CÁC TIN LIÊN QUAN
Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, GDP còn dùng để biên soạn các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác có liên quan, phản ánh chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế và tính toán các chỉ tiêu đòn bẩy như tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách so với GDP, bội chi ngân sách so với GDP... Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này giúp Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển đất nước.

 

1. Đánh giá lại quy mô GDP là việc làm định kỳ, theo thông lệ quốc tế

Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc đưa ra ba vòng đánh giá lại số liệu GDP nhằm xử lý những bất cập nảy sinh trong quá trình biên soạn số liệu. Ba vòng đánh giá lại được thực hiện một phần hay toàn bộ phụ thuộc vào khả năng thực hiện của cơ quan Thống kê và thực tiễn tổ chức, quản lý hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

- Vòng 1. Đánh giá lại số liệu quý: Xử lý những thay đổi về số liệu ước tính, số sơ bộ khi có đầy đủ thông tin hơn của kỳ báo cáo.

- Vòng 2. Đánh giá lại số liệu hàng năm: Xử lý những chênh lệch giữa số liệu quý và số liệu năm đối với số liệu ước tính, số sơ bộ và số chính thức.

- Vòng 3. Đánh giá lại số liệu định kỳ: Xử lý các vấn đề lớn, không thể tiến hành thường xuyên như cập nhật nguồn thông tin, bổ sung phạm vi từ các cuộc tổng điều tra; thay đổi năm gốc; thay đổi khung lý thuyết; thay đổi các bảng phân ngành…

Vòng 1 và vòng 2 là các đánh giá lại ngắn hạn và được các nước thực hiện thường xuyên trong quá trình biên soạn GDP. Vòng 3 thực hiện điều chỉnh lớn, thường được triển khai khi có kết quả các cuộc tổng điều tra.

Mặc dù nguồn thông tin thống kê dùng để biên soạn chỉ tiêu GDP của Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu tốt hơn nhưng vẫn chưa đầy đủ để đánh giá sát thực quy mô của nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Trong điều tra thống kê - nguồn thông tin chủ yếu và quan trọng của cơ quan Thống kê, điều tra mẫu hàng năm phản ánh được xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực nhưng chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện về quy mô giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và quy mô GDP toàn bộ nền kinh tế. Phương pháp thu thập thông tin thống kê truyền thống và những hạn chế, bất cập trong chia sẻ thông tin từ hồ sơ hành chính giữa các bộ, ngành và cơ quan quản lý các cấp dẫn đến số liệu thống kê chưa phản ánh kịp thời sự thay đổi về quy mô và tình hình kinh tế - xã hội hàng năm. Theo thông lệ thống kê quốc tế, khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc Tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính, các cơ quan Thống kê quốc gia sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.

2. Đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại quy mô GDP 

Vì Thống kê Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) 1993 sang SNA 2008 theo khuyến nghị của cơ quan Thống kê Liên hợp quốc; cập nhật Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam 2018, Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam 2018. Đồng thời, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành và công bố kết quả của hai cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Qua việc tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành, đến nay Tổng cục Thống kê đã trực tiếp ký Quy chế phối hợp với nhiều Bộ, ngành, trong đó thực hiện chia sẻ thông tin với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó cập nhật đầy đủ và chi tiết hơn thông tin doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất trên phạm vi cả nước. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này theo đúng thông lệ quốc tế và có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

3. Phạm vi và nguồn thông tin sử dụng đánh giá lại quy mô GDP

Thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Thông tin thống kê sử dụng để đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam chủ yếu dựa vào Tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các Bộ, ngành địa phương. Trong giai đoạn 2010-2017, Tổng cục Thống kê thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2012 và năm 2017. Đồng thời, công tác chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành ngày càng tốt hơn đã giúp thu thập được thông tin từ nguồn dữ liệu hành chính của các Bộ, ngành.

4. Kinh nghiệm quốc tế về đánh giá lại quy mô GDP

Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Indonesia... đã tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan và công bố kết quả đánh giá lại.

Do cập nhật phương pháp luận tài khoản quốc gia (SNA 2008) theo khuyến nghị của cơ quan thống kê Liên hợp quốc, cuối tháng 7 năm 2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó năm 2013 đã bổ sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp tục đánh giá lại và bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%. Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italia tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%... Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đánh giá lại quy mô GDP và có sự thay đổi đáng kể như: Ghana tăng 60%; Nigeria tăng 59,5%; Maldive tăng 37%; Kenya tăng 25%…

5. Quy trình đánh giá lại quy mô GDP

Quy trình đánh giá lại quy mô GDP khoa học, bảo đảm thông lệ quốc tế được thực hiện theo các bước sau:

(1) Biên soạn lại chỉ tiêu giá trị sản xuất;

(2) Rà soát, hoàn thiện hệ thống chỉ số giá;

(3) Cập nhật hệ số chi phí trung gian;

(4) Biên soạn lại chỉ tiêu GDP theo giá trị sản xuất, hệ thống chỉ số giá và hệ số chi phí trung gian đã thực hiện trong 3 bước trên;

(5) Tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có liên quan; so sánh, đánh giá kết quả đánh giá lại với số liệu GDP và các chỉ tiêu vĩ mô đã công bố; báo cáo giải trình kết quả và kiến nghị.

Mỗi công đoạn trong quy trình đánh giá lại đều được thực hiện các bước cụ thể: rà soát, đánh giá lại thông tin đầu vào; cập nhật các chỉ tiêu đầu vào; biên soạn lại các chỉ tiêu đầu ra; kiểm tra, so sánh dãy số liệu với số liệu đã công bố; tổng hợp kết quả và giải trình.

6. Đánh giá của chuyên gia và các tổ chức quốc tế về quy trình và nguồn thông tin Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP

Trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã làm việc với Đoàn chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tham vấn ý kiến của chuyên gia thống kê Liên hợp quốc để tiếp tục rà soát nguồn thông tin và xem xét đánh giá lại quy mô GDP. Các ý kiến của chuyên gia và tổ chức quốc tế đều thống nhất như sau:

- Tính đầy đủ và kịp thời của các chỉ tiêu thống kê tài khoản quốc gia rất quan trọng cho việc hoạch định chính sách. GDP là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng ở nhiều quốc gia bởi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong việc đánh giá hiệu quả của nền kinh tế. GDP cũng được sử dụng để so sánh quốc tế, tính toán các tỷ lệ đòn bẩy và tài chính quan trọng, chẳng hạn như chỉ số nợ công so với GDP.

- Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP hoàn toàn phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế. Tổng cục Thống kê đã tiến hành rất nhiều cuộc điều tra về các hoạt động kinh tế, hộ gia đình để đảm bảo nắm bắt được kết quả các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động mới xuất hiện, các hoạt động sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ và thực hiện rà soát trong đợt điều chỉnh lần này.

- Tổng cục Thống kê đã cố gắng cải thiện hoạt động thống kê nhằm nâng cao mức độ bao phủ toàn bộ các hoạt động trong nền kinh tế. Để mở rộng cơ sở dữ liệu tính toán, Tổng cục Thống kê đã ký Quy chế Hợp tác chia sẻ thông tin với 10 bộ, ngành liên quan. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Tổng cục Thống kê vì đã tăng cường sử dụng thông tin từ các cơ quan Chính phủ khác và mở rộng phạm vi Tổng điều tra Kinh tế nhằm bao phủ nhiều doanh nghiệp hơn. Ngoài ra, có một số sửa đổi do việc áp dụng theo chuẩn mực SNA 2008. Đoàn công tác của IMF ghi nhận rằng các sửa đổi này tuân theo những khuyến nghị của các Đoàn công tác IMF trước đây trong việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan và triển khai SNA 2008 với việc tính toán hoạt động nghiên cứu và phát triển, phần mềm trong tổng tích luỹ tài sản cố định.

- Sau khi đánh giá lại quy mô GDP, số liệu thống kê của Việt Nam sẽ tốt hơn, cung cấp một bức tranh tổng thể sát thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế và trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ, các nhà đầu tư và người dùng tin.

- Điều đặc biệt quan trọng giúp người dùng tin hiểu được lý do của việc đánh giá lại quy mô GDP là công việc bình thường cần làm trong biên soạn tài khoản quốc gia và Tổng cục Thống kê cần có kế hoạch cho việc đánh giá lại quy mô GDP, trong đó việc sửa đổi, điều chỉnh phải minh bạch và có thời hạn cụ thể để người sử dụng thông tin biết.

7. Kết quả đánh giá lại quy mô GDP

(1) Quy mô GDP tăng bình quân 25,4%/năm trong giai đoạn 2010-2017 sau khi đánh giá lại

Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%[1]. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng).

Quy mô tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành

Nghìn tỷ đồng

 

 

Tổng

số

Chia ra

Nông,lâm nghiệp
và thuỷ sản

Công nghiệp
và xây dựng

Dịch vụ

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

Số đã công bố

 

 

 

 

 

2010

2158

397

693

797

271

2011

2780

544

896

1021

319

2012

3245

624

1089

1209

323

2013

3584

644

1190

1388

362

2014

3938

697

1308

1537

396

2015

4193

713

1394

1666

420

2016

4503

735

1473

1843

452

2017

5006

768

1672

2065

501

 

 

 

 

 

 

Số đánh giá lại

 

 

 

 

 

2010

2740

421

905

1113

301

2011

3540

576

1224

1377

363

2012

4074

660

1461

1594

359

2013

4474

681

1591

1814

388

2014

4937

735

1743

2020

439

2015

5191

751

1779

2190

471

2016

5639

779

1924

2417

519

2017

6294

814

2227

2680

573

Về khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của cả 3 khu vực đều tăng sau khi đánh giá lại, trong đó quy mô khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tăng khá lớn. Cụ thể:

- Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 25 nghìn tỷ đồng đến 46 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 5,4%-6,2% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực này đạt 814 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 768 nghìn tỷ đồng).

- Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp và xây dựng sau khi đánh giá lại trong giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 211 nghìn tỷ đồng đến 555 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 27,6%-36,6% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 2.227 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 1.672 nghìn tỷ đồng).

- Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sau khi đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng thêm từ 316 nghìn tỷ đồng đến 615 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương ứng tăng từ 29,8%-39,6% so với số đã công bố. Năm 2017, giá trị tăng thêm đánh giá lại của khu vực dịch vụ đạt 2.680 nghìn tỷ đồng (số đã công bố là 2.065 nghìn tỷ đồng).

(2) Cơ cấu GDP thay đổi, phản ánh rõ hơn xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế

Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, so với số đã công bố, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ 17,4% xuống còn 14,7% (giảm 2,7 điểm phần trăm); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 33,0% lên 34,8% (tăng 1,8 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ tăng từ 39,2% lên 41,2% (tăng 2 điểm phần trăm); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng về quy mô so với số đã công bố nhưng cơ cấu trong GDP giảm từ 10,4% xuống 9,3% bình quân cả giai đoạn.

(3) Tốc độ tăng GDP hàng năm không có biến động lớn so với số đã công bố

Tốc độ tăng GDP hàng năm trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhẹ, phù hợp với xu hướng tăng trưởng công bố hàng năm, mỗi năm tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm, trong đó năm 2016 tăng cao nhất với 0,48 điểm phần trăm. Tốc độ tăng GDP các năm giai đoạn 2011-2017 lần lượt là: 6,41%; 5,50%; 5,55%; 6,42%; 6,99%; 6,69%; 6,94%.

 

Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trong nước theo giá so sánh 2010

 %

 

 

Tổng

số

Chia ra

Nông, lâm nghiệp
và thuỷ sản

Công nghiệp
và xây dựng

Dịch vụ

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

Số đã công bố

 

 

 

 

 

2011

106,24

104,23

107,60

107,47

102,07

2012

105,25

102,92

107,39

106,71

98,40

2013

105,42

102,63

105,08

106,72

106,42

2014

105,98

103,44

106,42

106,16

107,93

2015

106,68

102,41

109,64

106,33

105,54

2016

106,21

101,36

107,57

106,98

106,38

2017

106,81

102,90

108,00

107,44

106,34

BQ giai đoạn 2011-2017

106,08

102,84

107,38

106,83

104,68

 

Số đánh giá lại

 

 

 

 

 

2011

106,41

104,24

107,35

107,65

102,07

2012

105,50

102,87

107,17

107,03

98,06

2013

105,55

102,53

105,12

106,82

106,20

2014

106,42

103,20

106,24

107,31

107,90

2015

106,99

102,51

109,19

107,05

105,51

2016

106,69

101,65

107,83

107,46

106,16

2017

106,94

103,17

108,28

107,12

106,25

BQ giai đoạn 2011-2017

106,36

102,88

107,30

107,20

104,54

(4) Sự thay đổi của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan

Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi, cụ thể:

(1) Tích lũy tài sản bình quân mỗi năm tăng 28,98%.

(2) Tiêu dùng cuối cùng thay đổi đáng kể ở tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, bình quân tăng 26,37%/năm.

(3) Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%.

(4) GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm.

(5) Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP bình quân mỗi năm khoảng 33,3%/năm (tăng thêm 0,7 điểm phần trăm).

(6) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) không có sự thay đổi lớn, giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27); giai đoạn 2016-2017 là 6,05 (giảm 0,22).

(7) Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%.

(8) Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 1,1%.

(9) Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP bình quân 23,2%/năm (số đã công bố là 29,1%/năm).

(10) Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm.

(11) Tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm.

(12) Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, giảm 0,13 điểm phần trăm so với ước tính trước đây.

 

Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đánh giá lại

  

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

GDP bình quân đầu người

 

 

 

 

 

 

 

 

Nội tệ (Triệu đồng)

31,5

40,2

45,7

49,6

54,2

56,3

60,5

66,8

Ngoại tệ (USD)

1690

1958

2194

2370

2561

2597

2759

2985

Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP (%)

38,1

32,8

31,3

31,0

31,6

33,8

34,2

34,7

Hệ số ICOR

-

5,5

6,4

6,5

5,9

5,6

6,0

6,1

Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP (%)

21,9

20,8

18,4

18,9

18,2

19,7

20,1

20,5

Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP (%)

11,0

10,3

8,8

8,7

8,9

9,1

9,2

9,1

Tỷ lệ chi NSNN so với GDP (%)

24,0

21,5

23,7

24,8

23,2

24,6

23,0

21,5

Tỷ lệ bội chi NSNN so với GDP (%)

3,9

2,1

3,5

5,3

5,4

4,8

4,1

2,8

Tỷ lệ nợ công so với GDP (%)

40,7

39,3

40,4

43,6

46,3

49,2

50,9

48,8

(5) Nguyên nhân dẫn đến thay đổi quy mô GDP

Kinh tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ. Chủ trương và chính sách của Nhà nước về phát triển khu vực sản xuất tư nhân, khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh sang doanh nghiệp dẫn đến sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP chưa được tính toán đầy đủ.

Trong quá trình biên soạn GDP, ngoài những nguyên nhân chủ quan trong hoạt động thống kê dẫn đến phạm vi tính toán chưa đầy đủ còn có những nguyên nhân như: sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ và thống nhất; ý thức hợp tác của các đối tượng cung cấp thông tin còn kém; sự thay đổi và biến động nhanh về hoạt động của các tổ chức kinh tế của khu vực trong nước…

Thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP và nhóm nguyên nhân thứ 5 làm giảm quy mô GDP. Cụ thể:

Nguyên nhân 1 - Bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76 nghìn doanh nghiệp, gần 306 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016. Doanh thu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tăng 2.476 nghìn tỷ đồng so với doanh thu đã ước tính để biên soạn GDP năm 2016, bao gồm1.597 nghìn tỷ đồng doanh thu của các doanh nghiệp được bổ sung; 99 nghìn tỷ đồng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được bổ sung; 780 nghìn tỷ đồng bổ sung chênh lệch giữa tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế được tổng hợp từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 so với tổng doanh thu ước tính cho chính các doanh nghiệp này trước khi có kết quả Tổng điều tra.

Nguyên nhân 2 - Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Rà soát, đối chiếu kết quả tổng điều tra năm 2017 và dữ liệu từ cơ quan Thuế đã bổ sung 278 nghìn tỷ đồng doanh thu. Tổng điều tra kinh tế đã khai thác hồ sơ hành chính của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bổ sung 146 doanh nghiệp với doanh thu 264 nghìn tỷ đồng; bổ sung 109 nghìn tỷ đồng thu khác ngoài ngân sách Nhà nước và khấu hao tài sản cố định của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyên nhân 3 - Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Đánh giá lại chỉ tiêu GDP đã triển khai cập nhật cách xử lý hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động sản xuất phần mềm máy tính và cách xử lý đối với đơn vị thuê gia công trong nước theo khuyến nghị của SNA 2008. 

Nguyên nhân 4 - Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Do phương pháp tính giá trị sản xuất, áp dụng hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá thay đổi theo ngành kinh tế khi biên soạn chỉ tiêu GDP nên khi rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế từ ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp sang ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từ ngành có chỉ số giá thấp sang ngành có chỉ số giá cao dẫn đến thay đổi quy mô giá trị tăng thêm của ngành, của khu vực và toàn bộ nền kinh tế.

Nguyên nhân 5 - Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước làm quy mô GDP bình quân mỗi năm giảm khoảng 131 nghìn tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 14% so với mức tăng bình quân mỗi năm đánh giá lại GDP. Trong những năm qua, thay đổi cơ cấu kinh tế của nước ta diễn ra nhanh và mạnh mẽ, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giữa 3 khu vực kinh tế mà còn diễn ra trong từng ngành, từng khu vực. Việc thay đổi cơ cấu dẫn đến thay đổi quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất, thay đổi tỷ lệ chi phí trung gian và hệ thống chỉ số giá của nền kinh tế. Vì vậy, đánh giá lại quy mô GDP phải cập nhật sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Việc cập nhật này làm tăng hệ số chi phí trung gian của nhiều ngành kinh tế dẫn đến quy mô GDP giảm gần 71 nghìn tỷ (giảm 7,6%); làm thay đổi chỉ số giá và bảng giá sản phẩm dẫn đến quy mô GDP giảm khoảng 61 nghìn tỷ (giảm 6,5%).

8. Mục đích sử dụng kết quả đánh giá lại quy mô GDP

(1) Đánh giá đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả các chính sách kinh tế.

(2) Dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

(3) Không dùng để đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và các kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020./.

                                                            TỔNG CỤC THỐNG KÊ




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/