CÁC TIN LIÊN QUAN
IIP 4 tháng đầu năm giảm 1,8%

IIP 4 tháng đầu năm giảm 1,8%, trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm.

 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%).

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8%, làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1%, làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

IIP 4 tháng đầu năm giảm 1,8%

IIP 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước.

Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2023 là do chịu tác động từ cả nguyên nhân bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn. Xung đột Nga - Ukraine khiến giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn chưa nới lỏng, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU…đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia có những mặt hàng xuất khẩu tương đồng, trong đó có Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, sức mua dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Hiện thiếu hỗ trợ giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất hay liên kết giữa thị trường nội địa và khu vực sản xuất yếu.

Các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên, vật liệu vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Sức ép lạm phát, lãi suất gia tăng cũng đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ. Mặt khác, thói quen tiêu dùng trong thời kỳ Covid-19 của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước Tết./.

Nguồn: Lê Vân (Kinh tế và dự báo)




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/