[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]
4. Biến động đất nông nghiệp giai đoạn 2006 – 2011 đất trồng cây hàng năm, lâu năm, thuỷ sản tăng, đất lâm nghiệp giảm.
Tổng diện tích đất nông nghiệp năm 2011 là 687.046 ha, chiếm 87,9% diện tích tự nhiên của cả tỉnh tăng 6.959 ha so năm 2006 (tăng 1,02%), chia ra: đất sản xuất nông nghiệp là 315.525 ha (chiếm 40,3%); đất lâm nghiệp là 368.046 (chiếm 47,1%); đất nuôi trồng thuỷ sản là 3.009 ha (chiếm 0,4%); đất nông nghiệp khác là 1.466 ha (chiếm 0,2%).
- Đất trồng cây hàng năm, năm 2011 toàn tỉnh có 164.089 ha tăng so năm 2006 là 3.257 ha (tăng 2,03%).
Đất lúa, nhằm đảm bảo về vấn đề an ninh lương thực của tỉnh cũng như của quốc gia, do tính chất quan trọng đó diện tích trồng lúa của tỉnh vẫn bảo tồn được diện tích, diện tích lúa của tỉnh vẫn giữ được tính ổn định dao động từ 50 ngàn đến 55 ha, trong đó diện tích sử dụng thường xuyên để canh tác gần 41 ngàn ha.
- Đất trồng cây lâu năm, năm 2011 toàn tỉnh có 150.436 ha tăng so năm 2006 là 28.381 ha (tăng 23,25%). Có thể thấy xu hướng tăng diện tích trồng cây lâu năm, diễn ra rất mạnh so năm 2006, diện tích cây lâu năm sử dụng thường xuyên tăng 30,32% (tăng 22.083 ha), đất cây lâu năm của Bình Thuận tăng nhiều chủ yếu ở các loại cây cho giá trị kinh tế cao như: Cao su, thanh long, điều. Nguyên nhân tăng chủ yếu là từ đất khác chuyển sang như đất nông nghiệp chưa sử dụng nay được đưa vào sử dụng, từ đất lâm nghiệp chuyển sang.
- Đất lâm nghiệp, năm 2011 toàn tỉnh có 368.046 ha giảm so năm 2006 là 25.370 ha (giảm 6,4%). Nhiều diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng từ lâm nghiệp sang nông nghiệp, sang phi nông nghiệp như phục vụ cho việc đô thị hoá, sản xuất công nghiệp.
- Đất nuôi trồng thuỷ sản, năm 2011 toàn tỉnh có 2.520 ha tăng so năm 2006 là 178 ha (tăng 12,4%). Năm năm qua nuôi trồng thuỷ sản của Bình Thuận vẫn luôn giữ ở mức ổn định và ngày càng phát triển.
5. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ có bước phát triển khá, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển:
Hoạt động khoa học công nghệ được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực phát triển của ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Trong nông nghiệp, tiếp tục duy trì công tác lai tạo, chọn lọc giống lúa, phục tráng giống lúa siêu nguyên chủng và khảo nghiệm trên 100 giống lúa của các Viện, Trung tâm giống Quốc gia; nhân giống phong lan bằng phương pháp nuôi cấy mô; chuyển giao kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận đến nông dân; mô hình thâm canh cây lúa, cây bắp, ca cao xen điều, keo lai, sản xuất giống lúa xác nhận, cải tạo đàn bò, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá rô đầu vuông, nuôi cá lóc bằng cám công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP, ứng dụng thiết bị khai thác hải sản trên tàu cá… Trong lâm nghiệp, thực hiện mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, khảo nghiệm và thực hiện các mô hình về giống cây lâm nghiệp có khả năng chịu hạn, có hiệu quả kinh tế; ứng dụng chất giữ ẩm chống hạn trong trồng rừng tại vùng cát di động; khảo nghiệm các giống cây dầu lai (Jatropha).
Trong lĩnh vực thuỷ sản, đúc kết và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, nhân rộng mô hình chụp mực 4 tăng gông, mô hình máy thu lưới vây rút chì, cải tiến nghề mành mực, mô hình hầm cách nhiệt bằng polyurethan; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống các đối tượng nuôi có giá trị cao. Thông qua các mô hình ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật, huấn luyện, hội thảo đầu bờ đã giúp cho nông dân, ngư dân tiếp cận được với khoa học - công nghệ, nhờ đó đã đưa năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng nuôi trồng và khai thác tăng đều hàng năm.
6. Phát triển thuỷ sản:
+ Về năng lực khai thác đánh bắt hải sản biển: Năng lực tàu đánh bắt hải sản tính đến thời điểm 1/5/2012 tổng số tàu thuyền đánh bắt các loại hiện có 9.938 tàu thuyền, trong đó tàu, thuyền có động cơ 7.974 chiếc, giảm 596 chiếc so thời điểm 1/5/2011, loại dưới 20 CV giảm 94 chiếc, loại 20 – 45 CV giảm 313 chiếc, loại 45 – 90 CV giảm 131 chiếc, loại tàu thuyền từ 90 CV trở lên tăng 73 chiếc so cùng kỳ, trong kỳ đóng mới 4 chiếc với tổng công suất 1.125 CV, tàu trên 300 CV trở lên 2 chiếc/850 CV, nâng tổng công suất lên 690.523 CV, bình quân 86,6 CV/tàu thuyền (thời điểm 1/5/2011 là 76,51 CV). Số lượng tàu giảm do một số nguyên nhân: xoá bộ do chìm và giải bản, xoá bộ do bán ra ngoài tỉnh và xoá bộ do 2 năm trở lên không đăng kiểm. Năng lực tàu cá tăng nhanh, nhất là tàu trên 90 CV cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề vươn ra khai thác vùng khơi tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Sản lượng đánh bắt năm 2011 đạt 174 ngàn tấn hải sản các loại, tăng 0,73% so cùng kỳ năm 2010. Cơ cấu nghề khai thác có chuyển biến theo hướng khai thác xa bờ, gắn với đẩy mạnh công tác vận động ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, giảm dần số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ.
Công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá được quan tâm, nhất là trang bị hệ thống thông tin liên lạc và các trang thiết bị an toàn. Dịch vụ hậu cần nghề cá như sản xuất nước đá, cung cấp ngư lưới cụ, dầu nhớt, trang thiết bị hàng hải, sửa chữa máy thuỷ,…tiếp tục phát triển. Đến nay có khoảng 74 tàu dịch vụ thuỷ sản có công suất lớn đang hoạt động, trong đó có 51 chiếc có công suất trên 400 CV/chiếc, trang bị hệ thống cấp đông khá hiện đại, thu mua nguyên liệu trực tiếp trên biển, góp phần hỗ trợ tích cực cho ngư dân trên tuyến khơi và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Ngoài ra, trong thời gian qua, các địa phương đã tiến hành thành lập các Tổ đoàn kết trên biển nhằm hỗ trợ nhau trong khai thác, vận chuyển, cứu hộ, cứu nạn trên biển,…
+ Về nuôi trồng thuỷ sản: Lợi thế về sản xuất tôm giống tiếp tục duy trì, phát triển. Toàn Tỉnh có 150 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 10 tỷ Post, tăng 10,9% so với năm 2010. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu thị trường, giống tôm được chú ý đa dạng hoá và tập trung nâng cao về chất lượng.
Diện tích nuôi thuỷ sản nước lợ có xu hướng giảm do diện tích bị thu hẹp để quy hoạch phát triển du lịch, công nghiệp, khu dân cư, song việc chuyển đổi đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm chân trắng đã gia tăng mạnh về năng suất và sản lượng tôm nuôi. Việc đa dạng hoá loài nuôi thuỷ sản nước lợ theo nhu cầu thị trường được chú ý phát triển; ngoài tôm Sú có Cua biển, cá Chẽm, đặc biệt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Kỹ thuật nuôi được cải tiến theo hình thức bán thâm canh, thâm canh công nghiệp, đưa năng suất tôm sú bình quân đạt từ 3- 4 tấn/ha và tôm thẻ chân trắng bình quân 10 tấn/ha.
Nuôi thuỷ sản nước ngọt được duy trì và có hướng phát triển. Ước đến cuối năm 2010 có khoảng 1.500 ha nuôi nước ngọt (bao gồm cả một số diện tích nuôi công nghiệp của Dự án dự kiến triển khai), với sản lượng thu hoạch khoảng 7.660 tấn, tăng gấp 2,4 lần so với năm 2005; tập trung các đối tượng nuôi có giá trị như cá bống tượng, chình, rô phi đơn tính, điêu hồng, rô đồng, cá lóc, cá tra,...với các hình thức nuôi đa dạng như xen canh, ghép, nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa…
Nuôi hải sản trên biển duy trì và phát triển tại các huyện Phú Quý, Tuy Phong; tập trung vào một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá mú, tôm hùm, cá giò, rong biển.
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng năm 2011 ước đạt 15.240 tấn, tăng 4,9% so năm 2010.
+ Về chế biến thuỷ sản: Các cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Năng lực cấp đông đạt 120 tấn/ ngày (30.000 tấn/ năm), chế biến khô đạt 70 tấn/ ngày (10.000 tấn/năm), sức chứa kho lạnh bảo quản sản phẩm đạt 8.000 tấn. Khu chế biến thuỷ sản Nam cảng cá Phan Thiết bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở chế biến xuất khẩu. Chế biến nội địa cũng được quan tâm đẩy mạnh, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: nước mắm, cá khô tẩm gia vị, các loại thuỷ sản tươi sống. Đặc biệt công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp, nhất là tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu mang lại kết quả, góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm trong bảo quản, chế biến thuỷ sản.
7. Phát triển kinh tế xã hội
vùng đồng bào dân tộc
thiểu số:
Kết quả thực hiện Nghị quyết: Với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh uỷ, điều hành của Uỷ ban Nhân dân tỉnh (UBND) và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là sự phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh uỷ (khoá X); kết quả đạt được trên các lĩnh vực cụ thể như:
- Công tác qui hoạch: Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 04 (2002 - 2010), có 15/15 xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Nhìn chung, công tác quy hoạch cơ bản phù hợp với điều kiện, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng xã; đồng thời gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể của huyện.
- Về giao đất sản xuất; giao khoán, quản lý bảo vệ rừng; cho vay vốn mua bò:
+ Về giao đất sản xuất, đến năm 2011 đã cấp 4.755,09 ha cho 4.037 hộ, bình quân 1,18 ha/hộ; nâng tổng diện tích đất canh tác hiện có lên 14.861,12 ha cho 14.729 hộ, bình quân chung 1,01 ha/hộ. Việc triển khai chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được cả hệ thống chính trị quan tâm và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là hộ đồng bào đang có nhu cầu bức xúc về đất sản xuất. Kết quả giải quyết cấp đất sản xuất đã góp phần tăng thêm đáng kể tư liệu sản xuất, giúp các hộ yên tâm lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ, có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
+ Giao khoán, quản lý bảo vệ rừng: đến năm 2011 đã giao khoán 89.059,79 ha cho 2.447 hộ, bình quân 36,4 ha/hộ. Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Nghị quyết 04 đã được kết quả khá tốt, góp phần hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép; vốn rừng tự nhiên được phát triển, tài nguyên rừng, độ che phủ của rừng ngày càng tăng, khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường được giữ vững. Mối quan hệ giữa đồng bào với lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gắn bó thân thiện, nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng được nâng cao, từng bước làm mất chỗ dựa của các đối tượng khai thác lâm sản trái phép lợi dụng chống đối. Trong quá trình thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ tham gia nhận khoán.
+ Cho vay vốn mua bò: đến năm 2011 đã có 3.160 hộ vay mua 4.680 con trâu, bò với giá trị vốn vay là 22.035 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào nên hiệu quả đem lại khá tốt; góp phần giải quyết công lao động nhàn rỗi, từng bước giúp đồng bào tăng nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
- Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là nội dung quan trọng khi thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, do đó các địa phương đã quan tâm chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện phát triển của từng vùng. Kết quả chuyển dịch đã góp phần chuyển biến tập quán sản xuất, đồng bào đã biết thâm canh các loại cây trồng và đưa các giống vật nuôi có giá trị kinh tế, có năng suất cao vào sản xuất. Cùng với việc phát triển chăn nuôi bò, dê, gà thả vườn… các loại cây trồng như bắp lai, mỳ cao sản, lúa nước, điều ghép, cao su đang trở thành cây trồng chủ lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ở một số địa phương việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn chậm, việc định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp; tình trạng phát triển cây trồng, vật nuôi tự phát còn khá phổ biến.
- Công tác khuyến nông, khuyến lâm: Là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nên đã đã được các cấp, các ngành từ tỉnh xuống huyện đã tích cực triển khai cho đồng bào dân tộc. Kết quả thực hiện như sau: đã hỗ trợ 1.800 kg giống lúa cạn, 3.536 kg giống bắp khắc phục thiệt hại do nắng hạn, 121.005 cây điều ghép. Đã tổ chức 36 lớp tập huấn về công tác bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng với 1.500 lượt người tham gia và triển khai giao lưu trực tiếp với 180 hộ là nông dân 02 xã Phan Sơn, Phan Hiệp (Bắc Bình). Tổ chức tiêm phòng định kỳ hàng năm cho đàn gia súc vùng cao từ nguồn ngân sách hỗ trợ bao gồm 212.230 lượt con trâu bò, 57.854 lượt con heo. Đầu tư trực tiếp 1.337 triệu đồng từ các chương trình cho công tác khuyến lâm, khuyến nông (trong đó lồng ghép các chương trình khác là 533 triệu đồng). Từ năm 2009 đến nay áp dụng chính sách 162/2008/QĐ-TTg ngày 04/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở địa bàn khó khăn mức hỗ trợ 100% giống, vật tư đã góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống đồng bào.
Nhìn chung, qua 8 năm thực Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ, phải nói rằng Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ đã thật sự đi vào cuộc sống của từng hộ gia đình đồng bào dân tộc của tỉnh, góp phần chuyển biến tích cực tình hình dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sản xuất nông nghiệp phát triển khá; nhiều hộ biết ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất; cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước được xác định, lương thực được đảm bảo. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư nâng cấp và từng bước được kiên cố hoá. Đời sống của nhân dân nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nhìn chung ổn định và từng bước được cải thiện. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi đáng kể.