[1][2][3][4][5][6][7][8][9]

Kết quả cho thấy tỷ lệ hộ nghèo còn 4,9%; trong đó thành thị 3,5%, nông thôn 5,6%

Có thể nói trong những năm qua do thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng dần và mức thu nhập tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng nên đời sống các tầng lớp dân cư ở các ngành nghề, các vùng, đặc biệt tầng lớp nghèo tiếp tục được cải thiện nên tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo 13,2%; năm 2004 giảm xuống 9,2%; năm 2006 còn 9% và đến năm 2009 chỉ còn 4,9% . Nói chung tỷ lệ hộ nghèo của khu vực thành thị, nông thôn và các vùng đều giảm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khoảng cách biệt về thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn vẫn còn xa; thu nhập bình quân/người ở nông thôn chỉ bằng 72,5% so với thành thị; vùng núi cao, hải đảo chỉ bằng 46% so với vùng trung du.

Song điều đáng mừng là đại đa số người dân đều nhận định mức sống của các tầng lớp dân cư năm 2009 khá hơn năm 2000 và 2005, cụ thể:

Tại thành thị, có 76,7% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 69,6% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

Tại nông thôn, có 77,6% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 74,9% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

Vùng đồng bằng, có 75,1% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 69,5% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

Vùng trung du, có 83,3% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 87,5% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

Vùng miền núi, có 76,7% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 72,1% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

Vùng cao, hải đảo có 82,5% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn năm 2000; 79,2% hộ gia đình cho là mức sống khá hơn 2005

4. Chi tiêu và cơ cấu chi tiêu

Do thu nhập được nâng cao nên mức chi tiêu cũng được lên so với những năm trước đây. Theo điều tra năm 2009, chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng đạt 883 ngàn đồng (năm 2006: 553,8 ngàn đồng), trong đó thành thị 1,101 triệu đồng (2006: 611,1 ngàn đồng); nông thôn 780 ngàn đồng (2006: 500,4 ngàn đồng). Phân theo vùng cho thấy mức chi tiêu 1 tháng của hộ sinh sống ở vùng đồng bằng đạt 1,071 triệu đồng; trung du 1,1 triệu đồng; miền núi 811 ngàn đồng; vùng cao, hải đảo 566 ngàn đồng.

Những hộ có mức chi tiêu cao là : xây dựng (1,137 triệu đồng); làm công ăn lương (1,306 triệu đồng); thương nghiệp (1,137 triệu đồng); dịch vụ (1,084 triệu đồng). Những hộ có mức chi tiêu thấp là: công nghiệp-TTCN (976 ngàn đồng); nông lâm nghiệp (674 ngàn đồng); hộ khác (328 ngàn đồng).

Kết quả này cho thấy, mức chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng năm 2009 ở khu vực thành thị gấp 1,41 lần so với nông thôn (năm 2006: gấp 1,22 lần); vùng trung du gấp 1,35 lần miền núi, vùng đồng bằng gấp 1,9 lần so với vùng cao, hải đảo. Hộ thương nghiệp cao gấp 1,68 lần so với hộ nông lâm nghiệp; hộ làm công ăn lương cao gấp 1,25 lần hộ thuỷ sản.

Nếu phân theo 5 nhóm thu nhập cho thấy: Bình quân 1 nhân khẩu ở nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất (nhóm 1) chi tiêu 1.459 ngàn đồng/tháng (gấp 3,3 lần hộ có mức thu nhập thấp nhất); kế tiếp là nhóm 2 có mức chi tiêu 1.060 ngàn đồng (gấp 2,4 lần); nhóm 3 có mức chi tiêu 846 ngàn đồng (gấp 1,9 lần); nhóm 4 có mức chi tiêu 675 ngàn đồng (gấp 1,5 lần nhóm thấp nhất).

Mức chi tiêu từng khoản trong từng nhóm hộ cũng khác nhau rất nhiều, như: Chi về lương thực thực phẩm ở nhóm cao nhất (nhóm 1) là 5,94 triệu đồng/người/năm, nhóm 2 là 5,22 triệu đồng, nhóm 3 là 4,46 triệu đồng, nhóm 4 là 4,02 triệu đồng, nhóm thấp nhất (nhóm 5) là 2,91 triệu đồng/người/năm. Chi ăn uống ngoài gia đình nhóm 1 là 2,37 triệu đồng/người/năm, nhóm 2 là 1,81 triệu đồng, nhóm 3 là 1,33 triệu đồng, nhóm 4 là 870 ngàn đồng, nhóm 5 là 353 ngàn đồng/người/năm. Chi mua chất đốt, nhà ở điện nước nhóm 1 là 1,07 triệu đồng/người/năm, nhóm 2 là 756 ngàn đồng, nhóm 3 là 625 ngàn đồng, nhóm 4 là 494 ngàn đồng, nhóm 5 là 292 ngàn đồng/người/năm. Chi đi lại, giáo dục, văn hoá, TDTT, giải trí nhóm 1 là 2,54 triệu đồng/người/năm, nhóm 2 là 1,53 triệu đồng, nhóm 3 là 1,01 triệu đồng, nhóm 4 là 791 ngàn đồng, nhóm 5 là 503 ngàn đồng/người/năm. Chi về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhóm 1 là 712 ngàn đồng/người/năm, nhóm 2 là 471 ngàn đồng, nhóm 3 là 383 ngàn đồng, nhóm 4 là 232 ngàn đồng, nhóm 5 là 167 ngàn đồng/người/năm. Kết quả này cho thấy hộ có thu nhập cao thì mức chi tiêu về đời sống sinh hoạt ở tất cả các khoản đều cao hơn so với hộ có thu nhập thấp

Về cơ cấu chi tiêu: Tính chung toàn tỉnh cơ cấu chi về đời sống sinh hoạt chiếm 89,4% trong tổng chi tiêu (năm 2006: 92,5%), trong đó: chi mua lương thực thực phẩm chiếm 42,2% (2006: 37,7%), chi ăn uống ngoài gia đình 12,4% (2006: 13,3%), chi về chất đốt, nhà ở, điện nước 6% (2006: 3,3%), chi về đi lại, văn hoá TDTT, giải trí 11,8% (2006: 15,2%), chi về may mặc 4,2% (2006: 4,6%), chi về y tế chăm sóc sức khoẻ 3,6% (2006: 5,4%), chi mua sắm đồ dùng gia đình 2,1%, sửa chữa thường xuyên nhà ở 1,5%; chi tiêu khác (ngoài chi đời sống sinh hoạt) chiếm 10,6% (2006: 7,5%).

Chi mua lương thực, thực phẩm và chi ăn uống ngoài gia đình giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng khác nhau. Cơ cấu chi mua lương thực thực phẩm ở thành thị là 37%, trong khi ở nông thôn chiếm 45,7% trong chi tiêu, nhưng chi về ăn uống ngoài gia đình ở thành thị chiếm tới 17,6%, trong khi ở nông thôn chỉ chiếm 9%. Song nếu tính chung 2 khoản chi này (đều là chi về ăn uống) thì cơ cấu chi về ăn uống giữa 2 khu vực đều tương đương nhau. Những khoản chi về đời sống sinh hoạt (ngoài ăn uống) và các khoản chi tiêu khác năm 2009 nhìn chung giữa 2 khu vực không có sự khác nhau nhiều

Nếu phân theo 5 nhóm thu nhập cho thấy cơ cấu chi tiêu về đời sống sinh hoạt trong tổng chi ở các nhóm hộ cũng có sự khác nhau: Nhóm có mức thu nhập cao nhất (nhóm 1) cơ cấu này là 85,7%, trong khi ở nhóm thấp nhất (nhóm 5) là 91,7%; trong đó: cơ cấu chi mua lương thực thực phẩm nhóm 1 là 33,9%, nhóm 2 là 41%, nhóm 3 là 43,9%, nhóm 4 là 49,6%, nhóm 5 là 55,1%; cơ cấu ăn uống ngoài gia đình nhóm 1 là 13,5%, nhóm 2 là 14,2%, nhóm 3 là 13%, nhóm 4 là 10,7%, nhóm 5 là 6,7%; cơ cấu chi về đi lại, giáo dục, văn hoá, TDTT, giải trí nhóm 1 là 14,5%, nhóm 2 là 12%, nhóm 3 là 10%, nhóm 4 là 9,7%, nhóm 5 là 9,5%. Kết quả trên cho thấy cơ cấu chi mua lương thực thực phẩm ở nhóm hộ có thu nhập thấp cao hơn so với hộ có thu nhập cao (mặc dù mức chi tiêu thấp hơn); cơ cấu chi ăn uống ngoài gia đình; chi đi lại, giáo dục, văn hoá, TDTT, giải trí ở nhóm hộ có thu nhập thấp đạt ít hơn so với hộ có thu nhập cao.

Song nếu so sánh với năm 2006 thì cơ cấu chi tiêu có một chút thay đổi. Chi tiêu về mua lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình vẫn chiếm tỷ trọng cao (2006: 51%; 2009: 54,6%). Trong chi tiêu sinh hoạt thì chi về nhà ở, điện, nước, chất đốt chiếm tỷ trọng cao hơn (2006: 3,3%; 2009: 6%); ngược lại cơ cấu chi về đi lại, chi về văn hoá, giải trí, chi may mặc, chi y tế chiếm thấp hơn (2006: 25,2%; 2009: 19,6%).

[1][2][3][4][5][6][7][8][9]