[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]
6. Chuyển dịch cơ cấu hộ, lao động trong nông nghiệp (theo số liệu TĐT NTNN và TS năm 2011)
Cơ cấu hộ theo ngành nghề, ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực. Giảm tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; tăng tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, vận tải và dịch vụ. Tỷ trọng hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ở nông thôn chiếm 68,9% (năm 2006 là 72,5%); tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, vận tải và dịch vụ khác chiếm 27,6% (năm 2006 là 24,5%).
Sự chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn thời kỳ 2006 - 2011 diễn ra nhanh và rõ nét hơn so với các thời kỳ trước đây; trong đó, vùng đồng bằng chuyển dịch tương đối nhanh (tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, vận tải và dịch vụ khác từ 39,4% năm 2006 lên 43,8% năm 2011); tiếp đến là vùng cao, hải đảo (tăng từ 16,9% lên 22,2% trong thời gian tương ứng).
Tốc độ tăng của hộ nông nghiệp ở nông thôn tăng chậm hơn so với các loại hộ khác, ngoại trừ hộ thương nghiệp và hộ vận tải giảm nhẹ. Như vậy, cơ cấu hộ nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch đúng hướng giảm về số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh nhà góp phần nâng cao mức sống của nhân dân ở nông thôn.
Sự chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề của lao động ở khu vực nông thôn tiếp tục có sự chuyển dịch nhanh hơn so với cơ cấu ngành nghề của hộ. Tỷ lệ số người trong tuổi lao động có khả năng lao động và trên tuổi thực tế có lao động phân theo hoạt động chính trong 12 tháng qua là: cơ cấu lao động nông nghiệp năm 2011 đã giảm xuống từ 68,9% năm 2006 xuống còn 64,5% năm 2011; lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 9,5% (năm 2006 là 8,7%); lao động thương nghiệp – vận tải chiếm 9,9%; lao động dịch vụ chiếm 11,2%; không hoạt động kinh tế chiếm 4,9% (năm 2006 là 4,4%).
Những năm gần đây công tác dạy nghề đã có nhiều tiến triển, nhiều lao động đã ý thức được việc học nghề và số người tham gia các khoá đào tạo tăng rõ rệt. Số lao động qua đào tạo ngày càng tăng đã góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động ngành nghề phi nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo nghề miễn phí, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn đã nâng lên. Tuy nhiên trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động ở khu vực nông thôn còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng, vẫn còn 89,4% lao động chưa qua đào tạo (năm 2006 là 93,8%); lao động đã qua đào tạo nhưng không có chứng chỉ là 2,2%; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên là 8,4% (năm 2006 là 6,2%).
7. Kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác xã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
7.1. Kinh tế trang trại:
Kinh tế trang trại đang đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân nông thôn trong tỉnh. Kinh tế trang trại đã góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phá thế độc canh tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, đưa khoa học kỹ thuật và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, làm thay đổi bước đầu bộ mặt nông thôn.
Bình Thuận là tỉnh có tiểm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình kinh tế trang trại khác nhau. Về điều kiện tự nhiên, tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2014 là 677.470 ha, chiếm 86,71% diện tích tự nhiên của cả tỉnh. Đất đai màu mỡ là điều kiện để mở rộng, tăng quy mô và số lượng các loại hình trang trại khác nhau, nhất là các loại hình trang trại nông lâm kết hợp vườn ao chuồng, lâm nghiệp, thuỷ sản.
Loại hình sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng trang trại trồng cây hàng năm đồng thời tăng tỷ trọng cây lâu năm. Số lượng trang trại phát triển tập trung chủ yếu vào số lượng trang trại trồng trọt (chiếm 88,59%) số lượng trang trại toàn tỉnh; trang trại chăn nuôi chỉ chiếm 9,8%; trang trại nuôi trồng thuỷ sản chiếm 1,6%. Trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản chiếm tỷ lệ thấp cho thấy hai nghề này cũng còn nhiều bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả vật tư phục vụ cho sản xuất đầu ra, đầu vào, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu vốn... dẫn đến người dân chưa thật sự mặn mà để phát triển với quy mô lớn. Trong 5 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế mà cây thanh long, cao su mang lại cao, do đó việc phát triển trang trại của hai loại cây này được được người dân chú trọng phát triển với quy mô lớn.
Ngày càng có nhiều trang trại tích tụ được nhiều đất đai để sản xuất, năm 2014 diện tích đất trang trại sử dụng bình quân 1 trang trại là 5,82 ha (tăng 1,5 lần so năm 2006). Diện tích đất nông lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 1 trang trại cao nhất là vùng miền núi 7,7 ha; vùng cao, hải đảo 6,02 ha; đồng bằng 5,62 ha và trung du 5,08 ha. Trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất với qui mô lớn đây là điều kiện tiến quyết cho nền sản xuất lớn nông nghiệp. Đất đai là nguồn lực tiên quyết cần phải có để tiến hành sản xuất nông nghiệp, nó là điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế trang trại trong lĩnh vực nông, lâm và thuỷ sản có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và thu nhập của các trang trại.
Lao động là nhân tố quan trọng quyết định kết quả sản xuất kinh doanh của trang trại vì trong sản xuất lao động luôn gắn liền với đất đai, tài nguyên, điều kiện tự nhiên, cây trồng vật nuôi và công cụ lao động. Tuỳ từng loại hình trang trại mà quy mô, chất lượng lao động cho từng loại hình trang trại cũng khác nhau. Phần lớn trang trại sử dụng lao động của gia đình là chính, một số trang trại có thuê lao động bên ngoài và chủ yếu thuê lao động theo thời vụ. Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, với 3.232 lao động bao gồm lao động của hộ chủ trang trại và lao động thuê mướn.
Hiện nay các trang trại đều có quy mô sản xuất lớn hơn hẳn so với quy mô sản xuất của hộ nông dân. Ngay trong các trang trại gia đình quy mô sản xuất cũng thường lớn hơn khoảng 2 đến 3 lần so với quy mô sản xuất bình quân của một hộ nông dân. Nhưng cũng tùy thuộc vào từng loại hình trang trại mà quy mô, chất lượng lao động cho từng loại hình trang trại cũng khác nhau. Phần lớn trang trại sử dụng lao động của gia đình là chính, một số trang trại có thuê lao động bên ngoài và chủ yếu thuê lao động theo thời vụ.
Các trang trại trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản sử dụng lao động trong gia đình chủ trang trại để tham gia vào công việc sản xuất kinh doanh chiếm 38,80%; lao động thuê mướn thường xuyên chiếm 61,2%. Trong khi đó lao động thuê mướn thời vụ là 2.813 người, chiếm 46,53%. Điều này cho thấy các trang trại còn gặp nhiều khó khăn trong việc thuê mướn lao động.
Thu nhập bình quân 1 lao động của trang trại là 432,8 triệu đồng/năm. Lao động thuê mướn thời vụ chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chỉ có khả năng đảm nhiệm những công việc giản đơn, những công việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì lao động thường xuyên và lao động của chủ trang trại đảm nhiệm. Việc sử dụng lao động làm thuê đã góp phần tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho một bộ phận lao động dư thừa ở khu vực nông thôn. Kinh tế trang trại là bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục đích sản xuất góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá tạo ra vùng sản xuất tập trung, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, tăng độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Kinh tế trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng lớn gắn với thị trường. Tổng thu sản xuất, kinh doanh của các trang trại năm 2014 đạt 1.398.794 triệu đồng, bình quân 2.493 triệu đồng 1 trang trại, gấp 1,3 lần so năm 2013. Các trang trại đã sản xuất theo hướng chuyên môn hoá có doanh thu và tỷ xuất hàng hoá rất cao, các chủ trang trại đều quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập. Kinh tế trang trại là bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục đích sản xuất góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá tạo ra vùng sản xuất tập trung, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, tăng độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Qua khảo sát khó khăn hiện nay của các trang trại là thiếu vốn sản xuất các trang trại sản xuất chủ yếu đều dựa vào vốn tự có, nhu cầu vốn của trang trại rất lớn để phát triển sản xuất. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, để sản phẩm sản xuất ra có thể tiêu thụ được, các trang trại cần có sự trợ giúp tích cực và thoả đáng hơn nữa từ phía Nhà nước. Thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật cho sản xuất. Thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong sản xuất nông nghiệp thì lao động là một lực lượng quan trọng góp phần dẫn đến thành công, các chủ trang trại phát triển dựa trên kinh nghiệm chứ chưa biết xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, chưa hạch toán kinh doanh nên dễ đổ vỡ. Thiếu các dịch vụ hỗ trợ sản xuất (khuyến nông, lâm, ngư; dịch vụ giống cây, con…) các dịch vụ nông nghiệp như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cho vay vốn hỗ trợ sản xuất là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cho người sản xuất. Thiếu thông tin về thị trường, cùng với sự phát triển năng động của cơ chế thị trường sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gây gắt thì thị trường đầu ra cũng ngày càng quan trọng, có tính quyết định bởi nếu nông sản phẩm sản xuất ra mà không bán được thì không những không phát triển được sản xuất mà còn dẫn đến sự phá sản. Thiếu đất trong sản xuất nông nghiệp thì đất đai là yếu tố quan trọng nhất không thể thay thế, không có đất đai thì không có sản xuất nông nghiệp.
Kinh tế trang trại Bình Thuận có bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng tăng trong nền kinh tế của tỉnh và của cả nước nói chung, giải quyết việc làm lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên. Và là một nhân tố tích cực trong phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, phát triển nông thôn mói. Tuy nhiên so với tiềm năng, sự phát triển đó là chưa tương xứng, đặc biệt là các loại hình trang trại lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản.
Trong những năm tới cần nâng cao trình độ, kiến thức về kinh tế trang trại cho chủ trang trại và người lao động, có các chính sách khuyến khích kinh tế trang trại phát triển như hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, giao đất, giao rừng, dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện đầu ra cho sản phẩm và đẩy mạnh phát triển các loại hình, quy mô, số lượng kinh tế trang trại, nhất là các trang trại lâm nghiệp, thủy sản, tổng hợp... nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, trong đó có nguyên tài nguyên đất chưa sử dụng... Nếu khu công nghiệp là một trong những hình thức tổ chức lãnh thổ tốt nhất để công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền sản xuất, thì kinh tế trang trại là một hình thức phù hợp nhất để tiến hành CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Nhìn chung, các trang trại đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, nhất là các vùng đồi núi, hoang hoá, phát huy thế mạnh của từng vùng sinh thái, nâng cao trình độ sản xuất và quản lý của kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo.
7.2. Kinh tế hợp tác xã:
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tuy nhiên để hoạt động hợp tác xã đi vào chiều sâu và phát triển đúng hướng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, cần có sự nhìn nhận đầy đủ hơn, đồng thời có những bước đi phù hợp để các mô hình hợp tác xã được thay đổi về chất một cách bền vững.
Kinh tế hợp tác xã đóng góp rất lớn vào phát triển xã hội, đặc biệt khu vực nông thôn, góp phần giữ gìn ổn định xã hội ở nông thôn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. Đó là những đóng góp và ý nghĩa xã hội rất lớn và quan trọng của hợp tác xã mà các con số thống kê về GRDP, về tăng trưởng kinh tế không thể nói thay được. Nhiều hoạt động của hợp tác xã có giá trị kinh tế không cao nhưng có ý nghĩa và vai trò xã hội rất lớn như các hợp tác xã môi trường, hợp tác xã nước sạch, hợp tác xã lâm nghiệp, trồng rừng… Hay như các hợp tác xã thủy hải sản còn có vai trò đặc biệt quan trọng việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế biển, góp phần vào bảo vệ chủ quyển biển và hải đảo của Đảng và Nhà nước ta.
Trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Chính phủ phê duyệt, có một tiêu chí quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, đó là trên địa bàn xây dựng nông thôn mới phải có Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận thời gian qua cho thấy, thành phần kinh tế tập thể, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để nâng cao trình độ sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế trong những năm qua các mô hình hợp tác đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế hộ, cơ cấu ngành nghề phát triển. Nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, công tác dồn điền, đổi thửa đã được tiến hành để tránh tình trạng ruộng đất bị xé lẻ, phân tán. Chính sách này đã tạo sự thuận lợi cho việc cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá và chuyên môn hoá nông nghiệp, nên đã giảm được thời gian gián đoạn sản xuất, năng suất lao động tăng. Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có chiều hướng phát triển đa ngành nghề, kinh doanh tổng hợp nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu xã viên, góp phần tạo nên những thay đổi đáng kể trong quá trình sản xuất nông nghiệp như động viên và tạo điều kiện cho xã viên chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đội ngũ cán bộ hợp tác xã cũng tập trung hướng dẫn các hộ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất làm tăng giá trị sản lượng trên một đơn vị diện tích, tạo ra nhiều việc làm mới cho xã viên, thông qua việc triển khai các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển ngành nghề. Mặt khác, sự xuất hiện của các trang trại ở nông thôn với tư cách là một mô hình sản xuất mới, đã đóng một vai trò tích cực trong việc khai thác và sử dụng đất, tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. Chất lượng, khối lượng hàng hoá nông sản từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hoá theo hướng công nghiệp, dần tạo được nguồn nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến phát triển.
Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 88/95 hợp tác xã đang hoạt động (tổng số hợp tác xã gồm 55 hợp tác xã nông nghiệp, 40 hợp tác xã thủy sản), với 16.619 xã viên và 07 hợp tác xã ngưng hoạt động; giảm 01 hợp tác xã so với năm 2013. Trong đó, thành lập mới 01 hợp tác xã (01 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp). Ngoài ra, còn có khoảng 906 tổ hợp tác đang hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản và vay vốn (gồm tổ hợp tác nông nghiệp và tổ hợp tác thủy sản). Phong trào xây dựng Tổ đoàn kết sản xuất trên biển phát triển với 623 tổ hợp tác, hỗ trợ, đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng – an ninh trên biển. Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác nông nghiệp đã có nhiều cố gắng chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nâng cao trình độ quản lý để duy trì hoạt động và mang lại thu nhập ổn định cho xã viên. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như: hợp tác xã Nông nghiệp Long Điền 1, hợp tác xã Hòa Thành, hợp tác xã Hàm Nhơn 2, hợp tác xã Hàm Chính 1…, góp phần thúc đẩy tiến trình Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà.
Trong 21 xã điểm và xã đăng ký xây dựng nông thôn mới, có 18 xã đã có thành phần kinh tế tập thể đang hoạt động với khoảng 214.000 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tiết kiệm tín dụng, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số hợp tác xã chuyên khâu sản xuất nông nghiệp. Thành phần kinh tế tập thể đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh - dịch vụ sát với thực tế, trên cơ sở tiềm năng từ lao động, đất đai, ngành nghề. Ngoài ra, sản xuất hàng hoá gắn chặt với kinh tế thị trường. Bởi vậy, phần lớn các mô hình kinh tế tập thể trong tỉnh hoạt động có hiệu quả. Điển hình như hợp tác xã thanh long Phú Hội, hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hàm Nhơn 2, hợp tác xã Nông nghiệp Hàm Chính 1, hợp tác xã Nông nghiệp Long Hương, hợp tác dịch vụ Nông nghiệp Hoà Thành...
Từ thực tiễn trong những năm qua cho thấy nơi nào được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể thì nơi đó có phong trào kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển. Các cơ sở kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động nổ lực phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, xây dựng được định hướng kinh doanh đúng đắn và sát hợp để chủ động thích nghi với cơ chế thị trường; đổi mới thực sự cả về nhận thức và cách làm, cả về cung cách quản lý, chế độ phân phối và tích lũy để tổ chức lại hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với lợi ích của các xã viên, cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có nghiệp vụ cho các cơ sở kinh tế tập thể là nhân tố ý nghĩa quyết định, đặc biệt cán bộ chủ chốt hợp tác xã phải là những người được đào tạo nghiệp vụ về quản lý, về khoa học kỹ thuật và có năng lực, tâm huyết gắn bó với sự nghiệp phát triển hợp tác xã. Xác định đúng đắn nhu cầu và vai trò của xã viên trong việc tham gia hợp tác xã. Xây dựng hợp tác xã phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, chăm lo lợi ích của xã viên. Lấy lợi ích kinh tế xã hội của xã viên làm mục tiêu phấn đấu của hợp tác xã, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa xã viên với hợp tác xã.
Tuy vai trò của thành phần kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định, nhưng trên thực tế con đường phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã còn gặp không ít những khó khăn. Đó là người dân chưa thật sự hiểu rõ sự phát triển của thành phần kinh tế tập thể, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền và vận động. Do đó để thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp phát triển có hiệu quả, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Tập trung tuyên truyền các Nghị quyết TW 7 khoá X của Đảng về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, khép kín, tự cấp tự túc nhằm tạo nhu cầu và động lực tham gia hợp tác xã nông nghiệp của kinh tế hộ. Trên cơ sở tập trung ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp (thực hiện dồn điền, đổi thửa), Nhà nước cần có chính sách tài chính - tín dụng, chính sách khoa học - công nghệ và khuyến nông, chính sách đầu tư, chính sách thị trường, phát triển công nghiệp chế biến... để hỗ trợ cho kinh tế hộ nông dân dần chuyển sang sản xuất hàng hoá bền vững và có hiệu quả; coi trọng công tác cán bộ cho hợp tác xã nông nghiệp, trước hết là chủ nhiệm hợp tác xã. Thường xuyên phối hợp với cấp uỷ và chính quyền các huyện, thành phố để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Tăng cường các hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, công tác tư vấn hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên nói riêng và các hợp tác xã nói chung.
8. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tạo bước chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp:
Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực phát triển của ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Trong nông nghiệp, tiếp tục duy trì công tác lai tạo, chọn lọc giống lúa, phục tráng giống lúa siêu nguyên chủng và khảo nghiệm trên 100 giống lúa của các Viện, Trung tâm giống Quốc gia; nhân giống phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; chuyển giao kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận đến nông dân; mô hình thâm canh cây lúa, cây bắp, ca cao xen điều, keo lai, sản xuất giống lúa xác nhận, cải tạo đàn bò, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá rô đầu vuông, nuôi cá lóc bằng cám công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP, ứng dụng thiết bị khai thác hải sản trên tàu cá… Trong lâm nghiệp, thực hiện mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, khảo nghiệm và thực hiện các mô hình về giống cây lâm nghiệp có khả năng chịu hạn, có hiệu quả kinh tế; ứng dụng chất giữ ẩm chống hạn trong trồng rừng tại vùng cát di động; khảo nghiệm các giống cây dầu lai (Jatropha).
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đúc kết và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, nhân rộng mô hình chụp mực 4 tăng gông, mô hình máy thu lưới vây rút chì, cải tiến nghề mành mực, mô hình hầm cách nhiệt bằng polyurethan; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống các đối tượng nuôi có giá trị cao. Thông qua các mô hình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật, huấn luyện, hội thảo đầu bờ đã giúp cho nông dân, ngư dân tiếp cận được với khoa học - công nghệ, nhờ đó đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng nuôi trồng và khai thác tăng đều hàng năm.