TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2023 tỉnh Bình Thuận

Trong tháng các địa phương tập trung xuống giống và chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân theo kế hoạch. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá; dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Sản xuất lâm nghiệp tập trung vào việc chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng; đồng thời chuẩn bị mặt bằng ươm và chăm sóc cây giống phục vụ công tác trồng rừng khi có điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản ổn định, thời tiết ngư trường thuận lợi cho ngư dân tích cực bám biển.

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/02/2023, diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 47.550,1 ha; giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cây lúa diện tích xuống giống đạt 37.689 ha, giảm 3,7%; nguyên nhân giảm do huyện Tuy Phong không tổ chức sản xuất vụ đông xuân, chỉ tổ chức sản xuất ở 3 xã chủ động được nguồn nước (xã Phan Dũng, xã Vĩnh Hảo và xã Vĩnh Tân với diện tích 240 ha); huyện Đức Linh, huyện Tánh Linh đã chuyển đổi diện tích đất lúa sang trồng bắp với diện tích là 1.112 ha. Cây bắp đạt 3.020 ha, tăng 12,5%. Cây lang đạt 139,7 ha, tăng 23,4%. Rau các loại đạt 2.977,6 ha, giảm 11,1%. Đậu các loại đạt 1.894,8 ha, giảm 8,5%. Cây hàng năm khác đạt 361,7 ha, tăng 4,6%.

* Cây lâu năm: Trong tháng chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch trên diện tích các loại cây lâu năm hiện có, tình hình cụ thể như sau:

- Thanh long: Sản xuất thanh long thuận lợi do thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, giá nhiều mặt hàng nông sản trong đó có thanh long tăng cao. Sau Tết Nguyên đán nhiều thương lái tiếp tục đẩy mạnh thu mua thanh long để đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, nhưng người dân không có sản phẩm để bán. Trước tình hình giá bán tăng cao, nhiều nhà vườn sẽ chong đèn trở lại, dự báo sản lượng thanh long những tháng tiếp theo tăng đáng kể, để tránh trình trạng giá bán giảm sâu người trồng cần nghiên cứu kỹ thị trường để tránh rủi ro thiệt hại về kinh tế. Tính đến thời điểm 15/02/2023, toàn tỉnh có 11.005,9 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (trong đó Phan Thiết 97 ha; La Gi 169,6 ha; Tuy Phong 109,1 ha; Bắc Bình 463,3 ha; Hàm Thuận Bắc 2.445,3 ha; Hàm Thuận Nam 7.608,2 ha; Hàm Tân 113,5 ha).

- Cao su: Hiện đang ở cuối thời điểm thu hoạch, sản phẩm thu hoạch chủ yếu tiêu thụ trong nước; tuy nhiên vào những tháng cuối năm 2022 nhu cầu nhập khẩu cao su các nước có xu hướng tăng trở lại, dự báo trong thời gian tới diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh sẽ còn phát triển nhưng không nhiều.

- Cây điều: Hiện đang là thời điểm ra hoa và kết trái, do ảnh hưởng thời tiết lạnh, khô hanh, nhiều sương muối nên khả năng đậu quả thấp; hiện nay một số địa phương phía nam như Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Tân đã triển khai trồng mới, thay thế diện tích điều già cỗi bằng các giống điều cao sản, năng suất cao, tuy nhiên diện tích điều truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn nên năng suất vụ điều năm nay dự ước không cao.

- Cây tiêu: Ở thời điểm thu hoạch, hiện giá tiêu vẫn chưa đem lại lợi nhuận ổn định cho người trồng, trong khi chi phí sản xuất lớn, sâu bệnh phức tạp, nhiều rủi ro nên người trồng hạn chế đầu tư. Diện tích tập trung chủ yếu ở huyện Đức Linh và Tánh Linh.

- Các cây lâu năm còn lại: Được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình dịch bệnh: Dịch bệnh trên cây trồng được kiểm soát thường xuyên, công tác dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh được theo dõi hàng tháng.

- Cây lúa: Bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 591 ha, giảm 193 ha so với cùng kỳ năm trước; ốc bươu vàng diện tích nhiễm 283 ha; chuột phá hoại 255 ha, giảm 77 ha; sâu đục thân diện tích nhiễm 168 ha; bệnh bạc lá (cháy bìa lá) diện tích nhiễm 142 ha, tăng 80 ha.

- Cây thanh long: Bệnh đốm nâu diện tích nhiễm 1.911 ha; bệnh nám vàng cành diện tích nhiễm 990 ha; bệnh thối rễ tóp cành diện tích nhiễm 805 ha; ốc sên gây hại 256 ha.

- Cây khoai mì: Bệnh khảm lá virus diện tích nhiễm 173 ha.

- Cây điều: Bọ xít muỗi diện tích nhiễm 247 ha; bệnh thán thư diện tích nhiễm 156 ha.

* Tình hình tưới vụ đông xuân 2022-2023: Sử dụng hiệu quả các nguồn nước hiện có để phục vụ sản xuất và đảm bảo nước sinh hoạt của nhân dân. Tính đến ngày 03/02/2023, diện tích tưới lúa, hoa màu vụ đông xuân 2022-2023 thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 50.308 ha, đạt 93% so với kế hoạch vụ. Trong đó cây lúa, cây màu đạt 29.094 ha, đạt 89% kế hoạch vụ; cây thanh long, cây ăn quả đạt 20.803 ha, đạt 100% kế hoạch vụ; nuôi trồng thủy sản đạt 411 ha, đạt 100% kế hoạch vụ.

2. Chăn nuôi (thời điểm 15/02/2023)

- Chăn nuôi trâu, bò: Dự ước đàn trâu toàn tỉnh có 8.580 con, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước; đàn trâu tập trung nuôi chủ yếu ở huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Tân. Đàn bò phát triển ổn định, nhiều hộ chăn nuôi đã thay đổi hình thức chăn thả tự nhiên sang trồng cỏ cao sản, nuôi nhốt tại chỗ như Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong; đây cũng là một trong những nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ chăn nuôi ở nông thôn, dự ước đàn bò toàn tỉnh có 179.800 con, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (đàn bò của tỉnh chủ yếu là nuôi bò thịt).

- Chăn nuôi lợn: Dự ước đàn lợn toàn tỉnh có 360.090 con (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn tăng chủ yếu do các doanh nghiệp tăng quy mô đàn.

- Chăn nuôi gia cầm: Dự ước đàn gia cầm toàn tỉnh có 6.201 ngàn con, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó đàn gà 4.950 ngàn con, tăng 41%). Đàn gia cầm tăng do một số đơn vị tăng quy mô nuôi và phát sinh thêm chi nhánh bắt đầu từ thời điểm tháng 10 năm 2022.

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật

 Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như cúm gia cầm; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; lở mồm long móng; bệnh heo tai xanh. Một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch.

+ Công tác tiêm phòng vắc xin: Trong tháng đã tiêm phòng 1.946,5 ngàn liều. Trong đó trâu, bò 32,7 ngàn liều; lợn 72,7 ngàn liều và gia cầm 1.841,1 ngàn liều. Lũy kế 02 tháng năm 2023 đã tiêm phòng 4.557,8 ngàn liều (trong đó trâu bò 152 ngàn liều; lợn 115,9 ngàn liều và gia cầm 4.289,9 ngàn liều).

+ Kiểm dịch động vật: Trong tháng đã kiểm dịch 130 ngàn con lợn; 718 con trâu, bò; 282,7 ngàn con gia cầm; 204 tấn thịt các loại; 44,6 tấn thịt sơ chế và 2,8 triệu quả trứng gia cầm. Lũy kế 02 tháng năm 2023 đã kiểm dịch 260,4 ngàn con lợn; 1,3 ngàn con trâu bò; 686,4 ngàn con gia cầm; 561,4 tấn thịt các loại; 93,4 tấn thịt sơ chế và 5,3 triệu quả trứng gia cầm.

+ Kiểm soát giết mổ: Trong tháng đã kiểm soát giết mổ 212 con trâu, bò; 03 ngàn con lợn và 87 con dê. Lũy kế 02 tháng năm 2023 đã kiểm soát giết mổ 413 con trâu, bò; 7,3 ngàn con lợn; 1,2 ngàn con gia cầm và 219 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Hiện đang là mùa khô, chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng; chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống phục vụ công tác trồng rừng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Đã hoàn thành xây dựng kế hoạch trồng và phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở và đất đồi núi chưa sử dụng đến năm 2025.

- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng: Các đơn vị chức năng đã xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn về PCCCR mùa khô năm 2022-2023. Theo dõi cấp dự báo cháy rừng trên cổng thông tin của ngành chức năng để phối hợp Đài phát thanh truyền hình tỉnh thông tin dự báo cấp cháy rừng, thực hiện chế độ theo dõi, cập nhật thông tin cháy rừng và chế độ báo cáo theo quy định. Trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Cơ quan chức năng phối hợp cùng với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra; chú trọng theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh và các vùng trọng điểm nội tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Trong tháng, đã phát hiện và xác lập hồ sơ 10 vụ vi phạm Luật lâm nghiệp; cụ thể các hành vi: Khai thác rừng trái pháp luật 06 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 02 vụ; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật 01 vụ; vi phạm các quy định về quản lý hồ sơ lâm sản 01 vụ. Đã xử phạt hành chính 03 vụ; lâm sản tịch thu 7,8 m3 gỗ các loại; thu nộp ngân sách 13,5 triệu đồng.

4. Thuỷ sản        

- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Trong tháng tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Nguồn nước ở các hồ đập cung cấp đầy đủ cho nuôi nội địa, tuy nhiên do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ ban đêm giảm thấp nên tôm bắt mồi kém và phát triển chậm, một số khu vực tôm nuôi có triệu chứng về gan, đường ruột, chậm lớn. Toàn tỉnh hiện có 133 hộ nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển với 3.029 lồng nuôi tại 07 khu vực (xã Tam Thanh của huyện Phú Quý; xã Vĩnh Tân, xã Bình Thạnh, thị trấn Phan Rí Cửa của huyện Tuy Phong; xã Tân Thành của huyện Hàm Thuận Nam; xã Hòa Thắng của huyện Bắc Bình và phường Mũi Né của thành phố Phan Thiết). Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim và tôm hùm.

Diện tích nuôi trồng trong tháng ước đạt 220 ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá đạt 158 ha, tăng 1,9%; diện tích tôm nuôi đạt 60 ha, tăng 3,4%). Luỹ kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 423 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá đạt 308 ha, tăng 2,7%; diện tích tôm nuôi đạt 110 ha, tăng 3,8%).

- Sản lượng nuôi trồng: Trong tháng sản lượng nuôi trồng ước đạt 879 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 1.745 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá các loại đạt 1.035 tấn, tăng 2%; tôm nuôi nước lợ đạt 695 tấn, tăng 1,5%).

- Sản lượng khai thác: Khai thác biển tiếp tục giữ ổn định, sau Tết Nguyên đán ngư dân tập trung bám biển để khai thác. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 13.832,3 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 31.636,4 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển đạt 31.533,7 tấn, tăng 2,3%; khai thác nội địa đạt 102,7 tấn, giảm 7,5%).

- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống; công tác quản lý, giám sát tôm giống bố mẹ nhập khẩu luôn được tăng cường; sản xuất trong tháng ước đạt 1,9 tỷ con, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 3,7 tỷ con, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Trong tháng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngành thủy sản tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tiếp tục thực hiện cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp, giấy phép lặn, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trên tàu cá, tiếp nhận giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trên biển, lực lượng chức năng duy trì tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tại các cảng cá phối hợp với lực lượng của các đơn vị liên quan (Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá) tổ chức kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá, phục vụ phòng, chống khai thác IUU. Về tình hình cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá tính đến ngày 05/02/2023, tổng số tàu cá thực hiện đăng ký là 5.763 chiếc, tăng 459 chiếc so với cùng kỳ.

II. Công nghiệp; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến sản xuất hoạt động ổn định trở lại. Trong tháng, chỉ số toàn ngành công nghiệp ước tăng hơn so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ (do cùng kỳ năm trước rơi vào tháng có Tết).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2023 ước tăng 5,12% so với tháng trước và tăng 17,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 18,38%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 19,32%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,06%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 02/2023 tăng cao so với cùng kỳ ở tất cả bốn nhóm ngành, nguyên nhân chủ yếu do tháng 02/2022 vào dịp Tết nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến hoạt động ít ngày.

Lũy kế 02 tháng năm 2023 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng cao (tăng 11,36%) do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 phát điện tăng cao so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng tăng 8,31%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,83%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,85%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tháng 02/2023 ước đạt 2.951,07 tỷ đồng, tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 18,07% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 5.786,49 tỷ đồng, tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp khai khoáng đạt 119,43 tỷ đồng, tăng 9,86%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 2.396,84 tỷ đồng, tăng 2,75%; sản xuất và phân phối điện đạt 3.220,91 tỷ đồng, tăng 11,09%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 49,31 tỷ đồng, tăng 2,89%.

Các sản phẩm sản xuất 02 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ gồm: Cát sỏi các loại tăng 0,48%; đá xây dựng tăng 59,85%; gạch các loại tăng 26,37%; nước mắm tăng 0,75%; quần áo may sẵn tăng 38,58%; sơ chế mũ cao su tăng 5,15%; nước máy sản xuất tăng 3,15%; điện sản xuất tăng 11,94%. Sản phẩm giảm gồm: Muối hạt giảm 69,46%; thủy sản đông lạnh giảm 39,30%; hủy sản khô giảm 2,77%; hạt điều nhân giảm 28,49%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 3,44%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 24,34%; thức ăn gia súc giảm 10,75%; giày, dép các loại giảm 27,86%.

* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)

Trong tháng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN nhìn chung ổn định. Các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Doanh thu tháng 02/2023 của các doanh nghiệp KCN ước đạt 650 tỷ đồng, lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,8% kế hoạch năm.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 02/2023 đạt 184,3 tỷ đồng, tăng 12,1% so với tháng trước và tăng 11,36% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 348,8 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,2% kế hoạch. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 306,5 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,2% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 38,9 tỷ đồng, giảm 2,3%, đạt 7,1% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 3,4 tỷ đồng, giảm 2,9%, đạt 4,8% kế hoạch.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước

do địa phương quản lý tháng 02 các năm

ĐVT: tỷ đồng

3. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng (từ ngày 15/01 - 14/02/2023), có 43 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,42% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 182 tỷ đồng, giảm 56,21%; số doanh nghiệp đã giải thể 11 doanh nghiệp, giảm 15,38%; tạm ngừng hoạt động 18 doanh nghiệp, giảm 10%; quay trở lại hoạt động 6 doanh nghiệp, giảm 50,0%; đăng ký thay đổi loại hình 51 doanh nghiệp, giảm 16,39%.

Lũy kế 02 tháng năm 2023 có 90 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,73% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 1.385,74 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; quay trở lại hoạt động 74 doanh nghiệp, giảm 31,48%; tạm ngừng hoạt động 203 doanh nghiệp, tăng 24,54%; đăng ký thay đổi loại hình 152 doanh nghiệp, giảm 24; số doanh nghiệp đã giải thể 20 doanh nghiệp, giảm 28,57%.

Thông báo cảnh báo 08 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Đã xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 02 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận và doanh nghiệp có báo cáo giải trình. Xử lý giải thể 12 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

4. Đăng ký đầu tư

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 84,19 tỷ đồng; có 02 dự án điều chỉnh trong đó có 01 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư (tăng 1.975,6 tỷ đồng). Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

 III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Sau Tết Nguyên đán, tình hình thương mại của tỉnh đã trở lại bình thường, không khí mua sắm không tấp nập như trước Tết; các chợ, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đã mở cửa phục vụ sớm cho nhu cầu người dân địa phương và du khách. Sức mua người dân không cao so với tháng trước, chủ yếu tập trung những mặt hàng thiết yếu phục vụ cá nhân và gia đình; lượng hàng hóa khá dồi dào, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêu dùng, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Trong tháng các siêu thị điện máy, siêu thị Lotte mart, siêu thị Coop mart, hệ thống các cửa hàng Vinmart, Bách hoá xanh… tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng. Các ngành kinh doanh ăn uống, nhà hàng, các cơ sở lưu trú và các hoạt động dịch vụ khác hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương và du khách.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 7.223,4 tỷ đồng, giảm 1,14% so với tháng trước và tăng 33,31% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 4.730,1 tỷ đồng, giảm 1,47% so với tháng trước và tăng 21,46% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng chủ yếu: Nhóm lương thực, thực phẩm dự ước đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 1,65% so với tháng trước và tăng 19,44% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng may mặc dự ước đạt 225,4 tỷ đồng, giảm 3,53% so với tháng trước và tăng 27,35% so với cùng kỳ năm trước; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình dự ước 440,2 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và tăng 27,34% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng dự ước đạt 274,6 tỷ đồng, tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 25,57% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 02 tháng năm 2023 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 14.550 tỷ đồng, tăng 32,15% so với cùng kỳ năm trước; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 9.530,9 tỷ đồng, tăng 19,53%; doanh thu các ngành dịch vụ; lưu trú, ăn uống đạt 5.019,1 tỷ đồng, tăng 65,32%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,24% so tháng 12 năm 2022. Bình quân 02 tháng năm 2023 chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,63% so cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 08 nhóm hàng tăng giá: Giao thông tăng 3,04%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,5%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,12%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,61%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%. Có 03 nhóm hàng giảm giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,39%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2023 so với tháng trước

                                                                                     Đơn vị tính: (%)

 

 

 

* Công tác quản lý thị trường: Công tác quản lý thị trường được tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Kịp thời bắt giữ; xử lý các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm an toàn thực phẩm góp phần ổn định thị trường. Trong tháng 01/2023 đã kiểm tra 33 vụ, phát hiện và xử lý 22 vụ vi phạm gồm: 01 vụ vi phạm hàng cấm, 08 vụ hàng nhập lậu, 07 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ, 06 vụ vi phạm khác; thu nộp ngân sách Nhà nước 416,9 triệu đồng.

 2. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tuy nhiên doanh thu và lượt khách giảm so với tháng trước. Các sơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và dịch vụ trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục tăng cường hoạt động cũng như chuẩn bị cho việc khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023 sắp đến với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”; đây là cơ hội để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến địa phương. Hoạt động lữ hành tiếp tục thực hiện các chương trình tour du lịch đã được du khách đăng ký trước và lên kế hoạch cho các tour du lịch mới phong phú và đa dạng hơn trong các dịp lễ sắp đến. Các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động ổn định và tiếp tục tăng cường phục vụ cho người dân và du khách; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống luôn mở cửa phục vụ cho người dân địa phương và du khách, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá bán, tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý.

Lượt khách du lịch trong tháng ước đạt 685,8 ngàn lượt khách, giảm 1,74% so tháng trước và tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 1.280 ngàn ngày khách, giảm 1,48% so với tháng trước và tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 1.383,7 ngàn lượt khách, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 2.579,3 ngàn ngày khách, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong trong tháng ước đạt 1.769,2 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng trước và tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 3.563,6 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

* Tình hình khách quốc tế: Lượng khách quốc tế trong tháng tương đối ổn định, dự ước đạt 20,4 ngàn lượt khách, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ dự ước đạt 83 ngàn ngày khách, tăng 1,68% so với tháng trước và tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế chủ yếu Hàn Quốc và Nga chiếm tỷ trọng cao. Lũy kế 02 tháng năm 2023 lượt khách ước đạt 40,5 ngàn lượt khách, tăng 5,3 lần so với cùng kỳ năm trước2; ngày khách phục vụ ước đạt 164,7 ngàn ngày khách, tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất nhập khẩu

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng tăng so với tháng trước do các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tiếp tục sản xuất để chuẩn bị cho các đơn hàng tiếp theo.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 48,22 triệu USD, tăng 14,77% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 14,63 triệu USD, tăng 8,78% so với tháng trước và tăng 15,19% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,03 triệu USD, tăng 13,01% so với tháng trước và giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 32,56 triệu USD, tăng 17,74% so với tháng trước và giảm 0,04% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 90,24 triệu USD, giảm 18,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 28,08 triệu USD, giảm 7,67%; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,95 triệu USD, giảm 18,44%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 60,21 triệu USD, giảm 22,38%.

+ Xuất khẩu trực tiếp lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 90,03 triệu USD, giảm 18,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó thị trường Châu Á ước đạt 65,98 triệu USD, giảm 8,86%; thị trường Châu Âu ước đạt 6,41 triệu USD, giảm 48,59%; thị trường Châu Mỹ ước đạt 16,6 triệu USD, giảm 30,69%; ngoài ra còn có thị trường Châu Đại Dương và Châu Phi nhưng kim ngạch không đáng kể. Một số nước xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch với một số mặt hàng chủ yếu như: Nhật Bản (tôm, cá, thủy sản khác, dệt may), Đài Loan (bộ quần áo, thủy sản khác), Mỹ (giày dép, tôm thẻ), Belizơ (đế giày các loại), Trung Quốc (tôm, giày dép, các loại quặng), Campuchia (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi), Hồng Kông (bộ quần áo, các sản phẩm giấy), Hàn Quốc (cá tươi, cá khô, mực khô).

+ Ủy thác xuất khẩu lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 0,21 triệu USD, giảm 42,88% so với cùng kỳ năm trước.

- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 79,53 triệu USD, tăng 9,07% so với tháng trước và tăng 36,33% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 152,44 triệu USD, giảm 25,05% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản.

4. Hoạt động vận tải

Sau Tết Nguyên đán, người dân đã quay trở lại với công việc, hoạt động vận tải hành khách giảm nhẹ so với tháng trước. Hoạt động vận tải hàng hóa tăng hơn do nhu cầu vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu tăng. Hoạt động vận tải đường biển trong tháng 02/2023 dự ước sẽ tăng hơn tháng trước, các doanh nghiệp vận tải đường biển có kế hoạch tăng tuyến.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 02/2023 vận chuyển 952,94 nghìn hành khách, giảm 1,19% so với tháng trước và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 78.390,99 nghìn hk.km, giảm 2,77% so với tháng trước và tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023, vận chuyển 1.917,31 nghìn hành khách, tăng 16,47% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 159.011,74 nghìn hk.km, tăng 19,03% so với cùng kỳ năm 2022.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 02/2023 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 940,68 nghìn hành khách, giảm 1,23% so với tháng trước và tăng 1,66% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 1.893,08 nghìn hk.km, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 12,26 nghìn hành khách, tăng 2,36% so với tháng trước và tăng 26,88% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 24,23 nghìn hành khách, tăng 59,20% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 77.282,17 nghìn hk.km, giảm 2,83% so với tháng trước và tăng 3,11% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 156.812,98 nghìn hk.km, tăng 18,58% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1.108,82 nghìn hk.km, tăng 1,73% so với tháng trước và tăng 32,67% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 2.198,76 nghìn hk.km, tăng 63,28%.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 02/2023 vận chuyển hàng hoá đạt 568,05 nghìn tấn, tăng 12,11% so với tháng trước và tăng 0,51% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 41.295,16 nghìn tấn.km, tăng 12,69% so với tháng trước và tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 vận chuyển hàng hoá đạt 1.074,73 nghìn tấn, tăng 5,78% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 77.940,32 nghìn tấn.km, tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 02/2023 vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 567,20 nghìn tấn, tăng 12,13% so với tháng trước và tăng 0,46% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 1.073,06 nghìn tấn, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,85 nghìn tấn, tăng 3,66% so với tháng trước, tăng 41,67% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 1,67 nghìn tấn, tăng 35,77%. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 41.200,91 nghìn tấn.km, tăng 12,71% so với tháng trước và tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 77.756,20 nghìn tấn.km, tăng 6,06%. Luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 94,25 nghìn tấn.km, tăng 4,87% so với tháng trước và tăng 44,47% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 184,12 nghìn tấn.km, tăng 37,50%.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 02/2023 ước đạt 205,61 tỷ đồng, tăng 5,13% so với tháng trước và tăng 6,78% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 401,19 tỷ đồng, tăng 14,73% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 174,26 tỷ đồng, tăng 16,25% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 200,24 tỷ đồng, tăng 4,83%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 25,53 tỷ đồng, tăng  3,26 lần; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 1,16 tỷ đồng, tăng 23,29%.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng quốc tế Vĩnh Tân: Tháng 02/2023 ước đạt 100 ngàn tấn. Trong đó xuất cảng 75 ngàn tấn (muối xá, tro bay, quặng…); nhập cảng 25 ngàn tấn (xi măng, cao lanh, muối xá). Lũy kế 02 tháng năm 2023 đạt 145,52 ngàn tấn.

5. Bưu chính, viễn thông

Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng và triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin; thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông hoạt động thông suốt.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 02/2023 đạt 700 tỷ đồng. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước 1.710,28 tỷ đồng, đạt 17,09% dự toán năm và giảm 14,16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa 1.570,61 tỷ đồng, đạt 18,25% dự toán năm, giảm 16,27%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí và thu khác 1.497,26 tỷ đồng, đạt 20,22% dự toán năm, giảm 14,22%; thu tiền nhà, đất 73,35 tỷ đồng, đạt 6,11% dự toán năm, giảm 43,75% (trong đó thu tiền sử dụng đất 62,85 tỷ đồng, đạt 6,29% dự toán năm, giảm 38,41% so với cùng kỳ năm trước); thu thuế xuất nhập khẩu 139,67 tỷ đồng, đạt 9,98% dự toán toán năm và tăng 19,73% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi trong tháng ước thực hiện 700 tỷ đồng. Lũy kế 02 tháng năm 2023 ước đạt 2.550,78 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.745,10 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển 333,16 tỷ đồng, chi thường xuyên 1.411,94 tỷ đồng. Chi chuyển giao ngân sách 805,68 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Đến 31/01/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 79.636 tỷ đồng, giảm 0,29% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 0,18%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 78.324,5 tỷ đồng, chiếm 98,35% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 47.959 tỷ đồng, chiếm 60,22% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 1,43% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 1,65% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 21,55% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 47,08% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 28,29% tổng dư nợ. Ước đến 28/02/2023, tổng dư nợ đạt là 48.820 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2022.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 4,6-6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 5,7-9,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 6,2-9,5%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 6,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 8,5-12,5%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9,8-15%/năm.

Vốn huy động ước đến 31/01/2023 đạt 52.851,2 tỷ đồng, tăng 0,21% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 1,13%). Ước đến 28/02/2023, nguồn vốn huy động đạt 53.270 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Đến 31/01/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 1.777,2 tỷ đồng, chiếm 2,23% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,04% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 43.569,3 tỷ đồng, chiếm 54,71% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 291,6 tỷ đồng, chiếm 0,37% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 552,4 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.415,6 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nội bảng) 90,36 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 30,77 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 58,39 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 1,2 tỷ đồng). Nợ xấu (nội bảng) là 15,09 tỷ đồng/5 tàu, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 21,51 tỷ đồng/25 tàu, nợ ngoại bảng là 826,7 tỷ đồng/82 tàu. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.945,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 144,8 tỷ đồng/378 hộ; dư nợ cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 5,1 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 15,7 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đến 31/01/2023, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 168 tỷ đồng/401 khách hàng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 23/01/2020 đến 31/01/2023 là 2.903 tỷ đồng/14.910 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 161,69 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm lãi là 5,86 tỷ đồng, hạ lãi suất cho vay với số tiền lãi đã hạ 155,83 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến 31/01/2023 là 76.079 tỷ đồng/102.934 khách hàng.

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện đến 31/3/2022): Đến thời điểm 31/01/2023 dư nợ còn lại là 0,93 tỷ/01 khách hàng.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Kết quả thực hiện đến ngày  31/01/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 197.411 triệu đồng, số khách hàng được hỗ trợ lãi suất 12 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng 308 triệu đồng.

Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong tháng đạt 40,1 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 16,7 triệu USD. Đến 31/01/2023, trên địa bàn có 199 máy ATM, tăng 3 máy so với đầu năm và 1.680 máy POS, tăng 21 máy so với đầu năm. Các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn khoảng trên 85%. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong dân cư.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao (Từ ngày 15/01 -15/02/2023)

Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tuyên truyền chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023) và tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 gắn với Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh; Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”;  tuyên truyền công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan trong dịp Tết, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Biểu diễn văn nghệ tuyên truyền và chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân, đồng bào vùng sâu, miền núi, thiếu nhi các huyện 80 buổi với kịch bản tuyên truyền “Cạm bẫy đồng tiền”. Triển khai công tác tuyên truyền, cổ động trực quan Lễ Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh. Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh: Biểu diễn phục vụ chính trị 33 suất; tổ chức biểu diễn chương trình Mừng Đảng - Mừng Xuân Quý Mão năm 2023 và biểu diễn chương trình nghệ thuật âm nhạc đường phố phục vụ Nhân dân, du khách  trong đêm giao thừa tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; chương trình Lễ khánh thành Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Hoạt động Thư viện: Cấp 62 thẻ (thiếu nhi 12 thẻ), 102.628 lượt bạn đọc, trong đó, bạn đọc truy cập website 98.521 lượt (thiếu nhi 29.556 lượt), tại thư viện 490 lượt (thiếu nhi 145 lượt), bạn đọc qua kênh youtube: 2.058 lượt, bạn đọc khai thác sách trực tuyến: 457 lượt, truy cập Fanpage: 1.102 lượt; luân chuyển 1.394  lượt sách, tài liệu, trong đó, lượt tài liệu tại thư viện 1.073 lượt (thiếu nhi 500 lượt), tài liệu qua website 321 lượt. Sưu tầm 96 tin, bài thông tin tư liệu Bình Thuận;  trưng bày giới thiệu 15 bản sách mới trên website, 126 tài liệu tuyên truyền; bổ sung 140 bản sách từ ngân sách.

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 33.184 lượt khách đến tham quan, trong đó có 523 lượt khách quốc tế; trưng bày, triển lãm ảnh chuyên đề: Di tích - Lễ hội văn hóa tiêu biểu ở Bình Thuận và Phan Thiết xưa, tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm. Tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích Căn cứ Tỉnh uỷ Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ.

Hoạt động thể thao: Đã tổ chức Hội thi Leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận mở rộng lần thứ XXV năm 2023; Hội thi đua thuyền Truyền thống trên sông Cà Ty; giải Chạy vượt đồi cát tại Hòn Rơm, Mũi Né và Lễ hội Mô tô Việt Nam - Bình Thuận 2023. Thể thao thành tích cao đã cử các đội tuyển Điền kinh tham gia dự Hội thi Leo núi Tà Cú huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận mở rộng lần thứ XXV năm 2023; đội tuyển Bóng đá tham dự giải Bóng đá vô địch U17 quốc gia năm 2023 tại Gia Lai.

2. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng, đã tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông năm học 2022-2023 tại tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với Tổ chức Cầu Vồng Châu Á tham quan các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các huyện Hàm Tân, Tuy Phong, Bắc Bình để thực hiện công tác giáo dục hòa nhập có hiệu quả; trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ của các cơ sở giáo dục tại tỉnh Bình Thuận. Tổ chức sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên.

3. Y tế

Trong tháng tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo kết nối liên thông về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Tiếp tục thực hiện việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19… Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác cấp cứu và khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong tháng, toàn tỉnh có 531 cas mắc sốt xuất huyết; tăng 31,76% so tháng trước và tăng 18,79% so cùng kỳ năm trước; không có cas tử vong. Lũy kế 02 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 934 ca mắc, 24 cas mắc sốt huyết nặng, không có ca tử vong.

Số ca mắc sốt rét: Không có ca mắc và cũng không có số ca mắc sốt rét ác tính, không có trường hợp tử vong. Lũy kế 02 tháng năm 2023, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc và tử vong do sốt rét.

Công tác phòng chống Lao: Trong tháng ghi nhận 524 tổng số lượt khám, 67  bệnh nhân lao thu dung điều trị; 41 ca bệnh nhân lao AFB(+) phát hiện mới trong tháng. Công tác phòng chống HIV/AIDS: Ghi nhận 06 ca nhiễm HIV mới, không có ca chuyển AIDS mới; 01 ca tử vong do AIDS mới. Lũy kế từ trước đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.746 ca HIV; 1.104 ca nhiễm HIV chuyển AIDS; 542 ca tử vong do AIDS.

Bệnh tay chân miệng có 2 cas mắc, không có trường hợp tử vong; lũy kế 02 tháng năm 2023 có 5 cas mắc, không có trường hợp tử vong. Trong tháng không có xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

* Công tác tiêm phòng dịch bệnh Covid-19

Tính đến ngày 14/02/2023, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hoàn thành 100% liều cơ bản, 532.453/762.532 tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), đạt tỷ lệ 69,8%, 119.875/120.700 tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2), đạt tỷ lệ 99,3% (120.700 là số đối tượng đăng ký tiêm mũi nhắc lần 2 do các địa phương báo cáo về).

Hiện nay công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% liều cơ bản, 57.692/121.499 tiêm nhắc lần 1, đạt tỷ lệ: 47,5%. Tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi 108.667/126.860 mũi 1, đạt tỷ lệ 85,7%; 76.927/126.860 tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 60,6%.

4. Lao động - xã hội

Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 1.458 lao động, lũy kế 02 tháng năm 2023 giải quyết việc làm 3.046 lao động, đạt 15,23% so kế hoạch, giảm 2,37% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay vốn giải quyết việc làm 521 lao động, đạt 37,21% so với kế hoạch. Lũy kế 02 tháng năm 2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 541 người, đạt 5,41% so với kế hoạch và giảm 41,20% so với cùng kỳ năm trước.

            Công tác chính sách người có công: Trợ cấp hàng tháng cho 02 trường hợp, trợ cấp mai táng phí cho 31 trường hợp, giải quyết 69 trường hợp thờ cúng liệt sĩ. Tỉnh đi thăm, tặng quà cho các đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán 2023; Thăm, trao thiếp mừng thọ cho người cao tuổi tròn 100 tuổi ở huyện, thành phố: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Phan Thiết; Phân bố 120 suất quà Tết cho hộ nghèo tại 03 phường: Bình Hưng, Phú Thủy, Đức Nghĩa - thành phố Phan Thiết.

Trên địa bàn tỉnh có 2.242 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: quản lý, giáo dục, lao động trị liệu và chăm sóc sức khỏe tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 378/3 nữ; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 612 người; 1.064 đang được các ban, ngành, đoàn thể ở nơi cư trú quản lý giáo dục; quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 188 người ). Có 111/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng trái phép chất ma tuý, chiếm 89,52% số xã, phường, thị trấn.

5. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 31/01/2023, toàn tỉnh có 97.298 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; có 88.371 người tham gia BHTN, tăng 9,1%; số người tham gia BHXH tự nguyện 10.327 người, giảm 27,2%; số người tham gia BHYT 1.025.594 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.371 người), tăng 4,1%. Đã cấp thẻ BHYT cho 23.183 người thuộc hộ nghèo (đạt tỷ lệ 88,3%)48.466 người thuộc hộ cận nghèo (đạt tỷ lệ 91,5%). Toàn tỉnh, có 239.739/247.083 em học sinh sinh viên tham gia BHYT; trong đó, có 203.988 em tham gia tại trường, 35.751 em tham gia theo nhóm khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo,…), đạt tỷ lệ 97%; còn 7.344 em chưa tham gia BHYT, chủ yếu HSSV tham gia BHYT có thời hạn ngắn (6 tháng) nay đã hết hạn chưa tham gia lại. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 88,2% dân số, giảm 3,32% so với tháng 12/2022.

Đã xét duyệt, giải quyết cho 4.437 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hưởng các chế độ BHXH dài hạn 72 lượt người; hưởng trợ cấp thất nghiệp 490 người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 1.056 lượt người; hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe 2.819 lượt người.

Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tính đến hết tháng 01/2023 là 17.670 người. Tính đến ngày 31/01/2023, tổng số thu 171,198 tỷ đồng, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 189,673 tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

6. Tai nạn giao thông (từ 15/01 - 14/02/2023)

Số vụ tai nạn giao thông 29 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), so với tháng trước tăng 15 vụ và so với cùng kỳ năm trước tăng 07 vụ. Lũy kế 02 tháng năm 2023 đã xảy ra 43 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), tăng 01 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Số người bị thương 21 người, tăng 12 người so với tháng trước và tăng 12 người so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 có 30 người bị thương tăng 11 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người chết 25 người (trong đó đường sắt 01 người), tăng 15 người so với tháng trước và tăng 10 người so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 02 tháng năm 2023 có 35 người chết (trong đó đường sắt 01 người) tăng 07 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng, xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 04 vụ rất nghiêm trọng, 13 vụ nghiêm trọng, 01 vụ ít nghiêm trọng và 09 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

7. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 01 vụ lốc xoáy cục bộ tại thôn 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam; làm tốc 1/2 mái vòm đám cưới bay lên cao vướng vào dây điện trung thế 03 pha, gây chạm điện dẫn đến đứt 01 pha, đồng thời phần mái vòm đổ sập; 08 người bị thương (07 người bị thương nặng và 01 người nhẹ) và 20 người bị xây xát nhẹ (do mái vòm bốc lên cao đổ sụp xuống); chưa ước tính tổng giá trị thiệt hại.

- Cháy nổ: Trong tháng không xảy ra vụ cháy (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước), không có người bị thương, không xảy ra nổ. Lũy kế 02 tháng năm 2023 xảy ra 03 vụ cháy (giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước), ước thiệt hại 13 triệu đồng,

- Vi phạm môi trường: Trong tháng phát hiện 04 vụ, giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 329,35 triệu đồng. Lũy kế 02 tháng năm 2023 xảy ra 8 vụ (tăng 02 vụ so với cùng kỳ năm trước), thiệt hại 737,59 triệu đồng.

CTK Bình Thuận 

 

Kèm file: Số liệu KTXH tháng 02 năm 2023.pdf

 

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/