cậy. Vậy nên, để tiến hành một cuộc điều tra, ngoài việc có nguồn lực mạnh thì rất cần những chuyên gia giỏi, chuyên sâu trong lĩnh vực thống kê. Trong thực tế, phần lớn các điều tra thống kê đều phải sử dụng phương pháp chọn mẫu, bởi nguồn lực để thực hiện điều tra toàn bộ với bất kỳ chỉ tiêu thống kê nào cũng là rất lớn. Ngay cả cơ quan thống kê nhà nước cũng chỉ thực hiện điều tra toàn bộ trong một số lĩnh vực, với các giai đoạn như: Tổng điều tra Dân số và Nhà ở được tiến hành 10 năm một lần, hay Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, Tổng điều tra Cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp được tiến hành 5 năm một lần với nguồn lực và kinh phí cực kỳ tốn kém. Do vậy, xác định phạm vi điều chỉnh của hoạt động thống kê ngoài nhà nước là cần thiết và quan trọng.
Luật Thống kê các nước trên thế giới điều chỉnh hoạt động thống kê ngoài nhà nước trong phạm vi hẹp, chỉ hạn chế ở một số lĩnh vực cơ bản đưa ra các thông tin định tính và được dùng làm số liệu tham khảo, còn số liệu do Thống kê nhà nước thực hiện sẽ là số liệu thống kê có giá trị pháp lý.
Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Nói cách khác, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên các quy định tại Dự thảo chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện. Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện chỉ quy định về “Mục đích, nguyên tắc, yêu cầu và phạm vi của hoạt động thống kê ngoài nhà nước và giá trị của
thông tin thống kê ngoài nhà nước”. Cụ thể:
Hoạt động thống kê ngoài nhà nước nhằm cung cấp thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân và nhu cầu hợp pháp khác.
Hoạt động thống kê ngoài nhà nước phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp, về thông tin thống kê do mình tạo ra và về sử dụng thông tin thống kê ngoài nhà nước; thực hiện các nguyên tắc hoạt động thống kê; tuân thủ các hành vi nghiêm cấm và được tiến hành thu thập thông tin thống kê trên cơ sở tự nguyện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê.
Hoạt động thống kê ngoài nhà nước bao gồm: thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo thông tin thống kê phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và nhu cầu hợp pháp, chính đáng của bản thân tổ chức, cá nhân hoặc của tổ chức, cá nhân khác (trừ các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng); hoạt động dịch vụ liên quan đến hoạt động thống kê, gồm: đào tạo nghiệp vụ thống kê, tin học trong thống kê và tư vấn nghiệp vụ thống kê. Thông tin thống kê ngoài nhà nước không có giá trị sử dụng thay thế thông tin thống kê nhà nước.
Với quy định như trên, vừa bảo đảm tính toàn diện; vừa khẳng định vai trò, giá trị của thông tin thống kê và số liệu thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước công bố là thông tin có giá trị pháp lý, vừa bảo đảm tôn trọng quyền của tổ chức và cá nhân trong kinh doanh được quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Nguyễn Đình Khuyến
CHUYÊN MỤC CÙNG LOẠI KHÁC: