TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2025 tỉnh Bình Thuận

Quý I năm 2025, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết bình thường, các loại cây trồng sinh trưởng tốt. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Hoạt động sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại sôi động với lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân và khách du lịch trong các dịp lễ, tết, cuối tuần. Hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp; các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ lữ hành hoạt động ổn định phục vụ tốt nhu cầu người dân và khách du lịch. Hoạt động vận tải, kho bãi xuyên suốt ổn định phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận chuyển hàng hóa.....

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

       Quý I năm 2025, hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết bình thường, các loại cây trồng sinh trưởng tốt. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định; không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng và ươm cây giống lâm nghiệp. Thủy sản tiếp tục tăng trưởng cả về sản lượng nuôi trồng và khai thác, góp phần đảm bảo nguồn cung trong nước và xuất khẩu. Công tác tuần tra, kiểm soát và phòng chống khai thác IUU được đẩy mạnh, không ghi nhận tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Tính đến ngày 20/3/2025 diện tích gieo trồng vụ Đông xuân ước đạt 51.920 ha, tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: cây lúa đạt 41.520 ha, tăng 3,87% (tăng chủ yếu ở các huyện như: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh); cây bắp đạt 2.890 ha, tăng 2,98%; cây khoai lang đạt 162,2 ha, tăng 14,63%; cây đậu các loại đạt 2.050 ha, tăng 3,38%; cây đậu phộng đạt 1.150 ha, tăng 3,57%; cây hàng năm khác đạt 560,3 ha, giảm 2,06%.

Trong vụ Đông xuân 2024-2025, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới và hạn chế sâu bệnh, đã chuyển đổi 3.255 ha lúa sang trồng các loại cây khác, trong đó có 1.330 ha chuyển sang trồng bắp, 427 ha trồng đậu phộng, 822 ha trồng rau các loại, 437 ha trồng đậu các loại, 205 ha trồng dưa hấu, 34 ha trồng các loại cây khác. Diện tích chuyển đổi tập trung chủ yếu tại các huyện Tánh Linh (1.858 ha), Đức Linh (1.150 ha) và Hàm Thuận Bắc (247 ha).

* Cây lâu năm: Các loại cây trồng chủ lực như thanh long, sầu riêng, cao su, hồ tiêu, xoài... duy trì thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt là xuất khẩu. Cây thanh long có nhu cầu xuất khẩu cao nhưng sản lượng giảm; cây sầu riêng tiếp tục mở rộng diện tích nhờ nhu cầu từ Trung Quốc. Việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

- Thanh long: Sau Tết nhu cầu tiêu thụ thanh long ổn định cả trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Giá bán tăng mạnh, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi, gió lớn ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, sản lượng chong đèn thấp, mặc dù giá tăng. Tính đến ngày 15/3/2025, toàn tỉnh có 9.279,5 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

- Sầu riêng: Đang dần khẳng định vị thế là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế, do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc lớn, giá đầu ra ổn định và cao hơn so với các loại cây trồng khác giúp nông dân yên tâm đầu tư, một số diện tích cây lâu năm không hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Các huyện Đức Linh, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, đang trở thành những vùng trọng điểm phát triển thêm diện tích mới, có khả năng còn tăng thêm trong thời gian đến.

- Cây điều: Một số nơi đang bước vào thu hoạch đầu vụ; do ở thời điểm ra hoa bị ảnh hưởng của thời tiết lạnh, khô hanh kèm theo sương muối, quá trình thụ phấn bị ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến khả năng đậu quả thấp. Hiện nay diện tích điều truyền thống, già cỗi vẫn chiếm tỷ lệ cao, năng suất thu hoạch và chất lượng hạt điều xuất khẩu thấp, khó cạnh tranh. Một số địa phương chưa áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp, dẫn đến chi phí sản xuất cao trong khi thu nhập không hiệu quả. Vì vậy cần đầu tư đẩy mạnh tái cơ cấu ngành điều, chuyển đổi sang giống mới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

- Cây cao su: Nhu cầu nhập khẩu cao su, nhất là thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhờ vậy giá bán mủ cao su tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, góp phần cải thiện thu nhập, tạo sự khích lệ cho người trồng yên tâm tái đầu tư và chăm sóc diện tích cao su hiện có. Hiện nay cây cao su đang trong mùa thay lá non.

- Cây tiêu: Diện tích tập trung chủ yếu tại các huyện Đức Linh, Tánh Linh, và Hàm Tân. Gần đây, tổng diện tích trồng trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm do nhiều nguyên nhân như sự gia tăng của các loại bệnh hại, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cao, rủi ro sản xuất lớn. Mặc dù giá tiêu đang tăng, người dân vẫn hạn chế mở rộng diện tích trồng mới, một số diện tích tiêu già cỗi đã bị phá bỏ để chuyển đổi sang trồng các loại cây lâu năm khác hiệu quả hơn.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình thủy lợi phục vụ sản xuất: Cơ quan chức năng tiếp tục tập trung quản lý, vận hành hiệu quả các hồ thủy lợi, theo dõi việc tích nước tại các hồ chứa thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; công tác tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối nguồn nước cung ứng phục vụ sinh hoạt, tưới cho cây trồng lâu năm, cây trồng vụ đông xuân năm 2024-2025 từ hệ thống công trình thủy lợi và nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của 02 nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận - Đa Mi thực hiện theo kế hoạch. Các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực. Trong quý I năm 2025, nguồn nước thủy lợi đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong năm 2025 tại các địa phương.

* Tình hình dịch bệnh trên cây trồng: Trong quý I năm 2025 tình hình dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát tốt; tiếp tục duy trì công tác phòng chống bệnh trên các loại cây trồng, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất kích thích, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng. Cây lúa diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 1.079 ha, nhiễm rầy nâu 71 ha, nhiễm sâu cuốn lá 164 ha; trên cây thanh long diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 1.003 ha; các loại bệnh khác gây hại với mật số thấp, gây thiệt hại không đáng kể.

          2. Chăn nuôi

Trong quý I năm 2025 tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường và công tác quản lý dịch bệnh. Sau tết Nguyên đán, giá thịt hơi nhiều loại gia súc, gia cầm vẫn duy trì ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi chủ động tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất. So với cùng kỳ năm 2024, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh có sự biến động như sau:

- Đàn trâu có 8,5 nghìn con, giảm 0,7%; nguyên nhân giảm chủ yếu do tình hình thời tiết nắng nóng, diện tích đồng cỏ chăn thả thu hẹp người chăn nuôi không mở rộng tăng đàn.

- Đàn bò có 186,9 nghìn con, tăng 2,11%. Chăn nuôi bò tiếp tục được duy trì và mở rộng, đặc biệt là các mô hình nuôi bò vỗ béo, bò lai chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao; việc áp dụng các biện pháp thâm canh và cải thiện chất lượng giống cũng giúp gia tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

- Đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) có 408 nghìn con, tăng 5,68%. Trong quý I năm 2025 giá lợn hơi ở mức cao, có lợi cho người chăn nuôi đã tạo động lực để các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất.

- Đàn gia cầm có 6.940 nghìn con, tăng 4,35%, trong đó đàn gà có 5.550 nghìn con, tăng 4,3%. Xu hướng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ vào quản lý đàn gia cầm tiếp tục được đẩy mạnh. Các doanh nghiệp, trang trại và hộ chăn nuôi ngày càng quan tâm đến việc áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, sử dụng thức ăn chăn nuôi có kiểm soát, tiêm phòng đầy đủ và quản lý dịch bệnh chặt chẽ, giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.

            * Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật: Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như dịch cúm gia cầm, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh tai xanh ở lợn, bệnh dại trên chó mèo.

- Đã thực hiện tiêm phòng 1.680 nghìn liều vắc xin (trong đó trâu, bò 43,9 nghìn liều; lợn 71,1 nghìn liều; gia cầm 1.565,1 nghìn liều). Quý I năm 2025 đã tiêm phòng được 5.706,1 nghìn liều (trong đó trâu, bò 70,6 nghìn liều; lợn 185,5 nghìn liều và gia cầm 5.449,9 nghìn liều).

- Đã thực hiện kiểm dịch 126,6 nghìn con lợn; 191 con trâu bò; 229,9 nghìn con gia cầm; 31,1 tấn thịt các loại; 17 tấn thịt sơ chế và 6,1 triệu quả trứng gia cầm. Quý I năm 2025 đã kiểm dịch 422,1 nghìn con lợn; 2,6 nghìn con trâu bò; 896,8 nghìn con gia cầm; 90,7 nghìn tấn thịt các loại; 15,8 triệu quả trứng gia cầm và 57,7 tấn thịt sơ chế.

- Kiểm soát giết mổ trong tháng đã kiểm soát giết mổ 182 con trâu, bò; 4,1 nghìn con lợn; 1,1 nghìn con gia cầm và 63 con dê. Quý I năm 2025 đã kiểm soát giết mổ 536 con trâu, bò; 11,6 nghìn con lợn; 3,4 nghìn con gia cầm và 381 con dê.

3. Sản xuất lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng: Trong quý I năm 2025, hoạt động trồng rừng chưa diễn ra, do đang mùa khô hạn, nắng nóng nên chủ yếu gieo tạo giống cây rừng phục vụ công tác trồng rừng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tiếp tục duy trì xã hội hóa công tác trồng rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh..

- Công tác phòng, chống cháy rừng: Tập trung thực hiện kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2025; thực hiện tổ chức tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cháy cao, theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; ngành chức năng hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2025 đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống cháy rừng. Trong quý trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý kịp thời 02 trường hợp cháy thực bì dưới tán rừng với diện tích 0,3 ha, tăng 01 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, không gây thiệt hại tài nguyên rừng.

           - Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét chống phá rừng được triển khai, tập trung tại các điểm nóng và vùng giáp ranh các tỉnh. Quý I năm 2025 đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 42 vụ vi phạm (giảm 27 vụ so với cùng kỳ năm trước), xử lý vi phạm hành chính 49 vụ, tịch thu 22,95 m3 gỗ các loại, 23 xe máy, thu nộp ngân sách 14,3 triệu đồng; xảy ra 10 vụ lấn, chiếm đất rừng với diện tích 2,89 ha, tăng 09 vụ so với cùng kỳ năm trước.

4. Thuỷ sản

- Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 211,1 ha, giảm 0,89% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 ước đạt 636,8 ha, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá đạt 456 ha, giảm 0,65%; diện tích nuôi tôm đạt 167 ha, tăng 3,09%). Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 718,6 tấn, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 ước đạt 2.050 tấn, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2024 (trong đó cá các loại ước đạt 900 tấn, tăng 1,09%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 1.103 tấn, tăng 5,88%). Trong tháng ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra, giám sát môi trường và chú ý phòng trừ dịch bệnh tại các vùng nuôi thủy sản; tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định.

- Sản lượng khai thác: Tình hình thời tiết và ngư trường những tháng đầu năm tương đối thuận lợi, tàu thuyền bám biển hoạt động khai thác ổn định sau Tết Nguyên đán, đặc biệt nguồn lợi cá cơm xuất hiện khá dày tạo điều kiện cho các tàu nghề vây cá nổi nhỏ, nghề pha xúc đánh bắt, ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK.

Trong tháng hoạt động khai thác trên ngư trường biển, các đội tàu khai thác xa bờ được quản lý chặt chẽ; thực hiện nghiêm quy định cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, tuân thủ hạn ngạch số lượng giấy phép khai thác tại vùng khơi theo công bố của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 17.742,6 tấn, tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 ước đạt 51.300 tấn, tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 51.144 tấn, tăng 2,65%).

- Sản xuất giống thuỷ sản: Hoạt động sản xuất tôm giống gắn với công tác kiểm dịch, phân tích xét nghiệm mẫu được duy trì thường xuyên; tăng cường quản lý chất lượng tôm giống giữ vững chất lượng và thương hiệu tôm giống Bình Thuận trên thị trường. Trong tháng việc sản xuất tôm giống ước đạt 1,98 tỷ con, tăng 9,01% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 ước đạt 5,57 tỷ con, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước.

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tập trung thực hiện quyết liệt chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn Thanh tra Ủy ban Châu Âu; tiếp tục phát huy hiệu quả hệ thống giám sát hành trình trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, giám sát tàu cá ra, vào cảng, bốc dỡ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản và thực thi pháp luật về khai thác IUU theo đúng quy định. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; về vi phạm nguồn lợi thủy sản đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với tổng số tiền xử phạt 226,2 triệu đồng, tăng 05 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

5. Chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong quý I năm 2025 tiếp tục đề xuất chỉ tiêu về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng phần mềm số hóa quy trình xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”; xét công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024: 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nghiệm thu một số mô hình khuyến nông năm 2024 chuyển sang: Mô hình trồng thâm canh cây gừng theo chuỗi liên hết (quy mô 4 ha, hiện nay cây sinh trưởng và phát triển, thích nghi tốt với vùng đất tại địa phương); mô hình trồng thâm canh cây vú sữa theo hướng hữu cơ (quy mô 1,5 ha, cây sinh trưởng và phát triển bình thường); Mô hình trồng thâm canh cây mít theo hướng hữu cơ (quy mô 8,2 ha, cây nẩy chồi và lá non, cây sinh trưởng và phát triển tốt); mô hình thâm canh cây sầu riêng theo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP (quy mô 8,5 ha, hiện nay các hộ đang chăm sóc tốt cho sầu riêng, khoảng 5 - 7% cây đậu trái được 1 tháng)....

II. Công nghiệp; xây dựng; đầu tư phát triển

1. Công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp ước tháng 3 và quý I năm 2025 tăng so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tín hiệu khởi sắc tăng trở lại sau 2 năm giảm, góp phần cho mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.

1.1. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp

         Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng ước tăng 43,38% so với tháng trước và tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 43,03%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 1,10%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,15%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,51%.

Tính chung quý I năm 2025, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,07%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,01%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,11%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%.

1.2. Một số sản phẩm chủ yếu

Các sản phẩm sản xuất quý I năm 2025 tăng so với cùng kỳ gồm: Đá khai thác tăng 4,06%; thủy sản đông lạnh tăng 8,6%; nước mắm tăng 27,94%; hạt điều nhân tăng 8,3 lần; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) tăng 3,56%; quần áo may sẵn tăng 2,54%; gạch các loại tăng 0,98%; nước máy sản xuất tăng 1,34%; điện sản xuất tăng 6,12%; sơ chế mũ cao su tăng 59,18%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 3,73%; thức ăn gia súc tăng 10,45%; giày, dép các loại tăng 74,21%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 22,56%; muối hạt giảm 7,91%; thủy sản khô giảm 49,5%.

1.3. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng 5,65% so cùng kỳ. Quý I năm 2025 tăng 5,75% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 24,52%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,86%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,49%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,96%.

Chỉ số sử dụng lao động quý I năm 2025 của khối doanh nghiệp nhà nước giảm 4,06% so với cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 7,41%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,76%.

1.4. Chỉ số tiêu thụ

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước giảm 2,90% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ; lũy kế quý I năm 2025 chỉ số tiêu thụ tăng 16,14% so với cùng kỳ.

Các ngành có chỉ số tiêu thụ quý I năm 2025 tăng như: sản xuất đồ uống tăng 8,17%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 56,88%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 67,08%; sản xuất trang phục tăng 22,52%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 39,71%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,19%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,54%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 6,10%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 9,37%. Các ngành có chỉ số tiêu thụ quý I năm 2025 giảm như: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 18,08; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13,54%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 7,32%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 23,21%.

1.5. Chỉ số tồn kho

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước tăng 3,67% so với tháng trước và giảm 10,50% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 26,42%; sản xuất đồ uống giảm 93,41%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 14,14%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 30,35%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,11%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 13,89%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 15,35%. Ngược lại cũng có ngành tăng như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,96 lần; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 2,28 lần; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,58 lần; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 96,08%.

1.6. Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

Sản xuất kinh doanh quý I năm 2025 so với quý trước: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo cho thấy có 25,76% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước; 43,94% đánh giá khó khăn và 30,3% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Theo hình thức sở hữu: Doanh nghiệp ngoài quốc doanh 23,64% có chiều hướng tốt lên; 47,27% có chiều hướng giữ nguyên và 29,09% có chiều hướng khó khăn hơn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 40% doanh nghiệp có chiều hướng tốt lên; 20% có chiều hướng giữ nguyên và 40% có chiều hướng khó khăn hơn. Trong doanh nghiệp nhà nước đánh giá tốt.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm 2025, có 51,52% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 28,79% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 59,09% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh trong nước cao; 9,09% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 33,33% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên nhiên vật liệu; 18,18% doanh nghiệp cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 9,09% doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; 25,76% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 18,18% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; 1,52% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay; 4,55% doanh nghiệp đánh giá lý do chính sách pháp luật của nhà nước và 1,52% lý do khác.

Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý II năm 2025 so với quý I năm 2025: Có 77,27% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn (46,97% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 30,3% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định); 22,73% dự báo khó khăn hơn.

1.7. Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)

Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại các KCN cơ bản duy trì ổn định. Có 6/9 KCN triển khai đầu tư hạ tầng với 65 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 44 doanh nghiệp trong nước và 21 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)/tổng số 91 dự án. Trong quý I năm 2025 có 02 doanh nghiệp đăng ký dự án mới ở KCN Hàm Kiệm I (Nhà máy sản xuất gạch trang trí Novita - Công ty cổ phần sản xuất và thương mại gốm sứ Novita sản xuất gạch trang trí, gốm sứ dự kiến vào hoạt động tháng 12 năm 2025; Nhà máy sản xuất giày thể thao Bình Thuận - Công ty TNHH Đại Hoa Sản xuất giầy thề thao dự kiến vào hoạt động quý III năm 2027).

2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I năm 2025 (theo giá hiện hành) ước đạt 3.896,2 tỷ đồng, tăng 12,50% so cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 45,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,18 %), tăng 13,95% so với cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 2.816,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 72,28%), tăng 13,33% so với cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 51,3 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,32%), tăng 7,59% so với cùng kỳ; loại hình kinh tế khác ước đạt 982,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 25,22%), tăng 10,36% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất chia theo loại công trình quý I năm 2025 (theo giá hiện hành) ước công trình nhà ở đạt 1.198,9 tỷ đồng, tăng 10,66% so với cùng kỳ (địa bàn huyện Đức Linh giải phóng làm đường mới nên các hộ dân xây, sửa lại nhà đồng loạt); công trình nhà không để ở đạt 761,4 tỷ đồng, 7,92% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 1.634,5 tỷ đồng, tăng 16,80% so với cùng kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 301,4 tỷ đồng, tăng 9,57% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I năm 2025 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ. Trong đó công trình nhà ở đạt 691,8 tỷ đồng, tăng 9,92% so với cùng kỳ; công trình nhà không để ở đạt 439,3 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 943,1 tỷ đồng, tăng 16,02% so với cùng kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 170,8 tỷ đồng, tăng 6,97% so với cùng kỳ.

            Kết quả khảo sát xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý I năm 2025 so quý IV năm 2024, có 10,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động thuận lợi hơn, 30,6% doanh nghiệp nhận định hoạt động ổn định và 59,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động khó khăn hơn. Dự báo quý II năm 2025 so với quý I năm 2025: Có 22,4% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 26,6% nhận định ổn định và 51% dự báo khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh quý I năm 2025 so với quý IV năm 2024 là giảm 49%; chỉ số cân bằng chung quý II năm 2025 so với quý I năm 2025 là giảm 8,6%.

3. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong tháng ước đạt 246,3 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 ước 625,7 tỷ đồng, đạt 12,43% so với kế hoạch năm, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 550,3 tỷ đồng, tăng 6,31%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 70,5 tỷ đồng, tăng 0,73%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 4,9 tỷ đồng, tương đương so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn quý I năm 2025 ước đạt 9.917,3 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước đạt 1.894,9 tỷ đồng, tăng 5,88%, chiếm 19,1% trong tổng nguồn vốn; vốn ngoài nhà nước đạt 7.343,4 tỷ đồng, tăng 9,08%, chiếm 74%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 679 tỷ đồng, tăng 9,77%, chiếm 6,9%.

Đến ngày 16/3/2025, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; có 03 dự án điều chỉnh; không có dự án khởi công xây dựng và dự án đi vào hoạt động; 01 dự án thu hồi. Lũy kế quý I năm 2025, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 08 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.514 tỷ đồng; có 04 dự án điều chỉnh, 02 dự án đưa vào khởi công xây dựng, 02 dự án đi vào hoạt động và 02 dự án chấm dứt hoạt động. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tình hình đăng ký kinh doanh (từ ngày 15/02-14/3/2025), có 64 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,53% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 191,81 tỷ đồng, giảm 53,75% so với cùng kỳ năm trước; giải thể 10 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 13 doanh nghiệp, tăng 30% so với cùng kỳ; đăng ký thay đổi 175 doanh nghiệp, tăng 71,56% so với cùng kỳ. Lũy kế quý I năm 2025 có 142 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,07% so với cùng kỳ; vốn đăng ký 730,3 tỷ đồng, giảm 32,46% so với cùng kỳ; 27 doanh nghiệp giải thể, giảm 3,57% so cùng kỳ; 308 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 10% so cùng kỳ; đăng ký hoạt động trở lại 117 doanh nghiệp, tăng 20,62% so cùng kỳ.

* Tình hình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh (08 công trình)

- Kè bờ tả sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), thành phố Phan Thiết: Dự án đang đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân và các đơn vị liên quan đang bố trí tái định cư cho dự án để triển khai bước tiếp theo; đồng thời triển khai xác định trình thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể cho dự án, ước đạt khoảng 9% khối lượng.

- Dự án công viên Hùng Vương (công viên sinh thái ngập nước): Đang gặp khó khăn do báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư chưa được thẩm định, ảnh hưởng đến các bước triển khai. Đồng thời, việc phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tại ba phường Phú Trinh, Phú Thủy, Thanh Hải còn chậm trễ, tác động đến tiến độ quy hoạch chi tiết khu vực dự án. Thêm vào đó, quá trình chuyển giao công tác đền bù, giải phóng mặt bằng từ tỉnh sang thành phố Phan Thiết vẫn chưa hoàn thành, gây thêm trở ngại cho dự án.

- Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam: Hiện nay đang khẩn trương thực hiện các nội dung thủ tục có liên quan về công tác trồng rừng thay thế của dự án. UBND huyện Hàm Thuận Nam đã lập phương án sơ bộ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư với diện tích đất thu hồi 32,2 ha của 25 hộ gia đình với kinh phí dự kiến là 95,7 tỷ đồng.

- Cảng hàng không Phan Thiết (hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT): Đến nay dự án sân bay quân sự tại Phan Thiết đã được Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai cơ bản hoàn thành. Trong đó có các hạng mục dùng chung: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân chờ; hệ thống thiết bị hạ cánh chính xác; đài dẫn đường; đèn tín hiệu, biển báo… đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Riêng hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT đang thực hiện trình tự thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư (nâng quy mô từ cấp 4C thành 4E). Đến nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định, phấn đấu khởi công trong tháng 10/2025.

- Chung cư sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết: Tổng mức đầu tư của dự án 798,7 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2025 là 183 tỷ đồng, đã giải ngân 14,7 tỷ đồng (đạt 8,03%). Dự kiến trong quý II năm 2026, 04 khối chung cư A1, A2, B1, B2 sẽ thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

- Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà: Dự án đạt khoảng 79% khối lượng hợp đồng, đã hoàn thành đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Suối Nhum khoảng 17,8 Km, tuy nhiên còn đoạn dài khoảng 3,88 km qua dự án khai thác titan của công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường chưa bàn giao mặt bằng để thi công.

- Cầu Văn Thánh, thành phố Phan Thiết: Hiện nhà thầu đang thi công các hạng mục dưới nước gần bờ và vẫn đang còn khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công tác triển khai thi công tại công trường gặp khó do phải điều chỉnh biện pháp thi công để phù hợp với điều kiện thực tế.

- Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (Giai đoạn 2): Dự án đã hoàn thành các hạng mục gia công đúc cấu kiện thùng chìm, đúc cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ thi công kè và đang thi công xây dựng các hạng mục nạo vét, san lấp mặt bằng và khoan đá phục vụ công tác nổ mìn, thi công kè mái nghiên, kè tường trọng lực và rùa neo. Giá trị khối lượng thực hiện đến nay là 171,5/256 tỷ đồng, đạt 67% so với giá trị hợp đồng.

III. Thương mại; giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

Hoạt động thương mại quý I năm 2025 sôi động với lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân và khách du lịch trong các dịp lễ, tết, cuối tuần. Hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp; các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ lữ hành hoạt động ổn định phục vụ tốt nhu cầu người dân và khách du lịch. Hoạt động vận tải, kho bãi xuyên suốt ổn định phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

1. Thương mại

Tình hình thị trường trong tháng tương đối ổn định, các đơn vị kinh doanh trong tỉnh hoạt động bình thường. Sức mua người dân tăng nhẹ so với tháng trước, chủ yếu tập trung những mặt hàng thiết yếu phục vụ cá nhân và gia đình. Lượng hàng hóa khá dồi dào, đáp ứng kịp thời, không xảy ra tình trạng khan hiếm. Các ngành kinh doanh ăn uống, nhà hàng, các cơ sở lưu trú và các hoạt động dịch vụ khác hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu cho người dân địa phương và du khách.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng đạt 9.838,8 tỷ đồng, giảm 1,30% so với tháng trước và tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6.437,8 tỷ đồng, tăng 1,28% so với tháng trước và tăng 17,85% so với cùng kỳ năm trước (nhóm lương thực, thực phẩm đạt 3.167 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 19,13% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc đạt 254,1 tỷ đồng, tăng 1,98% so với tháng trước và tăng 18,84% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 520,1 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 22,59% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại đạt 1.143,5 tỷ đồng, tăng 2,11% so với tháng trước và tăng 13,81% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác đạt 338,2 tỷ đồng, tăng 2,16% so với tháng trước và tăng 27,46% so với cùng kỳ). Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành trong tháng ước đạt 2.066,5 tỷ đồng, giảm 9,97% so với tháng trước và tăng 10,07% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 3/2025 ước đạt 1.334,5 tỷ đồng, tăng 1,34% so với tháng trước và tăng 17,45% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán buôn trong tháng ước đạt 6.065,5 tỷ đồng, tăng 1,71% so với tháng trước và tăng 15,85% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại quý I năm 2025 tình hình thị trường, giá cả hàng hóa tương đối ổn định. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng mạnh, mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cơ sở phân phối, bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, chăm sóc khách hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ quý I năm 2025 đạt 30.400 tỷ đồng, tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 19.700 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 6.760 tỷ đồng, tăng 17,04% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 3.940 tỷ đồng, tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán buôn quý I năm 2025 ước đạt 18.367,6 tỷ đồng, tăng 10,56% so với cùng kỳ năm trước.

* Công tác quản lý thị trường

Tình trạng vi phạm trong hoạt động kinh doanh vẫn còn xảy ra tập trung ở mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm với các hành vi chủ yếu: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu…. Từ ngày 15/02-14/3/2025, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 01 vụ, không phát hiện vụ vi phạm nào. Lũy kế quý I năm 2025, đã kiểm tra 33 vụ, phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu nộp ngân sách nhà nước là 581,7 triệu đồng và tịch thu một số hàng hóa vi phạm.

2. Giá cả

2.1. Giá tiêu dùng (CPI)

Giá lương thực, giá xăng dầu, giá gas giảm là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng giảm 0,1% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,3% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân quý I năm 2025 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,96%.

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá: Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,24%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,13%; bưu chính viễn thông tăng 0,09%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế 0,03%; giáo dục tăng 0,01%. Có 02 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 1,65%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,45%.

* Các yếu tố làm tăng CPI quý I năm 2025

- Chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, do giá các mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm, giá thịt chế biến, giá các mặt hàng thực phẩm thủy sản tươi sống, giá rau tươi các loại, giá quả tươi tăng cao trong dịp tết Nguyên đán.

- Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước do giá nhà thuê tăng; giá nhóm điện sinh hoạt tăng 7,27% so với cùng kỳ năm trước, do nhu cầu sử dụng điện tăng và EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Giá ga tăng 1,99% so cùng kỳ năm trước, do điều chỉnh giá ga trong nước tăng theo giá thế giới.

- Chỉ số giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá; hàng may mặc, mũ nón, giày dép và các thiết bị đồ dùng gia đình tăng cao trong dịp Tết, cùng với nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất tăng nên các nhà cung ứng tăng giá bán sản phẩm, quý I năm 2025 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,78%, 0,79% và 1,95% so với cùng kỳ năm 2024.

- Chỉ số giá nhóm thuốc dịch vụ y tế tăng 17,52% so bình quân cùng kỳ, tăng do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 112/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của UBND tỉnh về việc Quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 7,47% so cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng trang sức bằng vàng tăng 31,92% do ảnh hưởng giá vàng trong trước tăng theo giá vàng thế giới; giá bảo hiểm y tế tăng 30% do tăng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, ngày 01/7/2024 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng, theo đó bảo hiểm y tế cho cán bộ công chức và người lao động cũng được tăng theo.

* Một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I năm 2025

- Chỉ số giá nhóm lương thực giảm 7,57% so cùng kỳ năm trước, trong đó giảm chủ yếu mặt hàng gạo giảm 10,44%. Nguyên nhân, do nguồn cung tại địa phương cũng như trong nước dồi dào, do đó giá so cùng kỳ năm trước có phần giảm, mức giảm dao động từ 1.000 đồng/kg - 1.200 đồng/kg tùy loại.

- Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,24% so cùng kỳ năm trước, trong đó giảm chủ yếu giá xăng dầu giảm 8,71%, do ảnh hưởng các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.

2.2. Tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; giá sản xuất công nghiệp và giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

 Trong quý I năm 2025, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,24% so với quý trước và tăng 0,82% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,97% so quý trước và tăng 2,72% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 1,48% so với quý trước và tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm 2025 tăng 1,48% so với quý trước và tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,51% so quý trước và giảm 1,06% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,96% so quý trước và tăng 2,24% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 0,04% so quý trước và tăng 0,14% so cùng kỳ năm trước.

Tình hình chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý I năm 2025 tăng 0,97% so với quý trước, tăng 2,72% so cùng quý năm trước. Trong đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý I năm 2025 tăng 6,45% so với quý trước, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2025 tăng 2,51% so với quý trước, tăng 2,62% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý I năm 2025 tăng 0,63% so với quý trước (Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất điện như giá xăng, dầu, than nhập khẩu, chi phí nhân công tăng. Bên cạnh đó, giá than tăng đã tác động làm giá điện tại các nhà máy nhiệt điện than tăng lên); chỉ số giá sản phẩm nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý I năm 2025 tăng 0,16% so với quý trước, tăng 0,63% so cùng kỳ năm trước; giá nước do Nhà nước quản lý nên trong quý I năm 2025 vẫn ổn định; giá xử lý và tiêu hủy rác thải quý I năm 2025 tăng 0,39% so quý trước. Nguyên nhân do chi phí đầu vào như xăng, dầu, chi phí nhân công phục tăng nên các đơn vị điều chỉnh giá xử lý và tiêu hủy rác thải tăng nhẹ.

3. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch trong quý I năm 2025 diễn ra khá nhộn nhịp. Các đơn vị kinh doanh du lịch đã tích cực chuẩn bị phục vụ du khách trong dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh tổ chức chuỗi sự kiện chào năm mới “Tết Novaworld” tại khu Novaworld Phan Thiết, khai mạc phố ẩm thực đêm, khu du lịch cộng đồng Biển Quê Hương còn một số giải thể thao truyền thống của địa phương như Lễ hội đua thuyền thúng, giải chạy vượt đồi cát Mũi Né, giải leo núi Tà Cú, giải vượt đồi cát Bình Thạnh, giải Lướt ván buồm quốc tế Mũi Né mở rộng... thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia. Công tác xúc tiến được đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch gắn liền với các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tham quan làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch và thể thao, tắm biển, du lịch lễ hội và hành hương, du lịch nông nghiệp cũng là lợi thế của du lịch Bình Thuận. Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử tiếp tục phát huy hiệu quả, những sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu, đặc sắc, hấp dẫn và các chương trình kích cầu để thu hút khách quốc tế được chú trọng.

Lượt khách du lịch trong tháng ước đạt 793,4 nghìn lượt, giảm 6,23% so tháng trước và tăng 9,55% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 30,6 nghìn lượt khách, giảm 0,27% so với tháng trước và tăng 19,54% so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 1.559,5 nghìn ngày khách, giảm 5,69% so với tháng trước và tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 lượt khách ước đạt 2.602 nghìn lượt, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 5.020 nghìn ngày khách, tăng 17,21% so với cùng kỳ năm trước.

Lượt khách quốc tế trong tháng ước đạt 44,4 nghìn lượt khách, giảm 8,61% so với tháng trước và tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 190,5 nghìn ngày khách, giảm 7,79% so với tháng trước và tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 lượt khách quốc tế ước đạt 152 nghìn lượt khách, tăng 17,55% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 640 nghìn ngày khách, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu khách quốc tế đến tỉnh có sự chuyển dịch so với cùng kỳ, khách Trung Quốc và Nga có xu hướng quay trở lại, trong khi khách Hàn Quốc giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Các nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượt khách quốc tế đến tỉnh như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, Mỹ, Anh…

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước đạt 490,2 tỷ đồng, giảm 12,65% so với tháng trước và tăng 13,53% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.557,2 tỷ đồng, giảm 8,74% so với tháng trước và tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 19 tỷ đồng, giảm 13,25% so với tháng trước và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.688,3 tỷ đồng, tăng 22,09% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 5.024,8 tỷ đồng, tăng 15,73% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành đạt 46,9 tỷ đồng, giảm 8,65% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 2.213,8 tỷ đồng giảm 5,79% so với tháng trước và tăng 11,68% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 7.050 tỷ đồng, tăng 16,24% so với cùng kỳ năm trước.

4. Xuất, nhập khẩu

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 70,1 triệu USD, tăng 5,64% so với tháng trước và tăng 28,69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nhóm hàng thủy sản ước đạt 18,9 triệu USD, tăng 20,57% so với tháng trước và tăng 21,84% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 3 triệu USD, tăng 7,79% so với tháng trước và tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 48,2 triệu USD, tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 26,37% so với cùng kỳ. Lũy kế quý I năm 2025 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 211,6 triệu USD, tăng 34,29% so với cùng kỳ năm trước. Cả 3 nhóm hàng hóa đều tăng trưởng cao: nhóm hàng thủy sản ước đạt 58 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 8,62 triệu USD, tăng 2,83 lần so với cùng kỳ năm trước (riêng mặt hàng thanh long ước đạt 3,3 triệu USD, tăng 11,42%); nhóm hàng hóa khác ước đạt 145 triệu USD, tăng 37,16% so với cùng kỳ.

+ Xuất khẩu trực tiếp quý I năm 2025 ước đạt 209,4 triệu USD, tăng 35,03% so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường chủ yếu như: Nhật Bản (mặt hàng thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm giấy), Đài Loan (mặt hàng bộ quần áo, mực tươi), Hàn Quốc (mặt hàng mực khô, mực tươi, cá tươi), Côlômbia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Mỹ (hàng thủy sản, mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy), Trung Quốc (mặt hàng thuỷ sản, quặng và khoáng sản), Campuchia và Philippin (mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi), Canada (mặt hàng giày dép, sản phẩm giấy).

+ Ủy thác xuất khẩu quý I năm 2025 ước đạt 2,2 triệu USD, giảm 11,52% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng ủy thác chủ yếu là hàng dệt may 2,2 triệu USD (tăng 9,4%).

- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 147,3 triệu USD, tăng 6,51% so với tháng trước và tăng 21,49% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế quý I năm 2025 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 425,4 triệu USD, tăng 36,32% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu vẫn là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày, giấy….

5. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải quý I năm 2025 diễn ra khá nhộn nhịp. Trong quý có nhiều ngày lễ (Tết dương lịch, kỳ nghỉ tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Ất Tỵ, ngày Quốc tế phụ nữ 08/3) thu hút nhiều người dân, khách du lịch đi lại, bên cạnh đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân cũng tăng theo. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng ước đạt 329,1 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tháng trước và tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 ước đạt 976,5 tỷ đồng, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hành khách:

+ Lượt khách vận chuyển trong tháng ước đạt 1.447 nghìn HK, tăng 0,95% so với tháng trước và tăng 6,77% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 153.984,4 nghìn HK.Km, tăng 1,36% so với tháng trước và tăng 12,53% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 lượt khách vận chuyển ước đạt 4.241,2 nghìn HK, tăng 10,18% so với quý cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 448.336,5 nghìn HK.Km, tăng 14,33% so với quý cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng lượt khách vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.422,8 nghìn HK, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 lượt khách vận chuyển ước đạt 4.169,2 nghìn HK, tăng 10,1% so với quý cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 24,2 nghìn HK, tăng 4,09% so với tháng trước và tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 lượt khách vận chuyển ước đạt 72 nghìn HK, tăng 15,1% so với quý cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 151.627 nghìn HK.Km, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,67% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 lượt khách luân chuyển ước đạt 441.392,7 nghìn HK.Km, tăng 14,29% so với quý cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 2.357,4 nghìn HK.Km, tăng 4,95% so với tháng trước và tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 lượt khách luân chuyển ước đạt 6.943,8 nghìn HK.Km, tăng 17,1% so với quý cùng kỳ năm trước.

- Vận tải hàng hóa:

+ Khối lượng vận chuyển trong tháng ước đạt 664,1 nghìn tấn, tăng 3,31% so với tháng trước và tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 63.170,2 nghìn tấn.Km, tăng 6,06% so với tháng trước và tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 khối lượng vận chuyển ước đạt 1.911,5 nghìn tấn, tăng 8,77% so với quý cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 178.503,7 nghìn tấn.Km, tăng 11,71% so với quý cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 660,7 nghìn tấn, tăng 3,24% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 khối lượng vận chuyển ước đạt 1.901,5 nghìn tấn, tăng 8,64% so với quý cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 3,4 nghìn tấn, tăng 17,32% so với tháng trước, tăng 43,26% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 khối lượng vận chuyển ước đạt 10 nghìn tấn, tăng 38,37% so với quý cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 62.794,6 nghìn tấn.Km, tăng 6% so với tháng trước và tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 khối lượng luân chuyển ước đạt 177.407,3 nghìn tấn.Km, tăng 11,58% so với quý cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa đường thủy đạt 375,6 nghìn tấn.Km, tăng 18,05% so với tháng trước, tăng 43,28% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 khối lượng luân chuyển ước đạt 1.096,4 nghìn tấn.Km, tăng 38,16% so với quý cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng ước đạt 329,1 tỷ đồng, tăng 2,61% so với tháng trước và tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 ước đạt 976,5 tỷ đồng, tăng 12,97% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 414.,2 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 435,4 tỷ đồng, tăng 13,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 124,5 tỷ đồng, tăng 8,16%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 23,72% so với cùng kỳ năm trước.

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Cảng quốc tế Vĩnh Tân trong tháng ước đạt 125 nghìn tấn; trong đó xuất cảng 75 nghìn tấn (tro bay, cát, xỉ than, muối xá, quặng), nhập cảng 50 nghìn tấn (xi măng, cao lanh, máy móc, muối xá). Quý I năm 2025 ước đạt 303,43 nghìn tấn tăng 8,2% so cùng kỳ, trong đó xuất cảng 224,6 nghìn tấn (gồm tro bay, quặng, muối xá, cát, xỉ than); nhập cảng 78,83 nghìn tấn (muối xá, túi xi măng, cao lanh, máy móc).

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách trong tháng đạt 659,7 tỷ đồng, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Quý I năm 2025 ước đạt 3.018,5 tỷ đồng, đạt 29,02% dự toán năm, giảm 1,68% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 2.838,5 tỷ đồng, đạt 30,69% dự toán năm, tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 2.483,2 tỷ đồng, đạt 30,54% dự toán năm, giảm 0,53%; thu tiền nhà, đất 355,3 tỷ đồng, đạt 31,75% dự toán năm, tăng 35,51%; thu thuế xuất nhập khẩu 180 tỷ đồng, đạt 15,65% dự toán toán năm và giảm 42,18% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu quý I năm 2025 ước đạt 1.226,1 tỷ đồng, đạt 33,42% dự toán năm, giảm 1,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Phan Thiết 438,7 tỷ đồng (đạt 30,11% dự toán, giảm 20,45%); La Gi 113 tỷ đồng (đạt 50,23% dự toán, tăng 6,02%); Tuy Phong 86,9 tỷ đồng (đạt 23,18% dự toán, tăng 15,62%); Bắc Bình 67,3 tỷ đồng (đạt 16,21% dự toán, giảm 32,9%); Hàm Thuận Bắc 161,9 tỷ đồng (đạt 41,21% dự toán, tăng 28,76%); Hàm Thuận Nam 85 tỷ đồng (đạt 26,38% dự toán, giảm 11,49%); Tánh Linh 39,6 tỷ đồng (đạt 34,42% dự toán, tăng 29,5%); Đức Linh 115,9 tỷ đồng (đạt 77,24% dự toán, tăng 55,74%); Hàm Tân 99,6 tỷ đồng (đạt 52,14% dự toán, tăng 40,11%) và Phú Quý 18,2 tỷ đồng (đạt 70,18% dự toán, tăng 64,71%).

Chi ngân sách nhà nước quý I năm 2025 ước thực hiện 2.795,5 tỷ đồng, tăng 40,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Chi đầu tư phát triển 466,5 tỷ đồng, tăng 3,1 lần; chi thường xuyên 2.329 tỷ đồng, tăng 26,39%.

2. Hoạt động tín dụng

Đến 28/02/2025, nguồn vốn huy động đạt 62.583,6 tỷ đồng, tăng 1,22% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 1,43%); tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 94.195,4 tỷ đồng, giảm 0,85% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước giảm 0,28%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 92.550,7 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 62.153,3 tỷ đồng, chiếm 66% tổng dư nợ. Ước đến 31/3/2025, vốn huy động đạt 62.755 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm; dư nợ đạt 95.497,7 tỷ đồng, tăng 0,5% so với đầu năm. Nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 4.758,6 tỷ đồng, tỷ lệ 5,05%/tổng dư nợ, tăng 1,27% so với với đầu năm. Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 1,6-2,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 2,9-4,7%/năm, kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,7-6,0%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 5%/năm), lãi suất cho vay VNĐ bình quân phổ biến dao động ở mức 7,0-9,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9,5-12%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 54.962 tỷ đồng, chiếm 58,3% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 608,5 tỷ đồng, chiếm 0,65% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 23.202 tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Tổng số tiền cho vay từ đầu chương trình 1.075,49 tỷ/120 tàu. Doanh số thu nợ từ đầu chương trình 214,4 tỷ. Dư nợ (nội bảng) là 44,3 tỷ đồng/18 tàu (trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 8,56 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 35,7 tỷ đồng, không có cho vay nâng cấp tàu). Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ 17,16 tỷ đồng/16 tàu, nợ ngoại bảng 816,85 tỷ đồng/88 tàu, số tàu đã trả hết nợ 14 tàu.

Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 5.490,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 208,9 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 1.500 tỷ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 725 tỷ; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 195,6 tỷ.

Về Chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP (hiện gói cho vay 120 nghìn tỷ đồng) và Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (60 nghìn tỷ đồng) đến thời điểm 28/02/2025, doanh số cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đạt 161 tỷ đồng/160 khách hàng (với lãi suất cho vay ưu đãi 5,7%-8,5%/năm), dư nợ cho vay là 58 tỷ đồng.

Doanh số mua bán ngoại tệ lũy kế đến 28/02/2025 đạt 98,4 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 27,6 triệu USD. Nhìn chung, diễn biến thị trường vàng trong tỉnh tương đối ổn định, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường, không có hiện tượng người dân xếp hàng đi mua vàng miếng hoặc nhu cầu về vàng miếng tăng đột biến; các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao dịch của người dân, nhất là dịp Lễ, Tết. Đến 28/02/2025, trên địa bàn có 217 máy ATM, giảm 01 máy so với đầu năm và 1.453 máy POS, tăng 36 máy so với đầu năm, các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn khoảng trên 95% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 73%.

V. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao

1.1 Hoạt động văn hóa

- Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận. Tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Thể thao Việt Nam; 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ; 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các hoạt động của Tháng Thanh niên năm 2025; kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam; Cuộc thi sáng tác ca khúc về Bình Thuận; tuyên truyền biển đảo và công tác biên giới trên đất liền năm 2025… Thực hiện 12 buổi tuyên truyền lưu động với kịch bản “Chốn quay về” phục vụ Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, thu hút khoảng 4.800 lượt người xem và 42 buổi chiếu phim lưu động phục vụ Nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh, Phan Thiết, thu hút khoảng 12.600 lượt người xem.

- Hoạt động Thư viện: Cấp 64 thẻ (thiếu nhi 12 thẻ), 110.527 lượt bạn đọc (tại thư viện 807 lượt (thiếu nhi 210 lượt), truy cập website 95.240 lượt, qua youtube 3.759 lượt, khai thác sách trực tuyến 421 lượt, truy cập Fanpage 5.250 lượt, sử dụng phòng máy tính 80 lượt, phục vụ xe lưu động 4.970 lượt (thiếu nhi)), luân chuyển 21.947 lượt sách, tài liệu (thư viện 1.342 lượt (thiếu nhi 323 lượt), tuyên truyền qua website 315 lượt, phục vụ xe lưu động 20.290 lượt); trưng bày, giới thiệu 20 bản sách mới; đăng tải 26 tài liệu tuyên truyền; số hóa 8.614 trang/32 tài liệu; đóng 75 tập báo, tạp chí; xử lý kỹ thuật 328 bản sách; bổ sung 500 bản sách.

- Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đón 114 đoàn, với 8.925 lượt khách (66 lượt khách quốc tế); phục vụ 14 lễ dâng hương viếng Bác, sinh hoạt chuyên đề. Bảo tàng tỉnh đón 10.085 lượt khách đến tham quan (1.522 lượt khách quốc tế); sưu tầm, tiếp nhận 04 hiện vật. Ban Quản lý Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đã tiếp đón, phục vụ 2.585 lượt khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu và trải nghiệm; tổ chức sưu tầm được 03 hiện vật.

1.2. Hoạt động thể thao

- Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức giải Vovinam học sinh tỉnh Bình Thuận năm 2025 từ ngày 06-09/3/2025 với sự tham gia của 608 vận động viên đến từ 38 đơn vị trong tỉnh; Giải đua Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương lần thứ XV năm 2025 - Cúp Biwase từ ngày 15-16/3/2025 với sự tham gia khoảng 150 vận động viên của 15 Câu lạc bộ.

- Thể thao thành tích cao: Cử đội tuyển Canoeing tham dự giải vô địch các tay chèo xuất sắc quốc gia năm 2025 tại Đà Nẵng từ ngày 10-19/3/2025; đội Judo tham dự giải vô địch Kurash bãi biển quốc gia tại Bà Rịa Vũng Tàu từ ngày 09-15/3/2025. Cử 12 vận động viên tập trung đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia (07 Judo, 01 Jujitsu; 01 Canoeing, 01 Điền kinh, 01 KickBoxing, 01 Taekwondo). Tính đến ngày 10/3/2025, đã tham gia 02 giải thể thao với 10/140 huy chương, đạt 7,1% so với chỉ tiêu (03 huy chương vàng, 05 huy chương bạc, 02 huy chương đồng).

2. Giáo dục và đào tạo

Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tỉnh đạt 19 giải (cao hơn năm trước 5 giải); 03 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia đã đạt vòng thẩm định hồ sơ. Triển khai Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh và giáo viên trung học năm học 2024-2025 với 41 bài dự thi toàn quốc (trong đó 21 bài dự thi của học sinh trung học và 10 bài dự thi của giáo viên cấp THCS và THPT), kết quả có 02 bài dự thi của học sinh cấp THPT đạt giải cao. Triển khai Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Thuận lần thứ 18 (2024-2025). Sở GDĐT đã tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cho cấp THCS, THPT, kết quả cấp THPT có 102 giáo viên được công nhận đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong tổng số 209 giáo viên tham gia dự thi (48,8%); cấp THCS có 85 giáo viên được công nhận đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong tổng số 180 giáo viên tham gia dự thi (47,22%).

Đến nay tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 286/531 trường, tỷ lệ 53,86%, cụ thể: mầm non có 63/141 trường, tỷ lệ 44,68%; tiểu học có 131/233 trường, tỷ lệ 56,22%; trung học cơ sở có 87/131 trường, tỷ lệ 66,41%; trung học phổ thông có 05/26 trường, tỷ lệ 19,23%.

3. Y tế

- Phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác: Sốt xuất huyết Dengue trong tháng có 109 ca mắc, 03 ca nặng, không có ca tử vong, giảm 25,3% so tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước; quý I năm 2025 có 336 ca mắc, 13 ca nặng, 01 ca tử vong. Bệnh tay chân miệng trong tháng có 17 ca mắc, giảm 47% so với tháng trước và tương đương so với cùng kỳ năm trước, không có ca tử vong; quý I năm 2025 có 32 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Bệnh dại trong tháng không có trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại; quý I năm 2025 có 01 trường hợp mắc/(nghi) và tử vong do dại. Ho gà trong tháng không có ca mắc; quý I năm 2025 có 01 ca, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sởi, ngành y tế tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong tháng có 370 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 60,67% so với cùng kỳ năm trước (06 ca), trong đó có 02 ca dương tính với sởi; quý I năm 2025 có 1.108 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 20 ca dương tính, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

- Tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh 1.566/20.005 trẻ, đạt tỷ lệ 7,83%. Số phụ nữ có thai (PNCT) được tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván (UV2+) 1.288/19.730 phụ nữ có thai, đạt 6,49%. Quý I năm 2025 tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin 2.806/20.005 trẻ, đạt 14,03%, tỷ lệ PNCT được tiêm đủ mũi phòng ngừa uốn ván sơ sinh (UV2+) 1.980/19.730 PNCT, đạt 10,04%. Trong tháng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2025.

- Công tác phòng chống Phong: Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc bệnh phong mới; quý I năm 2025 khám và không phát hiện bệnh nhân phong mới, tích lũy số bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh là 339 bệnh nhân.

- Công tác phòng chống Lao: Trong tháng tổng số lượt khám 1.266 lượt; số bệnh nhân lao thu dung điều trị 134 bệnh nhân; số bệnh nhân lao AFB (+) phát hiện mới trong tháng 78 bệnh nhân. Quý I năm 2025 có 336 bệnh nhân lao thu dung điều trị, 196 bệnh nhân lao AFB (+).

- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng số ca nhiễm HIV mới 08 ca; không có ca chuyển AIDS mới, không có ca tử vong. Lũy kế từ trước đến nay số ca nhiễm HIV 1.868 ca; ca nhiễm HIV chuyển AIDS 1.132 ca; số ca tử vong do AIDS 555 ca.

- Công tác khám chữa bệnh: Trong tháng tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh tại 07 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh 72.157 lượt, số bệnh nhân điều trị nội trú 10.175 bệnh; công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 69,57%.

4. Khoa học - công nghệ; hoạt động thông tin truyền thông

Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nhất là trong các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, các sản phẩm lợi thế của tỉnh.

Hoạt động thông tin truyền thông tập trung nghiên cứu các nội dung công việc triển khai Đề án hình thành Khu Công nghệ cao theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch, đề án trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng băng thông rộng cố định chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 5G trên địa bàn tỉnh.

5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội

Trong tháng, đã giải quyết việc làm cho 2.129 lao động; lũy kế quý I năm 2025, đã giải quyết việc làm cho 6.912 lao động, đạt 28,8% so với kế hoạch và tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 2.409 lao động, đạt 80,3% so với kế hoạch năm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 140 lao động, đạt 28% so với kế hoạch năm.

Đến nay, toàn tỉnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 213,89 triệu đồng, đạt 3,56%. Trong đó: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh chưa có, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện 213,89 triệu đồng, đạt tỉ lệ 4,75%.

Công tác chính sách người có công: Đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ thăm, tặng quà dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ. Đang chuẩn bị các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975-19/4/2025) và kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025).

Việc triển khai chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh về cơ bản đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Kể từ ngày 01/8/2024 đến ngày 25/3/2025, tổng số căn nhà (bao gồm cả đã hoàn thành và đang xây dựng) là 476 căn, với 280 căn xây mới và 196 căn sửa chữa. Trong đó giai đoạn cuối năm 2024 (từ 01/8 đến 31/12), có 202 căn (179 xây mới, 23 sửa chữa); năm 2025 (tính đến ngày 25/3), đã có thêm 274 căn (101 xây mới, 173 sửa chữa).

Đối với người có công với cách mạng, chương trình đã hỗ trợ được phần lớn, tuy nhiên vẫn còn 49 trên tổng số 188 căn cần tiếp tục thực hiện. Trong đó, có 17 căn cần xây mới (tại TP. Phan Thiết: 02; Hàm Thuận Bắc: 10; Bắc Bình: 01; Hàm Tân: 03; Tánh Linh: 01) và 32 căn cần sửa chữa (tại TP. Phan Thiết: 04; Hàm Thuận Bắc: 16; Bắc Bình: 08; Hàm Tân: 04)

6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số

Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp. Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; đảm bảo các quy định về tổ chức lễ hội, về phòng, chống cháy nổ, an toàn thực phẩm... Các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, phù hợp, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo; khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được tăng cường, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước.

Trong quý I năm 2025, đã thực hiện cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất lúa nước vụ đông xuân và thu mua, tiêu thụ nông sản do đồng bào sản xuất: gần 200 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 1,2 tỷ đồng, trên 1,5 tấn mủ cao su trị giá trên 20 triệu đồng.

7. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng. Tính đến 26/3/2025, toàn tỉnh có 100.870 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; 93.185 người tham gia BHTN, tăng 2,8%; số người tham gia BHXH tự nguyện 8.885 người, tăng 0,02%; số người tham gia BHYT 1.059.246 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.551 người) tăng 1,1%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 90,58% dân số (đã bao gồm người dân Bình Thuận lao động, học tập ngoài tỉnh có tham gia BHYT).

Số người thuộc hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT đạt 98,6%, còn 195 người chưa được cấp thẻ BHYT; người thuộc hộ cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT đạt 98,2%, còn 305 người chưa được cấp thẻ BHYT. Số người nghèo, cận nghèo chưa được cấp thẻ chủ yếu chưa cung cấp số định danh/CCCD để cơ quan BHXH cấp thẻ.

Toàn tỉnh có 246.607 học sinh sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 98,3%, tăng 751 em so với tháng trước. Trong đó: Có 202.251 em tham gia tại trường học, 45.107 em tham gia theo nhóm khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo…). Hiện còn 4.220 em chưa tham gia, chiếm tỷ lệ 1,68%, chủ yếu là HSSV tham gia có thời hạn ngắn thẻ hết hạn chưa tham gia lại, học sinh là người dân tộc thiểu số, người thuộc xã bãi ngang không còn được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT. Đến tháng 3/2025, có 48.503 người tham gia BHYT theo diện hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm  nghiệp có mức sống trung bình, còn 52.974 người thuộc diện đã được xã, phường phê duyệt nhưng chưa tham gia.

Tính đến ngày 26/3/2025, đã xét duyệt giải quyết cho 18.054 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Hưởng các chế độ BHXH dài hạn 195 người, tăng 36,4%; hưởng chế độ BHXH một lần 2.998 người, giảm 16,2%; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 13.494 lượt người, tăng 29,5%;  hưởng trợ cấp BHTN 1.367 người, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn đến cuối tháng 3/2025 được xét duyệt, quản lý là 19.060 người, tăng 661 người so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thu 859,8 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ chậm đóng (tiền nợ) phải thu là 5,22% so với dự toán thu. Chi BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 888 tỷ đồng.

8. Tai nạn giao thông (từ ngày 16/02-15/3/2025)

Trong tháng xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với tháng trước và giảm 17 vụ với cùng kỳ năm trước; bị thương 23 người, tăng 03 người so với tháng trước và giảm 13 người so với cùng kỳ năm trước; số người chết là 10 người; không tăng/giảm so với tháng trước và giảm 01 người so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế quý I năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 98 vụ (trong đó có 01 vụ đường sắt), giảm 54 vụ so với cùng kỳ năm trước; bị thương 82 người, giảm 65 người so với cùng kỳ năm trước; số người chết 33 người, giảm 07 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 01 vụ rất nghiêm trọng, 08 vụ nghiêm trọng, 08 vụ ít nghiêm trọng và 06 vụ va chạm; lũy kế quý I năm 2025 không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 01 vụ rất nghiêm trọng; 33 vụ nghiêm trọng, 37 vụ ít nghiêm trọng và 27 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

Chia theo các huyện, thị xã, thành phố, quý I năm 2025: thành phố Phan Thiết xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, 21 người bị thương, 05 người chết; thị xã La Gi xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông, 08 người bị thương, 02 người chết; huyện Tuy Phong xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông, 08 người bị thương, 03người chết; huyện Bắc Bình xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông, 06 người bị thương, 03 người chết; huyện Hàm Thuận Bắc xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông làm 09 người bị thương, 11 người chết; huyện Hàm Thuận Nam xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 08 người bị thương, 02 người chết; huyện Tánh Linh xảy ra 09 vụ tai nạn giao thông, 09 người bị thương, 01 người chết; huyện Đức Linh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, 08 người bị thương, 03 người chết; huyện Hàm Tân xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 05 người bị thương, 03 người chết; huyện Phú Quý không có xảy ra tai nạn giao thông.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 01 vụ thiên tai, tăng 01 vụ so với tháng trước và bằng so với cùng kỳ năm trước; do mưa lớn kết hợp lốc xoáy xảy ra cục bộ và bất ngờ làm thiệt hại 0,08 ha, gãy đổ hoàn toàn 32 cây điều và 0,3 ha, gãy đổ hoàn toàn 143 cây cao su, ước giá trị thiệt hại 200 triệu đồng. Lũy kế quý I năm 2025 xảy ra 02 vụ (bằng so với cùng kỳ), ước thiệt hại 470 triệu đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng không xảy ra vụ cháy, giảm 01 vụ so với tháng trước và giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế quý I năm 2025 toàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm trước.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường, tăng 01 vụ so với tháng trước và không tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước; xử phạt 418 triệu đồng. Lũy kế quý I năm 2025 xảy ra 08 vụ (giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước), xử phạt 803 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Trong bối cảnh thế giới, khu vực còn nhiều biến động phức tạp khó lường, nền kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua các số liệu thống kê cho thấy, kinh tế - xã hội của tỉnh quý I năm 2025 đạt được nhiều kết quả tích cực có nhiều điểm sáng.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản duy trì ổn định. Các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cơ bản được khắc phục. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thực hiện tốt.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11%. Đã thu hút được 08 dự án, trong đó 02 dự án khởi công xây dựng, 02 dự án đi vào hoạt động. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ, vận tải tiếp tục phát triển. Số lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 13,78% so cùng kỳ năm trước, hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,07% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có sự tăng trưởng tốt, ước tăng 34,22% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là cả 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều tăng.

Thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng 2,90% so cùng kỳ. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện tốt. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí, rèn luyện sức khoẻ của nhân dân. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong quý I năm 2025 vẫn còn tồn tại, khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký mới đều giảm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh vẫn đang rất chậm so với kế hoạch đề ra; tiến độ các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng còn chậm; nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ.

CCTK Bình Thuận

 

 

 

 

 

 

Kèm file: Số liệu KTXH quý I năm 2025.pdf




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/