[ 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 ]

 

 

 

7. Tiếp cận thông tin và hoạt động thể dục thể thao, du lịch

Thông qua kết quả điều tra cho thấy đại đa số dân cư ở các khu vực, các vùng thường xuyên quan tâm theo dõi chương trình thời sự, đọc sách báo, tìm hiểu các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua các phương tiện thông tin truyền thông. Việc tiếp cận các thông tin qua Báo, Tạp chí, Đài… đã góp phần nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hộ thường xuyên theo dõi thời sự trên Đài toàn tỉnh năm 2013 là 88,5% (thành thị 84,2%; nông thôn 91,2%); hộ thường xuyên đọc báo, tạp chí đạt 46,8% (thành thị 49,3%; nông thôn 45,3%). Thông qua đó, các hộ gia đình đã tiếp cận được nhiều chính sách, chương trình của Nhà nước như: Chương trình khuyến nông (66% số hộ tiếp cận); Cho vay hộ nghèo (84%); Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo (82%) ; Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (85%); Chương trình dân số KHH gia đình (90%); Chương trình xây dựng nông thôn mới (77%); Chương trình đào tạo nghề ở nông thôn (61%). Chương trình khuyến nông, khuyến công, được trợ giá, trợ cước, vay vốn hỗ trợ lãi suất của Nhà nước đã giúp hộ có thêm điều kiện phát triển SXKD, kết quả điều tra cho thấy toàn tỉnh có 13,7% hộ gia đình tham gia vào chương trình này; trong đó ở vùng trung du là 20%; vùng miền núi là 17,2%, vùng cao hải đảo là 24,2%. Nhìn chung các Chương trình trên đã và đang phát huy tác dụng tốt.

          Duy trì tập thể dục hàng ngày là một bước quan trọng để ngăn ngừa tình trạng bệnh tật. Năm 2013 hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục duy trì đều, các địa phương đã luôn quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (TDTT), đưa phong trào luyện tập TDTT trong mỗi gia đình, cơ quan, trường học trở thành một tiêu chí để đánh giá công tác thi đua và bình xét cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Phong trào TDTT đi dần vào chiều sâu, các đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hướng dẫn, tập luyện cho nhân dân và điều hành các giải đấu tại cơ sở. Phong trào TDTT quần chúng phát triển mạnh cả số lượng và chất lượng, từng bước trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Thông qua kết quả điều tra cho thấy năm 2013, tỷ lệ hộ có thành viên luyện tập TDTT đạt 45,8% (năm 2010: 41,5%); số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 23,4% so với dân số (năm 2010: 20,5%). Nhìn chung tỷ lệ hộ, tỷ lệ thành viên tham gia luyện tập TDTT ở 2 khu vực và các vùng miền đều tăng hơn so với năm 2010.

Kinh tế xã hội phát triển đã tác động đến nhu cầu sinh hoạt và đời sống tinh thần con người ngày càng tăng. Các hoạt động xã hội được tổ chức ngày càng đa dạng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó nhu cầu đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài ngày càng phổ biến nhằm. Thông qua kết quả điều tra năm 2013 cho thấy tỷ lệ hộ có thành viên đi du lịch trong nước là 8,9%, đi nước ngoài là 0,13% (năm 2010: 0,8%). Với tỷ lệ trên, so với cả nước, kết quả đạt còn thấp.

8. Nhận định của chủ hộ về một số vấn đề xã hội

Trong năm qua, song song với việc tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định; các cấp, các ngành từ TW đến địa phương đã tiếp tục triển khai, xây dựng nhiều chương trình phát triển xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường an toàn thực phẩm.

Giáo dục và đào tạo tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đã tiếp tục phát triển quy mô các ngành học, bậc học, đa dạng hoá các loại hình đào tạo.

Tỷ lệ học sinh bỏ học năm học năm 2013 là 1,36% (năm 2010: 1,76%); tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,54% (vượt 3,54% so với chỉ tiêu); tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 99,85% (tăng 0,38% so với năm học trước); số trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 91,08% (tăng 0,76% so với năm học trước); tỷ lệ học sinh lớp 9 được xét và công nhận tốt nghiệp THCS đạt 98,76% (tăng 0,56%); số người lớn trong độ tuổi (15-35 vùng thuận lợi; 15-25 vùng dân tộc thiểu số) biết chữ đạt 99,02% (tăng 0,20% so với năm trước); số người lớn từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,49% (tăng 0,20% so với năm trước). Tất cả các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, TP đều bảo đảm duy trì chuẩn Quốc gia về Phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ. Năm học 2013-2014, huy động trẻ 5 tuổi vào Mẫu giáo đạt 99,25% (vượt 4,25% so với chỉ tiêu); huy động trẻ vào lớp 1 đạt 99,98% (vượt 0,08% so với chỉ tiêu); huy động vào học lớp 6 đạt 100% (vượt 5% so với chỉ tiêu); huy động vào lớp 10 đạt 82% (vượt 12% so với chỉ tiêu).

Tuy vậy thực trạng học thêm ngoài giờ ở bậc học phổ thông hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Theo kết quả điều tra, năm 2013 tỷ lệ hộ có thành viên đang đi học phổ thông chiếm 50,8% (năm 2010: 60,1%); tỷ lệ người từ 6-18 tuổi đang đi học phổ thông là 73,2% (năm 2010: 75,6%); tỷ lệ hộ có thành viên học thêm ngoài giờ so với hộ có thành viên đang học phổ thông là 49,5% (năm 2010: 56,9%); tỷ lệ người phải học thêm ngoài giờ so với người đang đi học phổ thông còn 40,4% (năm 2010: 46,4%), trong đó thành thị 54,5% (năm 2010: 66,8%); nông thôn 32,5% (năm 2010: 38%); đồng bằng 56,1% (năm 2010: 64,9%); trung du 46,1% (năm 2010: 46,6%); miền núi 36,7% (năm 2010: 44,3%); vùng cao, hải đảo 10,4% (năm 2010: 13,4%). Mức học phí ngoài giờ trung bình ở thành thị là 304 ngàn đồng/người/tháng (năm 2010: 173 ngàn đồng); ở nông thôn là 149 ngàn đồng (năm 2010: 90 ngàn đồng/người/tháng). Tỷ lệ học phí ngoài giờ của hộ ở khu vực thành thị chiếm 3,4% trong tổng chi tiêu (năm 2010: 4%); ở nông thôn chiếm 2,0% (2,4%). Như vậy so với năm 2010, tỷ lệ người đi học thêm ngoài giờ so với người đang đi học phổ thông ở các khu vực, các vùng miền đã giảm khá nhiều. Việc trang trải cho chi phí học thêm ngoài giờ không nhiều, phù hợp trong cơ cấu chi tiêu.

Học thêm ngoài giờ là một nhu cầu chính đáng, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận học sinh muốn nâng cao kiến thức, muốn được vào trường điểm, vào, vào đại học…. song cũng có một bộ phận học sinh đi học thêm có tính chất phong trào hoặc vì ham chơi, cha mẹ bận việc công tác, lo làm ăn không thể quản lý nổi nên gửi cho giáo viên nhằm hạn chế việc chơi bời lêu lỏng… và có không ít một bộ phận học sinh học thêm là do sự thúc ép của giáo viên do tâm lý chung của cha mẹ là: học yếu kém muốn được lên lớp “an toàn”; học trung bình và khá giỏi thì muốn được “ưu ái” để kết quả có thể cao hơn khả năng. Tuy tỷ lệ học sinh đi học ngoài giờ những năm qua có giảm dần, song cần phải tiếp tục chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan, phân bổ giờ giấc học chính khóa, học thêm như thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng học nhồi nhét, học quá tải, có khi dẫn đến “lợi bất cập hại”. Nhận định về chất lượng giáo dục ở địa phương, qua điều tra có 60,5%  hộ gia đình nhận định khá hơn (so với năm 2010); 38,9% cho là vẫn như cũ; trong đó Vùng đồng bằng 51,7% cho là khá hơn, 47,8% cho là vẫn như cũ; Vùng trung du 45,8% cho là khá hơn, 54,2% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 66,7% cho là khá hơn; 32,5% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 62,5% cho là khá hơn; 36,7% cho là vẫn như cũ. Kết quả này cho thấy hầu hết các hộ gia đình ở 2 khu vực, ở các vùng đều nhận định chất lượng giáo dục trong những năm qua khá tốt.

Về y tế: Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 100/127 trạm y tế xã, phường có bác sỹ công tác (bình quân có 5,5 bác sỹ/vạn dân). Các chương trình mục tiêu về y tế được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. Công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được duy trì thường xuyên. Các hoạt động: cân trẻ, thực hành dinh dưỡng, tập huấn mạng lưới cộng tác viên kỹ năng phòng chống suy dinh dưỡng vẫn được triển khai đều đặn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tiếp tục đầu tư; các cơ sở y tế xây mới đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tốt. Các bệnh xã hội duy trì hoạt động tốt, công tác kiểm tra giám sát  tuyến cơ sở được thực hiện thường xuyên, nề nếp. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hộ có thành viên thường xuyên đến khám chữa bệnh ở cơ sở y tế nhà nước là 23,6% (năm 2010: 41,7%); tỷ lệ hộ có thành viên thường xuyên đến các cơ sở y tế tư nhân khám chữa bệnh (hoặc thỉnh thoảng đến cơ sở y tế nhà nước) là 61,6% và tự điều trị tại nhà khi ốm đau là 14,8%.

Số người lựa chọn khám chữa bệnh tại cơ sở y tế nhà nước thường là do đã đăng ký bảo hiểm, gần nhà, bệnh nặng. Còn người dân lựa chọn y tế tư nhân vì muốn được thuận tiện, không phải chờ đợi, thái độ người phục vụ tốt, thủ tục nhanh chóng và xu hướng chung là tùy theo bệnh, tùy theo chi phí điều trị họ có thể kết hợp chữa bệnh cả cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Theo kết quả điều tra, mức chi tiêu về khám chữa bệnh trong năm bình quân 01 hộ là 2,271 triệu đồng (chiếm 2,5% trong chi tiêu đời sống sinh hoạt); mức chi này nhìn chung là không nhiều. Tỷ lệ người từ 6 tuổi trở lên có thẻ bảo hiểm y tế so với nhân khẩu từ 6 tuổi trở lên đã được nâng dần, đến cuối năm 2013 đạt 50,7% (năm 2010: 45,4%)

Nhận định về chất lượng y tế ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 56,3% hộ gia đình nhận định khá hơn (so với năm 2010); 42,5% cho là vẫn như cũ; trong đó: thành thị 46,8%; nông thôn 62%; vùng đồng bằng 48,6% cho là khá hơn (so với năm 2010), 49,5% cho là vẫn như cũ; vùng trung du 46,7% cho là khá hơn, 51,7% cho là vẫn như cũ; vùng miền núi 60,1% cho là khá hơn, 38,8% cho là vẫn như cũ; vùng núi cao, hải đảo 65,8% cho là khá hơn, 34,2% cho là vẫn như cũ. Kết quả này cho thấy hầu hết các hộ gia đình ở 2 khu vực, ở các vùng đều nhận định chất lượng y tế khá tiến bộ

An toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Được tiếp cận với những thực phẩm an toàn là nhu cầu cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn góp phần cải thiện sức khỏe con người. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế, gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong những năm qua các cấp, các ngành hữu quan từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác truyền thông đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết,… được xem là một trong các hoạt động trọng tâm không thể thiếu được nhằm nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong cộng đồng, đặc biệt chú trọng các đối tượng là người sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng...

Nhận định về vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương nơi cư trú, qua điều tra có 45,6% hộ gia đình nhận định khá hơn (so với năm 2010), 51,5% cho là vẫn như cũ; trong đó: Vùng đồng bằng 39,5% cho là khá hơn, 55,2% cho là vẫn như cũ; vùng trung du 35,8% cho là khá hơn, 60,8% cho là vẫn như cũ; vùng miền núi 50,0% cho là khá hơn, 47,8% cho là vẫn như cũ; vùng núi cao, hải đảo 45,8% cho là khá hơn, 54,2% cho là vẫn như cũ.

Như vậy tuy có những nhận định khác nhau nhưng đại đa số dân cư trên các vùng đều cho rằng chất lượng giáo dục, y tế, vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là chấp nhận được.

Ngoài nhận định những thay đổi về chất lượng giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường; trong cuộc điều tra này, các hộ gia đình còn nhận định việc huy động đóng góp các loại quỹ, phí; phát huy tính dân chủ ở địa phương; tình hình an ninh trật tự xã hội ở địa phương và một số nhận định khác.

- Đóng góp các loại quỹ (như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ khuyến học... ) được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, những hộ thuộc diện nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được xem xét miễn, giảm hoặc không thu. Tuy vậy hiện vẫn còn nhiều địa phương được cấp trên giao chỉ tiêu vận động đóng góp nên việc vận động gần như “bắt buộc”. Kết quả điều tra năm 2013 cho thấy có 1,7% số chủ hộ cho mức huy động đóng góp các loại quỹ, phí trong thời gian qua còn thấp, 90,8% cho là chấp nhận được,  7,5% số chủ hộ nhận định mức đóng góp hiện nay là khá cao; trong đó vùng đồng bằng có 5,5% (số chủ hộ cho là cao); vùng trung du 7,5%; vùng miền núi 8,8%; vùng núi cao, hải đảo 5,0%.

- Thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương, trong những năm qua các địa phương đã mở rộng các hình thức đối thoại trực tiếp và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thể hiện rõ trách nhiệm trước nhân dân; phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong tham gia ý kiến về phát triển KT-XH, phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh... Đây là tiền đề đưa KTXH phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao và từng bước củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân. Qua đó góp phần tăng cường năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò quản lý điều hành của chính quyền địa phương; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được đổi mới phù hợp hơn; đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức của địa phương theo chủ trương “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân” và “nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”; nêu cao tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” Thông qua đó ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng quan liêu, cửa quyền, hạn chế hành vi nhũng nhiễu nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí; tác động và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền ở địa phương. Kết quả điều tra cho thấy có 53,3% chủ hộ nhận định tính phát huy dân chủ ở địa phương so với những năm trước đây khá hơn; 45,3% cho là vẫn như cũ ; trong đó: Vùng đồng bằng 36,2% cho là khá hơn năm trước; 62,4% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 42,5% cho là khá hơn năm trước; 56,7% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 61,7% cho là khá hơn năm trước; 37,1% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 65,8% cho là khá hơn năm trước; 34,2% cho là vẫn như cũ. Như vậy phát huy tính dân chủ ở các vùng, miền ngày càng được nâng lên.

- Công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp triển khai thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống tội phạm trên địa bàn; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, khắc phục ùn tắc giao thông; xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy ….được thực hiện thông qua các Nghị quyết liên tịch song phương, đa phương giữa Công an, Ban dân vận, Mặt trận và các tổ chức thành viên. Các địa phương đã gắn việc triển khai theo mục tiêu xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” và cuộc vận động “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư” với các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động. Nhìn chung công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số người phạm tội và phạm tội nghiem nghiêm trọng giảm dần; tỷ lệ hộ đạt “Gia đình văn hoá” hàng năm tăng dần. Thông qua cuộc điều tra có 48,6% chủ hộ trả lời trật tự an toàn xã hội ở địa phương so với những năm trước đây có khá hơn; 41,7% cho là vẫn như cũ và 3,7% chủ hộ cho là kém thua; trong đó: Vùng đồng bằng 44,3% cho là khá hơn; 52,8% cho là vẫn như cũ. Vùng trung du 50,0% cho là khá hơn; 46,7% cho là vẫn như cũ; Vùng miền núi 53,8% cho là khá hơn; 41,5% cho là vẫn như cũ; Vùng núi cao, hải đảo 25,8% cho là khá hơn; 73,3% cho là vẫn như cũ. Với tỷ lệ trên cho thấy trật tự an toàn xã hội ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

- Cách đây 2 năm, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, xem đây là một luồng sinh khí mới, một quyết tâm mới ngay từ khi Nghị quyết mới được ban hành, cũng như quá trình triển khai và tổ chức thực hiện. Dư luận trong nhân dân rất kỳ vọng vào đợt sinh hoạt chính trị lần này sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy Đảng đã triển khai thực hiện Nghị quyết với tinh thần quyết tâm chính trị cao; đồng thời, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là việc thường xuyên, liên tục đối với từng tổ chức cơ sở đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nội dung của Nghị quyết đã được dư luận trong nhân dân quan tâm, tìm hiểu, đánh giá, phân tích kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng Đảng bộ địa phương ngày càng trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong những năm tiếp theo. Tuy vậy, sự quan tâm tìm hiểu sâu về nội dung của Nghị quyết đối với “người dân thường” chưa nhiều. Trong cuộc điều tra này, khi phỏng vấn chủ hộ về mức độ nhận biết nội dung NQTW4, kết quả cho thấy có 21,1% chủ hộ biết rõ nội dung; 41,8% chủ hộ chỉ nghe nói, không rõ nội dung và 37,1%  không biết về nội dung NQTW4. Như vậy mức độ biết rõ nội dung của Nghị quyết TW4 nhìn chung còn thấp, vùng đồng bằng đạt 15%; vùng trung du 20%; vùng miền núi 26,3%; vùng cao, hải đảo 13,3%. 

- Nhận định về đạo đức lối sống của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương cho thấy đa số cán bộ đã phát huy những truyền thống tốt đẹp của đất nước, một số cán bộ đã vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó nhiều lãnh đạo đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu học tập nâng cao trình độ, giữ vững đạo đức lối sống, trung thực với Đảng, làm hạt nhân đoàn kết quần chúng hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống tham nhũng, quan liêu ở cơ sở... góp phần thực hiện có kết quả công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng luôn được tăng cường, chú trọng đến từng đơn vị, cơ sở; tệ quan liêu, tham nhũng biểu hiện ở một số ngành, cơ sở được ngăn chặn và từng bước được đẩy lùi. Nhận định về tệ quan liêu, tham nhũng hiện nay so với những năm trước, có 9,5% chủ hộ cho là tăng thêm; 62,4% cho là vẫn như cũ và 28,1% cho là có giảm dần.

Đầu trang | Trang trước | Tiếp theo