[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]

 

 

 

 

I. Thuận lợi phát triển du lịch Bình Thuận:

Bình Thuận thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ (theo sự sắp về kinh tế, là tỉnh thuộc vùng kinh tế Đông Nam Bộ), phía đông Bắc và Bắc giáp tỉnh Ninh Thuận, phía Bắc và tây Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp Đồng Nai, phía Tây Nam giáp Bà Rịa – Vũng Tàu, phía Đông giáp biển Đông. Là tỉnh giàu tài nguyên về biển, rừng, khoáng sản, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan tự nhiên, thơ mộng, hùng vĩ, hoang sơ…kết hợp cùng các di tích văn hoá lịch sử, với nhiều kiến trúc độc đáo. Bình Thuận có quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy xuyên suốt theo chiều dài của tỉnh, cạnh đó còn có quốc lộ 28, 55 và bờ biển dài 192 km nên đã trở thành giao điểm, cửa ngõ giao lưu về kinh tế - văn hoá – xã hội giữa các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Trên bước đường hội nhập, kinh tế Bình Thuận sẽ thực sự đi lên bằng những định hướng đúng và từ tiềm năng, trong đó thế mạnh của ngành du lịch được xác định là một trong những khu vực phát triển du lịch năng động của cả nước. Thực tế du lịch Bình Thuận có bước phát triển khá nhanh và trở thành ngành kinh tế quan trọng, có vị trí xứng đáng trong bản đồ du lịch cả nước và quốc tế.

Bình Thuận là một tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, theo chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường đưa Bình Thuận trở thành điểm đến đẳng cấp trong khu vực, đến năm 2030, Bình Thuận thành một trong những điểm đến du lịch ưa chuộng, có đẳng cấp trên thế giới.

Siêu thị mang thương hiệu Lotte Mart đây là trung tâm thương mại thứ 6 của tập đoàn Lotte Hàn Quốc mới thành lập cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng hóa phong phú, đa dạng của tỉnh. Dự án xây dựng Siêu thị Coop Mart dự kiến là sẽ đầu tư xây dựng tại LaGi nhằm góp phần nâng cao dịch vụ mua sắm cho nhu cầu khách du lịch và phục vụ tại chổ cho người dân với nhiều hàng hóa phong phú và giá cả ổn định. Cùng với xây dựng chợ đêm tại khu phố Tây phường Hàm Tiến mang nhiều đặc trưng văn hóa và quan trọng nhất là không gây ô nhiễm môi trường với các sản phẩm truyền thống của địa phương sẽ được nhân rộng ra các khu du lịch khác trong tỉnh.

Để tiếp tục xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện và văn minh, Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thông qua nhiều hình thức: xây dựng chuyên mục về kích cầu du lịch trên hệ thống truyền thông địa phương; phát hành ấn phẩm giới thiệu và hướng dẫn các tour tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng bằng nhiều thứ tiếng; tham gia quảng bá hình ảnh tại các hội chợ, sự kiện, roadshow trong và ngoài nước...

1. Một số danh lam thắng cảnh – di tích văn hóa, lịch sử Bình Thuận

Bình Thuận có thế đất ba vùng biển, đồng bằng, núi, nhiều di sản kiến trúc, văn hóa, nhiều lễ hội của người Việt, người Chăm. Mảnh đất ven biển hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch biển - đảo; du lịch xanh, du lịch văn hóa - thể thao. Di sản lịch sử - văn hóa ở Bình Thuận cũng phong phú và độc đáo với mũi Kê Gà xem ngọn hải đăng dựng từ năm 1899, xưa nhất ở vùng Ðông - Nam Á. Tới núi Tà Cú chiêm ngưỡng tượng Phật khổng lồ tư thế nằm nghiêng, dài tới 49 m, là tượng lớn nhất ở nước ta. Tới đình Vạn Thủy Tú xem bộ xương cá voi lớn nhất nước - dài hơn 20 m, bãi đá tự nhiên nhiều mầu nhất nước ở Tuy Phong. Bên cạnh đó là nhiều di tích kiến trúc cổ giá trị như Ðền Pô-Klong Mơ Nai ở huyện Bắc Bình, nhóm tháp Chăm cổ Pô Sa Nư ở thành phố Phan Thiết. Ðặc biệt là Khu di tích Trường Dục Thanh ở TP Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ thời trẻ) từng dạy học, nay được phục hồi, có trường học, phòng ở, nhà thờ nhà yêu nước Nguyễn Thông, hồ sen, vườn cây trái...

* Di tích lịch sử trường Dục Thanh (Phan Thiết - Bình Thuận): được xây dựng vào năm 1907 (cùng năm xây dựng với trường Đông Kinh Nghĩa Thục) tọa lạc trên địa bàn phường Đức Nghĩa, TP.Phan Thiết. Trường dựng lên để hưởng ứng phong trào Duy Tân do cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Năm 1910, trên đường đi tìm phương cứu nước, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) được cụ nghè Trương Gia Mô giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh. Khu di tích trường Dục Thanh gồm có các công trình chính: một gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư dùng làm nơi nội trú của học sinh. Ở dãy phía sau, Ngọa du sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Lúc ở trường Dục Thanh thầy Thành đọc sách, soạn bài ở Ngọa du sào.

* Tháp nước Phan Thiết: là biểu tượng của thành phố Phan Thiết, tháp nước được xây dựng vào cuối năm 1928 và hoàn thành vào đầu năm 1934, do kiến trúc sư Hoàng thân Xuphanuvong (Nguyên chủ tịch nước CHDCND Lào) thiết kế và được nhà thầu Ưng Du đảm trách. Tháp cao 32m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác cao 5m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài nước có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc. Tháp nước là một cấu trúc cao hổ trợ một bồn chứa nước được xây dựng đủ độ cao để gây áp lực hệ thống cấp nước uống và cung cấp khẩn cấp cho PCCC của thành phố Phan Thiết.

* Tháp Chăm Pô Sah Inư (Phú Hài – Phan Thiết): Còn gọi là Tháp Chăm Phố Hài là một nhóm di tích đền tháp Chăm còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa, nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông-Bắc. Trong quần thể các tháp này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nền móng của một ngôi đền bị sụp đổ. Hiện nay, quần thể này chỉ còn 3 tháp, trong đó, tháp lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thờ thần Shiva với bộ Linga-Yoni làm bằng đá đen nguyên khối. Gần đó là 2 ngôi tháp nhỏ, bị hư hỏng khá nặng. Tháp nhỏ nhất, nằm sát tháp lớn thờ thần Lửa. Cách đó khoảng 50 m là tháp thờ thần Bò và thần Nandin. Năm 1991, Tháp được công nhận di tích cấp quốc gia. Từ năm 1992 đến 1995, công cuộc khai quật quanh tháp phát lộ ra một đền thờ đã bị chôn vùi dưới mặt đất. Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chămpa. Tuy chỉ có kích thước vừa và nhỏ, nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Về Lịch sử: Khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, người Chăm xây dựng nhóm đền tháp này với mục đích để thờ vị thần Shiva - là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái và tôn kính. Thế kỷ 15, xây dựng thêm một số đền thờ với kiến trúc đơn giản để thờ công chúa Po Sha Inư. Công chúa Po Sha Inư (con vua Para Chanh) là người có tài đức và phép ứng xử nên được người Chăm đương thời yêu quý. Về sinh hoạt văn hoá: Tháng giêng âm lịch hàng năm, dưới chân tháp đều có diễn ra các lễ hội như Rija Nưga, Poh Mbăng Yang... Người Chăm làm lễ cầu mưa, cầu an.

* Mũi Né và Mũi Khe Gà - Bình Thuận: Mũi Né cách thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né là mũi đất ngày xưa, hơn 300 năm về trước, những lưu dân miền ngoài vào miền trong lập nghiệp bằng ghe bầu và những người đi biển né tránh bão. Nay Mũi Né nổi tiếng với làng chài đánh bắt cá xa khơi rất thịnh đạt và ngành sản xuất nước mắm thơm ngon nổi tiếng. Mũi khe Gà, thường gọi quen miệng là Kê Gà là mũi đất có khe giống đầu mỏ của một con gà, nằm ở vùng Duyên Hải cực Đông tỉnh Bình Thuận. Tại đây, phong cảnh hữu tình, trời nước bao la thoáng mát, thích hợp với các loại hình dã ngoại.

* Lầu Ông Hoàng (Phú Hài - Phan Thiết): Quần thể du lịch Lầu ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên với ngọn Núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc, bên cạnh là nhóm đền tháp Chăm Pôshanư gần 100 m về phía Nam. Được xây dựng vào năm 1917. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu Ông Hoàng càng có ý nghĩa.

* Bãi biển Hòn rơm (Mũi Né - Phan Thiết): Là tên một ngọn núi nhỏ vẫn còn hoang sơ. Trên núi này có một loại cỏ ống dài 0,50m, vào mùa nắng cháy, cỏ khô vàng. Từ lâu, ngư phủ ở ngoài khơi nhìn vào ngọn núi thấy dáng vẻ khô vàng giống như đụm rơm, nên mới gọi là Hòn Rơm. Ở khu vực Hòn rơm có nhiều bãi tắm đẹp, không bị ô nhiễm, có thể bơi ra xa. Các bãi tắm nối tiếp dài hàng chục cây số có khả năng tiếp nhận hàng vạn du khách cùng lúc. Dọc theo các bãi tắm có những rặng dừa xanh mát và dương liễu dáng vẻ yêu kiều, hấp dẫn khách nghỉ dưỡng có một loạt khu du lịch nằm sát cạnh nhau và có nhà nghỉ xây theo kiểu biệt thự đầy đủ tiện nghi.

* Đồi Cát Mũi Né (còn gọi là Đồi Hồng hoặc Đồi Cát bay): là đồi sa mạc cát liên tiếp với nhau, nằm cạnh bãi biển Hòn rơm. Đồi cát có màu sắc chính là vàng, là mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm kiến tạo nên. Gọi là đồi cát bay vì hình dáng của đồi Cát thay đổi theo giờ, theo ngày, theo tháng và không có hình dáng nhất định. Đồi cát rộng mênh mông bao la hàng chục ha và có thể nói cát thay đổi màu liên tục từ vàng sang hơi trắng, sang màu hồng tùy theo ánh sáng mặt trời.

* Suối Hồng (Mũi Né - Phan Thiết): là một khe nước nhỏ ngay cạnh Hòn Rơm, khu vực này được du khách đặt cho là "Bồng Lai Tiên Cảnh". Trước đây, khe nước nhỏ này còn có tên gọi là Suối Tre. Không gian tại đây đỏ rực bởi màu cát và nằm cách bãi biển không xa lắm. Có hàng nghìn nhũ cát lô nhô chĩa thẳng lên trời như đỉnh tháp. Cát bị mưa gió bào mòn nên có nhiều hình thù kỳ lạ, nhưng cứng như đá. Từ trên cao nhìn xuống vào lúc chiều tối, khu vực này giống như một vùng lâu đài thành quách bị lãng quên. Giữa những đỉnh nhọn có những khe, hẻm nhỏ để người ưa thám hiểm leo trèo nhưng lối nào cũng hẹp chỉ đủ một bàn chân.

* Hòn Ghềnh (Mũi Né - Phan Thiết): Còn gọi hòn Lao là một "thế giới" của sự hoang sơ và kỳ thú với những tầng san hô lạ mắt, nằm ngoài khơi, cách Mũi Né chưa đầy 1 km, cao 30 m so với mực nước biển. Từ trong đất liền nhìn ra, Hòn Ghềnh tựa như con rùa biển khổng lồ đang bơi vào bờ. Cho đến bây giờ, Hòn Ghềnh vẫn là ốc đảo hoang sơ, chỉ có cây dại, ghềnh đá và nhiều loài chim sinh sống, không có nhà dân, chỉ có một ngôi miếu thờ ông Nam Hải, ngư dân thay nhau hương khói quanh năm.

* Suối Tiên kỳ ảo (Hàm Tiến - Phan Thiết): Là nơi giao thoa của màu sắc thiên nhiên. Phía bên này chạy ra biển bạc sóng là màu xanh ngút mắt của dừa, của cỏ. Chạy theo dòng nước ra tới biển là bạt ngàn thảm muống biển nở hoa tím. Còn phía bên kia suối là đồi cát trải dài, biến đổi theo đường đi của gió lộng, có lúc như bình nguyên, lắm khi là dốc thẳm. Từ đây vệt lửa cháy trên cát chạy băng băng tới tận Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, có khi nhao ra biển như những hàm răng của rồng lửa.

* Đồi Dương Phan Thiết (Hưng Long - Phan Thiết): Là một bãi tắm tọa lạc ngay trung tâm thành phố Phan Thiết. Sở dĩ có tên gọi "Đồi Dương" là do khi xưa, nơi đây là một vùng rộng lớn trồng rất nhiều cây phi lao (dương) chắn gió. Đồi Dương từ lâu trở thành bãi tắm quen thuộc của người dân và nhiều du khách khi đến TP Phan Thiết. Bờ biển nông, cát thoải, biển êm, nước trong xanh, môi trường thiên nhiên ở đây rất trong lành. Gần bên có sân golf Phan Thiết là sân golf được hình thành đầu tiên ở Bình Thuận.

* Đình Vạn Thuỷ Tú (Đức Thắng - Phan Thiết): Đình được dựng lên vào năm Nhâm Ngọ (1762), mặt hướng ra biển Đông. Hương án chính giữa đình Vạn Thuỷ Tú thờ Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn thần; bên trái thờ Thuỷ Long thánh phi nương nương tôn thần và bên phải thờ Thái hiệu tiên sư tôn thần. Cạnh chính điện còn có miếu thờ đức Quan thánh. Phía sau là những phòng lưu trữ, bảo tồn chừng 600 bộ hài cốt của các "Ông", "Bà" và "Cậu", là những hải thần phò trợ, cứu mạng người đi biển theo quan niệm của ngư dân, trong đó có hai bộ xương cá voi rất lớn. Hàng năm, đình Vạn Thuỷ Tú có 5 kỳ tế lễ vào các ngày âm lịch: 20-2 (Tế Xuân); 20-4 (Cầu ngư); 20-6 (Chính mùa); 20-7 (Chèo dọc) và 23-8 (Mãn mùa, cúng giỗ Ông)…

* Cù Lao Câu (Tuy Phong): là một hòn đảo nổi lên giữa biển, cách bờ chừng 9 km. Có chiều dài trên 1500 m và chiều rộng lớn nhất 800 m, nhỏ nhất 300 m, nơi cao nhất hơn 7 m. Toàn đảo bao quanh bởi hàng vạn khối đá có nhiều màu sắc và hình thù khác nhau, trông như những đàn thú với nhiều loại lớn nhỏ. Từ rất xa xưa người Chăm đã từng xây dựng ở đây một đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y Ana, sau này xây dựng một đền thờ thần Nam Hải (cá voi). Trên đảo có giếng cạn-dạng nước nhĩ có thường xuyên - sách xưa gọi là Giếng Tiên. Hiện nay Cù Lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng về du lịch sinh thái.

* Chùa Cổ Thạch (Bình Thạnh - Tuy Phong): Còn gọi là chùa Hang trên ngọn núi cao 64 m, lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ do Thiền sư Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ XIX. Về sau chùa được xây dựng lại khang trang với tên gọi chùa Cổ Thạch. Đứng trên chùa Hang, du khách có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng cả vùng bãi biển mênh mông xanh biếc với rất nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau tạo thành nhiều hình thù đẹp mắt. Cách chùa Hang không xa là Hang Gió và từ đây nhìn ra biển, bạn có thể thấy được bãi Cà Dược uốn cong theo bờ biển xanh. Một làng du lịch Cổ Thạch mới được dựng lên với nhiều ngôi nhà xinh xắn theo kiểu nhà sàn để đón du khách về viếng chùa và thưởng ngoạn thắng cảnh.

* Khu du lịch núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam): Núi Tà Cú cao 649 m nằm ven Quốc lộ 1A, thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 28 km về phía Nam. Cuối năm 2003, nơi này có thêm dự án cáp treo đi vào hoạt động, đã giúp du khách có những giây phút ngắm cảnh núi rừng Tà Cú từ trên cao.

Chùa Núi Tà Cú (chùa Linh Sơn Trường Thọ): toạ lạc trên sườn núi Tà Cú ở độ cao 400 m. Phía sau chùa là tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn, dài 49 m (đây là bức tượng lớn nhất Việt Nam, được khởi công từ năm 1960). Phong cảnh nơi đây thật hữu tình với bờ biển trải dài, đá núi muôn hình thù, rừng xanh bao quanh, tạo cho Tà Cú thêm nét hùng vĩ, uy nghiêm.

Suối khoáng nóng Tà Cú: có 2 mỏ suối khoáng là mỏ nước khoáng Bưng Thị nằm giáp giới 3 xã Tân Thành, Thuận Quý và Tân Thuận và mỏ Phong Điền (gọi khác là Tân Thuận) nằm ở xã Tân Thuận. Cả 2 mỏ này là nước khoáng Silie, Silic-flour, rất nóng, có những thành phần hóa chất như độ khoáng cao, sắt - nhôm thấp, thích hợp cho việc ngâm tắm chữa bệnh.

* Bãi đá 7 màu (Bình Thạnh - Tuy Phong): Quần thể du lịch bãi Cà Dược với bãi đá với 7 sắc màu (những viên sỏi trơn nhẵn có nhiều màu sắc khác nhau: từ trắng muốt, đen tuyền, xanh, vàng nhạt đến xám, nâu, rồi tím sẫm). Gần chùa Hang và từ trên cao nhìn xuống thấy nơi này thật thú vị, biển hiện ra ngay trong tầm mắt xanh thẳm. Điều đặc biệt là bờ thì không phải là cát mà là những viên đá nhỏ đủ màu sắc và hình thù trải dài ven biển…

* Di tích hoàng tộc Chăm (Bắc Bình): Di tích Đền thờ Pôklong Mơhnai và sưu tập di tích hoàng tộc Chăm nằm trên địa bàn huyện Bắc Bình, được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia năm 1993. Đền thờ ông vua cuối cùng của hoàng tộc Chăm, nằm cách TP. Phan Thiết khoảng 60 km về phía Bắc, cách quốc lộ 1A khoảng 200 m. Đền thờ tọa trên một quả đồi cao và gồm có 3 đền: đền vua Chăm, bên phải là đền thờ hoàng hậu thứ nhất người Chăm cùng 2 con và bên trái là đền thờ hoàng hậu thứ 2 người Việt. Cả 3 đền đều có tượng thờ khá đẹp. Theo truyền thống của người Chăm, con gái chính là trụ cột trong gia đình, con cái sinh ra lấy họ mẹ; con gái út có quyền rất lớn là người có thể được truyền ngôi vua. Toàn bộ tầng lầu của căn nhà 2 tầng được làm nơi trưng bày hiện vật như vương miện của vua, búi tóc của hoàng hậu (đều bằng vàng)… Một cái tủ kính trưng bày sắc phong của vua Minh Mạng ngày 11/2/1824.

* Lương Sơn đồi cát (Bắc Bình): Từ Hòn Rơm - Mũi Né đi dọc theo bờ biển về hướng bắc 37 km sẽ tới đồi cát điệp điệp trùng trùng huyễn hoặc - mặt cát vòng cong, lõm, uốn lượn - vũng xuống, nhồi lên - nhiều dáng vẻ, sắc nét lạ thường, mây vần vũ - trời xanh biếc - gió lộng - bóng đổ dài... Đặc biệt ở đây cái lạ là có các ao sen, súng được bao quanh chạy dài bởi các đồi cát có tên Bàu Ông, Bàu Bà. Bàu nước lớn dài trên 4 km rộng 400 m chia làm hai phía: phía ngoài Bàu Ông nhỏ dài; phía trong Bàu Bà rộng, sâu... Hoa sen, hoa súng nở quanh năm, có rất nhiều cá: cá rô, cá lóc, cá trê...

* Bạch Hồ, đồi Trinh Nữ, vùng thiên nhiên trinh nguyên kỳ thú (Bàu Trắng - Bắc Bình): Bạch Hồ (dân gian gọi là Bàu Trắng) gồm Bàu Ông và Bàu Bà nằm trong một vùng đồi cát trắng mênh mông như hoang mạc. Mặt hồ phẳng lặng, trong xanh và không một gợn sóng. Có người bảo rằng, dưới đáy hồ có một cái hang ăn thông ra biển. Nằm sát bờ hồ về hướng đông là những đồi cát trắng phau chạy dài hàng cây số (đặt tên là đồi Trinh Nữ) cũng bởi vì màu cát trắng tinh khôi của nó. Hiện Công ty Walt Disney - một tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghệ giải trí lớn nhất thế giới đang có một dự án đầu tư khoảng 10 triệu USD để xây dựng nơi này thành một trung tâm giải trí du lịch với nhiều hạng mục đồ sộ.

* Khu du lịch sinh thái Tân Thành - Thuận Qúy (Hàm Thuận Nam): với khung cảnh thơ mộng của bãi biển, rừng phi lao xanh ngát đượm nét hoang sơ, tinh khiết của núi, rừng, biển. Bãi biển riêng biệt, sóng biển yên ả, không có đá ngầm và nước xoáy để du khách có thể câu cá thư giãn hoặc thưởng thức ánh trăng dát vàng trên mặt biển tĩnh lặng.

* Hải đăng Khe Gà (Tân Thành - Hàm Thuận Nam): Ðảo Khe Gà rộng 5 ha, trên đảo có hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ. Giữa đảo là ngọn Hải đăng cao 54 m được xây dựng vào năm 1899 (trên 100 tuổi). Có một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào Hải đăng khắc năm 1899 và tất cả những khối đá hoa cương dùng xây Hải đăng đều đã được chạm, khắc thành từng ô, từng hình cạnh khớp với nhau.

* Khu du lịch Mỏm Đá Chim - bãi biển Ngãnh Tam Tân (Tân Tiến- La Gi): Lợi thế bờ biển chạy dài, bằng phẳng với những bãi biển tuyệt đẹp đồi dương Cam Bình, Tân Bình, ngảnh Tam Tân chứa đựng nét hoang sơ. Cùng với biển xanh và nắng vàng rực rở và còn có “Hồ Núi Đất” lặng lẽ và thơ mộng, hoang sơ mà hữu tình, đậm nét hồn quê. Có Mỏm Đá Chim một bãi đá thấp, bề mặt được sóng bào mòn, xưa kia từng là nơi hội tụ của nhiều loài chim biển. Gần đó là các làng chài ven biển.

* Dinh Thầy Thím (TânTiến - Lagi): Cách thành phố Phan Thiết khoảng 70km về phía Đông Nam, tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cái nằm trên địa phận thôn Tam Tân. Dinh Thầy Thím là khu du tích lịch sử văn hóa được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng và cúng bái, nhất là vào dịp tảo mộ (ngày 5 tháng giêng) và hội Dinh Thầy (15, 16/9 âm lịch) hàng năm. Theo truyền thuyết: Dưới triều vua Tự Đức, có hai vợ chồng đạo sĩ quê ở làng La Qua, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Hai vợ chồng về phương Nam dừng chân ở làng Tam Tân ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân và đốn củi kiếm sống qua ngày. Tài đức của đạo sĩ nổi tiếng khắp vùng, từ đó dân làng gọi hai vợ chồng Đạo sĩ bằng cái tên thân mật “Thầy, Thím”. Ngày nay, sau nhiều năm phục dựng, phát triển, dinh Thầy Thím không chỉ là nơi du khách thập phương đến cúng bái mà còn là nơi du khách đến để chiêm ngưỡng, tham quan.

* Hồ Sông Quao (Hàm Thuận Bắc): Cách Phan Thiết 30 km về hướng Tây Bắc, cách trung tâm huyện lỵ Ma Lâm 13 km về hướng Bắc và cách quốc lộ 28 Phan Thiết -Di Linh 600 m về hướng Tây, thuộc địa phận 3 xã Hàm Phú, Hàm Trí, Thuận Hòa. Đây là vùng dãy núi cao trập trùng, vây lấy 3 phía hồ Sông Quao. Hồ thuỷ lợi sông Quao là công trình thủy lợi đủ sức tưới tiêu ổn định trên 23.000 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết. Thắng cảnh còn ít người biết đến này là biểu trưng của "Phan Thiết hồ", mang hơi thở mơ màng của Đà Lạt, và đôi nét mênh mông thoáng đãng của Đồng Nai. Hồ nước mênh mông trải dưới chân dốc và có thể ngắm được trọn vẹn vẻ đẹp của thắng cảnh này trong thời điểm đẹp nhất.

* Khu du lịch sinh thái Thác Bà - Biển Lạc (Tánh Linh): có hồ Biển Lạc rộng hàng trăm ha, có Thác Bà và các ghềnh thác khác cao 5 - 7m nằm dọc trên chiều dài 1,5 km được tạo thành bởi các khe nước từ núi Ông cao hơn 1.000m đổ xuống reo vui quanh năm. Thác ở tận sâu trong rừng đại ngàn, dưới bóng cây cổ thụ trăm năm cùng với cảnh quan thiên nhiên của vùng rừng nguyên sinh nhiệt đới và nhiều loại động vật quý hiếm đang được bảo tồn tạo cho nơi đây hùng vĩ nên thơ và huyền bí. Từ ngoài nhìn vào, những tảng đá đứng, ngồi chen chúc nhau tạo nên một Thác Bà rất hoang sơ, những người có máu phiêu lưu có thể leo lên tận đỉnh thác để ngắm toàn cảnh một trong những khu rừng cổ nhất, được bơi lội trong chiếc hồ ở tận đỉnh thác. Đây là cụm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hấp dẫn, dự kiến quy mô phát triển khu du lịch Thác Bà khoảng 250 ha và khu vực Biển Lạc khoảng 150 ha.

* Hồ Đa Mi - Hàm Thuận (Tánh Linh - Hàm Thuận Bắc: là 2 hồ thủy điện trên sông La Ngà-Tánh Linh, chảy qua địa phận huyện Thuận Bắc, cách Phan Thiết hơn 60 km. Gắn với hồ là Công trình thủy điện Đa Mi – Hàm Thuận là công trình trọng điểm cấp nhà nước có tổng công suất 430 MW (Đa Mi 180 MW; Hàm Thuận 250 MW). Hồ Đa Mi - Hàm Thuận không chỉ có giá trị về mặt thuỷ điện mà còn quy hoạch phát triển thành trung tâm nghỉ dưỡng du lịch, văn hoá lớn của Tỉnh với nhiều loại hình vui chơi giải trí mới lạ, ấn tượng. Với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, tươi đẹp hòa cùng với nét văn hóa phong phú và đa dạng của bà con các dân tộc Chăm, Ra Glai, Hoa và Cơ Ho. Trong tương lai không xa Trung tâm nghỉ dưỡng du lịch, văn hóa Hàm Thuận - Đa Mi sẽ trở thành điểm đến ấn tượng trong hành trình tham quan, nghỉ dưỡng của du khách khi đến Bình Thuận. Ngoài ra còn là nơi nuôi cá tầm với hai giống cá tầm Nga và cá tầm Sibêri được nuôi ở hồ Đami (ở Việt Nam hiện nay mới có 3 cơ sở nuôi cá tầm tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Yên Bái).

* Huyện đảo Phú Quý: Cách Phan Thiết 56 hải lý (100km) với diện tích 32 km2. Trên đảo có nhiều ngôi chùa lớn như chùa Linh Quang, chùa Cao Cát, vạn An Thần... được công nhận là di tích văn hoá lịch sử. Bờ biển với những dải cát trắng mịn, nước trong màu ngọc bích; bao quanh đảo là 9 hòn đảo nhỏ, đặc biệt là Hòn Tranh, Hòn Ðen, Hòn Trứng... là những điểm du lịch sinh thái biển đầy hấp dẫn.

2. Một số lễ hội hàng năm được tổ chức thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và ngày càng nâng tầm qui mô lớn.

Bình Thuận là vùng đất có rất nhiều phong tục của các dân tộc và các lễ hội đa dạng đặc sắc có nền văn hóa đa dạng và lâu đời của nhiều dân tộc. Nơi đây còn lưu giữ nền kiến trúc của người Chăm rất phong phú. Ngoài các nghi lễ được bảo tồn còn có nhiều trò chơi nhân gian được thu hút du khách như biểu diễn võ thuật, lắc thúng, leo núi tà cú, kéo co thể hiện trình độ, kỷ thuật điêu luyện mang đậm nét văn hóa độc đáo… tất cả tạo nên không khí sôi động cho lễ hội. Đây cũng là điểm mạnh để lôi cuốn khách du lịch trong và ngoài nước đến với Bình Thuận. Ngoài ra còn có các ngày lễ lớn trong năm, nhất là các lễ hội truyền thống của địa phương đã được tổ chức thực hiện với qui mô lớn hơn, nâng lên một tầm cao hơn, thông qua đó kết hợp giới thiệu, quảng bá các mặt hàng sản xuất kinh doanh của địa phương, các dịch vụ du lịch. Không bỏ lỡ cơ hội, các chương trình lễ hội, các hội chợ đều tổ chức các khu ẩm thực nhằm giới thiệu hương vị đậm đà của những món ăn miền biển được người dân bản xứ chế biến một cách tinh tế từ sản vật thiên nhiên của quê hương Bình Thuận. Đây là những nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, mong muốn cho du lịch Bình Thuận phát triển với tốc độ nhanh và bền vững hơn. Một số lễ hội chính thường được tổ chức hàng năm như sau:

- Lễ hội Nghinh Ông Phan Thiết: được coi là di sản văn hóa phi vật thể do qui mô, các giá trị lịch sử văn hóa của nó và do sự ngưỡng mộ rộng lớn của cả người Hoa và người Việt. Theo truyền thống (2 năm một lần) lễ hội tổ chức vào ngày 16 đến 20 tháng 7 âm lịch. Là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống lâu đời của dân tộc Hoa ở Phan Thiết, cho đến nay lễ hội vẫn lưu giữ được những yếu tố văn hóa nhân gian, giàu tính nhân văn nguyên gốc của người Hoa.

- Lễ hội Cầu ngư: là lễ hội dân gian truyền thống của ngư dân, còn gọi là lễ Hạ Nghệ, hay lễ xuống nghề, ra khơi đánh bắt cá đầu mùa. Ngư dân các vạn chài tổ chức tế thần Nam Hải, cầu biển yên sóng lặng, mùa vụ bội thu. Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tổ chức hàng năm vào ngày 20/4 âm lịch hàng năm và trở thành lễ hội truyền thống của nhân dân nơi đây.

- Lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang: hàng năm vào tháng giêng âm lịch với ý nghĩa làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành. Lễ hội được tổ chức tại tháp Chàm Pô-Sha-Nư tọa lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng" (gắn liền với tên tuổi của danh nhân Hàn Mặc Tử), cách thành phố Phan Thiết 6 km về phía đông bắc.

- Lễ hội Katê: cũng là lễ tết tưởng nhớ thần linh, các anh hùng, tổ tiên các vị vua có công với nước đã được thần thánh hóa như: Ðền thờ được xây dựng để thờ vua Chăm Garai, Pôrômê, trong đó có Pôklông - Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa. Được tổ chức vào tháng 7 âm lịch, nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 km về phía bắc.

- Lễ hội dinh Thầy Thím: tổ chức vào 14 - 16/9 âm lịch thuộc xã Tân Hải, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận. Có ý nghĩa suy tôn Thầy và Thím, hai vợ chồng có công chữa bệnh cho dân nghèo. Vào dịp này rất đông người dân địa phương và du khách đến đây để cầu sức khỏe, hạnh phúc gia đình, công việc thuận lợi.

- Lễ hội rước đèn Trung thu vào đêm rằm tháng 8: đây đã trở thành tết của trẻ em, là lễ hội lớn hoành tráng và được xem là lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam (đã được đưa vào Guinness Việt Nam). Lễ hội rước đèn có khoản 5.000 học sinh, giáo viên tham dự. Có hơn 30 lồng đèn lớn và hàng ngàn lồng đèn nhỏ đua nhau toả sáng rực rỡ, nhiều màu sắc, mẫu mã đa dạng được rước qua nhiều đường phố trong sự tán thưởng của người xem trong và ngoài nước.

- Lễ hội Đua thuyền được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 2 tết âm lịch, hội đua thuyền trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân khi xuân về. Những đội thuyền đua được trang trí cờ hoa rực rỡ đủ màu sắc hòa trong tiếng trống, tiếng nhạc cùng tiếng reo hò cổ vũ tạo không khí vui tươi hòa cùng không khí ngày tết và giúp ta không quên bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống.

Bên cạnh các lễ hội truyền thống, Bình Thuận cũng mở nhiều lễ hội vào các dịp Tết Nguyên đán, 30/4; 1/5; Quốc khánh 2/9, các đại hội, hội diễn thể thao, văn hóa lắm vẻ, tạo các không gian mới cho sống dậy tưng bừng đủ các hoạt động, các sắc mầu văn hóa của người Việt, người Chăm cùng các hoạt động văn hóa, thể thao hiện đại, tất cả đều có sức mời gọi du khách bốn phương đến thưởng ngoạn và nhập cuộc...

3. Các khu du lịch và các tuyến du lịch tại Bình Thuận được hình thành và ngày càng được mở rộng, hoàn thiện hơn.

Hiện nay du lịch Bình Thuận hình thành nhiều khu du lịch như Khu du lịch Mũi Né - Tiến Thành (Phan Thiết), Khu du lịch ven biển Lagi, Khu du lịch ven biển Bắc Bình, Khu du lịch ven biển Tuy Phong, Khu du lịch sinh thái Hàm Thuận Nam, Khu du lịch sinh thái Đa Mi, Khu du lịch sinh thái Sông Quao (Hàm Thuận Bắc), Khu du lịch sinh thái Biển Lạc (Tánh Linh), Khu du lịch sinh thái Thác Reo (Đức Linh).

Cùng với khu du lịch là các tuyến du lịch đã được hình thành như: Tuyến Phan Thiết – Tuy Phong (Chùa Hang, Gành Son, Bãi Đá Màu…); Tuyến Mũi Né – Hòn Rơm – Hoà Thắng (Bàu Trắng, Đồi cát bay Mũi Né…); Tuyến Tiến Thành – Thuận Quý – Tà Cú – Kê Gà (Ngọn Hải Đăng, cáp treo Tà Cú…); tuyến Phan Thiết – Hàm Thuận Bắc (Sông Quao, Thuỷ Điện ĐaMi..) ...

Biển và cát, đó là những gì mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Nằm trong vùng nhiệt đới, ít chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, khí hậu nóng và khô, có thể nói Mũi Né là nơi hấp dẫn khách du lịch cả 4 mùa trong năm. Mũi Né còn hấp dẫn du khách bởi những loại hình du lịch khám phá độc đáo, ấn tượng không thể quên trong hành trình du lịch của mình. Đây là những nơi thuận lợi cho du lịch nghỉ dưỡng, điều dưỡng biển; du lịch sinh thái biển, rừng kết hợp; du lịch vườn; các loại hình du lịch thể thao trên biển; du lịch văn hoá lịch sử, các làng nghề đặc trưng…để thu hút du khách.

 

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo