CÁC TIN LIÊN QUAN
Đề xuất 6 phương án phân vùng kinh tế giai đoạn 2021-2030

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn Phương án 06 (Phân thành 07 vùng trong đó có vùng Thủ đô mới) làm phương án phân vùng cho giai đoạn 2021-2030.

Báo cáo về các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, triển khai thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua, ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2017 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ, Bộ đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo phân vùng giai đoạn 2021- 2030; tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Báo cáo Nghiên cứu phân vùng với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành và một số địa phương; tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản 17 bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh thành (tại công văn số 5002/BKHĐT-CLPT ngày 23/7/2018) và đã nhận được 16/17 ý kiến của các Bộ ngành; 53/63 ý kiến của các tỉnh thành.

 Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ ngành, địa phương và các nhà khoa học, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 8226/TTr-BKHĐT ngày 16/11/2018 gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tại Tờ trình này, Bộ đề xuất tiêu chí phân vùng và 04 (bốn) phương án phân vùng để lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030.

Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các Báo cáo số 1135/BC-BKHĐT, ngày 26/02/2019; Báo cáo số 3988/BC-BKHĐT, ngày 12/6/2019 và Báo cáo số 5623/BC-BKHĐT, ngày 12/8/2019 xin ý kiến Hội đồng Quy hoạch quốc gia. Tại phiên họp của Hội đồng Quy hoạch quốc gia vào ngày 12/8/2019, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về Báo cáo phân vùng.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Quy hoạch quốc gia và ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương tại các Hội nghị của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội làm việc với các địa phương các vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Báo cáo phân vùng và đã có Tờ trình số 8116/TTr-BKHĐT, ngày 01/11/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tại Tờ trình số 8116/TTr-BKHĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đánh giá bổ sung thực trạng phương án phân vùng hiện nay, điều chỉnh các tiêu chí phân vùng và đề xuất lại 04 phương án phân vùng.

Phương án 01: Phân thành 07 vùng 

Theo phương án này giữ nguyên 02 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ), điều chỉnh 01 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 04 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 02 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).

(1) Vùng Đông Bắc gồm 07 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang;

(2) Vùng Tây Bắc gồm 07 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình;

(3) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh;

(4) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 05 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị;

(5) Vùng Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 12 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông;

 (6) Vùng Đông Nam Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận;

(7) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ưu điểm của Phương án này có tính đến yếu tố liên kết kinh tế giữa các địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng về kinh tế cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư. Khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài, quy mô các vùng hợp lý hơn. Đồng thời, phương án này hướng tới tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập một cách hiệu quả.

Phương án 02: Phân thành 06 vùng

Theo phương án này hình thành 06 vùng mới trong đó giữ nguyên vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành lại 03 vùng Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ như Phương án 01 nêu trên.

(1) Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình;

(2) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh;

(3) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 05 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị;

(4) Vùng Nam Trung Bộ (Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 12 tỉnh/thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông;

 (5) Vùng Đông Nam Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận;

(6) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ưu điểm của Phương án này tương tự như Phương án 01 ở trên, có tính đến yếu tố liên kết kinh tế giữa các địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng về kinh tế cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư. Tuy nhiên tồn tại nhược điểm là vùng Nam Trung Bộ và vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có quy mô còn khá lớn.

Phương án 03: Phân thành 08 vùng

Theo Phương án này cả nước phân thành 8 vùng, trong đó giữ nguyên 04 vùng: Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành 02 vùng: Đông Bắc và Tây Bắc (như Phương án 1); tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành 02 vùng: Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) và Duyên hải Nam Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận).

(1) Vùng Đông Bắc gồm 07 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang;

(2) Vùng Tây Bắc gồm 07 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình;

 (3) Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh;

(4) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế;

(5) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận;

(6) Vùng Tây Nguyên gồm 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng;

(7) Vùng Đông Nam Bộ gồm 06 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh;

(8) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. 

Ưu điểm của Phương án 03 là mối tương quan về quy mô diện tích, dân số và kinh tế giữa các vùng là cân đối nhất. Phương án này khắc phục được hạn chế về tồn tại vùng có khoảng cách quá dài. Tuy nhiên phương án này có nhược điểm là còn đặt nặng tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư cao hơn so với tính liên kết kinh tế.

Phương án 04: Duy trì 06 vùng hiện nay

Nếu duy trì phương án phân vùng như hiện nay sẽ có ưu điểm là không gây xáo trộn về vùng, bảo đảm tính liên tục đối với các hoạt động lập quy hoạch vùng và quản lý vùng.

Ngày 10/12/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch với sự tham gia của đại diện Lãnh đạo 21 bộ, ngành.

Ngày 18/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 432/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.

Văn bản nêu rõ, để đảm bảo tính kế thừa và đánh giá toàn diện hơn các điều kiện tự nhiên, văn hóa và sự phát triển của từng khu vực, đề nghị nghiên cứu thêm 02 phương án phân vùng:

a) Phương án 01: Trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (06 vùng) nghiên cứu theo hướng tách vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ.

b) Phương án 02: Trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (06 vùng), nghiên cứu theo hướng:

- Tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 02 vùng: vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ.

- Mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Thủ đô.

- Nghiên cứu, hình thành vùng Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 432/TB-VPCP ngày 18/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bổ sung thêm 02 (hai) phương án phân vùng mới như sau:

Phương án 05: Phân thành 07 vùng

Theo phương án này giữ nguyên 05 (năm) vùng: vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ, như sau:

(1). Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

(2). Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

(3). Vùng Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

(4). Vùng Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(5). Vùng Tây Nguyên gồm 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

(6). Vùng Đông Nam Bộ gồm 06 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

(7). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ưu điểm của phương án này sẽ không gây xáo trộn nhiều về quy mô các vùng, bảo đảm tính kế thừa của các phương án phân vùng và liên tục đối với các hoạt động lập quy hoạch của 5/6 vùng hiện nay và đồng thời khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là chưa tạo ra không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng (vùng Thủ đô Hà Nội).

Phương án 06: Phân thành 07 vùng trong đó có vùng Thủ đô mới

Theo phương án này giữ nguyên 03 (ba) vùng: vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ; đưa 04 (bốn) tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc vào vùng Đồng bằng sông Hồng thành vùng Thủ đô (hay vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng), vùng Trung du và Miền núi phía Bắc với các tỉnh còn lại đổi tên thành vùng Miền núi phía Bắc, như sau:

(1). Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

(2). Vùng Thủ đô (hay vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng) gồm 15 tỉnh: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

(3). Vùng Bắc Trung Bộ gồm 06 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

(4). Vùng Nam Trung Bộ gồm 08 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

(5). Vùng Tây Nguyên gồm 05 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

(6). Vùng Đông Nam Bộ gồm 06 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.

(7). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Ưu điểm của phương án này đảm bảo tính kế thừa cao; ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Thủ đô Hà Nội (mới) và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển hơn và tính liên kết vùng được đề cao hơn. Phương án này khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các phương án phân vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn Phương án 06 làm phương án phân vùng cho giai đoạn 2021-2030 với những ưu điểm của phương án như trình bày ở trên.

Với phương án này, sẽ phát huy lợi thế của các vùng, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững các vùng và cả nước.

Riêng về nghiên cứu hình thành vùng Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị trong giai đoạn 2021-2030 giữ nguyên vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi nghiên cứu quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tính đến việc liên kết của hai tỉnh Tiền Giang và Long An với vùng Thành phố Hồ Chí Minh (theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thì Long An và Tiền Giang thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh).

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/09/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung triển khai xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cả tỉnh Long An và Tiền Giang) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo qui định của Luật Quy hoạch./.

An Nhi




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/