Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12, quý IV và năm 2024 tỉnh Bình Thuận
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trước bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, khó lường; trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và chịu áp lực rất lớn từ quốc tế, đã tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực:
I. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước năm 2024 tăng 7,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,07%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,26%. Trong mức tăng trưởng chung, khu vực nông, nghiệp lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,93 điểm phần trăm, khu vực công nghiệp xây dựng đóng góp 3,25 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ đóng góp 2,89 điểm phần trăm, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,18 điểm phần trăm.
Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2024: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,79% (năm 2023 chiếm 25,75%); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,96% (năm 2023 chiếm 34,62%); khu vực dịch vụ chiếm 33,88% (năm 2023 chiếm 34,01%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,37% (năm 2023 chiếm 5,62%).
Năng suất lao động xã hội tiếp tục có sự cải thiện, dự ước năm 2024 là 176,9 triệu đồng/người/năm, tăng 14,9 triệu đồng([1]) so với năm trước. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2024 tăng 6,16% so với năm trước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 96,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,6% so với năm trước; tương đương 3.883,5 USD, tăng 4,8% so với năm trước.
II. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
1. Trồng trọt
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024 vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định; dự ước GRDP ngành nông nghiệp tăng 3,43%. Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng như xăng, dầu, phân bón, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn ở mức cao; tình trạng thiên tai thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp,.... Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nội bộ ngành nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ để thích nghi với nhu cầu thị trường trong nước, thế giới và cả điều kiện tự nhiên. Một số loại cây trồng như sầu riêng, xoài phát triển mạnh, trong khi các cây trồng truyền thống như thanh long, tiêu, điều, cao su giảm diện tích do hiệu quả kinh tế chưa cao hoặc điều kiện canh tác không thuận lợi.
1.1. Cây hàng năm
Diện tích gieo trồng sơ bộ năm 2024 ước đạt 201.522,5 ha, tăng 0,53% so với năm trước. Diện tích, sản lượng tăng so với năm trước chủ yếu ở các cây lúa, rau các loại, cây hàng năm khác.
- Cây lương thực có hạt diện tích sơ bộ đạt 140.783,1 ha, tăng 1,67% so với năm trước. Sản lượng lương thực đạt 880.377,1 tấn, tăng 3,44% so với năm trước. Diện tích cây lương thực tăng chủ yếu ở cây lúa do vụ hè thu sản lượng đạt cao, giá lúa trong năm ổn định ở mức cao:
+ Cây lúa diện tích sơ bộ đạt 127.000,7 ha, tăng 3%; năng suất bình quân đạt 62,2 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với năm trước; sản lượng lúa đạt 790.377,1 tấn, tăng 5,29% so với năm trước. Trong năm 2024 đã thực hiện chuyển đổi 3.488 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn, đồng thời tập trung triển khai kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản.
+ Cây bắp diện tích sơ bộ đạt 13.782,4 ha, giảm 9,17% so với năm trước; năng suất bình quân ước đạt 65,3 tạ/ha, giảm 0,5 tạ/ha; sản lượng đạt 90.000 tấn, giảm 10,38%. Diện tích giảm chủ yếu ở vụ hè thu, đông xuân do giá không ổn định, nông dân thu hẹp diện tích gieo trồng.
- Diện tích cây công nghiệp ngắn ngày sơ bộ 10.324,3 ha, giảm 6,8% so với năm trước (giảm chủ yếu ở cây mè, cây đậu phộng do nông dân chuyển đổi sang những cây trồng có hiệu quả cao hơn như cây rau, đậu), trong đó: cây đậu phộng diện tích sơ bộ đạt 5.071,8 ha, giảm 10,6%; cây mè diện tích sơ bộ đạt 4.391,4 ha, giảm 3,4%.
- Diện tích cây rau, đậu, hoa các loại đạt 20.883,8 ha, tăng 0,7% so với năm trước, trong đó: cây rau các loại 11.415,5 ha, tăng 5,71%, tăng chủ yếu ở các loại cây như rau lấy quả, rau họ đậu, rau lấy lá, dưa lấy quả, do nhu cầu về các loại cây trồng này ngày một cao, người dân tăng cường gieo trồng và chăm sóc.
Vụ đông xuân: diện tích gieo trồng đạt 50.615,7 ha, giảm 0,03% so với năm trước, trong đó: cây lương thực đạt 42.839,4 ha, tăng 0,2% (cây lúa diện tích đạt 39.958,8 ha, tăng 1,4%, năng suất đạt 67,8 tạ/ha, tăng 3,3 tạ/ha; sản lượng 270.967,1 tấn, tăng 2,8%). Sản lượng, diện tích cây lúa tăng do giá lúa trong vụ vẫn đang ở mức cao nông dân tích cực xuống giống trên những diện tích cây hàng năm khác không hiệu quả.
Vụ hè thu: diện tích gieo trồng đạt 63.895,8 ha, tăng 0,8% so với năm trước (tăng chủ yếu ở cây lúa, ở huyện Tuy Phong do điều kiện nguồn nước đầy đủ và năm trước huyện không tổ chức sản xuất vụ lúa hè thu), trong đó: cây lúa đạt 42.788,4 ha, tăng 4,8%; năng suất đạt 60,5 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha; sản lượng đạt 258.796,3 tấn, tăng 10,8%. Cây bắp đạt 5.592,9 ha, giảm 14%; sản lượng đạt 35.183,4 tấn, giảm 12,3%, nguyên nhân giảm chủ yếu ở huyện Hàm Thuận Nam do ảnh hưởng thời tiết khô hạn cục bộ ở các xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh gieo trồng muộn, năng suất đạt 62,9 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha.
Vụ mùa: diện tích sơ bộ đạt 87.011,1 ha, tăng 0,6% so với năm trước; diện tích tăng tập trung vào các cây chủ yếu ở cây lúa, rau; nguyên nhân tăng do giá lúa, rau một số sản phẩm cây hàng năm khác ổn định, kích thích nông dân xuống giống trong vụ, trong đó diện tích cây lương thực đạt 49.562,4 ha, tăng 2,5% (cây lúa diện tích 44.252.5 ha, tăng 2,8%; năng suất đạt 58,9 tạ/ha, sản lượng đạt 260.613,7 tấn, tăng 2,8%. Cây bắp diện tích đạt 5.309,9 ha, giảm 0,1%; năng suất đạt 63,8 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; sản lượng ước đạt 33.900 tấn tăng 0,1% so với năm trước).
1.2. Cây lâu năm
Tổng diện tích trồng cây lâu năm sơ bộ đạt 107.998,9 ha, giảm 0,67% so với năm trước, trong đó: diện tích cây công nghiệp đạt 65.799,7 ha, giảm 2,2%; diện tích cây ăn quả đạt 41.527,6 ha, tăng 1,8%; các loại cây lâu năm khác đạt 671,6 ha, tăng 3,3%. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
- Thanh long: diện tích đạt 25.800 ha, giảm 2,67% so với năm trước, nguyên nhân giảm do ảnh hưởng giảm giá từ năm trước, một số diện tích thanh long già, năng suất thấp người dân chuyển đổi cây trồng. Trong năm 2024 nhìn chung giá bán thanh long ổn định, nhiều hộ tập trung chong đèn trái vụ, đặc biệt những tháng cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu cao vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán và xuất khẩu; năng suất đạt 217,9 tạ/ha (tăng 1,9 tạ/ha); sản lượng đạt 560.000 tấn, giảm 1,9% so với năm trước. Tính đến ngày 15/12/2024, toàn tỉnh có 8.541,2 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
- Cây sầu riêng: diện tích đạt 4.269,7 ha, tăng 30% so với năm trước, diện tích tăng ở các huyện Đức Linh; Hàm Thuận Bắc; Hàm Thuận Nam;... do nhu cầu thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, giá đầu ra tăng đột biến, một số vùng có khí hậu thích hợp người dân chuyển đổi một số loại cây không hiệu quả sang trồng sầu riêng. Năng suất đạt 122 tạ/ha; sản lượng thu hoạch đạt 19.586,9 tấn, tăng 34% so với năm trước, nguyên nhân năng suất và sản lượng tăng cao nhờ điều kiện chăm sóc tốt đồng thời do nhiều diện tích đã qua giai đoạn kiến thiết, đến độ tuổi cho thu hoạch ổn định.
- Cây xoài: diện tích đạt 4.451,3 ha, tăng 10% so với năm trước, diện tích tăng ở các huyện Bắc Bình (tăng 342 ha); Hàm Tân (tăng 45,1 ha); Hàm Thuận Bắc (tăng 21,2 ha). Trong những năm gần đây một số diện tích thanh long trồng lâu năm, năng suất thấp người dân chuyển đổi sang trồng các giống xoài có năng suất, giá trị kinh tế cao như xoài cát Hòa Lộc và xoài Thái; các huyện còn lại không có nhiều biến động. Năng suất đạt 93,1 tạ/ha (tăng 5,2 tạ/ha); sản lượng thu hoạch đạt 28.972,2 tấn, tăng 7,2% so với năm trước, năng suất và sản lượng tăng cao là do một số diện tích trồng mới đã đến kỳ thu hoạch.
- Cây điều: diện tích đạt 16.635,6 ha, giảm 5,42% so với năm trước. Diện tích giảm nhiều nhất ở huyện Đức Linh do một số vườn điều già cỗi ở các xã Đông Hà, Trà Tân, Tân Hà, Đa Kai, Mê Pu cho năng suất thấp người dân chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như sầu riêng, xoài, cao su...; huyện Bắc Bình giảm ở xã Hòa Thắng và xã Phan Rí Thành, do diện tích trồng trên đất cát bạc màu, lão hóa, năng suất thấp người dân chặt bỏ chuyển nhượng đất; huyện Hàm Thuận Bắc chủ yếu giảm ở xã La Dạ người dân chuyển sang trồng sầu riêng; các địa phương còn lại diện tích không có nhiều thay đổi. Sản lượng đạt 12.500 tấn, giảm 4,3% so với năm trước. Nhìn chung, giá điều những năm gần đây ổn định, tuy nhiên, do nhiều diện tích điều đã trồng lâu năm, già cỗi, năng suất thấp nên người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây khác hiệu quả hơn.
- Cao su: diện tích đạt 45.100 ha, giảm 0,94% so với năm trước, nguyên nhân giảm chủ yếu do thanh lý một số diện tích già, năng suất thấp. Năng suất 17,1 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha), sản lượng đạt 67.500 tấn, giảm 0,7%. Trong năm 2024, thị trường xuất khẩu cao su có nhiều tín hiệu tích cực, giá bán mủ cao su tăng nhẹ phần nào cải thiện thu nhập cho người trồng, các địa phương đã tận dụng cơ hội này để duy trì sản xuất tập trung vào việc cải tạo vườn cây, các giống cao su mới trồng những năm gần đây có khả năng kháng bệnh, cho năng suất cao hơn.
- Cây tiêu: diện tích đạt 772,1 ha, giảm 11,4% so với năm trước. Diện tích giảm chủ yếu ở huyện Tánh Linh, Đức Linh; các huyện còn lại diện tích không có nhiều biến động. Mặc dù giá tiêu có sự phục hồi và tăng nhẹ, nhưng tình trạng sâu bệnh vẫn diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, khiến người dân hạn chế đầu tư vào mở rộng diện tích, sản lượng thu hoạch đạt 1.100 tấn, giảm 11,4% so với năm trước.
- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.
1.3. Tình hình thủy lợi phục vụ sản xuất
Trong năm 2024, đã chủ động thực hiện tốt công tác chống hạn và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt của người dân, sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo cung ứng đủ lượng nước thô cấp cho các nhà máy nước đô thị, các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp nước từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện năm 2024 đạt 113.457 ha, đạt 98,7% kế hoạch, cụ thể: diện tích tưới lúa, hoa màu 96.670 ha, đạt 101,9% kế hoạch; diện tích tưới cây thanh long và cây ăn quả 16.376 ha, đạt 83,3% kế hoạch; diện tích cấp nước nuôi trồng thủy sản 411 ha, đạt 100% kế hoạch. Tổng lượng nước thô từ công trình thủy lợi cung cấp phục vụ sinh hoạt và hoạt động công nghiệp năm 2024 ước đạt 45.472.000 m3, đạt 119,7% kế hoạch.
1.4. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng
Trong năm không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng; dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát tốt. Cây lúa bệnh sâu đục thân gây hại diện tích 436 ha, bệnh đạo ôn lá nhiễm 1.014 ha nhiễm nhẹ, bệnh sâu cuốn lá nhiễm 471 ha nhiễm nhẹ, bệnh bọ trĩ nhiễm 216 ha nhiễm nhẹ, bệnh bạc lá (cháy bìa lá, khô đầu lá) do vi khuẩn nhiễm 274 ha, diện tích chuột gây hại là 265 ha. Cây thanh long bệnh đốm nâu cành nhiễm bệnh là 5.085 ha, bệnh vàng cành nhiễm 2.123 ha, bệnh thối rễ teo tóp cành nhiễm 1.408 ha, ốc sên nhiễm 1.114 ha, bệnh bọ trĩ, bọ xít và bọ xòe gây hại nhiễm 666 ha; cây điều nhiễm bệnh thán thư 340 ha nhiễm nhẹ; cây tiêu nhiễm bệnh chết chậm là 30 ha; cây bắp bệnh sâu keo mùa thu nhiễm 192 ha; cây mì bệnh khảm lá virus hại mì nhiễm bệnh 385 ha nhiễm nhẹ. Các loài sâu bệnh hại trên những cây trồng khác xuất hiện và gây hại với mật độ thấp. Nhìn chung, diện tích bị sâu bệnh tăng nhẹ so năm trước nhưng chỉ xảy ra rải rác, mức độ gây hại không đáng kể, được nông dân phun xịt kịp thời.
1.5. Tình hình thiệt hại do thiên tai
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh xảy ra tương đối phức tạp với nhiều loại hình như: hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, dông sét, lốc xoáy, gió mạnh trên biển, sóng lớn, sạt lở cát và sạt lở bờ biển... làm sập, tốc mái, hư hỏng 817 căn nhà; thiệt hại 5.011 ha diện tích sản xuất nông lâm nghiệp; hư hỏng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), tổng giá trị thiệt hại khoảng 40,43 tỷ đồng.
2. Chăn nuôi
Trong năm 2024, ngành chăn nuôi phát triển thuận lợi với nhiều tín hiệu tích cực: giá thịt hơi tăng, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi; công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn. Chăn nuôi trâu, bò duy trì ổn định và tăng nhẹ; chăn nuôi lợn và gia cầm chuyển dịch mạnh theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, sinh học và mô hình hữu cơ đạt hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, hướng đến phát triển bền vững ngày càng đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước.
- Chăn nuôi trâu, bò: toàn tỉnh có 8.650 con trâu, tăng 0,12% so với năm trước, do đặc điểm sinh trưởng chậm, các hộ chăn nuôi chủ yếu duy trì tổng đàn mà không mở rộng quy mô ồ ạt như các loại vật nuôi khác; đàn bò là 186.570 con, tăng 2,0% so với năm trước, chăn nuôi đàn bò duy trì phát triển theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng, các chương trình lai tạo đàn bò được nhiều hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh tích cực hưởng ứng, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng giống và gia tăng giá trị kinh tế, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn không ngừng tăng cao, khẳng định hiệu quả của các chương trình lai tạo phản ánh sự chuyển biến tích cực trong việc hiện đại hóa và phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững.
- Chăn nuôi lợn: toàn tỉnh có 406 ngàn con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 5,84% so với năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng là do các doanh nghiệp mở rộng tái đàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao dịp lễ, Tết. Chăn nuôi lợn chuyển hướng sang nuôi công nghiệp, chăn nuôi truyền thống gặp nhiều khó khăn như chi phí cao, khó kiểm soát dịch bệnh, và tiếp cận thị trường yếu, khiến nhiều hộ phải thu hẹp hoặc ngừng sản xuất. Ngược lại, các doanh nghiệp và trang trại lớn tận dụng được lợi thế quy mô, mô hình khép kín, kiểm soát chi phí, dịch bệnh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời ứng dụng công nghệ cao và tiêu chuẩn an toàn sinh học để nâng cao năng suất, đáp ứng thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
- Chăn nuôi gia cầm: toàn tỉnh có 7.050 ngàn con, tăng 3,8% so với năm trước, trong đó: đàn gà có 5.545 ngàn con, tăng 3,41% (do phát sinh thêm 02 doanh nghiệp mới ở huyện Đức Linh và 01 doanh nghiệp mới ở huyện Hàm Tân); đàn vịt có 1.337 ngàn con, tăng 5,7% (doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi tăng đàn nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ vịt như trứng, thịt có xu hướng gia tăng trong dịp Tết); đàn ngan có 27 ngàn con, giảm 15,7% (giảm mạnh do thị trường tiêu thụ kém các hộ chuyển đổi sang vật nuôi khác); đàn ngỗng có 3 ngàn con, tăng 1%; đàn chim cút có 125 ngàn con, tăng 5,7% (do sản phẩm trứng cút đang có nhu cầu cao, thị trường tiêu thụ ổn định); đàn bồ câu có 13 ngàn con, tăng 6,4% (tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, các địa phương đang phát triển đàn).
* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật:
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như: dịch cúm gia cầm, bệnh viên da nổi cục trên trâu bò, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh tai xanh trên lợn, bệnh dại trên chó mèo.
- Thực hiện tiêm phòng 1.648,7 ngàn liều vắc xin (trong đó trâu, bò 33,4 ngàn liều; lợn 42,3 ngàn liều; gia cầm 1.569,2 ngàn liều). Lũy kế năm 2024 đã tiêm phòng được 22.233,2 ngàn liều (trong đó trâu, bò 287,7 ngàn liều; lợn 634,2 ngàn liều và gia cầm 21.258,8 ngàn liều).
- Kiểm dịch 106,9 ngàn con lợn; 1,2 ngàn con trâu bò; 257,2 ngàn con gia cầm; 36,3 tấn thịt các loại; 6,4 tấn thịt sơ chế và 4,7 triệu quả trứng gia cầm. Lũy kế năm 2024 đã kiểm dịch 1,6 triệu con lợn; 16,9 ngàn con trâu bò; 2,2 triệu con gia cầm; 5,2 ngàn tấn thịt các loại; 57,4 triệu quả trứng gia cầm và 86,2 tấn thịt sơ chế.
3. Sản xuất lâm nghiệp
- Công tác trồng rừng: Tập trung đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh rừng, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở; đã thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.730 ha tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở. Công tác bảo tồn, phát triển những khu vực có rừng, cây tái sinh ven sông, ven biển tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng đạt 610 ha, tăng 1,45% so với năm trước; Năm 2024 ước đạt 4.800 ha, tăng 1,3% so với năm trước. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng 43%. Triển khai thực hiện tốt công tác giao khoán bảo vệ rừng, diện tích khoán bảo vệ rừng sơ bộ năm 2024 đạt 150.915 ha, tăng 12,6% so với năm trước. Sản lượng gỗ khai thác năm 2024 ước đạt 291,7 nghìn m3, tăng 0,62% so với năm trước; 198 nghìn ste củi, tăng 1,68%; sản lượng gỗ tăng do chất lượng rừng trồng được nâng cao cộng với giống cây lâm nghiệp cho năng suất cao, diện tích khai thác có trữ lượng lớn, cộng với diện tích rừng trồng của các hộ dân, trang trại đến kỳ khai thác phải thu hoạch.
- Công tác phòng, chống cháy rừng: Tích cực triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024; trong tháng không có trường hợp cháy rừng xảy ra trên địa bàn, lũy kế đến ngày 15/12/2024 toàn tỉnh đã xảy ra 21 trường hợp cháy thực bì (lá, cỏ khô...) dưới tán rừng, các trường hợp cháy được phát hiện sớm và chữa cháy kịp thời nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở. Đẩy mạnh theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh; xác định các khu vực trọng điểm thường xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật; thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý theo quy định; từ đầu năm đến ngày 15/12/2024, đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 287 vụ vi phạm, giảm 02 vụ so với năm 2023; toàn tỉnh xảy ra 64 vụ lấn, chiếm đất rừng với diện tích 23,1 ha, tăng 39 vụ so với năm 2023, đã được lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản vi phạm và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật.
4. Thuỷ sản
- Nuôi trồng thủy sản: Tình hình nuôi trồng thủy sản từ đầu năm đến nay tương đối thuận lợi và ổn định, không có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra; tiếp tục đầu tư phát triển theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao tăng năng suất. Nuôi thủy sản nước lợ có sự chuyển biến tích cực về công nghệ nuôi; nuôi nước ngọt duy trì ổn định tại địa bàn các huyện Đức Linh, Tánh Linh, nuôi cá Tầm trên hồ Đa Mi. Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng đạt 252 ha, tăng 1,41% so với cùng kỳ; ước cả năm 2024 đạt 2.711,2 ha, tăng 1,28% so với năm trước (trong đó diện tích nuôi cá 1.854 ha, tăng 1,23%; diện tích nuôi tôm 738,5 ha, tăng 1,82%). Sản lượng nuôi trồng trong tháng đạt 1.132,2 tấn, tăng 1,46% so với cùng kỳ; ước cả năm 2024 đạt 10.400 tấn, tăng 1,23% so với năm trước chủ yếu là nuôi thủy sản nội địa (chủ yếu nuôi cá) tập trung ở các huyện Tánh Linh, Đức Linh, Phú Quý và nuôi tôm thâm canh ở một số huyện như Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi, trong đó cá nuôi ước cả năm 5.255,8 tấn, tăng 1,26% so với năm trước và sản lượng tôm nuôi đạt 4.947,1 tấn, tăng 1,28%.
- Sản lượng khai thác: Tình hình khai thác thủy sản biển trong năm nhìn chung thuận lợi và ổn định, ngư dân ra khơi bám biển đều trên các tuyến. Tập trung đẩy mạnh phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững; đội tàu xa bờ của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều được trang bị thiết bị hiện đại đảm bảo hoạt động khai thác dài ngày trên các vùng biển xa, đồng thời tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2024 sơ bộ đạt 239.600 tấn, tăng 1,81% so với năm trước, trong đó sản lượng khai thác biển 239.004,3 t tấn, tăng 1,8 (cá 148.934,3 tấn, giảm 5,8%; tôm 4.748,1 tấn, tăng 2,26%; hải sản khai thác biển khác 85.321,9 tấn, tăng 18,45%)
- Sản xuất giống thuỷ sản: Tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh năm 2024 khá thuận lợi, sản lượng tôm giống ước 23,5 tỷ post, tăng 3,04% so với năm trước.
- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân; quản lý, ngăn chặn không để vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu, theo dõi tàu cá hoạt động trên biển, tại cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tăng cường thực thi pháp luật xử lý vi phạm. Tập trung quản lý, ngăn chặn tàu nguy cơ cao, từ đầu năm đến nay không có tàu cá, ngư dân Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện nay cơ bản hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép thủy sản cho tàu cá “03 không”, đã cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase, có 3.356 tàu cá chiều dài từ 12m trở lên còn hạn đăng kiểm, có 4.124 tàu cá được cấp giấy chứng nhận/cam kết ATTP. Đã lắp đặt thiết bị VMS cho 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đang hoạt động, tiếp tục phát huy Hệ thống giám sát tàu cá trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vi phạm vùng biển nước ngoài; công tác thống kê tàu cá, giám sát sản lượng lên bến, truy xuất nguồn gốc có nhiều tiến bộ; thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU tiếp tục được tăng cường, từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm ngư đã phát hiện và xử lý 481 vụ vi phạm nguồn lợi thủy sản với tổng số tiền phạt 4,5 tỷ đồng, tăng 113 vụ so với năm trước.
5. Công tác ứng dụng KHCN và khuyến nông vào sản xuất
Ngành trồng trọt, chăn nuôi tăng cường sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao, chuyên canh, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màn, nhà lồng trên địa bàn tỉnh đạt 78,6 ha với 395 nhà màn (chủ yếu trồng rau các loại, dưa lưới...); 42.090 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước (SRI, ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, tưới nông độ phơi); 27.243 ha cây trồng cạn áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (nhỏ giọt, phun mưa), chiếm 45,3% diện tích cây trồng cạn cần tưới. Có 06 tổ chức sản xuất với diện tích khoảng 130 ha (thanh long và nho) được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn nước ngoài và 01 mô hình trồng cây bụp giấm (quy mô 8 ha) được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017. Thu hút được nhiều dự án lớn về chăn nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao, dự án nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình VAC trang trại.... Toàn tỉnh hiện có 63 trang trại chăn nuôi heo, gà tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ cao tự động hóa, 03 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt, Công ty Cổ phần Thuỷ sản Việt Úc và Công TNHH Đầu tư Thuỷ sản Nam Miền Trung), 01 doanh nghiệp nuôi tôm áp dụng phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến như ASC, BAP, GlobalGAP.
6. Phát triển nông thôn
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa vào sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh hiện có 77/93 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 82,8%, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục duy trì 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Quý, Đức Linh).
II. Công nghiệp; xây dựng; đầu tư phát triển
1. Công nghiệp
Trong năm 2024 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có mức tăng ở ba nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải; ngành khai khoáng giảm so với năm trước.
1.1. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)
Chỉ số IIP trong tháng ước giảm 4,98% so với tháng trước và tăng 16,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,89%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 21,85%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 15,21%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,30%.
Dự ước quý IV/2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 16,61% so với quý trước và tăng 31,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,24%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 17,01%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 39,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,46%.
Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 10,97% so với năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 3,32%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,76%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,27%. Mức tăng chung của năm 2024 chủ yếu do sự đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; và sự phục hồi của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như: chế biến thủy sản, giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều…
1.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Các sản phẩm sản xuất năm 2024 tăng so với năm trước gồm: Thủy sản đông lạnh tăng 7,92%; muối hạt tăng 45,27%; hạt điều nhân tăng 13,42%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) tăng 5,2%; quần áo may sẵn tăng 8,52%; gạch các loại tăng 2,95%; nước máy sản xuất tăng 5,13%; điện sản xuất tăng 12,34%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ tăng 29,22%; dép các loại tăng 39,34%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 23,93%; đá khai thác giảm 1,40%; thủy sản khô giảm 20,58%; nước mắm giảm 14,90%; sơ chế mủ cao su giảm 11,88%; thức ăn gia súc giảm 23,45%.
1.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động trong tháng tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 5,55% so cùng kỳ; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 22,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,88%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,83%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,49%.
Tính chung cả năm 2024 chỉ số sử dụng lao động tăng 7,70%; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 7,83%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,39%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,11%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,70%. Theo loại hình doanh nghiệp, khối doanh nghiệp nhà nước giảm 4,57% so với năm trước; doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 8,31%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,26%.
1.4. Chỉ số tiêu thụ
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước tăng 9,82% so với tháng trước và tăng 11,65% so với cùng kỳ; Cả năm 2024 chỉ số tiêu thụ giảm 0,47% so với năm trước.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất đồ uống tăng 8,24%; sản xuất trang phục tăng 3,25%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 55,13%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,02%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 6,11%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 6,40%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 22,08%.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 24,85%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 25,43%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 22,56%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 15,10%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 16,20%.
1.5. Chỉ số tồn kho
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng ước giảm 0,23% so với tháng trước và tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho tăng so cùng kỳ: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 156,28%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 59,70%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 278,69%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,57%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 70,45%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,91%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 27,81%. Ngược lại cũng có ngành giảm như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 31,95%; sản xuất đồ uống giảm 51,08%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 32,73%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 30,09%.
1.6. Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo
Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến chế tạo quý IV/2024 cho thấy xu hướng: Có 44,78% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước (quý III/2024 so với quý II/2024: 41,79%); 32,84% đánh giá khó khăn hơn (quý III/2024 so với quý II/2024: 16,42%) và 22,39% số doanh nghiệp cho rằng ổn định (quý III/2024 so với quý II/2024: 41,79%).
Doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 41,07% chiều hướng tốt lên; 35,71% có chiều hướng giữ nguyên và 23,21% có chiều hướng khó khăn hơn; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có 60,0% doanh nghiệp chiều hướng tốt lên; 20,0% có chiều hướng giữ nguyên và 20,0% có chiều hướng khó khăn hơn; doanh nghiệp nhà nước đánh giá 100% tốt lên.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý IV/2024, có 59,70% doanh nghiệp đánh giá do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 56,72% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 40,30% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 31,34% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên nhiên vật liệu; 16,42% doanh nghiệp cho rằng không tuyển dụng được lao động theo yêu; 23,88% doanh nghiệp cho rằng do gặp khó khăn về tài chính; 25,37% doanh nghiệp cho rằng lãi xuất vay vốn cao; 16,42% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 14,93% doanh nghiệp cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu; 7,46% doanh nghiệp đánh giá lý do chính sách pháp luật của nhà nước; 1,49% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay; 2,99% doanh nghiệp đánh giá thiếu năng lượng.
Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2025 so với quý IV năm 2024: Có 68,66% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó có 35,82% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 32,84% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,34% dự báo khó khăn hơn.
1.7. Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)
Trong năm, hoạt động của các doanh nghiệp tại các KCN cơ bản duy trì ổn định. Có 02 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, 02 doanh nghiệp mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất… Đến nay, có 65 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (gồm 44 doanh nghiệp trong nước và 21 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Doanh thu của các doanh nghiệp KCN năm 2024 đạt 9.450 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước; xuất khẩu đạt 250 triệu USD và nộp ngân sách đạt 255 tỷ đồng, tăng 59,3% so với năm trước.
2. Xây dựng
Giá trị sản xuất ngành xây dựng quý IV/2024 theo giá hiện hành ước đạt 7.077,6 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ. Ước cả năm 2024, giá trị sản xuất xây dựng theo giá hiện hành ước đạt 21.690,7 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 231,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,1%), giảm 23,7% so với năm trước; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 15.830,9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 73%), tăng 15,1% so với năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 262 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,2%), tăng 37,3% so với năm trước; loại hình kinh tế khác ước đạt 5.366,2 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 24,7%), tăng 6,1% so với năm trước.
Theo loại công trình, giá trị sản xuất theo giá hiện hành ước quý IV/2024 công trình nhà ở đạt 2.077,8 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ; công trình nhà không để ở đạt 1.211,1 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ; công trình kỹ thuật dân dụng 3.225,7 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 563,1 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2024, giá trị sản xuất theo giá hiện hành loại công trình nhà ở đạt 6.005 tỷ đồng, tăng 1,1% so với năm trước; công trình nhà không để ở đạt 4.293,6 tỷ đồng, tăng 42,8% so với năm trước, tăng chủ yếu các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tầm cỡ quốc gia, một số công trình trường học, trụ sở, khu công nghiệp…; công trình kỹ thuật dân dụng 9.492,3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước do thi công nhiều kè biển, công trình giao thông, gói thầu công trình phụ của các tuyến cao tốc trên địa bàn; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 1.899,7 tỷ đồng, tăng 0,6% so với năm trước, do cùng kỳ năm trước thi công một số hạng mục của các tuyến cao tốc, năm nay chỉ còn thi công các công trình của tỉnh nên có phần tăng không đáng kể.
Theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất quý IV/2024 đạt 4.068,8 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ. Ước cả năm 2024, giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh ước đạt 12.436,1 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước. Trong đó công trình nhà ở đạt 3.444,6 tỷ đồng, tăng 0,8% so với năm trước; công trình nhà không để ở đạt 2.473,9 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm trước; công trình kỹ thuật dân dụng 5.433,3 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước; hoạt động xây dựng chuyên dụng 1.084,3 tỷ đồng, giảm 2,2% so với năm trước.
Kết quả khảo sát xu hướng hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp xây dựng quý IV/2024 so quý III/2024 với 23,8% doanh nghiệp nhận định hoạt động thuận lợi hơn, 38,1% doanh nghiệp nhận định hoạt động ổn định và 38,1% doanh nghiệp nhận định hoạt động khó khăn hơn. Dự báo quý I/2025 so với quý IV/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động SXKD tốt lên với 19% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 33,4% nhận định ổn định và 47,6% dự báo khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 là giảm 14,3%. Chỉ số cân bằng chung quý I/2025 so với quý IV/2024 là giảm 28,6%.
3. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng ước đạt 713,7 tỷ đồng, tăng 18,23% so với tháng trước và tăng 12,91% so năm trước. Năm 2024 ước đạt 4.327,6 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm trước, đạt 85,12% so với kế hoạch. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.763,6 tỷ đồng, tăng 8,02%, đạt 84,72% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 511,2 tỷ đồng, giảm 3,19% so với năm trước, đạt 87,86% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 52,8 tỷ đồng, giảm 21,37% so với năm trước, đạt 87,97% so với kế hoạch.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn trong quý IV/2024 ước đạt 16.160,5 tỷ đồng, tăng 12,84% so với năm trước. Dự ước cả năm đạt 49.240,5 tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm trước, trong đó vốn nhà nước đạt 11.003 tỷ đồng, tăng 5,9% và chiếm 22,3% trong tổng số vốn thực hiện; vốn ngoài nhà nước đạt 34.984,4 tỷ đồng, tăng 12,2% và chiếm 71,1% trong tổng số vốn thực hiện; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 3.253,1 tỷ đồng, tăng 10,82% và chiếm 6,6% trong tổng số vốn thực hiện.
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 01 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 218 ha, tổng vốn đăng ký 12.077 tỷ đồng; 01 dự án điều chỉnh; 01 dự án khởi công; không có dự án nào đi vào hoạt động; 01 dự án chấm dứt hoạt động; Cả năm 2024 có 19 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích đất 404 ha, tổng vốn đăng ký 17.186 tỷ đồng; có 21 dự án điều chỉnh; 15 dự án khởi công xây dựng; 15 dự án đi vào hoạt động kinh doanh và 24 dự án thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tình hình đăng ký kinh doanh trong tháng (từ ngày 15/11-14/12/2024) có 72 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 14,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký mới là 901 tỷ đồng, tăng 64,1% so với cùng kỳ; giải thể 16 doanh nghiệp, giảm 27,27% so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 13 doanh nghiệp, giảm 35% so với cùng kỳ, hoạt động trở lại 08 doanh nghiệp, giảm 27,27% so với cùng kỳ. Cả năm 2024, có 713 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký mới 8.815,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; giải thể 154 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ; tạm ngừng hoạt động 467 doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ.
III. Thương mại; giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải
1. Thương mại
Năm 2024 hoạt động thương mại, dịch vụ ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Lưu thông hàng hóa thông suốt, tình hình thị trường và giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức. Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tiếp tục được quan tâm. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển ổn định, thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế tại địa phương. Hoạt động vận tải kho bãi năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp, tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ trong tháng đạt 9.840,4 tỷ đồng, tăng 2,01% so với tháng trước và tăng 12,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ước tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 6.438,6 tỷ đồng, tăng 1,69% so với tháng trước và tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước (nhóm lương thực, thực phẩm đạt 3.179,3 tỷ đồng, tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 10,23% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc đạt 244,9 tỷ đồng, tăng 2,53% so với tháng trước và tăng 4,40% so với cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình dự ước 524,9 tỷ đồng, tăng 4,25% so với tháng trước và tăng 10,79% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại dự ước 1.168,7 tỷ đồng, tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 30,62% so với cùng kỳ; nhóm hàng hoá khác đạt gần 322,7 tỷ đồng, tăng 2,44% so với tháng trước và tăng 18,65% so với cùng kỳ). Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành trong tháng ước đạt 2.232,7 tỷ đồng, tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 16,30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các ngành dịch vụ khác trong tháng ước đạt 1.169,1 tỷ đồng, tăng 1,44% so với tháng trước và tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ quý IV/2024 đạt 29.198,5 tỷ đồng, tăng 3,99% so với quý trước và tăng 13,66% so với quý cùng kỳ năm trước. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.101,9 tỷ đồng, tăng 9,13% so với quý trước và tăng 14,04% so với quý cùng kỳ năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 6.498,8 tỷ đồng, giảm 4,5% so với quý trước và tăng 15,99% so với quý cùng kỳ năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 3.597,8 tỷ đồng, giảm 4,54% so với quý trước và tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ ước đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 7,64% so với quý trước và giảm 2,43% so với quý cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2024 tình hình thị trường bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ tăng trưởng tương đối ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong dịp cuối tuần, lễ, tết. Các trung tâm siêu thị, chợ, các cơ sở kinh doanh luôn mở cửa phục vụ. Các cơ sở kinh doanh tăng cường phục vụ người dân và du khách, không để xảy ra gián đoạn kinh doanh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, giá cả thị trường hàng hoá luôn ổn định, không tăng đột biến. Hoạt động du lịch, nhà hàng, cơ sở ăn uống, cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác luôn mở cửa phục vụ cho người dân và du khách. Năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 110.498,6 tỷ đồng, tăng 15,72% so với năm trước. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 70.999,9 tỷ đồng, tăng 15,46% so với năm trước; doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 25.099,6 tỷ đồng, tăng 14,40% so với năm trước; doanh thu các ngành dịch vụ khác ước đạt 14.399,1 tỷ đồng, tăng 19,46% so với năm trước. Năm 2024 doanh thu dịch vụ thông tin truyền thông và chuyên môn khoa học công nghệ ước đạt 17,7 tỷ đồng, giảm 1,81% so với năm trước.
* Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào trên thị trường, giữ giá cả ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4686/KH-UBND ngày 11/12/2024 về dự trữ hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Kế hoạch đặt mục tiêu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, đồng thời thúc đẩy đưa hàng hóa về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và các khu, cụm công nghiệp, gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Giá bán của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn luôn thấp hơn từ 5-10% so với giá thị trường cùng thời điểm cho sản phẩm tương tự. Dự kiến tổng mức dự trữ hàng hóa thiết yếu trong kế hoạch này là 420,96 tỷ đồng, bao gồm các đơn vị: Chi nhánh Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận: 253,96 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Thiết: 75 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart La Gi: 31,5 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa: 13,7 tỷ đồng; Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Bình Thuận: 35,6 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ: 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan: 10 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ miền núi dự kiến chi từ 50 -1.000 triệu đồng/cửa hàng hoặc đại lý cho 11 cửa hàng và 5 đại lý tại các xã thuần và thôn dân tộc thiểu số, tổng cộng hơn 1 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Các mặt hàng thiết yếu như gạo: 9,48 tỷ đồng; thực phẩm ăn liền (mì, phở, cháo gói): 32,98 tỷ đồng; ngũ cốc: 3,4 tỷ đồng; đường ăn: 5 tỷ đồng; dầu ăn: 8,97 tỷ đồng; thịt gia súc, gia cầm: 34,3 tỷ đồng; sữa các loại: 18,3 tỷ đồng; rau củ quả: 10,08 tỷ đồng;…
* Công tác quản lý thị trường
Cục Quản lý thị trường đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Trong năm 2024 đã kiểm tra 555 vụ, phát hiện và xử lý 275 vụ vi phạm (01 vụ hàng cấm; 60 vụ hàng nhập lậu; 84 vụ hàng không rõ nguồn gốc xuất sứ; 09 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ; 121 vụ vi phạm khác); tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 5.132,81 triệu đồng (phạt hành chính 3.660,75 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu 1.267,66 triệu đồng và thu khác 204,4 triệu đồng).
2. Giá cả
2.1. Giá tiêu dùng (CPI)
Giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 12 tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 09 nhóm hàng tăng giá:
Giao thông tăng 0,71%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,35%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,32%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,27%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,07%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Có 01 nhóm hàng hàng ổn định (giáo dục 100%), 01 nhóm hàng giảm giá (bưu chính viễn thông giảm 0,03%).
CPI bình quân quý IV/2024 giảm 0,68% so quý trước và tăng 2,09% so với cùng quý năm trước. So cùng kỳ năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 8,14%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 8,01%; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,05%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,61%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,35%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,20%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,26%; bưu chính viễn thông tăng 0,62%; giáo dục tăng 0,62%. Có 01 nhóm hàng giảm giá (giao thông giảm 2,76%). CPI bình quân 12 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,68%.
* Các yếu tố làm tăng CPI trong năm 2024
- Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống năm 2024 tăng 4,53% so với bình quân cùng kỳ. Trong đó, chỉ số giá:
+ Nhóm lương thực tăng 13,15% so bình quân cùng kỳ, trong đó giá gạo tăng mạnh 15,68%, nguyên nhân do tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ, Tết tăng cao;
+ Nhóm thực phẩm tăng 2,03% so bình quân cùng kỳ, do giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, giá thịt chế biến, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá rau tươi các loại, giá quả tươi tăng cao;
+ Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 6,80% so bình quân cùng kỳ, do giá lương thực, thực phẩm, giá gas đang mức cao. Đồng thời chi phí thuê nhân viên và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng tác động làm cho chỉ số giá nhóm này tăng theo.
- Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,33% so bình quân cùng kỳ. Trong nhóm này có 02 mặt hàng tăng cao, như: Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10,62% so bình quân cùng kỳ do nhu cầu sử dụng điện tăng, đồng thời do EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; chỉ số giá gas tăng 7,39% so bình quân cùng kỳ, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo biến động giá gas thế giới.
- Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,75% so bình quân cùng kỳ, tăng do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
- Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,85% so bình quân cùng kỳ, trong đó giá bảo dưỡng xe máy tăng 14,23%, do giá phụ tùng thay thế và chi phí thuê thợ sửa chữa tăng.
- Theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP, ngày 30/6/2024 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng, theo đó bảo hiểm y tế cho cán bộ công chức và người lao động cũng được tăng theo, góp phần làm cho chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao 8,09% so bình quân cùng kỳ.
* Các yếu tố làm giảm CPI trong năm 2024
- Học phí giáo dục giảm 8,53% so bình quân cùng kỳ, do tại địa phương năm học 2023-2024 vẫn thực hiện thu tiền học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 09/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận.
- Chỉ số giá xăng dầu giảm 2,81% so bình quân cùng kỳ, do điều chỉnh giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.
2.2. Tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; giá sản xuất công nghiệp và giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV/2024 giảm 1,25% so với quý trước và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Ba nhóm sản phẩm chính quý IV/2024 có 02 nhóm giảm và 01 nhóm tăng so với quý trước: Sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan giảm 1,73%; sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,45% và sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng giảm 0,36%.
Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý IV/2024 tăng 0,04% so với quý trước và tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2024 tăng 2,37% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,04% so quý trước và giảm 3,98% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,54% so quý trước và tăng 3,40% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho xây dựng tăng 0,23% so quý trước và tăng 1,01% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất công nghiệp quý IV/2024 tăng 1,09% so với quý trước; tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước, bình quân năm 2024 tăng 8,13% so với năm trước. Tróng đó: Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý IV/2024 tăng 1,25% so với quý trước, tăng 3,95% so với năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2024 tăng 0,46% so với quý trước, tăng 5,79% so với năm trước; chỉ số giá sản phẩm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý IV/2024 tăng 1,43% so với quý trước, tăng chủ yếu nhiệt điện than tăng 2,48%, tăng 9,81% so với năm trước (Do chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất điện như giá than hiện ở mức cao, đã tác động làm tăng giá điện các nhà máy nhiệt điện sử dụng than làm nguyên liệu sản xuất); chỉ số giá sản phẩm nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải quý IV/2024 tăng 0,30% so với quý trước, tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu do chi phí đầu vào như chi phí nhân công; đồng thời một số đơn vị điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu).
3. Hoạt động du lịch
Hoạt động du lịch và dịch vụ tiếp tục phát triển, lượng khách đến tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng trên địa bàn tỉnh diễn ra một số hoạt động văn hóa thể thao như: Giải vô địch Taekwondo tranh cúp Chủ tịch VTF lần thứ 2 năm 2024, Liên hoan Diều nghệ thuật toàn quốc, Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Thuận, chương trình “chào năm mới 2025” thu hút khách du lịch và người dân địa phương đến tham gia. Hoạt động lữ hành tiếp tục tăng trưởng, các tour du lịch phục vụ du khách ngày càng tăng; các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động ổn định, tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách du lịch trong tháng ước đạt gần 852 ngàn lượt, tăng 2,14% so tháng trước và tăng 20,04% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 36,7 ngàn lượt khách, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,56 lần so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 1.502,4 ngàn ngày khách, tăng 1,79% so với tháng trước và tăng 16,27% so với cùng kỳ năm trước. Lượt khách quốc tế trong tháng ước đạt 41,5 ngàn lượt khách, tăng 10,98% so với tháng trước và tăng 35,99% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 161,6 ngàn ngày khách, tăng 11,19% so với tháng trước và tăng 31,88% so với cùng kỳ năm trước.
Quý IV/2024 lượt khách du lịch ước đạt 2.485,8 ngàn lượt, giảm 3,79% so với quý trước và tăng 21,33% so với quý cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 110,7 ngàn lượt khách, giảm 9,96% so với quý trước và tăng 2,58 lần so với quý cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 4.396,7 ngàn ngày khách, giảm 6,55% so với quý trước và tăng 13,11% so với quý cùng kỳ năm trước. Lượt khách quốc tế quý IV/2024 ước đạt 106,5 ngàn lượt khách, tăng 46,75% so với quý trước và tăng 28,63% so với quý cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 416 ngàn ngày khách, tăng 31,81% so với quý trước và tăng 25,20% so với quý cùng kỳ năm trước.
Năm 2024 ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhờ phát huy lợi thế về điểm đến và tận dụng hiệu quả các yếu tố thuận lợi, công tác xúc tiến quảng bá du lịch đã được đẩy mạnh, đặc biệt là các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Nhiều điểm đến như NovaWorld Phan Thiết, đảo Phú Quý, các khu du lịch cộng đồng tại huyện Tánh Linh, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, Cù Lao Câu,… đang dần khẳng định vị thế và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhờ những nỗ lực đó, lượng khách du lịch năm 2024 ước đạt 9.657 ngàn lượt khách, tăng 15,64% so với năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 392,5 ngàn lượt khách, tăng 2,09 lần so với năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 17.715,8 ngàn ngày khách, tăng 13,42% so với năm trước. Lượng khách quốc tế ước đạt 393,3 ngàn lượt khách, tăng 43,41% so với năm trước, ngày khách phục vụ ước đạt 1.583,5 ngàn ngày khách, tăng 43,27% so với năm trước. Khách quốc tế đến tỉnh trong năm chủ yếu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan…..
Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước đạt 515,9 tỷ đồng, tăng 3,28% so với tháng trước và tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.684,1 tỷ đồng, tăng 3,13% so với tháng trước và tăng 15,93% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 32,7 tỷ đồng, tăng 7,76% so với tháng trước và tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.503,8 tỷ đồng, giảm 3,49% so với quý trước và tăng 11,57% so với quý cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.906,9 tỷ đồng, giảm 4,94% so với quý trước và tăng 16,41% so với quý cùng kỳ năm trước; dịch vụ lữ hành ước đạt 88,1 tỷ đồng, tăng 4,18% so với quý trước và tăng 2,2 lần so với quý cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 5.893,3 tỷ đồng, tăng 11,67% so với năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 18.915,5 tỷ đồng, tăng 14,71% so với năm trước; du lịch lữ hành ước đạt 291,2 tỷ đồng, tăng 68,14% so với năm trước.
Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 2.164,1 tỷ đồng tăng 1,47% so với tháng trước và tăng 16,72% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 ước đạt 6.366 tỷ đồng, giảm 7,19% so với quý trước và tăng 15,04% so với quý cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2024 đạt 25.826,5 tỷ đồng, tăng 15,77% so với năm trước.
4. Xuất nhập khẩu
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động phức tạp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm 2024 vẫn duy trì đà tăng trưởng, tăng 11,29% so với năm trước, với các mặt hàng nông sản, sản phẩm gỗ, giày dép, hàng hóa khác có mức tăng khá; mặt hàng xuất khẩu chủ lực hàng dệt may tăng 5,64%, thủy sản tăng 6,83%. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,96% so với năm trước.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 86,1 triệu USD, tăng 12,38% so với tháng trước và tăng 32,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 20,9 triệu USD, tăng 13,02% so với tháng trước và tăng 17,51% so với cùng kỳ; nhóm hàng nông sản ước đạt 3,0 triệu USD, tăng 29,35% so với tháng trước và tăng 4,55 lần so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác ước đạt 62,2 triệu USD, tăng 11,40% so với tháng trước và tăng 33,14% so với cùng kỳ.
Dự ước năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 791,5 triệu USD tăng 11,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm hàng thủy sản đạt 225,9 triệu USD tăng 6,83%; nhóm hàng nông sản đạt 23,2 triệu USD tăng 68,62% so với cùng kỳ; nhóm hàng hóa khác đạt 542,4 triệu USD tăng 11,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh nhóm hàng thủy sản giảm so với năm trước thì các nhóm hàng nông sản và hàng hóa khác tăng trưởng khá, chủ yếu các mặt hàng sản phẩm thanh long, hạt điều, cao su, giày dép, hàng hóa khác...
+ Xuất khẩu trực tiếp năm 2024 ước đạt 785,0 triệu USD, tăng 11,97% so với năm trước. Trong đó, thị trường Châu Á ước đạt 578,7 triệu USD, tăng 13,06%; thị trường Đông Á ước đạt 418,4 triệu USD (chủ yếu Nhận Bản, Đài Loan, Trung Quốc) tăng 8,13%; thị trường Đông Nam Á ước đạt 142,9 triệu USD tăng 23,26%; thị trường Tây Á ước đạt 12,2 triệu USD tăng 46,37% (trong đó Ixraen giảm); thị trường Châu Âu đạt 62,5 triệu USD tăng 45,35%, thị trường Đông Âu giảm mạnh (giảm 42,18% so cùng kỳ); thị trường Châu Mỹ đạt 137,2 triệu USD giảm 0,08%, thị trường Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) ước đạt 82,0 triệu USD giảm 19,57%; Châu Phi tăng 5,29% và Châu Đại Dương giảm 31,29%. Một số nước xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như: Nhật Bản chiếm 31,56% (mặt hàng chủ yếu như tôm, cá, thủy sản khác, dệt may, giấy...), Đài Loan chiếm 9,88% (mặt hàng chủ yếu như bộ quần áo, thủy sản khác…), Trung Quốc 7,25% (mặt hàng chủ yếu như thủy sản, giày dép, các loại quặng, thanh long…); Campuchia chiếm 8,17% và Philippin 8,74% (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi); Mỹ chiếm 9,56% (mặt hàng chủ yếu như giày dép, hạt điều, thủy sản…), Côlômbia 4,58% (mặt hàng giày dép, mực tươi). Hoạt động xuất khẩu của tỉnh vào các nước thành viên Hiệp định thương mại tự do gặp nhiều thuận lợi như CPTPP ước tăng 4,31% so cùng kỳ, EVFTA ước tăng 46,11%, UKVFTA ước tăng 33,24%, RCEP ước tăng 11,2%.
+ Ủy thác xuất khẩu năm 2024 ước đạt 6,47 triệu USD, giảm 35,86% so với năm 2023. Mặt hàng ủy thác chủ yếu hàng thủy sản 2,3 triệu USD (tăng 7,28% so với cùng kỳ), hàng dệt may 4,2 triệu USD (giảm 46,73%).
- Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 131,1 triệu USD, tăng 9,38% so với tháng trước và giảm 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước năm 2024 đạt 1.441,3 triệu USD, tăng 16,96% so với năm trước. Chủ yếu vẫn là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu (chiếm 77,10% giá trị), hàng thủy sản, nguyên liệu dệt may, da giày,…
5. Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải, kho bãi năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp, tăng khá so với cùng kỳ năm trước trên tất cả các ngành đường. Đặc biệt những dịp nghỉ Lễ, Tết dài ngày trong năm và các ngày nghỉ cuối tuần nhu cầu đi lại vui chơi, du lịch, nghỉ dưỡng và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân tăng cao. Vận tải đường thuỷ diễn ra thông suốt phục vụ cho du khách và người dân đảo Phú Quý.
- Vận tải hành khách:
+ Lượt khách vận chuyển trong tháng ước đạt 1.114,1 nghìn HK, tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 11,14% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 118.385,0 nghìn HK.Km, tăng 0,47% so với tháng trước và tăng 12,05% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 lượt khách vận chuyển ước đạt 3.394,6 nghìn HK, tăng 15,36% so với quý cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 357.036,0 nghìn HK.Km, tăng 15,08% so với quý cùng kỳ năm trước. Năm 2024, lượt khách vận chuyển ước đạt 14.773,5 nghìn HK, tăng 13,69% so với năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 1.510.520,0 nghìn HK.Km, tăng 15,03% so với năm trước.
+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng lượt khách vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.098,4 nghìn HK, tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 11,20% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 lượt khách vận chuyển ước đạt 3.343,3 nghìn HK, tăng 15,35% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 14.520 nghìn HK, tăng 13,70% so với năm trước. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 15,7 nghìn HK, giảm 0,39% so với tháng trước và tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 lượt khách vận chuyển ước đạt 51,3 nghìn HK, tăng 16,30% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 253,5 nghìn HK, tăng 13,28% so với năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 116.782,4 nghìn HK.Km, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 11,97% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 lượt khách luân chuyển ước đạt 352.032,2 nghìn HK.Km, tăng 14,96% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 1.486.960 nghìn HK.Km, tăng 15% so với năm trước. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1.602,6 nghìn HK.Km, giảm 2,75% so với tháng trước và tăng 18,33% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 lượt khách luân chuyển ước đạt 5.003,8 nghìn HK.Km, tăng 24,24% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 23.560 nghìn HK.Km, tăng 16,99% so với năm trước.
- Vận tải hàng hóa:
+ Khối lượng vận chuyển trong tháng ước đạt 709,3 nghìn tấn, tăng 0,81% so với tháng trước và tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 60.643,1 nghìn tấn.Km, tăng 2,12% so với tháng trước và tăng 11,11% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 khối lượng vận chuyển ước đạt 2.087,0 nghìn tấn, tăng 14,27% so với quý cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 176.591,1 nghìn tấn.Km, tăng 14,23% so với quý cùng kỳ năm trước. Năm 2024, khối lượng vận chuyển ước đạt 7.483,6 nghìn tấn, tăng 11,27% so với năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 648.445,8 nghìn tấn.Km, tăng 17,57% so với năm trước.
+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 705,2 nghìn tấn, tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 khối lượng vận chuyển ước đạt 2.076,4 nghìn tấn, tăng 13,93% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 7.450 nghìn tấn, tăng 11,05% so với năm trước. Vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 4,1 nghìn tấn, giảm 2,1% so với tháng trước, tăng 2,59 lần so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 khối lượng vận chuyển ước đạt 10,6 nghìn tấn, tăng 2,74 lần so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 33,6 nghìn tấn, tăng 97,48% so với năm trước. Luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 60.192,4 nghìn tấn.Km, tăng 2,15% so với tháng trước và tăng 10,64% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 khối lượng luân chuyển ước đạt 175.426 nghìn tấn.Km, tăng 13,79% so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 644.770 nghìn tấn.Km, tăng 17,30% so với năm trước. Luân chuyển hàng hóa đường thủy đạt 450,7 nghìn tấn.Km, giảm 2,1% so với tháng trước, tăng 2,59 lần so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2024 khối lượng luân chuyển ước đạt 1.165,1 nghìn tấn.Km, tăng 2,74 lần so với quý cùng kỳ năm trước; Năm 2024 ước đạt 3.675,8 nghìn tấn.Km, tăng 97,25% so với năm trước.
- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng ước đạt 306,8 tỷ đồng, tăng 1,94% so với tháng trước và tăng 19,74% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 ước đạt 887,5 tỷ đồng, tăng 16,29% so với quý cùng kỳ năm trước. Năm 2024 ước đạt 3.544,2 tỷ đồng, tăng 15,91% so với năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.454,3 tỷ đồng, tăng 16,84% so với năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.590,4 tỷ đồng, tăng 14,26%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 491,8 tỷ đồng, tăng 18,95%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 0,85% so với năm trước.
- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân trong tháng ước đạt 125 ngàn tấn; trong đó xuất cảng 75 ngàn tấn (tro bay, cát, xỉ than, muối xá, quặng), nhập cảng 50 ngàn tấn (xi măng, cao lanh, máy móc, muối xá). Năm 2024 ước đạt 1.334,5 ngàn tấn tăng 3,35% so với năm trước, trong đó xuất cảng 1.101,7 ngàn tấn (gồm tro bay, quặng, muối xá, cát, xỉ than); nhập cảng 232,8 ngàn tấn (muối xá, túi xi măng, cao lanh, máy móc).
IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng
1. Thu, chi ngân sách
Ước thu ngân sách trong tháng đạt 930,2 tỷ đồng, giảm 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2024 ước 10.677,1 tỷ đồng, đạt 106,77% dự toán năm và tăng 2,43% so với năm trước, trong đó thu nội địa 9.457 tỷ đồng, đạt 105,02% dự toán năm, tăng 1,02% so với năm trước. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 8.453,7 tỷ đồng, đạt 111,2% dự toán năm, giảm 0,92%; thu tiền nhà, đất 1.003,4 tỷ đồng, đạt 71,51% dự toán năm, tăng 20,96%; thu thuế xuất nhập khẩu 1.220,1 tỷ đồng, đạt 122,62% dự toán toán năm và tăng 14,92% so với năm trước.
Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu trong tháng ước đạt 511,1 tỷ đồng; năm 2024 kết quả thu 4.501,5 tỷ đồng, đạt 131,89% dự toán năm, tăng 8,95% so với năm trước, trong đó: Phan Thiết 1.920,3 tỷ đồng (đạt 140,27% dự toán, tăng 26,83%); La Gi 387 tỷ đồng (đạt 202,63% dự toán, tăng 22,39%); Tuy Phong 350,3 tỷ đồng (đạt 103,93% dự toán, tăng 2,18%); Bắc Bình 425,6 tỷ đồng (đạt 107,75% dự toán, giảm 11,38%); Hàm Thuận Bắc 447,9 tỷ đồng (đạt 120,42% dự toán, giảm 4,63%); Hàm Thuận Nam 351,8 tỷ đồng (đạt 115,35% dự toán, tăng 7,22%); Tánh Linh 127,3 tỷ đồng (đạt 122,42% dự toán, giảm 10,54%); Đức Linh 215,8 tỷ đồng (đạt 171,3% dự toán, tăng 8,32%); Hàm Tân 233,2 tỷ đồng (đạt 122,07% dự toán, giảm 21,91%) và Phú Quý 42,2 tỷ đồng (đạt 183,69% dự toán, tăng 4,4%).
Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước thực hiện 12.185,8 tỷ đồng, tăng 2,92% so với năm trước; trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.341,8 tỷ đồng, giảm 17,37%; chi thường xuyên 8.840,9 tỷ đồng, tăng 13,44%.
2. Hoạt động tín dụng
Đến 30/11/2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 92.104 tỷ đồng, tăng 4,84% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 7,19%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 90.679 tỷ đồng, chiếm 98,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 59.790,8 tỷ đồng, chiếm 64,9% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 7,2% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 8,9% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 39% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 38% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 6,9% tổng dư nợ. Ước đến 31/12/2024, dư nợ đạt 95.757 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 53.189,6 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 648,8 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.735,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng dư nợ.
Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 1,5-4,1%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 2,8-5,8%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 4,7-6,1%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7,5-12%/năm.
Đến 30/11/2024, vốn huy động ước đạt 59.577 tỷ đồng, tăng 2,76% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,56%); nợ xấu nội bảng trên địa bàn 3.032,2 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,05% so với đầu năm. Ước đến 31/12/2024, vốn huy động đạt 60.585 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cuối năm trước.
Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định 67: tổng số tiền cho vay từ đầu chương trình là 1.075,49 tỷ/120 tàu. Doanh số thu nợ từ đầu chương trình là 206,8 tỷ đồng. Dư nợ (nội bảng) là 44,4 tỷ đồng/18 tàu (trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 8,6 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 35,8 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu còn 0 tỷ đồng). Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 14,36 tỷ đồng/14 tàu, nợ ngoại bảng là 824,3 tỷ đồng/88 tàu, số tàu đã trả hết nợ là 14 tàu.
Bên cạnh tín dụng của ngân hàng thương mại, tín dụng cho các đối tượng chính sách cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm cho vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 5.134 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2024/NĐ-CP đạt 208,7 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt 1.318 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 730,8 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 210 tỷ đồng, ...
Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (60.000 tỷ đồng): đã tích cực triển khai thực hiện đến thời điểm 30/11/2024, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đạt 103 tỷ đồng/92 khách hàng (với lãi suất cho vay ưu đãi 7%-8,5%/năm).
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn (theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN và 06/2024/TT-NHNN), đến 30/11/2024, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.786,1 tỷ đồng/93 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (trong đó: gốc 1.657,5 tỷ đồng, lãi 128,6 tỷ đồng); lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 2.593,3 tỷ đồng/152 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (trong đó gốc 2.378 tỷ đồng, lãi 215,3 tỷ đồng). Đến 30/11/2024, nợ xấu nội bảng trên địa bàn là 3.032,2 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 1,05% so với đầu năm.
Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường. Doanh số mua bán ngoại tệ lũy kế đến 30/11/2024 đạt 480 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 159,7 triệu USD.
Đến 30/11/2024, trên địa bàn có 208 máy ATM, tăng 01 máy so với đầu năm và 1.878 máy POS, tăng 30 máy so với đầu năm, các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn là khoảng 95% và tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động có đăng ký sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử đạt khoảng 73%.
V. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao
1.1 Hoạt động văn hóa
- Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024); kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Tánh Linh (25/12/1974 - 25/12/2024); Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024; Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024; Ngày quốc tế người khuyết tật năm 2024; tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo. Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ IV/2024.
- Hoạt động Thư viện: Cấp 96 thẻ (thiếu nhi 20 thẻ), 173.193 lượt bạn đọc (tại thư viện 1.054 lượt (thiếu nhi 250 lượt), truy cập website 165.243 lượt, qua youtube 3.426 lượt, khai thác sách trực tuyến 674 lượt, truy cập Fanpage 2.616 lượt, sử dụng phòng máy tính 180 lượt); luân chuyển 2.304 lượt sách, tài liệu (thư viện 2.304 lượt (thiếu nhi 363 lượt), tuyên truyền qua website 346 lượt). Sưu tầm 111 tin, bài thông tin tư liệu Bình Thuận; trưng bày, giới thiệu 15 bản sách mới; biên soạn 01 tập thông tin chuyên đề kỷ niệm 204 năm Ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2024); số hóa 9.945 trang/40 tài liệu; nhập báo, tạp chí 428 biểu ghi.
- Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Đón 13.604 lượt khách (1.202 lượt khách quốc tế); phục vụ 09 lễ dâng hương viếng Bác, sinh hoạt chuyên đề. Thực hiện trưng bày triển lãm 75 hình ảnh với chủ đề “Những tấm gương bình dị và cao quý tỉnh Bình Thuận” nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam tại Di tích Dục Thanh. Triển khai Chương trình trải nghiệm, thưởng lãm văn hóa Chăm phục vụ khách tham quan vào ban đêm tại khuôn viên tháp B, di tích tháp Pô Sah Inư.
1.2. Hoạt động thể thao
- Thể dục thể thao quần chúng: Tổ chức giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng - Cúp BTV năm 2024 với sự tham gia của 22 đội bóng (13 đội Thiếu niên và 9 đội Nhi đồng); tổ chức Giải ô tô địa hình Bình Thuận mở rộng - HTV Challenge Cup 2024 với sự tham gia của 80 đội (160 vận động viên) trên toàn quốc tranh tài ở 2 hạng mục là chuyên nghiệp và bán chuyên; tổ chức Giải vô địch Taekwondo các vận động viên xuất sắc quốc gia Cúp Chủ tịch VTF lần thứ II năm 2024 với sự tham gia của 271 vận động viên (150 nam, 121 nữ) đến từ 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Thể thao thành tích cao: Thẩm định, cử đội tuyển Karate, Canoeing, Taekwondo,… tham dự các giải cụm, khu vực, quốc gia, đạt 10 huy chương (03HCV, 02HCB, 05HCĐ). Tính đến nay, đã tham gia 67/68 giải thể thao với 308/133 huy chương, đạt 231,5% so với chỉ tiêu (70HCV, 88HCB, 150HCĐ).
2. Giáo dục và đào tạo
Trong năm 2024 chất lượng giáo dục toàn cấp Tiểu học hoàn thành là 118.731/120.190 học sinh, đạt tỷ lệ 98,79%; chưa hoàn thành là 1.459/120.190 học sinh, chiếm tỷ lệ 1,21% (giảm 0,61% so với năm trước). Chất lượng giáo dục cấp THCS, THPT tăng so với năm trước. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, kết quả có 14 giải, tăng gấp đôi về số lượng giải so với năm học 2022-2023 gồm 03 giải Ba và 11 giải Khuyến khích (03 giải Ba ở các môn: Sinh học, Địa lý, Ngữ văn và 11 giải Khuyến khích ở các môn: Hóa học, Tin học, Sinh học, Địa lý và Ngữ văn). Kết quả học sinh đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học 01 học sinh đạt giải Tư (năm 2023 không có giải).
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 là 99,52%, cao hơn so với năm 2023 là 0,31% (xấp xỉ tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2024: 99,69%). Tổng số học sinh bỏ học của cả tỉnh trong năm học 2023-2024 là 540 học sinh, tỷ lệ 0,23% (giảm 04 học sinh so với năm học 2022-2023). Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp trong năm cho 13.059 người, đạt 130,59% kế hoạch năm, tăng 42,58% so với năm trước.
Tổng số học sinh phổ thông có mặt đầu năm học 2024 -2025 là 245.607 học sinh, trong đó có 119.785 học sinh tiểu học; 85.349 học sinh trung học cơ sở và 40.473 học sinh trung học phổ thông.
3. Y tế
- Phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác: Trong tháng toàn tỉnh có 292 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 9,6% so tháng trước và giảm 16,1% so cùng kỳ năm trước, 06 ca sốt xuất huyết nặng, không có ca tử vong; lũy kế từ đầu năm đến nay có 1.976 ca mắc, 53 ca sốt xuất huyết nặng, không có trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng trong tháng có 28 ca mắc, giảm 61,6% so với tháng trước và giảm 92,9% so cùng kỳ năm trước, không có ca tử vong; lũy kế từ đầu năm đến nay có 789 ca mắc, không có trường hợp tử vong. Bệnh dại trong tháng có 01 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại tại huyện Bắc Bình; lũy kế từ đầu năm đến nay có 10 trường hợp mắc /(nghi) và tử vong do dại.
- Tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh là 1.571/20.171 trẻ, đạt tỷ lệ 7,79%. Số phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván (UV2+) 1.188/20.191 phụ nữ có thai, đạt 5,88 %. Lũy kế từ đầu năm đến nay tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin 18.136/20.171 trẻ, đạt 89,91%, tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi phòng ngừa uốn ván sơ sinh (UV2+) 14.438/20.191 PNCT, đạt 71,51%. Trong tháng tình hình dịch sởi trong nước gia tăng và diễn biến phức tạp một số địa phương đã công bố dịch, tại tỉnh Bình Thuận tuy chưa công bố dịch nhưng tình hình dịch sởi diễn biến khá phức tạp, số ca mắc sởi tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong tháng ghi nhận 202 ca dương tính và trong quý IV/2024 ghi nhận 325 ca dương tính; lũy kế năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 361 ca dương tính và không có trường hợp tử vong do sởi. Hiện tình hình dịch sởi đang được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
- Công tác phòng chống Phong: Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc bệnh phong mới, lũy kế từ đầu năm đến nay không phát hiện bệnh nhân phong mới, số bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh là 352 bệnh.
- Công tác phòng chống Lao: Trong tháng tổng số lượt khám 865 lượt; số bệnh nhân lao thu dung điều trị 165 bệnh nhân; số bệnh nhân lao AFB (+) phát hiện mới trong tháng 123 bệnh nhân. Lũy kế từ đầu năm đến nay có 1.389 bệnh nhân lao thu dung điều trị, 934 bệnh nhân lao AFB (+).
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng số ca nhiễm HIV mới 06 ca; không có ca chuyển AIDS mới, có 01 ca tử vong. Lũy kế từ trước đến nay số ca nhiễm HIV là 1.853 ca; ca nhiễm HIV chuyển AIDS 1.132 ca; số ca tử vong do AIDS là 555 ca.
- Công tác khám chữa bệnh: Trong tháng tổng số lượt khám, chữa bệnh tại 07 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh 87.162 lượt, số bệnh nhân điều trị nội trú là 12.613 bệnh; công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 100,67%.
4. Khoa học - công nghệ; hoạt động thông tin truyền thông
Hoạt động khoa học và công nghệ tiếp tục được chú trọng, tập trung hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các hoạt động thúc đẩy sáng kiến. Trong năm 2024, cấp 01 giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (đến nay, toàn tỉnh có 03 doanh nghiệp khoa học và công nghệ); cấp 01 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học công nghệ. Tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đẩy mạnh triển khai nâng cao Chỉ số Đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền của báo chí kịp thời, đầy đủ phản ánh diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh, biểu dương điển hình tiên tiến, đồng thời phát hiện và phản ánh các vấn đề bất cập để kịp thời chấn chỉnh. Công tác tuyên truyền, dân vận được tăng cường, duy trì phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức với Mặt trận và các đoàn thể, góp phần tạo đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ triển khai chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.... và trao giải cuộc thi, khen thưởng điển hình tiên tiến, có sáng kiến, cách làm hay về Chuyển đổi số.
Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động được đầu tư nâng cấp, phát triển phủ sóng đến mọi địa bàn dân cư; các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, hạ tầng mạng di động 4G, 5G đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số của tỉnh (Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 3G, 4G đạt 99,9%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định (internet cáp quang) đạt 96,02%); ưu tiên triển khai tại các khu du lịch, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, tuyến cao tốc (phát triển thêm 24 trạm BTS trên tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh để khắc phục tình trạng lõm sóng trên cao tốc). Hiện nay, toàn tỉnh có 4.089 trạm BTS, đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp (trong năm, đã phát triển 53 vị trí phát sóng 5G; trong đó, 48 vị trí trạm của Viettel và 05 vị trí của Vinaphone). Chất lượng dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp với gói cước thấp nhất 80Mbps, gói cước cao trên 300Mbps, đường truyền cung cấp cho các doanh nghiệp có tốc độ đạt trên 1.000Mbps đảm bảo hoạt động phát triển thương mại, quảng bá phát triển dịch vụ của các doanh nghiệp. Tổ chức triển khai sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp treo viễn thông trên địa bàn tỉnh.
5. Lao động việc làm và thực hiện các chính sách xã hội
Các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh được triển khai hiệu quả, cùng với sự quan tâm của tỉnh đến an sinh xã hội và các chương trình giảm nghèo đã góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2024 đạt 4,9 triệu đồng (tương đương 58,9 triệu đồng/người/năm), tăng 8,39% so với năm trước. Khu vực nông thôn đạt 4,7 triệu đồng/người/tháng (tương đương 56,1 triệu đồng/người/năm), tăng 9,57% so với năm trước. Mặc dù thu nhập bình quân ở thành thị vẫn cao hơn nông thôn (5,7 triệu đồng/người/tháng, tương đương 68,1 triệu đồng/người/năm), nhưng khoảng cách này đang dần được thu hẹp.
Trong tháng, đã giải quyết việc làm cho 2.328 lao động. Cả năm 2024 đã giải quyết việc làm cho 27.906 lao động, đạt 139,53% kế hoạch và tăng16,49% so với năm trước, trong đó cho vay vốn giải quyết việc làm 8.482 lao động, đạt 605,86% kế hoạch năm. Tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp trong tháng cho 1.266 người, ước cả năm 2024 là16.860 người, đạt 168,6% kế hoạch và tăng 20,11% so với năm trước.
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2024 đã vận động được tổng số tiền 10 tỷ đồng, đạt 165,9% so với kế hoạch năm, trong đó: Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh 2,9 tỷ đồng, đạt 192,5%; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện 7,1 tỷ đồng, đạt 157%. Quỹ Bảo trợ trẻ em năm 2024 đã vận động được tổng số tiền 2,5 tỷ đồng, đạt 124,6% so với kế hoạch năm.
Công tác chính sách người có công được triển khai chu đáo, đảm bảo an sinh xã hội và chi trả trợ cấp kịp thời, đúng chế độ. Các hoạt động tri ân người có công được tổ chức ý nghĩa, bao gồm thăm tặng quà Tết Nguyên đán, tặng quà cho 73 chiến sĩ và gia đình thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; thăm hỏi 300 gia đình liệt sĩ và người có công gặp khó khăn, bệnh tật. Tổ chức cho 666 người có công điều dưỡng tại các tỉnh Bà Rịa Vũng tàu, Nha Trang, Tây Ninh, Bến Tre, Vĩnh Long và Đà Lạt; hỗ trợ 08 nhà ở cho người có công; đưa 05 người có công tiêu biểu dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tại Hà Nội do Trung ương tổ chức. Trao thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước cho 15 người cao tuổi tròn 100 tuổi tại 05 huyện Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi... Hỗ trợ kinh phí cho 6 chiến sĩ hy sinh, 03 chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ; thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh. Tổ chức đưa 90 Người có công đi tham quan Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.548 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 395/7 nữ; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 662 người; 433 người quản lý tại nơi cư trú; trong tại tạm giam 02 người, nhà tạm giữ 56 người). Trong đó: 11 xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; 81 xã, phường, thị trấn không phải trọng điểm; 32 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy.
6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số
Các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đầy đủ, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, đồng bào các dân tộc tuyệt đối tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất, cung ứng kịp thời vật tư, hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất. Đến nay đã tạo điều kiện cho 868 hộ dân tộc thiểu số đăng ký đầu tư với tổng diện tích 1.582 ha và số tiền 10,2 tỷ đồng (trong đó: 699 hộ bắp lai với diện tích 1.465 ha và số tiền 9,4 tỷ đồng; 169 hộ lúa nước với diện tích 117 ha và 760 triệu đồng). Bên cạnh đó, hoạt động thu mua nông sản cũng được chú trọng, trong tháng với gần 3 tấn mủ cao su trị giá gần 34 triệu đồng và trên 1.500 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 12,2 tỷ đồng đã được thu mua; trong quý 4 thu mua gần 10 tấn mủ cao su trị giá gần 120 triệu đồng và trên 3.500 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 20 tỷ đồng giúp bà con ổn định sản xuất và tăng thu nhập. Năm 2024, thu mua gần 25 tấn mủ cao su trị giá gần 330 triệu đồng và trên 4.000 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 23 tỷ đồng.
7. Hoạt động bảo hiểm (Tính đến ngày 30/11/2024)
Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng. Toàn tỉnh có 102.176 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 4,4% so với cùng kỳ; có 93.690 người tham gia BHTN, tăng 4,8%; số người tham gia BHXH tự nguyện 9.257 người, giảm 0,7%; số người tham gia BHYT 1.073.684 người, bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.551 người, tăng 2,1%. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 92,35% dân số (bao gồm người dân làm việc, học tập ngoài tỉnh).
Số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT đạt 99,98%. Toàn tỉnh có 251.199 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 99,9%; 55.306 người tham gia BHYT theo hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, tăng 11.863 người so với tháng trước; 29.108 người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn của 25 xã tham gia BHYT (14.007 người tham gia thuộc đối tượng theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ và 15.101 người tham gia theo các nhóm khác). Xét duyệt giải quyết cho 67.867 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 9,2% so với năm trước (848 người hưởng chế độ BHXH dài hạn, 9.211 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 13.847 người hưởng trợ cấp BHXH một lần, 43.954 lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe). Tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn do BHXH tỉnh quản lý đến đầu tháng 12/2024 là 18.953 người. Tỷ lệ giao dịch điện tử hồ sơ giải quyết các chế độ ngắn hạn tiếp tục duy trì đạt 99,85%.
Tổng số thu 3.052,6 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (thu vượt 4,5% so với dự toán giao). Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 245,2 tỷ đồng, tăng 17,63% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ chậm đóng phải thu 7,59% so với dự toán thu, cao hơn 3,69% so chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng BHXH; tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi 3,43%, cao hơn 0,53% so với chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng phải tính lãi giao trong năm 2024.
Ước thực hiện năm 2024 toàn tỉnh có 131.518 người tham gia BHXH; 97.693 người tham gia BHTN; 1.185.138 người tham gia BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt 93,55% dân số (đã bao gồm người Bình Thuận làm việc, học tập ngoài tỉnh có tham gia BHYT).
8. Tai nạn giao thông (từ 18/11 - 17/12/2024)
Trong tháng xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, giảm 11 vụ so với tháng trước và tăng 01 vụ với cùng kỳ năm trước; bị thương 54 người, tăng 24 người so với tháng trước và không tăng, giảm so với cùng kỳ năm trước; số người chết 22 người; tăng 01 người so với tháng trước và tăng 03 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 01 vụ đường sắt), giảm 03 vụ so với quý trước và tăng 18 vụ so với cùng kỳ năm trước; bị thương 120, tăng 07 người so với quý trước và giảm 02 người so với cùng kỳ năm trước người; số người chết 58 người, tăng 02 người so với quý trước và tăng 16 người so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 599 vụ (trong đó có 05 vụ đường sắt), tăng 285 vụ so với cùng kỳ năm trước; bị thương 518 người, tăng 272 người so với cùng kỳ năm trước; số người chết 188 người (đường sắt 04 người chết), tăng 29 người so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 02 vụ rất nghiêm trọng, 18 vụ nghiêm trọng, 18 vụ ít nghiêm trọng và 23 vụ va chạm; Quý IV/2024 không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 03 vụ rất nghiêm trọng, 53 vụ nghiêm trọng, 41 vụ ít nghiêm trọng và 54 vụ va chạm. Cả năm 2024 không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; có 06 vụ rất nghiêm trọng; 183 vụ nghiêm trọng, 100 vụ ít nghiêm trọng và 310 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.
Chia theo các huyện, thị xã, thành phố năm 2024: Phan Thiết xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, 148 người bị thương, 22 người chết; La Gi xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, 26 người bị thương, 09 người chết; Tuy Phong xảy ra 50 vụ tai nạn giao thông, 32 người bị thương, 17 người chết; Bắc Bình xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, 46 người bị thương, 22 người chết; Hàm Thuận Bắc xảy ra 72 vụ tai nạn giao thông, 44 người bị thương, 36 người chết; Hàm Thuận Nam xảy ra 70 vụ tai nạn giao thông, 70 người bị thương, 25 người chết; Tánh Linh xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, 68 người bị thương, 18 người chết; Đức Linh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, 44 người bị thương, 15 người chết; Hàm Tân xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, 29 người bị thương, 21 người chết; Phú Quý xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông, 11 người bị thương, 02 người chết.
9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường
- Thiên tai: Trong tháng không xảy ra thiên tai, giảm 02 vụ với tháng trước và giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 xảy ra 07 vụ thiên tai, giảm 17 vụ so với quý trước và giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước, ước thiệt hại 635,025 triệu đồng. Năm 2024, xảy ra 44 vụ (giảm 06 vụ so với năm trước), ước thiệt hại 29.050,395 triệu đồng.
- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 02 vụ cháy, tăng 02 vụ so với tháng trước và giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2024 xảy ra 06 vụ cháy, giảm 04 vụ so với quý trước và bằng so với cùng kỳ năm trước, ước thiệt hại 712,5 triệu đồng. Năm 2024, xảy ra 44 vụ cháy (trong đó: 01 vụ nổ), tăng 23 vụ so với năm trước, ước thiệt hại 2.785,04 triệu đồng.
- Vi phạm môi trường: Trong tháng đã phát hiện 03 vụ vi phạm môi trường, bằng so với tháng trước và giảm 03 vụ so với cùng kỳ năm trước; xử phạt 75 triệu đồng. Quý IV/2024 đã phát hiện 16 vụ vi phạm môi trường, tăng 06 vụ so với quý trước và tăng 06 vụ so với cùng kỳ năm trước; xử phạt 1.241,8 triệu đồng. Năm 2024, xảy ra 46 vụ (tăng 17 vụ so với năm trước), xử phạt 2.820,97 triệu đồng.
* Đánh giá chung:
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 vẫn đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, cụ thể:
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 dự ước tăng 7,25%, động lực chính trong tăng trưởng là khu vực công nghiệp xây dựng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản.
Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; diện tích cây trồng, sản lượng lương thực, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) năm 2024 tăng 10,97% so với năm trước, có 10/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ.
Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, đón gần 9,7 triệu lượt khách, tăng 15,64% so với năm trước; hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải đáp ứng nhu cầu của nhân dân; kim ngạch xuất nhập khẩu vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm; đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cơ bản đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa và giải trí của nhân dân. Việc tổ chức các sự kiện thể thao đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao ngày càng phát triển. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhất là trong dịp Lễ, Tết.
Bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn đó là:
Kết quả huy động các nguồn lực phát triển 03 trụ cột kinh tế của tỉnh vẫn còn hạn chế, trong đó: Các dự án năng lượng chậm đưa vào khai thác, vận hành, nhất là các công trình năng lượng tái tạo; nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch còn gặp vướng mắc, khó khăn, chậm được tháo gỡ; các sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách; sản xuất nông nghiệp tuy được duy trì, nhưng nhìn chung các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh chưa thật sự ổn định; vẫn còn thiếu các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao.
CTK Bình Thuận
Kèm file: Số liệu KTXH năm 2024.pdf
([1]) Trong đó: lĩnh vực nông nghiệp tăng 8,3 triệu; lĩnh vực công nghiệp xây dựng tăng 20 triệu; lĩnh vực dịch vụ tăng 14,2 triệu.
TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:
Trang:
/