CÁC TIN LIÊN QUAN
Lần đầu tiên sau nhiều năm, thu nhập của người dân bị giảm

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện thì năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người dân đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 1% so với năm 2019.

 

 

Thu nhập của người dân lần đầu tiên bị giảm kể từ khi mở cửa, đổi mới nền kinh tế; không những thế, năm 2020, chi tiêu của người dân cũng bị đảo lộn… tất cả là do đại dịch Covid-19.

 

Đời sống của nhóm nghèo nhất giảm sâu do Covid-19

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện thì năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người dân theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 1% so với năm 2019. Như vậy, nếu trừ đi lạm phát (CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23%) thì thu nhập thực tế của người dân giảm khoảng 4,5%. Và người dân càng nghèo (nhóm 1 và nhóm 2) càng có mức sống khó khăn hơn do đối tượng này sử dụng phần lớn thu nhập dành cho việc ăn uống trong khi mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh năm 2020 tăng chóng mặt.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, TCTK cho biết, năm 2020, mặt hàng lương thực  tăng 4,51% (riêng giá gạo tăng 5,14%) đã góp phần làm tăng 0,17 điểm phần trăm trong mức tăng chung của CPI năm 2020 là 3,23%. Đặc biệt, giá các mặt hàng thực phẩm năm 2020 tăng tới tới 12,28% đã làm cho CPI tăng 2,61 điểm phần trăm.

“Trong đó, giá thịt lợn (chiếm cơ cấu phần lớn trong khẩu phần thực phẩm của người dân) tăng chưa từng có (năm tăng 57,23% sau khi đã tăng 11,79% vào năm 2019) làm cho CPI chung tăng 1,94 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 và tháng 11/2020 tác động làm cho diện tích rau màu ngập nặng, nhiều ao, hồ, chuồng trại bị hư hỏng, cuốn trôi,…làm cho giá rau tươi, khô và chế biến tăng khá mạnh”, bà Thu Oanh cho biết.

Số liệu khảo sát của TCTK cho biết, do thu nhập bình quân đầu người năm 2020 giảm 1% nên trong giai đoạn 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 8,2%. Trong đó, thu  nhập của người dân đô thị thị đạt 5,6 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất (20% dân số giàu nhất - nhóm 5) mỗi tháng có thu nhập bình quân  9,1 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với 20% nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1), với mức thu nhập chỉ đạt 1,1 triệu đồng mỗi tháng.

“Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%; từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm trên 11%; từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm gần 23%; thu khác chiếm 10,5%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng; ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm”, ông Nguyễn Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê xã hội và môi trường, TCTK cho biết.

Covid-19 làm thay đổi cơ cấu chi tiêu

Năm 2020, thu nhập giảm nên buộc người dân phải giảm chi tiêu. Theo khảo sát của TCTK, năm 2020, chi tiêu bình quân tháng của mỗi hộ gia đình vào khoảng 2,89 triệu đồng, chỉ tăng tăng 13% so với 2018. Như vậy, nếu trừ đi mức độ lạm phát năm 2020 và 2019 (tăng 2,79%) thì tốc độ tăng chi tiêu thực tế của người dân còn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 18% của năm 2018 (so với năm 2016).

Trong khi thu nhập bình quân của người dân đô thị năm 2020 đạt 5,6 triệu đồng/tháng thì chi tiêu chỉ có 3,8 triệu đồng; còn người dân ở khu vực nông thôn chỉ có thu nhập mỗi tháng 3,5 triệu đồng đã phải chi tiêu 2,4 triệu đồng. Như vậy, trong năm 2020, đa số trong 61,65 triệu người dân sống ở nông thôn, chiếm 63,2% dân số cả nước hầu như không có tiết kiệm, không có tích lũy vì gần như toàn bộ số tiền kiếm được phải chi cho đời sống (ăn uống, điện nước, may mặc, giày dép…) chiếm tỷ tới 93% tổng chi tiêu trong mỗi hộ gia đình. Trong đó, chỉ riêng việc chi cho ăn uống mỗi người dân năm 2020 đã mất 1,35 triệu đồng/tháng.

Thậm chí nhóm 20% số hộ nghèo nhất mỗi tháng cũng phải chi ra 1,4 triệu đồng/người chỉ dành cho việc ăn uống. Mặc dù nhóm yếu thế trong xã hội hàng tháng chỉ chi ra bằng 1/3,5 lần so với 20% số hộ giàu nhất, nhưng cũng đã tiêu gần như hết số tiền kiếm được mỗi tháng.

Ông Nguyễn Thế Quân cho biết, do đại dịch “vô tiền khoáng hậu” nên chi tiêu của người dân năm 2020 đã bị đảo lộn so với xu hướng đã được hình thành nhiều năm trước đó. Cụ thể, trong vòng 10 năm trở lại đây, cơ cấu chi tiêu trong hộ gia đình dành cho việc ăn, uống, hút có xu hướng giảm dần thì năm 2020  tăng trở lại. Xu hướng chi tiêu cho quần áo, dày dép… có xu hướng tăng lên thì năm 2020 lại giảm xuống. Tương tự như vậy, trong vòng 10 năm gần đây, cơ cấu chi tiêu cho việc mua thiết bị đồ dùng gia đình; chi phí cho đi lại, vui chơi, giải trí, du lịch, nghỉ mát đang trong xu hướng tăng thì năm 2020 bất ngờ giảm xuống đã cho thấy phần lớn thu nhập của người dân chỉ được sử dụng cho chi tiêu cuộc sống tối thiểu hằng ngày do thu nhập bị giảm”, ông Quân bình luận.

           Kết quả thu nhập và chi tiêu kể trên là bức tranh phản ánh trung thực tác động tiêu cực của Covid-19 đến đời sống của người dân.

Theo ông Phạm Huy Minh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động, TCTK, năm 2020 cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

“Trong đó, trên 69% người bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%”, ông Huy Minh cho biết thêm.

Cũng theo ông Minh, tình hình lao động, việc làm quý 4 năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý 4 mặc dù giảm so với quý 3 nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020.

 

Nguồn: Mạnh Bôn (Đầu tư online_Diễn đàn đầu tư kinh doanh)

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/