TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023

Trong tháng, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; giá lúa tăng cao khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng lúa. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định; dịch bệnh nghiệm trọng không xảy ra. Hầu hết các tổ, đội tàu thuyền khai thác xa bờ tích cực bám biển, sản lượng khai thác thủy sản giữ ổn định.

 

I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản

 

1. Trồng trọt

* Cây hàng năm

Vụ hè thu cây trồng sinh trưởng tốt; diện tích gieo trồng ước đạt 63.776,1 ha, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu diện tích lúa tại các huyện Đức Linh và Tánh Linh do thời tiết thuận lợi, giá lúa đang có xu hướng tăng nên người dân tích cực xuống giống trong vụ, cụ thể:

- Nhóm cây lương thực diện tích ước đạt 47.850,6 ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt 60 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; sản lượng lương thực ước đạt 287.200 tấn, tăng 6% (trong đó cây lúa diện tích ước đạt 40.898,6 ha, tăng 6,3%, năng suất ước đạt 59,9 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 245.000 tấn, tăng 6,7%; cây bắp diện tích ước đạt 6.952 ha, tăng 1,6%, năng suất ước đạt 60,7 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha, sản lượng ước đạt 42.200 tấn, tăng 1,9%).

- Nhóm cây chất bột diện tích ước đạt 562,6 ha (trong đó chủ yếu là cây khoai lang ước đạt 407,6 ha, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước);

- Cây đậu phộng diện tích ước đạt 2.772,5 ha, tăng 8,5%; cây mè diện tích ước đạt 4.227 ha, tăng 0,2%;

- Rau các loại diện tích ước đạt 3.850 ha, tăng 2,3%.

- Cây đậu các loại diện tích ước đạt 3.724,2 ha, giảm 4%

- Nhóm cây hàng năm khác diện tích gieo trồng ước đạt 764,2 ha, giảm 7,2%.

Tiến độ sản xuất vụ hè thu qua các năm

* Cây lâu năm

Trong tháng mưa nhiều, các địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung trồng mới, chăm sóc và thu hoạch các loại cây lâu năm, tình hình một số cây chủ lực của tỉnh như sau:

- Cây thanh long hiện đang vào thu hoạch chính vụ, tuy nhiên do ảnh hưởng tình hình thời tiết trong tháng không ổn định trên cây xuất hiện nhiều sâu bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng trái, tỷ lệ sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu thấp. Đến thời điểm 15/8/2023, toàn tỉnh có 9.037,1 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.

- Cây điều nhà vườn tập trung vào việc chăm sóc, bón phân và tiến hành trồng mới. Do phn lớn diện tích điều trên địa bàn tỉnh đã già cỗi, ở một số địa phương như thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình, huyện Tuy Phong trồng trên những vùng đất cát, đất bạc màu, việc chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức, diện tích trồng phân tán nên năng suất thu hoạch thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.

- Cây cao su đang vào vụ thu hoạch chính, hiện nay thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, nhu cầu nhập khẩu cao su các nước chưa cao, dự tính trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh tăng nhưng không nhiều.

 

- Cây tiêu hiện đã kết thúc vụ thu hoạch, do giá thấp trong thời gian dài nên người trồng tiêu chặt bỏ một số diện tích già; hiện nay giá tiêu tăng nhưng vẫn chưa có lợi nhuận ổn định cho người trồng, trên cây tiêu nhiều sâu bệnh, chi phí sản xuất lớn nên người dân hạn chế đầu tư phát triển thêm diện tích mới.

- Các loại cây lâu năm còn lại đang được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể.

* Tình hình dịch bệnh

Trong tháng việc chủ động thực hiện công tác dự báo dịch bệnh trên các loại cây trồng, công tác tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và đề xuất biện pháp phòng trừ kịp thời của ngành chức năng đến người sản xuất nông nghiệp được triển khai tích cực.

- Cây lúa bệnh đạo ôn lá nhiễm 1.071 ha; bệnh đen lép hạt (lem lép) 629 ha; bệnh sâu đục thân nhiễm 547 ha.

- Cây bắp bệnh sâu keo mùa thu nhiễm 378 ha.

- Cây khoai mì bệnh khảm lá virus nhiễm 311 ha.

- Cây thanh long bnh đốm nâu nhiễm 3.272 ha; bệnh thối rễ tóp cành nhiễm 909 ha; bệnh nám vàng cành nhiễm 725 ha; các đối tượng sâu bệnh khác gây hại rải rác, cục bộ trên vườn thanh long.

- Cây điều bệnh thán thư nhiễm 320 ha; bọ xít muỗi nhiễm 310 ha.

*  Tình hình thủy lợi phục vụ sản xuất

Ngành chức năng tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình nguồn nước các công trình thủy lợi cấp nước về hạ du của nhà máy thủy điện Đại Ninh và Hàm Thuận - Đa Mi để cấp nước sản xuất nông nghiệp vụ hè thu, vụ mùa 2023 và nước sinh hoạt cho các địa phương trong tỉnh. Tính đến ngày 04/8/2023, diện tích cấp nước sản xuất vụ hè thu năm 2023 được tưới từ nguồn nước thủy lợi, thủy điện như sau: Cây lúa, cây hoa màu thực hiện tưới 30.124 ha, đạt 100,3% kế hoạch; cây thanh long và cây ăn quả thực hiện tưới 19.668 ha, đạt 95% kế hoạch; nuôi trồng thủy sản thực hiện 411 ha, đạt 100% kế hoạch; diện tích cấp nước sản xuất vụ mùa 2023 cho cây lúa và màu đạt 1.621 ha, đạt 5,2% kế hoạch.

2. Chăn nuôi

Chăn nuôi trâu, bò thuận lợi; chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển khá, một số doanh nghiệp, trang trại lớn của các tỉnh lân cận đang chuyển sang thuê đất sản xuất. So với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh có 8.400 con trâu, giảm 1,1%; 179.200 con bò, tăng 2,9%; 378.000 con lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ), tăng 9,2%; và 6.590 ngàn con gia cầm, tăng 23,2% (trong đó đàn gà 5.220 ngàn con, tăng 26,4%).

* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật

Trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm; bệnh viêm da nổi cục trâu, bò; bệnh lở mồm long móng ở gia súc; bệnh tai xanh trên heo; một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ nhỏ không lây lan thành dịch.

- Công tác tiêm phòng vắc xin trong tháng đã tổ chức tiêm phòng 1.957 ngàn liều (trong đó trâu, bò 30,1 ngàn liều; lợn 62,1 ngàn liều và gia cầm 1.864,9 ngàn liều). Lũy kế 8 tháng năm 2023 đã tiêm phòng 15.252,7 ngàn liều (trong đó trâu, bò 343,8 ngàn liều; lợn 343 ngàn liều và gia cầm 14.565,8 ngàn liều).

- Kiểm dịch động vật trong tháng 117,9 ngàn con lợn; 1,3 ngàn con trâu bò; 264,4 ngàn con gia cầm; 451,2 tấn thịt các loại; 2,8 triệu quả trứng gia cầm; 36,7 tấn thịt sơ chế. Lũy kế 8 tháng năm 2023 đã kiểm dịch 1.090 ngàn con lợn; 5,7 ngàn con trâu bò; 3.219 ngàn con gia cầm; 2.779 tấn thịt các loại; 20,1 triệu quả trứng gia cầm; 254,1 tấn thịt sơ chế.

- Kiểm soát giết mổ trong tháng 513 con trâu bò; 4,1 ngàn con lợn; 2,1 ngàn con gia cầm; 114 con dê. Lũy kế 8 tháng năm 2023 kiểm soát 2,3 ngàn con trâu bò; 30,7 ngàn con lợn; 9,1 ngàn con gia cầm; 919 con dê.

3. Lâm nghiệp

- Công tác trồng rừng trong tháng đã trồng được 637 ha rừng, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 trồng được 2.017 ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thực hiện chuyển tiếp và thực hiện mới 132.594,6 ha.

 

- Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong tháng các đơn vị chủ rừng tập trung thực hiện tốt kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô. Trong tháng trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.

 

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng trong tháng ngành chức năng phối hợp cùng với các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét; chú trọng theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm luật lâm nghiệp; triển khai các biện pháp tăng cường các hoạt động tuần tra rừng, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những trường hợp lấn, chiếm đất rừng, phá rừng trái pháp luật. Tăng cường chỉ đạo và kiểm tra thực tế kết quả tổ chức xác minh hiện trường các điểm cảnh báo mất rừng của các chủ rừng. Trên lĩnh vực sử dụng và phát triển rừng các đơn vị chủ rừng thực hiện các công trình lâm sinh theo kế hoạch, trong đó tập trung cho trồng rừng tập trung, nhất là trồng rừng thay thế.

Trong tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện và xác lập hồ sơ 25 vụ vi phạm luật lâm nghiệp, trong đó: phá rừng trái pháp luật 03 vụ; khai thác rừng trái pháp luật 08 vụ; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 08 vụ; vi phạm các quy định chung của nhà nước về bảo vệ rừng  01 vụ; tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật 06 vụ; vi phạm quy định quản lý hồ sơ lâm sản 01 vụ. Đã xử lý hành chính 21 vụ; lâm sản tịch thu 23,3 m3 gỗ các loại; tịch thu 06 xe máy và phương tiện khác; thu nộp ngân sách 15,5 triệu đồng.

4. Thuỷ sản

- Diện tích nuôi trồng thủy sản trong tháng ước đạt 222,4 ha, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 2.056,5 ha, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước (trong đó diện tích nuôi cá 1.572,4 ha, giảm 10,1%; diện tích nuôi tôm 409,5 ha, giảm 4,8%).

- Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 1.212 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 6.433,3 tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá các loại ước 3.345,4 tấn, giảm 21,5%; tôm nuôi nước lợ ước đạt 2.909,9 tấn, giảm 11,9%). Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn từ đầu năm đến nay do giá cá, tôm thương phẩm giảm; hiệu quả nuôi đạt thấp. Nuôi lồng bè trên biển toàn tỉnh hiện có 129 hộ/ 141 bè/ 3.021 lồng nuôi thuỷ sản trên biển tại 07 khu vực nuôi: Tam Thanh của huyện Phú Quý; Vĩnh Tân, Bình Thạnh, thị trấn Phan Rí Cửa của huyện Tuy Phong; Tân Thành của huyện Hàm Thuận Nam; Hòa Thắng của huyện Bắc Bình và phường Mũi Né của thành phố Phan Thiết. Đối tượng nuôi chủ yếu cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè quỵt, cá bè đưng và các loại tôm hùm.

- Tình hình khai thác trong tháng tàu thuyền khai thác vùng khơi tích cực bám biển đánh bắt thủy sản; nguồn lợi thủy sản xuất hiện nhiều nên đa số các nghề khai thác đạt hiệu quả. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn, nhà giàn DK-1, quần đảo Trường Sa. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 20.570 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước 20.510 tấn, tăng 1%). Lũy kế 8 tháng năm 2023 sản lượng khai thác ước đạt 153.022,5 tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khai thác biển ước đạt 152.656,2 tấn, tăng 1,8%).

 

- Tình hình sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa bàn tỉnh trong tháng gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm, nhiều cơ sở sản xuất chưa đi vào ổn định, nguyên nhân do tình hình nuôi tôm thương phẩm cả nước gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư nuôi tôm tăng cao, hiệu quả nuôi đạt thấp nên doanh nghiệp nuôi tôm hạn chế thả tôm giống. Sản lượng tôm giống sản xuất trong tháng ước 2,3 tỷ post, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 15,6 tỷ con, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản các cơ quan chức năng đã tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tại các cảng cá đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát nghề cá phục vụ phòng, chống khai thác IUU. Trong tháng đã ban hành 52 quyết định với tổng số tiền xử phạt 601 triệu đồng đồng với các hành vi vi phạm: Tàng trữ công cụ kích điện, sử dụng tàu cá không đăng ký, không đăng ký lại tàu cá, khai thác thủy sản không đúng nghề ghi trong GPKTTS, không thông báo hoặc thông báo không đầy đủ các thông tin theo quy định cho tổ chức quản lý cảng cá trước khi rời, vào cảng cá theo quy định, thuyền trưởng không có chứng chỉ theo quy định. Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 05/8/2023 đã ban hành 197 quyết định với tổng số tiền xử phạt 2,1 tỷ đồng.

II. Công nghiệp; xây dựng, đầu tư; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư

1. Công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung kinh tế thế giới, sức cầu yếu làm cho đơn hàng giảm thấp so cùng kỳ là nguyên nhân giảm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tiếp tục tăng cao góp phần giữ mức tăng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng năm 2023.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 ước tăng 11,38% so với tháng trước và tăng 22,99% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 33,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 22,0%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 46,12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,12%.

Lũy kế 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng giảm 8,77%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm 10,93%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,07%.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) tháng 8/2023 ước đạt 3.382,39 tỷ đồng, tăng 7,18% so với tháng trước và tăng 1,97% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 26.904,45 tỷ đồng, tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp khai khoáng đạt 1.821,42 tỷ đồng, giảm 4,11%; công nghiệp chế biến chế tạo đạt 13.351,33 tỷ đồng, giảm 0,62%; sản xuất và phân phối điện đạt 11.569,70 tỷ đồng, tăng 12,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 162,01 tỷ đồng, tăng 2,68%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng so với cùng kỳ

ĐVT: %

* Một số sản phẩm chủ yếu

Các sản phẩm sản xuất 8 tháng năm 2023 tăng so với cùng kỳ gồm: Nước mắm tăng 15,15%; nhân hạt điều tăng 6,56%; quần áo may sẵn tăng 2,69%; nước máy sản xuất tăng 4,00%; điện sản xuất tăng 11,33%. Sản phẩm giảm gồm: Cát sỏi các loại giảm 12,98%; đá khai thác giảm 23,06%; muối hạt giảm 25,24%; thủy sản đông lạnh giảm 34,73%; thủy sản khô giảm 35,70%; nước khoáng (không tính nước khoáng tinh khiết) giảm 6,89%; gạch các loại giảm 33,47%; sơ chế mũ cao su giảm 6,06%; đồ gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 42,31%; thức ăn gia súc giảm 32,23%; giày, dép các loại giảm 51,90%.

* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)

Trong tháng 7 năm 2023, hoạt động của các KCN thu hút 03 dự án đầu tư.  Doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đến hết tháng 7/2023 đạt 730 tỷ đồng, giảm 14,12% so với cùng kỳ, lũy kế 7 tháng năm 2023 là 4.780 tỷ đồng đạt 56,18% kế hoạch năm 2023.

2. Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 8/2023 đạt 486,1 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 2.627,5 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54,0% kế hoạch, trong đó: vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.291,7 tỷ đồng, tăng 3,9% với cùng kỳ năm trước, đạt 53,9% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 299,5 tỷ đồng, giảm 14,4%, đạt 54,9% kế hoạch; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 36,3 tỷ đồng, giảm 18,2%, đạt 51,9% kế hoạch. Trong ngân sách nhà nước cấp tỉnh, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 922,8 tỷ đồng, đạt 54,3% kế hoạch năm; vốn nước ngoài (ODA) 35,9 tỷ đồng, đạt 26,7% kế hoạch năm và vốn xổ số kiến thiết đạt 799,4 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch năm.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước

 

do địa phương quản lý lũy kế 8 tháng qua các năm

                                                                                                            (ĐVT: tỷ đồng)

3. Đăng ký kinh doanh

Trong tháng (từ ngày 15/7 - 14/8/2023), có 73 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 17,04% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký mới 774,65 tỷ đồng, giảm 27,44%; số doanh nghiệp đã giải thể 14 doanh nghiệp, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước; tạm ngừng hoạt động 20 doanh nghiệp, tăng gấp 2 lần; quay trở lại hoạt động 7 doanh nghiệp, tăng 40%; đăng ký thay đổi loại hình 131 doanh nghiệp, tăng 29,70%. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 có 481 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 17,50% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký 5.751,37 tỷ đồng, giảm 9,04% so với cùng kỳ năm trước; quay trở lại hoạt động 129 doanh nghiệp, giảm 18,35%; tạm ngừng hoạt động 309 doanh nghiệp, tăng 19,31%; đăng ký thay đổi loại hình 951 doanh nghiệp, tăng 29,92%; số doanh nghiệp đã giải thể 83 doanh nghiệp, tăng 10,67%.

Thông báo cảnh báo 11 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; xử lý “mở khóa” hoạt động trở lại 01 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận và doanh nghiệp có báo cáo giải trình.

4. Đăng ký đầu tư

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có dự án mới được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; có 03 dự án điều chỉnh, trong đó có 02 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu điều chỉnh tăng 267 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2023 có 25 dự án đăng ký điều chỉnh, với tổng vốn điều chỉnh tăng 6.175 tỷ đồng. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng.

III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải

1. Thương mại, giá cả

Trong tháng thị trường hàng hoá tiếp tục có sự tăng trưởng so tháng trước, các cơ sở kinh doanh hoạt động tương đối tốt vừa đáp ứng nhu cầu người dân địa phương vừa phục vụ khách du lịch; du khách chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống, thủy hải sản và hàng hoá khác. Các siêu thị điện máy đưa ra nhiều chương trình giảm giá, bên cạnh đó còn áp dụng nhiều chương trình hậu mãi, kéo dài thêm thời gian chăm sóc khách hàng. Các siêu thị Coop mart, Lotte mart; hệ thống các cửa hàng tiện ích thường xuyên có các chương trình giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế

8 tháng qua các năm

ĐVT: Tỷ đồng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đạt 8.092 tỷ đồng, tăng 2,07% so với tháng trước và tăng 26,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dự ước doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 5.047,8 tỷ đồng, tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 13,83% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng chủ yếu: nhóm lương thực, thực phẩm đạt 2.472,3 tỷ đồng, tăng 1,61% so với tháng trước và tăng 12,39% so với cùng kỳ năm trước; vật phẩm, văn hoá, giáo dục đạt 56 tỷ đồng, tăng 2,36% so với tháng trước và tăng 14,74% so với cùng kỳ năm trước; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng đạt 306,5 tỷ đồng, tăng 1,63% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hoá khác đạt 253,3 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 17,82% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 3.044,2 tỷ đồng, tăng 2,94% so với tháng trước và tăng 56,87% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 60.674,9 tỷ đồng, tăng 31,22% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 38,621,4 tỷ đồng, tăng 18,69%; doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 20.053,5 tỷ đồng, tăng 61%.

Hoạt động vui chơi giải trí có sự tăng trưởng so với tháng trước, các cơ sở kinh doanh tăng cường hoạt động phục vụ cho người dân địa phương và du khách nhất các ngày nghỉ cuối tuần; tại khu du lịch phức hợp Nova Phan Thiết đã khai trương công viên nước Florida Water Park Phan Thiết đưa vào hoạt động thu hút nhiều người dân địa phương và du khách đến thư giản và trãi nghiệm; dự ước doanh thu hoạt động vui chơi giải trí đạt 565,4 tỷ đồng, tăng 3,41% so với tháng trước và tăng 69,66% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động dịch vụ cá nhân và gia đình, hoạt động dịch vụ khác tiếp tục hoạt động phục vụ đáp ứng cho nhu cầu của người dân nhất là các dịch vụ tiệc cưới, tổ chức sự kiện, dự ước doanh thu đạt 266,1 tỷ đồng, tăng 1,33% so với tháng trước và tăng 48,47% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 1,24% so với tháng trước, tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,39% so với tháng 12 năm trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 3%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 so với tháng trước

So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính hầu hết các nhóm hàng đều tăng giá: Giao thông tăng 4,34%; Giáo dục tăng 3,7%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,14%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,85%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,23%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,21%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; Bưu chính viễn thông tăng 0,08%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

* Công tác quản lý thị trường

Lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng đang lưu thông trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện nhanh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng kinh doanh theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh như thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Trong tháng, lực lượng chức năng kiểm tra 56 vụ, phát hiện và xử lý 19 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 430,9 triệu đồng, trong đó: tiền xử phạt vi phạm hành chính là 353,3 triệu đồng và tiền bán hàng hóa tịch thu là 77,7 triệu đồng. Lũy kế từ 15/12/2022 đến 14/8/2023, lực lượng chức năng kiểm tra 458 vụ, xử lý 195 vụ vi phạm, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 3.416,1 triệu đồng (trong đó tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.590,7 triệu đồng, tiền bán hàng hóa tịch thu 524,2 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 301,2 triệu đồng); tổng trị giá hàng hóa vi phạm 3.239,5 triệu đồng.

2. Hoạt động du lịch

Trong tháng hoạt động du lịch diễn ra tương đối nhộn nhịp và tăng so với với tháng trước, lượng khách du lịch từ các tỉnh đến Bình Thuận vào tất cả các ngày trong tuần, bên cạnh đó đang trong mùa cao điểm du lịch hè, cùng với nhiều yếu tố thuận lợi như thời tiết và các tuyến đường thông suốt rút ngắn được nhiều thời gian của du khách. Tại địa phương tiếp tục diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” như Lễ Hội cầu ngư 2023; Hội chợ thương mại, ẩm thực; Khai mạc Tuần lễ Văn hóa đường phố Bình Thuận năm 2023 với Chủ đề “Bình Thuận chào tương lai; Caraval đường phố với chủ đề “Sắc màu Bình Thuận”đã thu hút được rất đông du khách đến tham dự nên doanh thu và lượng khách tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động lữ hành, các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ khác hoạt động ổn định và tiếp tục tăng cường phục vụ cho người dân và du khách, các đơn vị kinh doanh lữ hành tiếp tục khai thác nhiều tour du lịch, các sản phẩm mới, kết nối liên kết vùng và các tỉnh thành lân cận. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống tăng cường phục vụ cho người dân địa phương và du khách, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, niêm yết giá bán, tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý.

Lượng khách du lịch trong tháng ước đạt 857,4 ngàn lượt khách, tăng 3,26% so tháng trước và tăng 67,09% so với tháng cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 1.625 ngàn ngày khách, tăng 3,62% so với tháng trước và tăng 72,86% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 6.145,6 ngàn lượt khách, tăng 79,33% so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 11.543,4 ngàn ngày khách, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng ước đạt 494,5 tỷ đồng, tăng 3,44% với tháng trước và tăng 76,58 so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.491,2 tỷ đồng, tăng 3,23% so với tháng trước và tăng 60,18% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hổ trợ du lịch ước đạt 15,6 tỷ đồng, tăng 3,06% so với tháng trước và tăng 66,93% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước doanh thu lưu trú đạt 3.520,3 tỷ đồng, tăng 76,12% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống đạt 10.752 tỷ đồng, tăng 61,24% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành ước đạt 110,1 tỷ đồng, tăng 69,48% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 2.147,9 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 56,04% so với cùng kỳ năm trước; Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 15.575,2 tỷ đồng, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

 * Tình hình khách quốc tế: Lượng khách quốc tế trong tháng dự ước đạt 23,2 ngàn lượt khách, tăng 3,48% so với tháng trước và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ dự ước đạt 94,1 ngàn ngày khách, tăng 3,72% so với tháng trước và tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Bình Thuận ngày càng tăng chủ yếu Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượt khách quốc tế. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 168,1 ngàn lượt khách, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 679,2 ngàn ngày khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

3. Xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023 chưa có dấu hiệu khả quan, vẫn đang giảm so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng thủy sản và hàng hóa khác do không có đơn hàng, sản xuất đình trệ nên hoạt động xuất khẩu cầm chừng. Nhóm hàng nông sản tuy có tăng nhưng do chiếm tỷ trọng không cao trong tổng kim ngạch nên ít tác động đến sự tăng trưởng chung.

- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng ước đạt 66,99 triệu USD, tăng 1,87% so với tháng trước và giảm 2,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 17,44 triệu USD, tăng 6,56% so với tháng trước và giảm 19,02% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,64 triệu USD, tăng 5,12% so với tháng trước và tăng 77,35% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hóa khác ước đạt 47,91 triệu USD, tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 461,33 triệu USD, giảm 14,42% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 136,54 triệu USD, giảm 23,35%; nhóm hàng nông sản ước đạt 10,35 triệu USD, tăng 36,96%; nhóm hàng hóa khác ước đạt 314,44 triệu USD, giảm 11,02%.

+ Xuất khẩu trực tiếp lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 455,51 triệu USD, giảm 14,86% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường Châu Á ước đạt 329,61 triệu USD, giảm 3,39%. Thị trường Châu Âu ước đạt 29,24 triệu USD, giảm 48,55%. Thị trường Châu Mỹ ước đạt gần 90,3 triệu USD, giảm 31,65%. Một số nước xuất khẩu chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch của tỉnh như: Nhật Bản (mặt hàng chủ yếu như tôm, cá, thủy sản, dệt may...), Đài Loan (bộ quần áo, thủy sản…), Mỹ (giày dép, tôm thẻ…), Belizơ (đế giày các loại), Trung Quốc (tôm, giày dép, các loại quặng…), Campuchia (chủ yếu là mặt hàng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi).

+ Ủy thác xuất khẩu, lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 5,82 triệu USD, tăng 44,45% so với cùng kỳ năm trước.

            - Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 95,62 triệu USD, tăng 1,11% so với tháng trước và giảm 17,75% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 749,79 triệu USD, giảm 16,46% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu là nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu; nguyên liệu dệt may, da giày, hàng thủy sản… Do hoạt động xuất khẩu cầm chừng nên việc nhập khẩu nguyên liệu cũng giảm hơn so với cùng kỳ.

4. Hoạt động vận tải

Hoạt động vận tải, kho bãi tháng 8 tăng nhẹ so với tháng trước. Vận tải đường bộ tăng nhẹ do nhu cầu đi lại ở tháng cuối kỳ nghỉ hè của người dân cũng như khách du lich. Vận tải đường biển do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi nên lượt tàu xuất bến có giảm hơn so với tháng trước. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính trong tháng cũng tăng nhẹ.

- Vận tải hành khách:

+ Ước tháng 8/2023 đạt 1.086,99 nghìn hành khách, tăng 5,97% so với tháng trước và tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 103.532,16 nghìn HK.Km, tăng 6,26% so với tháng trước và tăng 46,30% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023, lượt khách vận chuyển ước đạt 8.438,88 nghìn HK, tăng 35,84% so với cùng kỳ năm trước; lượt khách luân chuyển ước đạt 834.065,23 nghìn HK.Km, tăng 62,75% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 8/2023 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 1.066,84 nghìn hành khách, tăng 6,52% so với tháng trước và tăng 23,81% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 8.278,11 nghìn hk.km, tăng 35,67% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hành khách đường thủy đạt 20,15 nghìn hành khách, giảm16,92% so với tháng trước và tăng 22,11% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 160,77 nghìn hành khách, tăng 45,40% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường bộ đạt 101.764,14 nghìn hk.km, tăng 6,71% so với tháng trước và tăng 46,98% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 819.501,395 nghìn hk.km, tăng 63,15% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hành khách đường thủy đạt 1.768,02 nghìn hk.km, giảm 14,60% so với tháng trước và tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 14.563,84 nghìn hk.km, tăng 42,85%.

- Vận tải hàng hoá:

+ Ước tháng 8/2023 đạt 482,13 nghìn tấn, tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 30,83% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 42.579,59 nghìn tấn.Km, tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 40,22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 khối lượng vận chuyển ước đạt 4.499,44 nghìn tấn, tăng 20,19% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển ước đạt 345.270,90 nghìn tấn.Km, tăng 25,56% so với cùng kỳ năm trước.

+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 8/2023 vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 480,61 nghìn tấn, tăng 1,577% so với tháng trước và tăng 30,93% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 4.487,40 nghìn tấn, tăng 20,17% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 1,52 nghìn tấn, giảm 3,61% so với tháng trước, tăng 5,10% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 12,04 nghìn tấn, tăng 29,43%. Luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 42.411,97 nghìn tấn.km, tăng 1,27% so với tháng trước và tăng 76,08% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 343.958,38 nghìn tấn.km, tăng 25,55%. Luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 167,62 nghìn tấn.km, giảm 3,63% so với tháng trước và tăng 4,31% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng năm 2023 đạt 1.312,52 nghìn tấn.km, tăng 28,81%.

- Doanh thu hoạt động giao thông vận tải, kho bãi tháng 8/2023 ước đạt 235,83 tỷ đồng, tăng 2,80% so với tháng trước và tăng 27,43% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 1.909,32 tỷ đồng, tăng 35,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 876,07 tỷ đồng, tăng 47,68% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 867,61 tỷ đồng, tăng 19,17%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 160,21 tỷ đồng, tăng 97,34%; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 5,43 tỷ đồng, tăng 70,77%.

Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi 8 tháng qua các năm

(ĐVT: Tỷ đồng)

- Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng quốc tế Vĩnh Tân tháng 8/2023 ước đạt 125 ngàn tấn, trong đó: xuất cảng 75 ngàn tấn (muối xá, tro bay, quặng ilmenite, xỉ than, cát…); nhập cảng 50 ngàn tấn (muối xá, xi măng, cao lanh, bột đá,…). Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 869,45 ngàn tấn, tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: xuất cảng 611,02 ngàn tấn, giảm 14,39% và nhập cảng 258,43 ngàn tấn, tăng 76,86%.

IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng

1. Thu, chi ngân sách

Ước thu ngân sách tháng 8/2023 đạt 500 tỷ đồng, giảm 19,99% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 ước 7.049,13 tỷ đồng, đạt 70,45% dự toán năm và giảm 12,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa 6.260,92 tỷ đồng, đạt 72,75% dự toán năm, giảm 13,81%. Trong tổng thu ngân sách gồm: thu thuế, phí và thu khác 5.864,81 tỷ đồng, đạt 79,20% dự toán năm, giảm 6,23%; thu tiền nhà, đất 396,12 tỷ đồng, đạt 32,98% dự toán năm, giảm 60,78% (trong đó thu tiền sử dụng đất 304,22 tỷ đồng, đạt 30,42% dự toán năm, giảm 62,73% so với cùng kỳ năm trước); thu thuế xuất nhập khẩu 788,21 tỷ đồng, đạt 56,30% dự toán toán năm và giảm 3,76% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng khối huyện, thị xã, thành phố kết quả thu tháng 8/2023 ước đạt 201 tỷ đồng; luỹ kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 2.439,63 tỷ đồng, đạt 72,82% dự toán năm, giảm 24,39% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Phan Thiết 808,98 tỷ đồng (đạt 54,29% dự toán, giảm 34,94%); La Gi 181,47 tỷ đồng (đạt 80,65% dự toán, giảm 34,45%); Tuy Phong 203,28 tỷ đồng (đạt 75,29% dự toán, giảm 12,3%); Bắc Bình 327,46 tỷ đồng (đạt 111,0% dự toán, tăng 8,96%); Hàm Thuận Bắc 288,22 tỷ đồng (đạt 94,5% dự toán, giảm 16,81%); Hàm Thuận Nam 214,6 tỷ đồng (đạt 85,84% dự toán, giảm 14,16%); Tánh Linh 74,83 tỷ đồng (đạt 77,15% dự toán, giảm 22,85%); Đức Linh 138,55 tỷ đồng (đạt 120,48% dự toán, tăng 20,48%); Hàm Tân 181,84 tỷ đồng (đạt 64,94% dự toán, giảm 35,06%) và Phú Quý thu 20,41 tỷ đồng (đạt 88,73% dự toán, giảm 11,27%).

Thu ngân sách nhà nước 8 tháng qua các năm

(ĐVT: Tỷ đồng)

Tổng chi trong tháng ước thực hiện 1.151,48 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 8.463,34 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước ước đạt 5.886,01 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển 1.607,13 tỷ đồng; chi thường xuyên 4.278,08 tỷ đồng. Chi chuyển giao ngân sách 2.574,08 tỷ đồng.

2. Hoạt động tín dụng

Đến ngày 31/7/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 83.292 tỷ đồng, tăng 4,29% so với đầu năm và tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: dư nợ cho vay bằng VND đạt 81.960,7 tỷ đồng, chiếm 98,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 50.780,9 tỷ đồng, chiếm 61,0% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay phân theo các mức lãi suất: lãi suất nhỏ hơn hoặc bằng 6%/năm chiếm 1,39% tổng dư nợ, lãi suất từ 6-7%/năm chiếm 2,4% tổng dư nợ, lãi suất trong khoảng 7-9%/năm chiếm 18,3% tổng dư nợ, lãi suất từ 9-12%/năm chiếm 50,9% tổng dư nợ, lãi suất trên 12%/năm chiếm 27,0% tổng dư nợ. Ước đến ngày 31/8/2023, tổng dư nợ đạt 83.863 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2022.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng 3-4,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 4,7-7,8%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên 5-9%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân 5%/năm), các lĩnh vực khác từ 8,5-13%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9-14%/năm.

Vốn huy động đến ngày 31/7/2023 đạt 55.108 tỷ đồng, tăng 4,48% so với đầu năm. Ước đến ngày 31/8/2023, nguồn vốn huy động đạt 55.643 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2022. Đến ngày 31/7/2023, nợ xấu (nội bảng) trên địa bàn 1.988 tỷ đồng, chiếm 2,39% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,2% so với đầu năm.

Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 45.609 tỷ đồng, chiếm 54,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 277,2 tỷ đồng, chiếm 0,33% tổng dư nợ; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 676 tỷ đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.017,6 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ.

Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ (nội bảng) 69,91 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 17 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 52 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 0,73 tỷ đồng). Nợ xấu (nội bảng) đã chuyển sang nợ  ngoại bản, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 13,67 tỷ đồng/19 tàu, nợ ngoại bảng là 839 tỷ đồng/86 tàu. Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 4.185,9 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đạt 179 tỷ đồng/467 hộ; cho vay giải quyết việc làm đạt 702,5 tỷ/15.163 khách hàng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 15,2 tỷ đồng/1.088 khách hàng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. Kết quả thực hiện đến ngày 31/7/2023, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất 280.248 triệu đồng, số khách hàng được hỗ trợ lãi suất 14 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng 981 triệu đồng. Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1.306 tỷ đồng/28 khách hàng (trong đó: gốc là 1.222,5 tỷ đồng, lãi là 84 tỷ đồng); lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.323 tỷ đồng/32 khách hàng (trong đó gốc là 1.238 tỷ đồng, lãi là 85 tỷ đồng).

Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Doanh số mua bán ngoại tệ luỹ kế đến ngày 31/7/2023 đạt 272,7 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 88,6 triệu USD. Đến ngày 31/7/2023, trên địa bàn có 203 máy ATM, tăng 7 máy so với đầu năm và 1.683 máy POS, tăng 24 máy so với đầu năm. Các máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển mạng lưới ATM và POS, đảm bảo hệ thống máy ATM hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Đến nay tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đang còn hoạt động tại các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn trên 85%.

V. Lĩnh vực Văn h - Xã hội

1. Hoạt động Văn hóa - Thể dục thể thao

1.1. Hoạt động văn hóa

Trong tháng đã tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng 8 và ngày Quốc khánh 2/9; tổ chức khuôn khổ tuần lễ văn hóa đường phố; lễ hội Cầu ngư tại Dinh Vạn Thủy Tú; tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam; cuộc thi và triễn lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia đề tài biển, đảo quê hương với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng”; cuộc thi “Video clip quảng bá du lịch Bình Thuận” năm 2023… bên cạnh đó còn tổ chức 65 buổi chiếu phim phục vụ nhân dân các huyện và các trường học tại Phan Thiết, thu hút 19.500 lượt người xem.

Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn phục vụ chính trị 04 suất; tổ chức biểu diễn phục vụ Lễ phát động Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023; lễ khai mạc và bế mạc giải đua xe đạp phong trào Bình Thuận - Ninh Thuận mở rộng lần thứ I; lễ Khai mạc giải vô địch Yoga Trẻ quốc gia lần II và giải Yoga Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ V năm 2023; biểu diễn âm nhạc đường phố phục vụ nhân dân và du khách tại Tiến Thành, Mũi Né.

Hoạt động thư viện: cấp 514 thẻ (thiếu nhi 184 thẻ), 159.056 lượt bạn đọc (tại thư viện 2.153 lượt (thiếu nhi 660 lượt), truy cập website 145.212 lượt, qua youtube 2.792 lượt, khai thác sách trực tuyến 421 lượt, truy cập Fanpage 8.478 lượt); luân chuyển 4.096 lượt sách, tài liệu (thư viện 3.791 lượt (thiếu nhi 1.164 lượt, tài liệu qua website 305 lượt). Sưu tầm 189 tin, bài thông tin tư liệu Bình Thuận; phát hành 01 tập thông tin chuyên đề; thu hồi 56 bản sách. Tổ chức cuộc thi Vẽ tranh trên nón lá với chủ đề “Bức tranh quê hương Bình Thuận” (70 học sinh tham gia); cuộc thi lập trình điều khiển robot với chủ đề “Robot - Bạn của chúng ta” (27 học sinh tham gia); tham gia Liên hoan Thiếu nhi kể chuyện theo sách năm 2023 tại tỉnh Ninh Thuận (đạt giải B).

Hoạt động bảo tồn, bảo tàng trong tháng đã đón 58.331 lượt khách đến tham quan, trong đó có 270 lượt khách quốc tế. Lũy kế 8 tháng năm 2023, đã đón 238.375 lượt khách đến tham quan, trong đó có 2.376 lượt khách quốc tế. Sưu tầm, tiếp nhận 08 hiện vật; cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ Đoàn công tác Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đề  tài cấp Bộ “Tín ngưỡng của dân tộc Chăm ở Việt Nam”.

1.2. Hoạt động thể thao

- Thể dục thể thao quần chúng: phối hợp Liên đoàn Yoga Việt Nam tổ chức giải vô địch Yoga trẻ quốc gia lần II và giải Yoga Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ V năm 2023, từ ngày 21/7 - 22/7 (13 đoàn, 100 vận động viên tham gia); tổ chức giải đua xe đạp phong trào Bình Thuận - Ninh Thuận mở rộng lần thứ I năm 2023 diễn ra vào ngày 30/7 (20 đơn vị  trong và ngoài tỉnh, 150 vận động viên tham gia); giải trẻ và vô địch Vovinam tỉnh Bình Thuận năm 2023 từ ngày 27/7 - 30/7 (20 đơn vị, 289 vận động viên tham gia); giải Taekwondo vô địch các lứa tuổi trẻ tỉnh Bình Thuận năm 2023 từ ngày 03/8 - 05/8 (12 đơn vị, 192 vận động viên tham gia); giải Bóng đá hạng Nhất quốc gia năm 2023.

- Thể thao thành tích cao: cử đội tuyển Taekwondo, Karate, Canoieng, Vovinam, Judo, Triathlon, Bóng rổ nam, nữ, bóng bàn tham gia các giải thể thao khu vực, quốc gia, đạt 92 huy chương (23 huy chương vàng, 24 huy chương bạc, 45 huy chương đồng).

2. Giáo dục và đào tạo

Trong tháng đã có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm học 2022 -2023 toàn tỉnh có 12.522 thí sinh dự thi; kết quả có 12.326 thí sinh đỗ tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 98,43%.

Công tác chuẩn bị năm học mới 2023-2024 theo Quyết định số 1618/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận về phê duyệt kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh như sau: Các trường tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2022; thời gian tựu trường chậm nhất là ngày 28/8/2023 đối với bậc mầm non và cấp tiểu học; cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường vào ngày 29/8/2023. Riêng lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày khai giảng.

3. Y tế

Công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc thu dung, phân tuyến điều trị, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp nặng, tử vong do bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng,… Đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh.

Trong tháng, toàn tỉnh có 337 cas mắc sốt xuất huyết Dengue; giảm 79,1% so với cùng kỳ năm trước; có 01 cas tử vong. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 2.664 cas mắc; 101 cas nặng, 01 cas tử vong.

Bệnh tay chân miệng có 523 cas mắc, 02 trường hợp tử vong tại thị xã La Gi; luỹ kế 8 tháng năm 2023 có 826 cas mắc, 03 trường hợp tử vong.

Trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc tả, bạch hầu, cúm A (H5N1), viêm màng não do não mô cầu, viêm não vi rút; bệnh dại. Lũy kế 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 01 bệnh nhân mắc và tử vong do bệnh dại. Chưa ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Phòng chống sốt rét có 01 ca mắc sốt rét, sốt rét ác tínhkhông có trường hợp tử vong. Lũy kế 8 tháng năm 2023, ghi nhận 02 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong do sốt rét.

Công tác phòng chống Phong không ghi nhận trường hợp mắc bệnh phong mới, lũy kế 8 tháng năm 2023 phát hiện 02 bệnh nhân phong mới, 366 bệnh nhân đang quản lý tại tỉnh.

Công tác phòng chống lao ghi nhận 738 lượt khám; 98 bệnh nhân lao thu dung điều trị; 66 ca bệnh nhân lao AFB(+) phát hiện mới. Lũy kế 8 tháng năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 763 bệnh nhân lao thu dung điều trị; 520 bệnh nhân lao AFB(+) phát hiện mới.

Công tác phòng chống HIV/AIDS có 03 ca nhiễm HIV mới ghi nhận; không có ca chuyển AIDS mới và ca tử vong do AIDS mới. Lũy kế 8 tháng năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận1.774 ca nhiễm HIV; 1.110 ca nhiễm HIV chuyển AIDS; 548 ca tử vong do AIDS.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm; luỹ kế 8 tháng năm 2023 xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm có 29 người mắc do nấm và bồ câu có chứa hóa chất bảo vệ thực vật carbofuran tại xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, không có trường hợp tử vong. Đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong các dịp nghỉ lễ.

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm; hoạt động giám sát, biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ca bệnh được quản lý chặt chẽ, cập nhật kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch. Tình hình dịch cúm A (H5N1), bạch hầu, Ebola, Zika, dịch tả... không ghi nhận trường hợp mắc.

* Công tác tiêm phòng dịch bệnh Covid-19

Tiếp tục tập trung, triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Tính đến ngày 14/8/2023, tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên hoàn thành 100% liều cơ bản, 545.282/762.532 tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), đạt tỷ lệ 71,5%, 125.085/125.200 tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2), đạt tỷ lệ 99,9% (125.200 là số đối tượng đăng ký tiêm mũi nhắc lần 2 do các địa phương báo cáo về điều chỉnh).

Hiện nay công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành 100% liều cơ bản, 57.700/121.499 tiêm nhắc lần 1, đạt tỷ lệ 47,5%. Tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi 113.068/128.460 mũi 1, đạt tỷ lệ 88%; 86.445/128.460 tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 67,3%.

4. Hoạt động Thông tin truyền thông

Trong tháng đã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; rà soát, đăng ký danh sách các tên miền quốc gia “.vn” để bảo vệ, giữ chỗ; hướng dẫn doanh nghiệp tiếp tục bó gọn cáp, ngầm hóa mạng ngoại vi; tiếp tực thực hiện trong dự án Nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

5. Lao động - xã hội

Trong tháng đã giải quyết việc làm cho 2.154 lao động, luỹ kế 8 tháng năm 2023 giải quyết việc làm 15.994 lao động, đạt 79,97% so kế hoạch, giảm 5,77% so với cùng kỳ năm trước. Cho vay vốn giải quyết việc làm 2.887 lao động, tăng gấp 2 lần so với kế hoạch. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề trong tháng cho 1.246 người, luỹ kế 8 tháng năm 2023 4.603 người, đạt 46,03% so với kế hoạch và giảm 51,91% so với cùng kỳ năm trước. Đã vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em 1.874,94 triệu đồng, đạt 93,75% so kế hoạch năm; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 7,38 tỷ đồng, đạt 122,92% kế hoạch năm.

Công tác chính sách người có công tiếp tục tổ chức điều dưỡng tập trung cho Người có công (đưa 80 người có công của huyện Hàm Thuận Bắc đi điều dưỡng (đợt 3) tập trung tại tỉnh Vĩnh Long) và cấp kinh phí điều dưỡng tại nhà năm 2023. Phát động tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023. Đưa đoàn đại biểu người có công cách mạng dự Hội nghị biểu dương năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Công tác quản lý người nghiện: hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.242 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (trong đó: quản lý, giáo dục, lao động trị liệu và chăm sóc sức khỏe tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh 392; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 598 người; 1.064 người đang được các ban, ngành, đoàn thể nơi cư trú quản lý giáo dục; quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 188 người). Có 111/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng trái phép chất ma tuý, chiếm 89,52% số xã, phường, thị trấn.

6. Chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)

Trong tháng đã thực hiện đăng ký nhận đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai, lúa nước của các hộ đồng bào DTTS, đến nay có 1.170 hộ đăng ký/2.211,6 ha, giá trị đầu tư 9,8 tỷ đồng; thực hiện cung ứng đầy đủ giống, vật tư, hàng hóa xuống các địa bàn phục vụ kịp thời thời vụ sản xuất của đồng bào; tổ chức thu mua mũ cao su niên vụ 2023 - 2024, đến nay thu mua trên 6 tấn/58 triệu đồng.

7. Hoạt động bảo hiểm

Tính đến ngày 31/7/2023, toàn tỉnh có 95.498 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 92,2% kế hoạch, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước; có 86.951 người tham gia BHTN, đạt 91,6% kế hoạch, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 1,8%; số người tham gia BHXH tự nguyện 9.547 người, đạt 63,6% kế hoạch, giảm 0,9% so với tháng trước và giảm 15,8%; số người tham gia BHYT 1.057.531 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.405 người), đạt 93,0% kế hoạch, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 3,6%. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 90,77% dân số.

Người thuộc hộ nghèo đã được cấp thẻ BHYT đạt 99,9%, còn 30 người chưa được cấp thẻ BHYT (Bắc Bình 15 người, Hàm Thuận Bắc 13 người, Hàm Tân 2 người). Người thuộc hộ cận nghèo đã được cấp thẻ BHYT đạt 99,9%, còn 43 người chưa được cấp thẻ BHYT (Bắc Bình 16 người, Hàm Tân 14 người, Hàm Thuận Bắc 13 người).

Toàn tỉnh có 242.809/245.721 học sinh sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 98,8%, trong đó có 207.861 em tham gia tại trường học, 34.948 em tham gia theo nhóm đối tượng khác (hộ gia đình nghèo, cận nghèo, …). Số học sinh sinh viên tham gia BHYT giảm 336 em so với tháng trước, đưa tổng số học sinh sinh viên chưa tham gia BHYT lên 2.912 em, chiếm tỷ lệ 1,2%, trong đó Phan Thiết 1.891 em, La Gi 655 em, Bắc Bình 160 em, Hàm Tân 119 em, Tuy Phong 59 em, Hàm Thuận Nam 28 em; nguyên nhân chủ yếu là học sinh sinh viên tham gia có thời hạn ngắn (3 tháng, 6 tháng) hết hạn thẻ nhưng chưa tham gia lại; người dân tộc thiểu số, người thuộc xã bãi ngang không còn được ngân sách hỗ trợ đóng BHYT.

Đến 31/7/2023, có 38.338 người/74.445 người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT, trong đó có 4.766 người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức  sống trung bình, 33.572 người tham gia BHYT theo nhóm khác,  tăng 161 người so với tháng 6/2023.

Xét duyệt, giải quyết cho 38.959 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hưởng chế độ BHXH dài hạn 459 người; hưởng trợ cấp thất nghiệp 6.686 người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 9.794 người; hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe 22.020 lượt người. Tổng số người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn xét duyệt, quản lý đến đầu tháng 8/2023 là 17.951 người. Tổng số thu 1.573,05 tỷ đồng, đạt 52,5% kế hoạch, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng số đã chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN 1.676,18 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó có1.143,22 tỷ đồng chi trả chế độ BHXH; 100,36 tỷ đồng chi BHTN; 432,60 tỷ đồng chi BHYT).

8. Tai nạn giao thông (từ ngày 15/7 - 14/8/2023)

Số vụ tai nạn giao thông 30 vụ, tăng 11 vụ so với tháng trước và tăng 08 vụ so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 đã xảy ra 160 vụ (trong đó đường sắt 01 vụ), giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Số người bị thương 29 người, tăng 23 người so với tháng trước và tăng 16 người so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 có 105 người bị thương, tăng 20 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người chết 15 người, tăng 01 người so với tháng trước và tăng 03 người so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 có 109 người chết (trong đó đường sắt 01 người) giảm 02 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; 01 vụ rất nghiêm trọng; 13 vụ nghiêm trọng và 16 vụ va chạm. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, 09 vụ rất nghiêm trọng, 80 vụ nghiêm trọng, 02 vụ ít nghiêm trọng và 58 vụ va chạm. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.

9. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường

- Thiên tai: Trong tháng xảy ra 10 vụ thiên tai, tăng 03 vụ so với tháng trước và tăng 04 vụ so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn tỉnh (Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Phan Thiết, Đức Linh, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc), sét đánh  làm 02 người chết (Bắc Bình, Tánh Linh) và 01 người bị thương (Bắc Bình), tốc mái 36 căn nhà, làm ngập 1.507,12 ha cây lúa, hư hỏng 1.505,9 ha hoa màu, gãy đỗ một số cây trồng khác; cuốn trôi 37 con gia súc, 1.106 con gia cầm và nhiều lồng bè nuôi cá bị ngập nước, cuốn trôi; ước giá trị thiệt hại 64,86 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng năm 2023 xảy ra 38 vụ thiên tai (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước), ước tổng giá trị thiệt hại ban đầu 134,74 tỷ đồng.

- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 02 vụ cháy, bằng so với tháng trước và giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm trước, không xảy ra nổ; ước thiệt hại 71 đồng (cháy tuabin gió nhà máy phong điện 1 huyện Tuy Phong). Luỹ kế 8 tháng năm 2023 xảy ra 11 vụ cháy (giảm 08 vụ so với cùng kỳ năm trước), ước thiệt hại 73,44 tỷ đồng.

- Vi phạm môi trường: Trong tháng phát hiện 02 vụ, tăng 01 vụ so với tháng trước và giảm 01 vụ so với cùng kỳ năm trước; đã xử phạt 130,0 triệu đồng. Luỹ kế 8 tháng năm 2023 xảy ra 18 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm trước), xử phạt 1,72 tỷ đồng.

CTK Bình Thuận

 

 

Kèm file: Số liệu KTXH 8 thang năm 2023.pdf




TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC:













 
 
 
 
 
 
Trang: 
/