CÁC TIN LIÊN QUAN
GDP Việt Nam có thể tăng 2% nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể hưởng lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2,0% trong trung hạn đến dài hạn…

     

      Việt Nam đã chứng kiến một năm tăng trưởng mạnh mẽ
      Tại buổi công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 sáng ngày 3/4, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick, nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

      Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh mẽ, tăng từ 6,8% năm 2017 lên 7,1% trong năm 2018, đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua. Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng vững chắc, nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì mạnh mẽ làm nền tảng cho tăng trưởng. Tiêu dùng cá nhân – cấu phần lớn nhất của GDP – đóng góp phần lớn mức tăng trưởng GDP năm vừa qua.

 

ADB công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019

 

      Đáng khích lệ là tăng trưởng không làm gia tăng áp lực lạm phát. Lạm phát bình quân giữ ở mức 3,5% trong năm 2018 và cũng giống như 2017, vẫn dưới mục tiêu 4,0%. Lạm phát cơ bản bình quân 1,5%, chỉ thay đổi một chút so với năm trước. Mặc dù phí dịch vụ y tế, giáo dục và giao thông vận tải đều tăng góp phần tăng áp lực lạm phát trong 10 tháng đầu năm 2018, song áp lực này đã giảm nhờ giá dầu trên thị trường thế giới giảm, và chính phủ đã lùi kế hoạch tăng giá điện và thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.

      Báo cáo của ADB nhận xét, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng được củng cố. Tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư, tăng từ mức tương đương 2,9% GDP trong năm 2017 lên khoảng 3,0%, nhờ thặng dư cán cân thương mại khoảng 7 tỷ USD và doanh thu dịch vụ ổn định. Luồng vốn FDI và đầu tư gián tiếp đáng kể đã nâng mức thặng dư tài khoản vốn ước tính lên tương đương 6,0% GDP. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 35,5 tỷ USD trong năm 2018, trong đó bao gồm khoảng 25,5 tỷ USD là các cam kết FDI mới. Vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, phản ánh niềm tin tích cực của các nhà đầu tư ngoại.

      Thặng dư tài khoản vãng lai và tài khoản vốn góp phần tăng thặng dư cán cân thanh toán tổng thể ước đạt 5% GDP. Cán cân đối ngoại được tăng cường đã góp phần cải thiện dự trữ ngoại hối, từ mức thấp 2,7 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2017 lên mức 3,0 tháng vào cuối năm 2018.

Tăng trưởng kinh tế mạnh đã giúp cho Chính phủ kiểm soát được nợ công ở mức tương đương 61,4% GDP vào cuối năm 2018, so với mức cao điểm 63,7% vào năm 2016, và thấp hơn ở mức an toàn so với trần nợ công 65,0%.

Áp lực lạm phát đến cuối năm đã giảm nhẹ, nhưng dưới áp lực trong 10 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng và cung tiền (M2) đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua thắt chặt hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại cũng như các quy định cho vay trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản và chứng khoán.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng ước tính được duy trì ở mức 14,0% và cung tiền là 12,0%, là các mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2015. Mặc dù thị trường tài chính quốc tế bất ổn, song đồng Việt Nam vẫn ổn định so với USD và chỉ mất giá 1,8% trong cả năm.

Dự báo tăng trưởng năm 2019 đạt 6,8%

Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Theo ADB, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao. 

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương năm 2018 và dự kiến hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu sắp diễn ra cũng là các nhân tố kích thích đầu tư trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh mà Việt Nam mang lại.

Các hiệp định thương mại này thể hiện rằng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mở cửa nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu thành lập thêm 140.000 doanh nghiệp trong năm 2019, là tín hiệu tốt đối với cả hoạt động xuất khẩu, dòng vốn FDI và đầu tư tư nhân nói chung. Triển vọng tiêu dùng cá nhân vẫn tiếp tục mạnh mẽ nhờ các hộ gia đình cải thiện thu nhập và tình hình lạm phát ổn định.

Xét theo ngành kinh tế, tăng trưởng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo và xây dựng sẽ chậm lại song vẫn được duy trì ở mức khá mạnh, với luồng vốn FDI đáng kể sẽ đổ vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu. Chỉ số quản trị mua hàng cho thấy xu hướng gia tăng đơn hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tác. Khu vực dịch vụ trong năm 2019 sẽ được hưởng lợi nhờ thương mại bán buôn và bán lẻ cũng như ngân hàng và tài chính tiếp tục tăng trưởng tốt. Số lượt khách du lịch đến Việt Nam dự báo sẽ tăng 16%/năm trong cả năm nay và năm sau, mặc dù có chậm lại so với mức tăng trong năm 2018, đây sẽ là nguồn hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch như khách sạn, nhà hàng và giao thông vận tải. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng trưởng sát với mục tiêu chính phủ đề ra là 3,0%/năm.

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

Thặng dự tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay, và tiếp tục xuống 2,0% trong năm 2020 khi hoạt động xuất khẩu giảm sút do nhu cầu thế giới giảm, nhưng tốc độ giảm nhập khẩu sẽ chậm hơn vì đầu tư và tiêu dùng nội địa vẫn cao.

Đặc biệt, nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2,0% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo.

Theo chuyên gia của ADB, tiến trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra. Nợ xấu – bao gồm cả số nợ đang được quản lý bởi Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam và các khoản nợ có vấn đề khác vẫn chưa được phân loại thành nợ xấu – sẽ giảm xuống mức dưới 5% tổng dư nợ của ngân hàng trong năm 2019 và 3% trong năm 2020. Điều này sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng trở nên ổn định và hiệu quả hơn, cũng như việc thực hiện các chuẩn mực Basel II và nới lỏng hạn chế đối với tỷ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư ngoại.

Giải quyết những thách thức ngắn hạn

Có thể thấy, tăng trưởng năm 2019 là khả quan, song ông Eric Sidgwick chỉ ra nguy cơ rủi ro vẫn còn. Những nền kinh tế lớn của thế giới – vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam – đang suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng.

Mặt khác, theo chuyên gia Nguyễn Minh Cường, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng lực mua sắm và ứng dụng công nghệ mới của bị hạn chế bởi khó tiếp cận vốn và thiếu lực lượng lao động có kỹ năng cần thiết.

Doanh nghiệp thường khó tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý do các điều kiện thế chấp vay vốn ngặt nghèo và thủ tục phức tạp, và thị trường vốn còn nghèo nàn, mặc dù đã có một số cơ chế cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng thương mại, quỹ bảo lãnh tín dụng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Về tình trạng thiếu lao động có tay nghề, một khảo sát mới đây của ManpowerGroup cho biết, chỉ có 11% doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp được các kỹ năng cần thiết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Để giải quyết những vấn đề trên, báo cáo của ADB kiến nghị Việt Nam trong việc tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính, cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa – gồm cả kỹ năng của người lao động – là những biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

       "Thời kỳ phát triển dựa trên lao động giá rẻ và chi phí thấp của Việt Nam đã qua rồi, cần phải trở thành một nền kinh tế dựa trên năng suất lao động cao và môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch", ông Cường nhấn mạnh./.

Trang Trần

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/