[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]
III. NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN:
1. Số đơn vị nông, lâm nghiệp và thuỷ sản :
Tính đến 1/7/2011, toàn tỉnh có 156.339 hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp (NLTS&DN), tăng 9.646 hộ (+6,6%) so với năm 2006, chiếm 74,5% số hộ nông thôn, nông nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp (năm 2006 chiếm 78,0%). Số hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp tăng mạnh nhất là vùng trung du (tăng 28,2% so năm 2006), tiếp đến là vùng cao, hải đảo (tăng 19,3% so năm 2006) và vùng có tỷ lệ hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp giảm là vùng đồng bằng (giảm 1,42% so năm 2006).
Trong nội bộ nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và diêm nghiệp, từng loại hộ có xu hướng chuyển dịch khác nhau: hộ nông nghiệp giảm đi trong khi hộ lâm nghiệp, thuỷ sản có chiều hướng lên.
+ Hộ nông nghiệp, toàn tỉnh có 125.635 hộ tăng 7,9% so năm 2006, tuy số lượng hộ có tăng so năm 2006 nhưng xét về mặt tỷ trọng hộ thì hộ nông nghiệp năm 2011 chiếm 59,8% trong khi đó năm 2006 hộ nông nghiệp chiếm 61,6%. Hiện tượng tăng số lượng hộ nông nghiệp diễn ra chủ yếu ở các huyện (bao gồm cả hộ nông thôn và thành thị) như: La Gi, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Hàm Tân đây là những vùng có hộ nông thôn chuyển dịch chậm trong những năm qua. Cho thấy số lượng hộ nông nghiệp chuyển dịch diễn ra còn quá chậm.
+ Hộ lâm nghiệp, toàn tỉnh có 359 hộ tăng 20,9% (tăng 62 hộ) so năm 2006, nhưng xét về mặt tỷ trọng thì hộ lâm nghiệp chiếm 0,2% trong khi đó năm 2006 hộ lâm nghiệp chiếm 0,12%. Qua 5 năm số lượng hộ chỉ tăng có 62 hộ so với tiềm năng về phát triển sản xuất lâm nghiệp của tỉnh thì quá ít chưa tương xứng. Điều này chứng tỏ việc đầu tư phát triển nghề rừng chưa đem lại hiệu quả đối với các hộ.
+ Hộ thuỷ sản, toàn tỉnh có 30.141 hộ tăng 0,5% (tăng 141 hộ) so năm 2006, xét về mặt tỷ trọng thì hộ thuỷ sản chiếm 14,4% trong khi đó năm 2006 hộ thuỷ sản chiếm 15,9%. Cũng giống như hộ lâm nghiệp, hộ thuỷ sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh, nhất là phát triển về hộ nuôi trồng thuỷ sản, việc nuôi trồng những năm gần đây gặp nhiều khó khăn về thời tiết, về chi phí đầu vào và nhất là thị trường đầu ra, về đánh bắt cũng gặp nhiều khó khăn nhất là chi phí xăng dầu cho những chuyến đi đánh bắt tăng cao mặc dù được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí về xăng dầu, đánh bắt xa bờ chưa được ngư dân chú trọng nhiều chỉ đánh đánh gần bờ là chính.
Tỷ trọng hộ lâm nghiệp, thuỷ sản có tăng nhưng không đáng kể, tốc độ chuyển dịch diễn ra chậm chạp. Nhất là hộ thuỷ sản, có xu hướng giảm nhẹ, nguyên nhân là những năm gần đây việc nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh liên tiếp xảy ra, thị trường tiêu thụ hải sản bị thu hẹp do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu cả nước, giá cả vật tư đầu vào tăng, giá xăng dầu tăng… Tính chung cho cả hai loại hộ lâm nghiệp và thuỷ sản đến năm 2011 mới chiếm 19,5% (năm 2006 là 20,6%) so với tổng số hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của toàn tỉnh.
2. Cơ cấu lao động trong độ tuổi lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, nhưng chất lượng lao động vẫn chưa được cải thiện nhiều:
Cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong độ tuổi lao động cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2006, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 80,9%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 5,91%; lĩnh vực thương nghiệp vận tải chiếm 8,7%; dịch vụ khác chiếm 4,2% và hộ khác chiếm 0,3%. Đến năm 2011, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tỷ lệ lao động chiếm 78,0%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 6,7%; lĩnh vực thương nghiệp vận tải chiếm 7,7%;dịch vụ khác chiếm 7,4% và hộ khác chiếm 0,24%.
Sự chuyển dịch về cơ cấu ngành nghề của lao động ở khu vực nông thôn diễn ra nhanh hơn so với chuyển dịch cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn. Lao động nông nghiệp chiếm 63,7% (năm 2006 là 66,7%) giảm 3,04 điểm phần trăm; lao động công nghiệp – xây dựng chiếm 8,3% (năm 2006 là 7,5%) tăng 0,8 điểm phần trăm; lao động thương nghiệp – vận tải chiếm 9,5% (năm 2006 là 10,9%) giảm 1,4 điểm phần trăm; hộ dịch vụ khác chiếm 9,1% (năm 2006 là 5,2%) tăng 3,9 điểm phần trăm và hộ khác chiếm 0,3% (năm 2006 là 0,4) giảm 0,1 điểm phần trăm.
Chất lượng lao động tuy đã có những
tiến bộ, nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn quá thấp
chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông
thôn. Nguồn lực lao động đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển
bền vững của kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt lao động nông thôn có vai trò và
vị trí quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Nguồn
lao động nông thôn của tỉnh ta rất phong phú chiếm gần 80,5% tổng số lao động
của toàn tỉnh. Với lực lượng lao động đông đảo như vậy lao động nông thôn đóng
vai trò quyết định đối với kinh tế nông thôn họ là những người làm ra của cải
vật chất cho khu vực nông thôn, đồng thời cũng là những người tạo nên sức mạnh
để thúc đẩy sự phát triển của nông thôn, nông nghiệp
tỉnh ta.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động có khả năng lao động của toàn tỉnh chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn chiếm tới 89,6% (năm 2006 là 94,4%) số người động trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, còn lại 10,4% là lao động đã qua đào tạo. Trong đó, lao động trong nông nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp. Theo số liệu điều tra có đến 1/7/2012 cho thấy tỷ lệ lao động trong nông nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ 63,9% lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh, trong khi đó lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm có 2,2% (tương ứng năm 2006 là: 68,0%; 1,1%) điều này cho thấy tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đã qua đào tạo còn thấp. Ở khu vực nông thôn tỷ lệ này cũng tương đương so với toàn tỉnh, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ 63,1% lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh, trong khi đó lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm có 2,1%.
Nhìn chung, chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn thấp, chưa được cải thiện nhiều trong 5 năm qua. Như vậy, phần lớn lao động trong nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là các lao động thủ công, theo kinh nghiệm. Đây tiếp tục là trở ngại lớn cho việc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta. Điều đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là hết sức quan trọng cần làm ngay.
3. Kinh tế trang trại đang đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân nông thôn trong tỉnh.
Trong cuộc Tổng điều tra năm 2011, tiêu chí trang trại để xác định đơn vị điều tra là trang trại được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Theo tiêu chí mới, quy mô và kết quả sản xuất của các trang trại từ năm 2011 sẽ phải đạt mức cao hơn nhiều so với quy định trước đây.
Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tận dụng vườn đồi, phá thế độc canh tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, làm thay đổi bước đầu bộ mặt nông thôn, sản xuất kinh doanh tổng hợp, cải tạo môi trường, thay đổi khí hậu vùng sinh thái.
Điểm nhấn của kinh tế trang trại là đang đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2011, toàn tỉnh đã có 386 trang trại, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hàm thuận Nam 121 trang trại; Hàm Thuận Bắc 95 trang trại; Tánh Linh 76 trang trại; Đức Linh 41 trang trị; Hàm Tân 30 trang trại và La Gi 21 trang trại.
Loại hình sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng trang trại trồng cây hàng năm từ 12,6% năm 2006 xuống còn 4,66% năm 2011, đồng thời tăng tỷ trọng cây lâu năm từ 54,1% năm 2006 lên 81,9% năm 2011.
Phát triển số lượng trang trại: Loại hình sản xuất của trang trại ngày càng đa dạng và có sự chuyển dịch về cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng trang trại trồng cây hàng năm đồng thời tăng tỷ trọng cây lâu năm. Số lượng trang trại phát triển tập trung chủ yếu vào số lượng trang trại trồng trọt (chiếm 86,5%) số lượng trang trại toàn tỉnh; trang trại chăn nuôi chỉ chiếm 8,8%; trang trại nuôi trồng thuỷ sản chiếm 3,4% và trang trại kinh doanh hỗn hợp chiếm 1,3%. Với tiềm năng về tài nguyên về đất lâm nghiệp (364.758 ha đất lâm nghiệp) như tỉnh ta việc không có trang trại nào hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng điều này cho thấy việc trồng rừng chưa thật sự mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản chiếm tỷ lệ thấp cho thấy hai nghề này cũng còn nhiều bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả vật tư phục vụ cho sản xuất đầu ra, đầu vào, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiếu vốn... dẫn đến người dân chưa thật sự mặn mà để phát triển với quy mô lớn. Trong 5 năm trở lại đây, hiệu quả kinh tế mà cây thanh long, cao su mang lại cao thì việc phát triển trang trại của hai loại cây này được được người dân chú trọng phát triển với quy mô lớn.
Trang trại đã tích tụ nhiều ruộng đất với quy mô lớn - điều kiện tiên quyết cho nền sản xuất lớn nông nghiệp.
Ngày càng có nhiều trang trại tích tụ được nhiều đất đai nếu như năm 2006 diện tích bình quân 1 trang trại là 4,6 ha thì đến năm 2011 diện tích đất trang trại sử dụng bình quân 1 trang trại là 6,96 ha (tăng 1,51 lần so năm 2006). Diện tích đất nông lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân 1 trang trại cao nhất là vùng miền núi 7,7 ha; vùng cao, hải đảo 6,02 ha; đồng bằng 5,62 ha và trung du 5,08 ha. Trang trại sử dụng ngày càng nhiều ruộng đất với qui mô lớn đây là điều kiện tiến quyết cho nền sản xuất lớn nông nghiệp.
Kinh tế trang trại phát triển góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn nhưng quy mô lao động các trang trại còn nhỏ.
Hiện nay các trang trại đều có quy mô sản xuất lớn hơn hẳn so với quy mô sản xuất của hộ nông dân. Ngay trong các trang trại gia đình quy mô sản xuất cũng thường lớn hơn khoảng 2 đến 3 lần so với quy mô sản xuất bình quân của một hộ nông dân trong vùng. Nhưng cũng tuỳ thuộc vào từng loại hình trang trại mà quy mô, chất lượng lao động cho từng loại hình trang trại cũng khác nhau. Phần lớn trang trại sử dụng lao động của gia đình là chính, một số trang trại có thuê lao động bên ngoài và chủ yếu thuê lao động theo thời vụ. Kinh tế trang trại phát triển đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, với 2.164 lao động bao gồm lao động của hộ chủ trang trại và lao động thuê mướn.
Lao động bình quân một trang trại năm 2011 là 5,6 lao động, so với năm 206 tăng 1,56 lần; do qui mô trang trại còn nhỏ cho nên phần lớn các trang trại sử dụng dưới 5 lao động cụ thể có 207 trang trại chiếm 53,6%; 145 trang trại có số lao động từ 5 đến dưới 10 lao động chiếm 37,6%; 29 trang trại có số lao động từ 10 đến dưới 30 lao động chiếm 7,5% và 5 trang trại có số lao động từ 30 lao động trở lên chiếm 1,3%.
Thu nhập bình quân 1 lao động làm việc thường xuyên của trang trại là 256 triệu đồng/năm (năm 2006 là 41 triệu đồng/năm).
Lao động thuê mướn chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, chỉ có khả năng đảm nhiệm những công việc giản đơn, những công việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì lao động thường xuyên và lao động của chủ trang trại đảm nhiệm. Việc sử dụng lao động làm thuê đã góp phần tạo việc làm tăng thu nhập cho một bộ phận lao động dư thừa ở khu vực có trang trại, đồng cũng chứng tỏ chủ trang trại là người biết tính toán, dám nghĩ dám làm để cho thu nhập cao nhất hiệu quả nhất.
Kinh tế trang trại phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá ngày càng lớn, gắn với thị trường.
Tổng thu sản xuất, kinh doanh của các trang trại năm 2011 đạt 557.437 triệu đồng, bình quân 1.444 triệu đồng 1 trang trại, gấp 8,5 lần so năm 2006. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bán ra năm 2011 đạt 552.450 triệu đồng, bình quân 1 trang trại 1.431 triệu đồng gấp 9,7 lần so năm 2006.
Qua một số chỉ tiêu bình quân của trang trại cho thấy rõ hướng sản xuất chuyên môn hoá có doanh thu và tỷ xuất hàng hoá rất cao, cũng cho thấy các chủ trang trại đều quan tâm đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập. Kinh tế trang trại là bước phát triển mới của kinh tế hộ gắn với mục đích sản xuất góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hoá tạo ra vùng sản xuất tập trung, đưa công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ vào nông thôn, tăng độ phủ xanh đất trống đồi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Nhìn chung, các trang trại đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, nhất là các vùng đồi núi, hoang hoá, phát huy thế mạnh của từng vùng sinh thái, nâng cao trình độ sản xuất và quản lý của kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số chủ trang trại vẫn còn hạn chế về trình độ và ứng dụng khoa học kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, còn khó khăn về tiêu thụ sản phẩm…
Một số khó khăn chủ yếu của trang trại hiện này là:
- Thiếu vốn sản xuất: Có 52,6% số trang trại trong toàn tỉnh thiếu vốn cho sản xuất, các trang trại sản xuất chủ yếu đều dựa vào vốn tự có, lượng vốn vay rất ít, trong khi đó nhu cầu vốn của trang trại còn rất lớn để phát triển sản xuất. Vì vậy, Nhà nước cần thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay cho các chủ trang trại.
- Khó tiêu thụ sản phẩm: Qua số liệu khảo sát vẫn còn 49,5% số trang trại sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Do đó, để sản phẩm sản xuất ra có thể tiêu thụ được, các trang trại cần có sự trợ giúp tích cực và thoả đáng hơn nữa từ phía Nhà nước.
- Thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật: Qua số liệu khảo sát có 40,4% số trang trại thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật cho sản xuất. Do vậy, Nhà nước cần đầu tư cao cho khoa học và công nghệ, đồng thời có biện pháp hữu hiệu trong việc khuyến khích huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức và các nhà khoa học vào nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp - nông thôn cho người dân.
- Thiếu lao động: trong sản xuất nông nghiệp thì lao động là một lực lượng quan trọng góp phần dẫn đến thành công, qua khảo sát đã có 39,4% số trang trại thiếu lao động. Theo khảo sát, hầu hết số lao động tham gia trong các trang trại chỉ có trình độ văn hoá đến cấp phổ thông cơ sở, đa số các chủ trang trại không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, họ sản xuất dựa vào kinh nghiệm là chính, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của trang trại. Do đó việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực là một vấn đề quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh của trang trại.
- Thiếu các dịch vụ hỗ trợ sản xuất (khuyến nông, lâm, ngư; dịch vụ giống cây, con…): Qua khảo sát có 43,3% số trang trại thiếu các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất. Chính vì thế, các dịch vụ nông nghiệp như cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, vật tư nông nghiệp và dịch vụ cho vay vốn hỗ trợ sản xuất là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cho người sản xuất. Nếu các dịch vụ này ngày càng phát triển, người nông dân càng có nhiều điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển chung của nền nông nghiệp tỉnh nhà.
- Thiếu thông tin về thị trường: Qua khảo sát có 35,8% số trang trại thiếu thông tin về thị trường. Trang trại với mục đích sản xuất kinh doanh chính là tạo ra sản phẩm hàng hoá để cung cấp cho thị trường nhằm thu lợi nhuận. Cùng với sự phát triển năng động của cơ chế thị trường sự cạnh tranh diễn ra ngày càng gây gắt thì thị trường đầu ra cũng ngày càng quan trọng, có tính quyết định bởi nếu nông sản phẩm sản xuất ra mà không bán được thì không những không phát triển được sản xuất mà còn dẫn đến sự phá sản, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì thị trường đầu ra lại càng trở nên quan trọng, vì các sản phẩm của nông nghiệp là những sản phẩm tươi sống, rất dễ hư hỏng, xuống cấp. Do vậy, việc tiêu thụ và tiêu thụ được ngay nông sản là vấn đề then chốt quyết định việc phát triển sản xuất.
- Thiếu đất: Qua số liệu khảo sát vẫn còn 15,8% số trang trại là đang thiếu đất cho sàn xuất, trong sản xuất nông nghiệp thì đất đai là yếu tố quan trọng nhất không thể thay thế, không có đất đai thì không có sản xuất nông nghiệp.