CÁC TIN LIÊN QUAN
Mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 đạt mức 6,8% là hoàn toàn khả thi

Trong giai đoạn 2016-2018 đã tăng bình quân là 6,7%. Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đề ra là 6,8% thì tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt 6,73%.

GDP 9 tháng đầu năm tăng cao nhất trong 9 năm gần đây

Tại cuộc họp báo ngày 28/09/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng của năm 2011 tăng 6,03%; năm 2012 tăng 5,10%; năm 2013 tăng 5,14%; năm 2014 tăng 5,53%; năm 2015 tăng 6,53%; năm 2016 tăng 5,99%; năm 2017 tăng 6,41%; năm 2018 tăng 6,96%; năm 2019 tăng 6,98%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 khu vực, khu vực dịch vụ đứng thứ hai còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp nhất.

Cùng với đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai khác dầu thô. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân đạt 72,1%.

Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), con số tồn kho cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức an toàn, không đáng lo ngại, chỉ mang tính kỹ thuật và tạm thời.

Một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế chính là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đạt tốc độ tăng khá. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%).

Cũng theo công bố của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp,  với tổng vốn đăng ký là 1.290,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 26,6%.

 “Đây là mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê nhận định.

 Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm nay lên hơn 129,8 nghìn doanh nghiệp. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 21,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 28,2 nghìn doanh nghiệp, trong đó có 11,9 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm từ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 12,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,7%.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2019 cho thấy: Có 43,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 18,3% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2019 có 52,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

 Mục tiêu cả năm 2019 là hoàn toàn khả thi

Trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực 9 tháng đầu năm 2019, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho biết, đã cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP năm 2019.

Theo đó, để cả năm tốc độ tăng GDP đạt 6,8% thì GDP quý IV phải tăng 6,45%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,38% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%.

Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nên ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng âm 0,61%, trong khi đó kịch bản xây dựng ban đầu của ngành này là tăng trưởng 4,31%.

Bên cạnh đó, sản lượng lúa cũng giảm so với kịch bản ban đầu, 9 tháng sản lượng lúa giảm khoảng 460 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, TS. Nguyễn Bích Lâm vẫn đánh giá, 9 tháng tăng 6,98% là khích lệ là căn cứ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019 và mục tiêu 6,5%-7% giai đoạn 2016-2020 là khả thi.

Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế năm 2019 có triển vọng rất khả quan đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn 2016-2018 đã tăng bình quân là 6,7%. Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đề ra là 6,8% thì tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt 6,73%, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch tăng trưởng trong cả giai đoạn 2016-2020.

Trả lời câu hỏi về mức đóng góp vào GDP của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, nguyên tắc tính GDP là hoạt động sản xuất diễn ra ở năm nào thì tính cho năm đó. Đường sắt đô thị Cát linh – Hà Đông đã thi công hàng chục năm nay. Cho nên năm nào dự án nào có khối lượng thi công thì cũng tính ngay vào GDP. Hiện dự án đã hoàn thành 99%, còn 1% chưa hoàn thành, khi nào 1% đó hoàn thành thì tiếp tục tính nốt vào GDP.

 “Vốn đầu tư thực hiện khác vốn đầu tư giải ngân là ở chỗ đó”, lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.

Đánh giá lại quy mô GDP: Không xem xét các khu vực kinh tế chưa được quan sát

Tại cuộc họp báo, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho biết, đã hoàn thiện để công bố, đã thực hiện công tác truyền thông theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ.

Việc công bố đáng lẽ được thực hiện vào 12/9 vừa qua, nhưng vì một số lý do phải tạm hoãn lại. Việc này sẽ được tiến hành trong thời gian tới.

Số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, sau khi đánh giá lại quy mô GDP, quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 tăng thêm khoảng 25,4%. 

Ông Nguyễn Bích Lâm lưu ý rằng, việc thực hiện đánh giá lại quy mô GDP chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm trù sản xuất theo quy định của Việt Nam, không xem xét các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thuộc khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chỉ một số ít nước đánh giá về khu vực kinh tế chưa được quan sát, có nước đánh giá xong thì công bố, có nước lại không công bố.

“Đa phần các nước không thực hiện đánh giá thông tin này vì tính khả thi rất khó. Chẳng hạn, sản xuất ngầm, bất hợp pháp thì rất khó thu thập thông tin đánh giá”, ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

Cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế 

Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, là 1 điểm nghẽn, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng giảm đáng kể…

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo đà thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương cần bám sát tình hình thực tiễn; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Theo đó, các cấp, ngành tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Chính phủ cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI và ODA; đồng thời tổ chức thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, có giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều chỉnh phương án sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường sản xuất đối với cây trồng ngắn ngày, nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; điều chỉnh phương thức sản xuất trong ngành trồng trọt, chuyển dần sang hướng tập trung tạo ra khối lượng hàng hóa lớn. Từ đó, hình thành sự liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, thực hiện cơ giới hóa trong khâu thu hoạch nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và ổn định trong sản xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần tập trung nguồn lực để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi; ưu tiên bảo vệ tốt đàn lợn nái phục vụ cho công tác tái đàn sau khi khống chế được dịch bệnh. Ngành thủy sản phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, phân tích và dự báo tốt các tín hiệu của thị trường để có những bước đi phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng. Đồng thời, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hiệu quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EVFTA… Đối với xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng. Điều này góp phần quan trọng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này; đồng thời tận dụng được cơ hội mang lại từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung./.

Phương Anh

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/