[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2005-2010

Kinh tế của tỉnh giai đoạn 2005-2010 vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, đạt tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng khá, bình quân 5 năm 2006 - 2010 đạt 12,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2010 tỷ trọng nhóm ngành nông lâm - thuỷ sản giảm còn 20,5% (mục tiêu 20,0 - 21,0%); công nghiệp - xây dựng tăng lên 34,9% (mục tiêu 39,5 - 40,0%); thương mại - dịch vụ 44,6% (mục tiêu 39,0 - 40,0%). GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.093 USD, gấp 2,57 lần so với năm 2005. Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

1. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng dần chất lượng, hiệu quả:

Nét nổi bật là các công trình thuỷ lợi được tập trung đầu tư và nâng cấp, nhờ đó diện tích tưới chủ động tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện thâm canh, tăng vụ, hệ số sử dụng đất được nâng lên. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được mở rộng, cơ giới hoá các khâu làm đất gần 80%; các mô hình luân canh, xen canh được áp dụng khá phổ biến, hạn chế được các loại dịch bệnh; cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích trồng lúa giảm và giữ ổn định khoảng 44.000 ha; cao su, thanh long và các loại cây có giá trị kinh tế cao tăng nhanh, hình thành khá rõ các vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Năng suất, chất lượng và hiệu quả nhiều loại cây trồng được nâng lên, thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Hoạt động thú y, kiểm soát giết, mổ gia súc, gia cầm có tiến bộ hơn. Công tác lâm nghiệp chuyển mạnh theo hướng xã hội hoá, nâng độ che phủ của rừng từ 36,7% (năm 2005) lên 38,4% (năm 2010). Công tác quản lý, bảo vệ rừng được đẩy mạnh, số vụ vi phạm lâm luật giảm dần qua từng năm.

Kinh tế thuỷ sản tiếp tục phát triển theo hướng coi trọng chất lượng. Lượng tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ gắn với các dịch vụ nghề cá trên biển tiếp tục tăng; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác ngày càng nhiều. Mô hình tổ thuyền Đoàn kết đã từng bước mang lại hiệu quả trong khai thác, hỗ trợ nhau trong phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển và góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc. Nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả cao.

2. Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá:

Đã cơ bản hoàn thành quy hoạch các khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đang triển khai đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư. Nhà máy thuỷ điện Đại Ninh, thuỷ điện Bắc Bình; điện gió ở Tuy Phong, Phú Quý được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động ổn định; mạng lưới phân phối điện được mở rộng. Đã hình thành được một số cụm công nghiệp và làng nghề góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động ở nông thôn. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm; các doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế. Các sản phẩm lợi thế như: nước mắm, nước khoáng Vĩnh hảo, tảo... tăng khá; có thêm một số sản phẩm mới như điện gió, nhựa composite, đồ gỗ trang trí nội thất, tole mạ màu.

3. Các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển tương đối mạnh:

Thị trường được mở rộng, lưu thông hàng hoá giữa các vùng, các địa bàn thông suốt, thuận lợi. Kết cấu hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư. Công tác quản lý thị trường được tăng cường. Ngoài tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết, xe buýt là loại hình vận tải mới trên địa bàn tỉnh, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển khá, số người sử dụng dịch vụ thông tin liên lạc tăng nhanh.

Du lịch tiếp tục tăng trưởng khá; qua hàng năm, lượng du khách tăng thêm, thời gian lưu trú dài hơn, doanh thu khá hơn, cơ sở nghỉ dưỡng và các dịch vụ phục vụ du lịch tăng, chất lượng được chú trọng hơn. Hàng năm đã tổ chức được một số sự kiện văn hoá, thể thao góp phần tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch. An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và quản lý giá cả dịch vụ tại các khu, điểm du lịch nhìn chung có chuyển biến tiến bộ.

Hoạt động kinh tế đối ngoại tiếp tục có chuyển biến. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm; công tác hỗ trợ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được chú ý, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của địa phương như hàng thuỷ sản, thanh long, cao su, nhân điều, mộc gia dụng... Kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước phát triển.

 

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo