[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

1.5. Hệ thống công trình nước sạch tập trung và vệ sinh môi trường ở nông thôn được cải thiện hơn trước.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và môi trường nông thôn được quan tâm đầu tư, trong những năm qua tỉnh đã triển khai đầu tư mới các trạm cấp nước tại các xã, nâng cấp các trạm cấp nước cũ đã xuống cấp. Đến năm 2011: Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt cho ăn uống là 95,0% và 96,7% hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt (tỷ lệ này năm 2006 là 91,8% cho ăn uống và sinh hoạt).

Thực hiện chương trình cung cấp nước sạch nông thôn đạt được những kết quả khả quan, từ 42,3% năm 2006 đã tăng lên 65,6% năm số xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trong năm 2011 (toàn quốc là 45,5%).

Vệ sinh môi trường nông thôn đang từng bước được cải thiện, đã có 9,4% số xã có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung và 14,2% số thôn có xây dựng hệ thống thoát nước thải chung (năm 2006 là 1,3%); có 58,3% số xã có rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã được thu gom (năm 2006 là 42,26%). Cùng với những nỗ lực của nhân dân trong việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh cho ăn uống và bảo vệ môi trường, tình hình vệ sinh môi trường ở nông thôn ngày càng được cải thiện.

1.6. Mạng lưới thông tin, văn hoá, bưu chính, viễn thông, thể thao nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân.

- Điểm Bưu điện văn hoá xã là một thiết chế văn hoá thông tin bưu chính viễn thông ở xã, là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhân dân, là nơi để người dân nắm bắt được thông tin của mọi mặt đời sống chính trị văn hoá kinh tế xã hội. Góp phần nâng cao giá trị văn hoá, tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân vùng nông thôn, phục vụ được nhiều đối tượng nhân dân, góp phần xoá mù chữ ở các vùng sâu vùng xa. Nhiều gia đình nông dân có cuộc sống khá hơn do nắm bắt kịp thời những thông tin kinh tế, khoa học kỹ thuật, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, trồng trọt, giá cả, sinh đẻ kế hoạch hoá gia đình, y tế giáo dục và khoa học kỹ thuật nông nghiệp... thông qua việc đọc sách, báo tại Điểm Bưu điện văn hoá xã.

Năm 2011, khu vực nông thôn có 100% số xã có điểm bưu điện văn hoá (năm 2006 là 77,3%; năm 2001 là 48,9%). Tỷ lệ xã có điểm bưu điện văn hoá được nối mạng internet đạt 34,4% (năm 2006 là 32,0%). Trong 5 năm qua trên địa bàn xã phát triển nhanh các điểm dịch vụ internet tư nhân phục vụ nhu cầu truy cập thông tin của nhân dân, đến năm 2011 đã có 86,5% số xã có điểm kinh doanh dịch vụ internet tư nhân với 375 điểm kinh doanh dịch vụ internet tư nhân trên địa bàn xã (năm 2006 là 35,1% với 63 điểm internet tư nhân), bình quân 1 xã có 3,9 điểm (năm 2006 là 0,7 điểm) gấp 5,6 lần so năm 2006.

- Nhà văn hoá xã có vai trò quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng ở cơ sở. Mặt khác, Nhà văn hoá xã còn đem lại hiệu quả thiết thực trong việc xây dựng đời sống văn hoá. Số lượng xã có nhà văn hoá năm 2011 có 30,2% số xã có nhà văn hoá xã (năm 2006 là 17,53%).

- Ngày càng có nhiều hộ dân ở nông thôn sử dụng các phương tiện liên lạc bằng vô tuyến viễn thông, cụ thể số hộ có sử dụng máy điện thoại cố định chiếm 23,5% và 85,1% hộ sử dụng điện thoại di động.

- Thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nói chung và phong trào thể thao quần chúng nói riêng, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã tập trung cho công tác xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khoẻ trong nhân dân ở vùng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 58 thôn có khu thể thao thôn chỉ chiếm 13,1% trong tổng số 443 thôn của toàn tỉnh tỷ lệ này khá khiêm tốn.

- Đến năm 2011, đã có 96,8% số xã có hệ thống loa truyền thanh đến thôn với 365 thôn (chiếm 82,4%) số thôn có hệ thống loa truyền thanh đến thôn. Có thể nói hệ thống loa truyền thanh thôn, xã ngày nay vẫn rất cần và có nhiều cái lợi, tác dụng, nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được cô gọn, diễn đạt dễ hiểu. Giờ phát thanh phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương...

1.7. Chợ, quỹ tín dụng, ngân hàng, kinh tế tập thể, làng nghề đã góp phần thúc đẩy phát triển đa dạng sản xuất kinh doanh ở nông thôn.

- Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND): Ngoài hệ thống ngân hàng, thì hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ở nông thôn là một kênh tài chính để người dân nông thôn tiếp cận được các nguồn vốn vay theo lãi suất ưu đãi của nhà nước. Thời điểm 1/7/2011 có 14 xã trên 96 xã có QTDND (chiếm 14,5%; năm 2006 chiếm 5,2% số xã có QTDND) với tổng số QTDND là 14.

- Chợ: Hệ thống chợ nông thôn nhìn chung đáp ứng nhu cầu về phục vụ hàng thiết yếu cho khu vực nông thôn; là nơi tiêu thụ các sản phẩm nông sản, giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hoá, phân phối lại đến các chợ thành thị. Thông qua chợ, người dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế và làm quen với nền kinh tế thị trường. Để chợ nông thôn phát triển, nâng cao đời sống người nông dân, cần sự hỗ trợ nhiều từ phía nhà Nước và các cấp, ngành. Nhà nước xây dựng, hoặc hỗ trợ xây dựng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật của chợ. Xác định chợ là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu, các huyện, thành phố đã quy hoạch và dành quỹ đất cho việc xây dựng chợ, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống chợ ở khu vực chợ nông thôn. Đáng chú ý là hệ thống chợ ở trung tâm cụm xã được đầu tư với quy mô phù hợp đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống thương mại đến với các vùng dân cư, đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Năm 2011, tỷ lệ xã có chợ là 82,3% (năm 2006 tỷ lệ xã có chợ là 74,23%; năm 2001 là 69,57%) với 107 chợ, trung bình một xã có 1,1 chợ, vùng có tỷ lệ chợ thấp nhất là vùng cao chỉ có 0,53 chợ trên xã, đặc điểm chợ ở đây là chợ hàng ngày, đa số các chợ ở nông thôn đều được xây kiên cố và bán kiên cố với tỷ lệ là 92,4%, tuy nhiên không có chợ nào được công nhận là chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng.

- Phát triển thành phần kinh tế tập thể ở nông thôn: Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới có một tiêu chí liên quan đến kinh tế tập thể, đó là trên địa bàn xây dựng nông thôn mới phải có Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định, thành phần kinh tế tập thể, nếu phát triển đúng hướng sẽ là động lực cơ bản để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân. Chính vì vậy, với yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong những năm qua, thành phần kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới cả về số lượng lẫn hiệu quả hoạt động.

Thời điểm 1/7/2011, ở khu vực nông thôn toàn tỉnh có 81 hợp tác xã với 65 hợp tác xã làm ăn có lãi trong năm 2010 (chiếm 80,2%). Nhiều nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp là 29 hợp tác xã với 72,4% số hợp tác xã làm ăn có lãi; các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 25 hợp tác với 76,0% số hợp tác xã làm ăn có lãi; đặc biệt các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản là 14 hợp tác xã với 100,0% số hợp tác xã làm ăn có lãi và thấp nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận tải là 5 hợp tác xã với 60,0% số hợp tác xã làm ăn có lãi. Cùng với việc phát triển kinh tế hợp tác xã thì việc thành lập các tổ hợp tác cũng được tỉnh chú trọng và phát triển đã có 259 tổ hợp tác được thành lập, trong đó có 243 tổ hợp tác được Uỷ Ban nhân dân xã công nhận, đã có 65,6% số tổ hợp tác làm ăn có lãi trong năm 2010, đặc biệt các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản đều đạt 100,0% làm ăn có lãi năm 2010.

Trong 21 xã điểm và xã đăng ký xây dựng nông thôn mới, có 18 xã đã có thành phần kinh tế tập thể đang hoạt động với 214.000 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tiết kiệm tín dụng, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số hợp tác xã chuyên khâu sản xuất nông nghiệp. Thành phần kinh tế tập thể đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh - dịch vụ sát với thực tế, trên cơ sở tiềm năng từ lao động, đất đai, ngành nghề. Ngoài ra, sản xuất hàng hoá gắn chặt với kinh tế thị trường. Bởi vậy, phần lớn các mô hình kinh tế tập thể trong tỉnh hoạt động có hiệu quả. Điển hình như hợp tác xã thanh long Phú Hội, hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hàm Nhơn 2, hợp tác xã Nông nghiệp Hàm Chính 1, hợp tác xã Nông nghiệp Long Hương, hợp tác dịch vụ Nông nghiệp Hoà Thành...

Tuy vai trò của thành phần kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định, nhưng trên thực tế con đường phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã còn gặp không ít những khó khăn. Đó là người dân chưa thật sự hiểu rõ sự phát triển của thành phần kinh tế tập thể, mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền và vận động.

- Phát triển làng nghề: Bên cạnh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, từ lâu ở Bình Thuận đã hình thành nhiều làng nghề. Những làng nghề này tận dụng nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương tạo nên một số nghề truyền thống dân gian, đáp ứng nhu cầu muôn mặt của cuộc sống. Đến nay, có nghề đã thất truyền, có nghề còn tiếp nối. Tuy không đóng góp giá trị sản xuất lớn cho địa phương nhưng các làng nghề sản xuất như bánh tráng, mây tre lá đan lát thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng... cũng đã có thị trường tiêu thụ ổn định, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

Những năm qua tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của các làng nghề truyền thống của nhân dân, thu hút lao động và giải quyết việc làm tốt cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, đến nay trong toàn tỉnh có 12 xã có làng nghề chiếm tỷ lệ 12,5% số xã có làng nghề. Số làng nghề phát triển mới còn ít và số làng nghề không sử dụng thiết bị xử lý nước, chất thải độc hại đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

1.8. Nhà nước thực hiện một số chính sách an sinh xã hội ở khu vực nông thôn nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa.

- Trong 5 năm qua số hộ được hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà năm 2010 là 815 hộ, số hộ được vay vốn theo các chương trình dự án năm 2010 là 50.702 hộ (chiếm 29,43% số hộ nông thôn). Với tổng số vốn vây ưu đãi theo các chương trình, dự án năm 2010 là 488.841 triệu đồng. Trong những năm qua  nhờ các chương trình xoá đói giảm nghèo, các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, đánh bắt xa bờ, chương trình hỗ trợ vốn phát triển... tạo điều kiện cho người dân mở rộng phát triển sản xuất, nhất là trong diện nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ vốn theo các chương trình dự án chủ yếu tập trung nhiều ở vùng nông thôn, riêng khu vực thành thị chủ yếu ở nguồn vốn đánh bắt xa bờ.

- Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, tạo sự công bằng và phát triển trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tính đến 1/7/2011 toàn tỉnh có 87.324 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trừ trẻ em dưới 6 tuổi), có 640 người có thẻ BHYT được hỗ trợ đóng BHYT và có 40.672 đóng BHYT tự nguyện (trừ CBCC,  người hưởng lương hưu...).

- Mục tiêu của chương trình quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực nông thôn là tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo cho bộ phận con em nông dân đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và chuyển nghề; bộ phận nông dân còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp được đào tạo kiến thức và kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại; đồng thời với đó là tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở.

Bình Thuận là một tỉnh nông nghiệp, hầu hết lao động nông thôn trên các địa bàn của tỉnh thường sản xuất theo tập quán, mùa vụ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn ít, hiệu quả thấp,thu nhập và đời sống của một bộ phận lớn nông dân còn khó khăn… Để giải quyết thực trạng này, tỉnh đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn từ 2011 đến 2020 sẽ đào tạo nghề cho 102.000 người. Trong đó dạy nghề cho 72.600 lao động nông thôn, bao gồm: dạy nghề nông nghiệp cho 29.034 người, dạy nghề phi nông nghiệp cho 43.566 người. Đồng thời đào tạo bồi dưỡng cho khoảng 5.400 lượt cán bộ, công chức xã.

Qua 2 năm 2011-2012, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 29.117 người, bao gồm: cao đẳng nghề 452 người; trung cấp nghề: 1.199 người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 27.466 người. Cụ thể, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 22.842 người; giải quyết việc làm cho 47.650 người, trong đó cung ứng lao động ngoài tỉnh 8.000 người. Qua đào tạo bước đầu gắn kết được những nghề với doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động như trồng chăm sóc cây thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hàm Thuận Bắc, may công nghiệp ở La Gi, trồng chăm sóc và khai thác cây cao su ở Tánh Linh, Đức Linh…

1.9. Hệ thống thuỷ lợi, khuyến nông, lâm, ngư cấp xã, cấp thôn được xây dựng và củng cố góp phần hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

- Hệ thống thuỷ lợi: Trong 5 năm qua, Bình Thuận đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, tu sửa, kiên cố hoá kênh mương tổng cộng 122 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương; trong đó, đầu tư xây dựng mới 52 công trình, gồm 9 hồ chứa, 15 tuyến kênh nối mạng lớn nhỏ, 18 trạm bơm điện tưới, 13 đập dâng các loại cầu cống điều tiết. Nâng cấp tu sửa 40 công trình; Kiên cố hoá kênh mương 22 dự án với hàng trăm km kênh kiên cố và 8 hệ thống tiêu thoát lũ, đê kè.

Với hệ thống thuỷ lợi được quan tâm đầu tư, việc thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất sản lượng lương thực của địa phương thì người nông dân đã an tâm phát triển sản xuất nỗi lo thiếu nước cho sản xuất giảm đi rất nhiều. Có thể thấy kết quả sản xuất lương thực toàn tỉnh tăng liên tục hàng năm từ: 462.216 tấn (năm 2006) lên 706.422 tấn (2011).

Những công trình thuỷ lợi ra đời đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao cho nhiều địa phương trong toàn tỉnh, đặc biệt đối với những vùng khô hạn trong tỉnh; cụ thể tại huyện Bắc Bình: năm 2000, diện tích chủ động tưới của vụ Đông Xuân chỉ 2.000 ha nhưng đến năm 2010 đã được nâng lên gần 5.800 ha. Còn tại huyện Tuy Phong, hệ thống thuỷ lợi không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và sản xuất của nông dân mà còn phục vụ tốt cho quá trình thi công và hoạt động sau này của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, một dự án trọng điểm của Quốc gia. Có nước tưới đến đâu diện tích và năng suất các loại cây công nghiệp và cây ăn quả tăng nhanh đến đó, đặc biệt tốc độ phát triển cây thanh long khá mạnh đạt trên 18.616 ha trong năm 2011.

- Khuyến nông, lâm, ngư cấp xã, cấp thôn: Những năm qua hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là mạng lưới khuyến nông cơ sở. Đến năm 2011 có 67,7% số xã có cán bộ khuyến nông, lâm ngư với số cán bộ, khuyến nông viên ở các địa phương trong tỉnh đến 1/7/2011 là 68 người, giảm 18,1% so với thời điểm năm 2006. Số thôn có cộng tác viên khuyến nông, lâm, ngư là 69 thôn chiếm 15,6% số thôn có cộng tác viên.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo