TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2021

Tháng 2 năm 2021, là thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra, do đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động giảm công suất so với tháng trước. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 2 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sử dụng lao động tháng 2 giảm 7,13% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình bán lẻ, giá cả thị trường trong những ngày cận Tết Nguyên đán nhìn chung ổn định, hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều chủng loại, đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

   

      I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

     Trong tháng 2, các địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục tập trung vào gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông xuân 2020 - 2021, nguồn nước thuỷ lợi đảm bảo cho sản xuất. Đang bước vào cao điểm của giai đoạn mùa khô, đơn vị chức năng và các đơn vị chủ rừng tập trung, dồn sức thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Tình hình chăn nuôi trong tháng tiếp tục được duy trì ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Điều kiện thời tiết và ngư trường trong tháng tương đối thuận lợi, nghề lưới rê khai thác đạt hiệu quả.

     1. Trồng trọt

    * Cây hàng năm: Tính đến 15/02/2021, diện tích gieo trồng vụ Đông xuân đạt 40.152,3 ha, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cây lúa đạt 30.859 ha, tăng 46,9%; cây bắp đạt 3.360 ha, tăng 12,2%; rau các loại đạt 2.897 ha, tăng 2,5%; đậu các loại đạt 2.017 ha, tăng 38,5%; cây hàng năm khác đạt 2 ha, chỉ bằng 0,8%.

    * Cây lâu năm: Trong tháng 2 thời tiết chuyển sang khô hanh nên không phát triển thêm diện tích trồng mới, chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch.

     Cây điều đang vào thời điểm cho trái, một số nơi chuẩn bị thu hoạch; Cây cao su đang trong mùa thay lá; Cây tiêu đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch chính, do giá thấp, nhiều sâu bệnh người trồng hạn chế đầu tư, dự tính diện tích trong thời gian đến không phát triển nhiều. Riêng cây thanh long, do tháng 2 cùng thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ trái cây tăng mạnh, giá bán tăng hơn so với tháng trước (chủ yếu là bán trong nước), tuy nhiên cũng chỉ ở mức hoà vốn cho người dân. Các loại cây lâu năm khác diện tích ổn định, không có nhiều thay đổi so với tháng trước.

     Toàn tỉnh hiện có 11.419,5 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trong đó, Hàm Thuận Nam 6.890,6 ha, Hàm Thuận Bắc 3.546,3 ha, Bắc Bình 602,5 ha, Phan Thiết 89,8 ha, Hàm Tân 86,8 ha, La Gi 147,1 ha, Tuy Phong 56,4 ha.

    * Tình hình dịch bệnh: Trong tháng tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng không diễn biến phức tạp, xảy ra dưới dạng cục bộ ảnh hưởng không đáng kể đến cây trồng.

     - Cây lúa: Bệnh đạo ôn lá nhiễm 1.020 ha, tăng 951 ha so với cùng kỳ năm trước. Chuột gây hại 505 ha, tăng 267 ha. Ốc bươu vàng nhiễm 375 ha, tăng 281 ha. Bọ trĩ nhiễm 296 ha, giảm 2.115 ha.

    - Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 1.548 ha, tăng 948 ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh thối rễ tóp cành nhiễm 619 ha, giảm 256 ha. Bệnh nám vàng cành nhiễm 512 ha. Rệp sáp nhiễm 238 ha, giảm 40 ha. Bệnh thán thư cành, quả nhiễm 224 ha, giảm 47 ha.

    - Cây điều: Bọ xít muỗi nhiễm 455 ha, tăng 118 ha so với cùng kỳ năm trước.

    * Tình hình tưới vụ Đông Xuân 2020-2021: Tính đến 16/02/2021, diện tích cấp nước sản xuất vụ Đông xuân 2020-2021 được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện trên toàn tỉnh đạt 47.445 ha/50.105 ha, đạt 94,69% so với kế hoạch. Trong đó, cây lúa và cây màu 26.822 ha/29.482 ha, đạt 90,98% so với kế hoạch; cây thanh long và cây công nghiệp dài ngày 20.623 ha/20.623 ha, đạt 100%, so với kế hoạch.

     2. Chăn nuôi

     Chăn nuôi trong tháng tiếp tục được duy trì ổn định; đàn trâu có xu hướng giảm; đàn bò phát triển ổn định và có khuynh hướng tăng ở một số địa phương trong tỉnh; chăn nuôi lợn đang phát triển tốt do giá thịt lợn cao, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi mở rộng tái đàn; chăn nuôi gia cầm phát triển thuận lợi. Tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều trang trại nuôi gà công nghiệp CP được hình thành, đặc biệt có 01 doanh nghiệp quy mô lớn mới hoạt động ở huyện Đức Linh quy mô 570 ngàn con. Ước tại thời điểm 15/02/2021, đàn trâu có 8.750 con, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 170.150 con, tăng 1,9% so với cùng kỳ; đàn lợn 299.600 con, tăng 7,73% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 3.910 ngàn con, tăng 11,1% so với cùng kỳ (trong đó, gà 2.510 ngàn con, tăng 24,3% so với cùng kỳ).

     * Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật: Một số bệnh truyền nhiễm xảy ra trên gia súc, gia cầm ở mức độ lẻ tẻ, không lây lan thành dịch.

     - Công tác tiêm phòng: Đã tổ chức tiêm phòng 2.327.084 liều vắc xin. Trong đó, đàn trâu bò 14.073 liều, đàn lợn 601.128 liều, đàn gia cầm 1.711.124 liều.

     - Kiểm dịch động vật: Đã kiểm dịch 68.826 con lợn, 3.461 con trâu bò, 522.650 con gia cầm, 4.968 kg thịt dê, 2,4 triệu quả trứng gia cầm.

    - Kiểm soát giết mổ: Đã kiểm soát giết mổ 185 con trâu bò, 2.232 con lợn, 5.859 con gia cầm, 355 con dê.

     3. Lâm nghiệp

     - Công tác trồng rừng: Đây là tháng mùa khô nên hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng chưa được triển khai.

     - Công tác phòng chống cháy rừng: Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng và ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật. Ngay từ đầu năm, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm của mùa khô năm 2021 và thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tỉnh đã khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2021 nhằm đảm bảo sát với tình hình thực tế quản lý của từng địa phương. Trong tháng không xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh, chỉ xảy ra 03 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng (lá, cỏ khô...) với diện tích 4,3 ha.

     - Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Các địa phương thường xuyên tổ chức rà soát hoạt động của các đối tượng thường vào rừng tự nhiên khai thác trái pháp luật các loài thực vật rừng, trong đó có các loài nguy cấp, quý, hiếm để buôn bán, sử dụng vào dịp lễ Tết để kịp thời ngăn chặn; đồng thời thường xuyên cử lực lượng kiểm tra các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tại các khu vực rừng giáp ranh, khu vực ga tàu, bến xe, chợ, điểm du lịch… Việc kiểm tra, truy quét chống phá rừng tại các điểm nóng và vùng giáp ranh luôn được tăng cường. Trong tháng, toàn tỉnh đã phát hiện 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp: vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản 08 vụ, vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 06 vụ, vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp 01 vụ, vi phạm khác 04 vụ. Lũy kế 2 tháng (tính đến 15/2/2021) có 37 vụ vi phạm lâm luật, trong đó phá rừng trái phép 01 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 14 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 9 vụ, vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp 01 vụ và vi phạm khác 12 vụ.

     Tổng số vụ vi phạm đã xử lý hành chính lũy kế 2 tháng (tính đến 15/2/2021) 36 vụ; tịch thu 06 xe máy; 02 phương tiện khác; gỗ các loại 46,7 m3. Số tiền phạt, bán tang vật nộp vào ngân sách là 397,7 triệu đồng.

     4. Thuỷ sản     

     - Diện tích nuôi trồng thủy sản: Trong tháng, tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, thời tiết thuận lợi cho hộ nuôi trồng thủy sản, không có dịch bệnh. Diện tích nuôi đạt 214 ha, tăng 1,9% so tháng cùng kỳ, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 446,7 ha, tăng 2,56% so với cùng kỳ.

     - Sản lượng nuôi trồng: Ước trong tháng đạt 975 tấn, tăng 1,56% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 2.065,9 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ (trong đó, cá các loại 860 tấn, tăng 2,14%; tôm nuôi nước lợ 1.195,5 tấn, tăng 1,74%).

    - Sản lượng khai thác: Trong tháng, rơi vào dịp Tết Nguyên đán phần lớn ngư dân tạm nghỉ đánh bắt để đón Tết (chỉ một số ít tàu nghề câu vẫn còn hoạt động), các nghề khác như lưới rê nổi ven bờ, kéo đơn, lồng bẫy,... tạm nghỉ hoạt động, hiệu quả đánh bắt không cao. Sản lượng thuỷ sản khai thác trong tháng ước đạt 13.824,5 tấn, giảm 1% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 24.861,9 tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác biển đạt 24.748 tấn, giảm 0,8%; sản lượng khai thác nội địa đạt 113,9 tấn, giảm 2,2%.

     - Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, ước tháng 2 sản xuất 1,7 tỷ con, tăng 2,73% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ con tăng 3,65% so với cùng kỳ. Tình hình thời tiết thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản nên sản xuất tôm giống sản xuất ổn định trong tháng đầu năm cùng với nhu cầu tôm giống ở các tỉnh phía Nam tăng.

        - Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Trước và trong Tết, lực lượng chức năng luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn, xử lý hoạt động đánh bắt trái phép trên vùng biển của tỉnh; triển khai công tác thanh tra, kiểm soát nghề cá vi phạm. Luỹ kế 2 tháng đầu năm (tính đến 15/02/2021) không có vụ vi phạm nào xảy ra. Trong tháng không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

     Tiếp tục thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá; luỹ kế 2 tháng đầu năm (tính đến 04/02/2021) đã lắp đặt 1.790 tàu/1.925 tàu (đạt 93%); trong đó, lắp đặt được 35 tàu/35 tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên (đạt 100%) và 1.755 tàu/1.890 tàu cá có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS (đạt 92,9%). Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.

     II. Công nghiệp; đầu tư phát triển; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

     1. Công nghiệp:

     Tháng 2 năm 2021, là thời điểm Tết Nguyên đán diễn ra, do đó các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động giảm công suất so với tháng trước. Các ngành nghề như sản xuất nước tinh khiết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ được duy trì ổn định.

     Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 2 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 25,53%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 31,65%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,49%. Nguyên nhân chủ yếu giảm ở hai nhóm ngành do rơi vào dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí hoạt động ổn định và tăng 17,21%.

     Lũy kế 2 tháng đầu năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,82% góp phần chủ đạo trong tăng trưởng toàn ngành. Ba nhóm ngành còn lại đều giảm do vào thời điểm Tết Nguyên đán (ngành khai khoán giảm 10,52%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,39%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,59%).

     * Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng:

    - Sản phẩm thủy sản: Mực đông lạnh ước tháng 2 sản lượng giảm 9,82% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 46,75% so với cùng kỳ. Mực khô ước tăng 20,08% so với cùng kỳ; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 20,91% so với cùng kỳ, do đây là mặc hàng được ưa chuộng làm quà tặng vào dịp Tết.

    - Sản phẩm nước khoáng: Nước khoáng có gas dự ước tháng 2 sản lượng giảm 9,82% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 24,91% so với cùng kỳ. Nước khoáng không có gas dự ước tháng 2 sản lượng giảm 32,33% so với cùng kỳ; luỹ kế 2 tháng ước giảm 18,57% so với cùng kỳ.

    - Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi dự ước tháng 2 sản lượng giảm 1,72% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 19,30% so với cùng kỳ. Bộ Com-lê (Jacket) dự ước tháng 2 sản lượng giảm 8,28% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 2 tháng ước giảm 19,80% so với cùng kỳ.

     - Sản phẩm điện sản xuất: Dự ước tháng 2 sản lượng tăng 17,37% so với cùng kỳ; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 11,92% so với cùng kỳ.

     - Sản phẩm giày, dép thể thao: Dự ước tháng 2 sản lượng tăng 6,48% so với cùng kỳ; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước tăng 54,32% so với cùng kỳ do doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu.

     * Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động tháng 2 giảm 7,13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,85%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,79%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,70%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,31%. Đa số các ngành sử dụng lao động giảm hơn cùng kỳ do đây là tháng Tết nên các doanh nghiệp cho các công nhân nghỉ Tết. So với cùng kỳ, chỉ số sử dụng lao động tháng 2 năm 2021 của khối doanh nghiệp Nhà nước tăng 3,42%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 8,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,52%.

     Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 5.612,5 tỷ đồng, đạt 13,99% kế hoạch năm và tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 97,45 tỷ đồng, giảm 11,03%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 2.034,41 tỷ đồng, giảm 10,19%; sản xuất và phân phối điện đạt 3.432,75 tỷ đồng, tăng 11,18%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 47,86 tỷ đồng, giảm 0,16%.

     2. Đầu tư phát triển:

     Trong tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước thực hiện 67 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 150,18 tỷ đồng, đạt 3,6% kế hoạch năm, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện 109,38 tỷ đồng, giảm 7,4%, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 37,6 tỷ đồng, giảm 7,3% và vốn ngân sách nhà nước cấp xã 3,2 tỷ đồng, giảm 5,3% so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm so với cùng kỳ do thời điểm Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 02 nên một số công trình nghỉ sớm cho công nhân về quê ăn Tết (năm ngoái Tết rơi vào tháng 01).

     3. Đăng ký kinh doanh:

     Trong tháng 2 (từ 15/01-15/02/2021), có 102 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó, có 44 đơn vị trực thuộc), tăng 85,45% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 1.292,3 tỷ đồng, tăng gấp 5,98 lần so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã giải thể 27 doanh nghiệp (trong đó, có 12 đơn vị trực thuộc), tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng hoạt động 29 doanh nghiệp (trong đó có 5 đơn vị trực thuộc), tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước; đăng ký chuyển đổi loại hình 5 doanh nghiệp, bằng so với cùng kỳ năm trươc; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 10 doanh nghiệp (trong đó có 01 đơn vị trực thuộc), tăng 66,66% so với cùng kỳ năm trước.

      Lũy kế 2 tháng đầu năm (tính đến 15/02/2021), có 225 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 97 đơn vị trực thuộc), tăng 51% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 2.070 tỷ đồng, tăng 2,14 lần so với cùng kỳ năm trước; hoạt động trở lại 104 đoanh nghiệp (trong đó 15 đơn vị trực thuộc) tăng gấp 2,88 lần so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 131 doanh nghiệp (có 22 đơn vị trực thuộc), tăng 52,32% so với cùng kỳ năm trước; đăng ký thay đổi loại hình 10 doanh nghiệp (không có đơn vị trực thuộc), giảm 37,5% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp đã giải thể 162 doanh nghiệp (có 119 đơn vị trực thuộc), tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước.

   

      4. Đăng ký đầu tư:

     Trong tháng 2 (tính đến 18/02/2021), không có dự án mới được cấp, có 06 dự án được cấp điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư. Luỹ kế 2 tháng đầu năm (tính đến 18/02/2021), trên địa bàn tỉnh có 1.583 dự án được cấp, với tổng diện tích đất 49.836 ha và tổng vốn đăng ký 321.149 tỷ đồng.

     Luỹ kế 2 tháng đầu năm (tính đến 18/02/2021), không có dự án khởi công và cũng không có dự án bị thu hồi. Có 3 dự án đi vào kinh doanh. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

     III. Thương mại, giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

     1. Thương mại, giá cả:

     Tình hình bán lẻ, giá cả thị trường trong những ngày cận Tết Nguyên đán nhìn chung ổn định, hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều chủng loại, đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Sức mua trong dân bắt đầu tăng từ ngày 24 - 27 tháng Chạp và tăng mạnh từ ngày 28 - 29 tháng Chạp; các mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, quần áo may sẵn, giày, dép, nón, bánh mứt, trái cây và hàng hóa trang trí Tết. Các mặt hàng hoa, cây cảnh năm nay hình thức đẹp, chất lượng tốt, nhiều chủng loại, giá cả ổn định, các điểm kinh doanh cân đối lượng hàng hóa nhập về đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nên hạn chế tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết Nguyên đán; hàng hóa lưu thông thông suốt. Nhìn chung, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong tỉnh chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán với lượng hàng phong phú, đa dạng đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

     Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 5.312 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tháng trước và tăng 13,42% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 10.981,1 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 7.445,5 tỷ đồng, tăng 7,23%; doanh thu dịch vụ ước đạt 1.104,4 tỷ đồng, tăng 4,36%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.431,2 tỷ đồng, tăng 5,13%.

     Trong tháng 2, nhóm hàng lương thực, thực phẩm dự ước đạt 1.849,5 tỷ đồng, tăng 6,35% so với tháng trước và tăng 17,95% so với cùng kỳ năm trước; hàng may mặc dự ước đạt 185,8 tỷ đồng, tăng 5,64% so với tháng trước và tăng 17,79% so với cùng kỳ năm trước; đồ dùng trang thiết bị gia đình dự ước đạt 358,9 tỷ đồng so với tháng trước tăng 4,51%, so với cùng kỳ năm trước tăng 16,35% và nhóm hàng hóa khác ước đạt 184,5 tỷ đồng tăng so với tháng trước 5,44% và so với cùng tháng năm trước tăng 17,53%.

     * Tình hình kinh doanh phục vụ Tết của các doanh nghiệp: Thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4963/KH-UBND, ngày 18/12/2020 về việc dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với mục đích cân đối cung cầu hàng hoá, ổn định giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là phục vụ người dân ở vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và huyện đảo Phú Quý, qua đó đã góp phần hạn chế tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Căn cứ kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị tham gia bình ổn thị trường đã triển khai thực hiện đảm bảo lượng hàng hóa thiết yếu vượt kế hoạch đạt 150,2 tỷ đồng, cụ thể:

     - Siêu thị Co.opMart Phan Thiết 50,69 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart La Gi 18,13 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa 10 tỷ đồng; Công ty CP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận 09 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận 51,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan 10 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP lương thực Nam Trung Bộ 01 tỷ đồng, riêng đối với mặt hàng gạo Công ty có kế hoạch dự trữ với lượng hàng dồi dào góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm mặt hàng gạo trong dịp Tết; Trung tâm Dịch vụ miền núi trích 1,6 tỷ đồng (trích từ nguồn ngân sách cấp để hoạt động) dự trữ hàng hóa và bán hàng tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ của 11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời tổ chức các đợt bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Đầu lúa, Tết Nguyên đán.

     - Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng đã cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các cửa hàng và đại lý tận vùng nông thôn, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc trước Tết theo kế hoạch đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán; mở cửa bán hàng thường xuyên và tăng thời gian phục vụ trong những ngày trước, trong và sau Tết.

     * Công tác quản lý thị trường: Đã tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, quản lý địa bàn, nắm tình hình giá cả, biến động của thị trường qua đó phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường. Trong tháng 2 năm 2021, đã kiểm tra 57 vụ, phát hiện và xử lý 43 vụ vi phạm; trong đó, 05 vụ hàng hàng cấm, 03 vụ hàng nhập lậu; 04 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 18 vụ vi phạm trong kinh doanh, 01 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và 12 vụ vi phạm khác,... Đã xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước 494 triệu đồng. Qua kiểm tra 21 cơ sở về bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, không có đơn vị nào vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

     - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2021 so với tháng trước tăng 1,74%; so với tháng cùng kỳ năm trước (sau 01 năm) tăng 1,13%; bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,14% so bình quân 2 tháng đầu năm 2020; so với tháng 12 năm 2020 (sau 2 tháng) chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,66%.

     So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng tăng giá: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,22%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,10%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 2,06%; Giao thông tăng 1,21%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,08%; Thiết bị và đồ dùng gia đinh tăng 0,25%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,25%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%. Có 3 nhóm hàng ổn định là giáo dục, bưu chính viễn thông, thuốc và dịch vụ y tế không tăng/giảm so với tháng trước.

     2. Hoạt động du lịch:

     Là tháng có Tết Nguyên đán diễn ra, tuy nhiên với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 xảy ra trên toàn quốc và việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, dẫn đến hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh không nhộn nhịp so với tháng trước, mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào xảy ra, tuy nhiên với tâm lý e ngại dịch bệnh dẫn đến lượng du khách đến du lịch tại tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ.

     Dự ước trong tháng 2 các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh đón và phục vụ 319 ngàn lượt khách, giảm 23,47% so với tháng trước và giảm 26,41% so với cùng kỳ năm trước; số ngày khách phục vụ đạt 516,1 ngàn ngày khách, giảm 32,19% so với tháng trước và giảm 29,47% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 735,9 ngàn lượt khách, giảm 27,82% so với cùng kỳ năm trước và ngày khách du lịch dự ước đạt 1.277,2 ngàn lượt khách, giảm 25,27% so với cùng kỳ năm trước.

     Dịch vụ lữ hành gặp nhiều khó khăn, không thể đưa khách du lịch theo kế hoạch nên doanh thu giảm ước đạt 17,9 tỷ đồng, giảm 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Từ những tác động và kinh doanh của ngành du lịch không tốt dẫn đến doanh thu du lịch giảm, luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 1.659,2 tỷ đồng; giảm 36,66% so với cùng kỳ.

     Đối với các nhà hàng ăn uống vẫn hoạt động bình thường đáp ứng nhu cầu cho địa phương và khách du lịch. Tuy nhiên do lượng khách du lịch giảm nên doanh thu ăn uống và một số dịch vụ khác cũng ảnh hưởng theo. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn du khách trong dịp Tết năm nay ở các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn toàn tỉnh được đảm bảo. Giá các dịch vụ lưu trú, du lịch có tăng nhưng không đáng kể. Đến nay chưa có phản ảnh nào của du khách qua đường dây nóng về giá cả dịch vụ, hàng hóa và chất lượng phục vụ tại địa phương.

     * Tình hình khách quốc tế: Trong tháng 02 lượng khách quốc tế tăng mạnh, dự ước đạt 7,2 ngàn lượt khách, tăng 174,96% so với tháng trước và giảm 85,61% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ dự ước đạt 25,9 ngàn ngày khách, tăng 142,6% so với tháng trước và giảm 83,36% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách chiếm tỷ trọng cao trong tháng 02/2021 chủ yếu du khách Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. Khách quốc tế đến du lịch tại địa phương hiện nay chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, chủ doanh nghiệp nước ngoài, đại sứ quán các nước và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Các du khách này chủ yếu di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác. Lũy kế 2 tháng đầu năm dự ước đạt 9,8 ngàn lượt khách, giảm 92,4% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ ước đạt 36,6 ngàn ngày khách giảm 90,98% so với cùng kỳ.

     3. Xuất nhập khẩu:

     Sau đà xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 1 năm 2021, tuy nhiên bước sang tháng 2 là tháng có hoạt động Tết Nguyên đán diễn ra và cùng với đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động xuất khẩu của tỉnh giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian gần đây việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác,... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.

     - Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 27,2 triệu USD, giảm 45% so với tháng trước và giảm 21,79% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 giảm so với cùng kỳ do rơi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ngày hoạt động của các doanh nghiệp ít hơn so với cùng kỳ. Luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 76,6 triệu USD, tăng 15,98% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng thủy sản ước đạt 24,7 triệu USD, tăng 24,84% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,7 triệu USD, giảm 24,84% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 50,2 triệu USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ.

     + Xuất khẩu trực tiếp 2 tháng đầu năm đạt 75,69 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu thị trường Châu Á ước đạt 49,89 triệu USD, tăng 16,69% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Nhật Bản mặt hàng thủy sản, áo jaket, quần dài; Ixraen mặt hàng cá các loại, giày dép các loại; Trung Quốc mặt hàng quặng các loại, giày dép). Thị trường Châu Âu đạt 8,36 triệu USD, giảm 14,76% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Anh mặt hàng tôm; Thụy Điển mặt hàng giày dép; Italia mặt hàng giày dép; Hà Lan mặt hàng giày dép). Thị trường Châu Mỹ đạt 16,87 triệu USD, tăng 69,45% so với cùng kỳ năm trước (tăng chủ yếu ở thị trường Mỹ mặt hàng giày dép, đồ gỗ nội thất, tôm thẻ).

     + Ủy thác xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 0,94 triệu USD, giảm 66,21% so với cùng kỳ (chủ yếu giảm ở mặt hàng áo sơ mi, quần, mực tươi).

     - Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 2 năm 2021 ước tính đạt 44,6 triệu USD, giảm 46,16% so với tháng trước và giảm 17,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 02, có 4 mặt hàng nhập khẩu có cơ cấu chiếm tỷ trọng cao: nhóm hàng thuỷ sản chiếm 15,3% (đạt 6,8 triệu USD, giảm 23,71% so với cùng kỳ); nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu chiếm 34,85% (đạt 15,5 triệu USD, tăng 34,25% so với cùng kỳ); nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày chiếm 12,63% (đạt 5,6 triệu USD, giảm 34,44% so với cùng kỳ); nhóm hàng hoá khác chiếm 28,87% (đạt 12,9 triệu USD, tăng 17,34% so với cùng kỳ). Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 127,4 triệu USD, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 23,27%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 44,4%.

     4. Giao thông vận tải:

     Tình hình giao thông vận tải trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 đảm bảo thông suốt, đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, học sinh, sinh viên trong thời gian cao điểm. Các tàu khách hoạt động trên tuyến vận tải thủy Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân không để ứ đọng khách và hàng hóa ở hai đầu bến. Hoạt động vận tải tháng 2 giảm 33,38% so với tháng trước do ảnh hưởng dịch Covid-19 lần 3 ở 13 tỉnh, thành phố và thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu đi lại và vận chuyển trong dịp Tết Nguyên đán giảm mạnh. Lực lượng chức năng phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện vận tải hành khách xuất phát từ các tỉnh, thành phố có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương, với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ người từ vùng dịch đến tỉnh.

      - Vận tải hành khách:

     + Ước tháng 2 vận chuyển 1.574,27 nghìn hành khách, giảm 33,69% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 81,33 triệu hk.km, giảm 31,12% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm, vận chuyển 3.065,54 nghìn nh khách, giảm 37,27% so với cùng kỳ và luân chuyển 159,18 triệu hk.km, giảm 31,12% so với cùng kỳ năm trước.

     + Xét theo lĩnh vực, trong tháng 2 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.567,48 nghìn hành khách; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 3.052,42 nghìn hành khách, giảm 37,11% so với cùng kỳ. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 6,8 nghìn hành khách; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 13,12 nghìn hành khách, giảm 460,80% so với cùng kỳ. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 80,58 triệu hk.km, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 157,74 triệu hk.km, giảm 33,41% so với cùng kỳ; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 0,74 triệu hk.km, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 1,43 triệu hk.km, giảm 61,74% so với cùng kỳ năm trước.

     - Vận tải hàng hoá:

    + Ước tháng 2 vận chuyển hàng hoá đạt 632,75 nghìn tấn và luân chuyển hàng hoá đạt 41,39 triệu tấn.km. Lũy kế 2 tháng đầu năm, vận chuyển 1.334,83 nghìn tấn hàng hoá, giảm 29,19% so với cùng kỳ và luân chuyển hàng hoá đạt 86,52 triệu tấn.km, giảm 16,80% so với cùng kỳ năm trước.

     + Xét theo lĩnh vực, trong tháng 02 vận chuyển hàng hoá đường bộ đạt 632,58 nghìn tấn, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 1.334,52 nghìn tấn, giảm 29,15% so với cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,16 nghìn tấn, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 0,31 nghìn tấn, giảm 81,06% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 41,37 triệu tấn.km, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 86,48 triệu tấn.km, giảm 16,68% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 18 nghìn tấn.km, lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 33,6 nghìn tấn.km, giảm 82,26% so với cùng kỳ năm trước.

     - Cảng tổng hợp Vĩnh Tân: Ước tháng 2 khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 50.000 tấn; lũy kế 2 tháng đầu năm, đạt 126.489 tấn (trong đó, khối lượng bốc xếp ngoài ước đạt 5.007 tấn); các mặt hàng chủ yếu thông qua cảng gồm quặng Ilmenite, cát, tro bay, muối xá, đá xá,... Ước doanh thu 2 tháng đạt 13,613 tỷ đồng.

    - Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 2 đạt 151,35 tỷ đồng, giảm 4,93% so với tháng trước và giảm 29,09% so với cùng kỳ năm trước; luỹ kế 2 tháng đầu năm ước đạt 310,54 tỷ đồng, giảm 28,49% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 116,20 tỷ đồng, giảm 37,9% so với cùng kỳ; Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 187,86 tỷ đồng, giảm 21,3% so với cùng kỳ; Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 6,50 tỷ đồng, giảm 23,11% so với cùng kỳ.

     5. Bưu chính, viễn thông:

     Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng và triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin; thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.250 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, đạt bán kính phục vụ bình quân 1,4 km/cơ sở.

     Số thuê bao điện thoại cố định là 30.000, số thuê bao điện thoại di động trả sau 31.980, mật độ điện thoại 147 thuê bao/100 dân. Số thuê bao Internet ước đạt 138.830 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 63,25%.

     V. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

     1. Thu, chi ngân sách:

     Ước thu ngân sách tháng 2 đạt 400 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 1.848,3 tỷ đồng, đạt 22,22% dự toán năm, giảm 12,72% so cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa (trừ dầu) đạt 1.592,1 tỷ đồng, đạt 26,45% dự toán năm, giảm 2,78%. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 1.399,5 tỷ đồng, đạt 27,28% dự toán năm, giảm 2,97%; thu tiền nhà, đất 192,5 tỷ đồng, đạt 21,63% dự toán năm, giảm 1,40% (trong đó, thu tiền sử dụng đất 170,9 tỷ đồng, đạt 24,42% dự toán năm, tăng 30,37%); thu dầu thô 138,2 tỷ đồng, đạt 17,28% dự toán năm, giảm 49,31% và thu thuế xuất nhập khẩu 117,9 tỷ đồng, đạt 7,87% dự toán năm, giảm 43,12% so cùng kỳ năm trước.

     Dự ước các khoản thu 2 tháng tăng/giảm so cùng kỳ năm trước như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước 181,1 tỷ đồng, giảm 12,38%; thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 207,3 tỷ đồng, giảm 4,66%; thu ngoài quốc doanh 199,5 tỷ đồng, giảm 6,17%; thuế thu nhập cá nhân 134,5 tỷ đồng, tăng 8,24%; thuế bảo vệ môi trường 73,1 tỷ đồng, giảm 21,09%; lệ phí trước bạ 41 tỷ đồng, giảm 16,6%; thu từ các loại phí, lệ phí 26,2 tỷ đồng, giảm 35,13%; thu khác ngân sách 28,2 tỷ đồng, giảm 31,70%; thu xổ số kiến thiết 497,5 tỷ đồng, tăng 12,67%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 7,2 tỷ đồng, tăng 7,68%; thu tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 0,6 tỷ đồng, tăng 42,86%; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 20,9 tỷ đồng, giảm 67,04%; thu tiền sử dụng đất 170,9 tỷ đồng, tăng 30,37%; thu từ dầu thô 138,2 tỷ đồng, giảm 49,31% và thu thuế xuất nhập khẩu đạt 117,9 tỷ đồng, giảm 43,12%.

     Tổng chi ngân sách trong tháng 2 ước thực hiện 500 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 400 tỷ đồng); lũy kế 2 tháng 1.869,99 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 1.304,37 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư phát triển 297,24 tỷ đồng, chi thường xuyên 1.007,14 tỷ đồng. Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Quyết định giao dự toán của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước.

     3. Hoạt động tín dụng:

    Mạng lưới ngân hàng tiếp tục được phát triển; tín dụng tăng trưởng khá; vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó chủ động làm việc với khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo tinh thần Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

     Tính đến 03/02/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 792,4 tỷ đồng/4.432 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm 1,17 tỷ đồng; cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ ngày 23/01/2020 là 14.988 tỷ đồng/5.063 khách hàng.

     Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 3,1 - 3,95%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 3,6 - 6,9%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 5,6 - 7,2%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7 - 9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9 - 11,5%/năm.

     Hoạt động huy động vốn tiếp tục đẩy mạnh để tạo nguồn cho vay phục vụ phát triển KT-XH. Tính đến 31/01/2021, nguồn vốn huy động đạt 40.667 tỷ đồng, giảm 0,75% so với đầu năm. Luỹ kế 2 tháng (tính đến 28/02/2021), vốn huy động đạt 41.096 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cuối năm 2020.

     Hoạt động tín dụng: Tính đến 31/01/2021, tổng dư nợ cho vay đạt 69.987 tỷ đồng, tăng 0,45% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 68.836 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 38.138 tỷ đồng, chiếm 54,5% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 4% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 7,8% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 26,7% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 56,4% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 5,1% tổng dư nợ.

     Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 37.697 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng dư nợ; cho vay xuất khẩu đạt 479 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.177 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng dư nợ; cho vay các đối tượng chính sách xã hội đạt 2.952 tỷ đồng.

     Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 928 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 293,3 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 629 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,7 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 87,37 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 142,6 tỷ đồng/91 tàu.

     Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN và Nghị quyết số 30/NQ-CP: Dư nợ cho vay đạt 369 tỷ đồng phục vụ nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi tôm giống công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa công nghệ cao; dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, sản xuất thuốc thú y, thức ăn gia súc đạt 519 tỷ đồng.

     Cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện đang được triển khai tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, dư nợ đạt 57 tỷ đồng/149 hộ.

     Hoạt động thanh toán, cung ứng tiền mặt: Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Tăng cường đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển lương qua tài khoản, thanh toán qua POS. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục được mở rộng, hoạt động thông suốt và an toàn. Đến 31/01/2021, trên địa bàn có 187 máy ATM (tăng 3 máy so với đầu năm) và 1.415 máy POS (giảm 298 máy so với đầu năm), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

     Tình hình thị trường ngoại tệ và vàng trên địa bàn: Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn đã bám sát điều hành tỷ giá và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định.  Nhìn chung, các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ trong tháng 1 năm 2021 đạt 44,8 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 7,7 triệu USD.

     VI. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

     1. Hoạt động văn hóa:

     Do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-9 nên nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương dừng tổ chức. Hầu hết các huyện, thị xã hủy chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân vào tối 30 Tết. Thực hiện Thông báo số 30/TB-UBND, ngày 08/02/2021 về việc không tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp vào thời khắc giao thừa tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 nên dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tỉnh không tổ chức bắn pháo hoa.

     Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp: Đã tổ chức các Chương trình nghệ thuật phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 như: “Chào Xuân Tân Sửu 2021”; “Rạng ngời sắc Xuân do ban nhạc Philippin và nhóm nhạc Acoustic biểu diễn; Chương trình nghệ thuật múa Lân Sư Rồng, chủ đề Đón Xuân”; Chương trình Acoustic “Xuân yêu thương; Đờn ca tài tử cải lương chào Xuân Tân Sửu 2021; Chung kết Liên hoan Bước nhảy xanh tỉnh Bình Thuận lần thứ II năm 2021; tổ chức triển lãm 200 ảnh tài liệu Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021) và thành tựu Kinh tế - Văn hóa - Xã hội và An ninh quốc phòng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2015 - 2020.

     Đội Tuyên truyền và chiếu phim lưu động biểu diễn 109 buổi chiếu phim, các chương trình ca, múa nhạc “Mừng Đảng - mừng Xuân Tân Sửu năm 2021” và kịch bản tuyên truyền “Ma túy nỗi bất hạnh” phục vụ nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh đã biểu diễn phục vụ chính trị 09 buổi. Phối hợp với thành phố Phan Thiết biểu diễn chương trình nghệ thuật “Lễ hội Giao thừa mừng Xuân Tân Sửu 2021”.

     Hoạt động Thư viện: Cấp mới 33 thẻ (thiếu nhi 08 thẻ), phục vụ 1.636 lượt (thiếu nhi 681), luân chuyển 6.141 lượt (thiếu nhi 4.020 lượt); lượt bạn đọc truy  cập website 235.456 lượt. Sưu tầm cho Tập thông tin tư liệu Bình Thuận (20 tin, bài), chuyên mục Thông tin kinh tế (87 tin, bài). Phục vụ xe ô tô thư viện lưu động  với 3.600 bản sách, thu hút 400 lượt bạn đọc. Luân chuyển 2.200 bản sách cho 04 trường Tiểu học tại thành phố Phan Thiết và huyện Tuy Phong.

     Hoạt động bảo tồn, bảo tàng, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đem lại cho du khách tham quan, thưởng lãm nhiều trải nghiệm quý báo về con người văn hóa Bình Thuận. Trong tháng đã đón 19.386 lượt khách, trong đó 145 lượt khách nước ngoài. Triển lãm ảnh tư liệu chuyên đề “Bác Hồ với mùa Xuân”; “Phan Thiết xưa”; ảnh nghệ thuật “Sắc màu Bình Thuận” và chiếu phim tư liệu “Bác Hồ với những mùa Xuân cách mạng” phục vụ Nhân dân và du khách thăm quan. Tổ chức trưng bày 50 ảnh chuyên đề “Vùng đất và con người Bình Thuận”; biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm (dân ca, dân vũ, dân nhạc), mời nghệ nhân người Chăm trình diễn nghề truyền thống (dệt, gốm, bánh gừng); mời nghệ nhân trình diễn nghề Dệt, Gốm truyền thống của người Chăm phục vụ khách tham quan trong dịp Tết.

     2. Thể dục thể thao:

     Hoạt động thể thao quần chúng: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên các hoạt động thể thao dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đều tạm dừng tổ chức. Trong đó, Thành phố Phan Thiết đã hủy lễ hội Đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty, riêng giải Việt dã chạy vượt đồi cát Mũi Né vào sáng Mùng 04 Tết đã tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia cổ vũ.

     Hoạt động thể thao thành tích cao: Đội Vovinam tham gia giải Cụm miền Đông Nam Bộ năm 2021 tại Đồng Nai (đạt 03 huy chương vàng, 06 huy chương bạc, 07 huy chương đồng); Đội Điền kinh tham dự giải Việt dã Leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 27 năm 2021 tại Bình Phước (đạt 01 huy chương đồng). Lũy kế 2 tháng đạt 17 huy chương (03 huy chương vàng; 06 huy chương bạc; 08 huy chương đồng).

     3. Giáo dục và Đào tạo:

     Trong tháng, đã tổng hợp kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh có 10 học sinh đạt giải (trong đó: 03 giải ba, 07 giải khuyến khích) so với năm học 2019-2020, giảm 01 giải nhì, tăng 01 giải ba.

     Đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, cho phép trẻ mầm non, học sinh phổ thông, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 03/02/2021([1]), kéo dài thời gian cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh ngừng đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đến hết ngày 21/02/2021 và bắt đầu đi học lại từ ngày 22/02/2021([2]). Tăng cường trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại phòng học như máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, xà phòng…; duy trì thực hiện vệ sinh trường, lớp theo quy định.

      4. Y tế

     Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đã bố trí sẵn sàng và đầy đủ thuốc, vật tư, hoá chất phòng chống dịch, duy trì đội cơ động phòng chống dịch, sẵn sàng xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Trong thời gian Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tình hình dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn tỉnh. Không có vụ ngộ độc thực phẩm trước và trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu xảy ra. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đã thường xuyên cập nhật danh sách các địa phương có liên quan đến dịch Covid-19 để các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh biết, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh và vùng có dịch Covid-19 xảy ra bắt buộc phải đến các trung tâm y tế khai báo. Tính đến 21/02/2021 Bình Thuận liên tiếp 346 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Covid-19.

     Trong tháng 2 (từ ngày 15/01-15/02/2021) toàn tỉnh có 254 cas mắc sốt xuất huyết, 01 ca mắc sốt rét và 74 cas mắc tay chân miệng, tất cả đều không có cas tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 06 bệnh nhân và 01 bệnh nhân phát hiện mới, 406 bệnh nhân đang quản lý và không có bệnh nhân phong mới tàn tật độ II.

     Công tác phòng chống Lao: có 735 tổng số lượt khám, 69 phát hiện mới, số bệnh nhân thu dung điều trị 150. Số bệnh nhân ngưng trị 25, số bệnh nhân hiện đang quản lý 243.

     Số nhiễm HIV mới phát hiện 09 cas (tích lũy 1.568 cas); không có cas chuyển AIDS mới (tích lũy 1.067 cas); không có cas tử vong (tích lũy 533 cas).

     Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm..

     Các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 73.791 lượt, số bệnh điều trị nội trú 10.232, số bệnh nhân chuyển viện 980, số bệnh nhân tử vong 36. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt từ 68% đến 95%.

     5. Lao động - Xã hội:

     Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công và gia đình liệt sĩ luôn được lãnh đạo tỉnh, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm, thể hiện tình cảm và trách nhiệm; kịp thời thăm hỏi, động viên, giải quyết đúng, đầy đủ các chế độ chính sách, không để sót đối tượng, góp phần cho người có công và gia đình liệt sĩ đón tết đầm ấm, ý nghĩa.

     Trong tháng 2 đã tạo việc làm cho 2.081 lao động. Lũy kế 2 tháng đầu năm tổng số lao động được giải quyết việc làm 2.820 lao động, đạt 14,1% so kế hoạch; trong đó, cho vay vốn giải quyết việc làm cho 240 lao động, đạt 17,14% so với kế hoạch. Tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp cho 1.425 người, lũy kế 2 tháng đầu năm tổng số người tuyển mới đào tạo nghề nghiệp 2.031 người, đạt 20,31% so với kế  hoạch và bằng 163,79% so với cùng kỳ  năm 2020.

     * Chính sách người có công trong dịp tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021:

     - Đối với gia đình chính sách người có công với cách mạng

     Việc chi trả trợ cấp thường xuyên tháng 1, 2 năm 2021 và tiền quà của Chủ tịch Nước, quà của ngân sách tỉnh, quà của ngân sách huyện cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ đảm bảo trước Tết nguyên đán Tân Sửu, cụ thể:

     + Chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thường xuyên tháng 1, 2 năm 2021 cho 21.096 người, với tổng kinh phí 36.741 triệu đồng (trong đó, tháng 1 có 10.551 người, kinh phí 18.375 triệu đồng; tháng 2 có 10.545 người, kinh phí 18.366 triệu).

     + Tổ chức chi quà tặng của Chủ tịch nước cho 18.748 người, với số tiền 5.742 triệu đồng (theo 02 mức 600.000 đồng và 300.000 đồng); quà tặng từ ngân sách tỉnh cho 48.146 người, với số tiền 42.102,4 triệu đồng (theo 02 mức 1.000.000 đồng và 800.000 đồng); quà tặng từ ngân sách huyện cho 3.594 người, với số tiền 1.378,9 triệu đồng, bình quân 400.000 đồng/suất; các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tặng quà cho 4.403 gia đình, với số tiền 1.718,9 triệu đồng, bình quân 400.000 đồng/suất. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi thăm 20 gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiêu biểu, đang gặp khó khăn, bệnh tật ở các địa phương trong tỉnh, ủy quyền cho lãnh đạo huyện đi thăm 280 gia đình với tổng số tiền là 300 triệu đồng (mức 1 triệu đồng/suất).

     - Đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng khác

    + Thăm tặng quà cho đối tượng trong các cơ sở Bảo trợ xã hội: 1.029 người với kinh phí 514,5 triệu đồng, bình quân mỗi suất 500.000 đồng, kinh phí từ nguồn Quỹ “vì người nghèo” của tỉnh (mức thăm, tặng quà bằng mức năm 2020).

    + Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà:

ž Hộ nghèo: 10.484 suất/4.193,6 triệu đồng, bình quân mỗi suất 400.000 đồng (tăng so với mức quà năm 2020: 340.000 đồng/suất);

ž Hộ cận nghèo: 10.154 suất/3.553,9 triệu đồng, bình quân mỗi suất 350.000 đồng (bằng với mức quà năm 2020);

ž Đối tượng BTXH tại cộng đồng: 10.330 suất/3.615,5 triệu đồng, bình quân mỗi suất quà 350.000 đồng (thấp hơn so với mức quà năm 2020: 450.000 đồng/suất);

ž Đối tượng khác (hộ có hoàn cảnh khó khăn): 1.422 suất/438,4 triệu đồng; bình quân mỗi suất trên 300.000 đồng;

     + Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Bình Thuận đã hỗ trợ 85 triệu đồng, tương đương 170 suất quà tết (500.000đ/suất) cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hạn hán, lốc xoáy tại 03 xã: xã Gia An, Đức Thuận - huyện Tánh Linh và xã Hàm Liêm - huyện Hàm Thuận Bắc.

     + Có 6.020 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa được tặng quà, với kinh phí 1.291,3 triệu đồng; trong đó quà từ ngân sách tỉnh, huyện số tiền 493,5 triệu đồng; quà từ vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân số tiền 797,8 triệu đồng.

     - Thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp: Tổng thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 là 7.863,7 ngàn đồng/người/tháng, tăng 0,68% so với năm 2019 (7.863,7/7.810,5 ngàn đồng). Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thanh toán tiền lương, tiền thưởng và các nguồn quỹ khác kịp thời cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.

     - Toàn tỉnh có 3.536 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy 239 người; đang quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 351 người; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở  y tế 647 người; 2.299 đang được các ban, ngành, đoàn thể ở nơi cư trú quản lý giáo dục.

     - Thăm tặng quà Tết cho trẻ em trên địa bàn tỉnh: Đã hỗ trợ cho 6.020 trẻ với  số tiền 1.291,3 triệu đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ đột xuất cho 03 trẻ với số  tiền 22 triệu đồng (02 trẻ bị đuối nước, 01 trẻ bị bệnh hiểm nghèo).

     6. Hoạt động bảo hiểm

     Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

     Tính đến 31/01/2021, toàn tỉnh có 92.028 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 5,7% so với cùng kỳ; có 83.598 người tham gia BHTN, giảm 5,4% so với cùng kỳ; số người tham gia BHXH tự nguyện 12.092 người, tăng 200,7% so với cùng kỳ; Số người tham gia BHYT 993.774 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.312 người), tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đã xét duyệt, giải quyết cho 4.328 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, hưởng các chế độ BHXH dài hạn 125 lượt người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 581 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 3.194 lượt người; hưởng trợ cấp BHTN 428 lượt người. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 90,26% dân số.

     Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đến đầu tháng 2 năm 2021 là 16.295 người. Tính đến 31/01/2021, tổng số thu 178,64 tỷ đồng, tăng 34,9% so với cùng kỳ; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 152,26 tỷ đồng.

     Tính đến 31/01/2021, toàn tỉnh có 225.303 em học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt tỷ lệ 95,1%. Trong đó: Có 181.112 em tham gia tại trường học; 44.191 em tham gia theo đối tượng khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo, …), còn 11.547 em chưa tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ 4,9%. Nhìn chung học sinh sinh viên tham gia BHYT trong tháng 01 năm 2021 giảm nhiều do chưa gia hạn theo nhóm đối tượng khác.

     7. Tai nạn giao thông: (từ 15/01 - 14/02/2021)

     Số vụ tai nạn giao thông 30 vụ, so với tháng trước giảm 12 vụ và so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 71 vụ (trong đó đường sắt không có xảy ra), so với cùng kỳ năm trước tăng 27 vụ.

     Số người bị thương 15 người, giảm 10 người so với tháng trước và tăng 05 người so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 40 người, tăng 11 người so với cùng kỳ năm trước.

     Số người chết 20 người, giảm 10 người so với tháng trước và tăng 07 người  so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 2 tháng đầu năm 49 người, so với cùng kỳ tăng 23 người.

     Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào đặt biệt nghiêm trọng. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên tuyến quốc lộ 1A ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

     8. Thiên tai, cháy nổ: (từ 15/01-15/02/2021)

     - Thiên tai: Trong tháng không xảy ra vụ thiên tai nào. Lũy kế 2 tháng đầu năm xảy ra 03 vụ thiên tai do gió to, sóng mạnh kết hợp triều cường dâng liên tục vào bờ gây sạt lỡ bờ kè bảo vệ bờ biển và làm 01 thuyền máy của ngư dân bị chìm. Ước giá trị thiệt hại do gió mạnh 100 triệu đồng.

     - Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 06 vụ cháy (giảm 04 vụ so với cùng kỳ), thiệt hại 616 triệu đồng; không xảy ra nổ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 08 vụ cháy (giảm 12 vụ so cùng kỳ), thiệt hại 681 triệu đồng.

     - Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 03 vụ (giảm 01 vụ so cùng kỳ), đã xử phạt 576,3 triệu đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 07 vụ (giảm 02 vụ so cùng kỳ), tổng tiền đã xử phạt 738,7 triệu đồng.

 

CTK Bình Thuận

 

ƯỚC KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI 2 THÁNG NĂM 2021

 

 


[1] Công văn số 400/UBND-KGVXNV, ngày 29/01/2021 và Công văn số 446/UBND-KGVXNV, ngày 02/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

[2] Công văn số 556/UBND-KGVXNV, ngày 15/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

 




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/