1. Hộ, nhân khẩu, lao động trên địa bàn
Qua khảo sát 1.500 hộ/6.441 nhân khẩu/4.463 lao động cho thấy bình quân/ hộ có 4,29 người, trong đó khu vực thành thị là 4,31 người; nông thôn là 4,29 người; Vùng đồng bằng có 4,26 người, trung du 4,83 người, miền núi 4,23 người, vùng cao, hải đảo 4,36 người. Số người trong độ tuổi lao động bình quân/hộ có 2,98 người, trong đó khu vực thành thị 3,03 người; nông thôn 2,94 người; vùng đồng bằng 2,98 người; trung du 3,26 người; miền núi 2,95 người; vùng cao, hải đảo 2,87 người. Như vậy số người ngoài tuổi lao động/hộ toàn tỉnh là 1,31 người; trong đó ở khu vực thành thị là 1,28 người; nông thôn là 1,35 người; đồng bằng 1,28 người; trung du 1,57 người; miền núi 1,28 người; vùng cao, hải đảo 1,59 người. Qua đó cho thấy tỷ lệ người sống phụ thuộc (số người ngoài tuổi lao động/số người trong tuổi lao động) toàn tỉnh là 0,44; trong đó ở thành thị là 0,42; nông thôn là 0,46; vùng đồng bằng: 0,44; trung du: 0,48; miền núi: 0,43; vùng cao, hải đảo: 0,52.
Chỉ tiêu này năm 2009 qua kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở là 0,60. Như vậy đến nay tỷ lệ người sống phụ thuộc của hộ đã giảm xuống. Điều này sẽ bớt đi gánh nặng cho người lao động gia đình, tạo thuận lợi cho hộ gia đình có cuộc sống khá, có tích luỹ. Đây là cơ hội lý tưởng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn bởi nhu cầu việc làm, đào tạo sẽ tăng cao. Bởi nếu không có công việc thì chính những người này rất dễ rơi vào các tệ nạn xã hội.
2. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ
Thu thập thông tin về trình độ học vấn của người từ 6 tuổi trở lên cho thấy người có trình độ tiểu học chiếm 32,1%; trung học cơ sở chiếm 35,7%; phổ thông trung học chiếm 32,3%. Phân theo khu vực, theo vùng, tỷ lệ người có trình độ phổ thông trung học ở thành thị đạt 36,9%; nông thôn 29,5%; vùng đồng bằng chiếm 35,1%, trung du 31,0%, miền núi 30,8%, vùng cao, hải đảo 34,2%. Như vậy tỷ lệ người có trình độ học vấn phổ thông trung học ở thành thị cao hơn nông thôn; ở vùng đồng bằng cao hơn các vùng khác, song sự chênh lệch không lớn. Với kết quả tỷ lệ dân số có trình độ học vấn “Phổ thông trung học” giữa các vùng như trên cho thấy người dân dễ dàng nhận thức được sự phải trái; phân tích được quy luật phát triển, tham gia tích cực vào sản xuất. Đây cũng là điều kiện để từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, phòng chống tình trạng tuyên truyền luận điệu sai trái làm xáo trộn cuộc sống của nhân dân và làm ảnh hưởng đến tình hình ổn định của đất nước.
Trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ người từ 15 tuổi trở lên giữa các khu vực, các vùng cũng khác nhau. Tỷ lệ người được đào tạo từ trung cấp nghề trở lên toàn tỉnh là 9,79% (năm 2010: 7,17%); ở thành thị là 12,99% (năm 2010: 11,59%), ở nông thôn 7,74% (năm 2010: 4,96%); ở vùng đồng bằng là 11,91% (năm 2010: 11,44%), ở trung du là 7,26% (năm 2010: 6,57%), ở miền núi là 9,68% (năm 2010: 5,87%) và ở vùng cao, hải đảo 5,64% (năm 2010: 1,91%). Kết quả trên cho thấy trong 3 năm qua trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã tiếp tục nâng lên nhiều ở tất cả các khu vực, các vùng.
Tuy vậy, tỷ lệ người lao động được đào tạo giữa các khu vực, các vùng vẫn còn cách biệt xa và hơn 90% người trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề “một cách bài bản” cho thấy kỹ năng nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là trong tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn như hiện nay, cơ hội tìm việc dành cho những lao động không có kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật lại càng khó khăn gấp bội. Lực lượng lao động có tiềm năng là cơ hội vàng để tạo ra tỷ lệ tiết kiệm cao hơn cho đất nước, giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Nếu phần lớn lượng cung lao động là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn nhiều và chất lượng lao động không đồng đều giữa các vùng thì kỹ năng nghề nghiệp và chất lượng lao động ở các khu vực, các vùng sẽ khác nhau. Hiện nay các doanh nghiệp đang rất khát nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao nhưng tỷ lệ lao động có chất lượng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp. Điều này dẫn đến nguồn lao động của chúng ta tuy dồi dào, nhu cầu việc làm lớn, nhưng các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng.
3. Nhà ở, sử dụng nguồn nước, vệ sinh môi trường và tiện nghi sinh hoạt
Thu thập thông tin về nhà ở năm 2013, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố là 96,33% (năm 2010: 95,27%), trong đó thành thị: 97,54% (năm 2010: 96,46%) ; nông thôn 95,59% (năm 2010: 94,71%); vùng đồng bằng 96,67% (năm 2010: 94,10%); trung du 97,50% (năm 2010: 95,33%); miền núi 95,83% (năm 2010: 94,14%); vùng cao, hải đảo 97,50% (năm 2010: 91,67%). Kết quả trên cho thấy chất lượng nhà ở trong những năm qua được tiếp tục cải thiện ở tất cả các khu vực, các vùng. Đây là kết quả của quá trình tích luỹ từ phát triển kinh tế gia đình qua nhiều năm để xây dựng, nâng cấp nhà ở cùng với sự vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây mới, xây dựng sửa chữa nhà ở các đối tượng chính sách trong những năm qua.
Về sử dụng hố xí và rác thải sinh hoạt, qua thu thập thông tin cho thấy năm 2013, toàn tỉnh còn 4,93% số hộ không có hố xí (năm 2010: 15,13%), trong đó ở thành thị là 2,11% (2010: 5,21%), nông thôn 6,67% (2010: 19,80%); vùng đồng bằng 2,14% (2010: 4,87%), trung du 5,83% (2010: 9,17%), miền núi 4,52% (2010: 16,90%); vùng cao, hải đảo 16,67% (2010: 41,67%). Tỷ lệ hộ xử lý bằng hình thức vứt rác thải xuống ao hồ, sông suối vùng đồng bằng còn 6,43% (năm 2010: 7,18%), trung du 1,67% (năm 2010: 1,67%), miền núi 1,19% (2010: 1,49%). Kết quả này cho thấy tỷ lệ hộ có sử dụng hố xí đã chuyển biến khá tích cực.
Tuy vậy, việc xử lý rác thải, giữ vệ sinh môi trường chuyển biến còn chậm mặc dù trong những năm gần đây luôn được các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm, nhất là việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các khu vực thành thị; các cơ sở, các hộ gia đình làm nghề chế biến thủy sản đã thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tránh đổ bừa bãi xuống biển, thải ra đường, ra cống rãnh công cộng gây mùi hôi thối; ở nông thôn các cấp, các ngành hữu quan đã thường xuyên phối hợp nhau khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhắc nhở các hộ dân cư tránh vứt rác bừa bãi nhằm bảo vệ môi trường sống của mình; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh ở các địa phương thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, băng rôn, khẩu hiệu; hàng năm nhân dịp lễ, tết, ngày Môi trường thế giới đã tổ chức cho nhân dân ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các cơ quan, đơn vị, các khu dân cư… và phát động trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời cấp phát tờ rơi hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Song song với cải thiện chất lượng nhà ở và môi trường sinh hoạt; các hộ gia đình đã mua sắm các trang thiết bị, đáp ứng tiện nghi sinh hoạt hộ gia đình. Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hộ sử dụng thiết bị có giá trị cao đáp ứng sinh hoạt gia đình ngày càng tăng, cụ thể: tỷ lệ hộ có tủ lạnh đạt 72,5% (năm 2010: 53,8%), có máy giặt 27,7% (2010: 16,3%), có xe máy 95,3% (2010: 86,7%), có máy vi tính 20,5% (2010: 14,5%).
Phân theo các ngành nghề chủ yếu của hộ cho thấy tỷ lệ hộ có tủ lạnh ở những ngành nghề: nông lâm nghiệp, xây dựng, hộ làm thuê thấp so với mức trung bình toàn tỉnh; tỷ lệ hộ có xe máy ở những ngành nghề : thuỷ sản, xây dựng, dịch vụ, hộ làm thuê thấp hơn so mức trung bình toàn tỉnh; tỷ lệ hộ máy giặt ở những ngành nghề: công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, dịch vụ, hộ làm công ăn lương cao hơn mức trung bình toàn tỉnh; tỷ lệ hộ có máy vi tính ở những ngành nghề công nghiệp, thương nghiệp, vận tải, dịch vụ, hộ làm công ăn lương cao hơn mức trung bình toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ có ti vi, đầu đĩa, dàn nghe nhạc… (thiết bị tiếp cận thông tin, sinh hoạt văn hoá hàng ngày) nhìn chung không có chênh lệch xa giữa các loại hộ và các vùng.
Không những tỷ lệ hộ sử dụng thiết bị, tiện nghi phục vụ sinh hoạt ngày càng tăng; số lượng đồ dùng trong hộ cũng tăng thêm khá. Năm 2013, bình quân 100 hộ gia đình có 74 chiếc tủ lạnh (năm 2010: 55 chiếc); 174 chiếc xe máy (2010: 140 chiếc); 28 chiếc máy giặt (2010: 17 chiếc); 23 bộ máy vi tính (2010: 15 bộ). Đây là kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế hộ trong những năm qua, biết tích lũy từ thu nhập, mua sắm thêm các trang thiết bị, đồ dùng gia đình…. đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng của hộ gia đình và các thành viên trong hộ.
Do tỷ lệ hộ có thiết bị, tiện nghi sinh hoạt gia đình được tăng hơn trước, trong đó các thiết bị có giá trị cao được tăng lên khá nhiều nên trị giá đồ dùng lâu bền/hộ năm 2013 ở các khu vực, các vùng đã tăng khá. Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân/hộ đạt 48,9 triệu đồng (2010: 29,1 triệu đồng), trong đó hộ thành thị đạt 54,0 triệu đồng (2010: 32,2 triệu đồng), hộ nông thôn đạt 45,7 triệu đồng (2010: 27,6 triệu đồng). Phân theo vùng, cho thấy hộ sinh sống ở vùng trung du có trị giá đồ dùng lâu bền đạt cao nhất (54,7 triệu đồng); kế đến là hộ đồng bằng (50,5 triệu đồng); miền núi (49,1 triệu đồng); thấp nhất là ở vùng cao, hải đảo (35,6 triệu đồng).