[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

IV. MỘT VÀI NÉT VỀ GIỚI TRONG PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, NÔNG NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN

Qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011 nhận thấy một số vấn đề về giới trong sản xuất nông thôn, nông nghiệp của tỉnh như sau:

1.1. Chủ hộ gia đình thường là nam giới:

Đại đa số chủ hộ gia đình đều là nam giới tỷ lệ nam giới làm chủ hộ gia đình chiếm tới 69,92% còn lại là 30,08% chủ hộ là nữ giới. Ở Việt Nam ta bao đời nay vẫn còn tư tưởng trọng nam kinh nữ, tư tưởng này đã ăn sâu vào tìm thức của mỗi con người, khó mà thay đổi trong một sớm một chiều được, với lại tâm lý người phụ nữ Việt Nam ta luôn có tư tưởng là nam giới phải là người trụ cột của gia đình thì việc đứng tên chủ hộ là lẻ đương nhiên thường tình, không phải bàn cải. Chính vì lẽ đó mà người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi về mình, có thể thấy nhiều chính sách xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ luôn hướng vào chủ hộ, do đó chủ hộ là nam giới thường được hưởng nhiều lợi ích hơn so với nữ.

1.2. Người quyết định hoạt động kinh tế của hộ:

Trong kinh tế hộ gia đình, vai trò của phụ nữ luôn đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn, ở các khâu như: gặt, hái, phơi, đi chợ, nấu ăn, nuôi con, giặt giũ... qua số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2011, người ra quyết định kinh tế của hộ là người có vai trò quản lý, điều hành, quyết định các vấn đề sản xuất, phân công công việc cho các thành viên trong gia đình thì vai trò đó của người phụ nữ là rất mờ nhạt chỉ chiếm tỷ lệ 21,27% còn lại là 78,73% là nam giới ra quyết định.

Phụ nữ thường ít được tham gia vào quá trình ra quyết định trong gia đình, trong cộng đồng và trong xã hội hơn nam giới. Việc nữ giới có được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định chi tiêu hay không và được tham gia bao nhiêu vào những quyết định chi tiêu trong gia đình, bao gồm cả chi tiêu cho con cái, là những yếu tố quan trọng thể hiện vai trò của người phụ nữ. Thường trong thực tế, khả năng sở hữu, kiểm soát và định đoạt tài sản của phụ nữ vẫn khác so với nam giới.

Phụ nữ nông thôn thường bị hạn chế hơn nam giới trong tiếp cận đất đai, vốn hay các nguồn lực khác. Điều này ảnh hưởng đến việc đảm bảo và duy trì cuộc sống hàng ngày của họ, làm họ phải lệ thuộc nhiều hơn vào nam giới. Sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận đến các nguồn lực và quyền lực ảnh hưởng đến tính tự chủ của phụ nữ trong việc ra quyết định cho sự phát triển của bản thân cũng như gia đình. Sự hạn chế về giáo dục, sức khoẻ và việc thiếu quyền tự chủ của người mẹ đã gây bất lợi trực tiếp cho con cái của họ, gây suy dinh dưỡng của trẻ em, làm tăng chi phí chống suy dinh dưỡng trong tiến trình phát triển nông thôn.

1.3. Vai trò của phụ nữ tham gia vào các cấp chính quyền ở xã:

Có thể nói vai trò của phụ nữ ngày nay rất quan trọng, có tiếng nói nhất định trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn khá thấp, chưa đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phải ưu tiên cho phụ nữ trong các cấp chính quyền trong hệ thống chính trị của cả nước. Ở cấp xã, chức danh bí thư Đảng uỷ của xã chỉ có 3,13% là nữ còn lại 96,87% là nam giới phụ trách. Chức danh Chủ tịch UBND xã tỷ lệ nữ có khá hơn nhưng cũng ở mức thấp chỉ có 7,29% (nam giới 92,71%). Chức danh Phó Chủ tịch UBND xã (bao gồm thứ nhất, hai, ba) tỷ lệ nữ có khá hơn chiếm 29,17% (nam giới 70,83%).

1.4. Trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa nữ và nam

So với mặt bằng chung của xã hội, phụ nữ nông thôn thường có trình độ học vấn thấp hơn, điều này có nghĩa một nửa lực lượng lao động của nền kinh tế bị hạn chế về kiến thức, kỹ năng sản xuất hoặc hạn chế khả năng ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất, vì vậy sẽ làm giảm năng suất và thu nhập của xã hội hay của nền kinh tế. Khoảng cách giới trong tiếp cận đến đất đai, vốn, thông tin khoa học kỹ thuật là nguyên nhân của việc giảm hoặc thiếu tư liệu sản xuất của một nửa lực lượng lao động trong sản xuất nông lâm nghiệp, điều này cũng là yếu tố quan trọng làm hạn chế sự tăng năng suất nông nghiệp và giảm thu nhập ở vùng nông thôn cũng như giảm năng suất và thu nhập của cả nền kinh tế. 

Trình độ chuyên môn kỹ thuật của chủ hộ có giới tính là nữ thấp hơn chủ hộ có giới tính là nam ở tất cả các mức, trừ mức cao đẳng và cao đẳng nghề (tỷ lệ tốt nghiệp cao đẳng của nữ là 1,4%, cao hơn so với tỷ lệ 0,7% của nam). Tỷ lệ chủ hộ là nữ giới chưa qua đào tạo vẫn có tỷ lệ cao (93,5%) ngược lại nam giới tỷ lệ chỉ là 89,6%.

Xét trên phương diện ở lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động cho thấy, nhóm lao động nữ tỷ lệ trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn thấp hơn so với nhóm lao động nam. Lao động nữ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật là 90,54% (nam 88,22%); sơ cấp nghề nữ là 1,73% (nam 2,85%); trung cấp nghề nữ là 1,3% (nam 3,08%); trung cấp chuyên nghiệp nữ là 2,92% (nam 3,14%); cao đẳng nghề nữ là 0,55% (nam 0,37%); cao đẳng nữ là 1,48% (nam 0,66%); đại học nữ là 1,64% (nam 1,69%).

Phụ nữ là một lực lượng lao động quan trọng trong lực lượng lao động xã hội hiện nay. Họ đã và đang tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất và đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở nông thôn. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình lao động sản xuất, từ chính bản thân họ (trình độ chuyên môn kỹ thuật, sức khoẻ,...) hay những khó khăn hạn chế khách quan (như việc tiếp cận với các nguồn vốn, việc làm, các dịch vụ xã hội...). Vấn đề đặt ra là cần đánh giá đúng thực trạng của lực lượng lao động nữ ở nông thôn hiện nay, đồng thời tìm hiểu những khó khăn và hạn chế của họ, từ đó đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng lao động này và qua đó thúc đẩy sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Như vậy, cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trình độ càng cao thì sự chênh lệch càng rõ rệt. Cơ hội để kiếm việc làm của nam giới tương đối dễ so với nữ giới, đây là một thiệt thòi không hề nhỏ và đặt ra cho các cấp lãnh đạo một câu hỏi làm sao giải quyết được việc bất bình đẳng về giới.

1.5. Nguyên nhân của vấn đề bất bình đẳng giới trong nông nghiệp, nông thôn:

Nguyên nhân chính của những bất bình đẳng giới trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay là do nhận thức và quan niệm truyền thống về các vấn đề giới còn hạn chế và chưa đầy đủ như: cách ứng xử của xã hội vẫn còn ảnh hưởng khá rõ rệt của chế độ phụ hệ; nếp gia trưởng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các quan hệ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn. Nói chung, đa số phụ nữ giữ một vai trò thứ yếu so với nam giới trong gia đình suốt cuộc đời họ.

Vì những lý do trên, trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, lao động nữ nông thôn có nhiều bất lợi không chỉ so với lao động nam giới mà cả lao động nữ ở các đô thị, các vùng công nghiệp. Mặc dù, đối với lao động nữ thời gian lao động kéo dài, cường độ lao động cao, môi trường lao động nhiều ô nhiễm, môi trường văn hoá thấp… nhưng nhìn chung thu nhập của họ thường thấp, không ổn định, bị phân biệt đối xử, chịu nhiều áp lực và thường không được bảo hiểm. Hơn thế, trong điều kiện mở cửa và hội nhập, do tính chất thường phải gắn liền với gia đình của lao động nữ nông thôn nên họ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và thời cơ để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn ở các đô thị hay các thị trường lao động quốc tế.

Thay đổi quan niệm và cách ứng xử của xã hội là một quá trình lâu dài và phức tạp, song nó là quá trình mang tính chất nền tảng để tạo ra và duy trì sự thay đổi thái độ của các cá nhân, tổ chức và trong toàn cộng đồng, thiết nghĩ cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ hơn nữa để xích dần khoảng cách này trong thực tế.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo