CÁC TIN LIÊN QUAN
Vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá lạc quan?

ANTD.VN - Trong khi nhiều nước trên thế giới hạ dự báo tăng trưởng thì Việt Nam lại ở chiều hướng ngược lại. Liệu Việt Nam có “lạc quan” quá khi đánh giá về tăng trưởng? Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

  

Vì sao tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá lạc quan? ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

 

Trong khi hầu hết các định chế tài chính thế giới đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, như WB hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 từ 4,1% xuống còn 2,9%. Tuy nhiên, Việt Nam lại là ngoại lệ khi WB nâng dự báo tăng trưởng từ 5,5% lên 5,8% trong năm nay. Theo TCTK, các định chế tài chính thế giới dựa vào những cơ sở nào để lạc quan về kinh tế Việt Nam?

- Bà Nguyễn Thị Hương: Ngày 8/6/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và thực phẩm tăng mạnh, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 và nâng dự báo lạm phát. Theo đó, tổ chức này dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, ngày 7/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%. Ở các nước khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, WB cũng dự báo tăng trưởng GDP giảm xuống 4,4%.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới mà WB đã rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022.

Có thể nhận định căn cứ để WB đưa ra dự báo như sau:

Thứ nhất, chính sách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ tiêm vaccine cao, số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong ngày càng giảm. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát là nền tảng căn bản cho duy trì sự ổn định xã hội, tâm lý người dân, các hoạt động kinh tế quay trở về trạng thái bình thường, ổn định và phát triển

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng là tiền đề cho tiến trình khôi phục sản xuất, đảm bảo an toàn, an sinh tới mọi người dân.

Thứ ba, quyết sách mở cửa kịp thời nhằm giải quyết những tồn đọng của nền kinh tế do đại dịch, tận dụng lợi thế và tìm kiếm cơ hội phát triển cho tương lai đã và đang phát huy tác dụng, hiệu quả cho nền kinh tế sau 2 năm bị phong tỏa.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi mạnh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất tăng, nhu cầu du lịch, đi lại của người dân tăng mạnh; khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng cao trong 5 tháng đầu năm. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao.

Đặc biệt, Việt Nam tổ chức thành công Seagame 31 cũng là dấu ấn quan trọng với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam hòa bình, an toàn, ổn định, thân thiện.

Thứ tư, kết quả thực tế của hoạt động kinh tế 5 tháng đầu năm và dự ước 6 tháng tăng trưởng khả quan, hứa hẹn triển vọng phát triển trong những tháng còn lại của năm 2022.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp đạt kết quả rất đáng ghi nhận. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm.

Những yếu tố này vẫn sẽ là nhân tố tích cực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho nền kinh tế phát triển.

Tuy dịch Covid-19 đã có chiều hướng tăng trở lại tại nhiều nước trên thế giới; lạm phát, giá đầu vào của sản xuất tiếp tục đà tăng do tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga- Ukraine. Theo Tổng cục Thống kê, những động thái từ bên ngoài tác động tiêu cực thế nào đến sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022?

- Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao kể từ quý 1/2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện và làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% cao hơn 0,68 điểm % so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm % so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nền kinh tế quý 2 đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Cụ thể:

Thứ nhất, xung đột Nga- Ukraine vẫn diễn biến phức tạp khiến giá xăng dầu thế giới và trong nước leo thang, gia tăng chi phí sản xuất, nguồn cung bị gián đoạn, lạm phát tăng cao, sức cầu quốc tế yếu; việc ban hành tiêu chuẩn quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022, đặc biệt vào cuối năm kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ; từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế.

Thứ ba, dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể diễn biến phức tạp cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Thứ tư, chính sách Zero-Covid của Trung Quốc khiến làm chậm lại các hoạt động kinh tế và có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "Zero Covid" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm.

Với các yếu tố ảnh hưởng như trên, liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu trưởng năm 2022 không, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Hương: Cuộc chiến tranh giữa Nga-Ukraine đã làm cho cả thế giới đang phải gánh chịu hệ lụy của nó, một trong số đó chính là giá xăng dầu cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng tăng mạnh gây lên sức ép lạm phát lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên cũng không nằm ngoài cơn bão giá khủng khiếp này. Mặc dù mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế 6 tháng đầu năm chưa cao, nhưng đây được dự báo là một trong những lực cản lớn đối với mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.

Tuy nhiên, Việt Nam có thể đạt đươc mục tiêu tăng trưởng năm 2022 với một số căn cứ sau: Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19; đất nước sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý 2 và 6 tháng/2022. Điều này chính là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% cao hơn 0,68 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37 điểm phân trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, nền kinh tế quý 2 có những bước phát triển khá, nhất là khu vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây)... tiếp đà phát triển trong quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.

Khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra 6-6,5%.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Hà Linh (Anninhthudo.vn)




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/