CÁC TIN LIÊN QUAN
Bức tranh kinh tế thế giới 8 tháng đầu năm: Nhiều dấu hiệu lạc quan

Trong 8 tháng đầu năm 2024, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó.

 

Báo cáo Chính phủ tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định. Xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, tình hình chung, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan về tăng trưởng toàn cầu.

 

Các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định lạc quan về tăng trưởng toàn cầu.

 

Các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024

Báo cáo cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,6% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Fitch Ratings (FR) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 3/2024; Liên hợp quốc (UN) nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 02/2024); Liên minh châu Âu (EU) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định nền kinh thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.

Trong báo cáo Triển vọng thương mại toàn cầu và thống kê, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định tăng trưởng thương mại sẽ cải thiện dần trong năm 2024 bất chấp xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị. Khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng 2,6% trong năm 2024 và 3,3% trong năm 2025 do nhu cầu giao dịch hàng hóa tăng trở lại sau khi suy giảm vào năm 2023. Giá năng lượng cao và lạm phát kéo dài đã tác động đến nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất phục vụ thương mại, nhưng nhu cầu này sẽ phục hồi khi áp lực lạm phát giảm bớt và thu nhập thực tế của hộ gia đình được cải thiện.

WB dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt 2,5% trong năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức 0,2% của năm trước, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ trung bình của hai thập kỷ trước đại dịch (2000-2019).

Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (bao gồm Timo-Leste) dự báo đạt 4,6% trong năm 2024 do nhu cầu nội địa tăng cao và du lịch tiếp tục phục hồi.

Tăng trưởng của Việt Nam và Philippines năm 2024 được dự báo cao nhất khu vực, cùng đạt 6,0%, theo sau là Campuchia 5,8%, Indonesia 5,0%, Malaysia 4,5% và Lào 4,0%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Singapore được dự báo thấp hơn từ 2,3 đến 2,5 lần so với Việt Nam và Philippines, lần lượt đạt 2,6% và 2,4%. Tăng trưởng kinh tế của Minama được dự báo thấp nhất khu vực trong năm 2024, chỉ đạt 1,2%.

Tình hình một số nền kinh tế lớn của thế giới

Kinh tế Mỹ: Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,1% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm 2023. So với quý I/2024, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,8%, tăng từ 1,4% trong quý I/2024. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh hơn (2,3% so với mức tăng 1,5% trước đó), dẫn đầu là sự phục hồi trong tiêu dùng hàng hóa (2,5% so với mức giảm 2,3% trước đó); đầu tư phi dân cư tăng 5,2%, chi tiêu của chính phủ tăng 3,1%; trong khi đó, đầu tư nhà ở đã giảm 1,4%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Mỹ giảm trong tháng thứ tư liên tiếp xuống còn 2,9% vào tháng 7/2024 so với cùng kỳ năm 2023, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Lạm phát giảm đối với nhà ở, giao thông vận tải, và may mặc tăng chậm lại (lần lượt đạt 5,1%, 8,8% và 0,2%), lạm phát thực phẩm ổn định ở mức 2,2%. Chi phí năng lượng tăng nhẹ ở mức 1,1%, chủ yếu là do giá xăng giảm chậm lại ở mức 2,2%.

So với tháng 6/2024, CPI tăng 0,2%, phục hồi sau mức giảm 0,1% vào tháng trước. Khi loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, lạm phát cơ bản hàng năm cũng chậm lại trong tháng thứ tư liên tiếp xuống còn 3,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, so với mức 3,3% vào tháng 6/2024. Tỷ lệ lạm phát cơ bản hàng tháng cũng tăng nhẹ lên 0,2% từ mức 0,1%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên 4,3% vào tháng 7 năm 2024 từ mức 4,1% của tháng 6/2024, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã tăng nhẹ lên 62,7% từ mức 62,6%. Sản xuất thu hẹp trong tháng 7/2024, chỉ số PMI sản xuất giảm còn 49,6, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024, cho thấy điều kiện kinh doanh tại các nhà sản xuất đang yếu đi. Số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên sau ba tháng, việc làm giảm; giá đầu ra tăng không đáng kể với tốc độ chậm nhất trong một năm, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng mạnh khi giá năng lượng, vận tải, nhân công và nguyên liệu thô tăng cao.

Doanh số bán lẻ tại Mỹ có dấu hiệu tích cực. Doanh số bán lẻ tháng 7/2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng cao nhất trong ba tháng, sau khi tăng 2% trong tháng 6/2024. Thâm hụt thương mại thu hẹp xuống còn 73,1 tỷ USD vào tháng 6/2024, từ mức cao nhất trong 20 tháng là 75 tỷ USD trong tháng 5/2024, trong đó, xuất khẩu tăng 1,5% lên 265,9 tỷ USD, trong bối cảnh doanh số bán máy bay dân dụng, xe ô tô và hàng hóa năng lượng, bao gồm khí đốt tự nhiên, sản phẩm dầu mỏ và nhiên liệu dầu đều tăng. Nhập khẩu tăng nhẹ 0,6% lên 339 tỷ USD, với sự hỗ trợ từ việc mua các hoạt động dược phẩm, chất bán dẫn và thiết bị điện, và hàng hóa năng lượng. Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã quyết định giữ ổn định phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25%-5,5%.

Kinh tế Trung QuốcGDP quý II/2024 của Trung Quốc tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý I/2023, trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở liên tục suy thoái, nhu cầu trong nước yếu, đồng nhân dân tệ mất giá và căng thẳng thương mại với các nước lớn. So với quý I/2024, GDP quý II/2024 tăng 0,7%, giảm so với mức tăng trưởng 1,5% trong quý I. Về nhu cầu trong nước, doanh số bán lẻ vào tháng 7/2024 chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, tăng tốc từ mức thấp nhất trong 17 tháng là 2,0% vào tháng 6. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Trung Quốc đã tăng lên 0,5% vào tháng 7/2024 từ mức 0,2% vào tháng 6/2024, đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp lạm phát tiêu dùng nhờ chính sách tăng cường kích thích thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ. Giá thực phẩm đã đảo ngược đà giảm trong mười hai tháng trước đó, và giá cả phi thực phẩm tiếp tục tăng. Loại trừ các mặt hàng dễ biến động giá, giá tiêu dùng cốt lõi tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng thấp nhất trong 6 tháng. Tính theo tháng, CPI tăng 0,5%, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 4.

Thương mại Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu trong tháng 7/2024, với mức thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 84,65 tỷ USD vào tháng 7/2024, tăng từ 80,22 tỷ USD cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2023 và nhập khẩu tăng 7,2%, mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 4/2024. Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ thu hẹp xuống còn 30,84 tỷ USD vào tháng 7/2024. Trong bảy tháng đầu năm 2024, Trung Quốc ghi nhận thặng dư 518 tỷ USD, với xuất khẩu tăng 4,0% lên 2,07 nghìn tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 2,8% lên 1,49 nghìn tỷ USD.

Sản xuất thu hẹp trong tháng 7/2024, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 49,8 vào tháng 7/2024, từ mức 51,8 vào tháng 6/2024, lần đầu tiên hoạt động của nhà máy giảm kể từ tháng 10/2023, do các đơn đặt hàng mới giảm sau khi tăng trưởng trong 11 tháng trước đó, mức mua đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023, sản lượng tăng trưởng yếu nhất trong chín tháng trong bối cảnh các đơn đặt hàng nước ngoài chậm lại. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) quyết định giữ mức lãi suất cơ bản cho các khoản vay một năm - áp dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp và hộ gia đình – ở mức 3,45%; lãi suất cho các khoản vay 5 năm - một tham chiếu cho các khoản thế chấp - ở mức 3,85%, mức thấp kỷ lục sau khi giảm lãi suất bất ngờ vào tháng 7/2024.

Kinh tế châu Âu: Tăng trưởng khu vực đồng Euro phục hồi, GDP khu vực tăng trưởng 0,6% trong quý II/2024 so với cùng kỳ năm 2023. GDP của Khu vực tăng trưởng 0,3% theo quý trong quý II/2024. Trong đó, kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất Khu vực, giảm 0,1%. Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở Khu vực đã tăng lên 2,6% vào tháng 7/2024, từ mức 2,5% vào tháng 6/2024. Trong đó, chi phí năng lượng tăng mạnh (1,2%), hàng hóa công nghiệp phi năng lượng tăng trưởng ổn định (ở mức 0,7%), lạm phát chậm lại đôi chút đối với thực phẩm, rượu và thuốc lá (2,3%). Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 2,9% trong tháng 7/2024.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực tăng lên 6,5% vào tháng 6/2024, từ mức thấp kỷ lục là 6,4% vào tháng 4 và tháng 5/2024. Lĩnh vực sản xuất duy trì xu hướng thu hẹp, chỉ số PMI sản xuất của Khu vực đạt mức thấp kỷ lục là 45,8 vào tháng 6 và tháng 7/2024, do sản lượng và đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm. Sản lượng công nghiệp tại Khu vực giảm 3,9% vào tháng 6/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số bán lẻ tại Khu vực giảm 0,3% vào tháng 6/2024 so với cùng kỳ năm 2023, sau ba tháng phục hồi. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt thặng dư thương mại 22,3 tỷ EUR vào tháng 6 /2024. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phục hồi chậm lại kể từ tháng 3/2024, chỉ số PMI dịch vụ của khu vực đã giảm xuống 51,9 vào tháng 7/2024, từ mức 52,8 của tháng 6/2024, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ sáu liên tiếp. Trong tháng 8/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định duy trì lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, và lãi suất cho vay biên ở mức 3,75%, 4,25% và 4,5%.

Kinh tế Nhật BảnKinh tế Nhật Bản tăng trưởng 3,1% theo cơ sở hàng năm trong quý II/2024, từ mức giảm 2,3% trong quý I/2024, mức tăng trưởng hàng năm mạnh nhất kể từ quý II/2023, được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng tư nhân và chi tiêu kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Nhật Bản đạt 2,8% vào tháng 5 và tháng 6/2024, mức cao nhất kể từ tháng 2/2024. Trong đó, giá điện vẫn ở mức cao (tăng 13,4%), giá khí đốt tăng lần đầu tiên sau 13 tháng (tăng 2,4%) sau khi trợ cấp năng lượng kết thúc hoàn toàn vào tháng 5/2024, trong khi giá cả tiếp tục tăng đối với thực phẩm (3,6%), nhà ở (0,6%), giao thông (2,5%),... Lạm phát cơ bản đạt mức cao nhất trong ba tháng là 2,6% vào tháng 6/2024. Tính theo tháng, giá tiêu dùng tăng 0,3%, chậm lại so với tốc độ tăng mạnh nhất trong 7 tháng là 0,5% vào tháng 5.

Sản xuất tiếp tục thu hẹp, chỉ số PMI sản xuất đạt 49,5 vào tháng 8/2024, từ mức thấp nhất trong bốn tháng là 49,1 vào tháng 7/2024, tháng thứ hai liên tiếp hoạt động của nhà máy suy giảm, do đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, doanh số bán hàng nước ngoài giảm mạnh, và sản lượng tăng khiêm tốn. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng lên 621,84 tỷ JPY vào tháng 7/2024 từ 61,33 tỷ JPY trong cùng kỳ năm 2023, đánh dấu lần thứ năm thâm hụt trong năm 2024 với nhập khẩu tăng mạnh hơn so với xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu 10,3%, tháng tăng trưởng thứ tám liên tiếp, lên mức cao nhất trong bảy tháng là 9.619,17 tỷ JPY, và nhập khẩu tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023, mức cao nhất kể từ tháng 01/2023, lên mức cao nhất trong 19 tháng là 10.241.008 tỷ JPY.

Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản tăng lên mức 54,0 vào tháng 8/2024 từ mức 53,7 của tháng 7/2024, lần mở rộng thứ bảy trong năm của ngành dịch vụ trong năm 2024, với sự tăng trưởng trong các đơn đặt hàng mới được duy trì trong bối cảnh doanh số bán hàng ở nước ngoài phục hồi. Trong tháng 7/2024, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tăng lãi suất ngắn hạn chủ chốt lên khoảng 0,25% từ mức 0-0,1% được thiết lập vào tháng 3/2024. BOJ sẽ giảm mức mua trái phiếu hàng tháng xuống còn 3 nghìn tỷ JPY trong tháng 1-3/2026 từ tốc độ hiện tại là khoảng 6 nghìn tỷ JPY để theo đuổi chính sách tiền tệ bình thường hơn. Hành động của Ngân hàng Trung ương đã hỗ trợ sự gia tăng mạnh mẽ giá trị của đồng yên (so với đồng USD)./.

Nguồn: An Nhi (kinhtevadubao.vn)




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/