TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Bình Thuận

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhưng động lực đã yếu đi so với nửa đầu năm 2021. Sự khác biệt trong triển vọng kinh tế giữa các quốc gia do chênh lệch lớn trong tiếp cận vắc-xin và hỗ trợ chính sách vẫn là một mối lo ngại lớn( ). Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống của người dân trong tỉnh; tuy nhiên KT-XH năm 2021 của tỉnh vẫn tiếp tục duy trì ổn định đó là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh và nỗ lực của người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp. Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, các lĩnh vực KT-XH đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều hoạt động SXKD trở lại hoạt động có sự khởi sắc.

 

I. Tăng trưởng kinh tế

Dự ước tổng sản phẩm nội tỉnh năm 2021, tăng 2,77% so với năm 2020; trong đó giá trị tăng thêm tăng 2,86%, thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,59%. Giá trị tăng thêm nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,78%; công nghiệp xây dựng tăng 7,48% (công nghiệp tăng 7,33%; xây dựng tăng 8,23%); dịch vụ giảm 2,58%.

Cơ cấu kinh tế năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 29,68%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,05%; khu vực dịch vụ chiếm 30,79%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,48%.

II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm thủy sản năm 2021 trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp; tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi không diễn biến phức tạp, chỉ xảy ra dưới dạng cục bộ; đàn gia súc gia cầm tăng trưởng tốt; điều kiện thời tiết, ngư trường thuận lợi, sản lượng khai thác thủy sản tiếp tục được duy trì.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng năm 2021 đạt 200.604,1 ha, tăng 8,1% so với năm 2020. Trong đó cây lương thực đạt 138.894,6 ha, tăng 11,3%; sản lượng ước đạt 841.975,8 tấn, tăng 13,5% (Diện tích lúa đạt 123.563,2 ha, tăng 12,7%; sản lượng lúa đạt 739.849,6 tấn, tăng 15,4%. Diện tích bắp đạt 15.331,4 ha, tăng 1,1%; sản lượng đạt 102.126,2 tấn, tăng 1,9%).

- Vụ đông xuân: Diện tích gieo trồng đạt 47.013 ha, tăng 47,3% so với năm 2020; trong đó lúa đạt 36.520,1 ha, tăng 64,4%, sản lượng đạt 245.018,3 tấn.

- Vụ hè thu: Diện tích gieo trồng đạt 65.144,7 ha, giảm 0,2% so với năm 2020; trong đó lúa đạt 42.923 ha, giảm 1,5% (giảm do ảnh hưởng lũ quét tại huyện Đức Linh bị mất trắng 152 ha); sản lượng đạt 247.591,1 tấn.

- Vụ mùa: Diện tích gieo trồng đạt 88.476,4 ha, tăng 0,8% so với năm 2020; trong đó lúa đạt 44.120,1 ha, tăng 0,6%; sản lượng đạt 247.176,5 tấn.

Đã thực hiện chuyển đổi 8.894 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn (3.140 ha bắp, 2.196 ha rau các loại, 1.360 ha đậu các loại, 1.014 ha đậu phộng, 859 ha mỳ, 325 ha cây trồng khác).

* Cây lâu năm: Dịch Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn; giá đầu ra một số loại cây chủ lực như thanh long, cao su thấp trong khi chi phí đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu tăng, đã ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích các loại cây lâu năm trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích gieo trồng đạt 111.295,1 ha, tăng 1,6% so với năm 2020. Trong đó diện tích cây công nghiệp đạt 65.871,1 ha, tăng 4,1%; cây ăn quả đạt 43.710,4 ha, giảm 1,9%; các loại cây lâu năm còn lại đạt 1.713,7 ha, tăng 0,2%.

2. Chăn nuôi (tại thời điểm 15/12/2021)

Trong năm, giá thức ăn chăn nuôi tăng; trong khi đó giá thịt lợn hơi, giá gà có thời điểm giảm. Dịch tả lợn Châu phi bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 10 tuy đã được khống chế và không lan diện rộng, nhưng vẫn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chăn nuôi. Đàn trâu, bò gia cầm phát triển ổn định; dịch bệnh trong chăn nuôi cơ bản được kiểm soát.

- Ước đàn trâu có 8.600 con, giảm 1,5% so với năm 2020. Đàn bò có 173.780 con, tăng 2% so với năm 2020. Đàn lợn có 321.500 con, tăng 5,8% so với năm 2020. Đàn gia cầm có 5.040 ngàn con, tăng 18,4% so với năm 2020 (trong đó đàn gà 3.651 ngàn con, tăng 28,1%).

3. Lâm nghiệp

Trong năm 2021, ước diện tích trồng rừng đạt 2.700 ha, tăng 6,8% so với năm 2020. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đạt 137.650 ha. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Từ đầu năm đến nay không xảy ra cháy rừng, tuy nhiên đã xảy ra 26 trường hợp cháy với diện tích 35 ha, chủ yếu cháy thực bì dưới tán rừng, không gây thiệt hại tài nguyên rừng.

4. Thuỷ sản

Trong năm 2021, thời tiết thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng năm 2021 ước đạt 12.191,5 tấn, tăng 1,1% so với năm 2020 (trong đó cá các loại ước đạt 4.938 tấn, tăng 3%). Sản lượng khai thác ước đạt 225.211,5 tấn, tăng 1,8% so với năm 2020 (trong đó khai thác biển ước đạt 224.872,2 tấn, tăng 1,8%). Sản xuất giống thuỷ sản năm 2021 ước đạt 26 tỷ con, tăng 3,1% so với năm 2020 (chủ yếu là tôm giống).

5. Công tác ứng dụng khoa học - công nghệ và khuyến nông vào sản xuất

Tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI theo hướng an toàn định hướng hữu cơ theo liên kết chuỗi (vụ mùa), lợi nhuận 18 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình khoảng 7 triệu đồng/ha; Mô hình sản xuất nếp thương phẩm theo liên kết chuỗi, lợi nhuận 12,31 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình khoảng 2,5 triệu đồng/ha; Mô hình sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả đạt chứng nhận VietGAP theo liên kết chuỗi, lợi nhuận 110-158 triệu đồng/ha cao hơn ngoài mô hình 17-44 triệu đồng/ha; Mô hình nuôi cua thương phẩm 2 giai đoạn bằng thức ăn công nghiệp trong ao đất theo liên kết chuỗi, lợi nhuận 290 triệu đồng; Mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi, lợi nhuận 48,12 triệu đồng/1.200 m2. Mô hình trồng thâm canh cây điều giống mới theo liên kết chuỗi: quy mô 20 ha, thực hiện tại xã Đông Giang huyện Hàm Thuận Bắc 10 ha và xã Suối Kiết huyện Tánh Linh 10 ha. Mô hình thâm canh cây đậu bắp trên đất kém hiệu quả theo liên kết chuỗi, quy mô 23 ha, thực hiện tại huyện Tánh Linh (8 ha) và Hàm Thuận Bắc (15 ha).

6. Phát triển nông thôn

Trong năm, huyện Đức Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 (tại Quyết định số 745/QĐ-TTg ngày 20/5/2021). Đồng thời, tham mưu trình Bộ Nông nghiệp và PTNT hồ sơ đề nghị xét, công nhận thành phố Phan Thiết hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 (lần 2) để tổ chức thẩm định. Ước đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đạt 17,58 tiêu chí/xã và 6 tiêu chí/huyện; có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 69/93 xã, chiếm 74,2% và có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Đông Hà và Nam Chính huyện Đức Linh).

Triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; UBND các huyện tổ chức khảo sát, xây dựng khoảng 12 sản phẩm đề xuất Hội đồng tỉnh công nhận 3 sao trở lên; bên cạnh đó thực hiện xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, có 98,7% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh (đạt 100% KH), 65% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (đạt 100% KH).

II. Công nghiệp - xây dựng; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Trong năm 2021, dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, nhất là các thị trường châu Âu, Mỹ, một số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất; tuy nhiên nhờ chủ động và có những giải pháp kịp thời phòng chống dịch bệnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh các doanh nghiệp cơ bản giữa vững và có bước phát triển.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 3,88% so với năm 2020. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 38,33%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,58%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,44%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,62%.

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự ước trong năm 2021

- Đá khai thác: Dự ước năm 2021 sản lượng đạt 1.661,4 ngàn m3, tăng 52,07% so với cùng kỳ, mức tăng cao do Bình Thuận đang triển khai thi công tuyến đường cao tốc và một số tuyến đường trong tỉnh.

- Thức ăn gia súc: Dự ước năm 2021 sản lượng đạt 420,8 ngàn tấn, tăng 21,32% so với cùng kỳ; nguyên nhân sản xuất tăng để đáp ứng nhu cầu cung cấp thức ăn đàn gia súc hiện đang phục hồi.

- Điện sản xuất: Dự ước năm 2021 sản lượng đạt 30.651 triệu kwh, tăng 3,49% so với cùng kỳ, mức tăng không cao do các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân giảm công suất phát điện theo sản lượng điện được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia phân bổ.

- Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi dự ước năm 2021 sản lượng đạt 16.836 ngàn cái, tăng 17,06% so với cùng kỳ; bộ Com-lê (Jacket) dự ước năm 2021 sản lượng đạt 8.102 ngàn cái, tăng 24,92% so với cùng kỳ.

- Nước khoáng: Nước khoáng có ga dự ước năm 2021 sản lượng đạt 16,59 triệu lít, giảm 18,05% so với cùng kỳ; nước khoáng không có ga dự năm 2021 sản lượng đạt 72,04 triệu lít giảm 12,37% so với cùng kỳ do ảnh hưởng dịch Covid-19 khách du lịch đến Bình Thuận giảm sâu, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm nước khoáng.

2. Đầu tư phát triển

Trong bối cảnh nền kinh tế của địa phương đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Các công trình trọng điểm năm 2021 của tỉnh vẫn đảm bảo tiến độ và đang thực hiện tốt, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2021.

Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2021 đạt được 3.967,2 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 95,3% kế hoạch năm 2021. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 3.274,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 95,1% kế hoạch năm; vốn nước ngoài (ODA) 98 tỷ đồng.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn ước năm 2021 đạt 40.195 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Trong đó vốn nhà nước trên địa bàn đạt 6.371,3 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và chiếm 15,9% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 29.873,5 tỷ đồng tăng 8,9% so với cùng kỳ và chiếm 74,3% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.950,1 tỷ đồng tăng 7,4% so với cùng kỳ và chiếm 9,8% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn.

3. Đăng ký kinh doanh

Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2021, có 982 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 369 đơn vị trực thuộc), giảm 29,61% so với năm 2020; vốn đăng ký 9.124,19 tỷ đồng, giảm 2,93%; có 228 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 42 đơn vị trực thuộc) tăng 79,52%; tạm ngừng hoạt động 278 doanh nghiệp (trong đó có 59 đơn vị trực thuộc), tăng 2,96%; số lần đăng ký thay đổi 1.240 doang nghiệp (trong đó có 333 đơn vị trực thuộc), tăng 0,64%; chuyển đổi loại hình 68 doanh nghiệp (không có đơn vị trực thuộc), giảm 21,83% so với năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể 225 doanh nghiệp (trong đó có 119 đơn vị trực thuộc), giảm 36,78%.

Về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh: Thông báo cảnh báo 21 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký (theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án). Xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 01 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận cho hoạt động trở lại.

4. Đăng ký đầu tư

Tính từ đầu năm đến ngày 16/11/2021, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án được cấp mới, với tổng diện tích đất 578 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 14.394 tỷ đồng. So với năm 2020, số dự án giảm 27 dự án, tổng diện tích đất bằng 84,7% so với cùng kỳ và tổng vốn đăng ký tăng 22,8%. Lũy kế từ trước đến nay có 1.593 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất 50.003 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 333,045 ngàn tỷ đồng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Năm 2021 dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tương đối phức tạp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn trong kinh doanh; tuy nhiên đại dịch cũng tạo ra sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp chuyển đổi hình thức mua bán để phục vụ tốt hơn. Công tác kích cầu tiêu dùng được tăng cường nhiều mặt, các doanh nghiệp tiếp tục triển khai tốt chương trình bán hàng bình ổn tại các siêu thị, cửa hàng, điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các cơ sở kinh doanh tiếp tục duy trì các hình thức bán hàng online, bán hàng trực tuyến.

- Trong năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 59.470,5 tỷ đồng, giảm 1,71% so với năm 2020; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 45.200,1 tỷ đồng, tăng 7,77% so với năm 2020.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2021 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 3,70% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân quý IV năm 2021 tăng 0,33% so với quý trước; CPI bình quân năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm hàng tăng giá: May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,63%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,58%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,32%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%. Có 2 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 1,99%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,12%. Có 2 nhóm hàng ổn định: Thuốc và dịch vụ y tế 100%; giáo dục 100%.

2. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch gặp nhiều khó khăn, doanh thu và lượt khách giảm mạnh so với năm 2020. Với sự sụt giảm mạnh lượng khách quốc tế cũng như trong nước đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách. Các tour du lịch không thể thực hiện được theo kế hoạch, do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ các tỉnh, chủ yếu phục vụ các tour trong tỉnh. Điều này đã làm sụt giảm doanh thu của ngành du lịch, trước tình hình này tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở du lịch tiếp tục duy trì hoạt đông như giảm tiền thuế đất cho doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh du lịch; khuyến khích hệ thống ngân hàng tại địa phương cho vay với lãi xuất ưu đãi và gia hạn các khoản vay.

Dự ước năm 2021, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 1.774,4 ngàn lượt khách, giảm 46,15% so với năm 2020; ngày khách du lịch ước đạt 3.094,9 ngàn ngày khách, giảm 47,92%. Dự ước khách quốc tế đến tỉnh năm 2021 đạt 23,2 ngàn lượt khách, giảm 86,45% so với năm 2020; ngày khách phục vụ ước đạt 88 ngàn ngày khách giảm 85,68 %. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2021 đạt 4.158,2 tỷ đồng, giảm 55,77% so với năm 2020.

3. Xuất, nhập khẩu

Các doanh nghiệp, công ty sản xuất hàng xuất khẩu hoạt động ổn định, áp dụng điều kiện sản xuất an toàn, hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo đơn hàng đã ký kết trước đó.

- Dự ước trong năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 576,3 triệu USD, tăng 21,79% so với năm 2020. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 171,5 triệu USD, tăng 7,86%; nhóm hàng nông sản ước đạt 19,8 triệu USD, tăng 51,28%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 385 triệu USD, tăng 27,86%. Trong quý 4 năm 2021 dù ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực vượt khó cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường nhằm xúc tiến xuất khẩu. Nhờ đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận tăng khá.

- Xuất khẩu trực tiếp năm 2021 ước đạt 567,91 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước năm 2020. Ủy thác xuất khẩu năm 2021 ước đạt 8,4 triệu USD, giảm 54,66% so với năm 2020.

- Nhập khẩu năm 2021 ước đạt 1.005 triệu USD, tăng 28,75% so với năm 2020; một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu như thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

4. Hoạt động vận tải

Trong năm 2021, hoạt động vận tải trên địa bàn không thuận lợi do dịch Covid-19, các phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hoá, hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác. Mặc dù đến nay hoạt động vận tải trên địa bàn đã trở lại bình thường, tuy nhiên đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với năm 2020.

- Vận tải hành khách: Dự ước cả năm 2021, đạt 7.915,75 nghìn nh khách, giảm 47,22% so với cùng kỳ và luân chuyển 354.900,29 nghìn hk.km, giảm 50,85% so cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hoá: Dự ước cả năm 2021, đạt 4.607,83 nghìn tấn hàng hoá, giảm 37,58% so với cùng kỳ và luân chuyển hàng hoá đạt 257.300,54 nghìn tấn.km, giảm 37,93% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu hoạt động vận tải dự ước cả năm 2021, đạt 1.033,36 tỷ đồng, giảm 36,41% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 327,54 tỷ đồng, giảm 44,78% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 675,94 tỷ đồng, giảm 32,05% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 29,88 tỷ đồng, giảm 19,41% so với cùng kỳ.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Dự ước cả năm 2021, thu ngân sách đạt 13.213,14 tỷ đồng, đạt 158,81% dự toán năm, tăng 21,00% so với năm 2020; trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 9.930,76 tỷ đồng, đạt 164,97% dự toán năm, tăng 15,58%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 8.174,95 tỷ đồng, đạt 159,36% dự toán năm, tăng 18,95%; thu tiền nhà, đất 1.755,81 tỷ đồng, đạt 197,28% dự toán năm, tăng 2,10% (trong đó thu tiền sử dụng đất 1.496,20 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần dự toán năm, tăng 34,37%); thu dầu thô 1.590,64 tỷ đồng, đạt 198,83% dự toán năm, tăng 36,86% và thu thuế xuất nhập khẩu 1.691,73 tỷ đồng, đạt 112,78% dự toán năm, tăng 45,09% so cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách dự ước cả năm 2021 đạt 14.891,58 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 10.559,83 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư phát triển 4.707,92 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.851,25 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Mạng lưới ngân hàng tiếp tục được phát triển; tín dụng tăng trưởng khá; việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó chủ động làm việc với khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo tinh thần chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hoạt động huy động vốn (tính đến ngày 30/11/2021), nguồn vốn huy động đạt 46.457 tỷ đồng, tăng 13,38% so với đầu năm. Dự ước cả năm 2021 (tính đến 31/12/2021), vốn huy động đạt 46.709 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm.

Hoạt động tín dụng (tính đến ngày 30/11/2021), tổng dư nợ cho vay đạt 73.261 tỷ đồng, tăng 5,14% so với đầu năm. Trong đó dư nợ cho vay bằng VND đạt 72.088 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 42.297 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng dư nợ. Ước tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ đạt 74.553 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 863,65 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 269,7 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 588,8 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,5 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 45,1 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 193,8 tỷ đồng/90 tàu.

Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.228 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đạt 83,4 tỷ đồng/228 hộ.

Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến 03/12/2021 đã giải ngân cho vay 8.798 triệu đồng cho 07 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 2.521 lao động, trong đó cho vay để trả lương ngừng việc với số tiền 250 triệu đồng/04 doanh nghiệp/78 lao động và cho vay để trả lương cho lao động phục hồi sản xuất với số tiền 8.548 triệu đồng/03 doanh nghiệp/2.443 lao động.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - thể dục thể thao

Công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị tiếp tục được tăng cường, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại nhiều đợt, nên nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại các địa phương trong tỉnh phải tạm dừng.

2. Giáo dục và đào tạo

Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết học sinh không thể trực tiếp đến trường, một số cơ sở giáo dục trở thành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, ngành giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tổ chức dạy học (học trực tuyến) cho học sinh các cấp, riêng trẻ mầm non tạm ngừng đến trường. Để chủ động về mặt thời gian và đảm bảo tiến độ chương trình năm học 2021- 2022, ngành giáo dục đã triển khai nhiều đợt tập huấn chuyên môn liên quan đến dạy học trực tuyến, để giúp giáo viên có thêm nhiều kĩ năng, nhiều lựa chọn vận dụng linh hoạt vào quá trình dạy học, giúp tăng cường hứng thú của học sinh đối với các môn học.

 

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh có 10 học sinh đạt giải (3 giải ba, 7 giải khuyến khích); kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020-2021 đạt 355 giải (15 giải nhất, 63 giải nhì, 277 giải ba); cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học có 47 dự án tham gia dự thi, kết quả có 23 dự án đạt giải chính thức, 01 đơn vị đạt giải tập thể; cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, tỉnh có 2 dự án dự thi, 01 dự án nhận giải triển vọng của Ban Tổ chức cuộc thi. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT toàn tỉnh đạt 98,53% cao hơn mức bình quân chung của toàn quốc, trong đó hệ THPT đạt tỷ lệ 99,37%.

 

Trong năm học 2020 - 2021 có 777 em bỏ học, đạt tỷ lệ 0,33% (năm học trước là 930 học sinh, tỷ lệ 0,41%), nguyên nhân số học sinh bỏ học: Do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, có học lực yếu kém và các nguyên nhân khác,...

 

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 256 trường tiểu học (trong đó có 87 trường tổ chức dạy học trực tiếp, 150 trường tổ chức dạy học trực tuyến, 165 trường tổ chức học qua truyền hình, không có trường chưa triển khai tổ chức dạy học); 130 trường THCS (trong đó có 29 trường tổ chức dạy học trực tiếp, 101 trường tổ chức dạy học trực tuyến, 13 trường tổ chức học qua truyền hình, không có trường chưa triển khai tổ chức dạy học); 28 trường THPT (trong đó có 01 trường tổ chức dạy học trực tiếp, 27 trường tổ chức dạy học trực tuyến, 28 trường tổ chức học qua truyền hình, không có trường chưa triển khai tổ chức dạy học).

Tổng số trường chuẩn quốc gia toàn tỉnh 269/538 trường công lập, đạt 50% (trong đó có 49/142 trường Mầm non đạt 34,50%, 127/240 trường Tiểu học đạt 52,91%, 79/130 trường THCS đạt 60,76%, 14/26 trường THPT đạt 53,8%.  Trong năm 2021 (tính đến 15/12/2021 có thêm 11 trường đạt chuẩn quốc gia (03 trường Mầm non, 03 trường Tiểu học và 05 trường THCS), vượt chỉ tiêu số lượng tỉnh giao 04 trường.

3. Y tế

Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng phòng lây nhiễm Covid-19 trong cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt các nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bệnh nhân nhiễm virut Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly, thành lập các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ điều trị cho tuyến dưới, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, thuốc, hóa chất phòng chống dịch.

Tính đến 27/4/2021 đến 18 giờ ngày 22/12/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 23.946 ca mắc Covid-19 (Phan Thiết 7.658, Tuy Phong 3.858, La Gi 2.607, Hàm Thuận Bắc 2.263, Đức Linh 1.876, Bắc Bình 1.734, Hàm Thuận Nam 1.470, Tánh Linh 1.244, Hàm Tân 744, Phú Quý 492). Trong đó có 5.322 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 18.388 ca đã điều trị khỏi và xuất viện (Tuy Phong 1.151, La Gi 2.436, Phan Thiết 6.656), 253 ca tử vong (17 ca tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh). Số trường hợp cách ly 57.896, trong đó đang cách ly là 2.091, hoàn thành cách ly 55.805 (cơ sở y tế 23.133; khu cách ly tập trung của địa phương 34.446; cơ sở cách ly tập trung có thu phí 317). Có 80.913 trường hợp cách ly tại nhà (đang cách ly 8.287, hoàn thành cách ly 72.626); Có 3.481.351 mẫu đã xét nghiệm; có 1.016.470 người được kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; 32.787 trường hợp F1 và 25.312 trường hợp F2 của các trường hợp mắc Covid-19 đã điều tra giám sát được; 1.656.330 người đã tiêm vắc xin (có 897.894 người đã tiêm mũi 1 và 758.436 người tiêm mũi 2); 65.692 trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin (có 65.425 trẻ đã tiêm mũi 1 và 267 trẻ đã tiêm mũi 2).

4. Khoa học - Công nghệ; Bưu chính, viễn thông

Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện theo cơ chế đặt hàng, có cam kết ứng dụng kết quả nghiên cứu ngay từ thời điểm tham gia tuyển chọn. Triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2021-2025), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2021.

Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới bưu chính, viễn thông với 1.260 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân 1,4 km/cơ sở. Tổng số thuê bao điện thoại các loại ước đạt 1.857.700 thuê bao (điện thoại cố định là 30.000 thuê bao, điện thoại di động trả sau là 33.000 thuê bao), mật độ điện thoại 148 thuê bao/100 dân, đạt 100% kế hoạch. Tổng số thuê bao Internet ước đạt 150.000 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 66% và đạt 100% kế hoạch năm.

5. Lao động - xã hội

Tính đến 15/12/2021, tạo việc làm cho 16.000 lao động, đạt 80% so kế hoạch năm; trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm cho 1.600 lao động, đạt 114,29% so với kế hoạch năm. Tuyển mới và đào tạo nghề 7.336 người, đạt 122,27% so với kế hoạch năm. Vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 9,199 tỷ đồng, đạt 153,3% so với kế hoạch năm, tăng 47,7% so với năm 2020; Quỹ Bảo trợ trẻ em 2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm và bằng 97,5% so với năm 2020.

Chế độ chính sách ưu đãi và hỗ trợ đời sống đối với người có công với cách mạng được quan tâm triển khai tích cực. Xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa tại huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam do Tổng công ty Điện lực Miền Nam tài trợ. Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 34 đối tượng và trợ cấp mai táng phí cho 44 trường hợp theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Tham mưu tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ mai táng phí cho 66 trường hợp thuộc ngân sách tỉnh.

* Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ:

- Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 13 doanh nghiệp/3.797 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng đến tháng 12/2021 là 22.472,101 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Phê duyệt hỗ trợ cho 406 doanh nghiệp/8.404 lao động/33.146,6 triệu đồng; trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 186 người/ 170 triệu đồng và lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 1.945 người/ 1.945 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 17 doanh nghiệp/879 lao động/1.237 triệu đồng; trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 53 người/53 triệu đồng, lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 305 người/305 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: phê duyệt hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 26 người/104,46 triệu đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 1 người/1 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 7 người/7 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế: Đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 2.457 người (F0)/3.371,24 triệu đồng và 5.115 người (F1)/5.526,48 triệu đồng; hỗ trợ thêm cho 1.247 trẻ em (F0, F1)/1.247 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Hỗ trợ cho 02 đơn vị/26 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 96,46 triệu đồng; 45 người lao động là hướng dẫn viên du lịch với số tiền 166,95 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.652 hộ kinh doanh/7.956 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Tỉnh hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 06 doanh nghiệp/411 người/1.555 triệu đồng.

- Chính sách hỗ trợ lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác theo điểm 12, mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ: đã phê duyệt hỗ trợ cho 42.629 người/63.943 triệu đồng.

6. Hoạt động bảo hiểm (đến ngày 30/11/2021)

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, gây khó khăn trong công tác BHXH, BHYT, BHTN làm giảm nguồn thu và tăng tỷ lệ nợ. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Tính đến ngày 30/11/2021, toàn tỉnh có 86.534 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 5,3% so với năm 2020; có 77.884 người tham gia BHTN, giảm 5,2%; số người tham gia BHXH tự nguyện 12.015 người, tăng 53,8%; số người tham gia BHYT 986.824 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.161 người), giảm 0,3%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 87,2% dân số.

7. Tai nạn giao thông (tính đến ngày 14/12/2021)

Số vụ tai nạn giao thông năm 2021, đã xảy ra 258 vụ (trong đó đường sắt không xảy ra), so với năm 2020 giảm 99 vụ. Số người bị thương năm 2021, có 158 người, giảm 95 người so với năm 2020. Số người chết năm 2021 có 153 người chết, so với cùng kỳ năm trước giảm 42 người.

8. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong năm 2021, xảy ra 51 vụ thiên tai; làm chết 06 người, bị thương 04 người; hư hại 237 căn nhà; ngập úng 6.310 ha lúa, 1.509 ha hoa màu; chết 06 con bò và thiệt hại nhiều tài sản khác. Ước tổng giá trị thiệt ban đầu 68.290 triệu đồng.

- Cháy nổ: Trong năm 2021 có 54 vụ cháy (giảm 23 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 5.096,2 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Trong năm 2021, đã xảy ra 29 vụ (tăng 5 vụ  so với cùng kỳ); tổng tiền đã xử phạt 4.447,4 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, đáng chú ý là:

Thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, các công trình, dự án điện được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sản xuất nông nghiệp được duy trìdiện tích gieo trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm, sản lượng lương thực, cao su, thanh long, số lượng gia súc, gia cầm và sản lượng khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm 2021. Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực; quản lý bảo vệ rừng, khoáng sản, nguồn lợi thủy sản, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt. Các hoạt động thương mại nội địa duy trì tăng trưởng, giá cả hàng hóa giữ được ổn định đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết và đảm bảo đủ nguồn cung ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Xuất khẩu hàng hóa cải thiện rõ rệt (tăng 21,79%).

Thu ngân sách nhà nước, vượt 58,81% so dự toán cả năm, trong đó thu nội địa (trừ dầu) vượt 64,97% so dự toán cả năm. Chi ngân sách bảo đảm cho yêu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống Covid-19. Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định.

Công tác đầu tư công được quan tâm chỉ đạo. Hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư, triển khai thi công: Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ĐT.719, đường ĐT.719B, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách. Từ tháng 3/2021 và định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, triển khai các dự án và sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất.

Chủ động và tập trung triển khai các biện pháp tích cực phòng chống dịch Covid-19 và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, tích cực, quyết liệt phòng ngừa, có từng bước đi, biện pháp phù hợp từng tình hình. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, văn nghệ phù hợp, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện tốt.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong năm 2021 vẫn còn khó khăn, hạn chế:

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải. Hoạt động dịch vụ du lịch, tiêu thụ sản phẩm, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Lượng khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch, xuất khẩu thanh long giảm so với năm trước. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước bị gián đoạn, nhiều hoạt động tạm dừng hoặc không thể tổ chức như kế hoạch đề ra.

Tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh gây hại; tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá cả một số mặt hàng nông, thủy sản; người sản xuất đang ở trong tình trạng khó khăn “kép”, chi phí sản xuất cho đầu vào tăng, trong khi chuỗi tiêu thụ gián đoạn. Tình hình vi phạm lâm luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn diễn biến. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi từng bước được nhân rộng nhưng quy mô chưa nhiều; liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều khó khăn, bất cập; sự tham gia, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ; một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm thời gian làm việc. Tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút dự án đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm (kể cả dự án vốn ngoài ngân sách) tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra.

Hoạt động giáo dục bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, hình thức học được triển khai học trực tuyến trên thiết bị thông minh, máy vi tính và trên truyền hình. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ ở các cơ sở giáo dục. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao tại các địa phương đã được chuẩn bị chu đáo nhưng phải tạm dừng hoặc giảm quy mô tổ chức. Giải quyết việc làm không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2020. Giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động giảm so cùng kỳ năm trước./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/