CÁC TIN LIÊN QUAN
GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm bình quân mỗi năm tăng 7,14%

Tăng 1% GRDP của vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam làm GDP của toàn nền kinh tế tăng lần lượt là 0,49% và 1,12%...

 

Ngày 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.

 

Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và tác động tới tăng trưởng chung của cả nước

 

Tăng trưởng chủ yếu là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2017, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) bình quân mỗi năm tăng 7,14%. GRDP 4 vùng KTTĐ chiếm 89,34%. Trong đó, vùng KTTĐ miền Trung chiếm 6,81%, vùng KTTĐ phía Nam chiếm 45,42%, vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 5,32% cả nước. Tăng trưởng của các vùng KTTĐ chủ yếu là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo.

Năng suất lao động của các vùng KTTĐ có xu hướng tăng. Đặc biệt, vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam dẫn đầu cả nước về năng suất lao động, cho thấy đây là một trong những yếu tố cốt lõi đóng vai trò quyết định tới mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của 2 vùng KTTĐ này.

Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng Bắc Bộ (giá so sánh 2010) bình quân 03 năm 2016-2018 đạt 9,08%, cao nhất trong số 4 vùng KTTĐ và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg cho cả giai đoạn 2016-2020 (9%). Vùng KTTĐ phía Nam đứng thứ 2 đạt 8,34%.

Tổng GRDP của vùng Bắc Bộ đến năm 2018 chiếm tỷ trọng khoảng 31,73% GDP của cả nước và chiếm 35,52% GRDP của 4 vùng KTTĐ, đứng thứ hai sau vùng KTTĐ phía Nam (45,42%); trong đó Hà Nội dẫn đầu toàn Vùng đóng góp 16,96% vào GDP cả nước.

 GRDP bình quân đầu người vùng Bắc Bộ tăng từ 4.164 USD năm 2016 lên 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước và đứng thứ hai sau vùng KTTĐ phía Nam. Phấn đấu đến năm 2020 vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 198/QĐ-TTg (5.500 USD).  

Đầu tư nước ngoài (FDI) giai đoạn 2016-2018 của vùng KTTĐ Bắc Bộ đứng thứ 2 cả nước (sau vùng KTTĐ phía Nam) với 2.837 dự án cấp mới, 1.270 dự án tăng thêm vốn, 3.153 dự án góp vốn mua cổ phần, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32,1 tỷ USD, bằng 33% về số dự án và 27% tổng vốn đầu tư đăng ký so với cả  nước và bằng 79% so với vùng KTTĐ phía Nam.

Năm 2018, thành phố Hà Nội thu hút được 7,5 tỷ USD, trong đó cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký trên 5 tỷ USD, lần đầu tiên dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới, khẳng định vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng KTTĐBB.

Tác động lan tỏa và tính liên kết của các vùng KTTĐ chưa cao

 Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ trên số liệu giai đoạn 2011-2017 và mô hình tính toán đã lượng hóa được mối quan hệ giữa tăng trưởng của vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ Bắc Bộ với cả nước (1% GRDP của vùng KTTĐ Bắc Bộ và vùng KTTĐ phía Nam làm GDP của toàn nền kinh tế tăng lần lượt là 0,49% và 1,12%).

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân/năm trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng đạt 13,6% và 19,4%.

Tuy nhiên, tác động lan tỏa và tính liên kết của các vùng KTTĐ tới các địa phương lân cận và trong cả nước chưa cao. Các địa phương thuộc vùng KTTĐ chưa phát huy hết lợi thế và tiềm năng của vùng…

Cần có chỉ thị tổng thể của Thủ tướng nhằm thúc đẩy phát triển các vùng KTTĐ

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá báo cáo đã bước đầu đưa ra được bức tranh tổng thể với số liệu tương đối cập nhật, nhất là về kết quả, hạn chế, yếu kém về liên kết vùng và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện báo cáo. Cùng với kết quả các hội nghị của Chính phủ với các vùng KTTĐ, xây dựng và hoàn thiện đề án về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của vùng KTTĐ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó, cần lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển của 4 vùng hiện chiếm tới 70% GDP cả nước. Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến cho rằng, cần có chỉ thị tổng thể của Thủ tướng nhằm thúc đẩy phát triển các vùng KTTĐ.

Thủ tướng cho rằng 4 vùng đã có nhiều cố gắng, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước, dẫn đầu là vùng KTTĐ phía nam, bao gồm TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các vùng còn gặp khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, “hôm qua, một trận mưa lớn ở Hà Nội mà đã tắc hết đường” và với TPHCM thì ảnh hưởng càng rõ nét hơn, Thủ tướng nói. Quy hoạch vùng, liên kết vùng, cơ chế điều phối vùng, chính sách phát triển vùng chưa tốt, chưa rõ, là “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò của các vùng KTTĐ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “bàn tiến chứ không bàn lùi”, tiếp tục khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhất trí với các giải pháp mà báo cáo đưa ra, trong đó lưu ý một số giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù tổng vốn đầu tư xã hội của các vùng vẫn tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn. Tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mạnh mẽ hơn.

Một số công trình, dự án hạ tầng bức xúc cần tiếp tục được tháo gỡ kịp thời hơn, trong đó có lĩnh vực điện, không được để thiếu điện trong thời gian tới, nhất là khu vực phía Nam khi mà Thủ tướng, tập thể Chính phủ đã thảo luận nhiều lần về vấn đề này, đưa ra các giải pháp, cơ chế đặc biệt để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thúc đẩy các dự án hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Các địa phương cần có các dự án trọng điểm, tạo bước phát triển đột phá. Cần quán triệt tinh thần phát triển đô thị là động lực của tăng trưởng.

Thủ tướng lưu ý vấn đề bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa và nhấn mạnh các vùng KTTĐ phải đi đầu trong việc không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ghi nhận các ý kiến về cơ chế điều hành vùng, Thủ tướng cho biết sẽ có giải pháp tháo gỡ về vấn đề này./.

An Nhi




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/