TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bình Thuận

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn nhiều biến động khó lường, nền kinh tế trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên qua các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

 

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 dự ước tăng 7,10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,75% (nông nghiệp tăng 1,36%, lâm nghiệp tăng 9,12%, thủy sản tăng 8,06%); khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,06% (công nghiệp tăng 12,29%, xây dựng tăng 10,82%); khu vực dịch vụ tăng 6,1%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,40%. Thể hiện trên các lĩnh vực sau:

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì ổn định. Vụ đông xuân nguồn nước được đảm bảo, thuận lợi cho trồng trọt; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm; tuy nhiên bắt đầu vụ hè thu thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao dẫn đến tình hình khô hạn, thiếu nước xảy ra. Ngành chăn nuôi tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Sản lượng thủy sản tăng do ngư trường thuận lợi; bên cạnh đó giá xăng dầu giảm góp phần các tàu thuyền tăng cường ra khơi khai thác, đánh bắt.

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024, sơ bộ diện tích đạt 50.615,7 ha, giảm 0,03% so với vụ cùng kỳ, trong đó cây lương thực đạt 42.839,4 ha, tăng 0,18% (trong đó lúa đạt 39.959,8 ha, tăng 1,4% so với cùng kỳ); sản lượng lương thực đạt 294.118,6 tấn, tăng 1,46% (trong đó sản lượng lúa đạt 270.967,1 tấn, tăng 2,85%).

Tiến độ sản xuất vụ hè thu năm 2024: Do mùa mưa đến muộn nên tiến độ xuống giống vụ hè thu năm 2024 chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính đến ngày 15/6/2024 toàn tỉnh xuống giống vụ hè thu đạt 49.285,5 ha, giảm 14,89% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cây lúa đạt 36.272,1 ha; giảm 10,29%).

* Cây lâu năm: Sáu tháng đầu năm 2024 chủ yếu tập trung thu hoạch và chăm sóc diện tích hiện có, bên cạnh đó đã chuyển đổi một số diện tích cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng mới các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn; giá đầu ra một số mặt hàng cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích ước đạt 108.537 ha, tăng 0,14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích cây công nghiệp ước đạt 66.568,7 ha, giảm 1,2%; cây ăn quả 41.372,5 ha, tăng 2,4%; các loại cây lâu năm khác 595,7 ha, giảm 2,7%; cụ thể một số cây trồng chính như sau: diện tích cây cao su đạt 45.450 ha, tăng 0,54%; cây điều 17.022,5 ha, giảm 4,48%; cây thanh long 26.550 ha, giảm 3,35%. Sản lượng cao su đạt 15.500 tấn, tăng 3,33%; cây điều đạt 12.700 tấn, giảm 2,81%; cây thanh long đạt 325.000 tấn, giảm 1,19% (tính đến thời điểm 15/6/2024, toàn tỉnh có 8.593 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap).

 

2. Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra thuận lợi; giá thịt hơi nhiều loại gia súc, gia cầm tăng; tình hình dịch bệnh được kiểm soát; chăn nuôi trâu, bò duy trì ổn định và có khuynh hướng tăng nhẹ; chăn nuôi lợn, gia cầm theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được tăng cường, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao đang được phổ biến, nhân rộng, phát triển theo hướng bền vững.

- Đàn trâu, bò, toàn tỉnh có 191.560 con trâu bò, tăng 2,11% so với cùng kỳ. Chăn nuôi bò phát triển khá thuận lợi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, nhiều chương trình lai tạo đàn bò được nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh quan tâm nên chất lượng được cải thiện, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn có khuynh hướng ngày càng cao, toàn tỉnh có 183.000 con, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước.

- Đàn lợn, toàn tỉnh có 397.500 con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 4,84% so với cùng kỳ.

- Đàn gia cầm, phát triển khá tốt, dịch bệnh được kiểm soát, giá cả và tình hình tiêu thụ ổn định, nhiều cơ sở chăn nuôi mở rộng quy mô đàn. Toàn tỉnh có 6.747 ngàn con, tăng 2,52% so với cùng kỳ, trong đó: đàn gà 5.349 ngàn con, tăng 2,28%.

3. Lâm nghiệp

- Sáu tháng đầu năm 2024 diện tích rừng trồng mới đạt 790 ha, tăng 1,28% so với cùng kỳ. Các đơn vị chủ rừng tiếp tục tập trung gieo ươm, chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán theo kế hoạch; đến nay gieo ươm được 3 triệu cây giống các loại.

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024 được ngành chức năng tăng cường; các đơn vị chủ rừng và các địa phương tăng cường triển khai hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng trọng điểm phá rừng. Sáu tháng đầu năm 2024 đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 136 vụ vi phạm luật lâm nghiệp (tăng 28 vụ so cùng kỳ), tịch thu 105,7 m3 gỗ các loại, 115,7 kg động vật rừng, 01 ô tô, 64 xe máy và 30 phương tiện khác. Toàn tỉnh xảy ra 13 vụ lấn, chiếm đất rừng với diện tích 2,6 ha (tăng 02 vụ so cùng kỳ).

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.287,4 ha, tăng 2,84% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: diện tích nuôi cá ước đạt 935 ha, tăng 2,41%; diện tích nuôi tôm đạt 328 ha, tăng 3,93%); sản lượng nuôi trồng ước đạt 4.045,2 tấn, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: cá các loại ước đạt 1.832,8 tấn, tăng 3,52%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 2.112,4 tấn, tăng 1,75%).

- Tđầu năm đến nay tình hình thời tiết ngư trường tương đối ổn định, đã xuất hiện nhiều loài hải sản nên đa số tàu thuyền hoạt động khai thác gặp nhiều thuận lợi, sản lượng khai thác của các nghề như câu mực, lưới rê đạt hiệu quả cao. Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 111.199,8 tấn, tăng 1,77% so với cùng kỳ (trong đó khai thác biển ước đạt 110.954,5 tấn, tăng 1,77%).

 

- Tình hình sản xuất tôm giống ổn định, nhu cầu tôm giống trên thị trường đang tăng cao, các cơ sở sản xuất tôm giống đang đầu tư đẩy mạnh sản xuất, sản lượng nuôi 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11.133,1 triệu post, tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước.

 

II. Công nghiệp; xây dựng, đầu tư; đăng ký kinh doanh

1. Công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 diễn biến theo xu hướng tích cực và tiếp tục có mức tăng ở ba nhóm ngành (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải). Trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao góp phần lớn cho mức tăng trưởng toàn ngành công nghiệp; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dần phục hồi ở một số ngành như: Sản xuất đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất giày dép, sản xuất đồ gỗ.

Sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 12,99% so với cùng kỳ, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 11,98%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,98%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,08%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 20.903,3 tỷ đồng, tăng 9,61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng đạt 1.083,0 tỷ đồng, giảm 9,93%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 8.772,2 tỷ đồng, tăng 3,67%; sản xuất và phân phối điện đạt 10.892,6 tỷ đồng, tăng 17,54%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 155,5 tỷ đồng, tăng 11,56%.

* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự ước Sáu tháng đầu năm 2024

- Sản phẩm điện sản xuất ước đạt 16.411 triệu kwh, tăng 17,2% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm thủy sản đông lạnh ước đạt 16.547 tấn, tăng 16,73% so vời cùng kỳ.

- Sản phẩm nước khoáng ước đạt 51,6 triệu lít, tăng 12,52% so với cùng kỳ.

- Sản phẩm quần áo may sẵn ước đạt 20.678 ngàn cái, tăng 5,84% so với cùng kỳ.

* Tình hình xu hướng sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo

Sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý trước: Qua khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo cho thấy có 39,13% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý I/2024; 26,09% đánh giá khó khăn và 34,78% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý III so với quý II/2024: Có 86,96% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó (57,97% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn, 28,99% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định); 13,04% dự báo khó khăn hơn.

2. Xây dựng

Giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 (theo giá hiện hành) ước đạt 8.624,7 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 97,8 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,1%), giảm 22,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 6.155,0 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 71,4%), tăng 7,8%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 110,5 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,3%), tăng 33,3%; loại hình kinh tế khác ước đạt 2.261,4 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 26,2%), tăng 12,5%. Nếu tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5.016,0 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó công trình nhà ở đạt 1.375,5 tỷ đồng, giảm 5,2%; công trình nhà không để ở đạt 1.111,0 tỷ đồng, tăng 50,9%; công trình kỹ thuật dân dụng 2.026,3 tỷ đồng, tăng 9,8%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 503,2 tỷ đồng, tăng 0,9%.

* Xu hướng sản xuất ngành xây dựng

Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp xây dựng quý II/2024 so quý I/2024, với 26,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động thuận lợi hơn, 33,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động ổn định và 40,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động khó khăn hơn. Dự báo quý III/2024 so với quý II/2024, có 38,1% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn; 26,2% nhận định ổn định và 35,7% dự báo khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý II/2024 so với quý I/2024 giảm 14,3%; chỉ số cân bằng chung quý III/2024 so với quý II/2024 là 2,4%.

3. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là dự án trọng điểm được quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.429,2 tỷ đồng, tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 28,1% so với kế hoạch. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.242,7 tỷ đồng, tăng 8,05%, đạt 28% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 174,4 tỷ đồng, tăng 9,2%, đạt 30% so với kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 12,1 tỷ đồng, giảm 34,8%, đạt 20,1% so với kế hoạch.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 19.946,3 tỷ đồng, tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn đạt 3.996,1 tỷ đồng, tăng 1,42%, chiếm 20% trong tổng số vốn thực hiện trên địa bàn; vốn ngoài nhà nước đạt 14.546,3 tỷ đồng, tăng 11,44%, chiếm 72,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 1.403,9 tỷ đồng tăng 8,65%, chiếm 7%.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 07/6/2024), trên địa bàn tỉnh có 08 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (giảm 55,6%) với tổng vốn đăng ký 1.221,7 tỷ đồng (giảm 22,5%); 05 dự án đưa vào hoạt động kinh doanh (giảm 28,6%) với tổng vốn là 1.260,1 tỷ đồng (tăng 6,47 lần); thu hồi 08 dự án. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 1.638 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.770.870 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tình hình đăng ký kinh doanh từ ngày 01/01 đến ngày 14/6/2024, có 565 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 219 đơn vị trực thuộc), giảm 7,83% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 2.321,9 tỷ đồng, giảm 40,92%; có 166 doanh nghiệp hoạt động trở lại (trong đó có 34 đơn vị trực thuộc), tăng 7,79%; tạm ngừng hoạt động 419 doanh nghiệp (trong đó có 87 đơn vị trực thuộc), tăng 25,83%; số doanh nghiệp đăng ký thay đổi 771 doanh nghiệp (trong đó có 177 đơn vị trực thuộc), giảm 17,89%; số doanh nghiệp đã giải thể 170 doanh nghiệp (trong đó có 107 đơn vị trực thuộc), tăng 25,93%. Thông báo cảnh báo 60 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; thông báo vi phạm 23 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trên 1 năm, xử lý vi phạm 02 trường hợp. Xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 10 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận và doanh nghiệp có báo cáo giải trình.

III. Thương mại; giá cả; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại

Tình hình thương mại của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động tương đối ổn định. Sức mua của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa dồi dào luôn đáp ứng nhu cầu người dân, giá bán trên thị trường tương đối ổn định, không xảy ra biến động khan hiếm làm tăng giá đột biến. Hoạt động du lịch diễn ra khá nhộn nhịp, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và lễ hội đã thu hút nhiều du khách. Dịch vụ lữ hành hoạt động ổn định và tiếp tục tăng cường. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tăng cường phục vụ. Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ ổn định đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa; vận tải đường thuỷ diễn ra thông suốt phục vụ cho du khách và người dân đảo Phú Quý. Tốc độ giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó: bán buôn và bán lẻ tăng 11,23%; ngành vận tải, kho bãi tăng 14,31%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,38%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 53.452,1 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 34.638,9 tỷ đồng, tăng 18,27%; doanh thu lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành ước đạt 11.758,9 tỷ đồng, tăng 4,98%; doanh thu dịch vụ ước đạt 7.054,3 tỷ đồng, tăng 26,22%.

2. Giá tiêu dùng

Giá lương thực, thực phẩm, giá điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,57% so với tháng trước, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,10% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,22%.

2.1. Tình hình thị trường và giá cả tháng 6 năm 2024

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,68%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,84%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,41%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,37%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,30%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,22%; May mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,17%; Bưu chính viễn thông tăng 0,06%; Giáo dục tăng 0,02%. Có 01 nhóm hàng giảm giá: Giao thông giảm 2,51%.

2.2. Tình hình thị trường và giá cả 6 tháng đầu năm 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,22% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

* Các yếu tố làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024

- Giá lương thực tăng 23,85% so bình quân cùng kỳ, trong đó giá gạo tăng mạnh 29,40%, nguyên nhân do tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ tăng cao.

- Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,37% so bình quân cùng kỳ, do giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, giá thịt chế biến, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá rau tươi các loại, giá quả tươi tăng cao.

- Giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,76% so bình quân cùng kỳ, do giá xi măng, sắt thép, gạch các loại, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá nhà thuê tăng.

- Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 12,15% so bình quân cùng kỳ, do thời tiết nắng nóng kéo dài nhu cầu sử dụng điện tăng; ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023 EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Vì vậy, so cùng kỳ năm trước giá điện tăng cao.

- Giá nhiên liệu tăng 3,03% so bình quân cùng kỳ, do ảnh hưởng điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước tăng theo giá thế giới.

* Các yếu tố làm giảm CPI trong 6 tháng đầu năm 2024

- Học phí giáo dục giảm 17,17% so bình quân cùng kỳ, do tại địa phương năm học 2023-2024 vẫn thực hiện thu tiền học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 09/5/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận.

- Giá một số mặt hàng quả có múi giảm 6,46% so bình quân cùng kỳ, do nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng không tăng tác dộng giá bán giảm.

3. Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra khá sôi động, đặc biệt là các dịp Tết Nguyên đán, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng Bình Thuận 19/4, Ngày giải phóng Miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 01/5 và các ngày nghỉ cuối tuần. Lượng khách đến tăng so với cùng kỳ năm trước do nhiều yếu tố thuận lợi như thời tiết tốt, giao thông thuận lợi hơn, nhiều gói tour khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách đến tham quan, du lịch. Lượng khách lưu trú đa số khách du lịch nội địa và tập trung tại khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành. Điểm nổi bật của hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2024 là khu Novaworld Phan Thiết (Tiến Thành) với nhiều khu vui chơi quy mô lớn như công viên Wonder Hill, Dino Park, Safari Cafe, Wonderland Water Park, Circus Land. Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra rất nhiều các hoạt động thu hút khách du lịch như lễ hội Vibe Fest, Lễ hội Carnival NovaWorld Phan Thiết, giải thể thao 3 môn phối hợp “Bơi, chạy, trượt đồi cát” Bắc Bình - Bình Thuận mở rộng lần thứ X năm 2024, Giải đua Windsurf mở rộng lần thứ 23 “The 23rd Mui Ne Fun Cup 2024”; giải Việt Nam Festrival Bình Thuận 2024; Giải thi đấu thể hình nam - nữ bãi biển 2024; Lễ hội chèo Sup Phú Quý - Bình Thuận 2024; giải Stop and Run Marathon Bình Thuận 2024… Bên cạnh đó, tuyến du lịch Phú Quý cũng được các đơn vị lữ hành khai thác, thiết kế tour và giới thiệu đến du khách hướng về biển - đảo

- Lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.585 ngàn lượt khách, tăng 5,01% so với cùng kỳ (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 156,1 ngàn lượt khách, tăng 65,62% so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 8.678 ngàn ngày khách, tăng 7,44% lần so với cùng kỳ. Lượng khách quốc tế  ước đạt 234 ngàn lượt khách, tăng 91,25% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ ước đạt 930 ngàn ngày khách, tăng 88,15% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến tỉnh chiếm tỷ trọng lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ…

- Doanh thu dịch vụ lưu trú 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.816,8 tỷ đồng, tăng 2,33% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống ước đạt 8.823,8 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cùng kỳ; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 118,3 tỷ đồng, tăng 36,12% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 11.832,2 tỷ đồng, tăng 4,31% so với cùng kỳ.

4. Xuất, nhập khẩu

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục xu hướng tăng so với cùng kỳ (tăng 3,30%); mặt hàng sản phẩm gỗ, giày dép, hàng hóa khác có mức tăng khá. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 20,01% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản và nông sản giảm so với cùng kỳ (giảm lần lượt 9,87% và 31,16%).

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 339,4 triệu USD, tăng 3,30% so với cùng kỳ, trong đó: hàng thủy sản ước đạt 92,6 triệu USD, giảm 9,87%; hàng nông sản ước đạt 4,9 triệu USD, giảm 31,16%; hàng hóa khác ước đạt 241,9 USD, tăng 10,61%.

+ Xuất khẩu trực tiếp 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt gần 334,4 triệu USD, tăng 2,51% so với cùng kỳ. Thị trường Châu Á tăng 7,94%; thị trường Đông Á (chủ yếu Nhận Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) giảm nhẹ; thị trường Châu Âu tăng 39,94%; thị trường Đông Âu giảm mạnh (giá trị chỉ đạt 34,73% so cùng kỳ), thị trường Châu Mỹ (chủ yếu Mỹ và Canada), Châu Phi và Châu Đại Dương đều giảm giá trị ở những tháng đầu năm. Một số nước xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như: Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu như tôm, cá, thủy sản khác, dệt may...), Đài Loan (mặt hàng chủ yếu như bộ quần áo, thủy sản khác…), Mỹ (mặt hàng chủ yếu như giày dép, thủy sản…), Belizơ (chủ yếu là mặt hàng đế giày các loại), Trung Quốc (mặt hàng chủ yếu như thủy sản, giày dép, các loại quặng…), Côlômbia (mặt hàng giày dép, mực tươi), Campuchia và Philippin (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi).

+ Ủy thác xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,0 triệu USD, tăng gấp 2,12 lần so với cùng kỳ. Mặt hàng ủy thác chủ yếu: Mực tươi đông lạnh (tăng 2,82 lần), Quần áo các loại (2,07 lần).

- Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 671,5 triệu USD, tăng 20,01% so với cùng kỳ. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản.

5. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra khá nhộn nhịp. Đặc biệt những dịp Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày giải phóng Bình Thuận 19/4, Ngày giải phóng Miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 01/5 và các ngày nghỉ cuối tuần nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân tăng cao. Hoạt động vận tải đường thuỷ diễn ra thông suốt phục vụ cho du khách và người dân đảo Phú Quý.

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2024, hành khách vận chuyển ước đạt 7.851 nghìn HK, tăng 19,49% so với cùng kỳ; lượt khách luân chuyển ước đạt 787.960,4 nghìn HK.Km, tăng 18,73% so với cùng kỳ.

Vận tải hàng hoá 6 tháng đầu năm 2024, hàng hóa vận chuyển ước đạt 3.451,5 nghìn tấn, tăng 8,99% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển ước đạt 322.463,1 nghìn tấn.Km, tăng 23,46% so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động giao thông vận tải, kho bãi 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.725,5 tỷ đồng, tăng 19,49% so với cùng kỳ, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 735,5 tỷ đồng, tăng 15,17%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 765 tỷ đồng, tăng 13,77%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 225 tỷ đồng, tăng 69,13%.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 685,3 ngàn tấn, tăng 3,17% so với cùng kỳ, trong đó xuất cảng 543,1 ngàn tấn (muối xá, tro bay, quặng, cát, xỉ than); nhập cảng 142,2 ngàn tấn (muối xá, túi xi măng, cao lanh, máy móc).

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5.543,1 tỷ đồng, đạt 55,43% dự toán năm và giảm 0,53% so với cùng kỳ, trong đó; thu nội địa ước đạt 4.883,6 tỷ đồng, đạt 54,23% dự toán và giảm 2,15%. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác ước đạt 4.334,3 tỷ đồng, bằng 57,02% dự toán; giảm 7,98%; thu thuế xuất nhập khẩu 659,5 tỷ đồng, đạt 66,28% dự toán toán năm và tăng 13,44% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 4.936,1 tỷ đồng, đạt 35,33% dự toán năm, tăng 4,16% so với cùng kỳ (Trong đó chi đầu tư phát triển 1.194,6 tỷ đồng, giảm 24,36%; chi thường xuyên 3.722,3 tỷ đồng, tăng 17,84%).

2. Hoạt động tín dụng

Đến 31/5/2024, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 89.790 tỷ đồng, tăng 2,21% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 9,62%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng VND đạt 88.228 tỷ đồng, chiếm 98,26% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 56.827 tỷ đồng, chiếm 63,29% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm khoảng 5,89% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm khoảng 7,63% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 34,9% tổng dư nợ; lãi suất từ 9-12%/năm chiếm khoảng 42,82% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm khoảng 8,76% tổng dư nợ. Ước đến 30/6/2024, tổng dư nợ đạt 90.046 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2023.

Vốn huy động ước đến 31/5/2024 đạt 57.900 tỷ đồng, giảm 0,13% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 6,43%). Ước đến 30/6/2024, vốn huy động đạt 58.556 tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2023.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 51.478 tỷ đồng, chiếm 57,33% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 669 tỷ đồng, chiếm 0,75% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.937,9 tỷ đồng, chiếm 18,86% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Tổng số tiền cho vay từ đầu chương trình 1.075,49 tỷ đồng/120 tàu. Doanh số thu nợ từ đầu chương trình 192,6 tỷ đồng. Dư nợ (nội bảng) 55,54 tỷ đồng/21 tàu (trong đó, cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 8,61 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 46,93 tỷ đồng). Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ 15,47 tỷ đồng/15 tàu, nợ ngoại bảng 827,28 tỷ đồng/88 tàu, số tàu đã trả hết nợ 11 tàu.

Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 4.849 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 208,3 tỷ đồng cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 1.113,6 tỷ; cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 731,94 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 231,1 tỷ đồng,... Về chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP và chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản: chưa có phát sinh số liệu cho vay.

Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt, không có trường hợp đầu cơ, tích trữ gây rối loạn thị trường. Doanh số mua bán ngoại tệ đến 31/5/2024 đạt 195 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 73 triệu USD.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động Văn hóa - Thể dục thể thao

Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng trong năm; công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan trong dịp Tết, công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, Hoạt động văn hóa, văn nghệ tiếp tục hướng về cơ sở phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng bãi ngang.

Hoạt động thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi đều khắp ở các địa phương, nhiều loại hình thể thao được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã cử các đội tuyển tham gia 19/83 các giải thể thao với 66/133 huy chương, đạt 48% so với chỉ tiêu (15 huy chương vàng, 20 huy chương bạc, 31 huy chương đồng).

2. Giáo dục và đào tạo

Tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; đến nay, toàn tỉnh có 230/536 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 42,91%)[1]. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, cải tiến phương pháp dạy và học. Tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi các cấp[2]; tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập trường THPT chuyên và THPT không chuyên năm học 2024 - 2025 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục trung học, trong đó tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề nghiệp trong 6 tháng đầu năm cho 3.180 người, đạt 31,8% kế hoạch năm; tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đã tổ chức chức xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập trường trung học phổ thông chuyên và trung học phổ thông không chuyên năm học 2024-2025; kỳ kiểm tra sát hạch xét tuyển sinh vào lớp 10 Trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, toàn tỉnh tổ chức một Hội đồng thi và 27 điểm thi đặt tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đến thời điểm hiện nay là 13.177 thí sinh, gồm: 12.224 thí sinh đang học lớp 12 năm học 2023-2024; 472 thí sinh đang học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên năm học 2022-2023 và 481 thí sinh tự do; dự kiến 562 phòng thi.

3. Y tế

Chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh, khống chế kịp thời các dịch bệnh mới phát sinh; công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là y tế cơ sở; chú trọng giáo dục y đức trong ngành y tế. Nâng cao năng lực điều trị các tuyến trong hệ thống y tế của tỉnh. Đảm bảo cung ứng kịp thời thuốc, vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số ca mắc sốt xuất huyết: 553 ca; số ca mắc tay chân miệng: 339 ca mắc. Không phát hiện thêm ca bệnh nhân phong mới. Số bệnh nhân Lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới: 361 ca. Ghi nhận 07 trường hợp mắc và tử vong do dại. Số trẻ < 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt tỷ lệ 45%. Tỷ lệ tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt 40%. Ghi nhận 24 ca nhiễm HIV mới; số chuyển AIDS mới 05 ca, tử vong do AIDS mới 0 ca.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ nghi ngộ độc thực phẩm với 750 người ăn, 51 người mắc, không có trường nặng và tử vong.

4. Khoa học và công nghệ;  Bưu chính, viễn thông

Trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm triển khai đảm bảo theo quy định và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện 03 đề tài bao gồm: (1) Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Bình Thuận; (2) Nghiên cứu các nguyên nhân gây sạt lở và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ khu vực hồ Bàu Trắng (3) Ứng dụng công nghệ sản xuất nha đam định hướng hữu cơ theo liên kết chuỗi trên vùng đất cát ven biển Bình Thuận.

Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng phủ đến 98% dân số; băng rộng di động, băng rộng cố định (cáp quang) đã được phủ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin, thông tin liên lạc thông suốt. Chất lượng dịch vụ viễn thông, truyền hình cáp ngày càng nâng cao với các gói cước thấp nhất trước đây từ 40Mbps nay nâng lên 60Mbps, gói cước cao đã nâng lên 80Mbps. Hạ tầng kỹ thuật CNTT được tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp mở rộng. Triển khai hoàn thành việc sa thải, ngầm hóa cáp viễn thông tại các tuyến đường đã lót vỉa hè trên địa bàn thành phố Phan Thiết (13 tuyến đường), đảm bảo mỹ quan đô thị; đang chuẩn bị sắp xếp, chỉnh trang, làm gọn hệ thống cáp treo viễn thông trên địa bàn tỉnh trong năm 2024.

5. Lao động - xã hội

Sáu tháng đầu năm 2024 giải quyết việc làm 13.345 lao động, đạt 66% so kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề 6 tháng năm 2024 là 4.638 người, đạt 46,38% so với kế hoạch, tăng 83,68% so với cùng kỳ.

Công tác chính sách người có công 6 tháng đầu năm 2024, đã triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ thăm, tặng quà dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho các đối tượng kịp thời, đầy đủ.

6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định. Tổ chức các đoàn đến thăm, chúc tết Đầu lúa, tết Nguyên đán Giáp Thìn, tết Ramưwan 2024 đối với các thôn, xã, chùa và các đối tượng chính sách, chức sắc, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất bắp lai, lúa nước và phối hợp triển khai cho các hộ đồng bào đăng ký nhu cầu đầu tư ứng trước năm 2024. Ngoài ra, thực hiện các quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn.

7. Hoạt động bảo hiểm

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.

Ước 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 100.918 người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; có 92.357 người tham gia BHTN, tăng 6,49%; số người tham gia BHYT 1.070.500 người, tăng 1,79%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,1% dân số.

Tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn quản lý đến đầu tháng 6/2024 là 18.442 người. Tính đến ngày 31/5/2024, tổng số thu 1.262,7 tỷ đồng, tăng 15,29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là 196,1 tỷ đồng, tỷ lệ chậm đóng phải thu 6,07% so với dự toán thu, cao hơn 1,01% so chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng BHXH; tỷ lệ chậm đóng phải tính lãi 3,88%.

8. Tai nạn giao thông

Tính đến 14/6/2024, tai nạn giao thông xảy ra 300 vụ (trong đó có 02 vụ đường sắt), tăng 189 vụ so với cùng kỳ; bị thương 285 người, tăng 215 người so với cùng kỳ; số người chết 74 người (đường sắt 01 người chết), giảm 06 người so với cùng kỳ. Không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; có 01 vụ rất nghiêm trọng; 78 vụ nghiêm trọng, 38 vụ ít nghiêm trọng và 183 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường (Tính đến 15/6/2024)

- Thiên tai: Xảy ra 13 vụ (giảm 09 vụ so cùng kỳ), ước thiệt hại 7.807 triệu đồng.

- Cháy nổ: Xảy ra 28 vụ (tăng 21 vụ so cùng kỳ), ước thiệt hại 1.991,5 triệu đồng.

- Vi phạm môi trường: Xảy ra 20 vụ (tăng 05 vụ so cùng kỳ); xử phạt 575,2 triệu đồng.

* Đánh giá chung:

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, cụ thể:

Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 dự ước tăng 7,1%, động lực chính trong tăng trưởng 6 tháng đầu năm là khu vực công nghiệp xây dựng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực phi nông lâm thủy sản.

Sản xuất nông nghiệp về cơ bản ổn định; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm. Sản lượng lương thực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch tích cực và tăng trưởng khá; sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực; quản lý bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản, xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo.

Khu vực công nghiệp, giá trị tăng thêm tăng cao so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng so cùng kỳ. Thường xuyên đôn đốc, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Các ngành thương mại và dịch vụ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng; trong đó doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ vận tải tăng khá đã làm tăng sức mua của người dân trong tỉnh cũng như du khách; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt khách quốc tế đang trên đà tăng trở lại. Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh; tuyến vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý, cùng với tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm đã góp phần làm cho lĩnh vực vận tải tăng cao.

Thu ngân sách nhà nước có nhiều cố gắng. Hoạt động tín dụng trên địa bàn ổn định. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện tốt; không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì. Hoạt động thể dục thể thao diễn ra khá sôi động, thể thao thành tích cao đạt được những kết quả tốt trên đấu trường quốc gia, khu vực và quốc tế. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội ở một số lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đó là:

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; doanh nghiệp đối mặt với thách thức lớn để duy trì sản xuất kinh doanh, chờ đợi cơ hội tích cực hơn từ thị trường; số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng, số doanh nghiệp giải thể tăng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có tăng nhưng ở mức thấp, đặc biệt các hàng hóa lợi thế như: hàng thủy sản, hàng nông sản giảm mạnh; thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm 2023. Việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đội ngũ bác sỹ chuyên môn còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế khó khăn, thiếu đồng bộ, điều kiện làm việc chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ.

Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số dự án tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là một số công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp./.

         CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN



[1] Trong đó: cấp Mầm non có 59/142 trường công lập (41,54%), cấp Tiểu học có 101/238 trường (42,43%), cấp THCS có 69/130 trường (53,07%), cấp THPT có 01/26 trường (3,85%).

[2] Công nhận 717 học sinh đạt danh hiệu Học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 (15 giải Nhất, 94 giải Nhì và 608 giải Ba). Công nhận 584 học sinh đạt danh hiệu Học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh năm học 2023-2024 tỉnh (có 05 giải Nhất, 46 giải Nhì và 533 giải Ba). Tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 đạt 14 giải (gồm 03 giải Ba và 11 giải Khuyến khích); Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024 tại Bắc Giang (từ ngày 19/3 - 23/3/2024) đạt 01 giải Tư.




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/