TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 tỉnh Bình Thuận

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trước bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, khó lường; trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và chịu áp lực rất lớn từ quốc tế, đã tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực:

I. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước năm 2024 tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,07%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,26%. Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, nghiệp lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,93 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp xây dựng đóng góp 3,25 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ đóng góp 2,89 điểm phần trăm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,18 điểm phần trăm.

Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2024: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,79% (năm 2023 chiếm 25,75%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,96% (năm 2023 chiếm 34,62%); khu vực dịch vụ chiếm 33,88% (năm 2023 chiếm 34,01%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,37% (năm 2023 chiếm 5,62%).

Năng suất lao động xã hội tiếp tục có sự cải thiện, dự ước năm 2024 là 176,9 triệu đồng/người/năm, tăng 14,9 triệu đồng([1]) so với năm trước. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 tăng 6,16% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 96,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,6% so với năm trước; tương đương 3.883,5 USD, tăng 4,8% so với năm trước.

II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

1. Trồng trọt

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định; dự ước GRDP ngành nông nghiệp tăng 3,43%. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng như xăng, dầu, phân bón, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn ở mức cao; tình trạng thiên tai thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp,.... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nội bộ ngành nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ để thích nghi với nhu cầu thị trường trong nước, thế giới và cả điều kiện tự nhiên. Một số loại cây trồng như sầu riêng, xoài phát triển mạnh, trong khi các cây trồng truyền thống như thanh long, tiêu, điều, cao su giảm diện tích do hiệu quả kinh tế chưa cao hoặc điều kiện canh tác không thuận lợi.

1.1. Cây hàng năm

Diện tích gieo trồng sơ bộ năm 2024 ước đạt 201.522,5 ha, tăng 0,53% so với năm trước. Diện tích, sản lượng tăng so với năm trước chủ yếu ở các cây lúa, rau các loại, cây hàng năm khác. Cây lương thực có hạt diện tích sơ bộ đạt 140.783,1 ha, tăng 1,67% so với năm trước. Sản lượng lương thực đạt 880.377,1 tấn, tăng 3,44% so với năm trước. Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày sơ bộ 10.324,3 ha, giảm 6,8% so với năm trước (giảm chủ yếu ở cây mè, cây đậu phộng do nông dân chuyển đổi sang những cây trồng có hiệu quả cao hơn như cây rau, đậu). Diện tích cây rau, đậu, hoa các loại đạt 20.883,8 ha, tăng 0,7% so với năm trước.

1.2. Cây lâu năm

Tổng diện tích trồng cây lâu năm sơ bộ đạt 107.998,9 ha, giảm 0,67% so với năm trước, trong đó: diện tích cây công nghiệp đạt 65.799,7 ha, giảm 2,2%; diện tích cây ăn quả đạt 41.527,6 ha, tăng 1,8%; các loại cây lâu năm khác đạt 671,6 ha, tăng 3,3%. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:

Thanh long: diện tích đạt 25.800 ha, giảm 2,67% so với năm trước; năng suất đạt 217,9 tạ/ha (tăng 1,9 tạ/ha); sản lượng đạt 560.000 tấn, giảm 1,9% so với năm trước. Tính đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh có 8.541,2 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

 - Cây sầu riêng: diện tích đạt 4.269,7 ha, tăng 30% so với năm trước; năng suất đạt 122 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 19.586,9 tấn, tăng 34% so với năm trước.

Cây xoài: diện tích đạt 4.451,3 ha, tăng 10% so với năm trước; năng suất đạt 93,1 tạ/ha (tăng 5,2 tạ/ha); sản lượng thu hoạch đạt 28.972,2 tấn, tăng 7,2% so với năm trước.

Cây điều: diện tích đạt 16.635,6 ha, giảm 5,42% so với năm trước; sản lượng đạt 12.500 tấn, giảm 4,3% so với năm trước;

Cao su: diện tích đạt 45.100 ha, giảm 0,94% so với năm trước; năng suất 17,1 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha), sản lượng đạt 67.500 tấn, giảm 0,7%. .

- Cây tiêu: diện tích đạt 772,1 ha, giảm 11,4% so với năm trước; sản lượng thu hoạch đạt 1.100 tấn, giảm 11,4% so với năm trước.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

2. Chăn nuôi

Trong năm 2024, ngành chăn nuôi phát triển thuận lợi với nhiều tín hiệu tích cực: giá thịt hơi tăng, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi; công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn. Chăn nuôi trâu, bò duy trì ổn định và tăng nhẹ; chăn nuôi lợn và gia cầm chuyển dịch mạnh theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, sinh học và mô hình hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, hướng đến phát triển bền vững ngày càng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước. Ước đến cuối năm 2024, so với cùng kỳ năm trước đàn trâu có 8.650 con, tăng 0,12%; đàn bò có 186.570 con, tăng 2,0%; đàn lợn có 406 ngàn con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 5,84%; đà gia cầm có 7.050 ngàn con, tăng 3,8%.

3. Sản xuất lâm nghiệp

Tập trung đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở; đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.730 ha tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở. Công tác bảo tồn, phát triển những khu vực có rừng, cây tái sinh ven sông, ven biển tiếp tục được quan tâm thực hiện. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng đạt 610 ha, tăng 1,45% so với năm trước; Năm 2024 ước đạt 4.800 ha, tăng 1,3% so với năm trước. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng 43%. Diện tích khoán bảo vệ rừng sơ bộ năm 2024 đạt 150.915 ha, tăng 12,6% so với năm trước.

4. Thuỷ sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm 2024 đạt 2.711,2 ha, tăng 1,28% so với năm trước (trong đó diện tích nuôi cá 1.854 ha, tăng 1,23%; diện tích nuôi tôm 738,5 ha, tăng 1,82%). Sản lượng nuôi trồng trong năm 2024 đạt 10.400 tấn, tăng 1,23% so với năm trước. Tình hình khai thác thủy sản biển trong năm nhìn chung thuận lợi và ổn định, ngư dân ra khơi bám biển đều trên các tuyến; sản lượng thủy sản khai thác năm 2024 sơ bộ đạt 239.600 tấn, tăng 1,81% so với năm trước. Tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh năm 2024 khá thuận lợi, sản lượng tôm giống ước 23,5 tỷ post, tăng 3,04% so với năm trước.

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân; quản lý, ngăn chặn không để vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu, theo dõi tàu cá hoạt động trên biển, tại cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tăng cường thực thi pháp luật xử lý vi phạm. Lắp đặt thiết bị VMS cho 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động, tiếp tục phát huy Hệ thống giám sát tàu cá trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác thống kê tàu cá, giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc có nhiều tiến bộ; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU tiếp tục được tăng cường.

5. Công tác ứng dụng KHCN và khuyến nông vào sản xuất

Ngành trồng trọt, chăn nuôi tăng cường sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, chuyên canh, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màn, nhà lồng trên địa bàn tỉnh đạt 78,6 ha với 395 nhà màn (chủ yếu trồng rau các loại, dưa lưới...); 42.090 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước (SRI, ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, tưới nông độ phơi); 27.243 ha cây trồng cạn áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (nhỏ giọt, phun mưa), chiếm 45,3% diện tích cây trồng cạn cần tưới. Có 06 tổ chức sản xuất với diện tích khoảng 130 ha (thanh long và nho) được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài và 01 mô hình trồng cây bụp giấm (quy mô 8 ha) được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017. Thu hút được nhiều dự án lớn về chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao, dự án nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC trang trại.... Toàn tỉnh hiện có 63 trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ cao tự động hóa, 03 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 01 doanh nghiệp nuôi tôm áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến như ASC, BAP, GlobalGAP.

6. Phát triển nông thôn

Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, toàn tỉnh hiện có 77/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 82,8%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh).

II. Công nghiệp; xây dựng; đầu tư phát triển

1. Công nghiệp

Trong năm 2024 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng ở ba nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành khai khoáng giảm so với năm trước.

- Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 10,97% so với năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,32%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,27%. Mức tăng chung của năm 2024 chủ yếu do sự đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; và sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: chế biến thủy sản, giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều…

- Chỉ số sử dụng lao động trong năm 2024 tăng 7,70%; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,83%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,39%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,11%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,70%. Theo loại hình doanh nghiệp, khối doanh nghiệp nhà nước giảm 4,57% so với năm trước; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 8,31%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,26%.

- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2024 chỉ số tiêu thụ giảm 0,47% so với năm trước.

- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước

* Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo quý IV/2024 cho thấy xu hướng: Có 44,78% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước (quý III/2024 so với quý II/2024: 41,79%); 32,84% đánh giá khó khăn hơn (quý III/2024 so với quý II/2024: 16,42%) và 22,39% số doanh nghiệp cho rằng ổn định (quý III/2024 so với quý II/2024: 41,79%).

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2025 so với quý IV năm 2024: Có 68,66% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó có 35,82% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 32,84% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,34% dự báo khó khăn hơn.

Trong năm, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp cơ bản duy trì ổn định, đến nay, có 65 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 44 doanh nghiệp trong nước và 21 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 21.690,7 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 231,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,1%), giảm 23,7% so với năm trước; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 15.830,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 73%), tăng 15,1% so với năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 262 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,2%), tăng 37,3% so với năm trước; loại hình kinh tế khác ước đạt 5.366,2 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 24,7%), tăng 6,1% so với năm trước. Theo giá so sánh 2010 ước năm 2024 đạt 12.436,1 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước; trong đó công trình nhà ở đạt 3.444,6 tỷ đồng, tăng 0,8% so với năm trước; công trình nhà không để ở đạt 2.473,9 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm trước; công trình kỹ thuật dân dụng 5.433,3 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước; hoạt động xây dựng chuyên dụng 1.084,3 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm trước.

Kết quả khảo sát xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp xây dựng quý IV/2024 so quý III/2024 với 23,8% doanh nghiệp nhận định hoạt động thuận lợi hơn, 38,1% doanh nghiệp nhận định hoạt động ổn định và 38,1% doanh nghiệp nhận định hoạt động khó khăn hơn. Dự báo quý I/2025 so với quý IV/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động SXKD tốt lên với 19% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 33,4% nhận định ổn định và 47,6% dự báo khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 là giảm 14,3%. Chỉ số cân bằng chung quý I/2025 so với quý IV/2024 là giảm 28,6%.

3. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong năm 2024 ước đạt 4.327,6 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm trước, đạt 85,12% so với kế hoạch; trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.763,6 tỷ đồng, tăng 8,02%, đạt 84,72% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 511,2 tỷ đồng, giảm 3,19% so với năm trước, đạt 87,86% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 52,8 tỷ đồng, giảm 21,37% so với năm trước, đạt 87,97% so với kế hoạch.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn năm 2024 ước đạt 49.240,5 tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm trước, trong đó vốn nhà nước đạt 11.003 tỷ đồng, tăng 5,9% và chiếm 22,3% trong tổng số vốn thực hiện; vốn ngoài nhà nước đạt 34.984,4 tỷ đồng, tăng 12,2% và chiếm 71,1% trong tổng số vốn thực hiện; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.253,1 tỷ đồng, tăng 10,82% và chiếm 6,6% trong tổng số vốn thực hiện.

Cả năm 2024 có 19 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 404 ha, tổng vốn đăng ký 17.186 tỷ đồng; có 21 dự án điều chỉnh; 15 dự án khởi công xây dựng; 15 dự án đi vào hoạt động kinh doanh và 24 dự án thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2024, có 713 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký mới 8.815,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; giải thể 154 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 467 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

III. Thương mại; giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại

Năm 2024 hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Lưu thông hàng hóa thông suốt, tình hình thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế tại địa phương. Hoạt động vận tải kho bãi năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp, tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Dự ước năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ đạt 110.498,6 tỷ đồng, tăng 15,72% so với năm trước; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 70.999,9 tỷ đồng, tăng 15,46% so với năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 25.099,6 tỷ đồng, tăng 14,40% so với năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 14.399,1 tỷ đồng, tăng 19,46% so với năm trước. Năm 2024 doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ ước đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 1,81% so với năm trước.

Giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý IV/2024 giảm 0,68% so quý trước và tăng 2,09% so với cùng quý năm trước. So cùng kỳ năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,01%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,61%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,35%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,20%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,26%; bưu chính viễn thông tăng 0,62%; giáo dục tăng 0,62%. Có 01 nhóm hàng giảm giá (giao thông giảm 2,76%). CPI bình quân 12 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,68%.

Tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; giá sản xuất công nghiệp và giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2024 giảm 1,25% so với quý trước và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2024 tăng 0,04% so với quý trước và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2024 tăng 2,37% so cùng kỳ; chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tăng 1,09% so với quý trước; tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2024 tăng 8,13% so với năm trước.

3. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch và dịch vụ tiếp tục phát triển, lượng khách đến tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhiều hoạt động văn hóa thể thao diễn ra sôi nổi trên địa bàn; hoạt động lữ hành tiếp tục tăng trưởng, các tour du lịch phục vụ du khách ngày càng tăng; các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động ổn định, tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ phát huy lợi thế về điểm đến và tận dụng hiệu quả các yếu tố thuận lợi, công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã được đẩy mạnh, đặc biệt là các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Nhiều điểm đến như NovaWorld Phan Thiết, đảo Phú Quý, các khu du lịch cộng đồng tại huyện Tánh Linh, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, Cù Lao Câu,… đang dần khẳng định vị thế và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Dự ước lượng khách du lịch năm 2024 đạt 9.657 ngàn lượt khách, tăng 15,64% so với năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 392,5 ngàn lượt khách, tăng 2,09 lần so với năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 17.715,8 ngàn ngày khách, tăng 13,42% so với năm trước. Lượng khách quốc tế ước đạt 393,3 ngàn lượt khách, tăng 43,41% so với năm trước, ngày khách phục vụ ước đạt 1.583,5 ngàn ngày khách, tăng 43,27% so với năm trước. Khách quốc tế đến tỉnh trong năm chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan…..

Năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 5.893,3 tỷ đồng, tăng 11,67% so với năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 18.915,5 tỷ đồng, tăng 14,71% so với năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 291,2 tỷ đồng, tăng 68,14% so với năm trước; doanh thu từ hoạt động du ước đạt 25.826,5 tỷ đồng, tăng 15,77% so với năm trước.

4. Xuất nhập khẩu

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm 2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng, tăng 11,29% so với năm trước, với các mặt hàng nông sản, sản phẩm gỗ, giày dép, hàng hóa khác có mức tăng khá. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,96% so với năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 791,5 triệu USD tăng 11,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 225,9 triệu USD tăng 6,83%; nhóm hàng nông sản đạt 23,2 triệu USD tăng 68,62% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác đạt 542,4 triệu USD tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 1.441,3 triệu USD, tăng 16,96% so với năm trước. Chủ yếu vẫn là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 77,10% giá trị), hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày,…

5. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải, kho bãi năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp, tăng khá so với cùng kỳ năm trước trên tất cả các ngành đường. Đặc biệt những dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày trong năm và các ngày nghỉ cuối tuần nhu cầu đi lại vui chơi, du lịch, nghỉ dưỡng và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân tăng cao. Vận tải đường thuỷ diễn ra thông suốt phục vụ cho du khách và người dân đảo Phú Quý.

- Vận tải hành khách: số lượt khách vận chuyển ước đạt 14.773,5 nghìn HK, tăng 13,69% so với năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 1.510.520,0 nghìn HK.Km, tăng 15,03% so với năm trước.

- Vận tải hàng hóa: khối lượng vận chuyển ước đạt 7.483,6 nghìn tấn, tăng 11,27% so với năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 648.445,8 nghìn tấn.Km, tăng 17,57% so với năm trước.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi năm 2024 ước đạt 3.544,2 tỷ đồng, tăng 15,91% so với năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.454,3 tỷ đồng, tăng 16,84% so với năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.590,4 tỷ đồng, tăng 14,26%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 491,8 tỷ đồng, tăng 18,95%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 0,85% so với năm trước.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân trong năm 2024 ước đạt 1.334,5 ngàn tấn tăng 3,35% so với năm trước, trong đó xuất cảng 1.101,7 ngàn tấn (gồm tro bay, quặng, muối xá, cát, xỉ than); nhập cảng 232,8 ngàn tấn (muối xá, túi xi măng, cao lanh, máy móc).

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách năm 2024 ước 10.677,1 tỷ đồng, đạt 106,77% dự toán năm và tăng 2,43% so với năm trước, trong đó thu nội địa 9.457 tỷ đồng, đạt 105,02% dự toán năm, tăng 1,02% so với năm trước. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 8.453,7 tỷ đồng, đạt 111,2% dự toán năm, giảm 0,92%; thu tiền nhà, đất 1.003,4 tỷ đồng, đạt 71,51% dự toán năm, tăng 20,96% ; thu thuế xuất nhập khẩu 1.220,1 tỷ đồng, đạt 122,62% dự toán toán năm và tăng 14,92% so với năm trước.

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu trong tháng ước đạt 511,1 tỷ đồng; năm 2024 kết quả thu 4.501,5 tỷ đồng, đạt 131,89% dự toán năm, tăng 8,95% so với năm trước, trong đó: Phan Thiết 1.920,3 tỷ đồng (đạt 140,27% dự toán, tăng 26,83%); La Gi 387 tỷ đồng (đạt 202,63% dự toán, tăng 22,39%); Tuy Phong 350,3 tỷ đồng (đạt 103,93% dự toán, tăng 2,18%); Bắc Bình 425,6 tỷ đồng (đạt 107,75% dự toán, giảm 11,38%); Hàm Thuận Bắc 447,9 tỷ đồng (đạt 120,42% dự toán, giảm 4,63%); Hàm Thuận Nam 351,8 tỷ đồng (đạt 115,35% dự toán, tăng 7,22%); Tánh Linh 127,3 tỷ đồng (đạt 122,42% dự toán, giảm 10,54%); Đức Linh 215,8 tỷ đồng (đạt 171,3% dự toán, tăng 8,32%); Hàm Tân 233,2 tỷ đồng (đạt 122,07% dự toán, giảm 21,91%) và Phú Quý 42,2 tỷ đồng (đạt 183,69% dự toán, tăng 4,4%).

Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước thực hiện 12.185,8 tỷ đồng, tăng 2,92% so với năm trước; trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.341,8 tỷ đồng, giảm 17,37%; chi thường xuyên 8.840,9 tỷ đồng, tăng 13,44%.

2. Hoạt động tín dụng

Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn để mở rộng cho vay đi đôi với đảm bảo an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương, địa phương. Đến 30/11/2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 92.104 tỷ đồng, tăng 4,84% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,19%). Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 53.189,6 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 648,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.735,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ. Vốn huy động ước đạt 59.577 tỷ đồng, tăng 2,76% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,56%); nợ xấu nội bảng trên địa bàn 3.032,2 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,05% so với đầu năm. Ước đến 31/12/2024, vốn huy động đạt 60.585 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm trước.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định 67: tổng số tiền cho vay từ đầu chương trình là 1.075,49 tỷ/120 tàu. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (60.000 tỷ đồng): đã tích cực triển khai thực hiện đến thời điểm 30/11/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đạt 103 tỷ đồng/92 khách hàng (với lãi suất cho vay ưu đãi 7%-8,5%/năm).

Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn là khoảng 95% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 73%.

V. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

Trong năm 2024 tỉnh đã tuyên truyền, tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước năm 2024 nổi bật. Thể thao quần chúng đã tổ chức sôi nổi đều khắp ở các địa phương, nhiều loại hình thể thao được tổ chức: Giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng - Cúp BTV năm 2024 với sự tham gia của 22 đội bóng (13 đội Thiếu niên và 9 đội Nhi đồng); tổ chức Giải ô tô địa hình Bình Thuận mở rộng - HTV Challenge Cup 2024 với sự tham gia của 80 đội (160 vận động viên) trên toàn quốc tranh tài ở 2 hạng mục là chuyên nghiệp và bán chuyên; tổ chức Giải vô địch Taekwondo các vận động viên xuất sắc quốc gia Cúp Chủ tịch VTF lần thứ II năm 2024 với sự tham gia của 271 vận động viên (150 nam, 121 nữ) đến từ 31 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong năm 2023, thể thao quần chúng đã tổ chức sôi nổi đều khắp ở các địa phương, nhiều loại hình thể thao được tổ chức. Thể thao thành tích cao: đã tham gia 67/68 giải thể thao với 308/133 huy chương, đạt 231,5% so với chỉ tiêu (70HCV, 88HCB, 150HCĐ).

2. Giáo dục và đào tạo

Trong năm 2024 chất lượng giáo dục toàn cấp Tiểu học hoàn thành là 118.731/120.190 học sinh, đạt tỷ lệ 98,79%; chưa hoàn thành là 1.459/120.190 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,21% (giảm 0,61% so với năm trước). Chất lượng giáo dục cấp THCS, THPT tăng so với năm trước. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp trong năm cho 13.059 người, đạt 130,59% kế hoạch năm, tăng 42,58% so với năm trước.

Tổng số học sinh phổ thông có mặt đầu năm học 2024 -2025 là 245.607 học sinh, trong đó có 119.785 học sinh tiểu học; 85.349 học sinh trung học cơ sở và 40.473 học sinh trung học phổ thông.

3. Y tế

Công tác khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chất lượng khám chữa bệnh được duy trì và từng bước được nâng lên ở các tuyến. Triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo kết nối liên thông về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định. Tiếp tục thực hiện việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,... Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh([2]).

Các cơ sở điều trị thực hiện tốt công tác trực cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, không có xảy ra trên địa bàn tỉnh.

4. Khoa học - công nghệ; hoạt động thông tin truyền thông

Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, tập trung hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các hoạt động thúc đẩy sáng kiến. Trong năm 2024, cấp 01 giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đến nay, toàn tỉnh có 03 doanh nghiệp khoa học và công nghệ); cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ. Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh triển khai nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí kịp thời, đầy đủ phản ánh diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh, biểu dương điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện và phản ánh các vấn đề bất cập để kịp thời chấn chỉnh. Công tác tuyên truyền, dân vận được tăng cường, duy trì phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức với Mặt trận và các đoàn thể, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.... và trao giải cuộc thi, khen thưởng điển hình tiên tiến, có sáng kiến, cách làm hay về Chuyển đổi số.

Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động được đầu tư nâng cấp, phát triển phủ sóng đến mọi địa bàn dân cư; các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G, 5G đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh (Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định (internet cáp quang) đạt 96,02%); ưu tiên triển khai tại các khu du lịch, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, tuyến cao tốc (phát triển thêm 24 trạm BTS trên tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh để khắc phục tình trạng lõm sóng trên cao tốc). Hiện nay, toàn tỉnh có 4.089 trạm BTS, đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp (trong năm, đã phát triển 53 vị trí phát sóng 5G; trong đó, 48 vị trí trạm của Viettel và 05 vị trí của Vinaphone). Chất lượng dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp với gói cước thấp nhất 80Mbps, gói cước cao trên 300Mbps, đường truyền cung cấp cho các doanh nghiệp có tốc độ đạt trên 1.000Mbps đảm bảo hoạt động phát triển thương mại, quảng bá phát triển dịch vụ của các doanh nghiệp. Tổ chức triển khai sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp treo viễn thông trên địa bàn tỉnh.

5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội

Các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh được triển khai hiệu quả, cùng với sự quan tâm của tỉnh đến an sinh xã hội và các chương trình giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2024 đạt 4,9 triệu đồng (tương đương 58,9 triệu đồng/người/năm), tăng 8,39% so với năm trước. Khu vực nông thôn đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng (tương đương 56,1 triệu đồng/người/năm), tăng 9,57% so với năm trước. Mặc dù thu nhập bình quân ở thành thị vẫn cao hơn nông thôn (5,7 triệu đồng/người/tháng, tương đương 68,1 triệu đồng/người/năm), nhưng khoảng cách này đang dần được thu hẹp.

Trong năm 2024, đã giải quyết việc làm cho 27.906 lao động, đạt 139,53% kế hoạch và tăng16,49% so với năm trước, trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 8.482 lao động, đạt 605,86% kế hoạch năm. Tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp 16.860 người, đạt 168,6% kế hoạch và tăng 20,11% so với năm trước.

Công tác chính sách người có công được triển khai chu đáo, đảm bảo an sinh xã hội và chi trả trợ cấp kịp thời, đúng chế độ. Các hoạt động tri ân người có công được tổ chức ý nghĩa, bao gồm thăm tặng quà Tết Nguyên đán, tặng quà cho 73 chiến sĩ và gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; thăm hỏi 300 gia đình liệt sĩ và người có công gặp khó khăn, bệnh tật. Tổ chức cho 666 người có công điều dưỡng tại các tỉnh Bà Rịa Vũng tàu, Nha Trang, Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long và Đà Lạt; hỗ trợ 08 nhà ở cho người có công; đưa 05 người có công tiêu biểu dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tại Hà Nội do Trung ương tổ chức. Trao thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 15 người cao tuổi tròn 100 tuổi tại 05 huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi... Hỗ trợ kinh phí cho 6 chiến sĩ hy sinh, 03 chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ; thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh. Tổ chức đưa 90 Người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội.

6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số

Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất, cung ứng kịp thời vật tư, hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất. Đến nay đã tạo điều kiện cho 868 hộ dân tộc thiểu số đăng ký đầu tư với tổng diện tích 1.582 ha và số tiền 10,2 tỷ đồng (trong đó: 699 hộ bắp lai với diện tích 1.465 ha và số tiền 9,4 tỷ đồng; 169 hộ lúa nước với diện tích 117 ha và 760 triệu đồng). Năm 2024, thu mua gần 25 tấn mủ cao su trị giá gần 330 triệu đồng và trên 4.000 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 23 tỷ đồng.

7. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng. Ước thực hiện năm 2024 toàn tỉnh có 131.518 người tham gia BHXH; 97.693 người tham gia BHTN; 1.185.138 người tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,55% dân số (đã bao gồm người Bình Thuận làm việc, học tập ngoài tỉnh có tham gia BHYT).

8. Tai nạn giao thông (từ 18/11 - 17/12/2024)

Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 599 vụ (trong đó có 05 vụ đường sắt), tăng 285 vụ so với cùng kỳ năm trước; bị thương 518 người, tăng 272 người so với cùng kỳ năm trước; số người chết 188 người (đường sắt 04 người chết), tăng 29 người so với cùng kỳ năm trước.

Cả năm 2024 không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; có 06 vụ rất nghiêm trọng; 183 vụ nghiêm trọng, 100 vụ ít nghiêm trọng và 310 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

Trong năm 2024, thiên tai xảy ra 44 vụ (giảm 06 vụ so với năm trước), ước thiệt hại 29.050,395 triệu đồng; cháy nổ xảy ra 44 vụ cháy (trong đó: 01 vụ nổ), tăng 23 vụ so với năm trước, ước thiệt hại 2.785,04 triệu đồng; vi phạm môi trường xảy ra 46 vụ (tăng 17 vụ so với năm trước), xử phạt 2.820,97 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 vẫn đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, cụ thể:

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 dự ước tăng 7,25%, động lực chính trong tăng trưởng là khu vực công nghiệp, xây dựng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản.

Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; diện tích cây trồng, sản lượng lương thực, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 10,97% so với năm trước, có 10/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ.

Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, đón gần 9,7 triệu lượt khách, tăng 15,64% so với năm trước; hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải đáp ứng nhu cầu của nhân dân; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm; đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa và giải trí của nhân dân. Việc tổ chức các sự kiện thể thao đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao ngày càng phát triển. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là trong dịp Lễ, Tết.

Bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn đó là:

Kết quả huy động các nguồn lực phát triển 03 trụ cột kinh tế của tỉnh vẫn còn hạn chế, trong đó: Các dự án năng lượng chậm đưa vào khai thác, vận hành, nhất là các công trình năng lượng tái tạo; nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch còn gặp vướng mắc, khó khăn, chậm được tháo gỡ; các sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách; sản xuất nông nghiệp tuy được duy trì, nhưng nhìn chung các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh chưa thật sự ổn định; vẫn còn thiếu các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao./.

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN

 

([1]) Trong đó: lĩnh vực nông nghiệp tăng 8,3 triệu; lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 20 triệu; lĩnh vực dịch vụ tăng 14,2 triệu.

[2] Năm 2024 có có 1.976 ca mắc, 53 ca sốt xuất huyết nặng, không có trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng có 789 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Bệnh dại có 10 trường hợp mắc/(nghi) và tử vong do dại. Công tác phòng chống Phong không phát hiện bệnh nhân phong mới, số bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh là 352 bệnh. Công tác phòng chống Lao có 1.389 bệnh nhân lao thu dung điều trị, 934 bệnh nhân lao AFB (+).




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/