CÁC TIN LIÊN QUAN
GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008

Tại cuộc họp báo chiều 27/12/2018, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kết thúc năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018…

       Thành tích tăng trưởng nhờ sự tăng trưởng trên cả 3 khu vực kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%.

 Tăng trưởng quý IV/2018 thấp hơn tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016.

 Trên góc độ sử dụng GDP quý IV năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 9,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,50%.

GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Ông Lâm cho biết: Thành tích tăng trưởng này có được nhờ sự tăng trưởng trên cả 3 khu vực kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và dịch vụ.

Cụ thể, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Ông Lâm cho rằng, đã có sự chuyển đổi ngay trong nội tại ngành nông nghiệp. Ví dụ trong lĩnh vực trồng trọt, mặc dù diện tích gieo trồng lúa năm nay thấp hơn nhưng sản lượng vẫn cao hơn năm 2017 khoảng 1,2 triệu tấn. Điều này cho thấy năng suất đã cao hơn.

“Đây là kỳ tích của ngành nông nghiệp. Con số tăng trưởng 3,76% vượt mong đợi của chúng tôi từ đầu năm”, ông Lâm cho biết.

Làm rõ hơn về kỳ tích này, ông Lê Trung Hiếu, Quyền vụ trưởng Vụ Thống kê Nông lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) dẫn chứng, năm qua chăn nuôi lợn đã phục hồi nhanh do giá cả tăng cao. Nông sản Việt năm 2018 cũng có nhiều bước tiến khi có 14 nhà máy chế biến nông sản công suất lớn đi vào hoạt động. Trong đó, có 9 nhà máy về trồng trọt và 5 về chăn nuôi. 3 nhà máy nữa sẽ hoạt động vào đầu năm 2019 giúp ngành nông nghiệp phát huy tối đa động lực phát triển.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017,nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,1% của năm trước. Ngành xây dựng năm 2018 duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm.

Mặc dù khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm 2017 nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016.

 Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,92 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,78%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,85%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,33%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.

Quy mô nền kinh tế năm 2018 theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% (Cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 15,34%; 33,40%; 41,26%; 10,0%).

      Trên góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.

 

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện

Điều đáng mừng, theo ông Lâm, là chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017); năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.

Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Cần nhiều giải pháp để đạt mục tiêu răng trưởng cho cả giai đoạn 2016-2020

Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 của Quốc hội đề ra là 6,6%-6,8% trong điều kiện tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo dựng cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng đưa đến những thách thức gây nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, quy mô kinh tế Việt Nam hiện còn nhỏ, dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp. Do vậy, để đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra, theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 cần tập trung vào một số giải pháp. Đó là, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển... 

Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. 

Ngoài ra, Việt Nam cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. 

Một trong những giải pháp cũng cần được thực hiện, đó là: ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế... /.

Phương Anh

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/