[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

V. NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN CỦA TỈNH:

1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém.

Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chuyển dịch chậm, giá trị sản xuất ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Tỷ trọng ngành nông nghiệp qua 5 năm vẫn chiếm 63,95% năm 2011 (năm 2006 là 66,7%) giảm 2,75% điểm phần trăm; tỷ trọng ngành lâm nghiệp chỉ chiếm 0,85% (năm 2006 là 3,32%); tỷ trọng ngành thuỷ sản chiếm 35,19% (năm 2006 là 29,98%) tăng 5,21% điểm phần trăm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt vẫn chiếm tỷ lệ cao 86,7% (năm 2006 là 73,0%), trong chăn nuôi có dấu hiệu sa sút tỷ trọng từ 23,3% năm 2006 giảm xuống còn 10,9% năm 2011, vì ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia súc; ngành thuỷ sản đã có sự chuyển dịch đáng kể từ khai thác chuyển sang nuôi trồng và sản xuất giống, tỷ trọng khai thác từ 81,6% năm 2006 xuống còn 73,2% năm 2011, nuôi trồng từ 12,1% năm 2006 lên 16,0% năm 2011 và sản xuất giống từ 6,3% năm 2006 lên 10,8% năm 2011.

Sản xuất nông nghiệp có phát triển, sản lượng lương thực có tăng nhưng chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; tỷ trọng trong chăn nuôi còn thấp trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chưa phát huy được thế mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, heo). Sản xuất còn manh mún, phân tán, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm, đã tạo được các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá và thị trường tiêu thụ với quy mô lớn nhưng chưa nhiều. Việc ứng dụng tiến bộ vào sản xuất còn ít.

Việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều. Đối với cây cao su, cây điều, cây tiêu  tốc độ phát triển còn chậm, trình độ thâm canh còn lạc hậu. Đối với các loại đàn gia súc tuy có được cải tiến về chất lượng nhưng còn chậm; đàn bò lai, heo lai hướng nạc chiếm tỷ lệ thấp trong tổng đàn; chăn nuôi bò, heo qui mô trang trại còn ít; tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư còn nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường.

Việc chuyển đổi ngành nghề trong khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách. Công tác thông tin, dự báo ngư trường, nguồn lợi phục vụ cho chương trình khai thác hải sản xa bờ và quản lý môi trường các vùng nuôi còn hạn chế. Nuôi thuỷ sản nước ngọt, lợ quy mô còn nhỏ lẻ, khó khăn trong tiêu thụ.

Tình trạng lấn chiếm đất đai lâm nghiệp, xâm hại rừng trái phép tuy đã được tập trung giải quyết về cơ bản, song chưa dứt điểm, vẫn còn phát sinh một số điểm nóng phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, làm ách tắc việc triển khai một số dự án đầu tư phát triển sản xuất. Công tác chống phá rừng, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh với tỉnh bạn còn diễn biến phức tạp. Công tác triển khai cắm mốc ranh giới chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ độ che phủ rừng và độ che phủ chung chưa đạt mục tiêu đề ra.

2. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ trồng trọt, chăn nuôi

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ trồng trọt, chăn nuôi ở vùng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng bộ; công nghệ bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản còn lạc hậu; việc cơ giới hoá trong nông nghiệp chỉ mới chú trọng khâu số lượng, còn manh mún thiếu tổ chức. Kết cấu hạ tầng ở nông thôn còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông nông thôn ở nhiều vùng chưa được duy tu bảo dưỡng hoặc làm mới, thuỷ lợi chưa phát triển kịp so với nhu cầu phát triển của cây trồng, nhiều công trình thuỷ lợi bị xuống cấp chậm được tu sửa. Điện đã về nông thôn nhưng chủ yếu phục vụ sinh hoạt, sử dụng cho sản xuất còn thấp và kém hiệu quả.

3. Dịch vụ phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có một Trung tâm giống cây trồng, Trung tâm phát triển cây thanh long và Trung tâm giống vật nuôi, do đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu về giống cây trồng và vật nuôi trên toàn tỉnh. Hệ thống sản xuất cung ứng giống, cơ sở vật chất phục vụ cho chăn nuôi của tỉnh chậm được hình thành, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi chưa phù hợp, chậm đến tận người dân nên chưa thúc đẩy và giữ vai trò chỉ đạo để hỗ trợ cho người dân phát triển chăn nuôi.

4. Vốn đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi

Vốn đầu tư cho sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) chưa được hỗ trợ kịp thời và thích đáng. Do tiềm lực kinh tế của nông dân Bình Thuận còn hạn chế, chưa dám mạnh dạn để đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, còn mang tư tưởng tự cung tự cấp.

Tuy đạt được một số kết quả, như nguồn vốn vay được bà con nông dân đầu tư đúng mục đích cho trồng trọt, chăn nuôi và thu lại kết quả khả quan. Song trên thực tế, việc bà con nông dân tiếp cận được nguồn vốn này từ các ngân hàng hay các nguồn vốn khác vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người dân thiếu thông tin về hệ thống tín dụng, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, cơ chế, thủ tục vay rườm rà cũng khiến bà con ngại đến ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Những bất cập này đang là rào cản lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn Tỉnh mà nhất là ở vùng nông thôn đầy tiềm năng.

5. Bảo vệ thực vật

Công tác bảo vệ thực vật cho nông dân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Công tác dự tính, dự báo sớm sâu bệnh để đề ra biện pháp phòng trừ kịp thời đặc biệt là hướng dẫn bà con nông dân gieo sạ đồng loạt để né rầy và áp dụng các biện pháp đưa tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao như biện pháp 3 giảm 3 tăng chưa được kịp thời.

6. Thị trường tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định luôn bị biến động, sau khi thu hoạch nông sản, người nông dân chủ yếu bán cho tư thương ở địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm giải quyết đầu ra cho chăn nuôi chủ yếu do các tư thương đảm nhiệm, chưa có tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước nào thu mua, chế biến nên có hiện tượng chèn ép giá người sản xuất.

7. Đào tạo sử dụng cán bộ

Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý về nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật và năng lực điều hành của chính quyền, nhất là cấp xã, phường vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Có nhiều nguyên nhân: đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ chưa nhiều, đa số có trình độ trung cấp nông nghiệp, thuỷ lợi; tình trạng cán bộ làm nông nghiệp luân chuyển việc làm ở nhiều vị trí khác cũng là một nguyên nhân, hoặc kiêm nhiệm. Thông tin về kiến thức nông nghiệp, khoa học kỹ thuật đến các xã, phường đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo chưa kịp thời. Việc tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về nông nghiệp của các cán bộ này chỉ là số ít.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là:

Thứ nhất, trong trồng trọt, sản xuất lâm nghiệp ảnh hưởng thời tiết, khí hậu, thiên tai thất thường, còn trong chăn nuôi ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng, giá nông sản tăng, giảm không ổn định. Do hoạt động của kinh tế thị trường, suy thoái kinh tế thế giới, thiếu vốn, đất.

Thứ hai, do các cấp, các ngành, địa phương nhận thức về vai trò vị trí của công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đúng tầm, nên việc triển khai chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn lúng túng, chưa tập trung chỉ đạo vận động nông dân một cách tích cực. Chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn hạn chế.

Thứ ba, hỗ trợ vốn, bằng cách cho vay của ngân hàng chưa được đồng bộ, thủ tục vay vốn còn rườm rà.

Thứ tư, năng lực trình độ quản lý của cán bộ, cán bộ kỹ thuật cấp xã còn yếu, hoặc bố trí không đúng ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ.

Thứ năm, ứng dụng khoa học - công nghệ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế không theo kịp, do một bộ phận nông dân, nông thôn hạn chế về trình độ nhận thức.

Thứ sáu, năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng có nơi còn yếu, thiếu kiểm tra đôn đốc./.

 

Đầu trang | Trang trước