[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 ]
PHẦN III: NHỮNG ĐẠT ĐƯỢC, KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ GIẢI PHÁP
1. Những đạt được:
- Trong năm hoạt động du lịch còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng hoạt động du lịch vẫn tiếp tục có sự phát triển một số mặt. Nhờ có sự năng động vượt khó của các doanh nghiệp du lịch nên hoạt động du lịch của tỉnh vẫn diễn ra khá tốt các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch đề ra. Lượng khách quốc tế, khách nội địa, khách du lịch dã ngoại đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch tiếp tục tăng trưởng ở mức khá.Tình hình giá cả dịch vụ du lịch, hàng hóa trên địa bàn tỉnh những ngày cao điểm khá ổn định. Việc niêm yết giá và bán theo niêm yết được các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch thực hiện khá nghiêm túc và không để xảy ra tình trạng chặc chém, lừa đảo du khách.
- Công tác quản lý nhà nước về du lịch được triển khai trên nhiều mặt; các địa phương trọng điểm du lịch chủ động hơn trong công tác chỉ đạo quản lý, phát triển du lịch ở địa bàn, đặc biệt là công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp du lịch trong hoạt động kinh doanh; công tác thanh kiểm tra được tăng cường đúng mức góp phần đảm bảo khá tốt môi trường du lịch ở các mặt: an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn du khách, giá cả... trong các ngày lễ, tết và các ngày nghỉ cuối tuần; kiểm soát tốt hơn các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách; ý thức chấp hành tốt các quy định của nhà nước của các doanh nghiệp, đơn vị có chuyển biến tốt.
- Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tiếp tục tăng cường, chú trọng hơn vào chiều sâu và tình hiệu quả, huy động xã hội hóa rộng hơn. Thương hiệu du lịch Bình Thuận tiếp tục được khẳng định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch được chú ý triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp hơn.
- Hoạt động kinh doanh lữ hành, dịch vụ thể thao biển, vận chuyển, ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch tiếp tục phát triển. Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 43 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành, ngoài ra có trên đơn vị là hộ kinh doanh đại lý lữ hành, bán vé chất lượng cao, cho thuê phương tiện vận chuyển khách tham quan du lịch.
2. Khó khăn, tồn tại:
- Việc quảng bá thương hiệu trong ngành “công nghiệp không khói” là một chiến lược rất quan trọng. Bình Thuận cần mạnh dạn đầu tư tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn. Du khách khu vực châu Mỹ chưa được nhiều, nhất là du khách Mỹ, do vậy cần có kế hoạch quảng bá đặc biệt đối với dạng này nhằm gây sự chú ý để họ chủ động đặt tour đến Bình Thuận.
- Chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm du lịch đã có bước nâng lên, vừa qua trên địa bàn tỉnh triển khai thêm một số loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu khách như: Sân gofl Sealink 18 lỗ, vũ trường Holly Wood Night, siêu thị Co.op Mart, khu vui chơi giải trí Suối Cát… Nhưng nhìn chung sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa khai thác được các giá trị văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống tạo thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Dịch vụ phục vụ phát triển du lịch chưa mạnh, chất lượng chưa bảo đảm, tính chuyên nghiệp chưa cao, các hoạt động giải trí và mua sắm vẫn kém hấp dẫn. Do đó, du khách dù muốn vẫn không thể chi tiêu nhiều hơn do không biết tiêu tiền vào đâu. Nhiều du khách đánh giá các địa điểm mua sắm và vui chơi về đêm còn ít và chưa đủ sức thu hút du khách.
- Ý thức chấp hành các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch của một số doanh nghiệp chưa cao, gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về du lịch. Hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng quy định, không đủ điều kiện và không khai báo cho cơ quan quản lý nhà nước. Cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ như hệ thống giao thông một số nơi xuống cấp chưa được nâng cấp kịp thời. Nhiều resort chưa thực sự chuyên nghiệp, mới dừng lại ở việc trang trí phòng ốc, phục vụ việc nghỉ ngơi của du khách. Chưa có khu vui chơi giải trí qui mô lớn xứng tầm du lịch Bình Thuận.
- Nguồn nhân lực của ngành du lịch đang là một vấn đề khó khăn rất lớn của tỉnh mà cấp bách cần cải thiện và khắc phục. Một trong những vấn đề đáng quan tâm nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay là trình độ ngoại ngữ hạn chế, kỹ năng thiếu đã khiến ngành du lịch không khai thác hết nguồn lợi từ khách du lịch quốc tế, yếu kém về trình độ chuyên môn, văn hoá giao tiếp, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch yếu về số lượng và cả chất lượng. Công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch chưa mạnh, chưa sâu, chưa theo kịp yêu cầu đa dạng, phong phú của phát triển du lịch. Do vậy phải xem việc đào tạo cho ngành du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, của các doanh nghiệp và phối hợp liên tục không ngừng mở nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao kiến thức về du lịch và tay nghề.
- Việc triển khai xây dựng các dự án du lịch còn khá chậm, hoạt động phát triển du lịch chưa đồng đều, khu vực phía Nam Phan Thiết và Long Sơn – Suối Nước tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, lượng khách đến không thường xuyên, thời gian lưu trú ngắn. Các dự án du lịch hiện nay rất nhiều, tuy nhiên nhiều dự án du lịch còn bỏ ngỏ, hàng trăm dự án resort, với con số đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, đã đăng ký kín gần như không còn một chỗ nào trống. Nhưng thực tế cho thấy, rất nhiều dự án chỉ “nằm treo” trên giấy, hoặc mới đang trong quá trình thi công các hạng mục ban đầu thì dừng lại... bỏ hoang hoặc có hoàn thành nhưng lại kinh doanh “èo uột”, không hiệu quả… Một số dự án du lịch chậm đi vào kinh doanh, công tác giải tỏa đền bù còn nhiều vướng mắc, khó khăn, một số chủ dự án không có năng lực tài chính nên không triển khai dự án được... Mặt khác bố trí các cơ sở lưu trú một số vùng còn có nhiều bất cập như khu dân cư, các cơ sở hoạt động công nghiệp, chế biến thủy sản đan xen với khu du lịch, các khách sạn 3 sao trở lên còn thiếu. Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang được thực hiện và loại dần những dự án không khả thi, nằm chờ dài hạn. Tăng cường kêu gọi vốn đầu tư nhưng cũng sẽ hết sức quan tâm tới tư vấn đầu tư để chú ý đáp ứng các loại nhu cầu của du khách.
- Vệ sinh môi trường ở một số khu du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú chưa tốt như khu vực Hòn Rơm tình trạng nước thải, rác thải chưa được xử lý triệt để; hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện dọc theo tuyến biển từ Tiến Thành đến Mũi Né - Hòn rơm kéo dài và sinh vật biển chết trôi dạt vào bờ gây ô nhiễm tại các bãi tắm ảnh hưởng không ít đến hoạt động du lịch. Do vậy cần có một định hướng đầu tư để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không phá vỡ môi trường và cảnh quan tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của vùng.
- Công tác phát động dân cư trong địa bàn có ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh công cộng, thực hiện nếp sống văn minh giữ gìn trật tự an ninh thái độ ứng xử với du khách chưa cao và đồng bộ, trước mắt cần có một giải pháp tích cực chấm dứt tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, cướp giật, trộm cấp tài sản du khách... môi trường vệ sinh tại các khu du lịch chưa được cải thiện. Cần tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, và an toàn trên biển tốt hơn.
- Thiếu hành lang pháp lý, những thông tin, hướng dẫn, những quy định liên quan đến hoạt động du lịch để nhà kinh doanh biết và thực hiện. Tuy nhiên việc ban hành một số quy định, quy chế… nào đó không phải dễ, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu sâu, kỹ lưỡng của các chuyên gia, phải lường trước kết quả cũng như hậu quả có thể phát sinh từ những quy định, quy chế đó.
3. Giải pháp:
- Trong điều kiện bùng nổ du lịch như hiện nay thì nhu cầu của khách du lịch ngày càng đa dạng, phong phú có xu hướng đi vào chiều sâu, họ không dùng lại ở nhu cầu ăn ở, đi lại tham quan bình thường mà phải còn nâng lên ở tầm cao hơn, chất lượng hơn và tiện nghi hơn. Do vậy cần phát triển loại du lịch đi sâu và tìm hiểu các tầng lớp văn hóa nhân văn cùng với các nơi “sơn cùng thủy tận” của trái đất.
- Phát triển du lịch hiện nay cần có những thay đổi cơ bản mà các nhà kinh doanh du lịch cần nghiên cứu để thiết kế đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp hơn và một số xu hướng ta cần quan tâm trong thời gian đến và đạt được các mục tiêu như: nơi nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách, là trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo hiện đại của khu vực tập trung vào thị trường khách MICE, đa dạng nguồn khách, đặc biệt là khách quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và cung cấp nhiều hơn các dịch vụ hổ trợ vui chơi giải trí, mua sắm, nghỉ dưỡng… Nghiên cứu kỹ sở thích, khả năng chi tiêu của khách du lịch từng vùng, từng quốc gia để xây dựng và bố trí các tour thích hợp và sáng tạo những sản phẩm đặc trưng đáp ứng sở thích của du khách và tăng nguồn thu cho hoạt động dịch vụ du lịch.
- Đào tạo nguồn nhân lực: hướng tập trung cho hướng dẫn viên du lịch là sự am hiểu sâu sắc về giá trị văn hóa, giá trị thiên nhiên và phương pháp tổ chức các đoàn du lịch. Lực lượng nhân viên phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng phải thân thiện, hiếu khách, cần cù, chăm chỉ tận tình trong công việc. Đối với lao động quản lý, nhà thiết kế chương trình du lịch, nhân viên quảng cáo phải có chuyên sâu, kiến thức rộng và thời gian kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh.
- Giáo dục nâng cao ý thức người dân địa phương: tuyên truyền giáo dục người dân hiểu được giá trị tài nguyên môi trường, giá trị văn hóa, giúp họ ý thức được những tài sản đó là của chung. Tuyên truyền nâng cao ý thức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Khuyến khích người dân khôi phục, giữ gìn và phát triển các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm mục đích duy trì bản sắc dân tộc và không bi mai một của các ngành nghề truyền thống.
- Cần tạo môi trường du lịch thân thiện rộng mở, nâng cao chất lượng, luôn luôn tạo ra nét mới, tạo sức hấp dẫn và đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Từng bước có chính sách thuận lợi cho việc đầu tư vốn của các doanh nghiệp du lịch Bình Thuận và cho cả các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài để khai thác các sản phẩm du lịch mới, chú ý các loại hình vui chơi giải trí, thể thao phù hợp với đặc thù của vùng biển, vùng rừng núi mà thiên nhiên đã ưu đã và có các khu ẩm thực mang tính đặc trưng, sắc thái riêng có của Bình Thuận để phục vụ tốt nhu cầu phong phú, đa dạng của du khách.
- Đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước trong việc nghiên cứu thị trường, quảng bá du lịch nhằm thu hút du khách và thu hút nguồn vốn đầu tư, và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để mở rộng quy mô và hình thức kinh doanh.
- Tăng cường quảng bá du lịch với nhiều hình thức như thiết kế trang web về du lịch với những thông tin hấp dẫn và luôn được cập nhật, luôn được cập nhật về các chương trình du lịch, chương trình khuyến mãi, các điểm tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, mức giá tham khảo như vậy khách mới hình dung được những gì đang chào đón họ và cảm thấy an tâm vì bỏ tiền ra nhận lại được những giá trị xứng đáng.Đẩy mạnh việc in sách bằng nhiều thứ tiếng giới thiệu về du lịch và những nét đẹp văn hóa của địa phương.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch, tăng cường công tác hậu kiểm về kinh doanh lưu trú du lịch, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, chất lượng phục vụ của các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch đúng với loại hạng đã công nhận.
Ngành Du lịch Bình Thuận phát động chiến dịch quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng địa phương trong xây dựng hình ảnh điểm đến bằng sự thân thiện, mến khách; giới thiệu và thu hút du khách tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống; thực hiện tốt việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và đảm bảo chất lượng hàng hóa về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát động chương trình làm sạch môi trường du lịch tại các khu du lịch dã ngoại và điểm tham quan. Quan tâm hơn nữa trong đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh các loại hình nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trên biển. Chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch để phát triển một cách bền vững. Trong tương lai hệ thống đường bộ và đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hình thành sẽ rút ngắn thời gian cho du khách từ thành phố Hồ Chí Minh – Phan Thiết. Đặc biệt sân bay Phan Thiết khi đi vào hoạt động sẽ tạo thêm lợi thế cho du lịch Bình Thuận phát triển bền vững.