[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

Cải thiện, nâng cao mức sống dân cư có nhiều giải pháp, song qua kết quả điều tra hộ gia đình, xin kiến nghị một số giải pháp sau:

Về lao động việc làm: Lao động và việc làm là 2 yếu tố quyết định thu nhập, nâng cao mức sống và là nguyên nhân của sự phân hoá giàu nghèo. Do vậy phải khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng lao động, việc làm của địa phương theo hướng tăng việc làm có thu nhập cao song song với đào tạo nghề cho người lao động. Đây là việc làm cần thiết bởi nó vừa thỏa mãn được yêu cầu giải quyết việc làm, vừa làm tăng thu nhập cao. Song song với việc làm đó phải đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ trong những năm tới phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đến năm 2009 cơ cấu lao động nông lâm thuỷ sản tỉnh ta còn 53,2%, so với bình quân chung cả nước còn ở mức cao (cả nước 47%). Mặt khác phải tập trung sức hình thành và hoàn thiện nhanh thị trường lao động, nhằm giúp người trong độ tuổi lao động có điều kiện tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn. Để có thể hình thành thị trường lao động và đi vào hoạt động đúng nghĩa, bên cạnh việc tiếp tục đổi mới nhận thức về lao động làm thuê, đổi mới chế độ hộ khẩu, hộ tịch…. là sự đổi mới công tác thông tin, giới thiệu việc làm, quản lý và nâng cao chất lượng các cơ sở giới thiệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn…Trong những năm qua, thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, mở mang ngành nghề ... hàng năm tỉnh ta đã giải quyết việc làm gần 23 ngàn người, song chất lượng lao động còn thấp. Công tác đào tạo, dạy nghề và phát triển các trường chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên luôn được quan tâm, song tỷ lệ lao động được đào tạo trong số lao động đang làm việc đến năm 2009 chỉ mới đạt 10,8%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị còn khá cao (5,2%);  tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn còn thấp (77,5%).

Về phát triển kinh tế: Ngoài việc đẩy mạnh phát triển các ngành nghề, các dịch vụ, phát triển các cơ sở kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh ở thành thị; đối với khu vực nông thôn phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh có quy mô hợp lý, có điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường và tăng nhanh xuất khẩu. Hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất trong nông thôn nông nghiệp là tiếp tục phát triển trang trại, tạo điều kiện để có thêm doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo kết quả điều tra năm 2009, toàn tỉnh có 2.449 trang trại với diện tích đất sản xuất 10.308 ha; tồng nguồn vốn sản xuất 894 tỷ đồng; bình quân 365 triệu đồng/trang trại; tổng lao động 17.699 người, bình quân 7 lao động/trang trại; thu nhập đạt 107,3 triệu đồng/trang trại. Số cơ sở kinh tế phi nông lâm thủy sản có 22.957 cơ sở; trong đó có 574 doanh nghiệp; với số lao động 49 ngàn người. Riêng ở lĩnh vực công nghiệp nông thôn có 3.688 cơ sở; trong đó có 168 doanh nghiệp; với số lao động 19.696 người. Tuy các trang trại đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng đất, phát huy thế mạnh của từng vùng sinh thái, từng bước nâng cao trình độ sản xuất và quản lý của kinh tế hộ; số cơ sở kinh tế phi nông lâm thuỷ sản và số doanh nghiệp tăng hơn năm 2005, song nhìn chung quy mô còn thấp.

Đối với ngành nghề khai thác hải sản cần phải tiếp tục quy hoạch phát triển kinh tế biển và tăng cường công tác bảo vệ ngư trường. Nhiều năm qua việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và hình thành thói quen tiêu thụ tài nguyên lãng phí đã gây sức ép đến môi trường đô thị, làm suy giảm và suy thoái tài nguyên biển, vùng ven bờ do ngư dân khai thác cạn kiệt nguồn lợi để hy vọng tăng thêm thu nhập cho gia đình, đây là một vòng luẩn quẩn: nhu cầu sinh kế - khai thác quá mức - cạn kiệt nguồn lợi - nghèo khó. Với 12% số hộ trong tỉnh sinh sống ngành nghề khai thác hải sản hiện nay, số hộ hoạt động khai thác hải sản có mức sống thấp (bình quân dưới 1 triệu đồng/nhân khẩu/tháng) chiếm 15% trong số hộ khai thác hải sản. Vì vậy nếu không có biện pháp tích cực sẽ gây sức ép rất lớn và lâu dài đến môi trường biển xung quanh và tác động trở lại cuộc sống cộng đồng.

Tác động của cơ chế thị trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của hộ gia đình có những thuận lợi song cũng gặp những khó khăn nhất định. Theo kết quả điều tra có 9,5% chủ hộ cho là thuận lợi; 38,5% cho là bình thường; 37,1% cho là khó khăn và 14,9% cho là vừa thuận lợi, vừa khó khăn. Qua đó các chủ hộ cho rằng Nhà nước cần phải quan tâm, chú trọng  hơn nữa ở một số lĩnh vực nhằm đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển ổn định và đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể:

- Có 56,1% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn để sản xuất kinh doanh và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, thuỷ sản, xây dựng, khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo

- Có 21% chủ hộ đề nghị được Nhà nước dịch vụ sản xuất và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, xây dựng, khu vực nông thôn, miền núi

- Có 38% chủ hộ đề nghị Nhà nước hỗ trợ dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN khu vực nông thôn, miền núi, vùng cao, hải đảo

 - Có 65,1% chủ hộ đề nghị Nhà nước đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng ở địa phương và tập trung nhiều ở hộ công nghiệp-TTCN, thương nghiệp, làm công ăn lương, cả 2 khu vực thành thị, nông thôn, đồng bằng, trung du, miền núi.

- Có 45,7% chủ hộ đề nghị Nhà nước tạo việc làm, tăng thu nhập và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, xây dựng, thương nghiệp, làm công ăn lương, ở 2 khu vực thành thị nông thôn và tất cả các vùng.

- Có 65% chủ hộ đề nghị Nhà nước nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội và tập trung nhiều ở hộ nông lâm nghiệp, công nghiệp-TTCN, xây dựng, thương nghiệp, làm công ăn lương, ở 2 khu vực thành thị, nông thôn, vùng trung du, miền núi

Trong những kiến nghị trên, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh đang là vấn đề bức xúc. Thông qua kết quả điều tra cho thấy vốn lưu động của hộ đạt rất thấp,  nhiều hộ gần như không có vốn lưu động; vốn lưu động bình quân của 1 hộ nông lâm nghiệp chỉ có 125 ngàn đồng, hộ thuỷ sản 35 ngàn đồng, công nghiệp-TTCN 45 ngàn đồng, thương mại 170 ngàn đồng.. Điều này cho thấy thiếu vốn lưu động trong làm ăn là vấn đề khá phổ biến hiện nay. Thật vậy, có 21,3% chủ hộ cho biết họ đang cần vay vốn dưới 10 triệu đồng để làm ăn; 28,4% chủ hộ cần vay với mức từ 10-20 triệu đồng; 32,6% chủ hộ cần vay từ 20-50 triệu đồng. Nhìn chung nhu cầu số tiền vay không cao nhưng với mong muốn trên đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan phải xem xét và sớm mở rộng diện cho vay không cần thế chấp để các hộ có thu nhập ổn định.   

Khoảng cách giàu nghèo giữa khu vực, giữa các vùng vẫn còn khá xa. Nhóm có thu nhập cao nhất ở thành thị so với mức thấp nhất ở nông thôn chênh lệch gấp 7 lần; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất ở trung du so với mức thấp nhất ở vùng cao, hải đảo chênh lệch gấp 11 lần. Nhóm hộ có thu nhập cao thường có tài sản, vốn SXKD khá, đầu tư trên nhiều lĩnh vực nên dễ ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhóm hộ có thu nhập thấp thường là hộ có vốn sản xuất kinh doanh ít, đông nhân khẩu ăn theo và lao động trong hộ có việc làm không ổn định nên dễ dẫn đến tình trạng “tái nghèo” nếu không có sự trợ giúp của Nhà nước. Việc trả tiền công bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến thu nhập thấp và sự phân hoá giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn và nếu để tỷ lệ hộ nghèo cao sẽ rất khó cho việc đầu tư phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

CỤC THỐNG KÊ BÌNH THUẬN

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]