CÁC TIN LIÊN QUAN
Năm 2018, quy mô GDP tăng thêm gần 536,4 nghìn tỷ đồng

Đó là một trong những điểm sáng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, tại Phiên họp lần thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 08/5/2019…

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp

 

Năm 2018, có thêm 01 chỉ tiêu vượt Kế hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) dự kiến 04 chỉ tiêu đạt và 08 chỉ tiêu vượt mục tiêu Kế hoạch được Quốc hội giao, thì năm 2018, có thêm 01 chỉ tiêu vượt Kế hoạch là Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (đạt 7,08 vượt so với số đã báo cáo Quốc hội tăng 6,7%).

Bên cạnh đó, có một số chỉ tiêu thực hiện tốt hơn, như: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 13,2% (số đã báo cáo Quốc hội tăng 11,2%); Xuất siêu 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo Quốc hội xuất siêu 0,4%); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3,54% (số đã báo cáo Quốc hội dưới 4%); Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,35%, riêng tại các huyện nghèo giảm khoảng 5% (số đã báo cáo Quốc hội giảm 1-1,5% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, riêng tại các huyện nghèo giảm trên 4%); Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị 3,1% (số đã báo cáo Quốc hội 3,14%); Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 87,7% (số đã báo cáo Quốc hội 86,9%).

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội.

Đáng chú ý là thu cân đối ngân sách vượt dự toán 8%, chi ngân sách được đảm bảo, xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh, bội chi, nợ công được kiểm soát.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1,86 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao (32-34%). Đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân trong cơ cấu đầu tư chiếm tỷ trọng ngày càng cao, giải ngân vốn FDI đạt khá, khẳng định môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) được cải thiện, năm 2018 giảm còn 5,97 (năm 2017 là 6,11).

Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao trong bối cảnh thương mại thế giới chịu nhiều sức ép từ xu thế bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…, đạt trên 480 tỷ USD, vượt 52 tỷ USD (12,2%) so với mức kỷ lục năm 2017 (428,1 tỷ USD), vượt mục tiêu đề ra. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 6,8 tỷ USD, chiếm gần 2,8% kim ngạch xuất khẩu.

Tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực. Quy mô GDP tăng thêm gần 536,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2017 và gấp 1,32 lần so với năm 2015. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng ngày một lớn, năm 2018 đã đạt 45,2%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29% (giai đoạn 2011-2015 là 33,58%), vượt mục tiêu 5 năm là 30-35%. Năng suất lao động tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân 3 năm 2016-2018 tăng 5,77%/năm (giai đoạn 2011-2015 là 4,35%/năm), vượt mục tiêu 5 năm là 5%/năm. GDP bình quân đầu người tăng lên 2.590 USD/người, tăng thêm khoảng 201,6 USD/người so với năm 2017 và gấp 1,23 lần so với năm 2015.

Động lực tăng trưởng đến từ cả phía cung và phía cầu

Đánh giá chung về nền kinh tế năm 2018, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được hoàn thành, đạt kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.

Những kết quả đạt được năm 2018 tiếp tục khẳng định vai trò là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, động lực tăng trưởng đến từ cả phía cung và phía cầu, đáng chú ý là sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu giữa các ngành, lĩnh vực và trong nội bộ từng ngành với nhiều nhân tố mới và vai trò nòng cốt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ, động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 8,79% và toàn khu vực công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 8,85%.

Thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có chuyển biến. Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được cải thiện; hạ tầng xã hội nhiều mặt được nâng lên, tăng khả năng tiếp cận của các tầng lớp Nhân dân; quy mô nhân lực tăng, chất lượng nhân lực ngày càng được cải thiện và nâng cao. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Kinh tế tư nhân, hợp tác xã tiếp tục có bước phát triển.

Kinh tế địa phương chuyển dịch tích cực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh từng vùng, trong đó các cực tăng trưởng tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu và tạo tác động lan tỏa.

Phát triển đồng bộ các loại thị trường, gồm: thị trường tài chính, thị trường đất đai, bất động sản, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số nhóm tồn tại, hạn chế chủ yếu như công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.

       Thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm, một số tồn tại hạn chế chưa được xử lý triệt để. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao. Phát triển các vùng còn nhiều vấn đề tồn tại, hệ thống cơ chế, chính sách, luật pháp thúc đẩy liên kết vùng chưa hoàn thiện. Huy động nguồn lực cho phát triển vùng, nhất là cho kết cấu hạ tầng kết nối còn khó khăn...

 

 

Kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm: Vẫn giữ xu thế tích cực

Năm 2019, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.

Tốc độ tăng GDP đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định, thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu, đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.

 Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (-1,31%), năm 2017 (2,08%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (4,24%) và thấp hơn mục tiêu là 0,29 điểm phần trăm; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (7,16%), năm 2017 (4,48%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,92%) và thấp hơn mục tiêu là 0,24 điểm phần trăm; Khu vực dịch vụ tăng 6,5%, cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016 (5,98%), năm 2017 (6,36%), nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 (6,65%) và thấp hơn mục tiêu là 0,07 điểm phần trăm. Tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu. Thu hút khách du lịch quốc tế đang có dấu hiệu giảm tốc, tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 5,97 triệu lượt người, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 29,5%).

Những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn

Thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế.

Thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế.

Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về góc độ tổng cầu, mức tăng trưởng kinh tế cao và sự ổn định của kinh tế vĩ mô năm 2018 tạo điều kiện nâng cao thu nhập và mức sống của Nhân dân, tác động tích cực tới tâm lý tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành dịch vụ, nhất là hoạt động bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, ăn uống, lưu trú.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, tiêu dùng nội địa vẫn tích cực, phản ánh bởi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.583,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2018 (tăng 9,8%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9% (cùng kỳ tăng 8,9%).

Tình hình xuất, nhập khẩu cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sự nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang tạo ra sức hút mới với đầu tư từ nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tăng thêm năng lực sản xuất. Về đầu tư, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018, thu hút đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, nhất là đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là tín hiệu tích cực, đem lại những cơ hội mới, không chỉ các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.

Kiên định giữ mục tiêu đề ra đầu năm

Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và kinh tế - xã hội trong nước 4 tháng đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định tinh thần kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội cả trong và ngoài nước, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hết sức lưu tâm, bám sát tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển KT-XH đề ra, nhất là 4 trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết và chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng tiếp theo của năm 2019, Bộ trưởng đưa ra 5 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất công nghiệp, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, bổ sung năng lực tăng thêm cho nền kinh tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển.

Tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho đầu tư phát triển; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2019. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó: Trong ngắn hạn, tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình, xử lý nhanh những vụ việc phát sinh trong các lĩnh vực đời sống văn hóa, xã hội,… của Nhân dân với nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, công khai, minh bạch để tuyên truyền phổ biến trong xã hội nhằm phòng, chống, ngăn ngừa những vụ việc tương tự. Trong trung và dài hạn tiếp tục thực hiện đồng hộ hệ thống nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ tư, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng của dân tộc./.

An Nhi




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/