Ba năm qua (2011- 2013) trong bối cảnh kinh tế trong nước đối mặt hàng loạt khó khăn. Những yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng những nhiệm vụ của đổi mới thể chế chưa được giải quyết dồn tích lại từ nhiều năm trước đã bộc lộ ra một cách gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết một cách hệ thống, căn bản và cấp bách. Trên bề mặt của đời sống kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng cao (tăng 18,13% so với năm 2010). Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu khá tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, trực tiếp gây ra tình trạng rủi ro, bất ổn đe dọa hệ thống ngân hàng. Các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm, chưa đi vào cuộc sống. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; sức mua của thị trường yếu, nhiều mặt hàng tồn kho khá cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, lao động mất việc làm nhiều. Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đó, kinh tế tỉnh nhà cũng gặp không ít khó khăn: Ảnh hưởng dịch bệnh gia súc, gia cầm, chăn nuôi phát triển chậm; Công nghiệp tăng trưởng thấp, sản phẩm tiêu thụ chậm; thu hút đầu tư nước ngoài ít; kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản giảm; giá một số hàng nông sản thấp.
Mặc dù vậy, tình hình kinh tế xã hội tỉnh nhà vẫn có một số chuyển biến tích cực thể hiện qua các kết quả sau.
+ Sản xuất lương thực đạt 758 ngàn tấn (tăng 113 ngàn tấn so với năm 2010). Chăn nuôi tiếp tục phục hồi. Các bệnh thông thường ở đàn gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc và các dịch bệnh nguy hiểm được các địa phương triển khai tích cực. Khai thác hải sản đạt 187 ngàn tấn (tăng 14 ngàn tấn so với năm 2010); sản xuất tôm giống tăng khá.
+ Sản xuất công nghiệp địa phương giữ được ổn định (chỉ số sản xuất tăng bình quân 8,4%/năm). Các sản phẩm chủ yếu sản xuất hàng năm đều tăng thêm, các cơ sở sản xuất các mặt hàng truyền thống của địa phương đã duy trì được thị trường tiêu thụ.
+ Hoạt động thương mại nội địa tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng bình quân 6,3%/năm (đã loại trừ tăng giá). Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2013 đạt 255 triệu USD (tăng bình quân 15,1%/năm). Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển; lượng khách đến lưu trú tại địa phương tăng bình quân 15,1%/năm; trong đó khách quốc tế tăng bình quân 16,8%/năm và lưu trú dài ngày hơn (năm 2010 : 3,1 ngày; năm 2013 : 3,26 ngày). Hoạt động vận tải ổn định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách trên tất cả các tuyến đường.
+ Các vấn đề xã hội tiếp tục chuyển biến. Mạng lưới trường lớp được duy trì và tiếp tục có những chuyển biến đáng kể về quy mô phát triển, các điều kiện đảm bảo cho chất lượng được đầu tư và tăng cuờng, tỉ lệ huy động học sinh ra lớp ở các độ tuổi tăng so với năm học trước. Giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được củng cố và ổn định. Chất lượng giáo dục các mặt được giữ vững, ổn định và đạt nhiều kết quả tiến bộ; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Các bệnh xã hội được tiếp tục chú trọng, quan tâm điều trị kịp thời. Chương trình y tế quốc gia được triển khai đều ở các tuyến. Giải quyết việc làm cho người lao động và đào tạo nghề có nhiều cố gắng. Công tác xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm. Các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tiếp tục được đẩy mạnh, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tốt hơn về số lượng và chất lượng. Mô hình xã, phường phù hợp với trẻ em tiếp tục được mở rộng.
Những kết quả đó đã đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2013 đạt 38.030 tỷ đồng; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì GRDP trong 3 năm qua tăng bình quân 8,9%/năm, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 5,6%/năm; nhóm công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%/năm; nhóm dịch vụ tăng 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ; nhóm nông lâm thuỷ sản chiếm 19,1% (năm 2010: 22,2%); công nghiệp xây dựng 35,2% (năm 2010: 34,1%), dịch vụ 45,7% (năm 2010: 43,7%). GRDP bình quân đầu người đạt 31,66 triệu đồng, tương đương 1.493 USD (năm 2010 đạt 997 USD).
Để đánh giá thực trạng mức sống dân cư trên địa bàn, năm 2013 Cục Thống kê Bình Thuận đã tiếp tục điều tra mẫu 1.500 hộ gia đình. Kết quả chọn mẫu 1.500 hộ dựa trên cơ cấu kinh tế hộ gia đình qua: Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009; Tổng điều tra nông thôn nông nghiệp và thuỷ sản 2011; Tổng điều tra các cơ sở kinh tế và hành chính sự nghiệp 2012 phân theo khu vực, theo vùng, theo ngành nghề. Thông qua kết quả điều tra, Cục Thống kê Bình Thuận biên soạn chuyên đề: “Biến đổi mức sống hộ gia đình sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII” giúp lãnh đạo các ngành, các cấp tham khảo.
Chuyên đề được trình bày với một số nội dung sau:
- Hộ, nhân khẩu, lao động trên địa bàn
- Trình độ học vấn (người từ 6 tuổi trở lên) và trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ (người từ 15 tuổi trở lên)
- Nhà ở, sử dụng điện, nguồn nước, vệ sinh môi trường và tiện nghi sinh hoạt
- Thu nhập của hộ gia đình
- Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu
- Tích luỹ hộ gia đình
- Tiếp cận thông tin và hoạt động thể dục thể thao, du lịch
- Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội
- Đánh giá tổng quát
- Một số giải pháp chủ yếu để tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống